NGÔN NGỮ CỦA CÁC LOÀI HOA: LỜI ÍT, Ý NHIỀU
NGÔN NGỮ CỦA CÁC LOÀI HOA:
LỜI ÍT, Ý NHIỀU
Những đóa hoa thay lời muốn nói.
Bó hoa ấy là một cơ duyên mà tôi đã bỏ lỡ.
Không phải nói rằng tôi hối tiếc vì đã tặng bó hoa ấy từ đầu. Tôi đã ở cùng một gia đình trong suốt chương trình nghiên cứu giảng dạy ở Ý, và bó hoa này là món quà sinh nhật dành cho mẹ nuôi (host mom) của tôi vào năm ngoái, bởi vì bà rất thích hoa. Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi đã không suy xét đầy đủ về ý nghĩa thực sự của những bông hoa tôi chọn đối với bà.
Tất nhiên, từ lâu tôi đã cho rằng một cơ duyên như vậy khó mà xuất hiện, bởi vì ngôn ngữ của các loài hoa hầu như không còn phổ biến nữa. Ôi, thật hiếm có người nào vừa biết ngôn ngữ của hoa, lại vừa cho rằng người tặng đã chọn những đóa hoa đó theo ý nghĩa của chúng trong ngôn ngữ của các loài hoa.
Những đóa hoa hồng màu hồng tượng trưng cho sự tao nhã, tinh tế, ngọt ngào, và nữ tính. (Ảnh: Ortis/Shutterstock)
Vì thế, tôi vừa kinh ngạc xen lẫn ngưỡng mộ khi con gái của mẹ nuôi thấy những đóa hoa hồng màu hồng xen lẫn những đóa hoa khác rồi hỏi ý nghĩa của chúng là gì.
Ngôn ngữ của các loài hoa (floriography), một cách truyền tải thông điệp thông qua những đóa hoa, đã trở nên phổ biến trong suốt thời kỳ Victoria. Các thế hệ sau này có lẽ bắt đầu cho rằng điều đó khá ủy mị và khoa trương. Nhưng tôi cho rằng thông lệ này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và ý tứ sâu xa đằng sau một cử chỉ đơn giản.
Vận dụng ngôn ngữ của các loài hoa trong văn học dường như cũng cho thấy những tâm tư tương tự. Hình ảnh các loài hoa yêu cầu độc giả nán lại để xem xét những tiểu tiết kỹ lưỡng hơn. Không nghi ngờ gì, việc vận dụng ý nghĩa biểu tượng như vậy sẽ thúc đẩy một làn sóng công kích với những bình luận trong các lớp văn học rằng hoa không thể là hoa thôi sao, rằng các giáo viên Anh ngữ sẽ đọc ra dụng ý của tác giả ở những chỗ mà [tác giả kỳ thực] không có ý đó. Đồng thời, tôi cho rằng thế hệ của chúng ta có thể học hỏi nhiều từ các thế hệ đi trước trong việc sẵn lòng truyền tải ý nghĩa nào đó vào những món quà và hành động nhỏ bé như vậy.
Từ điển ngôn ngữ của các loài hoa
Khi biết rằng tôi đã mong mỏi có được một cuốn sách như vậy trong nhiều năm, một người bạn đã tặng cho tôi cuốn sách “The Complete Language of Flowers: A Definitive and Illustrated History” (Ngôn Ngữ Hoàn Chỉnh của Các Loài Hoa: Lịch Sử Toàn Diện kèm Ảnh Minh Họa) của tác giả S. Theresa Dietz. Đối với tôi, đó là một cuốn từ điển rất toàn diện, trong đó có những hình ảnh minh họa rất đẹp về từng loài hoa. Tôi chủ yếu trích dẫn từ cuốn sách đó trong phân tích của mình, và tôi cũng muốn giới thiệu cuốn sách này cho bất kỳ người nào say mê ngôn ngữ của các loài hoa.
Cuốn sách “The Complete Language of Flowers” (Ngôn Ngữ Hoàn Chỉnh của Các Loài Hoa) của tác giả S. Theresa Dietz. (Ảnh: Wellfleet Press)
Mỗi khi tôi bắt gặp hình ảnh các loài hoa trong văn học cổ điển, thì tôi sẽ sốt sắng đi tra cứu trong từ điển ngôn ngữ hoa của mình giống như những quý cô ở Cranford (trong loạt phim ngắn cùng tên vào năm 2008) khi một người trong số họ nhận được những đóa hoa từ một anh chàng theo đuổi họ. Tất nhiên, có khi ý nghĩa của những đóa hoa không đóng góp gì thêm vào câu chuyện, nhưng những lần nó hàm chứa một tầng ý nghĩa biểu tượng thì lại mang đến cảm giác mãn nguyện khôn tả.
Như bà Dietz lưu ý trong lời giới thiệu của mình, đôi khi rất khó giải mã ý nghĩa của các loài hoa do mỗi loài hoa đều có thể hàm chứa nhiều ý nghĩa. Có khi những ý nghĩa này trái ngược nhau, dẫn đến việc hiểu sai, và “cuối cùng, việc truyền tải thông điệp thông qua những ghi chú bí ẩn trên bó hoa nhỏ không còn được hoan nghênh nữa.”
Loạt phim ngắn [Cranford] được đề cập ở trên đã mang đến một ví dụ hoàn hảo về việc vận dụng ngôn ngữ của các loài hoa, cũng như việc mỗi loài hoa đều có thể có nhiều tầng ý nghĩa. Dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Elizabeth Gaskell, một nhân vật trong đó, cô Jessie Brown, đã nhận được những đóa hoa hải quỳ (anemone) từ một anh chàng theo đuổi cô mà cô đã từng khước từ nhiều năm trước. Cô Jessie lưu ý rằng điều này phù hợp khi xét đến hoa hải quỳ có nghĩa là “tình yêu mãi mãi trước sau như một,” vì vậy, không lâu sau đó, cô nhận được lời cầu hôn thứ hai.
Tuy nhiên, theo rất nhiều từ điển, hoa hải quỳ còn có thể có ý nghĩa là bệnh tật (nghĩa này cũng phù hợp, khi xét đến chị gái của cô Jessie qua đời gần đây) và sự ruồng bỏ hoặc từ bỏ tình yêu. Định nghĩa thứ hai này cũng có thể là một điềm báo trước về việc cô Jessie buộc phải khước từ anh chàng theo đuổi mình một lần nữa để chăm sóc cha.
Trong một tập phim khác, bác sỹ Harrison tặng những đóa hoa tuyết điểm (snowdrop) (có ý nghĩa là hy vọng, sự an ủi, và những khởi đầu mới) cho cô Sophy Hutton, người đang đau buồn sau khi mất thân nhân trong gia đình. Còn trong tiểu thuyết ngắn của bà Gaskell, “Mr. Harrison’s Confessions” (Những Lời Thú Tội của Ngài Harrison) (cũng được đưa vào loạt phim ngắn Cranford), thì anh Harrison lại tặng cô Sophy những đóa hoa trà (camellia) vào Ngày lễ Valentine, vốn tượng trưng cho niềm khao khát và sự yêu mến. Đây là một trường hợp mà tôi thích sự lựa chọn hoa trong phim chuyển thể hơn, vì loài hoa này tương ứng với nỗi buồn và cảm giác tội lỗi của cô Sophy, điều thôi thúc cô từ chối hạnh phúc bên bác sỹ Harrison.
Những phát hiện khác trong văn học
Tác giả Louisa May Alcott dường như cũng vận dụng ngôn ngữ của các loài hoa trong tiểu thuyết “Little Women” (Những Người Phụ Nữ Bé Nhỏ). Bà miêu tả chi tiết các loài hoa mà từng cô gái nhà họ March đã trồng trong khu vườn của mình. Mỗi chị em gái đều lựa chọn các loài hoa tương ứng với tính cách của họ. Ví như, cô Jo có một khu vườn phản ánh bản tính bướng bỉnh của cô với những loài hoa “không bao giờ giống nhau trong hai mùa,” nhưng đặc biệt vào năm nay cô lại trồng hoa hướng dương, tượng trưng cho tính kiêu kỳ, nhưng bà Alcott cũng lưu ý, loài hoa này còn thể hiện khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc [các sinh vật khác] của Jo vì cô dùng hạt hướng dương để nuôi gà.
Nhân vật Beth March (nữ diễn viên Eliza Scanlen thủ vai) trong bộ phim “Little Women” (Những Người Phụ Nữ Bé Nhỏ). (Ảnh: PBS)
Khu vườn của cô Beth cũng khiến độc giả nán lại để suy ngẫm về những đóa hoa đậu ngọt (sweet pea) khiêm nhường trong số những loài hoa của cô, bởi vì tôi không thể không tự hỏi rằng, trong số những định nghĩa khác nhau về loài hoa này, liệu có một chút điềm báo trước về những chương sau hay không, bởi lẽ đôi khi những đóa hoa đậu ngọt có thể báo hiệu một lời tạm biệt.
Trong tiểu thuyết “Anne Tóc Đỏ ở đảo Hoàng Tử Edward” (Anne of the Island), tác giả L.M. Montgomery miêu tả cách anh Gilbert hái hoa dâu tây Địa Trung Hải (arbutus), vốn có ý nghĩa là “em là người duy nhất anh yêu,” ngay trước khi cầu hôn cô Anne. Những đóa hoa mà anh Gilbert lựa chọn là rất phù hợp khi xét đến tâm trạng bối rối của cô Anne ở phần sau trong tiểu thuyết khi cô tin rằng người anh yêu là Christine Stuart.
Nhân vật Anne Shirley (nữ diễn viên Megan Follows thủ vai) trong bộ phim “Anne of Green Gables” (Anne Dưới Chái Nhà Xanh). (Ảnh: Kevin Sullivan)
Sau đó, cô Anne bỏ những đóa hoa violet (tượng trưng cho lòng chung thủy) của anh Roy sang một bên và lựa chọn những đóa linh lan của anh Gilbert (có ý nghĩa là hạnh phúc trở lại) để mang đến lễ tốt nghiệp. Ngoài việc tượng trưng cho hạnh phúc trở lại, linh lan là loài hoa mà Anne đã cài lên tóc tại hôn lễ của người bạn Diana. Vì vậy, việc anh Gilbert tặng loài hoa này có thể là một lời gợi nhớ về kỷ niệm Anne từng cài hoa này [lên tóc] trước đây và là một lời nhắc nhở về quê hương khi Anne đang học đại học xa nhà.
Thi hào William Shakespeare cũng nổi tiếng với việc vận dụng ngôn ngữ của các loài hoa, đặc biệt là trong vở “Hamlet.” Nàng Ophelia, tình yêu của Hamlet, phát điên do những sự kiện bi thương trong vở kịch. Khi trầm mình xuống nước, đầu nàng đội một vòng hoa. Trong cuốn sách “Flora Symbolica; or, the Language and Sentiment of Flowers” (Flora Symbolica; hoặc Ngôn Ngữ và Cảm Xúc của Các Loài Hoa) của tác giả John Ingram, ông lưu ý rằng theo ngôn ngữ của các loài hoa, mỗi đóa hoa trên vòng hoa Ophelia đội đều nhắc đến số phận bi thương của nàng. Trong số những loài hoa trên vòng hoa của nàng có hoa crow-flower, được biết đến với cái tên là “nàng thiếu nữ xinh đẹp của Pháp quốc,” và theo ông Ingram, sự kết hợp giữa hoa crow-flower và những loài hoa khác đã tạo thành một cụm từ liên quan đến “nàng thiếu nữ xinh đẹp [fayre mayde]”.
“Tất cả loài hoa đó đều là hoa dại, biểu thị cho trạng thái hoang mang trong tâm trí của chính nàng Ophelia xinh đẹp; và thứ tự diễn biến như sau … [:] Hoa crow-flower (nàng thiếu nữ xinh đẹp), hoa tầm ma (bị tổn thương sâu sắc), hoa cúc (tuổi thanh xuân), hoa long-purple (dưới bàn tay lạnh giá của tử thần). ‘Một thiếu nữ xinh đẹp bị tổn thương; tuổi thanh xuân của nàng nằm dưới bàn tay lạnh giá của tử thần.’ Thật khó để lựa chọn một vòng hoa nào phù hợp hơn cho nạn nhân của sự tàn nhẫn trong tình yêu này.”
Tôi đã đọc từ một số nguồn, và một nguồn cho rằng tác giả Jane Austen cũng vận dụng ngôn ngữ của các loài hoa, đặc biệt là trong tiểu thuyết “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến). Tuy nhiên, bằng chứng khả thi duy nhất mà tôi có thể tìm thấy là trong lời mô tả về đất đai tại vùng Pemberley có câu “những cây sồi xinh đẹp và những cây hạt dẻ Tây Ban Nha mọc rải rác trên khắp bãi cỏ trung gian.”
Ngài Darcy (nam diễn viên Colin Firth thủ vai) và nàng Elizabeth Bennet (nữ diễn viên Jennifer Ehle thủ vai) trong bộ phim “Pride and Prejudice” (Kiêu Hãnh và Định Kiến). (Ảnh: BBC)
Cây sồi thường tượng trưng cho sức mạnh, sự giàu có, khí chất cao quý, và tấm lòng hiếu khách; người ta nói rằng cây hạt dẻ có ý nghĩa là “hãy đối xử công bằng với tôi.” Dù cho ý định của bà Austen khi mô tả những loài cây cụ thể tại Pemberley là gì, thì ý nghĩa của cả hai loài cây này đều rất tương ứng với tính cách của Ngài Darcy trong tiểu thuyết.
Ý nghĩa lớn lao trong cử chỉ nhỏ bé
Người ta dễ dàng nhận thấy quả là không thiết thực khi phải mang theo một cuốn từ điển về ngôn ngữ của các loài hoa để giải thích bất kỳ loài hoa nào mà họ tình cờ nhận được, hoặc, để biết những loài hoa nào sẽ là món quà phù hợp nhất dành cho người khác. Tuy vậy, vẫn có một nét đẹp nào đó trong suy nghĩ rằng có ai đó sẽ đặt rất nhiều tâm tư đến vậy không chỉ vào việc tặng hoa mà còn cho việc tiếp nhận những tâm ý nhỏ bé này.
Cũng như vậy, khi một tác giả dành nhiều tâm tư đến vậy để đề cập đến những loài hoa cụ thể trong một câu chuyện hoặc một áng thơ thì đó là ý tứ rất đẹp; điều đó thôi thúc độc giả thể hiện sự quan tâm và tình yêu tương tự khi đọc. Để đọc tốt, độc giả sẽ tiếp thu ngôn từ và cố gắng lý giải ý định của tác giả ở đằng sau sự lựa chọn [các loài hoa] của họ.
Những đóa hoa truyền tải thông điệp mà không cần ngôn từ. (Ảnh: A Kearton/Getty Images)
Khi cố gắng biểu đạt một phần lý do tại sao tôi nhận thấy ý tưởng về ngôn ngữ của các loài hoa là điều thật tuyệt vời, tôi nhớ đến những lời mà người ta cho là của Thánh Thérèse of Lisieux (còn được gọi là “Đóa hoa nhỏ”): “Nên nhớ rằng không có việc nào nhỏ trước mắt Đức Chúa Trời. Hãy làm tất cả mọi việc bằng tình yêu thương.”
Tương tự như vậy, ngôn ngữ của các loài hoa gửi gắm ý tứ lớn lao và sự quan tâm vào những hành động nhỏ bé. Chỉ cần chúng ta chú tâm, thì cử chỉ nhỏ bé nhất cũng có thể mang theo ý nghĩa to lớn.
Marlena Figge / Thu Quý biên dịch
Theo: epochtimesviet
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %13 %860 %2024 %15:%10