KHOẢNH KHẮC ĐẸP CỦA MỤC TỬ VI GÓC NHỎ SÂN TRƯỜNG

KHOẢNH KHẮC ĐẸP CỦA MỤC TỬ VI GÓC NHỎ SÂN TRƯỜNG

KHOẢNH KHẮC ĐẸP CỦA MỤC TỬ VI

GÓC NHỎ SÂN TRƯỜNG

Mảnh vườn GNST cũng giống như ngôi đền ở các làng xưa ở Việt Nam, nhang đèn lúc nào cũng nghi ngút nhờ ông hoặc bà từ giữ đền. Ở đây, bà từ là chị Kim Phượng, dường như sinh hoạt thường ngày của chị ngoài việc ăn, ngủ là chăm sóc cho GNST. Cách đây gần 3 năm, khi chị Kim Quy giã từ vũ khí thì ban điều hành GNST lo sốt vó đi tìm người để chị KP có người sai vặt và thúc dục viết bài, sưu tầm hình ảnh hoặc làm bất cứ việc gì để cho mảnh vườn lúc nào cũng xum xuê. Tìm được người có khả năng như các chị Kim Quy, chị Hồng Vân ... để thay thế thì chẳng khác gì "ngậm ngãi tìm trầm" vì ngoài khả năng viêt lách, chị Kim Quy, chị Hồng Vân ... còn có cả một kho tàng kiến thức trong đầu. Cực chẳng đã, BĐH đành phải dùng đến plan B, có nghĩa là giống như "ngắm cảnh chợ chiều chán mớ đời", đi chợ chiều thì kẹt lắm người ta mới đi vì nếu có đi cũng chỉ là vơ bèo, vạt tép. Thế là hai tân binh Phương Tuyền và dược sư tiên sinh Viết Hiển trong nhóm GNST ở Houston được trưng dụng, được phong cho chức phụ tá giữ đền sau một khóa huấn luyện cấp tốc trong vòng một tiếng về cách sử dụng computer. Hai tân binh này bị đôn quân một cách nhanh chóng mà không cần kinh nghiệm vì như đã nói, vườn hoa cần người tưới nước và hy vọng là thế hệ trẻ hơn may ra sẽ tạo được một làn gió mới vào vườn.

Được thăng chức thật nhanh với lời hứa hẹn là sẽ không bao giờ bị "lay óp" nên hai tân binh này đã cố gắng hêt sức mình để khỏi phụ lòng xếp lớn Nguyễn Ngọc Quang.  Tưởng cũng nên nhắc lại sơ qua về "cơ cấu tổ chức" của nhóm GNST là: chóp bu, trên chín tầng mây là đại gia Nguyễn Ngọc Quang với nhiệm vụ là chi tiền bảo đảm cho diễn đàn chạy ngon lành 24 trên 24 và giữ lửa cho các sinh hoạt. Sau đó là đến ban điều hành gồm có chị Tê Hát, ông bà từ Trần Đào Khôi và Trần Kim Phượng. Dưới trướng ông bà từ là tiểu tăng dược sư tiên sinh Nguyễn Viết Hiển và tiểu ni là bác sĩ mắt Phương Tuyền làm tà lọt, lo việc điếu đóm và chạy cờ. Ban biên tập là toàn thể quý thầy cô, các anh chị hội viên cùa nhóm. Ai ai cũng đều làm việc hăng say vì không bao giờ bị xếp lớn Quang khiển trách và sa thải.

   

 

Tử khi có hai tân binh cộng thêm sự đốc thúc của xếp lớn, mỗi khi thấy số thiện nam tín nữ vào viếng đền sụt giảm, vườn hoa GNST bắt đầu có thêm những bụi hoa mới như những bài viết vê mắt của bác sĩ PT, những buổi nói chuyện vê thuốc của dược sư tiên sinh, thơ văn của  thi sĩ Yên Sơn, bác sĩ Vũ Thu Giang. Đặc biệt hơn hết là mục tử vi hàng tuần của dược sư tiên sinh. Đối với ban điều hành, mục tử vi này giống như được jackpot vì con số người vào xem phải nói là vượt kỷ lục so với những mục khác. Nhưng cũng giống như ông đồ già của Vũ Đình Liên, "Giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu...", số người thăm viếng mục tử vi có suy giảm đôi chút với thời gian. Thế là ban trị sự đền phải xoay sở, đi vay mượn tiền bạc, ký sổ nợ để mua trang phục cho gánh hát thầy bói và nhờ nhiếp ảnh gia Trần Đào Khôi chụp để minh họa thêm cho những lá số tử vi hàng tuần. Mục tử vi hàng tuần tưởng đã phải bị "bức tử" nhưng nhờ những tấm hình văn nghệ giúp vui, đang thoi thóp thì lại bừng dậy giống như công chúa ngủ trong rừng chợt tỉnh giấc nam kha sau khi được hoàng tử đặt một nụ hôn nồng nàn lên môi.

 

Phải công nhận diễn viên gánh thầy bói tuy toàn là nghiệp dư nhưng ai cũng diễn xuất ra trò, hay chằng kém mấy gánh hát đi lưu diễn thuở xưa. Để có được những tấm hình đẹp như thế này phải nhờ đến tay nghề thật cao của anh Trần Đào Khôi và sự hy sinh của nhóm kịch mì ăn liền. Với phim trường là ngôi chùa Việt Nam ở Houston, thật uy nghi và cổ kính, nhóm đã tận dụng bối cảnh thật thích hợp cho vở tuồng thầy bói. Hình ảnh thật sinh động và màu sắc bắt mắt là nhờ các diễn viên chịu khó bỏ hầu bao mua sắm áo quần đủ loại, từ tứ thân cho đến áo dài, áo bà ba quần lãnh đen, nón quai thao ... để nhìn cho đỡ nhàm. Hình đẹp chủ yếu nhờ ánh sáng, thế là có khi nhóm phải dậy sớm từ 5 giờ sáng lo "ma ki dê" và ăn vận chỉnh tề để kịp đến chùa khi "hoa cỏ còn mờ hơi sương" trước khi tiếng mõ đầu ngày của sư cụ trụ trì chùa bắt đầu leng keng để có được ánh sáng thật đẹp của buổi sớm mai.

Thời giờ thấm thoát thoi đưa, mới đó mà mục tử vi đã gần được hai năm. Những tấm hình chụp hoạt cảnh thầy bói đã được nhiều người hâm mộ vì ngoài khía cạnh nghệ thuật, nó còn có giá trị về mặt văn hóa cổ truyền Việt Nam. Thật vậy, mỗi lần ở Houston có những sự kiện về quảng bá văn hóa Việt Nam là mỗi lần ban tổ chức lại mượn những tấm ảnh với cảnh đi chùa của những nam thanh nữ tú đang chăm chú nghe lời thầy bói ... tán phét hoặc nhờ thầy xin xâm, viết câu đối. Một hình thức giữ gìn, bảo tồn và giới thiệu nền văn hóa xưa cho người bản xứ cũng như giới trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ người.

 

Làm công việc tưởng chỉ là vui chơi, giải trí nhưng khi có dịp nhìn lại những tấm hình, chúng tôi, ban chấp hành cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc vể những thành quả bất ngờ mà khi thực hiện không bao giờ nghĩ đến. Giống như người ta thường nói, "nhiếp ảnh là một nghệ thuật tìm những cái đẹp qua những sự việc thật bình thường". Hơn nữa,khi giới thiệu những  tâm hình này đến vườn hoa GNST, được sự ủng hộ nồng nhiệt của quý thầy cô, các anh chị, chúng tôi có cảm tưởng như chính mình cũng đã được phần thưởng tinh thần thật vô giá giống như Gahndi đã từng nói : "Mùi thơm của hoa hồng luôn luôn phảng phất trong bàn tay của người đã tặng nó cho người khác.