Ý NGHĨA THÚ VỊ CỦA MỘT SỐ ĐỊA DANH Ở SÀI GÒN

TÊN GỌI SÀI GÒN VÀ NHỮNG GIAI THOẠI

VỀ CÁC ĐỊA DANH MÀ BẠN BIẾT

 Sài Gòn cùng những giai thoại.

Không đơn thuần chỉ là những tên gọi thông thường được đặt cho những con đường, kênh rạch, cây cầu ở Sài Gòn, đằng sau mỗi cái tên nơi đây đều có cho mình những ý nghĩa đặc biệt về những giai thoại, địa hình trong quá khứ. Nào cùng Đỡ Buồn đi qua và khám phá tên gọi Sài Gòn và những giai thoại về các địa danh mà bạn biết nhé!

SÀI GÒN

Ban đầu Sài Gòn còn được gọi là Prey Nokor theo cộng đồng người Khmer bản địa sống tại đây, còn có nghĩa là “Thị trấn trong rừng”. Sau sự sụp đổ của đế chế Khmer, vào năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh đã cho lập huyện Tân Bình thuộc phủ Gia Định đánh dấu sự ra đời của thành phố. Phủ Gia Định bao gồm Sài Gòn và các tỉnh xung quanh như Tây Ninh, Long An…
Cái tên ban đầu của Sài Gòn là “Prey Nokor” dần dà được đọc chệch “Prey” thành “Rai”, “Nokor” thành “Kor” sau một thời gian các từ trên được đọc lướt nhanh trở thành “Sài Gòn” như ngày nay.

 

Cây gòn đại thụ bên cạnh kênh Tàu Hũ được nhiếp ảnh gia Tam Thái chụp năm 1995.

Một lý giải thú vị của Huỳnh Định Của trong “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” đã góp phần củng cố thêm phần vững chắc cho tên gọi Sài Gòn vào những năm đầu thế kỉ 16 và 17 giữa những tranh cãi về cái tên Sài Gòn. Ông giải thích rằng “Sài tức là củi thổi, gòn là loại cây bông xốp nhẹ, nhẹ hơn bông thường, trong Nam thường dùng để dồn gối, dồn nệm…”. Loại cây này thường được người Khmer trồng rất nhiều quanh đồn Cây Mai vào thời đó.

HÀNG XANH

Là nút giao lớn ở cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn, bất kì ai chắc hẳn cũng đã quen với cái tên Hàng Xanh. Nhưng một điều thú vị về cái tên này lại xuất phát từ sự đọc chệch âm và viết sai chính tả âm “s” và “x” của người Miền Nam.

Ban đầu “Hàng Xanh” có cái tên khác là “Hàng Sanh” bởi vì vùng đất này trước đây trồng 2 hàng cây sanh – một loại cây lớn, nhánh có tua, loại cây da, lá nhỏ thuộc một họ dâu tằm. Trải qua thời gian dài truyền miệng mà cái tên hàng xanh có tới ngày hôm nay.

Ngã tư Hàng Xanh trước năm 1975.

NGÃ TƯ BẢY HIỀN

Ngã tư Bảy Hiền có lẽ là cái tên ai cũng phải bắt gặp ở Sài Gòn một lần. Là vòng xoay nối Tân Bình giao với 4 con đường lớn huyết mạch đi qua các quận trung tâm của thành phố. Từ lâu người dân xung quanh đây đã quen với cách đặt và cách gọi này, nhưng để trả lời cho câu hỏi Bảy Hiền là ai? Bảy Hiền có phải là một cái tên của ai đó không thì rất ít ai hiểu được.

 Ngã tư Bảy Hiền xưa (nhìn từ góc bệnh viện Vì Dân).

Theo thông tin được ghi lại và truyền miệng từ người dân xung quanh. Khi xưa Bảy Hiền là một ông chủ điền nổi tiếng trong khu vực này với tên thật là Trần Văn Hiền. Ông không chỉ nổi tiếng là một chủ điền giàu có lúc bấy giờ mà còn là một người rất thương người. Vào những ngày rằm hàng tháng ông thường phát đồ ăn, tiền cho những người nào nghèo khó. Một lần vì quá đông người đến lấy chen nhau nên đã khiến một đứa trẻ chết ngạt. Sau thì vì dằn vặt và đau buồn ông đã không phát như trước nữa, ai có khó khăn gì thì cứ đến ghi lại ông sẽ hỗ trợ và giúp đỡ.

Sau khi ông mất vì để tưởng nhớ và nhắc nhở những thế hệ sau về lòng trắc ẩn và thương người. Người dân đã đặt địa danh này gắn với tên ông là ngã tư Bảy Hiền.

GÒ VẤP

Hiện nay, Gò Vấp là một quận sầm uất với số lượng dân cư sinh sống đứng thứ 2 chỉ sau Bình Tân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có lời kể cho rằng nguồn gốc của cái tên Gò Vấp là bởi Gò Vấp là một nơi trước đây đã từng có một rừng cây vắp rộng lớn (cây này người Chăm gọi là Krai, hiện tại trong Thảo Cầm Viên của thành phố vẫn còn bảo tồn 2 cây này). Đất gò cao lại có một rừng vắp bao phủ sau được người dân ghép lại thành Gò Vắp. Qua thời gian người dân đã đọc chệch đi khiến nó có cái tên Gò Vấp như ngày nay.

Ngoài ra tại chợ Gò Vấp còn có một lý giải vui về tên gọi này rằng: “Trước đây gò đất cao, dân buôn thường hay tụ họp mua bán thường bị rượt đuổi hoài, bỏ chạy thì vấp gò mà té nên gọi là Gò Vấp”.

Chợ Gò Vấp xưa.

BẾN NGHÉ

Từng là một tên của bến nước xưa, rồi thành kênh rạch, tên sông và hiện tại là một trung tâm hành chính lớn của quận 1. Tuy hiện nay có nhiều cách lý giải thú vị về nguồn gốc tên gọi nhưng tất cả đều có một 1 điểm chung liên quan đến con trâu – biểu trưng đặc sắc cho văn hóa của nước ta.

 Rạch bến nghé năm 1967 – 1969.

Theo lý giải của Trịnh Hoài Đức, xuất phát từ tên gọi là Kompong Krabey (bến trâu). Cái tên này xưa kia được dùng để gọi vùng này bởi bến nước nơi đây tụ họp rất nhiều trâu con xuống uống nước. Nhưng cũng theo một số nghiên cứu khác về giai thoại cho biết: Bến Nghé trước đây rất nhiều cá sấu, đêm đến chúng phát ra tiếng như tiếng trâu rống nên từ đó mà người ta gọi là “nghé” kết hợp với “bến” trong bến nước. Dù theo cách lý giải nào nó cũng thể hiện nơi đây là một vùng đã từng trù phú, đặc trưng của vùng đất phương Nam đã có trước đây.

CẦU BÔNG

Người Sài Gòn lâu nay vẫn quen thuộc với hình ảnh các cây cầu bắt qua sông, các con kênh rạch nằm rải rác trong lòng thành phố và đã trở thành một trong những phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa lịch sử tại Sài Gòn. Với nhiều cái tên nghe rất đỗi quen thuộc như Chà Và, Thị Nghè, Cầu Bông… đều mang một cái tên mang tính gợi tả dễ dàng nhận biết.

Cầu Bông những ngày đầu tiên.

Đối với Cầu Bông, nơi đây cũng đã có một điển tích khá thú vị về cái tên này. Theo nghiên cứu, vào đời tả quân Lê Văn Duyệt đã xây 1 vườn hoa gần cầu mà người ta quen thuộc gọi là Cầu Hoa. Sau đến thời vua Minh Mạng, vì để tránh kỵ húy với người vợ của ông là Hồ Thị Hoa nên người dân đã đổi thành Cầu Bông, mà từ bông là cách gọi của người miền nam để gọi hoa nên cái tên từ đây mà thành.

ÔNG LÃNH, BÀ HẠT, BÀ CHIỂU, BÀ HOM, BÀ QUẸO, BÀ ĐIỂM

Đã là người Sài Gòn không thể không nghe qua một lần về chợ Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Hom, Bà Quẹo, Bà Điểm. Theo một số giả thuyết được đưa ra những cái tên chợ gắn liền với những người vợ của ông Lãnh Binh Thăng là một võ tướng nổi tiếng từ thời vua Tự Đức. Địa danh cầu ông Lãnh cũng được đặt dựa trên tên của vị tướng nổi tiếng này.

Theo nghiên cứu của một số học giả trong đó có Trương Vĩnh Ký cho rằng 5 tên chợ này tương ứng với 5 bà vợ của Lãnh Binh Thăng. Những vị quan khi xưa thường đa thê, vì để các bà tự cường kinh tế nên ông đã cho lập 5 chợ ở 5 khu vực khác nhau để các bà chuyên tâm làm kinh tế và cũng như để tránh chạm mặt nhau.

Cầu ông lãnh sau năm 1929.

Về cây cầu Ông Lãnh, Trương Vĩnh Ký đã đưa ra nhận định “chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác”. Đây là cây cầu đầu tiên nối liền giữa đại lộ Đông Tây qua một kênh rạch nhỏ. Khi rạch bị lấp cây cầu đã trở thành nhịp nối giữa Bến Chương Dương Và Bến Vân Đồn.

Năm 1874 đã có một khu chợ được xây dựng gần cầu cũng như được lấy tên chợ là tên cầu. Chợ thu hút số lượng lớn ghe tàu từ miền tây vào đây buôn bán, trao đổi nên là một nơi sầm uất nhất lúc bấy giờ. Nhưng theo một số học giả như Vương Hồng Sển lại không đồng ý với các quan điểm về tên chợ được đặt theo tên vợ của Lãnh Binh Thăng. Ông cho rằng những người đầu tiên giao thương buôn bán ở chợ đã lấy tên của mình để đặt cho chợ. Cũng như dựa trên những đặc điểm độc đáo riêng biệt ở chợ lấy tên mà thành.

DAKAO

Đã đi qua những con đường ở Quận 1 không ai lại không bắt gặp cái tên phường mang đầy sự đặc biệt độc đáo này. Thoạt đầu khi nghe đến tên Đa Kao ai cũng nghĩ rằng nó tựa như một tên tiếng Pháp được đặt từ thế kỉ trước.Thật sự cái tên này thuần Việt nhưng do người dân đã đọc chệch và phiên âm tạo nên một cái tên mới lạ và có phần Tây hóa.