Trứng - Nguyễn Ngọc Duy Hân
Trứng
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Mùa Phục Sinh sắp tới, phố xá hàng quán bán đầy những đồ trang trí mừng Easter như trứng, thỏ.... Xin được bắt đầu câu chuyện tản mạn về trứng với câu hỏi: Con gà có trước hay trái trứng có trước. Câu trả lời của bạn là gì? Theo tiến sĩ Colin Freeman, nghiên cứu tại trường Đại học Sheffield thì người ta đã có bằng chứng khoa học để nói rằng con gà có trước quả trứng. Tuy nhiên tin hay không là tùy ở bạn, câu chuyện vẫn còn chưa hết tranh cãi.
Trứng đã có từ lâu đời, các nhà khảo cổ tìm thấy vỏ một trái trứng gà gần như nguyên vẹn ở thị trấn Yavne miền trung Do Thái, có thể đã xuất hiện cách đây 1,000 năm. Trứng (miền Nam gọi là hột - hột gà, hột vịt) là sản phẩm từ các loại gia cầm, chim chóc đẻ ra, là nguồn thức ăn bổ dưỡng. Bề ngoài của trứng thường có hình bầu dục, hai đầu to nhỏ không cân bằng. Các loại trứng phổ biến nhất là trứng gà, trứng vịt, trứng chim, trứng ngỗng, trứng đà điểu.
Trong đạo Phật, khi ăn chay có ăn trứng gà được không là câu hỏi rất nhiều người thắc mắc. Các bậc cao minh trả lời là nếu trứng gà không có trống, không có mầm sanh thì không có sự giết hại. Cho nên Phật tử dùng trứng vào những ngày ăn chay thì sẽ không phạm luật sát sanh.
Còn Kinh Thánh Công Giáo cũng có những câu liên hệ đến trứng như sau:
"Người ta cưu mang điều tai hại và đẻ ra điều gian ác. Chúng ấp trứng rắn, dệt màng nhện. Ai ăn trứng của chúng sẽ chết; Còn trứng bị bể sẽ nở ra rắn độc”.
Hoặc Chúa Giêsu đã tiên đoán nói với Phêro: "Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần".
Ostara
Trên thực tế, loài thỏ chỉ sinh con chứ không đẻ trứng, thế nhưng mùa Phục Sinh người ta hay trưng bày hình ảnh con thỏ và trái trứng vì có liên hệ đến câu chuyện thần thoại sau: Thần Ostara thấy một con chim sắp chết vì hai cánh bị đóng băng. Cảm thương, Ostara biến chim thành con thỏ và giữ nó bên mình làm thú cưng. Ostara cho thỏ có khả năng đẻ trứng, Tuy nhiên sau này, thỏ vô tình khiến Ostara nổi giận. Nó bị thần ném lên bầu trời, hóa vào chòm sao Lepus. Từ đó mỗi năm, thỏ chỉ được xuống trần gian một lần vào mùa Phục Sinh để tặng những quả trứng đáng yêu cho người trần thế. Và cũng từ đó, hình ảnh thỏ mang trứng trở thành một nét đặc biệt trong ngày lễ Phục Sinh của phương Tây.
Về văn hóa, trứng gà rất gần gũi với thôn quê, hình ảnh mẹ gà bảo vệ đàn con tượng trưng cho tình mẫu tử cao quý. Chắc ai cũng biết truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc có 100 trứng, sau đó trứng nở ra 100 người con, là tổ tiên của dân tộc Việt.
Trong kho tàng ca dao, có bài nói về cái khổ của người dân qua chuyện "Mười quả trứng" như sau:
“Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái
Về nuôi ba tháng; hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,
Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,
Bảy trứng: cũng ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ quắp
Con mặt cắt xơi”
Quả là rất khổ, 10 trái trứng coi như hỏng hết cả mười, xui tận mạng! Cuộc sống dân nghèo luôn bị đủ thứ tai ương là như thế.
Kho tàng văn chương bình dân cũng có các câu:
"Khôn từ trong trứng khôn ra, dại đến già vẫn dại"
hoặc ví von cảnh "Lấy trứng chọi đá" coi như biết trước sức yếu, thế nào cũng thua:
"Em ơi chị bảo em này
Trứng chọi với đá có ngày vỡ tan"
Ông bà cũng khuyên bậc cha mẹ: “Dạy con từ lúc còn trong trứng nước”, nghĩa là phải uốn nắn từ lúc trẻ còn thơ kẻo quá trễ.
Khi đứa trẻ thiếu kinh nghiệm mà lên mặt dậy đời, người ta mắng:
"Trứng mà đòi khôn hơn vịt!"
Hoặc ông bà đã chia sẻ nghệ thuật chăn nuôi:
“Nuôi gà phải chọn giống gà
Gà di bé giống nhưng mà đẻ mau
Nhất to là giống gà nâu
Lông dày thịt béo về sau đẻ nhiều”
Trong sách tập đọc cho trẻ em cũng có dạy:
“O tròn vo như trứng vịt”, câu này nói về khoa học thì không đúng lắm vì trứng vịt đâu có tròn vo, nó hình oval bầu dục với đầu to đầu nhỏ mà! Chắc là trẻ em không phân biệt được điều này nên thầy cô dạy thế cho đơn giản.
Ông bà ta cũng có câu:
"Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu điu lại nở ra dòng liu điu"
để chỉ việc giống nào sẽ ra giống nấy, khó mà có thể thay đổi được.
Bạn có biết câu đố: Mình rồng, đuôi phụng le te, mùa Đông ấp trứng, mùa Hè nở con - Là cây gì không?
Thưa đó là cây cau.
Khi xem trình diễn văn nghệ, nghe giảng thuyết, người ta có tục chọi trứng thối lên sân khấu để tỏ ý phản đối, chê bai. Điều này cũng lạ, tức là trước khi đi xem phải thủ sẵn mớ cà chua thối, trứng thối trong giỏ. Nếu biết dở sao lại còn mua vé đi coi??!!
Trong chuyện Kiều, cố thi hào Nguyễn Du không hề nhắc tới trứng trong hơn 3000 câu lục bát, tuy nhiên đã có mấy câu nhắc tới gà:
(837-838) Nước vỏ lựu máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.
(866) Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường.
(1123) Tiếng gà xao xác gáy mau
(1731) Ra tuồng mèo mả gà đồng,
(2030) Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.
(3216) Gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông.
Đặc biệt ở gia cầm, chúng nằm trên trứng để ấp rồi từ đó nở ra con. Có một số loài chim không tự ấp trứng mà lại luôn biết canh me, đẻ trứng trộm vào ổ các chim khác để nhờ ấp hộ. Việc này cũng có loài khác làm đấy! Đó là loài người, khi có người xấu luôn rình mò cơ hội cướp công, giành “credit” người khác, lợi dụng sự tốt bụng của người khác.
Chim Kiwi
Linh vật biểu tượng của đất nước Tân Tây Lan là một loài chim tên là Kiwi, thuộc dòng họ Apterygidae. Trứng của loài này có thể chiếm tới 1/4 trọng lượng cơ thể chim cái. Kiwi đẻ được mỗi năm 2 - 3 lứa, mỗi lứa chỉ một quả trứng. Loài chim này không bay, nằm trong nhóm chim chạу trên 2 chân giống như loài đà điểu. Kích thước của Kiwi khoảng 50cm, nặng 1kg, tức là chỉ khoảng một con gà cỡ nhỏ.
Tại sao trứng gà nâu lại mắc hơn trứng gà trắng? Ở Mỹ giống gà đẻ trứng nâu thường to con hơn, cần ăn uống nhiều hơn mới đủ năng lượng tạo màu cho vỏ trứng. Nhưng trên thực tế, các loại trứng gà đều khá giống nhau về mặt dinh dưỡng. Có khác nhau chăng là môi trường sống của gà mái. Chẳng hạn trứng của những con gà thả ngoài trời chứa lượng vitamin D gấp 3 hay 4 lần trứng của các con gà nhốt trong chuồng. Thức ăn của gà mái cũng ảnh hưởng đến hàm lượng chất dinh dưỡng trong trứng hoặc màu sắc của lòng đỏ trứng. Nếu lòng đỏ màu sẫm, điều đó chứng tỏ gà mái đã ăn nhiều loại rau xanh. Còn nếu trứng có lòng đỏ màu vàng nhạt thì hẳn là con gà đó ăn nhiều bắp và cỏ linh lăng, nếu gà mái ăn nhiều thóc gạo sẽ có lòng đỏ màu vàng tươi.
Trứng cũ thường bị mất hương vị, kém thơm ngon, nếu để trứng trong tủ lạnh, có thể giữ hương vị lâu hơn.
Ngoài ra còn có giống gà lông đen, đẻ ra trứng vỏ màu đen thui nữa.
Người ta chế biến ra trứng bắc thảo, hột vịt hoặc hột gà lộn, tức là có gà con thật nhỏ bên trong. Hột vịt muối cũng rất phổ thông, ăn với cháo trắng hoặc làm bánh Trung Thu thật ngon. Ngoài ra còn món trứng gà non, tức là cả chùm trứng lớn nhỏ còn trong bụng gà mái, chưa có vỏ ăn ngon và bổ.
Ngoài gia cầm, loài cá cũng có trứng, nhiều loại trứng cá rất hiếm, ngon, mắc tiền, mỗi muỗng cà-phê cả $100 đô. Rùa, thằn lằn, rắn, cá sấu … cũng đẻ trứng. Phụ nữ cũng có trứng, khi rụng trứng mà gặp tinh trùng thì sẽ thụ thai sinh ra con.
Không giống trái trứng, cũng không thuộc về động vật, nhưng chúng ta lại có cây trứng cá. Cây này rất phổ thông ở Việt Nam, trái nhỏ tròn màu vàng hoặc đỏ, có hột li ti bên trong giống như trứng cá. Thân cây trứng cá to, gỗ xốp, lá có răng, quả khi chín có màu đỏ, vị ngọt. Từ đó khi mặt nổi mụn lấm tấm cũng được gọi là có mụn trứng cá. Mụn này thường thấy trên da mặt người đang tuổi dậy thì.
Chuối khi chín tới mức vỏ chuyển sang màu vàng sẫm và lốm đốm chấm nâu, trông tựa như màu vỏ trứng chim cuốc, nên người ta ví là “chín trứng quốc”.
Quả trứng lớn nhất thế giới có chiều dài hơn 28cm và bề ngang 18cm, tìm thấy ở vùng đất băng giá của Nam Cực, có khoảng 68 triệu năm trước. Đây là trứng của một loài bò sát to như khủng long, nhưng không phải là trứng khủng long. Người ta ước tính con vật đẻ ra quả trứng này phải có chiều dài lên đến 7m.
Trứng đà điểu có đường kính khoảng 13 cm, nặng 1,4 kg, gấp 20 lần trọng lượng một quả trứng gà. Tuy nhiên, trứng chỉ nặng khoảng 1 tới 4% so với đà điểu mẹ.
Riêng trứng cá sấu chỉ lớn hơn quả trứng gà, nhưng nặng hơn, tức là trứng rất bé so với khích thước của cá sấu mẹ.
Trứng cút có những chấm nâu trên vỏ và tương đối nhỏ so với trứng gà, vì thân mình con chim cút nhỏ thôi.
Trứng vịt có lòng đỏ lớn hơn lòng đỏ trứng gà, vì thế có hàm lượng chất béo, hợp chất vitamin B và protein nhiều hơn. Trứng vịt có vỏ dày hơn nên giữ độ tươi ngon trong thời gian dài hơn.
Trứng ngỗng, trứng gà tây to hơn trứng vịt. Trứng đà điểu châu Phi là loại trứng chim lớn nhất hành tinh với trọng lượng khoảng 2 kg.
Anh chàng Mohammed Muqbel 20 tuổi, người Yemen sống ở Malaysia mới được trao kỷ lục thế giới Guinness vì xếp chồng 3 quả trứng lên nhau. Anh khéo tay xếp 3 quả trứng đứng lên nhau, tạo thành “tháp trứng”, nhưng vẫn chưa xếp được trái thứ tư. Bạn thử xem, biết đâu tạo được kỷ lục.
Chuyện chú gà trống bất ngờ đẻ trứng tại Nghệ An được cho là chuyện có thật. Chuyện này có lẽ cũng tin được, vì với hiện tượng lưỡng tính hiện nay, khoa học có thể giải thích lý do.
Theo tin tức trên Daily Mail, con gà mái có tên là Ping Pong đã đẻ ra một quả trứng hình tròn xoe như trái banh (không phải banh cà na!) Được biết cả tỷ quả mới có một quả “tròn vo như chữ O” như thế. Quả trứng có hình dạng đặc biệt này được rao bán với giá gần 750 đô Mỹ trên trang mạng eBay. Ăn thì chắc chẳng có hương vị gì khác, chỉ giữ cái vỏ trứng để chưng bày thôi.
Trứng lộn là món ăn giàu dinh dưỡng nhưng không nên ăn vào buổi tối vì sợ khó tiêu. Ngoài ra cũng nên ăn với rau răm để có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng.
Trứng gà là nguồn protein rất tốt, tuy nhiên ăn trứng sống có thể làm giảm chất lượng của protein. Người ta thử nghiệm thấy ăn trứng nấu chín sẽ được hấp thu khoảng 90% protein, trong khi chỉ có 50% trong trứng sống. Ngoài ra trứng nấu chín dễ tiêu hóa hơn không gây sình bụng, đầy hơi. Do đó món uống bổ dưỡng soda sữa hột gà cần được xét lại.
Theo nghiên cứu, lượng cholesterol có trong trứng gà là 470mg nhưng người ta chỉ cần 300mg cholesterol mỗi ngày, nên tốt nhất là không nên ăn quá 3 lòng đỏ trong 1 tuần.
Trứng có thể làm nhiều món ăn, có khi chỉ sử dụng lòng trắng hay lòng đỏ chứ không dùng nguyên trái. Ngoài cung cấp chất dinh dưỡng, trứng gà còn giúp làm đẹp và chữa các bệnh thông dụng như kiết lỵ, đau dạ dày, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tốt cho sức khỏe của mắt.
Có nhiều người thích ăn trứng ung, tuy nhiên nếu hệ tiêu hóa yếu, bạn dễ bị tiêu chảy. Ăn trứng chin “lòng đào” là tốt nhất, vì nếu ăn trứng sống cơ thể chỉ hấp thu được 30% - 50% dinh dưỡng, còn có thể bị nhiễm vi khuẩn. Còn nếu trứng luộc chín quá sẽ khiến các ion kim loại trong lòng đỏ và các ion lưu huỳnh trong lòng trắng khó hấp thu.
Trứng tươi ngay sau khi đẻ có thể để lâu đến 2 tháng khi cho vào trong tủ lạnh. Bên Mỹ các trại chăn nuôi rửa trứng rất sạch trước khi đem bán. Bên châu Âu ngược lại cấm rửa vì cho rằng gà vịt đã tự có một chất riêng để bảo vệ trứng, rửa đi thì phản thiên nhiên!
Tản mạn về trứng thì không thể không nhắc tới Christopher Columbus, người phát hiện ra châu Mỹ cũng từng nổi tiếng với câu chuyện trái trứng. Ông được nữ hoàng Isabella trọng thưởng, tuy nhiên, những kẻ ghen ghét ông cũng nhiều. Họ nói: "Trái đất vốn tròn, cứ đi mãi thì kiểu gì chẳng phát hiện ra châu Mỹ". Columbus bèn đố mọi người đặt quả trứng luộc lên bàn theo chiều đứng sao cho nó không lăn. Mọi người thử nhưng không thành công. Columbus liền đập nhẹ đầu quả trứng xuống mặt bàn, sau đó để đầu móp của quả trứng lên bàn. Quả trứng vì thế có thể đứng im không lăn. Cả phòng nhao nhao:
- Ôi dào, tưởng sao, chuyện nhỏ!
Columbus nói:
- Đúng, chuyện nhỏ như chuyện tôi tìm ra châu Mỹ vậy.
Khi người khác làm được điều gì mới lạ, trổ tài, thái độ của mình nên như thế nào? Câu này mời bạn trả lời dùm nhé.
Về ngụ ngôn cũng có một câu chuyện khác, kể về cô gái luôn than thở về những khó khăn gặp phải. Người cha liền dẫn cô xuống bếp, ông cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào nồi nấu. Cả 3 nguyên liệu đều gặp phải một nghịch cảnh là nước sôi 100 độ, nhưng kết quả thật khác nhau. Cà rốt khi còn sống thì rất cứng, nhưng sau khi luộc chúng trở nên mềm xèo. Trứng khi chưa luộc thì dễ vỡ, khi luộc xong trứng trở thành đặc và chắc. Hạt cà phê khi qua nước đun sôi thì ra chất nước màu nâu thơm ngon. Người cha liền hỏi con gái:
“Còn con, khi gặp với khó khăn trong cuộc sống, con sẽ phản ứng như thế nào? Nếu đương đầu với thử thách, con muốn mình sẽ là gì: Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?"
Bạn cũng hãy tự hỏi mình câu này nhé.
Chuyện Leonard và vị thầy giáo cứ bắt ông vẽ trứng gà cũng là một chuyện có ý nghĩa. Thầy bảo vẽ trứng không hề đơn giản, một quả trứng ở những góc độ khác nhau sẽ nhìn rất khác nhau. Leonard de Vinci vâng lời chăm chỉ luyện tập, cuối cùng ông cũng đã kiên nhẫn, tinh tế để sáng tạo ra những bức họa bất hủ, trở thành một nhà họa sĩ, điêu khắc vĩ đại của lịch sử nhân loại. Quả thế, thành công luôn được xây dựng trên nền tảng của sự chăm chỉ, cố gắng không ngừng. Có những người siêng năng nhưng xui xẻo lại thất bại, nhưng rất hiếm người thành công mà do làm biếng.
Ngoài ra, cũng xin mời bạn cùng đọc lại câu chuyện ngụ ngôn Con gà đẻ trứng vàng nhé. Chuyện kể rằng có một chàng trai bắt được con gà mái định làm thịt. Con gà van xin: "Nếu anh tha chết cho tôi, mỗi ngày tôi sẽ đẻ một quả trứng vàng cho anh". Từ đó, mỗi ngày con gà đẻ một quả trứng vàng, nhưng anh chàng lại tham lam nghĩ: "Nếu mình mổ bụng con gà ra, mình có thể lấy được tất cả vàng, không phải đợi mỗi ngày". Rồi anh mổ bụng gà ra và không thấy vàng đâu cả, sự tham lam mau giàu “dục tốc bất đạt”, kém suy nghĩ đã gây ra tai hại. Anh ta hối hận khóc than nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. Đây là câu chuyện ngụ ngôn mình có thể áp dụng trong đời sống.
Trở về thực tế, trứng là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, về dinh dưỡng có nhiều chất protein, vitamin A, B, D, E, K tổng hợp, lại có can-xi, kẽm, chất béo lành mạnh. Thị lực chúng ta sẽ yếu đi theo tuổi tác, nhưng hai chất chống oxy hóa trong trứng là zeaxanthin và lutein sẽ giúp rất nhiều cho mắt. Chất canxi trong trứng giúp hình thành xương, tóc và móng tay móng chân. Trứng lại giúp tăng hàm lượng cholesterol tốt mà lại có thể giảm cân vì ăn trứng giúp bạn cảm thấy no hơn, không ăn thêm những thứ linh tinh “junk food” khác.
Các món ăn từ trứng thì không kể xiết, quen thuộc như trứng omelet, trứng luộc ăn với muối tiêu, nước mắm hoặc ăn kèm thịt, bò viên trong tô hủ tiếu, bỏ trong cái bánh bao. Riêng món trứng cuộn ta đã có thể biến đổi các loại nhân như hành lá, cà chua, thịt bằm, phô mai, jambon... Người Hàn cho nguyên lòng đỏ vào món cơm trộn, người Hoa dùng trong cơm chiên. Trứng muối được ngâm trong hỗn hợp muối, đường, hồi, quế trong khoảng từ 3-4 tuần, ăn ngon mà lại giữ được lâu. Trứng bắc thảo ngâm trong hỗn hợp bùn nhão được làm từ đất sét pha kiềm và nước, hoặc tro gỗ, vôi muối trong khoảng 3 tháng trở thành món ăn rất đặc biệt. Trứng được dùng làm bánh ngọt, bánh flan, bông lan, ngay cả trong chả ram. Trứng chưng với mắm ăn với cơm trắng thì “bá cháy”. Người ta có thể đánh bông lòng đỏ với sữa đặc và đường trắng rồi sau đó đổ cà phê đang đun sôi lên thành thức uống nổi tiếng ở Hà Nội. Trứng nướng với lá mơ để trị bệnh đau bụng, kiết lỵ rất hay. Món kho thịt với trứng là món truyền thống không thể thiếu trong các ngày Tết đầu năm. Nhớ hồi sau 1975, đổi tiền mấy lần khiến nhà tôi nghèo hơn bao giờ, khi có ông cậu tới thăm phải vội vàng ra chợ mua 2 trái trứng vịt, về trộn thêm với bột chiên lên ăn cơm. Bây giờ sung sướng ăn không biết bao nhiêu món trứng ngon, nhớ tới 2 trái trứng ngày ấy mà ngậm ngùi muốn rơi nước mắt. Thương cho ba má, thương cho ông cậu hiền lành, thương cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, cũng như đất nước Afghanistan vừa bị Mỹ bỏ rơi, phải chịu quân Taliban cai trị bây giờ.
Ngoài để ăn, trong trứng gà còn có thành phần tốt cho da như protein, đạm, abumin, collagen, enzyme… Nó có tác dụng se khít lỗ chân lông, tăng sắc hồng cho làn da, giảm lượng bã nhờn và ngăn ngừa mụn. Dù mặt nạ trứng gà có nhiều công dụng nhưng nếu sử dụng mỗi ngày thì không tốt. Bạn chỉ nên đắp mặt nạ trứng 2-3 lần mỗi tuần kẻo có thể bị tắc nghẽn lỗ chân lông, tăng cơ hội bị lên mụn, da bị sưng đỏ và ngứa.
Tiếp theo chuyện về Trứng, cũng không quên nhắc tới loài chim cánh cụt Penguin gồm gần 20 loài khác nhau, chúng sống ở cực Nam của trái đất. Chim cánh cụt ấp trứng theo cách rất đặc biệt. Chim cái đẻ chỉ 1 quả trứng mỗi lứa, rồi chim đực đến lăn quả trứng lên mu bàn chân, nhờ nếp da đặc biệt ở vùng bụng chim bảo vệ được trứng khỏi cái lạnh. Do đó chim cánh cụt trống không di chuyển cũng như không ăn trong suốt thời gian ấp trứng. Trong khi đó chim mái đi ra biển tìm thức ăn và chỉ trở lại sau 2 tháng. Chờ khi chim mái trở lại chim trống mới đi kiếm ăn. Vai trò làm cha của chim penguin thật đáng khen.
Chuyện phong tục vui vui là trong mâm cơm đãi khách của người Thái Lan thường thiếu món trứng. Lý do là chủ nhà tin rằng nếu khách ăn trứng, lần sau họ sẽ chẳng đến nhà thăm nữa, vì thế phải kiêng. Người Trung Hoa khi đón dâu về, đôi vợ chồng mới cưới sẽ theo phong tục cổ truyền cùng ăn chung hai quả trứng luộc, vỏ nhuộm màu đỏ để chỉ sự may mắn. Mỗi quả cắt làm hai, cặp tân hôn sẽ chia nhau mỗi người ăn nửa quả để minh chứng sự cộng tác, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi. Ừ nhỉ, biết đâu vì các cặp vợ chồng mới cưới ngày nay không chịu giữ phong tục này, nên tỉ lệ li dị mới cao như thế!
Nói chuyện tản mạn nãy giờ, đã đến lúc phải kết bài. Tôi xin “thành thật khai báo” là khi còn bé, tôi đã ra vườn và lượm được trứng chim trong tổ. Vì tuổi nhỏ ngây thơ, tôi đã vui vẻ đem những trái trứng bé tí xinh xắn này chiên ăn, không biết mình đã quá ác với chim mẹ. Bây giờ hiểu biết hơn, hối lỗi thì đã muộn. Tôi nhủ lòng phải biết học hỏi, thực hành, bồi dưỡng tri thức để tránh điều ác, làm điều thiện nhiều hơn. Nói vậy nhưng chẳng có cái ngu nào giống cái ngu nào, dù sao thì cũng cố gắng.
Cầu chúc bạn và gia đình luôn tròn đầy hạnh phúc như trái trứng.
Nam Mai sưu tầm