Tháng 3 - Hà Nội với hoa Mộc Miên - Nam Mai
Tháng 3 - Hà Nội với hoa Mộc Miên
Nam Mai
*******
Hằng năm cứ mỗi độ tháng 3 về, trên khắp các nẻo đường quê, nhất là những vùng làng quê miền Bắc, hoa Mộc Miên (còn được gọi là hoa Gạo) trổ đầy cành đã bung nở đỏ rực trên khắp các triền sông, các con đường. Nhìn từ xa giống như những đốm lửa rực rỡ tràn đầy sức sống làm nổi bật lên khung cảnh tuyệt vời của làng quê yên bình. Đã từ lâu, cùng với cây đa, bến nước, sân đình… cây hoa Gạo vốn mang một vẻ đẹp bình dị đặc trưng của vùng quê miền Bắc cũng được coi như là một biểu tượng của làng quê Việt Nam. Cây hoa Gạo từ lâu trở thành linh hồn của mỗi làng quê, nó gắn liền với ký ức của những người con xa quê nhớ về nguồn cội, nó khiến lòng người đi xa luôn nôn nao, nhung nhớ đến quê hương mình. Nhìn hoa Gạo nở đỏ rực cả một vùng in ngần trên nền trời xanh, mây trắng, cảnh sắc ấy đã in sâu vào tâm hồn biết bao thế hệ người Việt. Hoa Gạo đã đi vào thơ, vào văn và đã trở thành một đề tài riêng bất tận trong thơ và nhạc, để mỗi lần được đọc một bài thơ hay nghe một bản nhạc, lòng lại đầy khắc khoải, dâng lên một nỗi nhớ ngậm ngùi khôn nguôi.
Hoa Mộc Miên có tên khoa học là Bombax ceiba, vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, tuy nhiên loài cây này đã được xuất hiện tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Hoa Mộc Miên còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như hoa Gạo, Hồng Miên, hoa Pơ-lang (cách gọi của người Tây Nguyên), nhưng hoa Gạo vẫn là cách gọi quen thuộc và đằm thắm nhất trong dân gian.
Cây hoa Gạo sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt. Thân cây thẳng, cao khoảng 15 - 20 mét, thuộc loại thân gỗ với lớp ngoài sần sùi ngả màu xám nâu. Những cành non hơn thường có một lớp gai nhọn bao bọc, tán cây xòe rộng tạo bóng mát. Lá cây có màu xanh đậm, dài khoảng 8 – 10 cm và thường rụng hết vào mùa đông. Hoa Gạo có năm cánh dày như bàn tay xòe rộng to đều, chắc chắn, mịn và nở thành từng chùm, giữa là chụm nhị và nhụy có màu nhạt hơn cánh, đài hoa cũng dày và có màu xanh. Sắc hoa màu đỏ rực hoặc pha cam vô cùng bắt mắt và thường nở vào mùa xuân, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch. Cây Gạo đặc biệt ở chỗ khi hoa nở, hầu như chẳng thấy lá xanh, lạ lùng là cây càng già, càng to thì đơm bông càng nhiều, ngỡ như bao nhiêu nhựa sống, tinh túy của cây đều dồn hết cho sắc hoa tươi thắm ấy.
Sau khi hoa tàn, quả Mộc Miên sẽ xuất hiện, quả của cây Mộc Miên khi chín có thể xử dụng để chế biến sợi bông, làm thành chăn, gối, nệm.... rất mềm và mát. Hoa Mộc Miên thường được nhiều người xử dụng để trang trí nhà cửa, giúp không gian nhà ở thêm phần đẹp và rực rỡ hơn. Trong y học phương Đông, hoa Mộc Miên còn có công dụng rất tốt trong việc trị bệnh: vỏ cây giúp thanh nhiệt, giảm sưng đau; vỏ cây cũng có thễ dùng làm dây thừng... hoa dùng để pha trà, giải độc, và dùng để bào chế thuốc đuổi côn trùng.
Dường như ông trời đã ưu ái cho tiết trời tháng 3 để cho hoa Gạo trổ bông đỏ thắm các làng quê, vì vào tháng ba, người ta thường nhắc nhau qua câu ca dao: "Bao giờ cho đến tháng ba. Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn”. Tức là vào thời điểm hoa Gạo nở rộ "rực lửa" khắp nơi cũng là tín hiệu để biết rằng những cái rét mướt của ngày xuân sắp qua đi, để chuẩn bị đón những ánh nắng vàng rực rỡ của mùa hè sẽ đến. Hoa Gạo chẳng rực rỡ quanh năm, loài hoa của tháng 3 này chỉ nở rực rỡ nhất trong khoảng 1 tháng. Có một điều đặc biệt ở hoa Gạo đó là vòng đời của hoa tuy ngắn ngủi chỉ kéo dài được vài ngày, nhưng ngay cả khi lìa cành rụng xuống, bông hoa không rơi rớt từng cánh trong sự lẻ loi tàn tạ, mà nhẹ nhàng rủ bỏ cả bông và vẫn giữ được màu sắc đỏ rực nguyên vẹn không hề bị tàn lụi, kém sắc hay héo úa như những loài hoa khác.
Hoa Gạo khi lìa cành rụng xuống (hình lấy từ Internet)
Cây hoa Gạo có một sức sống thật đáng kinh ngạc. Vào mùa đông lá cây Gạo rơi xuống để lại cây và cành trơ trụi như những cánh tay khẳng khiu vươn dài. Nhưng đến mùa xuân, từ các nhánh cây tưởng chừng đã chết khô vì cái giá rét, thì những nụ hoa Gạo cứng cỏi nứt ra, và khi tháng 3 đến chúng cùng bung nở hoa đỏ rực cả bầu trời. Hoa Gạo với vẻ đẹp rực rỡ mà không kiêu sa, mạnh mẽ và tràn đầy sức sống dù đời hoa mong manh và ngắn ngủi.
Ở Việt Nam, nhất là ở đồng bằng miền Bắc, hầu như ngôi làng nào cũng có một gốc Gạo cổ thụ. Cây hoa Gạo thường được trồng nhiều trên những con đường vào làng, cổng làng, cổng đình chùa miếu mạo, những địa điểm tâm linh, dọc những bờ kênh, bờ mương, trên những gò đất giữa đồng ..… là hình ảnh gắn liền với vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của làng quê Việt Nam, tô đẹp thêm cho bức tranh quê hương với cây đa, cây gạo, bến nước, sân đình quen thuộc. Nó chính là nơi lưu giữ cả khoảng trời ký ức miền thôn quê, gắn liền với tuổi thơ bình dị, khiến ai cũng phải xao xuyến, bồi hồi nhớ về kỷ niệm mỗi khi nhìn thấy màu hoa rực đỏ giữa đất trời. Những cây hoa Gạo như những người kể chuyện thời gian gom góp chút kỷ niệm thân thuộc ngày xưa... là miền ký ức gợi thương gợi nhớ cho những người xa quê khi được đắm chìm trong màu hoa rực lửa đẹp đến nao lòng.
Cây hoa Gạo thường được trồng trên đường vào làng, những địa điểm tâm linh, hay dọc theo những bờ kênh, bờ mương …..(hình lấy từ Internet)
Tháng 3, trên khắp các nẻo đường quê, hay mái ngói của nội thành Hà Nội, nhìn hoa Gạo bung nở đỏ rực, những người yêu hoa luôn có cảm giác chờ đợi, trong lòng nôn nao khó tả để rồi mỗi khi hoa nở họ lại hạnh phúc khi được chìm đắm trong sắc hoa. Vào khoảng thời gian này, du khách và các nhiếp ảnh gia đều đua nhau đến các địa điểm nổi tiếng có nhiều hoa Gạo nhất để ghi dấu lại những khoảnh khắc thắp lửa tháng 3 với loài hoa mộc mạc, bình dị mà chỉ ra hoa đúng một lần trong năm.
Hình ảnh của thiếu nữ Việt Nam dưới hàng cây hoa Gạo trong khung cảnh miền quê qua ống kính của một nhiếp ảnh gia khuyết danh tại VN (hình lấy từ Internet)
Tại Hà Nội bạn có thể ngắm nhìn hoa Gạo tại các con phố Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, ngã ba Giải Phóng-Phương Mai, Hồ Gươm...
Nếu có dịp đến Hà Nội vào thời gian này, bạn có thễ ngắm vẻ đẹp của hoa Gạo tại Hồ Gươm. Cây hoa Gạo đại thụ trăm năm tuổi ở phía đông Hồ Gươm đã được xếp trong danh sách những cây cổ thụ di sản của hồ Gươm, bên cạnh các gốc Bằng lăng và Lộc vừng nổi tiếng.
Tại địa điểm giữa hai con phố Tràng Tiền và Trần Khánh Dư (trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Nơi đây có cây hoa Gạo cổ thụ hơn 100 tuổi. Cây cao và có tán lá rộng rất lớn so với những loài cây xung quanh. Vào đầu xuân, hoa Gạo rực rỡ cả một góc trời, nổi danh là một trong những cây Gạo lớn nhất khu vực nội thành Hà Nội.
Bạn cũng có thễ đến chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vào những ngày tháng 3. Chặng đường dọc theo dòng suối Yến đến chùa Hương, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoa Gạo nở rộ đỏ tươi nổi bật giữa phong cảnh thiên nhiên hai bên bờ trên đường đi.
Bạn hãy đến Chùa Trầm nằm tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa nằm trên núi với khung cảnh mộng mơ hoài niệm. Nơi đây là địa điểm lý tưởng để bạn có thễ ghi lại những tấm hình lưu giữ sắc hoa của hoa Gạo đỏ lửa trong khung cảnh xám mờ của núi đồi trùng điệp.
Ngoài ra, bạn cũng có thễ tìm đến Chùa Thầy. Chùa Thầy là một quần thể chùa Phật giáo có lịch sử lâu đời tại miền Bắc Việt Nam, nằm dưới chân dãy núi đá vôi hình vòng cung, chùa có một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Vào tháng 3, cây Gạo đại thụ ở chùa Thầy sẽ nở hoa đỏ rực soi bóng trên mặt hồ có màu nước xanh lam ngọc.
Nói đến nơi có nhiều hoa Gạo, người ta cũng nghĩ ngay đến thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Tại huyện Mỹ Đức có rất nhiều cây Gạo cổ thụ đẹp, đặc biệt là con đường hoa Gạo nổi tiếng đẹp nhất Hà Nội, nơi mà hằng năm, cứ vào tháng 3, du khách và các nhiếp ảnh gia lại đến đây ngắm hoa, chụp ảnh…
Vào trung tuần của tháng 3 năm 2023, tôi có mặt tại Hà Nội và rất may mắn khi đến đúng vào dịp hoa Mộc Miên đang nở rộ. Là người sinh trưởng và lớn lên tại miền Nam, nên tôi chưa bao giờ được biết hay nhìn thấy tận mắt loài hoa này, mà chỉ biết tới nó qua sách báo cũng như chỉ được nghe tới nó từ các nhà thơ, nhà văn và các nhạc sĩ nói nhiều về loài hoa này qua những tác phẫm của họ mà thôi.
Gặp dịp may hiếm có nên mặc kệ cho thời tiết giửa tháng 3 đang nóng như lửa của Hà Nội, tôi nhất định xách “cell phone” (he he … thay vì xách máy ảnh) để đi tìm gặp cho được em Mộc Miên, xem em ra làm sao mà được các thi nhân của Hà Nội hết lời ca tụng như thế. Trên đường đi vòng quanh nội thành Hà Nội, tôi nhìn thấy Mộc Miên đỏ thắm cả đất trời, tuy nhiên vì trong thành phố nên chỉ nhìn thấy lạ và đẹp mà không thấy thơ mộng chút nào hết. Nhất là nhiều cây lại trồng gần hàng rào nhà, gần đường xe chạy, hoa rơi rụng lên đầy mui xe và vĩa hè, nếu chụp ảnh thì bị vướng víu nhiều thứ, trông chẳng đẹp tị nào. Tôi muốn được nhìn Mộc Miên nằm trên những con đường vào làng, hoặc dọc theo những bờ kênh, bờ mương trong một không gian xanh ngát của một làng quê, theo như những gì tôi đã nghe mô tả trong văn thơ trước đây. Vì vậy, Thổ Công của Hà Nội đã không quản ngại trời nắng nóng đường xa, chiều theo ý, đưa tôi đến gặp Mộc Miên tại Thôn Đoài, Xã Tiên Nội, Huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam, nơi mà người dân thôn Đoài bao đời vẫn luôn tự hào bởi vì họ có con đường hoa Gạo rất đẹp mà ít nơi có được.
Con đường hoa Gạo ở thôn Đoài, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (hình lấy từ Internet).
Nói thật là thời gian ở tại Hà Nội của tôi không có nhiều, mục đích chính lần về này là thăm mộ gia đình tại Hải Dương và Nam Định, nhưng khổ nổi là tôi còn muốn được đi thăm nhiều chỗ hơn. Đúng thật là tham lam khi vào ngày cuối cùng tại Hà Nội, tôi vừa đi thăm mộ xong lại còn muốn được đi thăm thêm Chùa nọ Đền kia, và nhất định là còn phải được đi xem cả hoa Mộc Miên nửa. Vì thế rời khách sạn từ sáng sớm tinh sương mà mãi đến gần 1 giờ chiều, chúng tôi mới tới được thôn Đoài để gặp em Mộc Miên. Thông thường, khi đi chụp ảnh, người ta thường đi vào sáng sớm hoặc là vào giờ gần gần chiều thì may ra mới có được ảnh đẹp. Chứ không có ai điên như nhóm của chúng tôi là tìm đến đây vào lúc đúng ngọ, vào giửa lúc trời đang đổ nắng chói chang nóng như lửa thế này. Để tìm được Mộc Miên theo đúng ý tôi, xe đã phải chạy vòng vo nhiều con đường trong làng, hỏi thăm mãi mới tới được chỗ này. Được cái, hỏi thì dân chúng quanh vùng đều biết và chỉ ngay, chắc có thễ dân làng cũng chẳng còn lạ gì chuyện này khi đã có rất nhiều người tìm tới đây rồi. Tại đây, tôi đã nhìn thấy hai hàng cây hoa Gạo đỏ rực khoe sắc mọc bên bờ của một con kênh. Cảnh rất đẹp và rất thơ mộng theo đúng những gì tôi đã được nghe tả. Nhưng mà trời đất ơi, thời tiết tháng 3 vào lúc 1 giờ trưa hiện giờ đang nóng điên người luôn các bác ạ! Thôi thì cũng đành phải chịu chứ còn biết làm sao bây giờ!
Ở ngay đầu con đường vào bờ kênh trồng hai hàng hoa Gạo, họ có cho dựng lên 1 cái quán nhỏ lợp bằng mái lá trông cũng xập xệ để bán nước chè cho khách, có để vài cái bàn nhỏ và ít ghế nhựa. Tít trong góc, quây lại một chỗ có màn vải kéo lại để cho người đến chụp ảnh thay quần áo. Ngoài ra, họ còn có cả xe đạp, quang gánh thúng giống, nón lá, ô dù ….. đủ cả mọi thứ mà họ gọi là “đạo cụ” cho mình mướn để chụp ảnh, hình như là mình phải trả 25 ngàn VND cho những thứ này thì phải. Vì đang giờ nóng đỉnh điểm giửa trưa, cho nên không có một nhiếp ảnh gia hay là người mẫu nào thèm đến đây vào giờ này, chỉ duy nhất có mấy chị em và bà cháu chúng tôi điên điên đội nắng thay phiên chụp ảnh cho nhau mà thôi, cho nên mấy cái món “đạo cụ” này chúng tôi tha hồ dùng, muốn giử bao lâu cũng được. Nhưng không lâu sau đó, khoảng từ sau 3 giờ chiều trở đi thì đã có rất nhiều người đến chỗ này. Có đến hai, ba nhóm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cùng tới với người mẫu của họ, và cũng có thêm 2, 3 nhóm chụp hình nghiệp dư giống như nhóm của chúng tôi cũng đổ vào con đường hoa này, làm cho khoảng không gian đang yên bình tự nhiên bị khuấy động hẳn lên. Ôi trời! khổ nhất là có một đám thiếu nữ trẻ khoảng chừng 6, 7 cô, hình như các cô này không hề biết đến cách cư xử nơi chốn công cộng là như thế nào, vì ….. ôi thôi họ “vô tư” chạy tới, chạy lui, cười nói um xùm, la gọi nhau vang động cả một vùng trời đang yên bình, cứ coi như chỗ này là chỉ dành riêng cho một mình họ, lại còn chí chóe tranh dành với nhau xe đạp, quang gánh …. để chụp hình cho nhau nửa…. Cha mẹ ơi, mình thì đang đầu váng mắt hoa vì bêu nắng từ trưa đến giờ, đã đang nóng thì chớ, mồ hôi chảy ra như tắm, bây giờ lại còn phải nghe những giọng oanh vàng “chua loen loét kiểu Hà Nội bây giờ” của mấy cô này cứ như đấm vào tai, bị mất cả tập trung và hứng thú để chụp hình khi nhìn thấy các cô cứ chạy tới chạy lui như đèn kéo quân chung quanh mình. Chịu hết nổi với tình trạng này, nên thôi thôi thì đành phải từ giả em Mộc Miên rồi cuốn gói ra về cho lẹ!
Sau mấy giờ đồng hồ bêu nắng giửa trưa mệt muốn chết luôn, nhưng tôi thấy rất vui và thỏa mãn vì đã gặp và được nhìn tận mắt những cảnh đẹp từng nghe tả qua văn, qua thơ của các thi nhân Hà Nội. Vui hơn nửa vì tôi cũng đã kịp lưu giử được một vài hình ảnh thật đẹp của làng quê với Hoa Mộc Miên trong một không gian xanh tươi bát ngát của đồng quê Việt Nam mình. Vậy thì cho dù có bị bêu nắng một bữa mệt đến ngất ngư con tàu đi thì cũng thấy đáng đồng tiền bát gạo phải không các bạn?
Mời các bạn xem qua một vài tấm hình kỷ niệm được chụp với Mộc Miên vào một ngày nắng nóng của tháng 3 tại Hà Nội nhé.