Xin Chào Nhau Giữa Con Đường
Thương Mái Trường Xưa
Gia Long, Sài Gòn
Hình ảnh: chùa Xá Lợi, Sài Gòn trước 1975
Xin Chào Nhau Giữa Con Đường
Rồi mùa đông cũng chầm chậm đi qua, mang theo những cơn gió lạnh sắt se thấu thịt da người. Có buổi sáng đầy nắng, trời hanh hanh mùi cành non chồi lộc. Những ngày đầu mùa xuân thành phố tôi ở cũng e ấp, bẽn lẽn như người con gái mới lớn. Bốn mùa cứ tuần hoàn quy luật, nhưng mùa xuân năm nay đâu còn hương vị của mùa xuân năm trước. Những cơn gió cuối đông trở ngọn, khiến lòng chúng ta chùng lại với bao ý niệm của sự sống và cái chết thật vô thường. Ở một lứa tuổi nào đó, ngày mai chỉ là sự nối tiếp của hôm nay và trừ đi khoảng thời gian vật lý. Hầu hết trên các trang Blogs có nhiều phân ưu, có nhiều hình ảnh tiếc thương cho những người thân yêu ra đi vĩnh viễn? Đề cập đến không phải là tiêu cực, bi quan mà để nhận được lẽ vô thường, quy luật tất nhiên của kiếp người. Mùa xuân tiếp nối một mùa đông gió rét qua đi và đưa tay đón mùa hè trước mặt. Vài hôm trước có cô bạn năm xưa, "rất xưa" gửi điện thư nhắc tôi một nơi chốn, một kỷ niệm tươi đẹp của tuổi đôi mươi. Trường nữ trung học Gia Long, mấy xe bán bò bía ở chùa Xá Lợi và một nhà thơ: Bùi Giáng.
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng..." (*)

Hình ảnh Trường Nữ Trung học Gia Long Sài Gòn trước 1975
Có thể nói khi nhắc đến trường nữ trung học Gia Long, mà không nhắc đến dãy xe bán bò bía dọc theo phía trước và bên hông chùa Xá Lợi là một thiếu xót lớn. Ngọc Nhung là em gái của Phạm Chí Trung, người bạn thời đại học của tôi. Trung học khoa sử địa và có giọng hát thật trầm ấm, ngọt ngào trong những ca khúc trữ tình của Phạm Duy và Vũ Thành An. Mái tóc bồng bềnh, nụ cười thật tươi cùng giọng hát trời phú, Trung luôn thu hút các người đẹp quanh mình. Quen nhau trong các đêm văn nghệ không ngủ, trình diễn liên trường tôi thường ghé nhà Trung để nghe tập hát. Nhiều lần Trung nhờ tôi đi đón cô em gái đang học lớp 12 trường nữ trung học Gia Long. Nhà hai anh em Trung ở đường Yên Đỗ, góc cuối Trương Minh Giảng, nên Nhung đạp xe đến trường cũng khá xa.

Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. Tôi đã nhiều lần gặp Bùi Giáng đi lang thang trong thành phố, như một hành khất giang hồ với vài ba chú chó. Nhưng chỉ biết kính trọng, thương cảm nhìn ngắm từ xa. Và chừng như cả nhân viên công lực, dân chúng thành phố Sài Gòn đều biết đó là Bùi Giáng. Không ai trêu ghẹo, cũng không ai làm khó dễ gì ông. Nhưng lần này lại khác, ông cầm gậy kéo hai con chó đi thẳng đến chiếc bàn thấp của Nhung và tôi. Hai đứa vội đứng dậy, ông ngồi xuống ghế và nói với Nhung:
- "Thưa ái khanh, trẫm đói bụng...", rồi ông cầm mấy cuốn bò bía còn lại, chấm tương ăn ngon lành.
Chuyện ngàn năm một thuở, tôi vội mua thêm hai dĩa bò bía, một ly chè đậu đỏ bánh lọt và cùng Nhung ngồi xuống ăn với ông. Vừa ăn, ông vừa xé cuốn bò bía cho hai con chó cùng ăn. Đôi mắt sáng, tinh anh của ông phía sau chiếc kiếng cận dày cộm, buột dây thung đủ màu tạo một thần sắc thật đặc biệt, dị thường. Không thể nói ông già, cũng không thể nói ông trẻ, chỉ có thể nói đó là thi sĩ Bùi Giáng. Một Bùi Giáng ở giữa chúng ta. Một trích tiên ha xuống đời thường để thành Bùi Giáng. Lúc ăn uống ông không hề nói câu nào. Cho đến lúc ăn xong, ông ngước nhìn Nhung:
- "Ái khanh có thuốc hút không, cho trẫm xin một điếu"!
- "Cảm tạ... cảm tạ ái khanh! Trẫm xin chào, xin chào..."!
Rồi ông ngẩng cao đầu, kéo hai con chó vừa đi vừa vẫy tay không nhìn lại. Hình như ông nói lẩm bẩm gì đó, cả tôi và Nhung đều nghe không rõ. Nhìn dáng dấp gầy ốm, liêu xiêu của ông với hai con chó, tôi chợt chạnh lòng như có gì nghèn nghẹn trong cổ. Còn Nhung thì cũng không khác gì hơn, đứng ngẩn người nhìn theo dáng ông khuất dần ở cuối con đường Bà Huyện Thanh Quan. Đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo, dịch giả nổi tiếng: Bùi Giáng, người đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam những bài thơ tuyệt tác, những tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh, Pháp, Đức... và cả Hán ngữ thật công phu, giá trị và thật tài hoa. Đến lúc hai đứa tỉnh hồn, tôi nói với Ngọc Nhung, nhờ hôm nay đi với người đẹp tôi mới có dịp hiếm hoi trong đời, ngồi ăn bò bía chung với nhà thơ Bùi Giáng.
"Thời gian tựa cánh chim bay,
Qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui?
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?..."
Durham, North Carolina USA
March 16, 2023
Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
Cúc Bạch email