Lá diêu bông Tác giả: Hoàng Cầm

 

LÁ DIÊU BÔNG 

Tác giả  HOÀNG CẦM

 Bài thơ: LÁ DIÊU BÔNG (Hoàng Cầm) - YouTube

Lá diêu bông là gì?

 Bài thơ Lá Diêu Bông được thi sĩ Hoàng Cầm sáng tác ở miền Bắc vào năm 1959, nhưng “lá diêu bông” chỉ thật sự trở nên quen thuộc với công chúng khi nhạc sĩ Trần Tiến năm 1990 mượn hình ảnh đó để viết thành bài hát Sao em nỡ vội lấy chồng nổi tiếng trong và ngoài nước.

Lá Diêu Bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ

Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười se chỉ ấm trôn kim

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
ới diêu bông…!

 Lá Diêu Bông" - Một mối tình đơn phương lãng mạn 90 năm trước

Dưới đây là câu chuyện do Hoàng Cầm kể về sự tích “lá diêu bông” trong bài thơ của mình. 

Nói chung hầu hết những bài thơ của tôi được độc giả ưa thích trong nhiều năm, bao giờ cũng bắt đầu một cách vi diệu là “từ ngoài tôi”, vẳng lên đôi ba câu nghe rất rành rẽ, giọng phụ nữ lảnh lót mà rất xa, như hát mà như đọc. Như một tia nước trong vắt phun lên từ ruột đất khi chúng ta thăm dò mạch nước ngầm để đào giếng, khi đã có đôi ba câu vẳng lên bên tai, tôi ghi ngay, bắt lấy ngay và từ đó là tình cảm, suy tư cuồn cuộn trong người. Tôi thường tiếp được mạch ban đầu ấy và nối luôn các đợt sóng tuôn trào cho đến khi trong người thấy yên ắng, nhẹ nhõm là bài thơ cũng hoàn tất.

Ví dụ như bài thơ dài ‘Bên kia Sông Ðuống’, tôi đã viết rất tỉ mỉ, thuật lại những trạng thái của tâm tư mình trước lúc bật ra thơ. Tôi đang ở trong trạng thái bồn chồn, thao thức, tâm tư rối bời sau khi nghe báo cáo về quê hương mình bị giặc Pháp xâm lược kéo lên tàn phá, giết chóc, tôi chưa định viết gì, lúc quá nửa đêm vẳng lặng, bỗng văng vẳng bên tai ba câu: 

Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Ðuống
Ngày xưa… cát trắng phẳng lì

Tôi bèn chộp lấy, ghi ngay và cứ thế cảm xúc trào ra một mạch dài, viết rất nhanh, sợ không theo kịp những âm thanh, làn điệu đang cuồn cuộn dâng lên trong lòng mình. Cho đến gần sáng thì xong bài thơ, một trong những bài được các bạn già, trẻ, nam, nữ yêu mến đã gần nửa thế kỷ. Những bài thơ như vậy, thường là không theo một ý nghĩ nào định trước, tác giả giống như một cậu học trò viết chính tả, lúc đầu là có tiếng đọc rành rọt bên tai, sau là viết theo tiếng đọc âm thầm từ trong tâm can mình, ở những trường hợp ấy tôi không hề cấu tứ, nghĩ ngợi gì về câu, chữ, không theo một luật nào của thi pháp về thanh điệu, ngữ điệu gì hết. Tôi chỉ tuân theo nhịp rung động của toàn thân, cả tâm hồn và thể chất, khí chất.

Bài thơ “Lá diêu bông” tôi viết về một câu chuyện có thật, câu chuyện về mối tình đầu trong đời tôi. Quá nửa đêm mùa rét năm 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn 6 watt (oát), bên cạnh người vợ đang ngủ ngon và các con cũng đang ngủ say ở giường bên, tôi không gây một tiếng động khả dĩ làm mất giấc ngủ của những người thân. Đêm nào khi lên giường nằm, tôi cũng để sẵn một tập giấy trắng và một cây bút chì. Nếu ngủ được thì tốt, nhưng thường về đêm, tôi cứ hay bị thao thức, trằn trọc vô cớ.

Chẳng có chuyện gì phải lo nghĩ, chẳng có ý định gì trong đầu mà sao về quá nửa đêm một mùa rét ấy tôi vẫn không ngủ được. Bốn bề yên tĩnh.

Nhà tôi ở vào một phố nhỏ, lại lùi tít vào bên trong nên tiếng xe cộ thưa thớt bên ngoài đường cũng không lọt được vào tai. Im lặng. Chợt bên tai vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về:

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…

Tôi xoay người trong chăn về phía bên trái và ghi ngay. Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bẫng hẳn, một lát sau tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xóa mất chữ khác. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua.

Truyền thuyết về Lá Diêu Bông và nhạc sĩ Trần Tiến

Bài thơ ‘Lá diêu bông’ ra đời như vậy, nói có người không tin, nhưng tôi nghĩ bây giờ khoa tâm thần học, vô thức luận, tâm linh học có thể lý giải được hiện tượng đó một cách khoa học. Vậy nên, Lá diêu bông là cái gì, ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc Diêu Bông, tôi chép Diêu Bông, thế thôi! Ai hỏi tôi Lá diêu bông, cỏ Bồng Thi là lá gì, cỏ gì, ở đâu? Tôi chịu, không giải thích được…

Nhưng nó có nguồn gốc của nó đấy. Năm 10 tuổi, tôi say mê một người con gái láng giềng hơn tôi 8 tuổi.

Tôi nhớ đâu hồi lên 4 tuổi, cha mẹ tôi từ làng quê chuyển lên sống ở một phố nhỏ dọc đường quốc lộ. Gọi là phố nhưng thực ra chỉ có khoảng 14, 15 ngôi nhà dựng dọc hai bên đường, cách thị xã Bắc Giang chừng 6 cây số. Nhà tôi quay về hướng tây, phía trước là đường cái, sau nhà có một mảnh vườn nhỏ có hàng rào dâm bụt, tiếp đấy là đường xe lửa. Người trong phố làm các nghề thợ may, cắt tóc. Cha tôi có tủ thuốc bắc và gánh hàng xén của mẹ.

Lên 5, cha tôi đã cho tôi đến trường, cách nhà chừng 2 cây số. Nhưng đi học xa, dọc đường hay bị trẻ chăn trâu bắt nạt, vì vậy năm sau ông gửi tôi lên tỉnh học. Lên 6, tôi đã đọc thông viết thạo, lại thêm võ vẽ chữ Pháp, nên được nhận vào trường công ở thị xã Bắc Giang. Tôi được gửi ở nhà thầy ký ga Núi Tiết, tên chữ nhà ga đề là Núi Tiết, thực tên là Thiết Sơn, một tổng thuộc huyện Việt Yên. Ga ấy cách Hà Nội 44 km. Mỗi chiều thứ bảy, tôi đi thẳng từ trường ra sân ga lấy vé, đi tàu mất 10 phút là về đến ga gần nhà. Thuở ấy đi tàu dễ dàng nên trẻ con đi một mình cũng không sợ. Cuộc đời của một thằng bé cứ lặng lẽ trôi nếu không có một biến đổi về tình cảm mà dấu ấn của nó sẽ để lại trong lòng tôi nhiều cảm nghĩ đến tận sau này.

Năm đó tôi lên 10, đã học đến lớp ba (cour élémentaire). Một buổi chiều thứ bảy, tôi về nhà như thường lệ, khoảng hơn 4 giờ chiều. Ðang dừng lại ngoài sân nhìn vào trong nhà, tôi thấy một cô gái đang cúi xuống bồ hàng xén của mẹ tôi chọn mua một cái gì đó. Chị mặc chiếc áo phin trắng, ngoài có chiếc gilê màu thẫm. Khi đó nắng xiên khoai dọi vào nhà, lúc chị ngửng đầu lên thì cả khuôn mặt chị được ráng vàng chiếu sáng, tôi thấy bừng lên một khuôn mặt khiến tôi choáng váng cả người. Không hiểu cái máu đa tình có từ bao giờ, mà chỉ mới lên chín lên mười, tôi đã bị khuôn mặt đó làm cho tôi ngơ ngẩn suốt buổi chiều.

 Sự tích về "Lá Diêu Bông" trong thơ - nhạc, và mối tình "chị - em" của thi  sĩ Hoàng Cầm

Mua hàng xong chị ra về, khi đi ngang qua tôi trông theo, thì biết chị là người hàng xóm, ở ngôi nhà ngay bên kia đường hơi xế cửa nhà tôi. Hỏi mẹ thì biết gia đình nhà đó mới dọn về, có ba mẹ con, chị là con gái lớn, còn một cậu em trai nhỏ. Thảo nào tuần trước tôi về chưa gặp. Tên chị là Vinh. Cả ngày chủ nhật hôm sau, tôi cứ ngong ngóng nhìn sang nhà đàng trước, chờ xem chị có xuất hiện không. Ðến sáng thứ hai tôi lại quay trở về thị xã Bắc Giang.

Về đến Bắc Giang, tôi làm ngay một bài thơ gửi chị, theo thể lục bát. Hồi đó tuy chưa học niêm luật, nhưng tôi đã biết làm thơ lục bát. Nguyên tôi trọ học ở nhà ông ký ga, buổi tối, gia đình ông đông con, làm nghề hàng xay, hàng xáo, đêm nào cũng xay lúa, giã gạo rồi quạt sẩy đến khuya. Tôi học bài, làm bài xong, tuy buồn ngủ, các anh các chị cứ bắt xuống nhà ngang, từ 9 giờ tối, đêm nào cũng phải  đọc đủ thứ chuyện dân gian, trong khi họ đang giần sàng thóc gạo. Đủ các loại truyện, thể thơ lục bát, từ Trê Cóc đến Truyện Kiều, từ Nhị Ðộ Mai đến Hoa  Tiên, rồi Lục Vân Tiên, Hoàng Trừu, Thạch Sanh, Phạm Công-Cúc Hoa, Tống Trân-Cúc Hoa… Tôi có giọng tốt, lại biết ngâm nga, và cũng vì vậy mà thơ lục bát cứ ngấm vào người tôi, không cần học cũng biết cách gieo vần.

Tôi chép bài thơ vào tờ giấy học sinh. Trang đầu chép bốn câu có vẽ hoa bướm, trang sau chép nốt bài. Tôi không còn nhớ bài thơ tình đầu tiên đó viết những gì. Chỉ nhớ là tôi nắn nót viết lên đầu trang giấy dòng chữ “Em gửi chị Vinh của em”. Tôi bỏ thơ vào phong bì, chờ hôm về nhà, tìm gặp chị trao tận tay nói:“Em gửi chị cái này.” Rồi thứ bẩy sau về nhà, tôi trao bức thư tỏ tình đầu tiên viết bằng thơ lục bát, chị không mở ra xem, chỉ mỉm cười hơi bí mật rồi bỏ vào túi, không nói gì. Sau đó chị không nhắc đến bài thơ đó, và tôi cũng không hỏi lại.

Người con gái nhan sắc ấy là con một nhà nho chẳng may chết sớm, ba mẹ con, mẹ góa con côi, đèo bòng nhau lên cái phố xép này mở ngôi hàng bán kẹo bánh, nước chè tươi, nước vối, bánh đa, bánh đúc, bánh mật, bánh khoai. Chị Vinh võ vẽ chữ Nho, đọc thông quốc ngữ, người quê gốc cũng Tiên Du, nên hát quan họ thì làm mê người ta ngang với nhan sắc của chị.

Lá diêu bông là gì? Lá diêu bông có thực sự tồn tại không?

 Từ đấy tôi không chỉ về nhà chiều thứ bảy, mà ngày thứ năm được nghỉ, tôi về cả chiều thứ tư. Mục đích là để được gặp chị. Ngày nghỉ, hễ thấy chị đi đâu là tôi đi theo đấy, đôi khi chị thấy tôi đi theo thì đưa tay dắt. Mỗi khi chị ôm chiếu ra sông giặt, tôi lại lẽo đẽo đi theo, ngồi trên bờ nhìn chị cúi khom mình giặt chiếu ven sông. Tình yêu tôi dành cho chị chỉ có thế, nhưng nó cứ đeo đẳng tôi hết năm này sang năm khác. Tôi càng lớn thì tình yêu đó càng thêm đằm thắm, nhưng tôi chưa biết làm thế nào để bày tỏ mối tình của mình.

Chị cũng thừa biết thằng bé con này, (tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, chỉ đơn giản là tôi ra đời ở thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Giang, nơi bố tôi ở nhờ để gõ đầu trẻ), nó mê đắm mình, nên chị cứ hay trêu đùa, lắm lúc tôi phát khóc, nhưng cũng nhiều giờ phút tôi có một niềm hạnh phúc không có gì so sánh nổi là được chị Vinh cho ngồi sát bên chị, chầu rìa những cuộc chơi tam cúc ngày Tết.

Những đêm sáng trăng, chị Vinh thường tập hợp trẻ em từ 10 đến 15 tuổi cả trai lẫn gái, tụ tập trên bãi cỏ sau ga để tập hát. Chị Vinh có giọng ca hay, thường cùng một vài chị trong xóm hát Quan họ. Chúng tôi được chị dạy hát đủ loại dân ca như Trống quân, Cò lả, hát giao duyên, hát vấn đáp,… Mỗi khi đứng hát, tôi thường chen vào đứng cạnh chị, có khi tôi đứng trước chị, đầu tôi vừa đúng ngang tầm ngực của chị. Có khi chị ôm lấy vai tôi, tôi hơi ngả đầu vào người chị, chị khe khẽ vuốt cổ xoa lên hai vai tôi. Tôi có một cảm giác là lạ, đó là những giờ phút say sưa nhất của tôi. Những đêm tháng chín tháng mười, trời hơi se lạnh, đứng dưới gốc cây trên bãi cỏ, tôi được hơi ấm từ người chị truyền sang. Mặc dù lúc đó tôi còn bé, nhưng là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lại đi học, khác hẳn với những đứa trẻ khác trong xóm. Ðược chị ôm trong lòng, nhưng tôi chưa bao giờ dám chủ động ôm người chị.

Giọng chị ngọt, say như mật ong, đôi mắt đen buồn thăm thẳm với hàng mi cong và dài, má luôn ửng đỏ, môi luôn đã hồng lại còn cắn chỉ quết trầu, răng đen rưng rức hạt na. Chị Vinh ơi, viết đến đây, em vẫn bồi hồi nhớ từng sợi tóc chị dán trên vừng trán, từng con mắt chị lúng liếng tình tứ, từng giọng hát, từng lời nói, từng nụ cười, em còn ngửi thấy hơi tóc ấm của chị thoảng mùi hương nhu mới gội buổi chiều, mà nếu chị buông tóc dài quá đầu gối để hong khô thì cả suối tóc ấy làm thành thế giới mê say của riêng em từ độ ấy đến ngày nay. Dẫu tóc em đã trắng hết, em vẫn có thể vẽ đúng chân dung chị nếu có người chỉ dẫn cho em đôi điều cơ bản về hội họa. Ảnh chị in mầu trong hồn em, vẫn còn đầy đủ và tươi tắn, nguyên vẹn từ hơn sáu chục năm rồi đấy, chị ơi!

Tình cảm em với người chị ấy, sơ lược là thế. Tôi sẽ viết tỉ mỉ hơn nhiều trong tập hồi ký sau này, để một số bạn ở xa quê hương hiểu kĩ về thơ tôi hơn, tránh được những điều bình luận sai lạc. Trong tập ‘Về Kinh Bắc’ thì hai nhân vật chị và em ấy đã xuyên qua năm tháng và không gian, qua gió mưa và nắng đẹp, qua biết bao biểu hiện của tâm tư, của số phận, mà trội lên vẫn là cái sầu đơn phương, cứ vương vấn mãi, cho tôi nhớ mãi một kiếp này, biết đâu còn xót xa yêu thương vào tận kiếp sau… Tôi chìm về một quê hương xa, có thực mà như ảo ảnh, là ảo ảnh mà tưởng như gần gũi đâu đây, cứ chập chờn năm tháng và bảng lảng trời mây, xanh mơ mong manh mầu kỷ niệm pha chút tím của tiếc hận, chút hồng của tuổi thơ, chút biêng biếc thắm của say mê, não nùng, của thương cảm không có bến buông neo, và nhìn chung chỉ thấy con mắt của thời gian không hề suy suyển đến một sợi mi cong… Như gần đây tôi đã phải thốt ra: “Mắt thời gian càng miên man xanh…”

Rồi chị em đi ‘Về Kinh Bắc’, lúc thì đố ‘Lá diêu bông’, lúc vào ‘Vườn ổi’, lúc ‘Ðánh tam cúc’, lúc lên ‘Ngọn Sông Thương’, lên tít ‘Ngọn Kỳ Cùng’, lúc ‘Ðếm sao’, ‘Ðếm nắng’, ‘Ðếm giờ’, em cứ theo chị qua hội hè rồi qua cả những tàn tạ của cảnh vật và lòng người, cho đến mùa rét năm 1934.

Cái Lá diêu bông bắt nguồn từ buổi chiều năm ấy, hình như vào dịp nghỉ lễ Thiên Chúa Giáng sinh, những bốn năm ngày nghỉ liền tôi về nhà, cứ nghỉ học là tôi về ngay nhà với niềm say mê đơn phương, một chuyện tình có chị, có em mà tôi vẫn chỉ là một khối cô đơn lẽo đẽo bụi hồng. Tôi đã 12 tuổi và chị Vinh đã 20.

Và chiều mùa đông ấy, nắng hanh vàng rộm. Trời xanh trong màn sương cực mỏng không một gợn mây. Heo may se se lạnh. Chị mặc váy kiểu Ðình Bảng, áo cánh lụa mỡ gà đã cũ, có mảnh vá trên vai, ngoài bó chẽn lưng ong bằng cái gi-lê tím, sờn rách, chiếc yếm mầu cánh sen nhạt, dây thắt lưng hoa đào, chị thoăn thoắt đi ra cánh đồng, ngày ấy lúa đã gặt hết. Cả cánh đồng rộng đầu cái phố ga xép ấy chỉ còn trơ những cuống rạ tít tắp đến chân dãy núi Neo.

Cậu bé em 12 tuổi, vốn dĩ lúc nào cũng trông ngóng, ngó nhìn, chờ chị, thấy chị đã bỏ cửa hàng chiều vắng khách, mặc cho đứa em trai lên sáu ngồi xua ruồi hoặc ăn vụng cái kẹo vừng, rồi thấy chị bước nhanh ra cánh đồng, đương nhiên là cậu em theo ngay, và bất kì đi theo chị ở đâu, đến đâu cũng chỉ cách sau lưng chị có ba bước. Chị đi trên bờ ruộng, cứ vạch từng búi cỏ đầu bờ hoặc từng đám cây hoang dại trên mấy cái gò nhỏ giữa đồng và cắm cúi tìm…tìm… Em chả biết chị tìm gì vậy! Em cứ theo sau, không hỏi, không nói, trống ngực cứ thì thùng từng phút giây theo đuổi, miệt mài lâng lâng say.

Lâu lắm, bỗng chị đứng thẳng người quay mặt nhìn em, rồi nói, như một lời trách, như một lời quở mắng, lại như một lời mình nói với chính mình (gần 60 năm rồi hôm nay tôi còn nhớ như in từng lời trong bộ não đã hơi suy, trong tấm lòng may thay vẫn là tấm lòng 12 tuổi): “Ơ hay! Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng mãi thế nhỉ?”.

Tình Khúc Bất Tử - LÁ DIÊU BÔNG (PHẠM DUY; THƠ HOÀNG CẦM) Ngày nay bài thơ  Lá Diêu Bông, rất ngắn nhưng làm sống lại tên tuổi Hoàng Cầm, ngay cả

Máu em dồn lên nóng ran khắp người, hẳn là cậu em đang đỏ mặt, môi em run run không nói lại với chị được nửa lời. Hình như em thoáng thấy chị mỉm cười, rồi chị lại bước qua bờ ruộng khác, vẫn tìm, tìm mãi. Nắng đã sẫm dần. Mãi sau, em mới bạo dạn hỏi:

— Chị Vinh ơi! Chị tìm cái gì thế?

Chị Vinh quay phắt lại, hình như má chị hồng hơn lúc nãy. Chị nhìn thẳng, nhìn xoáy vào mắt em và hơn 60 năm rồi tôi vẫn còn nhớ cái miệng như vẽ rất tươi của chị đậm nét một nụ cười trêu cợt rất kiêu sa. Chị nói, cũng một giọng bỡn cợt như thách đố, như đùa vui trêu ghẹo:

— Ừ, chị (các bạn chú ý giùm tôi cách thay đổi chủ từ trong câu nói của chị) Chị đi tìm cái lá…ấy đấy, đứa nào tìm được cái lá… ấy (Chị càng cười càng tỏ vẻ trêu cợt), ta gọi là chồng!

Các bạn ơi, nghe vậy, tim tôi như lặng đi, ngừng lại vài giây rồi đập rất mạnh, người tôi nóng ran lên trong lúc xế chiều càng lạnh. Lúc đó, chị nói tên một cái lá có lẽ là có thật, chỉ mấy năm sau thì tôi quên bẵng, thôi thì hôm nay tôi cứ gọi cho nó có tên như chị đã gọi tên, Lá Thanh thảo hay Ðài bi chẳng hạn hoặc gọi “lá tai voi”, “lá mắt nai” gì đó, xin thú thật với các bạn là ít lâu sau buổi chiều mùa rét ấy, tôi không nhớ nữa.

Nhưng ngay lúc bấy giờ, sau cơn nóng bừng toàn thân ấm áp vào tận đáy thẳm tâm hồn ấy, tuy mới 12 tuổi, tôi cũng đã nghĩ ngay ra rằng cái lá ấy rất hiếm, ở những vùng nào nhiều đồi núi, khe suối cơ, may ra mới tìm được, mà tìm lá ấy chắc là để chữa khỏi một cái bệnh gì hiểm nghèo nguy kịch hoặc có khi lại lấy lá vò nát ra, hay giã kỹ lấy nước xoa lên khắp mặt sẽ làm cho da dẻ tươi hồng, mịn màng lên. Nhưng hẳn là khó tìm lắm lắm, chả thế mà chị đi hết bờ này, bãi nọ, gần cả một buổi chiều, có thấy được đâu! Cái lá oái oăm thế!

Tôi cảm thấy giữa chị và tôi có một tình yêu mãnh liệt. Mà tình yêu đó giống như tình yêu tôi dành cho mẹ. Tôi không có chị gái, vì vậy đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy một tình yêu đối với người chị.

“Ðứa nào tìm được… ta gọi là chồng!” Chị Vinh ơi, bây giờ chị ở cõi nào, nếu còn sống, chị cũng đã gần tám mươi đấy chứ, sao hôm nay em đã ngoài bẩy mươi, lúc em viết những trang hồi ức này, em hoàn toàn vẫn là đứa em 12 tuổi đang theo chị và chị vẫn đang tuổi hai mươi, ngoài cánh đồng làng Như Thiết ấy, chị vẫn trẻ đẹp diệu kỳ, chị ơi!

Một tuần sau, khi tôi từ trên tỉnh trở về, nhìn sang trước nhà thấy cửa đóng im ỉm. Tôi vội hỏi mẹ nhà đó đi đâu rồi. Mẹ tôi trả lời, trong giọng nói như có nước mắt: “Nó đi lấy chồng rồi con ạ”. Tôi òa lên khóc, gục đầu vào lòng mẹ. Không biết mẹ tôi có biết mối tình của tôi đối với chị Vinh không, mà sao mẹ lại nói bằng giọng nghẹn ngào? Khi đó cha tôi vừa về, tôi vội lau nước mắt, không dám để cho cha nhìn thấy.

Lá Diêu Bông – Chiếc lá nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam. | Enviet Blog

Về sau mẹ kể cho tôi biết có một ông Quản khố xanh đi qua đây, trông thấy chị đã mê vì nhan sắc. Chị bằng lòng lấy lẽ, ông Quản đưa cả mấy mẹ con về Phủ Lý quê ông. Từ đấy tôi không gặp chị nữa.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đấy.

Năm đó tôi đã 17 tuổi, vừa thi đỗ tú tài xong, đang sống ở Hà Nội. Nhân ngày nghỉ, có một người bạn ở Sen Hồ có người anh cưới vợ, đã rủ tôi về nhà chơi, luôn tiện ăn cỗ cưới. Cỗ bàn xong, chiều hôm đó tôi dạo ra phố Sen Hồ chờ tàu về Bắc Giang. Lúc đó tôi đã viết báo nên cũng có tiền. Tôi mặc bộ complet, thắt ca vát, đầu đội mũ phớt, ra dáng người dân chốn thị thành. Ðang thả bộ đi dọc phố, chợt nghe có tiếng gọi: “Cậu Việt ơi!” Nghe giọng quen quen, tôi nhìn sang bên kia đường, thì thấy chị Vinh đang ngồi bên một cái tủ bày bánh kẹo, cạnh một cái chõng bán nước chè. Tôi bước sang đường, chị Vinh mừng rỡ chạy ra, đặt hai tay lên vai tôi rồi kéo vào nhà nói chuyện. Bà mẹ đã già nhưng còn nhớ tôi, hỏi thăm cha mẹ tôi. Một lát sau bà bảo bà có việc phải đi vào làng, tối có thể không về, cậu cứ ở lại xơi cơm. Cậu em đã lớn cũng theo mẹ đi. Hình như cả hai đều biết giữa tôi và chị Vinh còn có nhiều điều muốn nói với nhau.

Chị kéo tôi ngồi xuống chõng, chị ngồi cạnh ôm ngang lưng tôi. Tôi nhẹ nhàng khẽ gỡ tay chị ra. Chị kể cho tôi biết tình cảnh của chị sau khi lấy chồng. Chị lấy ông Quản đã có một mặt con. Mấy mẹ con chị về Phủ Lý cũng vẫn tiếp tục buôn bán làm ăn. Nhưng dần dần ông Quản ruồng bỏ chị, đi theo người khác. Cuối cùng ông đã đuổi mấy mẹ con đi. Gia đình chị không muốn trở về chốn cũ, nên đưa nhau về Sen Hồ.

Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái tình yêu say mê của thời thơ ấu. Tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều tụy, nhan sắc đã tàn phai. Bảy tám năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của chị năm tôi lên 10 vẫn còn đọng mãi trong tôi.

Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười se chỉ ấm trôn kim.

Và cảm giác khi đánh mất chị như vẫn còn đi suốt đời thơ tôi:

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
ới diêu bông…!

Sau này, năm 1985 nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ Lá diêu bông với nguyên bài thơ, chỉ bỏ bớt đoạn đầu và thêm một câu thơ vào đoạn cuối: “Em đi trăm núi nghìn sông, nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ”.

 

Hoàng Cầm

 

 

Tác giả 'Lá diêu bông' với chuyện tình cõi mộng

Chuyện tình chị-em trong “Lá diêu bông” cũng là một huyền thoại được lưu truyền trong công chúng với không ít ngưỡng vọng và không ít ngậm ngùi.

Nhà thơ Hoàng Cầm qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Năm 2020 này, tròn một thập niên nhà thơ Hoàng Cầm qua đời. Nhắc đến ông, người ta không chỉ nhớ bài thơ “Bên kia sông Đuống” bất hủ, mà còn nhớ bài thơ “Lá diêu bông” đầy mê hoặc.

Nhà thơ Hoàng Cầm, tên thật Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y.

Tên khai sinh Tằng Việt được ghép từ hai địa danh Phúc Tằng và Việt Yên, còn bút danh Hoàng Cầm do ông tự chọn theo một vị thuốc quý mà ông quen thuộc từ nhỏ.

Sau khi đỗ Tú tài, Hoàng Cầm tham gia Vệ quốc đoàn, và từng làm Trưởng đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hoàng Cầm cũng là tác giả của vở kịch thơ “Kiều Loan” rất nổi tiếng.

Cuộc đời 88 năm của nhà thơ Hoàng Cầm sống trong cõi mộng nhiều hơn cõi thực. Chính ông thú nhận từ năm 8 tuổi, ông đã biết yêu. Sự rung động khó tin và khó hiểu ấy, được Hoàng Cầm đưa vào thi ca.

Trong bài “Cây tam cúc”, ông viết: “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa Chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”. Còn trong bài “Vườn ổi”, ông viết: “Em mười hai tuổi tìm theo chị/ Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa/ Đi ngày tháng lụi tìm không thấy/ Giải yếm lòng trai mải phất cờ”.

Người “chị” khiến Hoàng Cầm xao xuyến tên là Vinh. Trong hồi ký của mình, nhà thơ Hoàng Cầm kể: “Tôi say mê chị Vinh đến mức thờ thẫn, không ngó ngàng gì đến bài vở, học hành. Ngay từ phút đầu, mẹ tôi đã hiểu, hiểu rằng thằng con trai đầu lòng đã phải lòng.

MỘNG – bean

Chị Vinh hơn tôi 8 tuổi, năm ấy 16 tuổi, còn tôi lên 8. Tôi lẽo đẽo theo chị, suốt ngày đứng ngó sang bên kia đường số 1, nơi đó có “ thiên thần của tôi” đang ngồi bán chè tươi, bánh đa bánh đúc. Bố của chị vốn là một ông Tú, vì thế chị rất giỏi chữ Nho, còn tôi chỉ biết chút ít tiếng Pháp.

Đặc biệt, chị hát quan họ rất hay. Có lẽ khi mẹ tôi 17 tuổi cũng hát hay như thế. Còn đẹp thì, nếu chị ấy đẹp 10 phần, mẹ tôi may ra được 6-7 phần. Tôi cứ thế mê man cho đến khi 12 tuổi.

Cuối năm tôi 12 tuổi đó, chị đi lấy chồng. Trước đó, tôi nào hay biết, cứ theo đuổi như thường. Chị ấy đi đâu, ra bến sông hay ra chợ, lên ga…tôi cũng bám theo, tất nhiên là không nói gì cả, có gọi cũng gọi bằng chị thôi. Trước tiên, đó là tiếng chị bình thường, về sau thành tiếng chị của thơ”.

Nhà thơ Hoàng Cầm có vẻ đẹp trai lãng tử. Đặc biệt đôi môi lúc nào cũng đỏ hồng của ông có khả năng nói chuyện rủ rỉ rất quyến rũ. Vì vậy, những bóng hồng vây quanh Hoàng Cầm và nghiêng ngả vì Hoàng Cầm cũng không ít. Thế nhưng, liệt kê một cách chính thống, thì nhà thơ Hoàng Cầm có cả thảy ba người vợ.

Người vợ đầu tiên của nhà thơ Hoàng Cầm là một phụ nữ cùng quê có tên là Hoàng Thị Hoàn. Đó là cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt. Bà Hoàng Thị Hoàn tuy không mang lại cảm hứng cho nhà thơ Hoàng Cầm sáng tác, nhưng sinh cho ông hai người con, con trai Bùi Hoàng Kỳ và con gái Bùi Hoàng Yến. Con trai Bùi Hoàng Kỳ không làm thơ như cha, mà trở thành một nhà báo.

Còn con gái Bùi Hoàng Yến là một kịch sĩ tài sắc, nhưng bạc mệnh qua đời khi còn rất trẻ. Duyên trăm năm của Hoàng Cầm và Hoàng Thị Hoàn, được con trai Bùi Hoàng Kỳ gợi mở: “Chuyện các cụ là bi kịch trong tình yêu đôi lứa. Hai con người không có tình yêu và cứ xa nhau mãi. Mẹ tôi mất năm tôi chín tuổi, tôi ở với ông bà”.

Người vợ thứ hai của nhà thơ Hoàng Cầm là diễn viên Tuyết Khanh. Khi vở kịch thơ “Kiều Loan” diễn tại chiến khu Việt Bắc năm 1947, thì diễn viên Tuyết Khanh đóng vai nữ chính.

Nhan sắc của Tuyết Khanh và tài hoa của Hoàng Cầm không cần ai mai mối cũng đổ ập vào nhau. Kết quả là cô con gái ra đời, được đặt tên theo đúng tên vở kịch thơ là Kiều Loan. Hiện nay, cô con gái Kiều Loan đang sống ở Mỹ.  

Chân dung bà Lê Hoàng Yến do Hoàng Cầm vẽ khi mới cưới nhau.

Chân dung bà Lê Hoàng Yến do Hoàng Cầm vẽ khi mới cưới nhau.

Người vợ thứ ba của nhà thơ Hoàng Cầm là bà Lê Hoàng Yến. Họ đến với nhau khi cả hai đều đã có lần dang dở hôn nhân và có con riêng. Họ cưới nhau vào năm 1955.

Bà Lê Hoàng Yến lớn hơn Hoàng Cầm 2 tuổi, được xem là chỗ dựa rất lớn trong thời gian Hoàng Cầm lao đao vì Nhân Văn Giai Phẩm.

Nhà thơ Hoàng Cầm cảm khái về vợ: “Bà là người hiền thục, thật thương yêu chồng con. Tôi đã trao cái gánh nặng cuộc đời cho Hoàng Yến, bà đã giúp tôi đẩy chiếc xe thơ về Kinh Bắc đi trọn đoạn đường thiên mệnh của nó”.

Cuộc sống gia đình của nhà thơ Hoàng Cầm hiển lộ trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” khá rõ nét: “Bên kia sông Đuống/ Ta có đàn con thơ/ Ngày tranh nhau một bát cháo ngô/ Tối ríu rít chui gầm giường tránh đạn/ Lấy mẹt quây tròn/ Tường làm tổ ấm/ Trong giấc ngây thơ dồn tựa sấm/ Ú ớ cơn mê/ Thon thót giật mình/ Bóng giặc dầy vò/ Những nét môi xinh...”

Thế nhưng, với nhà thơ Hoàng Cầm cũng như với đông đảo người yêu thơ ông, thì mối tình ám ảnh nhất vẫn là chuyện “Lá diêu bông”.

Một thứ lá của thi ca, của mộng mị được bắt đầu từ những ngày Hoàng Cầm bám theo chị Vinh ra đồng: “Chị ấy tìm bới thứ gì đó trong những búi cây dại, những búi cỏ to ở những bờ ruộng, những gò nấm mấp mô trên đồng. Khi lên tìm ở một cái gò, chị ấy quay lại, đứng thẳng người lên, mà không phải là nhìn tôi, hai mắt ngó lơ đểnh về phía chân trời như đang ngắm một dải mây nào xa lắm.

Chị ấy mắng tôi như thế này, gọi là mắng nhưng hình như là chị ấy tự nói với chính mình: “Ơ, sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?”. Đúng ngần ấy chữ, không sai một từ đâu!

Máu trong người tôi bỗng chảy rất đều, rất mạnh, rất nhịp nhàng từ chân lên tới đầu. rần rật, rần rật. Người tôi ấm lên, nghe như có tiếng reo trong máu.

Tôi im lặng. Chị ấy lại tiếp tục đi tìm. Đến một cái gò khác, sau khi đã đi qua những mảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, tôi hỏi “Chị tìm gì đấy?”. Lần nầy, chị ấy đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói rằng: “Chị tìm cái lá… ấy đấy!”.

Tôi nghe chị nói rõ ràng tên lá gồm hai tiếng, sau đó chỉ ít lâu là tôi quên, nhưng tôi đoán cái lá đó là có thật nhưng cực kỳ khó tìm. Phải có thật thì chị ấy mới tìm khổ sở thế chứ? Có thể cái lá đó có thể chữa một bệnh hiểm nghèo gì đó, hoặc có tác dụng nào đó tăng thêm nhan sắc chăng? Tôi chỉ nghĩ được đến thế thôi!

Tên lá thì tôi quên rất nhanh, nhưng câu nói của chị thì tôi nhớ rành rọt vì chủ từ nó rất khác nhau: “Chị đi tìm lá... ấy đấy. Đứa nào tìm được lá ấy, ta gọi là chồng!”. Không phải tao như nhiều người vẫn nhớ và đọc mà là “ta”. Câu nói ấy của chị làm mặt tôi nóng bừng nhưng chân thì lạnh, lạnh vô cùng”.

Bài thơ 'Lá diêu bông' với thủ bút của Hoàng Cầm.

Bài thơ "Lá diêu bông" với thủ bút của Hoàng Cầm.

Đó là khi Hoàng Cầm còn nhỏ. Mãi đến năm 1959, thì hình ảnh “Lá diêu bông” mới xuất hiện trở lại và thành tác phẩm, như lời Hoàng Cầm chia sẻ: “Một đêm, tôi ở Lý Quốc Sư - Hà Nội, có lẽ quá nửa khuya rồi, tôi trằn trọc nửa thức nửa ngủ, nửa mê nửa tỉnh… 

Trong cái đêm bồn chồn ấy, tôi chợt nghe tiếng văng vẳng bên tai như có ai nói, giọng phụ nữ, không phải giọng chị Vinh, không phải xa xôi lắm như tự kiếp nào chứ không phải của kiếp này.

Vậy mà rất trong, rõ ràng, có lên xuống trầm bổng hẳn hoi, không phải như ta nói chuyện thường, cũng không phải giọng mẹ tôi, không phải bất cứ người nào, thánh thót êm ái lắm, giọng đọc chính tả. Rất đều đặn, nhịp nhàng từ đầu đến cuối.

Tôi quơ giấy bút chép lại cái giọng đọc xa xôi kia. Cho đến câu cuối cùng, người tôi nhẹ nhàng như trút được một gánh nặng, rất thảnh thơi.

Sáng hôm sau, thức dậy tôi lại bàn bật đèn (vì trời đã sáng nhưng trong nhà còn tối) ngồi tách những câu thơ ra, vì ban đêm, viết dưới ngọn đèn ngủ 6 oát mờ mờ, dòng nọ đè lên dòng kia, có khi hai ba dòng đè lên nhau. Mất cả tiếng đồng hồ mới tách chúng ra xong.

Bài thơ “Lá diêu bông” đã ra đời như thế”.

 

Tâm Huyền

***********

LÁ DIÊU BÔNG, MỘT TÌNH YÊU THÁNH HÓA

Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Lá Diêu Bông”, “Tình Cầm” – Hoàng Cầm & Phạm  Duy | Đọt Chuối Non

Lá Diêu Bông không hiện hữu trên trái đất này thì làm sao ai mà tìm thấy được và như thế thì chẳng khác nào người đẹp gieo cầu trong gió lớn, làm lỡ duyên người con gái thơ ngây! Tôi viết vài dòng về Lá Diêu Bông vì thấy lyric và nhạc của Trần Tiến mang tính mẫn cảm thật đẹp về tình yêu hơn lyrics và nhạc của Phạm Duy về cùng một bài thơ, Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm.

Thật vậy, câu chuyện tình Lá Diêu Bông là có thật cho dầu Lá Diêu Bông là một loại cỏ cây huyền thoại mang tính platonic. Năm 8 tuổi, cậu bé học trò Bùi Tằng Việt, sinh năm 1921, từ nơi trọ học trở về nhà ở Bắc Ninh thì tình cờ cậu gặp một thiếu nữ hàng xóm 16 tuổi tên Vinh, cậu fell in love immediately. Rung cảm trước tình cảm thiết tha thật dễ thương đó nơi một cậu em thật bé, tâm hồn người thiếu nữ đã khởi lên một tình yêu thăng hoa đầy thánh hóa. Nhưng rồi mùa Xuân có giới hạn thời gian, người thanh nữ phải xuất giá ở tuổi 20 khi nhà thơ tương lai Hoàng Cầm của chúng ta mới tròn 12 tuổi. Chôn chặt hình ảnh lãng mạn đầu đời đó mãi đến năm 1959 thì bài thơ “Lá Diêu Bông” mới ra đời. Cần phân biệt ở đây bài thơ của Hoàng Cầm với bản nhạc cùng tên do Phạm Duy sáng tác trong thập niên 1980s. Bài thơ nguyên tác như sau:



Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt, chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời … ới Diêu Bông!

Qua kinh nghiệm cuộc đời, chúng ta biết cả hai, cô Vinh và cậu bé Việt, đã tha thiết yêu nhau trong ý nghĩa thánh thiện nhất của tình yêu. Ở đây tình thơ và tình yêu đã quyện lẫn vào nhau nhưng vẫn ở ngoài tình ái. Biết tình cảm lãng mạn của mình không có lối thoát nên cô Vinh đã đưa ra một thách đố không thể thực hiện được cho cậu bé Việt. Cô Vinh biết rằng làm gì có Lá Diêu Bông trên thực tế nhưng cậu bé Việt thì quyết tâm đi tìm trong cả cuộc đời mình như là một sự đi tìm cái “bản lai diện mục” của Tình Yêu viết hoa vậy. Đấy là “the Soul of World” và“when you want something with all your heart, that’s when you are closest to the Soul of World . It’s always a positive force.” Khi một người tha thiết yêu ai đó thì tình yêu đó là một nguồn cảm hứng dạt dào thúc đẩy người ấy sáng tác những vần thơ tuyệt diệu mà sức tuôn trào của lời thơ như một dòng thác chảy vô bờ.

Tôi rất ngưỡng mộ khả năng diễn đạt ngôn ngữ qua lời nhạc của Phạm Duy nhưng lyric Lá Diêu Bông của ông thì dường như ông chưa nhận ra được tình yêu chân thành của cô Vinh dành trọn vẹn cho cậu bé Việt khi ông đem chữ “tao”gắn vào ngôn ngữ trữ tình của cô Vinh thay cho chữ “ta”nguyên khởi của chính cô, “Đứa nào tìm được lá Diêu Bông / Từ nay tao sẽ gọi là chồng.” “Ta / ngươi” là ngôn ngữ tình yêu được xử dụng bình đẳng giữa nam và nữ khi tình cảm của họ đã “tế ngộ” mà quan hệ xã hội chưa đủ chín mùi để chuyển sang “anh / em.” Và cuộc hành trình đi tìm Lá Diêu Bông vẫn tiếp tục nơi Hoàng Cầm cho dầu đang tìm ở cõi vĩnh hằng chứ không phải nói như Phạm Duy, “Em đi trăm núi nghìn sông / Nào tìm thấy lá Diêu Bông bao giờ … .”

Nhạc của Phạm Duy hay hơn nhưng tương đối khó hát trong khi nhạc của Trần Tiến rất gần gũi dân ca và dễ hát hơn, và lyric của Trần Tiến thì trung thành với cảm quan của cô Vinh và cậu bé Việt hơn; ngoài ra Trần Tiến lại thêm vào vài lời thật dễ thương mà có người con gái đã trả lời tôi khi tôi hỏi về chồng con của nàng sau nhiều năm mới gặp lại, “Lấy chồng sớm làm gì /để lời ru thêm buồn!” Thật ra cô em này cũng “ăn gian” tôi khi cô chỉ trích ra một dòng để trả lời câu hỏi của tôi trong khi lyric của Trần Tiến là lời than của Hoàng Cầm đối với cô Vinh khi cô Vinh đi lấy chồng:


Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn
Ru em thời thiếu nữ xa xôi
Còn đâu bao đêm trăng thanh
Tát gàu sòng, vui bên anh.
 
Để hiểu bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm thì không thể không nói phớt qua về ý nghĩa của các chữ “váy Đình Bảng” và “buông chùng cửa võng” được.

Váy: Từ trước khi quân nhà Minh chiếm đóng Việt Nam thì đàn bà người Việt mặc váy. Váy giống như skirt của Mỹ và jupe của Pháp:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

Đến đầu thế kỷ thứ 15 khoảng sau năm 1415 thì nhà Minh bắt buộc đàn bà Việt phải mặc áo ngắn và quần dài như người Tàu. Hơn 250 năm sau thì Nhà Lê cấm đàn bà mặc quần áo như Tàu mà phải mặc váy theo truyền thống văn hóa dân tộc. Đến khoảng năm 1750 thì Chúa Nguyễn thấy người Chiêm ăn mặc kín đáo hơn nên bắt buộc đàn bà người Việt phải mặc quần như người Tàu. Đến đời Vua Minh Mạng thì nhà vua buộc đàn bà cả nước phải mặc quần như đàn bà Đàng Trong nhưng lệnh này không được thi hành triệt để ở Đàng Ngoài, nhất là vùng thôn quê.

Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.


Đình Bảng: Làng Đình Bảng nguyên là đất cố đô Hoa Lư, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đình Bảng là nơi nổi tiếng về con gái đẹp, vãi lĩnh và lụa tốt, và có nhiều thợ may khéo, nhất là may váy phụ nữ. Về con gái đẹp thì Đình Bảng cũng như Nha Mân của Miền Nam hay Kim Long của Huế.

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân?



Kim Long con gái mỹ miều
Trẫm yêu trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi

Nhưng xin các cô gái Miền Nam và Miền Trung đừng giận tôi nhe vì tôi phải thành thật nói rằng cả Nha Mân và Kim Long đều không thể nào sánh được nét thướt tha duyên dáng của người con gái Đình Bảng trong chiếc váy lĩnh, váy lụa thật mượt mà và sang quý khi họ làm như vô tình “buông chùng” đến mắt cá chân với các nếp gấp phía trước (phụ nữ) hay hai bên (thiếu nữ) lượn hình lưỡi trai (con trai, con hến) như những gợn sóng nhấp nhô nho nhỏ để tha hồ cho các chàng trai giàu tưởng tượng mến yêu.

Cửa võng: hay còn gọi là “bao lam” là hình ảnh của “rèm vắn lên hai bên” như chúng ta cột màn cửa sổ sát hai bên thành đố cửa sổ. Vải rèm hay màn dồn lại và rũ xuống hai bên. Trên một bức hoành phi thì cửa võng là phần trang trí sơn son thếp vàng làm khung phía trên của bức hoành phi mà phía dưới thì “để trống” không trang trí.

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.

Câu thơ này, “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng,” là câu thơ nói lên đại ý của cả bài thơ. Một cậu bé 8-9 tuổi lững thửng theo sau một cô gái 16-17 tuổi đang thẩn thơ (chứ không phải thẩn thờ) đi tìm trên đồng ruộng vừa gặt lúa xong chỉ còn trơ cuống rạ trong một buổi chiều để đi tìm cái chân nguyên thơ mộng mà trong tâm tư thầm kín nhất, sâu thẳm nhất của nàng là cái mộng mơ đầu đời không diễn đạt thành lời. Đấy là cái tinh hoa của tình yêu nam nữ mơ hồ được thăng hoa từ sự phát triển thể chất tròn đầy một cách tự nhiên và không gợn một tí gì về dục tính. Và đấy là cái mà nàng đi tìm suốt cuộc đời một khi nàng đã trưởng thành và biết tên gọi rõ ràng cái tinh hoa đó là Hạnh Phúc! Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng nhất về cô gái đối với cậu bé là chiếc váy của nàng: cậu bé thấp quá so với cô gái! Cái váy của người phụ nữ lớn tuổi và vất vã thì rất đơn giản, chỉ là một cuộn vải may khép kín, tròng vào qua hai chân, và có giây thắt lưng ở phần trên, nhưng chiếc váy của các phụ nữ giàu sang hay các cô gái mới lớn thì ngoài “cái thúng mà thủng hai đầu” đó thì vạt vải còn rộng dung hơn sự cần thiết dùng để tạo dáng thướt tha bằng cách làm nên những nếp gấp cân đối ở hai bên như hình ảnh cửa võng hay bao lam vậy.

Điều bi thảm của con người là cô gái mãi đi tìm trong suốt cuộc đời nàng nhưng cái tinh hoa của tình yêu mang tên là Hạnh Phúc đó vẫn xa xôi biền biệt vì rằng,

Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.



Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu ,
Trông nắng vãng bên sông.

rồi

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.

cuối cùng

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt, chị không nhìn.

Tâm trạng người con gái đi từ “chau mày, lắc đầu, cười” lơ đãng đến nỗi buồn vô vọng “xòe tay phủ mặt, chị không nhìn” vì không thể nào tìm được Hạnh Phúc của Tình Yêu.
 

Trần Việt Long
 
**********

 

VÀI NÉT TIỂU SỬ VỀ
NHÀ THƠ HOÀNG CẦM
 

Quê gốc của Hoàng Cầm ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Thân sinh ông thi không đỗ, về dạy chữ Hán và làm thuốc bắc ở Bắc Giang. Tên ông được đặt ghép từ địa danh quê hương: Phúc Tằng và Việt Yên.

Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học đều ở Bắc Giang và Bắc Ninh; đến năm 1938 ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Đình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc : Hoàng Cầm.

Năm 1944, do Thế Chiến thứ hai xảy ra quyết liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc ở Thuận Thành. Cũng tại nơi này, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh, Cách Mạng Tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian rồi giải thể.

Tháng 8 năm 1947, ông tham gia Vệ Quốc Quân ở chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch.

Tháng 10 năm 1954, đoàn văn công về Hà Nội. Đầu năm 1955, do đoàn văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ trưởng đoàn kịch nói. Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản. Tháng 4 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban chấp hành. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, ông phải rút khỏi Hội nhà văn vào năm 1958 và về hưu non năm 1970 lúc 48 tuổi.

Ông nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan và các bài thơ Lá Diêu Bông, Bên kia sông Đuống. Bài thơ Bên kia sông Đuống được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông.
Ngoài bút danh Hoàng Cầm ông còn có các bút danh : Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi. Thời gian cuối đời ông sống tại Hà Nội và ông đã mất vào ngày 6/5/2010 vì bệnh nặng. 
 
(theo Wikipedia).
 

 Kim Phương sưu tầm tổng hợp

 

Lá Diêu Bông là gì? Sự thật về “Lá Diêu Bông”

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %24 %624 %2022 %09:%07
back to top