Người cha tuyệt vời

Happy Fathers Day Quotes, SMS, Status, Wishes & Greetings

Làm bố đã không phải chuyện dễ, nhưng làm người bố yêu của bọn trẻ lại là điều càng khó hơn. 
Theo nghiên cứu của ĐH Haifa, khi bố con có một mối quan hệ gần gũi thì con cái cũng phát triển nhanh hơn. Nghiên cứu cho rằng: “Trẻ em có một ông bố yêu thường hạnh phúc hơn, tự tin hơn và độc lập hơn”.
 
Các nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng trẻ em có những ông bố yêu thường học tốt và có nhiều khả năng tham gia các hoạt động xã hội ở trường lớp hơn. Sự yêu thương của người bố cũng như cách chỉ bảo của họ sẽ giúp cho con cái trưởng thành hơn trong các hoạt động giao tiếp.
 

    Người cha tuyệt vời    


Công cha như núi Thái Sơn. (Getty Images)

Người cha nào trên trái đất này đều thương con của mình, thương con hơn thương chính mình, và trong máu của người con có máu của người cha. Cha mẹ làm việc vất vả để nuôi con, cho con ăn học thành tài, lo cho con đầy đủ những gì con cần, vì thế những đứa trẻ được thương yêu, đùm bọc sẽ học nhanh hơn những đứa trẻ bản xứ.

Học trung học, con cái vẫn ở nhà với cha mẹ, trong lúc học, học tận lực, không phải vừa làm vừa học, cho nên có những đứa trẻ thay vì học bốn năm lấy bằng cử nhân, các cháu chỉ học ba năm, vì mỗi năm lấy nhiều tín chỉ hơn, học giỏi và được nhiều giải thưởng hơn. Các cháu chỉ học, không phải vừa học vừa làm như thế hệ thứ I chúng tôi vừa đến định cư ở Hoa Kỳ.

Những đứa trẻ người địa phương học xong trung học dọn ra khỏi nhà, vừa học vừa làm, mỗi tháng phải trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống thì làm sao lấy bằng cử nhân ba năm được chứ?

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Một cháu trai đến với chúng tôi, khuôn mặt cháu tươi vui, giọng nói của cháu reo vui như tiếng chim hót trong vườn buổi sáng. Cháu nói:

- Cô ơi, cháu có tin vui cho cô, cháu vừa đậu đại học Irvine.

Tôi cũng reo vui, mừng rỡ vì đại học Irvine không phải ai cũng vào được.

- Cháu học làm sao mà vào được trường đại học này vậy?

- Cháu học hơn 4 chấm.

Tôi nói:

- Hơn 4 chấm cũng không vào được đại học Irvine đâu? Cháu phải làm gì nữa?

- Cháu làm việc xã hội, cháu tình nguyện làm việc trong các cuộc bầu cử.

Tôi không ngạc nhiên và nói:

- À, thì ra là thế.

Nhiều cháu con nhà nghèo thật nghèo, không đi học thêm vì cha mẹ đâu có tiền cho con ngoài giờ đi học thêm trường tư, nhưng các cháu tình nguyện làm việc cho các hội thiện nguyện hay những hội từ thiện quốc tế như YMCA, Rotary Club, Young Life, Red Cross, Peace Corp, v.v., cũng giúp cho các em vào được những trường đại học danh tiếng.

Những cháu được bầu vào các chức vụ như chủ tịch sinh viên, tình nguyện vào làm biên tập viên của các nhật báo, phóng viên của các đài truyền hình, truyền thanh, v.v., là cơ hội lớn cho các cháu vào các trường đại học lớn. Người Việt Nam tị nạn có bao nhiêu người được chọn vào thực tập ở các tờ báo lớn hay đài truyền hình của Mỹ chứ?

Những đứa trẻ thành công nhanh chóng nhờ sự giúp đỡ của gia đình nhất là cha mẹ. Cha mẹ đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con cái. Người cha thương con, nhịn ăn cho con ăn, người mẹ bế con trong vòng tay suốt đêm khi con đau ốm, ru con ngủ, dạy con học, sát cánh bên con trong các mùa thi, v.v. Ơn đức của cha mẹ đối với con cái vô cùng to lớn.

Vậy mà ngày của hiền mẫu thì tưng bừng, tiệc tùng tưng bừng, linh đình, hoa tươi tặng mẹ, v.v.. Còn ngày của hiền phụ thì sao? Ngày lễ của cha không được phong phú như ngày của mẹ. Hình như ngày của cha giản dị hơn ngày của mẹ nhiều. Người cha không cần bề ngoài hay sao?

Có những người cha nghiêm khắc, ít nói, âm thầm làm việc để nuôi con, nuôi gia đình. Người cha không nói nhiều và người cha cứng rắn. Sự cương quyết của người cha, sự hy sinh của người cha giúp cho người con lớn lên trong sự mạnh mẽ, quyết tâm làm việc gì thì phải thực hiện cho bằng được, công lao của người cha nuôi con, dạy bảo con cao như núi. Gương của cha để trong lòng của con đậm đà lắm. Cha tốt thì con tốt, cháu tốt.

Viết về cha, viết hoài, viết mãi, không bao giờ hết chuyện. Cha tôi hiền và ít nói. Có một điều đặc biệt ở cha tôi là cha hứa điều gì thì làm điều đó, suốt cuộc đời của cha hình như không bao giờ thất hứa với ai điều gì. Ba tôi hứa giúp ai việc gì thì làm việc đó một cách tận tình. Vì ít nói, nghe nhiều nên ba tôi ít làm mất lòng người thân và bạn bè. Ba tôi giỏi võ nhưng khiêm tốn. Lúc tôi còn nhỏ, đêm đêm ba tôi dạy võ dưới ánh trăng. Tôi còn nhớ những đường quyền ba tôi đi vun vút, người nào trúng phải đường quyền của ba tôi thì toi mạng. 


Đêm đêm ba tôi dạy võ dưới ánh trăng. (Getty Images) 

 

Ba tôi rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Ông bà nội tôi chết sớm, năm nào gần Tết, ba tôi đi giẫy mã (tảo mộ) cho ông bà nội tôi ở Bưng Cầu, tỉnh Bình Dương. Ba tôi thăm viếng, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần của ông bà nội tôi và thường đưa chúng tôi cùng đi thăm mộ ông bà. Ba tôi dạy:

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.

Ba tôi thường kể chuyện về ông bà nội. Ông bà nội tôi thương ba tôi và chú tôi lắm. Ba tôi chỉ có 1 người em trai duy nhất là chú tôi. Ba tôi kể rằng khi tôi ra đời, tôi là con cả của ba má tôi nên được ông nội thương lắm. Ông nội thường ẵm tôi, hát cho tôi nghe những bài dân ca. Bà nội tôi mất sớm, khi tôi sinh ra đời chỉ còn ông nội. Ông bà ngoại tôi cũng qua đời sớm, nên tôi được các dì thương lắm.

Ba má tôi đều giống tính nhau, giúp gì được cho ai thì giúp tận tình không bao giờ từ chối, giúp thì giúp ngay không đợi ngày mai. Nhà của tôi có vườn rộng, cây trái xung quanh, tàng cây che phủ sân nhà, sân rộng để ba tôi dạy võ. Bây giờ mỗi lần đến Minh Đăng Quang Tịnh Xá ở thành phố Santa Ana, thấy các võ sinh đi những đường quyền nhanh như gió, tôi thấy hình ảnh của ba tôi hiện về trong những đường quyền thấp thoáng này.


Ba tôi là một võ sư rất khiêm tốn. (Getty Images) 

Ba tôi là võ sư, rất khiêm tốn, không khoe khoang, không kiêu ngạo, không bao giờ nói về mình. Trong những võ sinh học với ba tôi có 2 trò là Mau và Khá, con ông xã Mô (ngày xưa gọi là ông xã, bây giờ là thị trưởng). Ba tôi thương 2 trò này vì họ học rất giỏi, học rất nhanh, có lòng nhân đạo, quảng đại, con nhà giàu nhưng rất khiêm tốn (thật ra tất cả những học trò võ đều có tánh khiêm tốn). Ba tôi nhất định không cho con gái học võ vì sợ sẽ không ai "rước". Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao cha mẹ cứ sợ con gái của mình không ai "rước". 

Ông bà mình thường nói:

- Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là tội báo.

Nhưng có ai trên cõi đời này mà không mơ có một ngôi nhà để ở, có vợ, có con để buổi tối sau khi đi làm về có mái ấm gia đình, có ánh đèn thấp thoáng xa xa đợi mình trở về. Con là nợ nhưng vẫn thích có nợ, vợ là oan gia nhưng vẫn thích oan gia, ôi thói đời này là như thế? 


Tôi thường đi theo cha. Ai cũng bảo con gái giống cha giàu ba họ. (Getty Images) 

Con gái thường theo cha. Ông bà mình thường nói con gái giống cha giàu ba họ, nhưng không hiểu tại sao tôi không giàu như truyền thuyết nhân gian nói. Không biết có đúng không, nhưng nếu con mà giống cha thì bên nội thương lắm, hãnh diện lắm. Nhiều người thường nghe người này khoe với bạn của mình:

- Anh chị thấy không, cháu nội của tôi giống ba của nó quá.

Cháu của mình không giống mình mà giống ông hàng xóm thì phiền lắm, buồn lắm.

Ba tôi có giọng nói hiền lành, ấm áp, nhưng mỗi lời nói của ba tôi là lệnh, con cháu răm rắp nghe theo, không ai dám cãi, chưa bao giờ tôi thấy ba tôi phẫn nộ hay lớn giọng với bất cứ người nào.

Ba tôi bệnh nhưng không bao giờ rên. Ba tôi có một em trai duy nhất. Chú tôi có ba người con trai, còn ba má tôi có bốn con gái. Sau này, mẹ tôi đi chùa cầu khẩn mới được một con trai để nối dõi tông đường. Tôi là con cả nên được cưng lắm, chưa bao giờ tôi bị đòn, với lại tôi chạy rất nhanh, dù có bị đòn thì tôi cũng chạy nhanh không ai đuổi kịp.

Ba tôi không cho con gái học võ thì tôi nhất định phải học võ. Không học võ với ba tôi thì tôi đi học với võ sư khác. Võ đường tôi bái sư học võ là võ đường Aikido của giáo sư Đặng Thông Phong, du học ở Nhật về, mở võ đường ở đường Hiền Vương. Tôi học vào buổi sáng sớm, võ đường trên lầu, tôi rất say mê võ nghệ. Tôi học chuyên cần, sáng nào mặt Trời còn ngủ thì tôi đã thức dậy đến võ đường, lạy sư tổ, bái sư phụ, sư huynh, sư tỉ rồi bắt đầu học võ. Những ngày đầu té ngã rầm rầm bầm mình, người ê ẩm như ai cầm búa bổ vào thân thể mình, nhưng dần dần quen. Về nhà, tôi dạy các cháu, con của người chị. Các cháu té ngã trên sàn gạch, anh chị không hề la tôi một tiếng. Các cháu rồi cũng say mê học võ, khỏi đến võ đường vì có tôi dạy cho các cháu. Nhà chị tôi có người làm, người làm cũng thích học võ, nhưng người làm mập quá, té ngã mấy cái đã bỏ cuộc. Các cháu nhỏ của tôi tiếp tục học Aikido, tôi học được bài học nào thì về dạy các cháu bài học đó.

Nói về ba tôi thì nói hoài không hết. Khi tôi ra tranh cử Dân Biểu của Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa thì ba tôi đi vận động cho tôi khắp nơi. Lúc đó tôi còn rất trẻ, vừa đủ tuổi để tranh cử vào Quốc Hội. Tôi thất cử, thua người thắng cử vài ngàn phiếu. Ba tôi không buồn dù ba tôi bỏ công sức vào việc vận động này rất nhiều. Ba tôi tỉnh bơ như không có việc gì xảy ra mặc dù ba tôi tốn tiền, dốc sức đi vận động cho tôi, ba tôi đi cả ngày từ sáng đến chiều vận động cho tôi. Tôi được nhiều phiếu ở những đơn vị quân đội, trại gia binh, chùa và nhà thờ. Tôi được phiếu ở nhà thờ, vì mẹ tôi buôn bán làm ăn với những người ở nhà thờ, ai cần gì thì má tôi giúp đỡ họ. Ba má tôi thường làm việc xã hội, có lẽ tôi lớn lên trong gia đình thích làm việc xã hội, có dòng máu di truyền làm việc xã hội. Nhà của tôi rất sùng đạo Phật nhưng không phân biệt tôn giáo, ba má tôi thường nói tôn giáo nào cũng tốt, vị lãnh đạo tinh thần nào cũng dạy những điều tốt lành. Niềm tin mãnh liệt về sự mầu nhiệm tôn giáo trong gia đình của chúng tôi, bên nội cũng như bên ngoại.

Có niềm tin tôn giáo, cuộc sống hạnh phúc hơn. Ba mẹ tôi sùng đạo, chúng tôi nhìn việc làm của ba mẹ chúng tôi mà noi theo, giúp người nào được thì giúp, giúp một cách chân tình. Cậu tôi mất sớm, mẹ tôi đem cháu về nuôi, cho ăn học, tới khi lập gia đình, ba mẹ tôi lo cưới gả các anh chị yên bề gia thất. 

Ba tôi mất lúc tôi ở Mỹ, nhìn hình ảnh từng đoàn người đi đưa đám tang, tôi xúc động vô cùng. Bà con đưa đám tang ba tôi rất đông, sáu con chó chạy theo quan tài của ba tôi. Ba tôi rất thương chó, chó rất thông minh. Tôi nghe người nhà kể lại rằng sau khi mọi người đưa đám tang ra về hết, mấy con chó vẫn còn ở lại mộ của ba tôi. Sáu con chó nằm cạnh mộ của ba tôi mấy ngày rồi trở về nhà. Tôi cũng thấy lạ, nếu đi theo quan tài, theo đoàn người đưa tang thì chó biết đường mà đi, nhưng tại sao mấy hôm sau chó lại biết đường về nhà? Tôi nghe chuyện chó có tình nghĩa rất cảm động. 


Ba tôi rất thương chó, chó rất thông minh, trung thành. (Getty Images)

Ngày xưa, ông nội tôi có nuôi một người thiểu số đến từ cao nguyên Trung phần. Sau đó, ông nội tôi mất, người này làm một cái chòi nhỏ ở trong nghĩa trang gần bìa rừng, ở đó báo hiếu ông nội tôi 3 năm, rồi trở lại miền Thượng.

Ở đời này mình làm gì cho người khác thì khi hữu sự sẽ có người khác giúp lại mình. Ba tôi có lòng quảng đại và được mọi người thương mến. Ba tôi thương con cháu và tất cả mọi người xung quanh. Hàng năm, ba tôi về làng Bưng Cầu, tỉnh Bình Dương giẫy mã cho ông cố tôi. Ở đó còn nhà thờ tổ, nhiều đời, ông tổ của ba tôi từ miền Trung vào, lấy vợ Nam rồi ở luôn miền Nam lập nghiệp. Thật ra cháu của ba tôi hàng trăm người ở làng Bưng Cầu, đâu cần ba tôi về giẫy mã cho ông bà vào những ngày Tết. Thường mỗi năm, con cháu ở đó làm việc này, nhưng tất cả các con cháu đều về tề tựu trong những ngày trước Tết. 

Sau này, tôi trở về, tôi cũng thăm nhà thờ Tổ. Nhà thờ Tổ khang trang, nhiều tượng trước nhà, mộ sau vườn, 5 căn nhà cùng một dãy, từ xa lộ trở vào. Nhà thờ Tổ không ai ở nhưng lúc nào cũng bóng loáng, không một hạt bụi. Trên bàn thờ có bài vị từ đời thứ nhất đến đời thứ năm. Tôi thuộc đời thứ sáu. Bác tôi viết gia phả từ đời thứ nhất, từ 3 anh em ông Tổ của chúng tôi từ miền Trung theo vua Quang Trung vào Nam, cho tới đời sau này.

Ba má tôi thường dạy chúng tôi giúp ai được gì thì nên giúp ngay, hứa điều gì thì phải làm điều đó. Má tôi dạy con gái đừng nhờ người ta nhiều quá. Thiếu nợ người khác nhiều quá, kiếp sau người ta làm Hoàng Tử, còn mình làm tỳ nữ, suốt đời cứ hầu trà, hầu nước, không dám ngước mặt lên nhìn ông chủ.

Lúc nghe mẹ tôi nói, tôi cười trong bụng và tự nhủ với lòng nếu sinh ra làm tỳ nữ thôi đừng sinh ra đời cho xong. Thuộc lòng những điều cha mẹ dạy bảo sao tôi cứ nhờ người này việc này, nhờ người kia việc kia, lạ thật? Tôi thích quen người giỏi để học những điều hay của người đó, tôi nhờ ai việc gì tôi nhờ thiệt tình, quen người nào có kiến thức uyên thâm, tôi như bắt được vàng, nhờ và nhờ mãi, nhờ cho hết kiếp này. 


Đêm đêm con thắp đèn trời / Cầu cho CHA MẸ sống đời với con. (Getty Images)

Nói về ba tôi, nói hoài không hết, cho nên gặp người có tính giống ba tôi, tôi ngưỡng mộ và kính nể vô cùng. Tôi cũng nhờ nhiều người làm nhiều việc hữu ích cho cộng đồng nhưng cũng xin Thượng Đế kiếp sau đừng bắt tôi trả nợ.

Ba tôi qua đời lúc 55 tuổi nhưng tôi cứ tưởng ba tôi vẫn còn hiện diện nơi đây, quanh quẩn bên tôi. Hình ảnh đẹp nhất của ba tôi là một người hiền lành, có tấm lòng quảng đại, hạnh phúc trong việc giúp người khác, dù một việc rất nhỏ. Quen người nào có tính tình giống ba tôi, tôi rất kính mến và trang trọng như một Đặc Ân của Thượng Đế.

Hạnh phúc thay cho những người còn ông bà, cha mẹ, hạnh phúc cho những người nào tổ chức tiệc ngày của cha, ngày của mẹ. Người nào không còn ông bà, cha mẹ thì những ngày lễ hiền mẫu, hiền phụ nên cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ mình ở cõi Vĩnh Hằng.

 

Bài KIỀU MỸ DUYÊN 

Orange County, 13/6

(kieumyduyen1@yahoo.com) 
 
Người cha tuyệt vời - xem, tải video clip - Mẹo vặt
 
A.   VAI TRÒ VÀ TRỌNG TRÁCH CỦA NGƯỜI CHỒNG – NGƯỜI CHA.

I .  Vai trò của Người Chồng:

        1. Người cầm lái: với bản chất nghiêng về lý trí, người chồng:

a. Ðóng vai trò chính trong việc tạo dựng tình yêu và hạnh phúc.

b. Chủ động tìm những phương thức vượt qua khó khăn.

c. Bảo vệ và phát triển hạnh phúc vợ chồng.

       2. Người gánh vác: với thân xác khoẻ mạnh, người chồng:

a. Ðảm nhận những công việc nặng nhọc.

b. Chủ động vạch kế hoạch làm ăn.

c. Ðối phó với những đe dọa hay phá hoại gia đình mình.

II.  Bổn phận của người chồng:

       1. Ðối với chức danh làm chồng:

a. Học hỏi và thấm nhuần nhiệm vụ của một người có gia đình.

b. Có tâm hồn đạo đức, vui tươi.

c. Chấp nhận và vui với những gì mình đang có.

d. Phát huy khả năng phái mạnh để làm tròn nhiệm vụ đối với vợ.

     2. Ðối với người vợ thân yêu:

a. Tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của bạn mình.

b. Chăm sóc sức khoẻ vật chất và tinh thần cho người bạn đời.

c. Bảo vệ vợ mình trước mặt người khác.

d. Dành thời giờ cho vợ.

e. Nếu có xung khắc, cố gắng tìm ra nguyên nhân và dám đối mặt với những xung khắc ấy để giải hòa.

f. Vợ  thường theo chồng, nên phải thấy được những khó khăn để giúp vợ mình thích nghi dễ hòa hợp.

g. Làm trung gian nối kết giữa vợ mình và gia đình .

h. Tiếp tay với vợ trong công việc hằng ngày và cùng chăm sóc giáo dục con cái.

III. Vai trò của người cha trong gia đình :

  1.  Người thủ lĩnh.

– Vạch ra và hướng dẫn cách sống, thời khóa biểu, chương trình làm ăn cho gia đình.v.v.

– Phân công cho mỗi thành viên trong gia đình cho công bằng phù hợp với khả năng của từng người.

– Tạo cho gia đình một uy tín giữa cộng đồng và một vị trí trong xã hội.

  • Người đầy tớ:

– Ai muốn trở nên cao nhất phải tập làm người thấp hèn nhất.

– Ai muốn thành công trong việc lớn phải biết chu toàn những việc nhỏ.

– Người lãnh đạo chính là người đi tiên phong trong mọi công việc không nề quản bất cứ việc gì.

– Người cha phải luôn tự nguyện gánh vác những việc nặng nề xứng đáng là nơi nương tựa của vợ con.

– Trong công việc người cha nhận lãnh những giai đoạn quyết định nhất, khó khăn nhất và gay cấn nhất.

– Trong đời sống thường ngày, người cha tự coi mình bình đẳng với tất cả gia đình, làm bạn của vợ và con.

  •  Người làm gương:

– Người cha là đích nhắm của con cái noi theo bắt chước.(con hơn cha là nhà có phúc).

– Người cha là gương sáng cho con cái trở nên thánh thiện.

IV. Bổn phận người cha trong gia đình :

  1. 

Nuôi và dưỡng con cái
  • 2. Tạo bầu không khí gia đình hòa thuận,thánh thiện và tin tưởng lẫn nhau.
3.  Con cái là hình ảnh của mình, cho nên mình phải tô điểm cho hình ảnh đó được trong sáng để khỏi bị phai nhạt với thời gian; đồng thời con cái là hồng ân của Thiên Chúa, nên mình phải trân trọng, gìn giữ và thăng hoa nó.

Tóm lại, vì là người chồng, nên phải sống và hành động đúng vai trò và bổn phận của một người chèo lái gia đình. Ðể khi nhắm mắt xuôi tay, sẽ hãnh diện vì đã lưu lại được điều tốt cho cuộc sống mai sau. Người đàn ông hãy:

– Hãnh diện vì được làm cha.

– Coi con cái là hình ảnh của chính mình.

– Mình là chỗ dựa cho con cái: con có cha như nhà có nóc.

– Ðừng để gia đình bị mang tiếng “dột từ nóc xuống”.
 

5 đặc điểm của người cha sẽ nuôi dạy con thành công, hiểu chuyện, đủ bản lĩnh đương đầu được với mọi khó khăn

Một đứa trẻ có xuất chúng hay không liên quan rất nhiều đến người cha, nếu người cha có 5 đặc điểm này con cái nhất định sẽ nên người.

Không quá lời khi nói rằng cha mẹ là người thầy đầu tiên của đứa trẻ từ khi chào đời. “Con không nên người, lỗi tại cha”, điều này chứng tỏ không thể bỏ qua ảnh hưởng của người cha đối với tính cách và nhân phẩm của con cái.

5 đặc điểm của người cha sẽ nuôi dạy con thành công, hiểu chuyện, đủ bản lĩnh đương đầu được với mọi khó khăn - Ảnh 1.

Trước đây, giáo dục trong gia đình luôn theo tiêu chuẩn "cha nghiêm, mẹ thương", nhưng ngày nay đã bắt đầu chuyển thành "cha thương, mẹ nghiêm". Trong nhiều gia đình, cha không quan tâm, mẹ thì gánh tất cả trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ con cái.

Nhưng trong quá trình trưởng thành của trẻ em, sự giáo dục của người cha có giá trị đặc biệt, nhất là đối với các bé trai, người cha là tấm gương không thể thiếu đối với chúng. Nếu mất đi hình mẫu này, trẻ sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, gặp những vấn đề như mặc cảm, xa lánh mọi người…

Khi còn nhỏ, cha mẹ luôn nói với con: “Không phải lo chuyện khác, nhiệm vụ quan trọng nhất của con là học”. Tuy nhiên, giáo dục phải toàn diện về bản chất, không nên chỉ dạy con những lý thuyết trong sách. Cần uốn nắn con đồng thời vừa trở thành “người thành công” trong học tập và “người thành công” trong cuộc sống. Vì vậy ở thời điểm này, người cha đóng vai trò quyết định. Giáo sư tâm lý Fudan cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của người cha đối với con cái là rất quan trọng và người cha có 5 điểm sau đây sẽ tốt cho sự trưởng thành của con.

Một người cha xử lý tốt mối quan hệ giữa vợ và chồng

Một quảng cáo dịch vụ công cộng đã từng phân tách từ "gia đình" trong tiếng Anh (family) thành "father and mother I love you" (bố mẹ, con yêu hai người). Thông điệp này được giải thích là: “chỉ một gia đình tràn đầy tình yêu thương mới có thể được gọi là nhà”. Trong một gia đình, ngoài tình yêu thương quên mình của cha mẹ dành cho con cái thì tình nghĩa vợ chồng cũng rất quan trọng và là nền tảng. Nếu người cha xử lý tốt mối quan hệ hôn nhân, có thể tác động đến đứa trẻ suốt đời.

5 đặc điểm của người cha sẽ nuôi dạy con thành công, hiểu chuyện, đủ bản lĩnh đương đầu được với mọi khó khăn - Ảnh 2.

Nếu người cha không tôn trọng mẹ của những đứa trẻ và thường xuyên lớn tiếng, sẽ dễ khiến đứa trẻ lớn lên trở nên vô lễ với phụ nữ hoặc rất ngang ngược. Ngược lại, nếu người cha có thể xử lý tốt mối quan hệ vợ chồng, đứa trẻ sẽ được học theo, đối xử tốt với phụ nữ.

Người cha luôn đồng hành cùng con

Một người cha là doanh nhân, ông thường rất bận rộn với công việc và thường xuyên phải đi công tác. Đến ngày nghỉ, con gái của ông đã vui mừng khôn xiết khi biết rằng cuối cùng cha cũng có thể ở nhà chơi cùng cô. Khi cô bé đến phòng làm việc tìm, người cha lại lấy lý do bận làm việc và đề nghị cô bé tìm mẹ chơi cùng.

5 đặc điểm của người cha sẽ nuôi dạy con thành công, hiểu chuyện, đủ bản lĩnh đương đầu được với mọi khó khăn - Ảnh 3.

Cha mẹ hãy nhớ rằng con trẻ chỉ có một tuổi thơ, vì vậy hãy ở bên con nhiều hơn. Công việc bận rộn, vất vả cũng là muốn cho đứa trẻ có một tương lai tốt đẹp, nhưng khi được nghỉ ngơi, bạn hãy dành thời gian đồng hành cùng trẻ. Sự đồng hành của người cha có thể khiến trẻ cảm thấy yêu đời hơn và có thêm sự tự tin, can đảm để đối mặt với cuộc sống khó khăn sau này.

Người cha với cái nhìn rất tích cực

Đối với đứa trẻ, hành động của người cha sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hướng phát triển sau này, ông bố có cái nhìn tích cực rất tốt trong việc giúp trẻ định hình lối suy nghĩ, những khi trẻ mắc lỗi có thể dễ dàng kéo trẻ lại.

5 đặc điểm của người cha sẽ nuôi dạy con thành công, hiểu chuyện, đủ bản lĩnh đương đầu được với mọi khó khăn - Ảnh 4.

Đồng thời, tam quan của người cha cũng quyết định cuộc đời của đứa trẻ. Người cha luôn suy nghĩ tích cực sẽ dạy con những điều hay, cái đẹp trong cuộc sống, giúp trẻ sớm nhận biết đâu là tốt, đâu là xấu và cần phải tránh xa những điều tiêu cực như thế nào.

Người cha luôn tôn trọng ý kiến của con cái

Nếu người cha là một người đàn ông quá gia trưởng và có tính kiểm soát mạnh mẽ, muốn điều khiển mọi việc trong cuộc sống của con cái thì khi chúng lớn lên sẽ như thế nào?

Khi trẻ bắt đầu có những cách nhìn của riêng mình, chúng có thể không còn hòa hợp với cha mẹ, bắt đầu nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, làm ngược lại với tất cả những thứ cha mẹ mong muốn.

5 đặc điểm của người cha sẽ nuôi dạy con thành công, hiểu chuyện, đủ bản lĩnh đương đầu được với mọi khó khăn - Ảnh 5.

Người cha quá độc đoán sẽ dễ gây áp lực cho con và ảnh hưởng đến tình cảm cha con. Một tác hại khác của việc giúp trẻ đưa ra quyết định chính là trẻ rất dễ trở nên nhu nhược, đặc biệt là đối với các bé trai. Vì vậy, là một người cha, bạn hãy tôn trọng ý kiến của con mình, cho con tự do lựa chọn trong phạm vi nhất định, đồng thời trau dồi cho con khả năng phán đoán sự việc và đưa ra giải pháp.

Người cha có nguyên tắc

Các ông bố ngày nay nhìn chung đều nhẹ nhàng với trẻ, đó là một lợi thế, nhưng đôi khi họ cũng nên thiết lập uy quyền. Nếu chỉ vì yêu thương mà chiều chuộng trẻ quá mức, đôi khi sẽ khiến trẻ trở nên vô lễ và thiếu tôn trọng người lớn. Người cha muốn trở nên nguyên tắc, không nhất thiết phải quá gay gắt với con, chỉ cần yêu cầu trẻ tuân thủ một số giới hạn nhất định mà cha mẹ vạch ra.

5 đặc điểm của người cha sẽ nuôi dạy con thành công, hiểu chuyện, đủ bản lĩnh đương đầu được với mọi khó khăn - Ảnh 6.
Nếu trẻ đã làm điều gì sai, thì dù trẻ có chối cãi hay làm nũng để được thoát tội, bố cũng phải kiên quyết nói "Không" với những “mẹo thoát tội” ấy. Bằng cách này, người cha có thể thiết lập một hình tượng uy nghiêm trong trái tim đứa trẻ bởi các nguyên tắc và sự kiên định của mình, thay vì quá chiều chuộng dẫn đến hại con.
 

  Tuyết Mai Sưu tầm và Tổng hợp  

back to top