TẠI SAO NGƯỜI MIỀN NAM KÊU LÀ BỒN BINH?
NGUYỄN GIA VIỆT
Khởi thủy cái bồn binh đầu tiên là bồn binh Cây Liễu ở ngay trước ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Sài Gòn
Lúc đầu ở đây là một cái giếng nước, sau người Pháp lập lên một cái nền cao tròn tròn hình bát giác, có mái che ở trên như cái kiosque giữa ngã tư đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ) và đại lộ Bonard (Lê Lợi) mà cuối tuần lính Pháp thường chơi nhạc cho dân bu chung quanh coi.
Người Miền Nam kêu là Bồn kèn
Bồn là một chữ quen thuộc của người Miền Nam. Những cái gì cao cao, có hình dáng hơi tròn một chút kêu là bồn. Thí dụ bồn tắm, bồn cầu, bồn nước.
Bồn Kèn là bồn chơi kèn.
Sau những năm 1920 Pháp dở bỏ cái nóc kiosque chỉ chừa cái nền bát giác. Sau Bồn Kèn xây cái vòi phun nước.
Xưa ngã tư này là 2 con kinh đào của Sài Gòn. Đường Nguyễn Huệ là con kinh Lớn, Pháp đặt tên là kinh Grand, rồi kinh Charner, con kinh ở giữa, hai bên là 2 con đường Rigault de Genouilly và Charner (nằm phía khách sạn Palace hiện nay). Năm 1887, Pháp lấp kinh và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner, dân Việt gọi đường Kinh Lấp. Sau 1954 đặt là Nguyễn Huệ.
Đường Lê Lợi là kinh Coffyn.Năm 1892 bị lấp thành đường Bonard,Pháp xây một cái giếng nước giữa hai đại lộ Bonard và Charner .
Sau đó Pháp lấp cái giếng và xây cái Bồn Kèn lên trên.
Từ Bồn Kèn thành Bồn Binh cũng có lý do,vì bồn kèn của binh lính Pháp thổi kèn chơi nên dân Sài Gòn cũng kêu là bồn binh.
Đây là cái Bồn Binh đầu tiên của Sài Gòn. Bồn Binh tức là bắt đầu từ chữ Bồn Kèn do lính Pháp chơi nhạc.
Dần dà sau này Sài Gòn có nhiều cái tiểu đảo giữa ngã tư ngã bảy, dân gian gọi là Bồn binh
Người Bắc ngày xưa không có khái niệm bồn binh. Tại Hà Nội trước những năm 1970 không có đèn xanh đèn đỏ và cũng không có cái bồn binh nào. Sau 1975 thì người Bắc kêu bồn binh là "vòng xuyến".
Chữ Bùng Binh là chữ có sau. Chữ “bùng binh”có tiền nhân cho là gốc từ tiếng Pháp "rond point" (Anh ngữ là traffic circle) là điểm tròn.
Bùng binh xuất hiện trong bộ Đại Nam quấc âm tự vị xuất bản năm 1895 của Huỳnh Tịnh Paulus Của khi định nghĩa "bùng binh" là “Khúc sông rộng lớn mà tròn”.
Ở Sài Gòn có địa danh Rạch Bùng Binh.
Việt Nam tự điển (Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1970) tác giả Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ có chữ "Bồn binh" định nghĩa như sau:
“Bồn binh: Công trường, mối đường rộng lớn trong thành phố có hoặc không có trồng kiểng hay trụ đèn ở giữa để tiện việc lưu thông một chiều”.
Bộ này cũng ghi “bồn binh” có từ đồng nghĩa là “bùng binh”.
Ngày nay có người kêu bồn binh là "vòng xoay". Chữ vòng xoay cũng lai Bắc vì dân Miền Nam hồi xưa kêu quay tròn là xây chứ không phải xoay.
Kết luận:
Bồn binh là bồn binh.
Sài Gòn có nhiều cái bồn binh nổi tiếng, thí dụ bồn binh Cây Gõ, bồn binh ngã sáu Minh Mạng - Nguyễn Tri Phương, bồn binh ngã bảy Petrus Ký-Phan Thanh Giản, bồn binh ngã sáu Cộng Hòa, bồn binh Dân Chủ, bồn binh ngã sáu Gia Long, bồn binh Hồ Con Rùa...
"Hò ơ!
Em thương anh hết sức thương, nhớ hết sức nhớ
Gặp anh vô cớ em chẳng dám nhìn
Sợ chị lớn ở nhà chỉ sanh tâm biến tánh, hốt hỏa lôi đình
Chỉ rình ngã ba, chỉ đón ngã bảy, không biết chết mình hay hại em"
Bồn binh trước chợ Sài Gòn rất rộng và lớn. Tôi thích kêu bồn binh chợ Sài Gòn, không ưa kêu bồn binh Quách Thị Trang vì bà Trang chẳng có công lao gì với đất Sài Gòn này
Người Việt Nam chúng ta đi lề phải, chạy xe bên phải và quẹo, cua bồn binh ngược chiều kim đồng hồ từ phải qua trái
Giữ lại chút văn hóa Sài Gòn từ cái bồn binh.
(Nguyễn Gia Việt )
*************
BÙNG BINH BỒN KÈN –
NƠI GIAO THOA GIỮA CÁC ĐẠI LỘ LỚN Ở SÀI GÒN XƯA
Bùng binh lần đầu tiên xuất hiện là ở ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi ngày nay. Vào năm 1920 giao giữa hai đại lộ lớn là Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi) người Pháp đã xây dựng một vòng xoay giao thông tại đây lấy tên là “Bồn Kèn”. Ban đầu nơi đây chỉ là một cái bệ cao hình bát giác, vào mỗi chiều sẽ có một số người lính (binh) Tây tới chơi nhạc cho dân nghe. Chính vì vậy thường được gọi bằng cái tên dân dã là “Bồn Binh”.
Lâu dần từ “Bồn Binh” đã được đọc trại thành “Bùng binh” và nơi đây cũng đã có cái tên gọi mới là “Bùng binh Bồn Kèn”. Có thể nói ngã tư nổi tiếng này đã đặt nền móng cho tên gọi bùng binh mà chúng ta vẫn sử dụng phổ biến cho đến bây giờ.

“Bùng binh Bồn Kèn” khi xưa với bồn hình bát quái tám cạnh.
Sau một thời gian bùng binh được sửa chữa và thay đổi với việc bổ sung thêm đài phun nước ở giữa bùng binh. Nơi đây thường là nơi tập trung đến tắm của các cậu học sinh lúc bấy giờ. Bẵng đi một thời gian trước những năm 1975 nơi đây được đặt một tấm bảng lớn với các thông tin chính trị, đất nước thời đó.

Các cậu học sinh tắm ở “Bùng binh bồn kèn” khi đó
Sau năm 1975, bùng binh bồn kèn khi đó được trồng thêm các cây liễu rũ xung quanh đài phun nước. Cũng vì thế mà nơi đây được gọi bằng một cái tên khác là “Bùng binh Cây Liễu” cho đến khi bị tháo dỡ vào năm 2014.
HÌNH ẢNH VỀ BÙNG BINH BỒN KÈN Ở NHỮNG NĂM TRƯỚC 1975
Nào cùng Đỡ Buồn nhìn lại “Bùng binh Bồn Kèn” qua những thước ảnh cũ trước năm 1975 khi đó nhé!

Bùng binh Bồn Kèn” trước Tòa Đô Chánh trước năm 1975.

Bùng binh Bồn Kèn khi về đêm.
Có một thời gian “Bùng binh Bồn Kèn” đã được sửa chữa và thay đổi với việc bổ sung thêm tấm bảng lớn để trình bày những thông tin chiến sự quan trọng hoặc là những khẩu hiệu vận động kháng chiến khi đó.

“Bùng binh Bồn Kèn” với những tấm bảng thể hiện thông tin chiến sự.

Tấm bảng lớn phía trước bùng binh.

Giao lộ “Bùng binh Bồn Kèn” khi đó.
Giao lộ này còn là nơi diễn ra những buổi diễu hành, meeting lớn khi đó.

Cuộc diễu hành ở “Bùng binh Bồn Kèn khi đó”

Bùng binh Bồn Kèn những năm 1968.

Bùng binh Bồn Kèn – Sài Gòn 1970.
Những cây liễu rũ được trồng quanh bùng binh sau năm 1975 đã khiến nơi đây mang một cái tên mới là “Bùng binh Cây Liễu”.

“Bùng binh Cây Liễu” sau năm 1975.
Có thể thấy bùng binh Bồn Kèn không chỉ là một công trình giao thông đơn thuần mà đây còn là một biểu trưng thời gian cho những dấu tích lịch sử thời điểm sầm uất khi xưa hiện hữu trên những con đường Sài Gòn lúc bấy giờ.
Nam Mai sưu tầm