Còn sống tìm nhau - Đàm Hà Phú
Còn sống tìm nhau
Đàm Hà Phú
Có anh này, kêu bằng anh Tài. Anh Tài chạy taxi hãng. Quê anh Tài ở tuốt miệt Hậu Giang xa xôi. Anh Tài trước làm ruộng, có vợ có con đường hoàng nhưng mà cuộc đời không suôn sẻ nên chị vợ anh chẳng may mất sớm, lúc con gái anh mới chừng ba tuổi. Anh Tài nuôi con một mình mà ở nhà nhớ vợ quá không đành nên lúc đứa nhỏ được sáu tuổi anh Tài đưa con lên thành phố, theo bạn bè học lái xe rồi chạy taxi từ đó tới giờ.
Hai cha con anh Tài ở một phòng trọ nhỏ, trong dãy nhà trọ gần Quốc lộ 50, Bình Chánh. Anh Tài vui vẻ dễ thương, chạy xe khách nào cũng mến, ai cũng cho thêm tiền, có người đi chợ về còn cho mớ rau, miếng thịt, có người dư áo dư quần đều để dành cho anh, nên anh sống cũng khoẻ. Con gái anh Tài, ta gọi bằng con Gái, nó cũng đi học nay tới lớp 6 rồi, tự chạy xe đạp đi học, tự cơm nước chợ búa được luôn, cha con nương nhau mà sống, nhà trọ nhỏ mà mỗi ngày đều cơm nóng canh ngọt, đầy ắp tiếng cười.
Có người thấy anh Tài gà trống nuôi con bèn mai mối người này người kia đặng giúp anh Tài đi bước nữa mà anh đều cười từ chối, anh nói anh nói bị hồi xưa coi cái tuồng Phạm Công – Cúc Hoa quá sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng nên anh không dám lấy thêm vợ, anh cười hề hề, hai cha con vui rồi, cần gì nữa.
Tháng Bảy là Sài Gòn bùng dịch. Đúng ngày 9 Tháng Bảy anh chạy cuốc xe cuối cùng, chở một cô gái từ ngoài Bắc vô thăm em. Đó là cuốc xe anh nhớ rõ vì lúc đó là gần nửa đêm, anh đón cô gái về Bình Chánh. Anh nói với người khách, tiện quá tôi chạy cuốc này về cất xe nghỉ luôn. Đó là một cô gái không đẹp không xấu, mà lúc nửa đêm thì có biết xấu đẹp gì, cô cao ráo, mang một cái túi hai quai căng tròn, loại túi dân thể thao hay xách, cô tầm ba mươi và có giọng nói như hát. Cô gái đó vô ở cái nhà ngay đầu hẻm, mà tình cờ, cuối hẻm là nhà trọ nơi anh ở luôn.
Cô gái đó không có đi thăm em như cô nói, cô vào làm giúp việc cho căn nhà đó, họ vừa có người mới sanh nên cần người phụ việc, họ cũng người ngoài Bắc nên gọi về quê tìm đồng hương vào làm cho tiện. Sau này ra vô gặp nhau rồi nói chuyện mới biết, cô có một con trai nhỏ, mới 5 tuổi, hiện đang gửi bà ngoại ở quê, vợ chồng cô đã ly dị, chồng cô lấy vợ mới ở mãi trên Cao Bằng, anh Tài nghe gật gật chớ có biết Cao Bằng ở đâu. Cô gái, ta tạm gọi là cô Xoan, có mái tóc đẹp, có giọng nói nhẹ nhàng và làm việc luôn tay. Hai người, anh Tài và cô Xoan lưu số, tối về nhắn tin qua lại.
Tới đây chắc mọi người đoán ra rồi ha, mà thiệt ra không có gì để đoán đâu, đơn giản thôi. Cô Xoan dương tính đầu tiên, cô được xe cấp cứu đưa đi, rồi sau đó mọi người trong căn nhà cô ở cũng lần lượt đưa đi cách ly chữa trị hết. Anh Tài vẫn nhắn tin cho cô miết, cũng nghe người ta dặn cô nhớ tập thở, phơi nắng, lạc quan lên… Anh Tài ở nhà khó chịu quá, khi hãng taxi kêu gọi tài xế đăng ký chạy trong dịch, anh Tài đăng ký liền. Cuốc xe đầu tiên ngày quay lại chạy, anh Tài đón cô Xoan từ bệnh viện về.
Cô Xoan về nhà vẫn mệt hung, nhà không có ai chỉ còn một ông chú già, không hiểu vì lý do gì, vẫn chưa nhiễm bệnh. Lúc này mọi người ở khu nhà trọ anh Tài đều bỏ về quê, ở Sài Gòn nguy hiểm mà còn bị phong tỏa thiếu ăn khổ quá. Anh Tài tính đưa con Gái về mà nó không chịu nên thôi hai cha con ở lại cầm cự tiếp. Rồi tới lượt anh Tài, sáng ra đi xét nghiệm trước khi lấy xe là dính luôn, có xe chở thẳng vô viện. Anh Tài chỉ kịp nhắn cho bé Gái ở nhà ngoan chờ ba, hai tuần ba về thôi. Rồi anh nhắn cô Xoan coi có qua lại để ý con bé giùm anh.
Anh Tài không về nhà như cái hẹn hai tuần ban đầu, anh bị nặng hung, một phần do mấy ngày liền chạy xe ngày mười mấy tiếng, ăn uống không đủ, nên cơ thể anh kiệt sức, một phần vì anh lại mắc thêm một chứng bệnh nguy hiểm: Tiểu đường. Cái hẹn hai tuần thành kéo dài hết tuần này qua tuần khác. Cô Xoan qua ở hẳn nhà anh Tài, chăm sóc cho con Gái, sợ nó buồn quá, mà nó buồn thiệt, nó bỏ ăn bỏ uống, đeo cái khẩu tranh xanh ra ngồi ở cửa hóng ba Tài nó về.
Các y bác sĩ chật vật dữ lắm để cứu anh Tài, lúc anh chỉ còn thoi thóp như một cái xác khô, có một nhân viên y tế ngày nào cũng đến với một hộp sữa bắt anh uống và xạc pin điện thoại giúp anh để nhắn tin. Rồi sau anh nhắn tin hết nổi, bệnh viện thu điện thoại để bên ngoài phòng. Cô nhân viên y tế vẫn đưa lon sữa cho anh, anh nói cô làm ơn cho tui nhắn tin cho con Gái, nó mà không còn thấy tin nhắn tui là nó buồn lắm. Cô nhân viên y tế nhân hậu nói, thôi anh nói nội dung đi, rồi tui nhắn tin giùm anh.
Vậy là cô nhân viên y tế trong một bệnh viện dã chiến kiêm luôn người nhắn tin giùm, tất nhiên cô chỉ nhắn vào giờ nghỉ, nhắn tin qua lại với con bé Gái, trong loạt tin nhắn cô nhận được, ngoài con gái anh Tài, thì còn có cô Xoan.
Cô Xoan được gia đình cô đang ở thu xếp một vé máy bay hồi hương, trước khi về cô cũng kịp đăng ký đưa được bé Gái về Hậu Giang bằng xe hồi hương của Phương Trang. Cô Xoan nhắn anh Tài mau khoẻ để về với bé Gái, nó chờ anh miết.
Ngày người ta chuyển anh Tài qua khu thở máy thì anh hôn mê rồi, lành ít dữ nhiều, cô nhân viên y tế vẫn xạc cái điện thoại của anh Tài, cô vẫn nhắn tin động viên bé Gái, và khi thấy quá nhiều tin của cô Xoan chưa được hồi đáp, cô nhân viên y tế bèn đánh liều trả lời loạt tin nhắn của cô Xoan, chủ yếu để cô Xoan đừng nhắn nữa. “Nếu còn sống anh tìm em”.
Vậy mà không biết nhờ con bé Gái cầu nguyện, hay nhờ cô nhân viên y tế hết lòng, anh Tài sống lại một cách kỳ diệu. Anh Tài xuất viện sau 70 ngày cầm cự, hai tuần thành 10 tuần, tới ngày ra viện anh cũng không biết tên tuổi và gương mặt cô nhân viên y tế đã giúp mình. Sau này đọc lại loạt tin nhắn cũ, thấy cái tin “nếu còn sống anh tìm em”, anh Tài đi tìm cô Xoan thiệt. Mùng Hai Tết vừa rồi, anh Tài và con bé Gái xuất hiện trước cửa nhà cô Xoan, ở Thanh Hoá, nghe nói hai người định sẽ làm đám cưới cuối năm nay, ở Sài Gòn.
Tài nói với tôi trong lúc chở tôi đi nhậu, xóm em chết bảy, mà hết ba người là tài xế như em. Lúc sắp chết em sợ lắm, giờ em thấy thương ai được thì thương đi, sống chết mong manh lắm anh Hai. Tài cười lớn, có vụ này vui nè anh, em tìm được chị bác sĩ nhắn tin giùm em rồi anh Hai, người gì mà tốt như thần tiên luôn vậy đó, đám cưới tụi em là bả làm chủ hôn luôn nha anh Hai.
Đàm Hà Phú
Nam Mai sưu tầm