Mẹ Tôi ❤️

Mẹ Tôi

 ❤️❤️❤️

 

Hôm nay là ngày hiền mẫu . Mọi năm, gia đình tôi bao giờ cũng tụ họp lại, nấu mấy món ăn mẹ tôi thích, mẹ tôi và nhạc mẫu, để cùng quây quần ăn uống. Năm nay buồn hơn năm ngoái. Bà ngoại các cháu đã quá vãng và mẹ tôi đang nằm trong nhà thương. Cách đây hai hôm, mới vào bệnh viện thì chợt thấy em tôi gọi nói là mẹ tôi vừa té trong phòng tắm, đầu va vào sàn hay tủ có lẽ mạnh lắm nên máu trên da đầu chảy ướt đẫm cả khăn mặt. Chị tôi thường gọi mỗi khi có chuyện gì xảy ra nên mỗi lần có phone, đặc biệt là sáng sớm hay đêm khuya là mỗi lần tim tôi lại thót lên vì trăm lần như một, mẹ tôi không bị này thì cũng bị kia. Thế là chị, em tôi đem mẹ vào phòng cấp cứu. Bác sĩ không tìm thấy gì sau khi chụp đủ thứ từ đầu đến chân nên cho về . Sáng nay, lúc đang đi chụp hình hoa sen đang nở rộ ở chùa Việt Nam trên đường Synott thì lại thấy phone của chị báo là mẹ tự nhiên nói sảng, thậm chí không nhận ra các con. Thế là lại đem vào bệnh viện để bác sĩ theo dõi và đêm nay tôi lại nằm ở đây để trông mẹ. 
Thế là trong vòng 4 năm, mẹ tôi nằm viện hết ba lần. Lần đầu, bị gãy xương sống. Lần thứ hai mới năm ngoái bị nhiễm trùng phổi, trầm trọng đến nỗi phải mời cha vào xức dầu theo nghi thức công giáo cho người sắp chết. Và năm nay ngã, không biết nguyên do vì chỉ biết được khi mẹ tôi bò từ phòng tắm vào phòng và bấm nút gọi chị. 
Ba lần nằm viện dù với ba lý do khác nhau nhưng tựu trung đều chung một mẫu số, bệnh già. Mẹ tôi năm nay đã 101 tuổi nhưng trên giấy tờ thì mới 99 vì theo lời mẹ tôi kể, ngày xưa lúc chạy loạn, giấy tờ khai đi khai lại nên có sự nhầm lẫn. 
Dù 99 hay 101, mẹ tôi thuộc loại người xưa nay hiếm, có nghĩa là đã già lắm rồi, đã gần đất xa trời lắm rồi cho nên sống thêm được ngày nào được coi như bonus ngày đó. Biết vậy nhưng tôi vẫn thật buồn và lo mỗi khi mẹ bệnh vì tôi chưa đủ can đảm để nghĩ đến ngày đó.
Nghĩ đến cái diễm phúc mỗi khi về thăm, nói chuyện và hỏi thăm về những chuyện xa xưa, nhất là lúc mắt mẹ sáng lên mỗi khi nhắc đến kỷ niệm về bố. 
Đêm trong bệnh viện thật yên lặng. Những dãy hành lang dài hun hút và tối như nhắc đến nỗi buồn mênh mang lởn vởn trong đầu tôi từ mấy hôm nay mỗi khi nghĩ đến mẹ. 
 
 
Mấy lúc sau này mỗi lần thăm mẹ, tôi đều rán nói chuyện để, theo những nghiên cứu về bệnh lú lẫn của người già, giúp trí nhớ của mẹ tôi đỡ bị mai một nếu có người trò chuyện và cũng để tìm hiểu về những chuyện xa xưa lúc bố mẹ tôi còn trẻ. Theo lời mẹ tôi kể, ông ngoại tôi là chánh tổng của một huyện thuộc Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Là con gái út của cụ chánh, tuy không phải là tiểu thư đài các nhưng thuộc loại “trên không tới, dưới không thông” nên kén mãi bố tôi mới lọt vào mắt của mẹ. Bố tôi, con của một trung nông ở làng Đồng Bò kế bên, chỉ là một ông phán thời đó nhưng được mẹ tôi chấm vì thấy cách ăn nói điền đạm, lôi cuốn và chững chạc lúc bố làm trưởng ty thông tin huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nói vậy để thấy từ lúc bé cho đến khi lấy chồng và cho mãi đến ngày mất nước năm 1975, mẹ tôi chỉ là một người nội trợ, thuyền theo lái, gái theo chồng, suốt ngày chỉ chăm con và việc nhà. Vậy mà sau năm 1975, cũng như bao nhiêu người phụ nữ miền nam khác phải lăn lộn với cuộc sống để lo lắng cho bố tôi, lúc đó đang bị bệnh tiểu đường cần được ăn uống đầy đủ, và chúng tôi, lúc đó đang học đại học với trợ cấp thật khiêm nhường mỗi tháng được mua 12 ký gạo theo giá nhà nước. Một tay mẹ tôi phải tảo tần buôn bán cho đến khi tôi vượt thoát được và thỉnh thoảng gom góp ít tiền dành dụm gởi về phụ gia đình từ năm 1982. Năm 1990, khi gia đình được bảo lãnh sang đây, những tưởng cuộc sống mẹ sẽ đỡ hơn nhưng lại có những lo lắng khác, đó là ở nhà trông cháu, lo lắng cơm nước để các chị, em tôi có thì giờ tập trung lấy lại bằng chuyên môn. Cả một đời của mẹ, hết lo lắng cho ông nội, bố, chúng tôi và các cháu không một chút phàn nàn, than thở. Bây giờ tuy đã lớn tuổi, tuy không còn giúp đỡ gì về việc trong nhà nhưng mẹ tôi là một cái gạch nối để anh, chị, em chúng tôi vẫn còn có dịp gặp gỡ nhau, một món ăn tinh thần, một liều thuốc bổ thật quý giá mà chúng tôi chẳng thể tìm thấy ở đâu.
Nhìn mẹ nằm thiêm thiếp với hơi thở yếu ớt, lâu lâu tôi lại nằm im để nghe ngóng mỗi khi không nghe thấy tiếng thở vì một nỗi sợ vu vơ… Nhìn cành hoa hồng mà nhà thờ cho em tôi chiều nay cho những ai còn mẹ đang héo dần tôi chợt có một sự so sánh. Cành hồng tuy tàn úa nhưng khi nghĩ đến hồng, người ta chỉ nhớ đến vẻ đẹp và mùi hương của nó. Mẹ tôi cũng vậy, cho dù sau này nếu mẹ không còn nữa nhưng gia tài của mẹ, một tình thương yêu chồng, con, cháu vô điều kiện là những gì sẽ tồn tại với tôi từ bây giờ và mãi mãi.
 
 
 
Một đêm ngày hiền mẫu trong bệnh viện 2024.
 
 
Viết Hiển
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %13 %025 %2024 %19:%05
back to top