Nguyễn Tất Nhiên – ‘30 năm’ tình lận đận

Nguyễn Tất Nhiên – ‘30 năm’ tình lận đận

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

Ngày 3 Tháng Tám, năm 1992, tại sân sau của một ngôi chùa nhỏ nằm gần đường Brookhurst, Orange County, California, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên “BIẾN”(1) khỏi “trần gian hệ luỵ”(2) ngay trong chiếc xe hơi cũ, cũng là “ngôi nhà di động” của ông trong những năm cuối đời. 29 năm sau, thơ của Nguyễn Tất Nhiên và những tình khúc được phổ từ thơ của ông vẫn là những tuyệt tình ca bất hủ.

***

Một gã ‘ngông’ làm thơ, viết nhạc, hát cải lương

Năm 1971, tạp chí Sáng Tạo của cố nhà văn Mai Thảo xuất hiện những vần thơ của một người tự cho mình là “kẻ hoang đàng”, “tên vô đạo”, “bất tín đồ trong tình yêu” – Nguyễn Tất Nhiên. Ngay sau đó, lời thơ Nguyễn Tất Nhiên với ý tưởng và những hình ảnh độc đáo, hư hư thật thật, những thú nhận “ngông cuồng” mà rất nồng nhiệt, đã đi vào nhạc của Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng, trở thành một hiện tượng trong làng thơ và nhạc Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

Ảnh phải: tranh chân dung nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên của hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh

Có thể nói, cho đến bây giờ, hiếm có ai dành cho người yêu của mình những tên gọi đẹp, thánh thiện như Nguyễn Tất Nhiên đã từng. Đặc biệt, cái đẹp và thánh thiện ấy càng được tôn vinh hơn gấp vạn lần khi ông đem chính mình ra làm vật thể so sánh. Ông tự gọi mình là một “người bệnh hoạn,” một “kẻ nhiều sám hối,” một “tên vô đạo.” Riêng bạn bè, thân hữu, chẳng ai ngại ngùng gì khi gọi Nguyễn Tất Nhiên là “kẻ ngông cuồng” hay “một người điên” hoặc một gã “bất cần đời.”

Gọi thế nào cũng đúng, vì: “Ảnh có máu điên, mà cũng có máu ngông. Ảnh điên’ lắm” – nhạc sĩ Trúc Hồ đã nói thế, “Người làm nghệ thuật nào cũng có ‘máu điên’ trong người, không nhiều thì ít”. Và với Nguyễn Tất Nhiên, thì không chỉ điên, ngông, ông còn là một kẻ bất cần đời, coi thường thị phi trong thiên hạ. Những giá trị chung bình thường của xã hội mà một con người bình thường luôn hướng tới thì với Nguyễn Tất Nhiên không phải là điều cần thiết.

 
Thủ bút của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên viết tặng nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã. (Ảnh: Thái Đắc Nhã)

Cố nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong tuỳ bút của ông: “Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… Cả  ba vị đều đã từng là thượng khách của Dưỡng trí Viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó”.

Nếu từng ở Dưỡng trí Viện Biên Hòa, thì… không thể là người tỉnh táo. Nhưng, chính cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng nhẹ nhàng gọi đó là cái “HỒN NHIÊN” của Nguyễn Tất Nhiên.

Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bằng hữu. Đi đến đâu, ông cũng có bạn. Đi đến đâu ông cũng có người quí mến. Nguyễn Tất Nhiên có thể ngồi hàng giờ hàn huyên với bè bạn, đúng nghĩa cuộc đời rong chơi, không cần biết ngày mai sẽ ra sao.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (phải) và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm. (Ảnh: Thái Đắc Nhã)

Vậy, giá trị mà Nguyễn Tất Nhiên định ra và tìm đến trong cõi nhân sinh này là gì? Là thơ? Là tình yêu? Là cái đẹp vĩnh cửu? Câu trả lời: “Không có mục đích gì cả!”.

“Nguyễn Tất Nhiên sống thả nổi như bèo trôi sông, tới đâu hay tới đó, không có mục đích, không có chương trình gì cả” –nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, đang định cư ở Canada, thầy dạy âm nhạc cho Nguyễn Tất Nhiên (từ sau Tháng Tư, năm 1975 đến Tháng Tư, năm 1979) nói về người học trò yểu mệnh của mình. Ông cũng là người hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, không dùng từ “điên” khi nhắc về Nguyễn Tất Nhiên.

“Tôi không bao giờ thấy Nguyễn Tất Nhiên điên. Tôi chỉ thấy ông ấy là người sống kiểu bạt mạng và bi quan. Với Nguyễn Tất Nhiên, tôi không thấy một nét lạc quan nào, ngay cả lúc ông ấy cười”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Những năm sau biến cố 30 Tháng Tư, Nguyễn Tất Nhiên tìm đến nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Sài Gòn để học nhạc. Ông học guitar, hoà âm và sáng tác ca khúc. Thời gian đó, cuộc sống ở miền Nam chật vật. Người Sài Gòn chạy ăn từng bữa, nhiều người làm lụng, dành dụm để “tìm đường ra đi”.

“Nguyễn Tất Nhiên là một người ham học. Ông ấy từ Biên Hoà chạy xe ra Sài Gòn, ở lại nhà tôi để học. Sáng tôi đi làm thì ông ấy ở nhà ôn bài, làm bài. Mỗi lần đến học là ở lại 3, 4 ngày. Cách hai tuần đến học một lần”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa kể lại. Ca khúc “Chiều trên đường Hồng Thập Tự” ra đời trong thời gian này, là một “bài tập” về hoà âm và sáng tác của Nguyễn Tất Nhiên.

Vì sao Nguyễn Tất Nhiên không phổ nhạc những bài thơ tình của mình từng làm điên đảo giới sinh viên học sinh Sài Gòn thời ấy? Ông có “phán” một câu rằng:“Có bài nào hay người ta phổ nhạc mất tiêu, không chừa lại tác giả (thơ) bài nào!”.

Thế nên, sau khi định cư ở Mỹ, trong những lần ngẫu hứng, Nguyễn Tất Nhiên đã sáng tác “lại” các bài bát nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của ông như “Em hiền như Ma soeur” hoặc “Hai năm tình lận đận” qua thể loại… cải lương!

Cái “ngông” của Nguyễn Tất Nhiên là thế. Ông thích đến học nhạc, thì “lù lù” đến. Ai hỏi “Khi nào về?”, ông trả lời: “Khi nào nhạc gia đuổi thì về”. “Nhạc gia” nghĩa là “người chơi nhạc”, là cách ông gọi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, người lớn hơn ông một tuổi, đang dạy nhạc cho ông.

Nguyễn Tất Nhiên chỉ làm những gì mình thích. Ông bước qua những định hình, chuẩn mực, khuôn thước… một cách thản nhiên. Ông vô tư trả lời câu hỏi “Muốn học nhiếp ảnh à?” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Cao Lĩnh bằng việc đưa ra cuốn sách dạy chụp ảnh “How to take a good picture?” (do hãng Kodak phát hành) và nói: “Có sư phụ nhiếp ảnh đây rồi!”.

Cuốn sách đó là món quà của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã tặng cho Nguyễn Tất Nhiên khi biết chàng thi sĩ rất muốn học chụp ảnh.

Một gã bi quan ‘sống với chữ thay vì sống với đời’

Lúc nào trong đầu ông cũng có chữ, đùa với chữ, xâu xé và khổ đau với chữ. Cái tài của Nguyễn Tất Nhiên chính là, cho dù trong tình huống nào ông cũng chỉ ghép chữ lại với nhau đúng với cảm xúc của mình, chứ không đẽo gọt, trau chuốt ngôn từ. Ngôn từ trong thơ ông hồn nhiên và giản dị. Giản dị đến cay nghiệt.

“Em hiền như Ma soeur/ Vết thương ta bốn mùa/ Trái tim ta làm mủ/ Ma soeur này Ma soeur/…” (Em hiền như Ma soeur)

Hay

Hoàn cảnh sáng tác KHÔNG NGỜ của tác phẩm “Thà Như Giọt Mưa”.

“Thà như giọt mưa/Vỡ trên tượng đá/Thà như giọt mưa/Khô trên tượng đá/…” (Thà như giọt mưa)

 Ai mà chẳng từng nhìn thấy giọt mưa, ai mà chẳng biết tượng đá. Nhưng để thấy trọn vẹn một giọt mưa vỡ toang trên tượng đá, chỉ có thể là Nguyễn Tất Nhiên. Tượng đá, một vật thể vô hồn, vững chắc, ngàn năm. Giọt mưa chọn tượng đá để làm điểm rơi, để rồi vỡ toang…

Phía sau cách ghép chữ đơn giản ấy phải là một ý nghĩa sâu sa, thâm thuý vô cùng. Nhạc sĩ Trúc Hồ tự nhận rằng, ca từ trong các sáng tác của ông ảnh hưởng khá nhiều bởi ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Ông nói: “Cách dùng từ của Nguyễn Tất Nhiên rất giản dị nhưng rất thơ, không bóng bảy, trau chuốt, không cần đi đâu lung tung xa vời. Ông ấy ghép chữ rất tài tình, đơn giản là ‘Em hiền như Ma soeur’ thôi nhưng làm cho mình cảm thấy vô cùng thánh thiện và trong sạch”.

Trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên, vạn vật trên mặt đất đều được kết nối với nhau rất “hồn nhiên” và rất nhẹ nhàng.

Trời mưa không lớn lắm/ Nhưng vẫn ướt đôi đầu/ Tình yêu không đáng lắm/ Nhưng đủ làm… tiêu nhau.” (Thơ khởi tự điên cuồng).

Như nhạc sĩ Trúc Hồ đã nói, ngôn từ trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên đơn giản vô cùng, đơn giản như người ta “đang nói chuyện với nhau.” Với Nguyễn Tất Nhiên, “chữ” là hơi thở để sống. “Chữ” là cách để ông tỏ tình. “Chữ” cũng là phương tiện để ông giải thoát hờn giận của một cuộc tình hay những u uẩn, ngột ngạt trong cõi trần gian. Ông có thể so sánh người tình của mình “hiền như Ma soeur” nhưng rồi cũng sẵn sàng ví người tình là một “ác quỷ đầy quyền năng”.

Cho đến khi, chữ hiển hiện quá nhiều trong tư tưởng, nhưng lại không thể liên kết với nhau thành thi ca, thì “tên hoang đạo” và “người bệnh hoạn” trong Nguyễn Tất Nhiên vùng dậy.

Cái điên của Nhiên xuất phát từ sự vùng vẫy trong tư tưởng. Cuộc sống bình thường thì không màng tới, không lo tới, nhưng tư tưởng thì bùng phát rất mạnh trong đầu Nhiên. Sự bùng phát đó quá lớn mà Nhiên không viết ra được như đã từng viết khi còn ở Việt Nam. Ẩn ức đó dẫn đến tâm trạng của người thất chí”, nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã nói về những ngày tháng trước khi Nguyễn Tất Nhiên “khép mắt sớm hơn giờ thiên định”. (3)

Nguyễn Tất Nhiên đã chọn một nơi chốn khác để tiếp tục với sự “hồn nhiên” của mình. Có thể nơi đó ông không cần phải hô biến đi cái buồn đã từng ngự trị trong ông, không phải nghe những tiếng ồn ào xô bồ vọng về từ một tâm thức nào đó. Nơi ấy, ông sẽ được thảnh thơi “hồn nhiên” làm tên “vô đạo” hay hoá thành giọt mưa rơi phủ trên cây thánh giá huy hoàng vĩnh viễn.

***

Bài tưởng nhớ 30 năm ngày mất của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên được thực hiện qua lời kể lại của những người bạn của ông: Nhạc sĩ Trúc Hồ, Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Canada) và bà Lê Minh Phú (Nhật báo Người Việt)

Trong bài viết có sử dụng những tấm ảnh chưa từng được công bố do nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã cung cấp.

(1): Trích từ những câu thơ: Tôi hô biến cái tôi buồn/ Tôi hô biến nỗi thuồng luồng đời tôi/ Tôi hô biến vợ/ Tôi hô biến con/ Tôi hô biến nỗi đói/ Tôi hô biến nỗi buồn/ Tôi hô cái nào, biến cái nào thì nó hiện lên cái đó.

(2): Trích trong lời giới thiệu do nhà thơ tự viết và diễn đọc trong băng nhạc Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên thực hiện sau năm 1975.

(3): Trích bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng”.

 

BB Ngô (SGN)

 

********

Nguyễn Tất Nhiên: Một đời thơ bi thiết

Đinh Quang Anh Thái | Nguyễn Tất Nhiên - YouTube


Nguyễn Tất Nhiên là một hiện tượng của văn học miền Nam những năm 1970-1975. Tập thơ Thiên tai xuất bản năm 1970, lúc Nguyễn Tất Nhiên mới 18 tuổi, với những hình ảnh và ngôn từ khá lạ lẫm. Ngay lập tức, một số bài trong tập thơ này đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ bài Vì tôi là linh mục tuyệt hay:

“Vì tôi là linh mục
Giảng lời tình nhân gian...
Một tín đồ duy nhất
Đã thiêu hủy lầu chuông…
Vì tôi là linh mục
Không biết rửa tội người
Nên âm thầm lúc chết
Tội mình còn thâm vai”

Riêng nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ một loạt thơ Nguyễn Tất Nhiên thành những ca khúc rất được yêu thích.

Đòi nhuận bút những bài thơ phổ nhạc
 
Tôi quen Nguyễn Tất Nhiên khoảng đầu năm 1971, khi Nhiên đến tòa soạn tặng tôi tập thơ Thiên tai. Sau đó tôi thường gặp Nhiên ở nhà Du Tử Lê. Gọi là nhà nhưng đó chỉ là một căn phòng nhỏ trong cư xá Bưu Điện, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), nơi vợ chồng Du Tử Lê thuê ở tạm trong thời gian chờ mua nhà ở làng báo chí. Căn phòng chỉ rộng chừng vài chục mét vuông mà chị Thụy Châu, vợ Du Tử Lê, vừa làm nơi nấu nướng, ăn ngủ, tiếp khách. Vậy mà mỗi lần Nhiên đến ngủ lại, chiếm cái bàn viết của anh Lê, ngồi làm thơ, cả đêm uống trà, cà phê, hút thuốc khói bay mù mịt cả căn phòng.
 
Theo lời Du Tử Lê thì anh là người chọn và đưa những bài thơ Nguyễn Tất Nhiên cho Phạm Duy phổ nhạc. Nổi tiếng nhưng Nhiên vẫn nghèo kiết xác. Rồi không biết ai “xúi” Nhiên đòi Phạm Duy trả tác quyền mấy bài thơ phổ nhạc bởi Nhiên khá ngây thơ, chẳng quan tâm chuyện gì ngoài chuyện làm thơ. Về sau tôi mới biết là do Lê Cung Bắc. Lê Cung Bắc kể chuyện anh quen Nhiên: Một lần anh đến Biên Hòa, vừa xuống xe thì có một thanh niên cao, gầy, rất lãng tử bước đến hỏi: “Có phải anh là Lê Cung Bắc?”, Bắc gật đầu. Lê Cung Bắc bấy giờ là diễn viên kịch nói tên tuổi, thường xuất hiện trên truyền hình nên nhiều người biết. Chàng thanh niên tự giới thiệu là Nguyễn Tất Nhiên. Bắc đã đọc và thích thơ Nhiên nên từ đó hai người thân với nhau. Biết được chuyện Phạm Duy phổ nhạc thơ Nhiên nhưng không hỏi và cũng không trả đồng nhuận bút nào, Lê Cung Bắc bèn đưa Nhiên đến gặp Chu Tử, chủ bút nhật báo Sóng Thần, bởi Bắc có tên trong nhóm chủ trương báo này. Nhà văn Chu Tử, tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng Sống, Yêu, Ghen, Loạn… cùng gốc người Bắc và cũng trạc tuổi Phạm Duy, vốn không ưa Phạm Duy nên ông “phang” ngay một bài khá cay trên mục Ao thả vịt của ông!


Một thời gian sau tôi thấy Nguyễn Tất Nhiên chạy một chiếc xe Honda nữ còn mới, nhìn rất tức cười. Bởi chiếc xe dành cho nữ khá thấp trong khi Nhiên cao lều khều, người gầy, chân tay dư thừa lòng khòng. Nhiên bảo tiền nhuận bút thơ mình Phạm Duy phổ nhạc đấy. Tôi cũng không hỏi thêm Phạm Duy trả hay ai trả và trả bao nhiêu. Sau này, khoảng cuối năm 1974, khi tôi gặp Phạm Duy trong lần ông lên Buôn Ma Thuột trình diễn chung với một ca sĩ du ca nổi tiếng người Mỹ, tôi hỏi chuyện này, Phạm Duy bảo chắc người in nhạc ông trả chứ ông đâu biết mặt mũi Nguyễn Tất Nhiên ra sao đâu!

[Image: 7-tat-nhien_RJKQ.jpg]
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (thứ hai từ trái qua) và các bằng hữu tại tư gia ở Westminster, Hoa Kỳ.

Vẫn lơ ngơ chân không chạm đất
Sau ngày 30-4-1975 vài tháng, Nguyễn Tất Nhiên từ Biên Hòa xuống Sài Gòn thăm tôi. Nhiên gầy hơn, cao lêu nghêu và đen nhẻm. Vẫn đôi dép lẹp xẹp, áo bỏ ngoài quần, trông còn lè phè hơn xưa. Nhiên bảo lúc này làm việc ở Hợp tác xã Xe lam. Bữa nay được nghỉ, Nhiên đi Sài Gòn mua ít đồ, tiện ghé thăm tôi. Tối đó Nhiên ở lại, hai thằng ngồi lai rai hết mấy xị đế ở hành lang căn gác tôi ở trọ. Và cùng ngủ ngồi bởi nơi tôi ở ghép trên đường Nguyễn Huỳnh Đức (Phú Nhuận) nhà chật chội, khá đông người, không có chỗ cho hai đứa. Từ đó tôi không gặp Nhiên. Khoảng đầu những năm 1980, tôi nghe tin Nhiên vượt biên, sang định cư ở Pháp, rồi sau lại nghe Nhiên sang Mỹ. Nhiên lấy vợ tôi không hay nhưng tin Nhiên mất tới tôi rất nhanh, qua một người bạn từ Mỹ về báo.
Mãi đến năm 2014 tôi qua Mỹ mới được nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ và đạo diễn Nguyễn Hoàng Nam, em trai Nguyễn Tất Nhiên, đưa tôi đến thăm mộ Nhiên. Không tìm đâu ra nén nhang, tôi xin Nguyễn Lương Vỵ điếu thuốc, đốt gắn trên mộ bạn nằm dưới bóng cổ thụ trong Vườn Vĩnh Cửu, nghĩa trang Westminster, California tĩnh mịch, yên bình.
 
Những câu thơ tiên tri về bi kịch cuộc đời
Tôi được nghe kể lại, thời gian sau khi ly hôn Nguyễn Tất Nhiên sống cô độc trên chiếc xe hơi cũ, lang thang vô định. Trong xe của Nhiên lúc nào cũng có một bịch khoai tây sống để ăn tạm khi đói. Rồi một ngày người ta tìm thấy anh nằm chết trên xe đậu trong sân một ngôi chùa. Tôi nghe mà lòng nghẹn đắng, thương bạn. Tôi nhớ bạn tôi vốn có nét mặt khắc khổ, ít khi thấy hắn cười, có cười thì nụ cười méo xệch. Thơ cũng như người. Thơ Nguyễn Tất Nhiên khi trẻ là những bài thơ thất tình đã được Phạm Duy phổ nhạc. Nhân vật Duyên trong Khúc tình buồn là một bạn học lớp đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8, lớp 9) khi mới 14-15 tuổi. Cô Bùi Thị Duyên hiện định cư ở Michigan, Hoa Kỳ. Cô cho biết chỉ là bạn học thôi nhưng Hải (NTN) thích và làm thơ tặng thì mình nhận. Nhưng vẫn thường nói với Hải bấy giờ mình mãi mãi chỉ là bạn thôi. Và Hải cũng gật đầu. Khi lớn hơn một chút, thơ Nguyễn Tất Nhiên bi thiết não lòng. Khi mới hai mươi, Nguyễn Tất Nhiên đã có những câu thơ bi thiết định mệnh: Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ/ Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian/ Phải đau theo từng hớp rượu tàn/ Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định…” (Giữa trần gian tuyệt vọng, 1972). Bốn câu thơ này được khắc trên mộ bia Nguyễn Tất Nhiên. Cả bài thơ tặng sinh nhật vợ sắp cưới cũng là những vần thơ sầu thảm như một lời tiên tri về những bi kịch sẽ đến: “Khổ đau oằn nặng sinh thời/ Yêu ai tôi chỉ có lời thở than…/ Lôi người té sấp, gian nan/ Lỗi tôi, ừ đó, muôn phần lỗi tôi!”.
Minh khúc 90, Nguyễn Tất Nhiên làm sau khi ly hôn, nhiều câu đọc lên mà nghe nhói lòng: “Đường không gian - đã phân ly/ Đường thời gian - đã một đi không về/ Những con đường mịt sương che/ Tôi vô định lái chuyến xe mù đời/ Cu Tí ngủ gục đâu rồi?/ Băng sau nhìn lại bời bời nhớ con...”. Những câu thơ xé lòng của một thi sĩ đi đến tận cùng nỗi bi thiết.
 
Chuyện cái bút danh
Về chuyện bút danh Nguyễn Tất Nhiên, sau này tôi nghe nói sau khi Nhiên chết, ở Mỹ có người bàn tán về cái bút danh ngộ nghĩnh Nguyễn Tất Nhiên. Chính Nguyễn Tất Nhiên kể với tôi là khoảng năm 1969, lần đầu gặp Du Tử Lê, nhà thơ thần tượng của anh bấy giờ, tại quán Cái Chùa (La Pagode), Sài Gòn, anh rụt rè hỏi: “Cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi bạn em bảo hơi “sến” phải không anh?”. Du Tử Lê buột miệng: “Tất nhiên”. Rồi hỏi: “Họ Nguyễn hả?”. Hải gật đầu. Du Tử Lê bảo: “Thì lấy Nguyễn Tất Nhiên đi!”. Và từ đó bút danh Nguyễn Tất Nhiên đi theo anh đến hết cuộc đời như một định mệnh nghiệt ngã. Khởi đầu từ tập thơ Thiên tai xuất bản năm 1970 đến khi thi sĩ nằm chết lặng lẽ trong chiếc xe hơi cũ ở sân chùa khu Garden Grove, California mùa thu năm 1992, ở tuổi 40.

Nguyễn Tất Nhiên tên thật Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Biên Hòa. Khi mới học đệ tứ (lớp 9 bây giờ) Trường Trung học Ngô Quyền, anh đã có thơ in chung trong tập Nàng thơ trong mắt. Và hai năm sau, anh có tập thơ riêng Dấu mưa qua đất. Cả hai tập thơ này đều với bút hiệu Hoài Thi Yên Thi. Tập thơ Thiên tai với bút danh Nguyễn Tất Nhiên xuất bản năm 1970 đã đưa tên tuổi anh thành một khuôn mặt đặc biệt của thi ca bấy giờ. Nguyễn Tất Nhiên có ba em trai: Nguyễn Hoàng Đệ (chết lúc nhỏ), Nguyễn Hoàng Nam hiện là đạo diễn điện ảnh và Nguyễn Hoàng Thi là ca sĩ-nhạc sĩ. Cả hai hiện định cư ở Hoa Kỳ với cha mẹ.

 

*******

 

Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”

Câu hát quen thuộc từng được nghe đi nghe lại trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam một thời nào. Nỗi Buồn Hoa Phượng, tên bài hát của Thanh Sơn, có thể xem là bài “tình ca học trò” tiêu biểu thuở ấy với sân trường phượng vỹ, với tiếng ve gọi hè, với những tà áo nữ sinh và những lưu bút ngày xanh chuyền tay nhau của những cô cậu học trò dưới mái trường trung học.

Đường Duy Tân, chợ Bến Thành
Chân ai thả bộ còn in khóe cười  (thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Cho đến một ngày kia, những “tình ca học trò” này bỗng trổ sang một nhánh khác; nói khác hơn, được “nâng cấp” thành những bài “tình ca sinh viên”. Không còn những “phượng thắm sân trường”, những “cổng trường vôi tím”, những “một thời áo trắng”… Sân trường Trung Học được thay bằng khuôn viên Đại Học, lớp học được thay bằng giảng đường, hình ảnh cô nữ sinh hay mơ hay mộng được thay bằng cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công (Anh Không Chết Đâu Em, nhạc Trần Thiện Thanh). Lần đầu tiên người ta nghe được những câu hát:

Trả lại em yêu khung trời Đại Học…
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát… (Trả Lại Em Yêu, nhạc Phạm Duy).

Hay là:

Kể từ sau đêm đó sân vui Đại Học mất tiếng chim ca… (Trên Đỉnh Mùa Đông, nhạc Trần Thiện Thanh)
Cũng đúng thôi, xong bậc Trung Học thì phải lên Đại Học chứ, và tình yêu cũng… chuyển trường. Có thể xem việc “nâng cấp” những bài tình ca học trò này là một cách “tạo dáng” (như cách nói bây giờ) và là cái mode thời thượng khá phổ biến vào thời ấy.

Trong số những bài “tình ca sinh viên” ấy, không thể không nhắc đến một bài hát trữ tình viết riêng cho những anh chàng, cô nàng sinh viên Luật Khoa Sài Gòn, mặc dù trong bài hát không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường “Luật Khoa Đại Học Đường”. Bài hát chỉ nhắc đến tên của một con đường quen thuộc như là nét phác trong một bức họa đẹp.

“Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”

blank

Chắc chắn đấy không phải là con đường có nhiều “cây dài” và “bóng mát” nhất ở Sài Gòn, thế nhưng con đường mang tên vị vua yêu nước của triều Nguyễn ấy như gắn liền với ngôi trường Đại Học Luật Khoa, và trở thành một trong những “con đường tình ta đi” quen thuộc của những câu chuyện tình sinh viên, học sinh ngày ấy. Duy Tân, con đường của những hàng cây sao già cỗi – như tuổi của ngôi trường cũ kỹ ấy – với những trái sao tròn nhỏ gắn đôi cánh mỏng dài và cong vẹt màu nâu đất, khi lìa cành bay là là và xoay tròn trong gió như những cánh chuồn chuồn của một thuở mộng mơ.

Con đường Duy Tân ấy, ngôi trường Luật ấy, Hồ Con Rùa (hay Công Trường Duy Tân) ấy và Nhà Thờ Đức Bà nữa, kết hợp thành một quần thể thân thuộc đối với những ai từng có thời kỳ gắn bó nơi chốn ấy, từng in những “dấu chân kỷ niệm” trên những lối đi, về ấy.

Nghe bài hát Trả Lại Em Yêu
Trả Lại Em Yêu, bài hát của Phạm Duy được cất lên lần đầu với giọng lảnh lót của Thái Thanh đã hớp hồn tuổi trẻ ngày ấy, hóa thành bài tình ca một thuở của sinh viên trường Luật và những ai có ít nhiều kỷ niệm với ngôi trường này. Bài hát kể về tình yêu trong một đất nước chiến tranh, khi mà đời sống con người luôn bị đè nặng, phủ trùm những âu lo và bất trắc. Những chàng “trai thời loạn” đành “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, giã biệt tình đầu để lên đường theo tiếng gọi của non sông, không hẹn một ngày về.
 
Anh sẽ ra đi về miền cát nóng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng…
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về…

Trả lại em yêu / mây trời xanh ngát…

Trả lại, trả lại hết những “con đường học trò”, những “mối tình vời vợi”, những mắt sáng môi tươi, những khung trời đầy trăng sao và những “Chủ Nhật uyên ương hẹn hò đây đó” và “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”… Trả Lại Em Yêu trở thành bài hát duet khá tình tứ được nhiều đôi nam nữ ca sĩ trình bày. Có thể nói không ca sĩ nào ngày ấy mà không từng hát Trả Lại Em Yêu, không chàng sinh viên nào ngày ấy mà không từng nghêu ngao câu hát Trả lại em yêu khung trời Đại Học…

Một bài tình ca khác, gọi đúng tên, gọi đích danh ngôi trường Đại Học nằm trên con đường Duy Tân ấy.

“Người từ trăm năm về ngang trường Luật…”

Bài hát là một bài phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy, Thà Như Giọt Mưa. Bài hát được phổ biến tràn lan trên các làn sóng đài phát thanh, các băng cassette, trên những đường phố, trong những quán café hay những sân trường.

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá…


Nguyễn Tất Nhiên: 'Thà như giọt mưa' — Tiếng Việt 

Điều khá lý thú, bài thơ được phổ nhạc (“Khúc Tình Buồn”, thơ Nguyễn Tất Nhiên) không hề nói năng gì đến trường Luật, không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường ấy cả. “Về ngang trường Luật” là những chữ được nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào một cách cố ý. Mối tình giữa Nguyễn Tất Nhiên và cô gái Bắc tên Duyên rất nổi tiếng thời ấy, nên nhạc sĩ cũng đã thêm đích danh tên của nhận vật nữ chính vào bài hát, dù cho bài thơ gốc không nhắc tới:

Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên

Cô gái tên Duyên và trường Luật cũng làm người ta nhớ tới một bài thơ khác cũng khá nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên:

Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Ta – thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể… (Gái Bắc – Nguyễn Tất Nhiên)

Có lẽ cũng lấy cảm hứng từ bài thơ này mà nhạc sĩ Phạm Duy viết những lời nhạc này trong ca khúc Thà Như Giọt Mưa:

người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi…

Thà Như Giọt Mưa là bài hát kể về câu “chuyện tình thư sinh” của anh chàng thất tình vì ta hỏng Tú Tài, hụt tình yêu, với những lời lẽ vu vơ, phất phơ như là “sao cũng được”, “thế nào cũng xong”, “tới đâu thì tới”…, chỉ cốt rong chơi cho qua ngày tháng.

Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân…
Ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi
quỵ té trên đường rồi…

Chuyện tình yêu của tuổi trẻ ngày ấy là vậy, là “chạy vòng vòng”, là “chạy mòn chân”, chạy hụt hơi để đuổi bắt chiếc bóng lung linh của tình yêu.

Trả Lại Em Yêu, Thà Như Giọt Mưa và những bài hát nào nữa đã khởi đầu cho một nhánh tình ca xanh tươi – tách ra từ dòng nhạc tình muôn thuở của nhạc Việt – gọi là “tình ca sinh viên, học sinh”. Có không ít những bài tình ca kể về những ngôi trường từng được hát, được nghe, được yêu thích một thời mà ai cũng dễ dàng kể tên ra được. Những bài tình ca như vậy đã không còn kể từ cái ngày đổi vận. Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, thành phố ấy đã thay tên, con đường ấy đã đổi tên, ngôi trường ấy cũng đổi tên, thay hình đổi dạng như hóa thành một người nào khác. Tôi đứng đó, tần ngần, hụt hẫng trước bao cảnh đổi thay của từng góc phố, mỗi con đường. Ngôi trường nhìn tôi dửng dưng, xa lạ. Tôi đã như chiếc bóng mờ của “những người đã qua”.

Lịch sử đã sang trang, chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng. Chỉ mấy mươi năm mà tôi tưởng chừng dài đến cả trăm năm. Người từ trăm năm…, lúc này đây tôi hiểu ra câu hát ấy, câu hát về những đời người đã cũ, về những ngày vui mơ hồ còn đọng lại trong tôi như những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.

Con đường cũ ấy không còn những “cây dài bóng mát”. Những “bạn bè cũ, mới” của tôi nay đâu?! Câu hát ngày xưa chỉ còn ngân nga trong trí tưởng, nghe rớt lại một nỗi ngậm ngùi.

Người từ trăm năm
về ngang trường Luật…

Nguồn: Lê Hữu (t-van.net)

 

 ------------------
 

 Trúc Đào
Tác giả: Nguyễn Tất Nhiên
 
Trời nào đã tạnh cơn mưa
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn
Nhà người tôi quyết không sang
Thù người tôi những đêm nằm nghiến răng
Quên người - nhất quyết tôi quên
Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Mùa thu lá rụng êm đềm
Như cô với cậu cười duyên dại khờ
Bởi vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ... ngơ ngẩn nhìn
Thế rồi trăng sáng lung linh
Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ
Sang năm mười bảy không ngờ
Tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa
Tôi mười bảy tuổi buồn chưa
Đầu niên học mới dầm mưa cả ngày
Chiều nay ngang cổng nhà ai
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào
Nhưng mà không hiểu vì sao
Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười ?

(1973)

 
Em hiền như ma soeur
Tác giả: Nguyễn Tất Nhiên

đưa em về dưới mưa
nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió
hồn mình gần nhau chưa ?

tay ta từng ngón tay
vuốt lưng em tóc dài
những trưa ngồi quán vắng
chia nhau tình phôi thai
xa nhau mà không hay


(hỡi em cười vô tội
đeo thánh giá huy hoàng
hỡi ta nhiều sám hối
tính nết vẫn hoang đàng!)

em hiền như ma soeur
vết thương ta bốn mùa
trái tim ta làm mủ
ma soeur này ma soeur
có dịu dàng ánh mắt
có êm đềm cánh môi
ru ta người bệnh hoạn
ru ta suốt cuộc đời


(cuộc đời tên vô đạo
vết thương hành liệt tim!)

đưa em về dưới mưa
xe lăn đều lên dốc
chở tình nhau mệt nhọc!

đưa em về dưới mưa
áo dài sầu hai vạt
khi chấm bùn lưa thưa

đưa em về dưới mưa
hỡi em còn nít nhỏ
chuyện tình nào không xưa ?

vai em tròn dưới mưa
ướt bao nhiêu cũng vừa
cũng chưa hơn tình rụng
thấm linh hồn ma soeur
 
Hai năm tình lận đận
Tác giả: Nguyễn Tất Nhiên

1.
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Mùa đông, hai đứa lạnh
Cùng thở dài như nhau
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng hư hao
Em không còn thắc bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn lýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư
Hai năm tình lận đận
Hai đứa đành xa nhau
Em vẫn còn mắt liếc
Anh vẫn còn nôn nao
Ngoài đường em bước chậm
Trong quán chiều anh ngóng cổ cao

2.
Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua
Chuông nhà thờ đổ mệt
Tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
Rơi xuống trần gian mưa
Dù sao thì Chúa cũng
Một thời làm trai tơ
Dù sao thì Chúa cũng
Là đàn ông ... dại khờ
Anh bây giờ có lẽ
Thiết tha hơn tín đồ
Nguyện làm cây thánh giá
Trên chót đỉnh nhà thờ
Cô đơn nhìn bụi bậm
Làm phân bón rêu xanh
Dù sao cây thánh giá
Cũng được người nhân danh

3.
Hai năm tình lận đận
Em đã già hơn xưa!

(1972)

 Kim Phượng sưu tập

 

 Khoảnh khắc 11.2: Thà như giọt mưa | Sắc Việt

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %08 %619 %2022 %09:%08
back to top