Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức

 Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức

 BM

Tôi đang ở chơi nhà một người bạn thân cũ ở ngoại ô phía nam Paris, chợt nhớ đến cha già Louis Nguyễn Văn Qui, DCCT, chuyên lo cho các anh em Gia Đình An Phong Bụi Đời, hiện đang có một “Ngôi Nhà Mở” ở Ermont Eaubonne. Chỉ là gọi điện thoại để thăm hỏi, không ngờ cha lại rủ cùng đi Lourdes. Thế là đang đêm hôm, gia đình người bạn lái xe chở tôi tức tốc đến cha Qui để kịp ra nhà ga trực chỉ miền Nam nước Pháp. Đoàn hành hương hóa ra chỉ vỏn vẹn có 3 người, cha Qui, chị Duyên – một người Việt định cư tại Đan Mạch, và tôi.

 

BM

Sau một chuyến xe lửa thâu đêm, tảng sáng ngày 27.11.2001, chúng tôi đến Lourdes. Trời đã vào cuối thu, sắp chuyển sang đông. Đúng ra ở miền Nam sẽ ấm hơn ở Paris, nhưng vì Lourdes nằm rất gần dãy Pyrenee, biên giới tự nhiên Pháp – Tây Ban Nha, nên khí hậu thuộc về miền núi, lạnh căm căm và mưa phùn lất phất. Tuy nhiên, cảnh vật thiên nhiên thì tuyệt vời, đường phố lại sạch sẽ, người dân như thể thấm đượm tinh thần chị Thánh Bernadette Soubirous nên cũng hiền hòa khiêm nhu và ôn tồn lặng lẽ.

 

Ăn lót lòng thật nhanh tại nhà khách của Hội AED (Aide des Eglises en détresse – Hội Tương Trợ các Giáo Hội đang bị bách hại) xong xuôi, chúng tôi rảo bước về hướng Hang Đá Lourdes. Thật may, sát tới giờ dâng Thánh Lễ, cha Qui ngỏ ý với Ban Tổ Chức, và hai linh mục Việt Nam chúng tôi được đồng tế với hai linh mục Pháp thuộc giáo phận địa phương, và Thánh Lễ được trực tiếp truyền thanh trên toàn nước Pháp cũng như trên tất cả các nước khối nói tiếng Pháp (francophone), với ý chỉ tạ ơn và cầu nguyện cụ thể của từng linh mục đồng tế xướng lên bằng tiếng Pháp.

 

BM

Thật cảm động đến rưng rưng nước mắt, có bao giờ tôi dám mơ ước có ngày được dâng Lễ Tạ Ơn ngay tại Hang Đá Lourdes, nơi Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette tất cả 18 lần từ ngày 11.2 đến ngày 16.7.1858, đã gửi cho toàn Giáo Hội một thông điệp tự giới thiệu Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội (Que soy Immaculada councepciou – Je suis l’Immaculée Conception), đã bày tỏ tấm lòng từ mẫu hay thương xót cho biết bao con người đau khổ trên thế giới được hồi sinh cả tâm hồn lẫn thể xác…

 

Khách hành hương hôm ấy rất vắng, chỉ khoảng 40 người, hình như gồm nhiều sắc tộc Âu – Á – Phi – Mỹ, ai cũng co ro trong áo rét mũ ấm, nhưng những ánh mắt thì ngước cao thành khẩn hướng về Thiên Chúa, hướng về Mẹ, nguồn Cậy Trông và Bình An.

 

Thánh Lễ đã xong nhưng mọi người vẫn cố nán lại dưới cơn mưa phùn để sốt sắng cầu nguyện và lần chuỗi Mai Khôi. Bất chợt, có mấy người tiến lại gần chúng tôi, thì ra họ là những người Phi Luật Tân khá giả, đi hành hương để xin ơn chữa lành bệnh ung thư, họ tỏ ra vui mừng gặp chúng tôi cũng là người châu Á, họ tặng chúng tôi mỗi người một xâu chuỗi màu đen rất đẹp họ vừa mua được khi hành hương về Thánh Đô Roma.

 

BM

Chúng tôi cùng ngồi lần chuỗi trên các băng ghế sắt sơn trắng trước khu vực Hang Đá. Cha Qui chỉ cho tôi thấy viên đá lát dưới nền sân, đánh dấu chính xác vị trí chị Thánh Bernadette đã quỳ trong những lần được gặp và trò chuyện với Mẹ. Sát bậc thềm lên Cung Thánh có đặt Bàn Thờ. Trong Hang Đá còn có thêm một phiến đá ghi dấu nơi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị đã đến quỳ cầu nguyện tạ ơn trong lần đầu tiên đến với Mẹ năm 1983 khi lên ngôi Giáo Hoàng. Ngay dưới chân hốc đá đặt pho tượng của Mẹ, một đài nến hàng trăm ngọn màu trắng vút cao lên, tỏa ánh sáng cả ngày lẫn đêm. Chếch về bên trái mặt tiền Hang Đá, là những sợi dây thép căng ngang, treo những chiếc nạng mà người bệnh được chữa lành đã lưu lại như một biểu tượng của lòng tri ân Mẹ. Phía bên trong, cạnh Bàn Thờ là một miệng giếng đầy ắp nước, được lắp kính và chiếu đèn, đêm ngày róc rách tiếng nước chảy.

 

Bên cánh phải của Hang Đá là một dãy các điểm tập trung hàng ngàn ngọn nến của khách hành hương cháy sáng quanh năm, kế đó là một dãy nhà dài cho mọi người bệnh tật hay lành mạnh có thể đến trầm mình trong các hồ nước tự nhiên của Lourdes. Bên cánh trái của Hang Đá là một loạt những vòi dẫn trực tiếp nước suối Lourdes cho khách hành hương đến uống hoặc đong vào chai lọ mang về như một vật báu.

 

BM

Toàn bộ Hang Đá Lourdes nằm trong một vách núi mà giờ đây, Giáo Hội vâng lời Mẹ dặn đã xây lên trên đó một ngôi Vương Cung Thánh Đường vĩ đại nguy nga, chung quanh là cả một khu vực rộng mênh mông, gồm các nguyện đường nhỏ, các hội trường lớn, phòng triển lãm các phép lạ, phòng chiếu phim tôn giáo, cùng các tượng đài, lại có cả một quả đồi cỏ xanh nằm bên con sông nhỏ uốn quanh, cho các đoàn giới trẻ dựng lều cắm trại và sinh hoạt. Hàng năm, hàng triệu lượt khách hành hương khắp thế giới sẽ tuôn đổ về đây trong các dịp Đại Lễ của Mẹ. Năm 2001 đã được Giáo Hội chọn là năm Magnificat. Tôi cũng vừa được biết vào tháng 8.2002 sắp tới, toàn thể cộng đồng người Việt Công Giáo toàn Âu Châu sẽ hẹn hò nhau về bên Mẹ, con số ước định đến hàng chục ngàn người, có lẽ đông nhất vẫn là từ Pháp, Đức và Roma…

 

Tự nhiên tôi lại vọng tưởng đến Linh Địa La Vang Việt Nam. Vẫn là Mẹ đấy thôi, Lourdes, Fatima, Medjugorja… nhưng sao trong khung cảnh La Vang Quảng Trị của giáo phận Huế còn nhiều thiếu thốn, nóng bức, khó khăn và nghèo nàn của Việt Nam, khách hành hương chúng mình vẫn cảm thấy gần Mẹ hơn biết bao. Có cảm tính chủ quan và nặng óc địa phương không nhỉ? Thôi, dẫu có thế nào đi nữa, mọi người trên toàn thế giới cũng như tôi vẫn chỉ có duy nhất một người Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ không hề phân biệt lý lịch những đứa con yêu của Mẹ là Tây, là Tầu hay là Ta, là da trắng, da đen hay da vàng, là Công Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo hay thậm chí là vô thần đi nữa…

 

Tôi chợt nhớ đến bài giảng về 5 bà mẹ của cha Tiến Lộc ở La Vang cho gần 100.000 bạn trẻ trong dịp bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu năm 1999, và tôi thầm cầu nguyện với Mẹ Lourdes cho bà mẹ già tôi đã qua đời, cho Mẹ Giáo Hội, cho Mẹ Dòng Chúa Cứu Thế tôi đang được cưu mang, và nhất là cho Mẹ Việt Nam quê hương yêu dấu của tôi, của mọi người dân Việt gần xa…

 

Trong không gian lạnh giá dưới những hàng cây cuối thu trụi lá của Lourdes, tôi như nghe lòng mình hát lên bài ca kính mừng Đức Mẹ Lourdes, bài ca đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng khác nhau trên hoàn cầu, trong số đó có lời Việt của tôi mạo muội viết ra…

 

 

Phép lạ vĩ đại không ai có thể chối cãi

Chắc hẳn khi nhắc đến tên Fatima, các bạn đã nghe nói đến phép lạ mặt trời quay?  Nhưng các bạn có biết rằng qua cách thức phép lạ xảy ra, thì đây hẳn là một phép lạ vĩ đại nhất chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội? Hay: Phải chăng đây là một chuyện thêm thắt và bịa đặt thái quá?

Hy vọng qua những dòng sau đây, các bạn sẽ có được sự nhận định chính xác hơn.

Để mọi người tin

Vào ngày 13.10.1917, tại ngọn đồi Cova da Iria ở Fatima, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã hiện ra lần thứ sáu với ba trẻ chăn chiên: Lucia (10 tuổi), Francisco (7 tuổi) và Jacinta (6 tuổi).

Nhưng nhiều người cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra chỉ là trò hề, do ba đứa trẻ nhà quê bịa đặt ra để gạt gẫm người khác, hay do thủ đoạn của những người lớn đứng phía sau giật dây để nhắm tới một mục đích chính trị hay kinh tế nào đó.  Chính bà mẹ Lucia cũng hoàn toàn nghi ngờ, đến nỗi bà còn đánh đập con gái mình vì cho rằng Lucia nói dối.

Để đánh tan sự nghi ngờ và bất tín của thiên hạ, nhất là để mọi người tin nhận biến cố Fatima là sự thật, trong lần hiện ra vào ngày 13.07.1917,  Vị Thiên Nữ đã hứa là vào ngày 13.10.1917, sẽ có một phép lạ vĩ đại xảy ra trước sự chứng kiến của mọi người.

Lời hứa này còn được Vị Thiên Nữ nhắc lại vào ngày 19.08.1917 và vào ngày 13.09.1917.

Vâng, trong lần hiện ra vào ngày 13.09. 1917, sự thông báo của Vị Thiên Nữ về một phép lạ vĩ đại sẽ xảy ra vào ngày 13 thang 10 tới, cũng được ba trẻ nói cho mọi người hay. Vì thế, đúng vào ngày đó, đã có khoảng từ 50 đến 70.000 người đã tấp nập đổ xô về Fatima, trong số họ, gồm có đủ mọi hạng người, từ các tín hữu, những người tò mò cho đến cả những người nghi ngờ chống đối.

Nhiều phóng viên của những tờ báo lớn ở Bồ Đào Nha cũng đều có mặt trong lần hiện ra hôm đó. Nhưng có lẽ những phóng viên này chỉ muốn đến để soạn sửa cho bản tin ăn khách sẽ được đăng ở trang nhất trên các tờ báo của họ trong số ra ngày mai với tít lớn: 

«Sự thất bại ê chề của hiện tượng Fatima», hay: «Nhân loại văn minh của thế kỷ XX vẫn còn bị những chuyện hoang đường lừa đảo »  kèm theo những bài bình luận đầy giọng mỉa mai châm biếm tôn giáo, nếu như phép lạ đã được loan báo trước, không xảy ra. Nhưng vào ngày 13.10.1917, mọi sự đã xảy ra hoàn toàn khác với ý nghĩ của những nhà báo này:

Phép lạ cả thể đã thực sự xảy ra; mặt trời đã quay cuồng trước sự chứng kiến của tất cả mọi người có mặt hôm đó.

Một vị giáo sư là chứng nhân hiện tượng lạ lùng hôm đó

Ở đây, chúng ta hãy nghe tiến sĩ José Maria Proença de Almeida Garrett, giáo sư môn khoa học tự nhiên đại học Coimbra, kể lại những gì ông đã quan sát thấy ở Fatima hôm đó. Vì ông là một giáo sư, nên lời tường trình của ông rất khả tín và gây được sự chú ý của mọi người:

«Hôm đó, tôi đến nơi vào giữa trưa. Cơn mưa tầm tã từ buổi sáng sớm chẳng những không ngớt, mà bây giờ còn bị những trận gió dữ dội thổi ào tới tấp như muốn làm tràn ngập cả cảnh vật. (…) Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều. Trong vài giây lát trước đó, mặt trời còn bị che khuất sau đám mây dày đặc, bổng chốc nó chiếu sáng qua đám mây. Mọi cặp mắt đều hướng nhìn về phía mặt trời như bị một sức mạnh nam châm vô hình nào đó cuốn hút vậy. 

Chính tôi cũng nhìn thẳng vào mặt trời. Nó trông giống như một cái đĩa sáng rực rỡ, chói lọi, nhưng không làm lóa mắt. (…) Nhưng mặt trời vào lúc bấy giờ không làm lóa mặt, không giống như khi chúng ta nhìn nó bị che khuất sau một đám mây. Không, bầu trời lúc bấy giờ hoàn toàn trong sáng, chứ không hề có một vẩn mây nào che khuất mặt trời cả; nó xuất hiện rõ ràng giữa bầu trời. Cái đĩa sáng chói đầy mầu sắc rực rỡ đó không đứng yên, nhưng chuyển động rất nhanh. Và đó không phải là những tia sáng lung linh phát ra từ các ngôi sao. Cái đĩa lửa quay tròn với một tốc độ nhanh khủng khiếp, khiến từ đám đông những người có mặt hôm đó, bổng chốc vang lên những tiếng kêu la sợ hãi thất thanh. Mặt trời cứ tiếp tục quay tròn như thế cùng với tốc độ nhanh khủng khiếp tương tự, đồng thời nó tách ra khỏi không trung và tiến đến gần mặt đất với mầu đỏ máu, mọi cảnh vật như đang sắp sửa bị nghiền nát dưới độ quay nhanh khủng khiếp của vòng lửa không lồ. (…) 

Tất cả những hiện tượng này, tôi đã bình tĩnh quan sát và trình bày ra đây sự nhận xét khách quan của mình, chứ không do bất cứ sự xúc động nào chi phối cả. Tôi cũng hoàn toàn chờ đợi sự nhận xét và quan điểm của kẻ khác.» (1).

Phải chăng đám đông bị thôi miên?

Hàng chục ngàn người đều đổ nhìn về phía mặt trời đang quay lộn kỳ lạ. Về phép lạ mặt trời quay, có lẽ sẽ có người cắt nghĩa ngay rằng vì đã được báo từ trước, và đám đông đã đến Fatima với một tâm trạng quá nóng lòng hồi hộp chờ đợi. Vì thế, khi có một hiện tượng bất bình thường nào đó nơi mặt trời xảy ra, họ đã vội cho là phép lạ, và rồi sự công nhận đó cứ lan tỏa ra nhanh trong đám đông một cách vô ý thức như một dòng điện vậy, tương tự như phản ứng của các khán giả ngồi xem đá banh trong một sân vận động khi có cầu thủ đá thủng lưới đối phương.

Nhưng sự cắt nghĩa đó sẽ hoàn toàn trở nên buồn cười và không thể đứng vững được khi sự kiện cụ thể xảy ra trong thực tế, đó là người ta có thể quan sát và nhìn thấy được phép lạ mặt trời quay trong chu vi rộng 1550 cây số vuông.

Rất nhiều nhân chứng đã từ xa chứng kiến được phép lạ mặt trời, lại là những người vô tín ngưỡng, những người đã từng phê bình và cười chê những khách đến Fatima hôm đó như những kẻ «nhẹ dạ cả tin». Trong số những người quan sát được phép lạ mặt trời từ xa, chứ không có mặt tại Fatima, đã cho ý kiến như sau:

Linh mục Joaquim Lourenco, hiện là nhà giáo luật học của giáo phận Leiria, nhưng vào lúc xảy ra phép lạ, hãy còn là một học trò và cùng người anh và các bạn bè của ngài đang có mặt tại làng Alburitel, cách Fatima vào khoảng 54  km. Tất cả đều tưởng ngày tận thế đã đến.

Cha Lourenco tường thuật lại như sau: «Tôi nghĩ rằng tôi không đủ khả năng để diễn tả lại những gì chính tôi đã chứng kiến xưa kia. Tôi nhìn như dán mắt vào mặt trời để quan sát: 

Mặt trời có màu nhợt, đến nỗi tôi có thể nhìn thẳng vào nó mà không bị đau mắt chút nào cả. Mặt trời vào lúc bấy giờ trông tựa như một quả bóng bằng tuyết, quay chung quanh cái trục của mình, và bổng chốc nó như rơi ra khỏi bầu trời, quay lượn ngoằn ngoèo và tiến sát gần mặt đất với vẻ đầy đe dọa. Vì quá sợ hãi, tôi đã chạy nấp vào phía sau người lớn đang đứng khóc lóc vì tưởng rằng thế giới trong giây lát nữa sẽ bị chấm tận. Bên ngoài ngôi trường làng của chúng tôi, có một đám đông đang tụ họp lại; còn đám học trò chúng tôi thì xô nhau chạy ra khỏi lớp học và đi xuống đường. Khi phép lạ bắt đầu xảy ra thì chúng tôi nghe thấy tiếng kêu la của những người đang đứng đầy ngoài đường phía trước cổng trường, đàn ông cũng như đàn bà…

Lúc bấy giờ có một người vô thần, mà cả buổi sáng hôm đó cứ rêu rao lên tiếng chê bai cười nhạo những người tới Fatima là «những kẻ ngu ngốc», cốt chỉ để xem một đứa bé gái nhà quê. Nhưng trong suốt lúc xảy ra phép lạ thì ông ta đứng đờ ra như một người bị bất toại cả thân mình và chỉ đưa mắt cắm chặt vào mặt trời. Ông ta bắt đầu run rẩy cả mình mẩy lẫn chân tay, rồi quỳ xuống trên bùn lầy và giơ hai tay lên trời cầu xin Chúa tha thứ cho mình.» (2).

 

Một hiện tượng không thể cắt nghĩa được

Qua sự trình bày của tất cả mọi nhân chứng có mặt hôm đó khi xảy ra phép lạ mặt trời quay, người ta có thể nói được rằng phép lạ cả thể đó có bốn đặc điểm khác nhau :

 

  1. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào một vật sáng chói lọi, mà họ cho là mặt trời, chứ họ không cần phải đeo kính râm hay bất cứ phương tiện bảo vệ mắt nào cả.
  1. Vừng sáng chói lọi đó đã tỏa ra những tia sáng mầu sắc rực rỡ xuống trên mặt đất, đến nỗi mọi cảnh vật đều bị nhuộm mầu hết.
  1. Vừng sáng chói lọi rực rỡ đó rơi xuống trên đám đông.

 

  1. Chỉ trong vòng mấy phút mà cả vùng đất Fatima đang bùn lầy dơ bẩn, bổng chốc trở thành khô cứng, và áo quần của đám đông trên dưới 60 ngàn người từng bị cơn mưa cả buổi sáng làm ướt đẫm, cũng hoàn toàn khô ráo bình thường.

Đúng vậy, chỉ trong vòng khoảng 10 phút đồng hồ mà cả mặt đất lầy lội cũng như quần áo ướt át của đám đông bổng chốc khô ráo hoàn toàn. Đó quả là một điều đã minh nhiên nói lên rằng ngoài phép lạ siêu nhiên ra, không thể tìm ra được lời giải thích theo phương diện tự nhiên được.

Nỗi lo lắng của Mẹ Maria cho con cái loài người

Nếu thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã từng ước ao là khi được về trên trời, thánh nữ sẽ trở thành tình yêu đầy sáng tạo để cứu giúp mọi người, thì nay Fatima và nhất là phép lạ mặt trời quay, là một bằng chứng hùng hồn của tình yêu đầy sáng tạo của Mẹ Maria đối với con cái loài người chúng ta, dĩ nhiên, trên hết là bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa.

Bởi vậy, chúng ta hãy nghiêm chỉnh đón nhận dấu chỉ của sự lo lắng của Mẹ Thiên Chúa; đúng như lời chị Lucia đã cảnh báo : «Fatima luôn luôn mang tính cách thời sự cao điểm của nó.»  Bởi vì, đối với Thiên Chúa, thời giờ là vô tận; nhưng đối với phàm nhân chúng ta, thời giờ luôn có giới hạn của nó. Và giới hạn đó không ai biết được dài ngắn, lâu mau. Vì chưa bao giờ có ai biết được mình sẽ được sinh ra lúc nào, và ít ai biết được mình sẽ chết lúc nào. Ngày tận cùng của mỗi người sẽ xảy đến một cách bất chợt, không ngờ trước được, tương tự như một kẻ trộm vậy (x. Mt 24,37-44). Do đó, Đức Giêsu đã căn dặn chúng ta:  «Các con phải canh chừng, phải tỉnh thức, vì các con không biết khi nào thời ấy đến!»  (Mc 13,33).

Nhưng dĩ nhiên, sự tỉnh thức và canh chừng mà Chúa nói đây, không có nghĩa là sự ngồi chờ cách thụ động, vô vi; nhưng là một sự tỉnh thức đầy sáng tạo, nghĩa là một sự tỉnh thức chờ đợi đầy tính năng động mà Mẹ Maria đã chỉ cho chúng ta tại Fatima cách đây đúng 100 năm về trước. Đó là:

  • Mỗi người phải ăn năn sám hối và cải thiện cuộc sống cá nhân của mình;
  • Hằng ngày siêng năng và sốt sắng lần hạt Mân Côi;
  • Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, như Chúa muốn.

Nếu được thế, thế giới sẽ được hòa bình, nhiều dân tộc sẽ tránh khỏi cảnh bị diệt vong và nhiều linh hồn sẽ không bị trầm luân trong hỏa ngục đời đời.

 

 

Linh mục Nguyễn Hữu Thy

Ngọc Lan sưu tầm

 

 

 

https://baomai.blogspot.com/
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %08 %719 %2024 %12:%10
back to top