"Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu"
"Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu"
▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃
Mặc dù xuất hiện muộn hơn, chất nhạc lãng mạn say sưa, vừa giản dị mộc mạc mà đầy mỹ cảm của Lam Phương đã nhanh chóng được chú ý và đón nhận, đưa ông lên vị trí “ông hoàng phòng trà” những năm 1960.
Trong những giai thoại văn nghệ của Sài Gòn xưa, có lẽ không ai không biết đến chuyện tình dở dang của Lam Phương và Bạch Yến. Phần vì đó là câu chuyện gây nhiều nuối tiếc, phần vì cách cư xử văn minh của người trong cuộc và quan trọng hơn cả là mối tình ấy đã đi vào âm nhạc Lam Phương một cách tài tình, tạo nên những tuyệt phẩm lãng mạn; trong đó, xuất sắc nhất phải kể đến hai nhạc phẩm ông viết năm 1969, sau mười năm gặp lại Bạch Yến - Thu sầu và Tình bơ vơ.
“Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu…”
Có lần, Lam Phương nói vui về những chia ly của đời mình, rằng cách tốt nhất để quên đi một người là “chúng ta hãy thật nhanh cho người khác cơ hội. Khi có người mới, ta sẽ vơi đi nỗi buồn, nỗi nhớ người cũ…”. Cách nói tếu táo, dí dỏm, rất “Lam Phương”, tưởng như pha trò nhưng lại gợi ra biết bao nhiêu hạnh phúc lẫn buồn đau. Thực tế, có những mối tình đã có thể đi qua nhưng có những mối tình dường như không thể nguôi ngoai trong đời người nhạc sĩ ấy. Đó là Bạch Yến.
Bạch Yến là phu nhân của cố nhạc sĩ - giáo sư Trần Quang Hải (con trai cố giáo sư Trần Văn Khê). Lam Phương và Bạch Yến có duyên hạnh ngộ vào cuối những năm 1950. Khi đó, Bạch Yến mới 15, 16 tuổi, là một trong những kỳ nữ văn nghệ miền Nam bởi cả giọng hát và dung nhan vô cùng thanh tao, quyến rũ. Lam Phương khi ấy là một nhạc sĩ có chút tiếng tăm. Tuy nhiên, vẻ tài hoa của ông và những xao xuyến đầu đời không đủ để níu giữ giai nhân nhiều tham vọng ở lại bên mình. Sau 1954, Bạch Yến quyết định rũ bỏ quá khứ nhọc nhằn và tuổi thơ cơ cực để tung cánh sang trời Tây.
Thế rồi tưởng như mối tình ấy đã lùi vào quá khứ, khi Lam Phương đã yên bề gia thất bên Túy Hồng, thì bẵng đi cả thập niên cách xa, Bạch Yến trở lại Việt Nam. Sau này, trong những ngày cuối đời phải ngồi xe lăn vì tai biến, Lam Phương hồi tưởng: “Cổ bỏ đi Pháp, rồi đi Mỹ cả mười năm mới quay về. Khi cổ về, tôi có gặp lại cổ, khi đó cổ chưa có chồng nhưng tôi thì có gia đình rồi. Cổ lại đi tiếp”. Người nhạc sĩ bâng khuâng nói về người tình cũ, nghe nhẹ tênh nhưng chất chứa biết bao nỗi niềm.
Hai năm cuối cùng ở Việt Nam, những sự ra đi, trở về của Bạch Yến làm trái tim Lam Phương như rung lên những nốt đắng cay cuối cùng. Trong những biệt ly sau cuối ấy (những năm 1969, 1970), Lam Phương viết Tình bơ vơ, rồi Thu sầu, với những lời ca sầu thương ngút ngàn: “Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu” hay “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi!”. Những năm sau này, ông còn có Chờ người, Phút cuối, Xin thời gian qua mau… và sau này nữa là Cho em quên tuổi ngọc, viết riêng cho giọng ca Bạch Yến (khi đó đã là vợ của giáo sư Trần Quang Hải nhưng cả ba người vẫn giữ với nhau sự tôn trọng, cảm mến). Tất cả đều là những tuyệt phẩm của Tân nhạc Việt Nam, được đông đảo công chúng hâm mộ.
Sau này, chính nhạc sĩ Trần Quang Hải đã nói trong một bài viết của mình về Lam Phương: “Tôi còn nhớ ngày anh Lam Phương tới thăm nơi chúng tôi cư ngụ ở Limeil Brevannes (ngoại ô Paris), anh Lam Phương sáng tác bản Cho em quên tuổi ngọc vào năm 1984 để tặng Bạch Yến… Với một gia tài đồ sộ ca khúc, một tâm hồn sáng tác gần với quê hương, anh Lam Phương là một nhạc sĩ tài năng hiếm có trong vườn hoa Tân nhạc Việt Nam”.
Người viết tình ca giữa thế kỷ bộn bề
Giai đoạn 1954 đến 1975, âm nhạc Sài Gòn có nhiều biến động, như một vòng xoáy của nhiều ngã rẽ đổ về. Ngược lại, khi nhu cầu sáng tạo và trình diễn tăng cao, đời sống văn nghệ lại bị kìm hãm bởi những quy định và luật lệ.
Trong cái không khí âm nhạc vừa hỗn độn xô bồ lại vừa bị kìm nén đến bất an ấy, tình ca trở nên được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Những bản nhạc tình bắt đầu bước ra khỏi dòng cổ nhạc dân ca miền Nam trên nền tiết tấu boléro và rumba dìu dặt, trở thành liều thuốc xoa dịu tinh thần của một lớp thanh niên và người yêu nhạc thời đó. Đó là “giai đoạn vàng son” của một lứa nhạc sĩ lớn của tình ca Việt Nam như Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên…
Có lẽ, cũng giống như Phạm Duy, khi nói về Lam Phương, rất khó để không sa đà vào những giai thoại tình ái trong cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa mà đa tình ấy, dẫn đến việc bị thiếu sót trong đánh giá và nhìn nhận những đóng góp và giá trị của âm nhạc Lam Phương. Mặc dù xuất hiện muộn hơn, chất nhạc lãng mạn say sưa, vừa giản dị mộc mạc mà đầy mỹ cảm của Lam Phương đã nhanh chóng được chú ý và đón nhận, đưa ông lên vị trí “ông hoàng phòng trà” những năm 1960, rồi dần trở thành một “biểu tượng” của nhạc tình miền Nam, một cây đại thụ khó ai thay thế được trong bức tranh Tân nhạc Việt.
Giữa màu sắc hư ảo của Trịnh Công Sơn, cái buồn bã nhiều nhục cảm của Lê Uyên Phương, nhạc tình “ảo tính” của Phượng Hoàng, cái cuồng nhiệt trực diện của Phạm Duy… âm nhạc của Lam Phương, mà điển hình là hai ca khúc Tình bơ vơ và Thu sầu, với những nét nhạc lãng mạn thủ thỉ khiến người nghe như muốn dựa vào để được vuốt ve an ủi; với lời ca mộc mạc đi thẳng vào lòng người, xoa dịu những vết thương.
Như nhạc sĩ Phạm Duy nhận định, Lam Phương, với sự nhạy bén và tinh tế, đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng sáng tác của âm nhạc Sài Gòn thời đó. Ông phát triển những giai điệu boléro nguyên bản thành những giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng nhịp 4/4 nhưng không quá bi lụy, rất hợp với tâm trạng và thẩm mỹ của đông đảo người nghe nhạc bình dân.
Ái tình của Lam Phương, như câu hát mở đầu nhạc phẩm Tình bơ vơ: “Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi…”, là cái chân chất thật thà, chỉ với một câu hát như một câu nói mà khiến người nghe rung động, chạm tới tận đáy tâm can. Hay trong nhạc phẩm Thu sầu, dù vẫn mang dáng dấp những lối diễn tả ẩn dụ, với giai điệu lãng mạn của âm nhạc tiền chiến nhưng Lam Phương chưa bao giờ cố gắng dùng những từ ngữ cao siêu, bóng bẩy mà hầu như chỉ đưa vào các ca khúc của mình những ca từ quen thuộc như “Thương chi cho lắm rồi cũng xa nhau” hay “Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau”. Sang đến Tình bơ vơ, nhạc sĩ đã dùng giai điệu trưởng, khiến cho cái buồn trở nên bớt lê thê hơn rất nhiều.
Những sáng tác của Lam Phương dù phần lớn đều được bắt nguồn từ những câu chuyện, những mối tình có thực, nhưng theo thời gian, nhạc tình của ông như thoát khỏi những “tình ý” ban đầu, trở thành những cảm xúc đông đảo người nghe nhạc đều có thể đồng cảm, có sức sống mãnh liệt trong dòng chảy âm nhạc.
Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Danh ca Bạch Yến là một trong những người có sức ảnh hưởng sâu sắc trong giới văn nghệ Sài Gòn vào thập niên 60. Bà sớm nổi danh trong nước và bất ngờ trở thành một giọng hát mang tầm quốc tế với tài năng biểu diễn thiên phú.
Giọng hát Mezzo Soprano nữ trung (pha trầm) giầu kịch tính của Bạch Yến đậm dấu ấn phong cách Slow Rock có thể hát xuyên dàn nhạc. Giọng hát ấy luôn luôn thành công khi trình bày những giai điệu chan chứa nỗi thất vọng và cô đơn.
Mối tình son trẻ và những "Đêm đông"
Cuộc đời danh ca Bạch Yến (Quạch Thị Bạch Yến - sinh năm 1942 tại Sóc Trăng) đầy trầm luân từ khi còn nhỏ. Gia đình ly tán, Bạch Yến rời quê theo mẹ lên sinh sống ăn học tại Cần Thơ. Dường như sống trong cảnh cô đơn, thiếu tình thương của người cha, cô bé Yến ngày đó dựa vào âm nhạc để an ủi tâm hồn. Bé Yến theo học ca đoàn nhà thờ và đã bao đêm tủi buồn trong bản thánh ca vang vọng. Nhưng cuộc sống nghèo khổ cơ cực nơi miền Tây sông nước làm mấy mẹ con Bạch Yến bị xô đẩy tha hương. Bạch Yến lại cùng chị em theo mẹ lên Sài Gòn mưu sinh. Bạch Yến chỉ biết tìm đến ca hát làm nguồn vui. Âm nhạc thánh ca vẫn là nơi để Bạch Yến gửi gắm mộng ước tuổi xanh.
Bạch Yến với đĩa hát tiếng Pháp.
Không ngờ giọng hát dày ấm dễ thương của bé Yến đã được thầy giáo - nhạc sĩ Lê Thương biết tới. Ông đã khuyên học trò đi dự cuộc thi hát thiếu nhi do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức (1953). Không những Bạch Yến được giải nhất mà còn được đài ký hợp đồng hát cho chương trình trẻ em hàng tuần. Vậy là mới 11 tuổi Bạch Yến đã kiếm được tiền mang về cho mẹ. Và ngờ đâu cô bé Yến ngày đó đã được chàng trai Lâm Đình Phùng (tên khai sinh của nhạc sĩ Lam Phương) thầm yêu trộm nhớ. Khi đó Lam Phương mới 15 tuổi và cũng đã theo học sáng tác ca khúc. Ban ca đoàn thiếu nhi là nơi gặp gỡ hàng tuần của đôi bạn trẻ.
Nhưng rồi chỉ được hai năm ban ca đoàn thiếu nhi giải tán. Bạch Yến lần mò đến vũ trường và các quán cà phê xin hát. Ở tuổi 15, Bạch Yến lớn lên xinh đẹp với gương mặt đầy cá tính và tự tin tạo nên một ánh sáng khác lạ dưới ánh đèn. Sở hữu giọng hát tràn đầy năng lượng, Bạch Yến nhanh chóng chinh phục những ông chủ sàn diễn khó tính nhất. Đặc biệt vốn liếng học tiếng Pháp của Bạch Yến được phát huy thật sự lộng lẫy trên sân khấu trình diễn những ca khúc quốc tế.
Và một giấc mơ đã đến trong đêm chuẩn bị ra mắt ca khúc "Đêm đông" tại sàn khiêu vũ. Hình ảnh cô lữ trong bài hát của Nguyễn Văn Thương ám ảnh tâm trí của Bạch Yến. Trằn trọc với số phận "đêm đông ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng" đã vận vào mối tình không tới của Bạch Yến với Lam Phương. Nhịp điệu valse của ca khúc phải chăng thấy lạc lõng với "Thời gian như ngừng trong tê tái" của trái tim cô đơn. Trong cơn mê, Bạch Yến đã cất tiếng hát theo điệu chậm rãi bày tỏ biểu cảm nỗi buồn tê tái: "Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha hương. Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà".
Lúc này hình ảnh ngôi nhà của gia đình Bạch Yến trong xóm lao động năm xưa bị cháy hiện lên. Những đêm lang thang vô định vẫn còn đọng lại trong tâm sự đắng cay của cô ca sĩ nghèo. Hôm sau Bạch Yến yêu cầu ban nhạc thay đổi cách chơi nhạc theo ý mình. Đó là chuyển sang điệu thức Slow Rock cho phù hợp với bài "Đêm đông". Đúng là sự khác biệt đã đem lại thành công bất ngờ cho Bạch Yến trong buổi trình diễn đầu tiên. Khán giả đã vụt đứng dậy vỗ tay tán thưởng khi cảm xúc của nghệ sĩ tuôn chảy đến giây phút ánh sáng tắt dần. Cái tên Bạch Yến từ đó thực sự vang dội như một ngôi sao ca nhạc mới ở tuổi 15 (1957). Sau này tất cả những chương trình ca nhạc, khán giả luôn yêu cầu Bạch Yến trình diễn "Đêm đông". Đó là một bước ngoặt có tính quyết định sự nghiệp âm nhạc của Bạch Yến.
"Tình bơ vơ" trong nỗi "Thu sầu"
Sự bừng sáng đột biến đã tạo dựng chân dung nghệ sĩ Bạch Yến như một định mệnh. Cuộc tình dở dang càng làm cho cô nàng luôn cảm thấy xốn xang. Giọng hát trầm ấm của Bạch Yến ẩn chứa cõi lòng hoang hoải xót đắng. Cô tập trung và ca hát và gắn bó tên tuổi với những bản ballad tình yêu. Nhất là khi nhạc sĩ Lam Phương đã dứt tình đi lấy vợ.
Vợ chồng Bạch Yến-Trần Quang Hải sát cánh hơn 40 năm biểu diễn âm nhạc cổ truyền
Ngay sau đó ít lâu Bạch Yến thu xếp một chuyến đi tu nghiệp ở Pháp. Cô vừa học thêm kỹ thuật thanh nhạc vừa biểu diễn ở một số trung tâm tại Paris (1961). Đây là chuyến viễn du thoát xác ngoạn mục với giọng hát làm say mê lòng người. Nhưng ai dè chuyến đi này đã làm tê dại tâm hồn nhạc sĩ Lam Phương. Đó là một sự chia xa không đoạn kết. Bạch Yến là một khối tình say đắm và mơ mộng nhất trong cuộc đời Lam Phương. Nhạc sĩ đã sáng tác những bản tình ca cho riêng ca sĩ xinh đẹp đầy cá tính này. Đầu tiên là "Tình bơ vơ" với cảm xúc buồn bã nhớ thương: "Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi/ Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào dĩ vãng…". Tiếp sau đó là tình khúc "Chờ người" với lời lẽ ám ảnh: "Tình anh lạc chốn mê rồi. Nhớ chăng người cũng đi rồi. Ngày vui mang theo một cơn gió lốc. Lệ thắm không rơi cứ tuôn. Ai còn nhớ đâu mà thương". Còn nữa nào là "Thu sầu", "Phút cuối", "Tình chết theo mùa đông".
Nhưng có lẽ chuyến xa xứ thứ hai vào năm 1965 của Bạch Yến coi như chấm dứt mọi sự ràng buộc và tạo sự bứt phá mới. Sau hai năm tu nghiệp ở Pháp về, Bạch Yến đã được một hãng truyền hình ở Mỹ mời biểu diễn. Đó chính là chương trình ca nhạc nổi tiếng Ed Sullivan Show mà ít người dám mơ ước được tham gia. Với tài năng độc đáo khi hát nhạc ngoại quốc, Bạch Yến gây được tiếng vang ở nước ngoài với những nhạc phẩm Rock-n-Roll, Mambo và khúc điệu Slow Rock. Chị là người đầu tiên hát trên sàn diễn truyền hình hấp dẫn nhất hành tinh khi đó. Ca khúc "Đêm đông" tiếp tục xuất hiện cùng với những tác phẩm quốc tế nổi tiếng như "If I Have A Hammer", "La Vie En Rose", "I Dreamed A Dream"… Liên tiếp là những chuyến đi quay dã ngoại và biểu diễn ngày đêm. Bạch Yến đã được chọn hát cùng với những ca sĩ gạo cội nổi tiếng nhất ở Mỹ. Đó là những cái tên huyền thoại trên sân khấu ca nhạc như Bob Hope, Bing Crosby, Frankie Avalon, Jimmy Durante… Bạch Yến đã biểu diễn cùng họ khắp 46 tiểu bang Hoa Kỳ cùng các hợp đồng đắt giá.
Điều kỳ thú nhất là Bạch Yến thường xuất hiện với trang phục áo dài mỗi khi biểu diễn ca khúc Việt Nam. Ngoài bài "Đêm đông", Bạch Yến hay hát những ca khúc của Lam Phương. Sau này còn có thêm những bài Bạch Yến được nhạc sĩ Lam Phương viết tặng riêng như: "Trăm nhớ ngàn thương", "Kiếp tha hương", "Cho em quên tuổi ngọc". Quả đúng là Bạch Yến đã quên tuổi ngọc và dấn thương không biết mệt mỏi cho sự nghiệp ca hát. Cô hát để quên đi những mối tình vây quanh cùng với những khát vọng hạnh phúc vô thường. Nghệ sĩ vẫn cô đơn với những "Đêm đông" triền miên trong giá băng tuyết lạnh. Thời gian qua mau, Bạch Yến đã sang tuổi 36 nhưng vẫn cháy hết mình với những đam mê âm nhạc.
40 năm với "Tân hôn dạ khúc"
Ca sĩ Bạch Yến ngỡ như bỏ quên đời trong nỗi cô đơn bất tận. Nhưng cái gì đến sẽ đến cũng đột biến như cuộc đời du tử trong âm nhạc. Bạch Yến đã gặp người tình của mình đúng như định mệnh vậy. Đột ngột và kỳ ảo khi có người sáp tới hôn lên má Bạch Yến. Ngẩng đầu lên cô mới hay đó là nhạc sĩ, giáo sư Trần Quang Hải (con trai giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê). Họ mỉm cười và quấn quýt ngỡ như đã nợ duyên nhau từ kiếp trước. Và đám cưới chỉ một tháng sau đã tiến hành. Hai người sống hạnh phúc cùng con gái riêng của Trần Quang Hải. Nhưng điều kỳ lạ hơn đó là Bạch Yến đã nghe lời chồng từ bỏ đất Mỹ trở về Paris để dựng nghiệp hát dân ca. Lại bắt đầu một cuộc viễn du mới trong sự nghiệp ca hát của Bạch Yến. Đâu mấy ai ngờ hành trình này kéo dài tới hơn 40 năm.
Hai vợ chồng Bạch Yến đã đi biểu diễn khắp thế giới với những bản hát ru và dân ca khắp ba miền đất nước. Họ đã cho ra đời 10 CD về âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt trong số album đó có một CD đã đoạt giải thưởng lớn: "Grand Prix Du Disque de L'Acad é mie Charles Cros" (Do Hàn Lâm Viện đĩa hát Charles Cros trao tặng-1983). Cuộc viễn du qua 70 quốc gia của hai người đã ngưng lại sau khi nhạc sĩ Trần Quang Hải đột ngột qua đời (2021). Nhưng vẫn còn đó những lời ca hạnh phúc trong bài "Tân hôn dạ khúc" do nhạc sĩ Trần Quang Hải viết tặng vợ trong ngày cưới. Giọng hát Bạch Yến luôn nồng nàn trong lời ru thuở nào về một cuộc tình ngỡ như cổ tích thơ mộng nhất cuộc đời.
Vương Tâm
Kim Phượng sưu tầm