Lã Quốc Dũng, anh học trò thích vẽ thành công trên đất Mỹ
Lã Quốc Dũng
anh học trò thích vẽ thành công trên đất Mỹ
Từ một cậu học trò hay bị phạt vì… vẽ bậy, nghệ nhân Lã Quốc Dũng thành công trên đất Mỹ chỉ sau hai năm định cư, được nhiều người yêu mến.
Tuổi thơ…
Dũng quê Nam Định, nơi được mệnh danh là “đất học”. Mà Dũng cũng là cậu học giỏi, chỉ phải cái tội thích… “vẽ bậy”. Thật ra, Dũng có năng khiếu về hội họa từ nhỏ, và vì vẽ rất đẹp, nên bạn bè hay mua kẹo, rồi “dụ khị” để Dũng vẽ hay khắc tên mình hoặc những con vật yêu thích lên bàn ghế. Nhìn thì đẹp, nhưng việc dùng dao khắc lên gỗ sẽ bị hư “của công” trong trường. Lúc còn học ở trường Trung học Cơ sở Hải Hòa, cái tên Lã Quốc Dũng hay bị nêu lên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, do… phá hoại tài sản nhà trường.
Nhưng đến khi lên bậc trung học, tài vẽ giỏi của Dũng rất được trọng dụng. Lại nữa, lên cấp ba có môn mỹ thuật, nên Dũng tha hồ trổ tài, vẽ “đúng nơi, đúng chỗ” chứ không vẽ bậy nữa. Dũng kể suốt ba năm trung học, bất cứ hội nghị, lễ Tết, hay sự kiện nào của trường, anh đều được… triệu tập để phụ trách phần trang trí. Báo tường cũng vậy, hầu như không có tờ báo nào mà không có bàn tay anh… nhúng vô.
Ở nhà, bố và các anh của Dũng đều làm nghề điêu khắc, nên Dũng bảo mình bị nhiễm luôn “máu me nghề nghiệp” của cha anh. Năm 2002, anh thi đậu vào trường Kiến Trúc & Xây Dựng Hà Nội, nhưng ngay lúc ấy, trong nhà có một người anh bị vỡ nợ, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, không có tiền đóng học phí, Dũng đành phải nghỉ. “Thời điểm đó chưa có chương trình hỗ trợ cho học sinh nghèo, nên nếu không có tiền thì đừng mong bước chân vô trường đại học,” Dũng kể.
Vào Nam, sang Mỹ
Không được học đại học, Dũng cố tìm một con đường khác giúp anh theo đuổi ngành nghề liên quan đến nghệ thuật. Từ Nam Định, anh lặn lội vào Sài Gòn “tầm thầy học đạo” với họa sĩ Nguyễn Hoa Tươi. Giọng nói đầy tự hào, Dũng nhắc về người đã có công đào tạo anh trở thành họa sĩ: “Thầy tôi là người vẽ chân dung nhà Vua Morocco đó!”
Theo đoạn phim tài liệu phát trên YouTube vào năm 2009, họa sĩ Nguyễn Hoa Tươi là người có hơn 50 năm trong nghề. Ông từng được nhà Vua Morocco trong chuyến thăm Việt Nam, mời sang đất nước ông một tháng trời để vẽ danh lam thắng cảnh, và cả chân dung nhà Vua. Các tác phẩm của ông mang sắc thái nhẹ nhàng, tình cảm, tinh tế và trong sáng. Đây cũng là những gì Dũng được thầy mình truyền lại, để cho ra các tác phẩm sau này, được nhiều khách hàng yêu thích.
Hoàn thành khóa học hơn một năm với họa sĩ Nguyễn Hoa Tươi, Dũng chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm nơi lập nghiệp. Tại đây, anh mở tiệm ART Quốc Dũng, mà cho đến thời điểm hiện tại, khi anh sang định cư ở Mỹ được hai năm, tiệm vẫn đang hoạt động, chuyên thiết kế thi công nội-ngoại thất.
Miền đất đầu tiên cho cuộc sống mới định cư trên đất Mỹ của Dũng là ở tiểu bang Ohio. Gia đình anh qua đúng ngay vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Và ấn tượng đầu tiên của anh là… sợ hãi và “tưởng chết bên Mỹ rồi”, vì anh bị… mắc dịch. Cũng may, do còn trẻ, khỏe, nên sau thời gian chống trả quyết liệt, anh chiến thắng COVID-19.
Lạ nước lạ cái, không nhiều người quen ở Ohio, Dũng cũng mất một khoảng thời gian chới với, nhưng anh không bị ngã. Dũng nhanh chóng gia nhập các nhóm người Việt trên facebook, như “Người Việt in Orange County”, “Người Việt ở Houston”,… Cũng qua các nhóm này, người ta biết đến Dũng và đặt anh làm nhiều công trình. Người này giới thiệu, người kia quảng cáo giúp, có việc làm, cuộc sống của gia đình anh dần ổn định.
Từ miền Đông Bắc, anh không ngại bay qua tới miền Tây, miền Trung nhận công trình. “Trong năm qua, tôi có bốn, năm lần sang California, như ở San Francisco, hay ngay tại khu Phước Lộc Thọ có toàn người Việt, nhận vẽ tranh cho nhà dân và chùa Từ Bi,” Dũng kể. “Nhưng Houston là nơi tôi có việc làm nhiều nhất, thế nên tôi mới quyết định đưa cả nhà từ Ohio qua Texas sinh sống.”
Đam mê
Dũng nhận thiết kế thi công chỉ phào tường (moding), vách thạch cao, tấm ốp vân đá; thi công sân vườn con bộ; vẽ tranh và điêu khắc. Khi được hỏi, công trình nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất? Suy nghĩ trong tích tắc, Dũng trả lời ngay: “Công trình nào, dù lớn hay nhỏ, tôi đều đặt hết tâm huyết, tình yêu và niềm đam mê vào từng tác phẩm, nên với tôi, công trình nào cũng để lại ấn tượng đẹp. Đam mê đem lại cho tôi niềm hạnh phúc sau mỗi tác phẩm.”
Nhưng có lẽ, những công trình lớn, mất nhiều thời gian và tâm trí, anh càng khó quên, như việc thiết kế cho một tiệm nails ở Houston, hay công trình Nhà nguyện Lòng Chúa Thương Xót ở Arkansas, và nhiều công trình khác nữa, với mức phí đôi khi vài ngàn, cũng có công trình hàng chục ngàn đôla.
Ở công trình Nhà nguyện Lòng Chúa Thương Xót, anh và “thợ phụ” là bà xã làm trong vòng 10 ngày là xong. Công trình này, nếu giao cho một công ty của Mỹ, họ ra giá $200,000, nhưng Dũng chỉ nhận $8,000, và được tặng thêm $2,000. Lý do anh có thể nhận giá rẻ, vì anh đặt mua vật liệu từ Việt Nam, luôn có giá thấp hơn so với vật liệu bán ở Mỹ. “Ví dụ một cây moding, bên Mỹ bán $200, trong khi ở Việt Nam chỉ có giá $10, cộng thêm tiền cước phí vận chuyển cũng không tới giá đó.” Dũng lấy phí rẻ vì có được cô thợ vịn (không phải thợ phụ) làm công mà không ăn lương.
Vân Kim – “thợ vịn” của Dũng thật ra có nghề nails, nhưng khi chồng có công trình, cô sẵn sàng xách đồ nghề đi theo, để chỉ làm nhiệm vụ đưa đồ nghề khi chồng cần.
Dũng là người Công giáo, nhưng anh cho biết công trình anh nhận từ lúc còn ở trong nước đến khi sang Mỹ, hơn 70% là tại các cơ sở của Phật giáo, mà thường “làm ở nhà chùa… ít tiền hơn nhà thờ”. Dũng kể, mỗi khi được các thầy, hay các linh mục gọi, Dũng đều hỏi một câu: “Thầy/Cha có bao nhiêu tiền?” để anh làm theo khả năng của khách, chứ không đưa giá trước. Anh nói thường các nhà thờ luôn có một khoản dự trù, còn các thầy ở chùa thì… “có nhiêu làm nhiêu”.
Điều khiến Dũng ngạc nhiên một cách thú vị khi làm cho chùa, là trong quá trình thi công luôn có Phật tử tới cúng dường, nên nhiều khi các thầy không cần phải bỏ chi phí, mà vẫn có được nơi thờ cúng trang nghiêm lại đầy tính nghệ thuật dưới bàn tay của anh họa sĩ trẻ.
Trở lại trường
Dũng nói hai năm qua, anh làm hầu hết cho người Việt, nhưng về lâu dài, anh sẽ phải đi học lấy bằng về xây dựng (construction) để nhận các công trình trang trí nội, ngoại thất. Ở tuổi 40, có ba con còn nhỏ: 15 tuổi, 12 tuổi và 11 tuổi, Dũng không ngại khi phải trở lại trường lấy bằng cấp để hành nghề. Ngoài ra, Anh ngữ cũng là một trong những rào cản, mà anh khuyên những người trẻ cần trang bị cho mình trước trước khi sang Mỹ định cư.
“Nhập gia tùy tục, định cư ở đâu phải rành ngôn ngữ xứ sở đó. Có lẽ ngành nghề nào cũng vậy thôi, nhưng với nghệ thuật khác hơn một chút, đôi khi không phải 1+1=2,” Dũng chia sẻ kinh nghiệm. “Tôi có nhận một công trình chủ người Mỹ, có thông dịch viên người Việt, nhưng dịch không đúng ý. Từ ngữ trong nghệ thuật hơi mơ hồ, hiểu sai ý một chút là khi làm sẽ khác ngay.”
Dũng chọn cho công ty của mình slogan: “Niềm tin của công trình” vì cho rằng khách hàng luôn đặt hết niềm tin vào người họ trao việc, nên anh cố làm tận tâm để khách tin tưởng và hài lòng. Tuy vậy, không phải công trình nào cũng làm nghệ nhân hài lòng một cách tuyệt đối. Dũng giải thích: “Công việc của tôi phụ thuộc vào thời gian, vả lại, nghệ thuật thì không có giới hạn.”
Hiện tại, gia đình Dũng đã “an cư lạc nghiệp” tại tiểu bang được mệnh danh là “ngôi sao cô đơn” nhưng mỗi ngày anh lại có thêm nhiều người quen do khách hàng biết giới thiệu, mà không hề cô đơn. Anh có nhiều “order” đến nỗi phải sắp xếp thời gian, được mới dám nhận.
Nghệ nhân Quốc Dũng có lẽ là một trong những điển hình về người Việt trẻ thành công, dù chỉ mới “nhập gia” được vỏn vẹn hai năm. Để làm được điều này, theo Dũng, cứ chịu khó, tận tâm, đam mê, hết lòng vì công việc, thì ai, nghề nào cũng vậy, sớm muộn gì cũng gặt hái được thành công.
Đoan Trang
Kim Quy sưu tầm