Ngày mai rồi mình cũng già...

Ngày mai rồi mình cũng già...

“Thời gian tựa cánh chim bay, tiếng cầu kinh đời đời vẫn vậy.

Từ nghìn trùng ta gặp nhau đây, rồi thiên thu mãi mãi sum vầy”

(Vũ Thành An)

 

Mấy ông già vẫn hẹn nhau ở quán cà phê đầu hẻm. Họ ngồi cái bàn đó, dưới gốc cây đó, bên bức tường đó. Họ nói những câu chuyện ngày qua ngày, chuyện thế giới trên bản tin tivi, chuyện trong xóm, chuyện công việc, chuyện xã hội, và nhất là chuyện bệnh tật. Chuyện bệnh tật, bệnh viện rồi đây sẽ ngày càng nhiều thêm, chiếm hết thời lượng của nhóm bạn già gặp nhau bên ly cà phê.

Rồi dần dần, từng người, từng người sẽ biến mất khỏi bàn cà phê.

Họ đã ngồi những buổi sáng như vậy hàng chục năm rồi. Hàng chục năm trôi qua ở một góc hẻm, một quán cóc, một cuộc gặp gỡ chóng qua trong đời. Hàng chục năm trôi qua mỗi phận người, mỗi số phận.

Tôi cũng từng nghĩ những phút giây đời sống lặp lại với nhịp điệu chậm rãi như vậy trong mỗi ngày đã là một hạnh phúc.

Chẳng phải, khi trẻ với biết bao áp lực cuộc sống, có lúc tôi từng mong tuổi già mau đến để được yên ổn. Già, trong tôi, như liệu pháp để cất đi gánh nặng tâm lý, những áp lực nối tiếp gỡ mãi không xong. Vậy mà khi tuổi già bắt đầu đến, con người lại ưa thích hoài niệm về những ngày còn trẻ. Cái quá khứ nặng nề hôm qua bỗng dưng bay biến, chỉ còn lại những gì tuyệt vời nhất trong ký ức. Ngày hôm qua bao giờ mà chẳng lấp lánh. Người sướng thấy cái lấp lánh của sung túc, đủ đầy, sung mãn. Người khổ thấy cái lấp lánh của những nỗ lực, sự nhanh nhạy, sáng suốt của chính ta trong mọi nghịch cảnh. Người không sướng chẳng khổ thì chí ít cũng nhớ đến những ngày ta còn anh còn em, còn cha còn mẹ còn ông còn bà bên cạnh, nhớ tuổi thơ đầm ấm dưới mái nhà thân thương... Điều mà bây giờ thời gian tàn nghiệt đã lấy đi hết cả rồi. Mọi thứ ngỡ như thoáng chốc.

Quá khứ chỉ đẹp khi ta đã gạn lọc hết những ngày xấu trời, để chỉ còn những hôm nắng đẹp.

Cho nên, người già thường hay nói: “Ồ, mới đó mà” hay “Cứ như là hôm qua...”.

Mới đó, cứ như... hay bao nhiêu nuối tiếc nữa, thì thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi. Trôi vượt ra ngoài kỳ vọng hay thất vọng của ta. Nhịp trôi lạnh lẽo. Có người đến tuổi già trở nên thong thả nhẹ nhàng dù sướng dù khổ, như thể càng già họ càng trở nên an nhiên tự tại trước cuộc sống, biết chấp nhận những sa sút của hiện tại, biết đón nhận quà tặng của từng giây bút đời sống bên con cháu, bạn đời, thân hữu. Họ từng trải và lấy cái kinh nghiệm đó để trước là cứu rỗi tinh thần, sức khỏe tự nhiên đang xuống cấp. Họ đón nhận quy luật sinh - lão-bệnh-tử và nhìn cuộc đời với một trái tim trong trẻo không chấp nệ. Họ thanh thản biết mấy, vì tuổi càng già họ càng hài hòa, độ lượng, bao dung với bản thân và tha nhân. Nụ cười của họ thật nhẹ nhàng, họ truyền nguồn năng lượng hòa ái cho cháu con, người thân.

Nhưng cũng có người càng về già càng nặng nề. Họ tiếc nhớ quá khứ khỏe mạnh và thấy mình bất lực trước nhiều thứ. Họ mặc cảm vì sức khỏe đi xuống, tinh thần không còn minh mẫn. Họ trở nên nghiệt ngã trước cuộc đời bởi không chấp nhận sự lão hóa vốn là con đường phải đi qua trước khi rời bỏ đời sống. Họ trở nên khó khăn với cháu con, thường xuyên chấp nhặt và dễ hờn dỗi, đẩy mọi thứ khúc mắc về phía bi đát. Họ nuôi căng thẳng, sinh tâm bệnh. Tâm bệnh này lại sinh tâm bệnh khác. Cứ vậy, cho đến khi họ lìa đời mà “gánh chấp” vẫn còn nặng trên hai vai, khư khư chẳng thể buông.

Quả thật, chúng ta chẳng có kinh nghiệm gì để làm một đứa trẻ, thế rồi một ngày, xem ra cũng chẳng có kinh nghiệm nào để sống nốt tuổi già. Khi ta nhìn lại ngày tháng cũ huy hoàng, nghĩa là đã tự cất mình khỏi hiện tại. Sâu xa, đó là tìm một hướng thoát trong tâm lý, bởi kỳ vọng và bất mãn với hiện tại mà bản thân ta đang dự phần. Và dĩ nhiên là ta không còn muốn đối diện với nó. Việc “ngắt kết nối” với hiện tại dẫn ta đến một vòng luẩn quẩn của cảm giác buồn bã vì bao điều chưa làm được, sự lực bất tòng tâm vì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đang sa sút, sự áp đặt suy nghĩ, mong muốn hay nguyên tắc của ta lên con cháu không thành... Tất cả khiến thể chất ta nhọc nhằn, tâm tư sa lầy, khắc khoải. Ta ấu trĩ và dễ dỗi hờn, ta vòi vĩnh và ưa gây gỗ. Ta như một đứa trẻ, nhưng là đứa trẻ ở những tính khí cáu bẳn, không phải một đứa trẻ hồn nhiên mau quên và đáng yêu thuở xưa.

Cuộc sống rồi cứ thế; như thể không còn nằm trong sự nắm giữ của ta nữa. Trong lúc giành lại nó bằng những phô trương bản ngã, ta càng vướng mắc sai lầm.

Sống già cho ra già lúc bấy giờ, thật khó. Người từng có một quá khứ lẫy lừng thì sợ mình bị quên lãng. Người từng sung mãn tuổi tráng niên thì thấy mình mặc cảm yếu đuối. Người từng lang bạt kỳ hồ thì thấy đời mình lâm vào quanh quẩn. Người từng hưởng thụ biết bao hương sắc cuộc sống lại thấy đời rơi vào một quãng nhàm chán... Thế nên, có người quên mình già, lao vào đánh bóng hình ảnh ngày càng nhàu nát của mình trên mạng, xuất hiện mọi nơi mọi chỗ để chống lại sự lãng quên, lao vào những cuộc tranh luận vô bổ để cho thấy mình còn sáng suốt sắc sảo... Có người tâm tính hung hăng luôn sẵn sàng đọ sức với bất cứ ai dù chỉ một va chạm nhỏ bởi cái háo thắng bốc hỏa. Lại có người chống lại cái vô vị bằng cách phô trương sự thành đạt của con cái, tài sản hay đẳng cấp xã hội đã từng trong quá khứ...

Nhưng cho cùng, tất cả những điều đó là những nỗ lực tuyệt vọng để hòng che giấu một sự thả dốc không phanh về tinh thần, một bản lĩnh yếu ớt và không đủ “chịu chơi” trước thời gian.

Sống hòa bình, vui vẻ và tích cực trong tuổi già thật khó. Đó là một công phu luyện tâm không hề đơn giản. Khi còn trẻ, không ai biết trước điều gì về tuổi già, ta mới ngao ngán khổ sở trước tính khí “trở chướng” của cha mẹ ta, thế rồi một ngày ta nhận ra mình lặp lại y như vậy. Ta mới chê ông nghệ sĩ kia già mà còn háo danh, thế rồi một ngày ta làm mọi cách để thiên hạ không lãng quên mình... Ta lặp lại những tính xấu của sự định kiến, cực đoan mà ta đã thấy và không hề cảm thông nổi nơi nơi già quanh ta. Bởi ta cũng chỉ là người phàm, đâu phải thánh nhân!

*

Trong đám tang của diễn viên Thẩm Thúy Hằng, một phụ nữ sắc vóc và tài năng của điện ảnh miền Nam, thì nghệ sĩ Kim Cương có nói một ý được báo giới trích đăng khá thú vị, rất cần được đọc thật chậm: “Mấy hôm nay, điều khiến tôi cảm thấy yên tâm nhất là cuối đời Hằng sống thanh thản hơn tôi. Hằng ra đi thanh thản. Vì Hằng không cần danh tiếng, không cần tiền bạc, chuyên tâm giúp đời và mình tự giúp mình bằng cách tụng kinh, niệm Phật, ăn chay”.

Những năm cuối đời, bà Hằng sống ẩn dật và tu tại gia theo truyền thống Phật giáo và bà tìm thấy một cuộc sống bình yên, một cuộc đời khác. Như bà Kim Cương diễn giải thêm: “Hằng hơn tôi ở chỗ là Hằng không còn dính dáng gì với cuộc đời bên ngoài nữa. Ai chê khen gì cũng coi là cái nghiệp mà kệ thôi, chứ không để trong lòng mà tức tối. Hằng yên tâm tu tập”.

“Yên tâm tu tập” để “kệ” (không chấp) gì nữa trước cuộc sống, đón nhận quy luật thời gian để “tiếp cận” tuổi già một cách thanh thản, có lẽ là một thế sống tích cực, mang lại niềm vui cho chính mình và con cháu. Trong mọi truyền thống tôn giáo đều có không gian cho sự “yên tâm tu tập” đó. Cuộc đời cũng sẽ có những cách “yên tâm tu tập” theo kiểu cuộc đời, nếu con người có nội tâm đủ mạnh. Chỗ chơi của tuổi già đâu chỉ có một lối đi thẳng vào... bệnh viện!

Ngày mai rồi mình cũng già. Cánh cửa trước mặt đóng sầm lại hay mở rộng ra là tùy nơi ta.

 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %21 %050 %2024 %20:%09
back to top