Sống ở nước ngoài, những người con đất Việt vẫn luôn yêu quý, trân trọng những nét văn hóa của dân tộc.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, tà áo dài truyền thống với các hình thức thiết kế, màu sắc đa dạng và phong phú đã ra mắt bạn bè năm châu trong các cuộc thi sắc đẹp, sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật; được xem như quốc phục, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Áo dài chính là bản sắc văn hóa dân tộc, là đặc trưng dễ nhận thấy nhất để phân biệt người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, việc bảo vệ chiếc áo dài nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung đang còn gặp nhiều trở ngại, thách thức.
Áo dài đi vào cuộc sống hiện đại nhẹ nhàng, bình dị, nhưng cũng thật sâu sắc.
Áo dài phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi thân hình, mọi tình huống. Ai mặc áo dài cũng đẹp hơn, duyên dáng hơn, đoan trang hơn, tự tin hơn.
Chiếc nón lá và tà áo dài trong đời sống văn hóa người Việt
Gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt, từng trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm thơ ca, chiếc nón lá và tà áo dài đã trở thành một biểu tượng khi nhắc đến văn hóa Việt, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt khi nhớ về.
Không giống các trang phục truyền thống của các quốc gia láng giềng như kimono Nhật Bản, Hanbok Hàn Quốc, Sari Ấn Độ,… đòi hỏi sự cầu kỳ khi mặc, chiếc áo dài Việt Nam vừa đơn giản, gọn gàng, tiện dụng mà vẫn toát lên thần thái thanh lịch. Chính vì lý do đó mà tà áo dài Việt đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong đời sống văn hóa người Việt, không chỉ được diện vào các dịp truyền thống như Lễ Tết, cưới xin mà còn được ưa chuộng trong cuộc sống thường ngày.
Chiếc áo dài, trải qua nhiều biến cố, nhiều hình thái, theo thời gian đã gắn chặt với tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa Việt, đại diện cho một thế hệ người Việt biết gạn đục khơi trong, chắt chiu và gìn giữ những giá trị tinh túy nhất của nhân loại.
Áo dài đã đi vào rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và trở thành hình tượng điển hình trong thơ ca. Áo dài theo bước chân chúng ta đến trường, áo dài đi khắp mọi nẻo đường của Tổ Quốc, áo dài xuất hiện trong các sự kiện quốc tế, theo chân Việt Kiều hiện diện khắp năm châu.
Áo dài có nguồn gốc từ rất lâu đời, xuất hiện và gắn bó với đời sống người Việt
Khởi nguồn của áo dài từ đâu, có lẽ nhiều người không còn nhớ. Người ta chỉ biết rằng hình ảnh áo dài phất phơ trong gió đã xuất hiện trên khắp các cổ vật được truyền lại từ hàng ngàn năm trước, trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh,… Chiếc áo dài xưa nhất bắt nguồn từ áo giao lãnh, có hình dáng tương tự như áo tứ thân. Nhưng với kết cấu rườm rà, không tiện lợi cho công việc đồng áng, buôn bán nên áo giao lãnh đã nhanh chóng bị biến đổi, trải qua một thời gian dài, trở thành chiếc áo dài mang dáng dấp như hiện nay.
Kiểu áo dài truyền thống của Việt Nam ngày nay không những dung hòa được toàn bộ nét đẹp của cái cũ và cái mới mà còn góp phần tôn vinh nét đẹp duyên dáng, thanh lịch, yêu kiều của người phụ nữ Việt. Trải qua gần 1 thế kỷ với nhiều biến đổi nho nhỏ về mặt hình thức để bắt kịp thị hiếu và gu thời trang hiện đại, nhưng chiếc áo dài vẫn giữ được nguyên vẹn tinh thần dân tộc và hình dáng cơ bản.
Trải qua nhiều thế kỷ, chiếc áo dài Việt vẫn giữ nguyên vẹn được nét đẹp tinh khôi
Dù là áo dài xưa truyền thống hay áo dài cách tân ngày nay thì chiếc áo dài vẫn luôn được phụ nữ Việt trân trọng và gìn giữ như một bảo vật cần được trân quý. Có thể nói, ở đâu có người phụ nữ Việt là ở đó thấp thoáng bóng dáng tà áo dài. Áo dài Việt không chỉ là một trang phục mà còn được nâng lên thành biểu tượng cho văn hóa, cho nét đẹp truyền thống ngàn đời của mỗi người con đất Việt. Nhìn tà áo dài cũng giống như đang nhìn thấy bóng hình dân tộc ẩn sâu trong đó.
Trong suốt chiều dài 4000 năm đấu tranh giành độc lập và chống ngoại xâm của Việt Nam, chiếc áo dài vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn như một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, trở thành quốc phục, niềm kiêu hãnh dân tộc, nhắc nhở mỗi người con đất Việt phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp ngàn đời để lại
v
Nhắc đến áo dài, ta không thể không nhắc tới nón lá, cũng là một trong những hình tượng quen thuộc gắn liền với đời sống của mỗi người Việt xưa. Hình ảnh người phụ nữ Việt dịu dàng, thanh thoát trong chiếc áo dài cùng chiếc nón lá bài thơ nghiêng nghiêng e ấp như cố giấu đi một ánh mắt, một nụ cười là một hình ảnh đẹp và gợi cảm nhất của người phụ nữ Việt được nhiều người ngợi ca, đi vào nhiều tác phẩm văn học.
Nón lá và áo dài là người bạn đồng hành của người phụ nữ Việt
Ngoài chức năng che nắng che mưa, chiếc nón lá còn làm hoàn thiện hơn và tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, kín đáo, thanh thoát nhưng muôn phần quyến rũ. Cũng như chiếc áo dài, nón lá có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, vào khoảng 2500-3000 năm về trước, gắn liền với hình ảnh của người dân nước Việt. Người ta đội nón đi chợ, đi trẩy hội. Ngoài đồng, trong ngõ thấp thoáng những chiếc nón quai thao. Chiếc nón thay quạt làm mát vào những ngày hè oi bức. Chiếc nón như một kỷ vật gửi trao tình cảm của người mẹ ngày tiễn con gái đi lấy chồng. Chiếc nón đi vào biết bao tác phẩm thơ ca, trở thành hình tượng tiêu biểu làm thi vị hóa hình ảnh người phụ nữ Việt: “Quê hương là cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che”. Những giai điệu ấy đã khảm sâu vào lòng mỗi người con đất Việt ngay từ những ngày còn ẵm ngửa trong nôi, trở thành một thứ biểu tượng linh thiêng đại diện cho hồn Việt, hồn dân tộc.
Nón Việt có rất nhiều chủng loại, được phát triển lên theo thời gian, ngày càng trở nên tiện dụng và gần gũi hơn. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn phải kể đến nón lá. Từ nông thôn đến thành thị, không ai không sở hữu một chiếc nón lá. Nón lá vừa toát lên sự đoan trang, bình dị, vừa thể hiện một nét đẹp rất riêng, rất thu hút và quyến rũ.
Nón lá ăn sâu và bám rễ trong cuộc sống của rất nhiều người.
Để có thể làm ra một sản phẩm giàu tính nghệ thuật như thế, những nghệ nhân làm nón lá đã phải trau chuốt từng đường kim mũi chỉ. Một chiếc nón lá được hình thành chứa đựng biết bao tình cảm của người nghệ nhân gửi gắm vào đó. Nón lá đã trở thành cuộc sống của biết bao người, là nguyên liệu góp phần nuôi sống biết bao người con đất Việt. Ngày nay, tuy nón lá đã không còn quá phổ biến, nhưng những làng nghề truyền thống ấy vẫn tồn tại nguyên vẹn và được trân trọng. Nghề nón khó thì nhiều mà lời thì ít nhưng chúng như một món ăn tinh thần đã bám rễ trong đời sống của mỗi nghệ nhân, khiến họ không thể từ bỏ. Chính vì vậy, mỗi chiếc nón lá ra đời đều mang trong mình một sinh mệnh, một linh hồn và một ý nghĩa riêng biệt, đại diện cho nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam.
Dùng để ứng phó với thiên nhiên, như một món trang sức, như một vật để trao đổi tâm tình,… chiếc nón cứ tự nhiên như thế, đi sâu và bám rễ trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, trở thành một thứ biểu tượng thiêng liêng cho tâm hồn người Việt.
Nón lá – hình ảnh quen thuộc ở mỗi làng quê Việt xưa và nay
Hình ảnh tà áo dài và chiếc nón lá trải qua rất nhiều biến cố và đổi thay để có được diện mạo đẹp nhất như ngày hôm nay. Tuy không còn được bắt gặp thường xuyên như trước đây, nhưng tính biểu tượng của chúng lại ngày càng được nâng cao, theo chân nhiều người Việt đến mọi miền Tổ Quốc, xuất hiện trong nhiều cuộc thi sắc đẹp và nhiều chương trình truyền hình. Mỗi lần được ngắm nhìn sự kết hợp hài hòa của hai thứ phục trang ấy giống như dòng nước uốn lượn theo từng đường nét cơ thể mềm mại thướt tha của người phụ nữ, ta không khỏi dấy lên niềm vui và tự hào dân tộc. Hai tà áo dài như đôi cánh nâng những bước chân thanh thoát của người con gái làm dao động cả không gian và cảnh vật xung quanh, làm rung động trái tim của biết bao người Việt và bạn bè năm châu.
Đó là niềm tự hào của người Việt, cũng là điểm nhấn mỗi khi du khách nước ngoài nhắc đến Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng ta là phải trân quý, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời ấy, để chúng không bị phai một, luôn sống mãi như một biểu tượng bất diệt về tinh thần, lòng tự tôn và vẻ đẹp dân tộc.