Đi chơi Chùa Hương – Chùa Hương Tích

 

ĐI CHƠI CHÙA HƯƠNG

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

GIỚI THIỆU

CHÙA HƯƠNG TÍCH

 Lời mở đầu:

Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

        Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”
          Em tuy mới mười lăm
          Mà đã lắm người thăm
          Nhờ mối mai đưa tới
          Khen tươi như trăng rằm.
      Tôi đứng nhìn Thi mà chợt bật cười nhẹ. Uyên ngửng lên hỏi:
      -  Có chuyện gì mà anh cười vậy?
      -  Không! Tôi vội trả lời ngay.
      -  À, Uyên có nhớ bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp không nhỉ?
      -  Em nhớ! Sao anh?
      Tôi mỉm cười, vừa đưa mắt về phía Thi đang lúi húi đi đôi săng-đan da, vừa đọc một đoạn thơ:
          Khăn nhỏ đuôi gà cao
          Em đeo dải yếm đào
          Quần lĩnh áo the mới
          Tay cầm nón quai thao
          Me cười:Thầy nó trông!
          Chân đi đôi dép cong,
          Con tôi xinh xinh quá
          Bao giờ cô lấy chồng?”
      Uyên chỉ mỉm cười, không nói. Thi vẫn được bình yên vì nàng không biết những câu thơ tôi vừa đọc là để dành riêng trêu nàng. Hay nàng biết mình bị trêu nhưng tảng lờ.
 
chua h 2Tháp chuông chùa Hương-Hà Tĩnh.
 
    Để bớt căng thẳng trong công việc, vừa làm tôi vừa kể cho Uyên và Thi nghe một vài câu chuyện vãn về chùa Hương, một thắng cảnh chúng tôi sắp tới.
    Tôi hỏi Uyên và Thi:
    - Anh đố hai cô ở Việt Nam ta có mấy chùa Hương nào?
    Hai người nhìn nhau như hỏi ý. Uyên lên tiếng trước:
    - Em không biết!
    Thi vui vẻ tiếp theo lời chị:
    - Em biết! Hai phải không?
    - Giỏi! Sao em biết? Nói cho anh nghe!
    - Em chỉ đoán thôi! Thấy anh hỏi có mấy chùa Hương thì em đoán ngay là phải có nhiều hơn một.
   Em chọn số hai.
      Tôi và Uyên cùng phá lên cười. Uyên nói:
    - Cô em của chị hơn hẳn chị rồi!
   Dựa theo tài liệu tôi đã đọc, nước ta có hai chùa Hương, một ở tỉnh Hà Tĩnh và một ở tỉnh Hà Đông. Tôi giải thích để Uyên và Thi hiểu thêm về hai ngôi chùa này. Ngôi chùa Hương-Hà Tĩnh cũng được gọi tắt là chùa Hương, nằm trên dẫy núi Hồng Lĩnh, có 99 ngọn núi cao vút, thuộc huyện Can Lộc. Chùa được xây trên núi cao nên thường có mây phủ.
      Để đến chùa Hương-Hà Tĩnh, khách hành hương cũng phải đi thuyền từ hồ Đường rộng lớn, dọc theo suối Hương Tuyền, rồi lên bờ theo đường núi dốc chừng bốn cây số thì tới chùa. Ngày lễ hội được mở vào mùa Xuân, rơi vào ngày 18 tháng Giêng đầu năm. Khách hành hương cũng đông đảo từ các nơi đổ về đây trẩy hội. Ngôi chùa Hương này được xây từ đời nhà Trần, có lẽ vào cùng thời gian vua Trần Nhân Tông vào tu ở chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Chùa bị tàn phá dưới thời nhà Minh và thời Pháp thuộc. Sau đó, chùa được xây lại theo kiến trúc cổ nguyên thủy.
      Tại sao lại có chùa Hương thứ hai ở Hà Đông? Cứ dựa theo những tài liệu xưa để lại cho ta biết, vào thời vua Lê-chúa Trịnh, các vua chúa thường có quê ở trong Thanh Hoá nên các cung tần, mỹ nữ cũng thường được tuyển từ miền Thanh-Nghệ ra. Hàng năm các mỹ nhân này từ kinh đô Thăng Long về dự hội chùa Hương ở Hà Tĩnh nơi gần quê nhà nên rất bất tiện vì đường xá xa xôi. Chúa Trịnh liền giao cho một đại sư Phật giáo nghiên cứu dự án và thực hiện việc xây dựng một chùa Hương thứ hai tương tự ở vùng thắng cảnh non bồng của Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Đông để các mỹ nhân này có thể bái vọng về mà không phải đi xa.
 
      Với lý do đó, theo cuốn “Hương Sơn Thiên Trù Thiên Phả”, chùa Hương-Hà Đông mà chúng tôi sắp tới thăm, riêng tháp chuông ở nơi đó là một “phiên bản”, tức xây dựng đúng theo khuôn mẫu kiến trúc của chùa Hương ở Hà Tĩnh, được xây dựng vào đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704). (Có những tài liệu ghi thời điểm xây dựng chùa Hương ở động Hương Tích khác nhau). Vì chùa nằm trong động Hương Tích nên còn được gọi là chùa Hương Tích.
      Uyên chen vào câu chuyện:
      - Thế là hai chùa được xây dựng cách nhau tới mấy trăm năm. Chùa Hương đầu tiên ở Hà Tĩnh được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 13, chùa Hương ở Hà Đông được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 17.
      Tôi gật đầu:
      - Ừ, cũng vào khoảng đó.
      Tôi biết chùa Hương-Hà Đông là khu vực có sông Đáy chảy qua. Tôi hỏi Thi:
      - Nào, cô học trò giỏi của anh! Cô cho anh biết, sông Đáy còn gọi là sông gì? Và trong lịch sử của ta đã xẩy ra những chuyện gì trên con sông ấy?
      Uyên nhìn Thi cười cười chờ đợi câu trả lời của cô em. Thi nhanh nhẩu và hí hửng trả lời tôi như một cô học trò “đọc bài” (trả bài) cho thầy:
      - Thưa anh, sông Đáy là một phụ lưu của sông Hồng, còn gọi là sông Hát. Đúng không ạ? Hai Bà Trưng đã nhẩy xuống sông Hát tuẫn tiết để không bị lọt vào tay của quân Mã Viện.
     Uyên nhìn Thi thở phào, vỗ tay nhẹ mấy cái để thay cho lời khen thưởng.
      Tôi giảng thêm cho Thi:
      - Ngay tại cửa sông Hát (Hát môn), thuộc huyện Phúc Thọ ngày nay, nơi đây có đền thờ Hai Bà với hai con voi phục bằng đá và những câu đối kể công lao của Hai Bà trong việc đứng lên khởi nghĩa chống lại giặc Hán, giải phóng đất nước. Cứ dựa theo di tích như những chiến lũy, dấu vết còn để lại tại những nơi không xa địa phận Hương Sơn là mấy, ta có thể kết luận là khu Hương Sơn cũng đã từng là trận địa dưới thời Hai Bà. Giữa huyện Lương Sơn và Mỹ Đức có núi Vua Bà, mà theo dân gian kể lại thì đó là một trận địa quan trọng. Trên những núi của Hương Sơn có loại sâm mang tên “sâm Mã Viện”.
      Ngày xưa, có con đường chiến lược gọi là Thượng Đạo, từ phía Nam đi lên phía Bắc phải đi qua gần vùng này. Nhờ vào địa thế núi rừng hiểm trở, hẳn Hương Sơn đã từng là nơi dừng chân hay đóng quân tạm thời của những đại quân Lê Lợi ra Bắc đánh quân Minh và đại quân Nguyễn Huệ ra Thăng Long đánh quân Thanh. Cũng có thể, xa xưa hơn nữa, quân của Đinh Bộ Lĩnh cũng đã dùng con đường Thượng Đạo này, đã từng qua đây để tiến đánh Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Thanh Oai thuộc tỉnh Sơn Tây (1)
    Thấy mọi người đã sẵn sàng, tôi lên tiếng như ra lệnh:
    - Chúng ta đi thôi!
    Uyên và Thi cùng đáp:
    - Vâng ạ!
    Tôi bỏ thức ăn, trái cây và nước vào ba-lô. Tôi hỏi Thi:
    - Ba-lô em có nặng lắm không? Chia sang ba-lô của anh để anh mang đỡ cho. Hôm nay đi bộ xa lắm đó, lại leo núi nữa.
    - Không nặng anh ạ! 
    Vừa nói Thi vừa nhẩy lên mấy cái như để chứng minh với tôi về lời nói của nàng.
    - Thôi được! Khi nào em mệt, anh sẽ mang đỡ cho.
    - Vâng ạ!
    Thi trả lời tôi với khuôn mặt thật rạng rỡ, cái rạng rỡ vui mừng của “đứa trẻ” sắp sửa được đi chơi xa.
    Chúng tôi dời khỏi nhà, sẵn sàng cho chuyến đi chơi xa đôi ngày mà chúng tôi đã mong đợi và háo hức từ lâu.
 
 
– Nguyễn Giụ Hùng
 
 
Ghi chú:
 
(1) Tài liệu được lược trích từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn.
 
 

Mời đọc tiếp Chương I / Phần 1

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %29 %122 %2024 %20:%02
back to top