Chia buồn

Chia buồn (24)

Thành Kính Phân Ưu - Cụ Bà Vũ Thị Dung

Nhận được tin buồn, Cụ Bà Vũ Thị Dung Pháp danh Diệu Hạnh

Vừa từ trần ngày 07 tháng 2 năm 2025, nhầm ngày mùng 10 tháng1 năm Ất Tỵ tại Sugar land, Texas hưởng thọ 87 tuổi.
BCH-GNST thành tâm chia buồn cùng anh Lập-Hương gia quyến. Nguyện cầu hương linh Cụ bà sớm vãng sinh miền cực lạc.

 

Xem thêm...

IN MEMORY OF MR. QUY HUY LA

IN MEMORY OF QUY HUY LA

Obituary main image

May 13, 1934 – January 6, 2025

 OBITUARY 

  REMEMBERING  

Quy Huy La

May 13, 1934 – January 6, 2025
Obituary of Quy Huy La
 
IN THE CARE OF

Chapel of Eternal Peace at Forest Park

 A Life of Courage, Dedication, and Service 

Mr. Lã Huy Quý was born on May 13, 1934, in Bất Nạo Village, Thanh Miện District, Hải Dương Province, Việt Nam, to Mr. Lã Huy Phong and Mrs. Nguyễn Thị Ý. As the second eldest of five children, he faced responsibility early in life, particularly after his father's passing when he was just 18 years old. His mother, Mrs. Nguyễn Thị Ý, lived to the remarkable age of 100, passing away in San Jose, California.

In 1954, during a turbulent time in Vietnamese history marked by the Geneva Accords, Mr. Lã enrolled in Pedagogy College in Hanoi. When his mother and three sisters immigrated to the South, he chose to remain in the North with his brother to complete his studies. This decision exposed him to the brutalities of the communist regime, including the infamous “Cải Cách Ruộng Đất” and “Đấu tố” period, during which he witnessed firsthand the violence and oppression inflicted upon innocent civilians. With unwavering determination, he planned and executed a daring escape from North Vietnam, crossing the Bến Hải River under life-threatening conditions to reach the Republic of Vietnam in the South.

Reunited with his mother and sisters in the South, Mr. Lã became an outspoken critic of communist atrocities, delivering impactful speeches to educate others. After graduating from Pedagogy College, he began his career as an educator, teaching Vietnamese literature at Phan Sào Nam, Nguyễn Bá Tòng and Hưng Đạo High Schools. Throughout his life, Mr. Lã’s passion for education and cultural preservation remained steadfast, leaving a profound impact on countless students.

A Distinguished Military Career

In 1963, Mr. Lã joined the Military School Thủ Đức as part of Class 17. Midway through his training, he transitioned to the School of Administration to specialize in finance. He graduated from the School of Financial Administration’s Class 10 as a Warrant Officer and was subsequently assigned to Financial Administration Unit 6 as an Auditor. Later, he served at the Finance and Auditing Headquarters of the Defense Department for the Republic of Vietnam.

In 1966, he was promoted to Lieutenant and appointed Chief of Staff at the Telecommunication Bureau, where he continued to serve with honor until his discharge.

A Devoted Family Man

In 1967, Mr. Lã married Ms. Mai Thị Nam in Saigon, and together they built a loving family blessed with three children: Lã Huy Bảo-Quốc, Lã Huy Bảo-Ân, and Lã Mai Nam-Phương (Nicole).

In 1973, Mr. Lã became the Executive Director of Phượng Hoàng Insurance Company in Saigon, a role he held until the fall of the Republic of Vietnam in April 1975.

A New Chapter in the United States

On April 29, 1975, Mr. Lã and his family fled Vietnam aboard the naval ship HQ2, arriving at Subic Bay, Philippines, before settling in Tampa, Florida. In August 1975, he worked at the Florida Mental Health Institute and later as a teacher's aide at Webb Junior High School. Driven by his love of learning, he pursued a degree in Vocational Electronic Technology, completing it in 1978.

In October 1978, the family relocated to Houston, Texas, where Mr. Lã worked as an electronic technician for Texas Instruments until his retirement in 1996. Even in retirement, his commitment to education, cultural preservation, and community leadership never wavered.

A Leader of the Vietnamese American Community

Mr. Lã was a visionary leader in the Vietnamese American community in Houston. He co-founded the Lạc Việt Arts and Social Group in 1980 and served as its second president. The group provided critical social services while preserving Vietnamese culture through art and cultural programs. Mr. Lã also spearheaded media initiatives, serving as the Head of the Editorial Board for the Voice of Vietnam Radio (KPFT) and Chief Editor of the Vietnam Television Program (THVN) in Houston.

During the 1980s and 1990s, Mr. Lã was an active leader in the Free Vietnam Front (MTVNTD), advocating tirelessly for democracy and human rights in Vietnam. Known for his unwavering tenacity and profound compassion, he was a fierce advocate for justice and a source of inspiration for those around him.

A Legacy of Love and Resilience

On January 6, 2025, Mr. Lã Huy Quý peacefully concluded his earthly journey. He is survived by his devoted wife of 57 years, Ms. Mai Thị Nam, and their three children, La Huy Bao-Quoc, La Huy Bao-An, La Mai Nam-Phuong (Nicole), daughter-in-law Kit La and grandchildren Sydney La, Casey La, Ellie La, Hannah Ngo, Matthew Ngo, and Alyssa Ngo.

Mr. Lã Huy Quý will be forever remembered as a courageous freedom fighter, a dedicated educator, a visionary leader, and a compassionate family man. His life was a testament to the values of resilience, service, and love. His legacy will live on in the hearts of his family, friends, and all those whose lives he touched.

"To his family, friends, and community, Mr. Lã Huy Quý was not just a man of exceptional character and courage—he was a light of hope and an enduring symbol of the Vietnamese spirit of perseverance and love."

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 Một Cuộc Đời Can Đảm, Tận Tâm và Phụng Sự 

Ông Lã Huy Quý sinh ngày 13 tháng 5 năm 1934 tại làng Bất Nạo, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, Việt Nam, con trai của ông Lã Huy Phong và bà Nguyễn Thị Ý. Là con trai trưởng trong gia đình năm người con, ông gánh vác trách nhiệm từ khi còn trẻ, đặc biệt sau khi cha qua đời lúc ông mới 18 tuổi. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Ý, sống đến 100 tuổi và qua đời tại San Jose, California.

Năm 1954, trong thời điểm đầy biến động của lịch sử Việt Nam khi Hiệp định Genève được ký kết, ông theo học Trường Đại Học Sư Phạm tại Hà Nội. Khi mẹ và ba chị em gái di cư vào Nam, ông quyết định ở lại miền Bắc cùng một người em trai để hoàn thành việc học. Quyết định này khiến ông phải chứng kiến sự tàn bạo của chế độ cộng sản, đặc biệt trong giai đoạn “Cải Cách Ruộng Đất” và “Đấu Tố.” Với ý chí kiên cường, ông lên kế hoạch và thực hiện cuộc đào thoát đầy nguy hiểm bằng cách bơi qua sông Bến Hải, vượt vĩ tuyến 17 để đến miền Nam Việt Nam.

Đoàn tụ cùng mẹ và các chị em gái ở miền Nam, ông đi diễn thuyết khắp nơi để chia sẻ những tội ác của chế độ cộng sản, chia sẻ những câu chuyện nhằm thức tỉnh cộng đồng. Ông cũng ghi danh đi học lại tại Đại Học Sư Phạm ở miền nam. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Sư Phạm, ông bắt đầu sự nghiệp giáo dục, giảng dạy văn học Việt Nam tại các trường trung học Phan Sào Nam, Nguyễn Bá Tòng và Hưng Đạo. Suốt cuộc đời, ông luôn đam mê giáo dục và bảo tồn văn hóa, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ học sinh.

Thời kỳ trong quân đội VNCH

Năm 1963, sau ngày đảo chánh ông Ngô Đình Diệm, ông động viên vào Trường Sỹ Quan Thủ Đức, Khóa 17. Sau giai đoạn I, ông về Trường Hành Chánh Tài Chánh để học giai đoạn II chuyên ngành Hành Chánh Tài Chánh. Ông tốt nghiệp Khóa 10 Hành Chánh Tài Chánh với cấp bậc Chuẩn úy và được bổ nhiệm vào Sở Hành Chánh Tài Chánh số 6 với tư cách là Sỹ quan kiểm tra tài chánh Binh Đoàn. Sau đó, ông được chuyển về phục vụ tại Tổng Nha Tài Chánh và Thanh Tra Quân Phí của Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1966, ông được thăng cấp Thiếu úy và được biệt phái về Cục Vô Tuyến Truyền Thanh với chức vụ Chánh Văn Phòng và vẫn tiếp tục phục vụ tại Cục Vô Tuyến Truyền Thanh sau khi đã giải ngũ năm 1968.

Người đàn ông của gia đình

Năm 1967, ông kết hôn với bà Mai Thị Nam tại Sài Gòn, cùng xây dựng một gia đình đầm ấm với ba người con: Lã Huy Bảo Quốc, Lã Huy Bảo Ân và Lã Mai Nam Phương.

Năm 1973, ông làm Giám đốc Điều hành Công ty Bảo hiểm Phượng Hoàng tại Sài Gòn cho đến ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975.

Cuộc đời mới trên đất Mỹ

Ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông cùng gia đình rời Việt Nam trên tàu HQ2, đến Subic Bay, Philippines. Rời trại tị nạn vào ngày 17 tháng 7 năm 1975, gia đình định cư tại Tampa, Florida. Đầu tháng 8 năm 1975, ông làm việc tại Viện Sức khỏe Tâm thần Florida và sau đó làm thầy giáo trợ giảng tại Trường Webb Junior High School. Không ngừng học hỏi, ông lấy bằng Công nghệ Điện tử vào năm 1978.

Tháng 10 năm 1978, gia đình ông chuyển đến Houston, Texas, nơi ông làm kỹ thuật viên điện tử tại công ty Texas Instruments cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1996. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng cống hiến cho các dự án giáo dục, bảo tồn văn hóa và sinh hoạt cộng đồng.

Hoạt động Cộng Đồng Người Việt Tại Mỹ

Ông Lã Huy Quý là một nhà lãnh đạo có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Houston. Ông là thành viên của Nhóm sáng lập và điều hành Đoàn Văn Nghệ và Công Tác Xã Hội Lạc Việt vào năm 1980. Sinh hoạt với quy chế vô vị lợi, Đoàn Văn Nghệ Lạc Việt tham gia việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, các buổi Văn Nghệ Đấu Tranh trong cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Houston và vùng phụ cận. Ông là Đoàn Trưởng sau cùng của Đoàn cho đến khi Đoàn ngưng sinh hoạt.

Ông cũng là Trưởng ban Biên tập Chương Trình Tiếng Nói Việt Nam phát thanh hằng tuần trên đài KPFT, được hỗ trợ bởi Đoàn Lạc Việt về văn nghệ, tin tức định cư, tin cộng đồng và kỹ thuật.

Ông cũng là Trưởng Ban Biên tập Chương trình Truyền hình Việt Nam (THVN) tại Houston, phát hình một tiếng mỗi tuần trên các băng tần 48 rồi 22 từ năm 1987 đến 1995. Đài THVN cũng được Đoàn Lạc Việt hỗ trợ về nội dung và kỹ thuật.

Trong các thập niên 80 và 90, ông là một nhà lãnh đạo tích cực của Mặt trận Việt Nam Tự Do, đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Di Sản Của Tình Yêu và Nghị Lực

Ngày 6 tháng 1 năm 2025, ông Lã Huy Quý đã ra đi trong sự thanh thản. Ông để lại người vợ yêu quý, bà Mai Thị Nam với 57 năm hạnh phúc, các con Lã Huy Bảo Quốc, vợ Kit La, cháu nội Sydney La, Casey La, Ellie La, Lã Huy Bảo Ân, Lã Mai Nam Phương, cháu ngoại Hannah Ngô, Matthew Ngô và Alyssa Ngô.

Ông Lã Huy Quý sẽ mãi được nhớ đến như một chiến sĩ kiên cường, một nhà giáo tận tâm, một nhà lãnh đạo kiên trì và người đàn ông gương mẫu của gia đình. Cuộc đời ông là một minh chứng cho tinh thần bền bỉ, phụng sự và tình yêu thương.

"Đối với gia đình, bạn bè và cộng đồng, ông Lã Huy Quý không chỉ là một con người với phẩm chất phi thường—ông là ngọn đuốc của hy vọng và biểu tượng bất diệt của tinh thần Việt Nam kiên cường và nhân ái.”

 

  PHÂN ƯU:  

Nhận được tin buồn:

Ông  Lã Huy Quý sinh ngày 13 tháng 5 năm 1934 tại làng Bất Nạo, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, Việt Nam.

Đã từ trần – January 6, 2025 tại Houston, Texas. Hưởng thọ 91 tuổi.

BBT- GNST và tất cả thành viên xin thành thật chia buồn cùng chị Nam Mai và tang quyến.

Nguyện cầu hương linh Ông Lã Huy Quý sớm tiêu diêu miền cực lạc.

 

  BCH-GNST ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU  

 

Xem thêm...

Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong - Nguyễn Thị Thêm


America celebrates Memorial Day with parades | Daily Mail Online

 Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong - Nguyễn Thị Thêm 

 
 

Ngày mai là ngày lễ Memorial Day của Mỹ.  Xóm tôi lác đác vài nhà đã treo cờ Hoa Kỳ. Xóm cũng tấp nập hơn với những chiếc xe đậu nép bên đường vì nhiều nhà đang có party.

Tôi giật mình khi nghe tiếng ồn ào và tiếng xe cấp cứu trước nhà. Mở cửa ra một chiếc xe ambulance và hai chiếc xe chữa lửa đã đang quẹo cua để đậu vào nhà hàng xóm chếch bên phía trái nhà tôi.

Nhìn sang nhà bên cạnh, hai vợ chồng người Mỹ cũng đang đứng trước cửa ngó qua. Thấy tôi họ cùng chào lịch sự. Tôi hỏi thăm chuyện gì xảy ra, người vợ nói nhà bên đó có người cấp cứu. Ông ấy là một cựu quân nhân đã lớn tuổi. 

Tôi biết ông ta. Ngày trước, mỗi sáng đi bộ thường thấy ông tưới cỏ trước sân. Dáng cao to, người trông còn khỏe mạnh. Nhà ông có hai cây hoa sứ màu sắc rất đẹp, tán cây nghiêng nghiêng phủ đầy hoa mỗi mùa. Cỏ nhà ông thường được cắt xén và bỏ phân định kỳ nên xanh tươi mạnh mẽ. Chả bù cỏ trước nhà tôi èo uột lại lốm đốm cỏ dại mọc chen vào. Tôi vốn ngại tiếp xúc với người lạ mặt nên mỗi khi gặp ông tôi cũng chỉ nói " Good Morning" rồi bước tiếp.

 

Người hàng xóm của tôi đi qua phía nhà ông ta và trở lại nói với tôi là ông đã chết. Bà làm dấu thánh giá và bước vào nhà. Tôi vẫn còn đứng nhìn sang những nhân viên đang làm nhiệm vụ bên mấy chiếc xe. Lòng chợt chùng xuống buồn buồn:

- Thêm một cựu quân nhân Hoa Kỳ nằm xuống trước ngày lễ Memorial Day. Vĩnh biệt ông hàng xóm tôi chưa từng biết tên.

Tôi bất chợt nhớ tới bức hình tôi mới tìm được trong đống hình cũ còn giữ được. Tấm hình em tôi đứng bên cạnh quan tài của bạn mình. Tấm hình phía sau có hàng chữ

 21/10/71

Kỷ niệm ngày A tử trận.

 

Bức hình đã 53 năm, ngày người bạn của em tôi trở thành tử sĩ.

Người học trò khoác áo lính.

Tay còn thơm mùi mực

Tóc còn xanh như mơ ước trong đời.

Tình yêu đầu đời chưa dám hở môi

Đã nằm xuống trở thành tử sĩ.

Bức hình có em tôi đứng cạnh quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Gia đình, thân nhân đang khóc và người lính hải quân trẻ tuổi đã ngậm ngùi tiễn bạn ra đi. Ngày đó em tôi vừa tròn 20 tuổi, A cũng vậy. Mấy đứa ngày bãi trường năm đó còn lên sân khấu hát bài "CHÚNG MÌNH BA ĐỨA" Ba chàng ngự lâm pháo thủ áo trắng quần xanh ôm đàn hát giữa sân trường thật đẹp, thật lãng tử. Vậy mà 20 tuổi A đã bỏ anh em, đồng đội, gia đình, người yêu sau một lần đụng trận. Người ta khoác lên quan tài em lá cờ tổ quốc. Một lần truy điệu, hồi kèn tiễn biệt đưa em vào thiên thu.

 

Em tôi, A, Thanh, Trí, Rốt... và nhiều đứa em cùng trang lứa phải rời ghế nhà trường gác bút nghiên vào quân đội làm tròn nhiệm vụ khi lệnh tổng động viên ban hành. Cuộc chiến ý thức hệ  đã đẩy thế hệ chúng tôi chạm đến cái mốc chết chóc oan nghiệt của chiến tranh.

 

Người lính Mỹ còn tội nghiệp hơn, đang sống yên bình, sung sướng trong hạnh phúc gia đình ở một nước văn minh đứng đầu thế giới . Họ có cha mẹ, người yêu, con cái đành phải bỏ tất cả lên đường thi hành nhiệm vụ. Họ từ ánh sáng đèn hoa rực rỡ, đầy đủ tiện nghi bay đến một đất nước xa lạ để chấp nhận rủi may mà thần chết luôn chờn vờn trước mặt.

Khí hậu VN vô cùng khắc nghiệt đối với họ. Rừng núi VN, người dân VN nguy hiểm với họ. Họ đến VN vì họ là lính Mỹ là người bạn đồng minh. Người lính phải thề trước lá quốc kỳ nước mình phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc. Họ chấp hành lệnh phải đến VN chiến đấu để bảo vệ hai chữ tự do cho thế giới trong đó có VN. 

Những người lính Mỹ trẻ tuổi cũng giống như em tôi mới rời xa vòng tay của cha mẹ, nhà trường. Đầu óc còn ngây thơ chưa bao giờ biết đến chiến tranh du kích của địch nguy hiểm thế nào. Việt Cộng nằm vùng ẩn nấp trong dân ra sao. Mạng lưới tuyên truyền của địch đã khiến họ từ người bạn tốt thành kẻ thù không đội trời chung.

 

Người lính Mỹ chết tức tưởi vì hai chữ Tự Do cho một dân tộc xa lạ. Họ vùi thây banh xác ở một nơi xa nửa vòng trái đất mà lại mang hai tiếng xâm lược oan ức.

 

Xác người lính Mỹ

Trên quê hương tôi

Bỏ thây xứ người

Hồn oan ngơ ngác.

 

Họ là bạn đồng minh

Hay kẻ thù xâm lược

Chính họ cũng không biết

Cho đến lúc lìa đời.

 

Nước mắt mẹ tuôn rơi

Khi phi cơ đáp xuống.

Áo quan phủ cờ Mỹ

Con của tôi đây rồi.

 

Con tôi bây giờ cũng là lính Mỹ, cũng được lệnh trú quân ở những nước bạn đồng minh. Con tôi cũng chấp hành quân lệnh để làm việc. Tất cả đều do sự phân công và điều hành theo chỉ thị cấp trên. 

Nước Mỹ giàu có, các chính khách dùng đủ thứ chiêu trò đấm đá trên chính trường. Họ yêu nước hay yêu tham vọng chính trị của mình . Họ vì người dân hay vì quyền lợi cá nhân. Họ bảo vệ những cái tốt đẹp của đất nước văn minh hay bất chấp tất cả để bảo vệ đảng phái. Người dân Mỹ làm việc cật lực hơn cả dân châu Âu lẫn Á châu. Họ vắt sức lao động tay chân lẫn trí óc để đất nước hùng mạnh. Tiền thuế của người dân có được sử dụng đúng đắn cho quyền lợi người dân, cho thế giới tự do hay xảo thuật chính trị nào đó. Không ai có thể trả lời. Ngay cả bây giờ trong mùa bầu cử mà người dân Mỹ cũng đang hoang man trong sự chọn lựa của mình. Hai ông già... tôi xòe hai bàn tay ra, bàn tay nào cũng nhăn nheo nhăn nhúm.

Ngày Memorial Day tôi không đến được Washington DC để cúi đầu trước bức tường đá đen tưởng niệm, nhưng trong trái tim tôi sự tri ân, tiếc thương vô vàn. Tôi xin tạ lỗi đến những người lính Mỹ đã bỏ thây trên đất nước tôi vì hai chữ tự do. Họ là tử sĩ, họ là lính nên quân lệnh phải chấp hành. Họ là người ơn, họ không hề làm gì sai. Họ không hề có lỗi. Nếu nước Mỹ có lỗi đã để mất VNCH thì lỗi do nhà cầm quyền Mỹ, sự gian trá xảo quyệt của các chính khách sừng sỏ. Bước sai của bàn cờ  chính trị, mưu lược kém cỏi, phán đoán sai lệch hay mạng trời xui khiến, thiên cơ đã định.

PHOTOS: How the DC area marked Memorial Day - WTOP News

Tôi cũng đã từng chứng kiến, đối diện trước cái chết thương đau của người lính VNCH trong thời kỳ chiến tranh. Tôi đã từng đến tổng y viện Cộng Hòa để thăm bạn tôi bị thương nằm ở đó. Đã từng ở suốt đêm với những chiếc hòm hàng hàng lớp lớp để chờ sáng mai hộ tống lên phi cơ đưa thi thể người tử sĩ trở về nguyên quán. Tôi đã ngồi lên chiếc máy bay trực thăng cùng ba chiếc hòm bọc kín bằng kẽm. Máy bay lên cao áp suất không khí thay đổi ba chiếc hòm phồng to đáng sợ.

 

Tôi đã đứng đó như tượng đá trong một trại tạm cư, nước mắt lăn dài nhìn thảm trạng một gia đình mất đi người thân. Anh là người sĩ quan còn trẻ mới ra trường, người yêu đã dạm ngõ chờ ngày cưới. Bây giờ cô dâu chưa cưới ra đón chú rể nằm trong chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ VNCH. Trong di ảnh chú rể cười tươi thật đẹp trai. Ôm tấm ảnh cô gái Huế quỵ người khóc ngất. Tình yêu chân chính đến rất tự nhiên của loài người và cái chết cũng đến rất tự nhiên trong thời buổi chiến tranh khốc liệt

Người lính trở về nhà

Không mặc áo choàng hoa

Không gắn lon le lói

Hòm kẽm buồn đưa ma.

Má khóc ngất trước xe

Chị ôm lấy di ảnh

Quan tài phủ quốc kỳ

Mẹ ơi! Con đã chết.

Người con gái bất tỉnh

Người yêu đã không còn

Lời hứa anh đánh mất

Còn đâu hẹn sắt son.

Đất nước tôi vậy đó

Người chết cả Bắc Nam.

Chiến tranh giờ chấm dứt

Mà thương đau chưa tan.

Ngày mai ngày tưởng niệm

Lễ Chiến Sĩ Trận Vong

Tôi vẫn ngồi trên máy

Bài viết mãi không xong.

Bạn tôi, chồng tôi, anh tôi, em tôi và bây giờ con trai tôi cũng là những người lính. Bạn tôi rất nhiều người đã nằm xuống, còn lại đều đã già. Con đường trước mặt là cái dốc cao của vòng tròn sinh tử. Đứng ở cuối đường chúng tôi nhìn lại ngậm ngùi cho đất nước, cho chính mình. Tuổi trẻ chúng tôi không có gì là lãng mạn, chỉ toàn là đạn bom và chết chóc. 

Sau cuộc chiến một số trong bọn tôi đã nằm xuống để máu xương trộn lẫn đất quê hương. Bao nhiêu năm " Vì nước quên mình" tuổi trẻ  chúng tôi trở thành tội đồ dân tộc theo cái nhìn của phe thắng cuộc. Thế là thầy trò, bạn hữu bị lùa lên rừng lên núi làm kẻ tù đày. Tướng, tá, sĩ quan lon lá không còn, oai phong đã mất, hùng khí tiêu tan. Chỉ trơ bộ đồ tù che tấm thân tàn lòi xương sườn xương sống. Cái đói gặm nhấm thân thể từng giờ. Cái đầu bị nhồi nhét những câu sỉ nhục nặng nề nhất.

Người tù không bản án một số đã chết. Cái hòm đóng đơn sơ bị vùi nông ở ven rừng hay bên bờ suối, ven đồi. Một số tù được trở về với thân tàn ma dại. Thân thể suy nhược, đầu óc đầy những hình ảnh đọa đày nên tâm lý họ mất cân bằng.

Bây giờ một số lớn đã ra đi, số còn lại già yếu lắm rồi. Đi 6 chân, nhìn 4 mắt, tay run, răng rụng, đầu hói. Người lính già quên trước quên sau theo luật đào thải của đất trời. Thế hệ đầu tiên đến Mỹ lần lượt lùi vào cánh gà để những bước chân thế hệ thứ hai, thứ ba bước ra sân khấu cuộc đời. Lẽ dĩ nhiên tuồng tích cũng đổi mới, trang phục cũng phải theo thời và tiếng hát, lời ca không còn là nguyên thủy.

Chiến tranh VN đã chấm dứt 49 năm, bức tường đá đen vẫn hiện hữu dài lâu trong lịch sử Hoa Kỳ. Chúng ta là người VN hãy dành một phút tưởng niệm những người lính Mỹ đã bỏ thây nơi chiến trường VN. Người bắn họ, giết họ dù muốn dù không cũng là anh em với ta tuy rằng ta với họ không cùng chung giới tuyến.

 

Với những anh hùng chiến sĩ VNCH đã nằm xuống, tôi xin tri ân và đa tạ. Các anh dù vô danh hay tên tuổi được người người ngưỡng mộ vẫn là những anh hùng dân tộc, đem máu xương bảo vệ non sông. Người dân Việt ngàn đời ghi nhớ.

Nguyện xin các anh hùng, chiến sĩ trận vong được đời đời an nghỉ.

Các anh đã về nơi đất mẹ

Hồn đi theo tiếng gọi núi sông.

Hương tưởng nhớ, lệ tuôn dòng

Đầu cúi xuống tiễn anh lần cuối.

 

Đa tạ các anh người tử sĩ Việt Nam

Mộ bia buồn vắng vẻ khói nhang

Nghĩa trang xưa lặng lẽ điêu tàn

Cờ đã đổi khóc than cũng thế.

 

49 năm rồi dâu bể

Thôi thì hồn hãy bay đi

Hãy là như những cánh chim di

Tìm nơi trú ẩn yên bình thanh thản nhất

HAPPY MEMORIAL DAY

25/5/2024

Nguyễn Thị Thêm

 
 
 
 
PHOTOS: Memorial Day 2023 - WTOP News
Xem thêm...

Phan Xuân Sinh Không Còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” - Vương Trùng Dương

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Nhận được tin buồn Nhà văn, Nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa từ giã cõi trần ngày 28/3/2024 tại Houston, TX. Gia Đình Góc Nhỏ Sân Trường xin Thành Kính Phân Ưu cùng chị Thiên Nga và tang quyến. Nguyện cầu cho Hương Linh anh Phan Xuân Sinh sớm phiêu diêu miền cực lạc.

Nhà văn, Nhà thơ Phan Xuân Sinh là 1 cựu sinh trường Trung Tiểu Học Sao Mai Đà Nẵng. Anh đã từng cộng tác với Diễn Đàn GNST. Để tưởng nhớ anh GNST xin được trích đăng 3 bài viết về anh của 3 tác giả Vương Trùng Dương, Yên Sơn và Trần Vấn Lệ.

BCH- GNST

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

 

Phan Xuân Sinh Không Còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” 

Vương Trùng Dương


Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi.
 
Phan Xuân Sinh làm thơ rất sớm, năm học lớp Đệ Ngũ trường Sao Mai, Đà Nẵng được giải nhì cuộc thi thơ (không có giải nhất) do Ty Thông Tin Đà Nẵng tổ chức. Nhà thơ Trần Gia Thoại (thân phụ GS Trần Gia Phụng, sử gia) trao giải cho cậu bé. Và, từ đó, anh sáng tác thơ đăng trên báo ở Sài Gòn…
 
Sau khi rời quân trường Thủ Đức, Khóa 3/71, Phan Xuân Sinh về phục vụ Đại Đội Trinh Sát (Trưởng Toán Viễn Thám) của Trung Đoàn 51 Biệt Lập, đóng quân tại Quảng Nam. Sau khi bị thương trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, đơn vị ra Huế sáp nhập vào Sư Đoàn 1.
 
Bài thơ Ước Mơ Của Một Tên Tàn Tật ghi lại thương tích:
 
Ở chiến trường như đứa ngu ngơ
Nên đạn tìm ta một lần đón ngã
Máu không về tim nên xối xả
Xui xẻo một lần thành đứa cụt chân...
Ta nằm đây mà lòng dạ hoang mang
Tổng Y Viện Duy Tân sao nhộn nhịp
Trực thăng tải thương xuống lên không kịp
Anh em ta đêm nay có đứa ra đi
(Tổng Y Viện Duy Tân 16/6/72)
 
Anh rời Đà Nẵng gần cuối năm 1974 để vào sống tại Sài Gòn. Trong hồi ký ghi: “Trong dự trù, sau khi giải ngũ tôi được lãnh số tiền trợ cấp hàng tháng để yên tâm đi học trở lại. Số tiền nầy dư giả cho tôi trang trải mọi chi phí về chuyện ăn ở tại Sài Gòn mà không cần sự trợ cấp của gia đình. Tất cả hồ sơ giải ngũ của tôi từ Trung Tâm I Quản Trị được gửi vào Trung Tâm III Quản Trị. Nếu không có biến chuyển gì thì tháng 4 năm 75 tôi sẽ ra Hội Đồng để duyệt xét mức độ tàn phế...
 
Nhưng chiến cuộc leo thang, mọi dự định liên quan đến cuộc đời tôi đều trật. Tháng 3 Đà Nẵng mất, suốt ngày tôi lang thang ngoàì phố, ngồi các quán café Thu Hương, Thanh Bạch v.v… ở đường Lê Lợi tìm người quen mới chạy thoát vào Sài Gòn, để hỏi thăm tin tức liên quan tới Đà Nẵng, liên quan đến gia đình đang kẹt lại. Mọi tin tức tôi thu lượm được đều xấu. Tối về mở radio để nghe BBC hay VOA về tình hình chiến sự ngoài đó, tôi đều thất vọng. Làn sóng di dân vào phía Nam bằng mọi phương tiện nhiều vô kể, trong đó những thảm cảnh xảy ra cho người dân không ít. Chỉ có người dân gánh chịu mọi hậu quả tang thương nhất trên con đường chạy loạn…
 
Cũng như phần đông các sĩ quan miền Nam, sau 75, tôi cũng phải đi trình diện, mặc dù tôi đã bị thương (mất một bàn chân phải trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại Quảng Nam). Bởi vì tôi cứ kéo dài tình trạng tại ngũ để được ăn lương, không chịu ra Hội Đồng Giải Ngũ sớm. Mỗi khi chuẩn bị đưa tôi ra Hội Đồng, tôi lại khai còn đau chỗ nầy, đau chỗ nọ nên nằm mãi tại Trung Tâm I Hồi Lực, được 29 ngày tái khám. Tính trạng kéo dài năm nầy qua năm khác… Đến khi tôi vào Sài Gòn mới chuyển qua Trung Tâm III Quản Trị, chờ ngày ra Hội Đồng để lượng định mức độ tàn phế thì quá muộn. Như vậy sau 30 tháng 4, trên danh nghĩa tôi vẫn còn tại ngũ, nhưng trên thực tế tôi là một phế binh.
 
Khi trình diện tại trường Trung Học Kỹ Thuật Don Bosco (Gò Vấp), tôi bỏ chân giả ở nhà, đi bằng nạng gỗ đến trình diện Ủy Ban Quân Quản. Cuối ngày họ gọi tôi lên cấp cho một cái giấy chứng nhận có trình diện, cho về lại địa phương quản lý (vì phế binh), khi nào có lệnh gọi đích danh tôi mới đi “cải tạo”. Như vậy, họ thấy tôi trở ngại quá cho việc “tập trung cải tạo”, nên được cho về là vì vậy…
 
Sáng nào ba thằng bán chợ trời chung, cũng gặp nhau ở tiệm cà phê, bàn tính chuyện làm ăn khác. Nhưng bí, không tìm ra phương cách sống, tiền thì không còn. May cho tôi, ba tôi từ Đà Nẵng vào tìm vì không biết tin tức của tôi sống chết ra sao. Ba tôi bảo phải về Đà Nẵng sống với gia đình. Vì hơn ai hết, ba tôi biết tôi là một phế nhân, không thể đi cày, đạp xích lô, đi lao động được. Về với gia đình đùm bọc lẫn nhau, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, nhưng tôi không chịu, với lý do đơn giản là ngoài đó khó sống, những người thắng trận quá sắt máu, dìm những thành phần thuộc diện Sĩ Quan như tụi tôi đến chết, bắt tụi tôi tay không đi gỡ mìn đủ toi mạng rồi (bao nhiêu đứa bạn không chết trong chiến tranh, nhưng đã chết vì đi gỡ mìn trong lúc hòa bình). Dù sao thì ở Sài Gòn cũng dễ thở hơn. Những đêm nằm ngủ với tôi, ba tôi nhận thấy điều tôi trình bày chí lý.
 
Một buổi sáng ông dậy sớm, pha trà rồi gọi tôi dậy để cha con nói chuyện, trước khi ông về lại quê nhà. Ông trao cho tôi một cái đãy nhỏ trong đó chứa ba lượng vàng, đây là số vàng dành dụm suốt một đời đi dạy học của ông. Tôi đưa ba tôi ra xe đò, lòng tôi trĩu nặng. Lúc đó tôi mới thấy thương ông, với số tuổi đã cao mà không còn nghĩ tới bản thân vẫn lo lắng cho con dù con đã lớn rồi. Xe đò rời khỏi bến, nhìn theo ba, tôi rưng rưng nuớc mắt, đến khi xe chạy khuất, tôi mới đạp xe trở về…”
 
Trong cái rủi có cái may, vì bị thương tật nên không bị đi tù như các chiến hữu, anh cùng bạn bè bươn chải trong cuộc sống, trải qua nhiều thăng trầm trong giai đoạn đầu rồi làm bột giặt, kem đánh răng (Mimosa), bột trẻ em Đông Phương… phải đối phó với nhiều nghịch cảnh, trầm trật trầm trầy… nhưng được thành công, khấm khá. (Năm 1987, từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi ghé lại cơ sở Đông Phương, có vài người bạn cùng quê và gặp Phan Xuân Sinh).
 
Năm 1976, Phan Xuân Sinh lập gia đình với cô Thiên Nga (con của vị Đại Tá QLVNCH) bị kẹt lại ngày 30/4/1975). Tuy cuộc sống đầy đủ nhưng anh cho biết: “Lúc bấy giờ mới nghĩ tới chuyện vượt biển, chạy ra Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) mua ghe, vài anh em hùn vốn. Đến ngày lên đường thì mới biết mình bị lường gạt. Tàu đã chở nhóm người khác ra khơi trước một đêm, đúng giờ ra chỗ hẹn, chờ dài cổ vẫn biệt tăm. Bị công an phát hiện chạy trối chết, một số bị bắt. Chưa có lúc nào ngao ngán lòng người như vậy. Lấy tiền xong chỉ điểm cho công an đến bắt, không tin vào ai được. Tiền của không còn, về lại Sài Gòn làm lại cuộc đời, chờ đợi ông già vợ bảo lãnh cho chắc ăn…
 
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình, tôi nộp vào năm 1979, thế nhưng không biết lạc nơi đâu. Những người nộp hồ sơ sau tôi đều lần lượt ra đi. Tôi làm đơn khiếu nại tại văn phòng Bộ Nội Vụ ở đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn, nhiều lần, nhưng không thấy trả lời. Đến khi có chương trình HO, tôi mang hồ sơ đến trung tâm dịch vụ của Bộ Nội Vụ (đây là nơi làm tiền một cách trắng trợn, nhưng rất được việc), vài tháng sau họ báo cho biết là tôi sẽ được cấp Visa và chuẩn bị phỏng vấn. Còn hai cái ải quan trọng mà tôi phải bước qua là thuế và nhà đất.
 
Tôi là người có đứng tên trên vài cơ sở làm ăn sau nầy, nên phải thanh toán tất cả nợ nần thiếu thuế trước khi rời khỏi đất nước. Một nhân viên ra cho tôi biết là tôi còn thiếu thuế nhiều quá nên chưa thể cấp giấy cho tôi được (một cú đánh phủ đầu trước, cho tôi choáng váng mặt mày). Ngày hôm sau, có người làm trong phòng thuế quen với tôi tới nhà cho biết là tôi phải chi một ít tiền, vài ngày sau tới nhận giấy chứng nhận không thiếu thuế. Giờ phút nầy họ đòi bao nhiêu cũng phải bóp bụng đưa, chứ không còn con đường nào khác hơn. Rồi đến nhà đất cũng vậy. Qua xong hai cái ải nầy, rồi đến cái ải phi trường. Không biết mình có bị giữ lại không? Đến khi máy bay cất cánh mới biết mình không việc gì, mới thở phào. (Tôi ra đi cùng một lúc với các anh chị tù cải tạo HO 4, tháng 6 năm 1990)”.
 
Khi định cư tại Boston, vợ chồng Phan Xuân Sinh mở tiệm Liquor được thành công, lúc rảnh rỗi anh sáng tác thơ văn và quen biết với các anh em văn nghệ tại đây trong những lần sinh hoạt văn nghệ với sự tham dự của đồng hương. Anh và anh Dư Mỹ cùng rủ nhau in chung một tập thơ Chén Rượu Mời Người năm 1996.
 
Đứng Dưới Trời Đổ Nát
 
Theo lời tác giả: Tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát được tôi chọn lựa qua những thời gian sống của tôi, mỗi thời chọn vài bài: Thời đi học, thời đi lính, thời sau 75 và một số bài đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong tất cả các giai đoạn sống, thế hệ của tụi tôi là thế hệ bị bầm dập nhất. Khi ngồi trên ghế nhà trường không được yên tâm ngồi học, bị xáo trộn bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ liên tiếp do những thế lực chính trị lợi dụng tuổi trẻ của chúng tôi, chúng tôi bị cuốn hút vào sự tranh giành chính trị. Đi vào lính cấp bậc nhỏ nhất mà cuộc chiến đến hồi khốc liệt nhất, tụi tôi như những que củi ném vào chiến trường cháy tan xác. Sau 75 “hòa bình” mà toàn dân mong chờ đã tới, nhưng mang nhiều thù hận, trả thù, oan khiên ụp trên đầu, những trại tù khổng lồ được lập lên lùa tất cả chúng tôi vào đó.
 
Thời cuối cùng được qua định cư tại Mỹ thì tuổi đời chúng tôi đã lớn, hội nhập vào đời sống mới rất khó khăn. Chúng tôi phải đưa thân trâu bò cày mệt nghỉ để nuôi vợ con. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bài hát của Nguyễn Đức Quang sao tôi thấy nó mỉa mai quá chừng, đất trời như sụp đổ làm gì có chuyện kiêu hãnh như vậy. Tôi không còn tin vào ai được. Tập thơ ra đời bằng sự đay nghiến, u uất, nỗi lòng của tôi bộc phát, nói lên thân phận của chính tôi, nói thay cho thế hệ chúng tôi…
 
Tôi xổ toạc, chửi đổng. Tôi đay nghiến, uất ức. Đó là những gì mà tôi cần phải thét lên cho hả giận. Tôi mất một phần thân thể trong chiến tranh, sự đau khổ to lớn nầy đã làm cho tôi điên tiết cho nên khi Đứng Dưới Trời Đổ Nát ra đời tôi gửi gấm chút ít tâm trạng của tôi trong đó…”.
 
Tôi nhận được tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát vào ngày 12, tháng 7, 2000 (Văn xuất bản). Thi phẩm dày 134 trang, gồm 138 bài thơ, trong đó có những bài thơ tôi nhận được và đăng báo như: Đêm Năm Mơ Ức Trai, Uống Rượu Với Người Lính Bắc Phương, Hầu Chuyện Cùng Ngũ Tử Tư, Chén Rượu Tạ Lòng Bạn Hiền, Lời Tỏ Bày Cùng Quê Nhà, Tháng Ngày Phiền Muộn… Vì vậy trong đêm đó, tôi viết bài Phan Xuân Sinh & Thi Tập Đứng Dưới Trời Đổ Nát.
 
 Sau nầy, Phan Xuân Sinh đã ấn hành hai thi phẩm: Khi Tình Ta Ru Đời (Văn Nghệ 2008), Tát Cạn Đời Sông (ra mắt ở Viện Việt Học 21/4/2013. Về văn như: Bơi Trên Dòng Nước Ngược (truyện và tùy bút, Xuân Thu xuất bản 2004) và Sống Với Thời Quá Vãng (truyện và tùy bút, Hợp Lưu xuất bản 2010). Tập thứ nhất về thời thơ ấu đi học, đi lính trước năm 1975, tập thứ hai với quãng đời sau năm 1975. Ngoài ra trong các bài các hồi ký của anh viết rất thật, không cường điệu, hư cấu.
 
Theo lời anh: “Sống Với Thời Quá Vãng phần đông ghi lại những bút ký của chuyến về quê nhà thăm lại gia đình và bạn bè. Cái nhìn và nhận định của tôi phải rõ ràng minh bạch nên có thể gây mất lòng rất nhiều người mà tôi đã gặp kể cả người bên này hay người bên kia. Đến với họ tôi phải lắng nghe và đôi khi phải tranh cãi để hiểu rõ vấn đề. Tuy nhiên tôi không bao giờ ghi lại để họ phải khó xử. Trong nước tình trạng vẫn còn khó nên tôi phải tránh né. Những người tôi gặp một số ít trước đây họ có vấn đề nên người hải ngoại không thích. Còn sự thật ra sao lịch sử sẽ phán xét sau này. Những người bạn hiểu tôi họ đều cho rằng chuyến về quê nhà của tôi rất ích lợi, ghi lại số chuyện nhạy cảm rất tế nhị. Còn những người ganh ghét với tôi thì họ lái mọi sự việc đi theo ngõ khác, dưới sự suy luận của họ”.
 
Vết thương trên chân của anh nơi xứ lạnh thường bị hành hạ nên sau 15 năm ở Bắc Mỹ, năm 2007 anh chuyển về Houston, Texas làm ăn và có cơ hội gặp gỡ bạn bè trong giới văn nghệ.
 
Trong bài viết Bên Bờ Những Đổ Nát, Phan Xuân Sinh ghi: “Hôm nay đọc trên FB bút ký của một người bạn, anh Vương Trùng Dương, viết về những trường hợp gãy đổ tình yêu của những người trai trong thời chinh chiến, người yêu còn lưu giữ chiếc nhẫn của trường CTCT Đà Lạt. Bỗng dưng tôi sững sờ, dù rằng những chuyện tương tự như thế nầy tôi đã từng chứng kiến. Không trách ai hết, tất cả cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc tương tàn, mỗi lần ai đó khui lại tự nhiên mình lại cảm thấy xót xa, trăn trở. Tình yêu nó là một thứ bất diệt từ xưa tới nay không ai chối cãi được, nó dẫn ta tới thiên đường, nó đưa ta lên tuyệt đỉnh sung sướng và cũng chính nó đẩy ta xuống địa ngục, hiện thân ác quỷ đày đọa ta.
 
Bây giờ với tuổi đời không còn nhỏ, nhìn lại mọi sự việc: phản bội, lẫn tránh, chia tay v.v… dù rằng lỗi tại ai, mình cũng cảm thấy hối tiếc chứ không còn hận thù hay trách móc. Làm thân con gái họ phải chọn cho mình một con đường đi vinh quang nhất, an toàn nhất, ấm thân nhất, chứ dại gì chui đầu vào chỗ chết để thể hiện mức độ chung tình với người yêu, để rồi không được gì chỉ thấy thiệt thân. Tuy nhiên mình phải cúi đầu kính phục những người con gái gạt tất cả những rào cản để chung tình với người mình yêu, dù rằng người đó đã vào sinh ra tử, để làm tròn trách nhiệm của mình. Chuyện tình trong thời chiến nói mãi không hết, hạnh phúc không được nhiều chỉ thấy toàn đổ vỡ, đau lòng. Tôi bị thương mùa hè đỏ lửa (1972) nằm tại Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, trại Ngoại Thương 1A (dành cho sĩ quan). Từ chỗ nầy tôi đã chứng kiến biết bao chuyện đau lòng. Một anh Trung Úy hình như thuộc Tiểu Khu Quảng Trị hay Quảng Tín gì đó (lâu quá tôi không nhớ rõ đơn vị anh đồn trú). Anh bị thương mất hai chân, có vợ và đứa con trai hai tuổi. Vợ thăm nuôi và ở lại luôn trong bệnh viện với anh. Thường thì chị đi chợ mua một ít đồ ăn nấu sẵn để ăn. Một hôm như thường lệ chị để con cho anh giữ rồi chị đi chợ nhưng lần nầy chị đi luôn không về. Cả trại ai cũng nhốn nháo về chuyện nầy. Nửa đêm anh ôm con khóc tức tưởi, làm cho chúng tôi những người cùng hoàn cảnh với anh rơi nước mắt. Thật tình nghĩ cho cùng chúng tôi không trách chị, một người con gái vào khoảng 23 tuổi, trẻ đẹp. Làm sao hy sinh suốt đời cho chồng bị tật nguyền như vậy được. Biết vậy, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy quyết định của chị tàn nhẫn quá, chỉ biết thở dài ngậm ngùi.
 
Tội nhất là đứa con mới 2 tuổi, làm cách nào để nuôi cháu. Nếu bây giở cháu còn sống thì cũng đã gần 50 tuổi, nhìn lại hoàn cảnh gia đình, cháu buồn biết chừng nào?
 
Cũng tại phòng Ngoại Thương 1A nầy vào Mùa Hè Đỏ Lửa, có một anh Trung Úy bị mất hai chân, từ phòng hồi sức vừa đưa xuống, anh còn nằm mê man trên gường thì có một người con gái vào thăm. Cô đó là người yêu của anh. Anh vừa mở mắt thì cũng vừa trông thấy người yêu của mình quay lưng bỏ đi, anh gọi tên mấy lần nhưng cô ta không quay lại. Người lính nuôi anh, thấy hoàn cảnh bất bình như vậy chạy theo cô gái và đưa tay tát vào mặt cô ta mấy cái. Tụi tôi thì hoan hô anh lính, nhưng anh Trung Úy thì la anh lính không được làm vậy. Tuần lễ sau, tôi qua chỗ anh Trung Úy nằm để nói chuyện, anh kể cho tôi nghe về người con gái đó. Cô ta là một giáo viên, hai người yêu nhau hơn 5 năm rồi, 5 năm đủ chín muồi cho một cuộc tình. Anh thấy cuộc đời lính tráng của mình quá nguy hiểm, không biết sống chết thế nào nên anh đề nghị với cô hãy chấm dứt cuộc tình nầy. Nhưng cô không chịu và đã nói với anh dù sau nầy anh có thế nào thì em vẫn yêu anh. Thế mà anh không ngờ sự việc nó xảy ra như vậy. Mấy đêm nay anh không ngủ được, nhớ lại cái thời hai đứa yêu nhau. Những kỷ niệm chập chờn trong đầu. Nước mắt anh lưng tròng, khuôn mặt anh co rúm đau khổ làm cho tôi không chịu được, cũng đã khóc theo. Sau một lúc im lặng anh nói với tôi nếu cô vào thăm anh sẽ bảo cô đừng vào thăm nữa. Lời chia tay phải chính anh nói, phải phát ra từ anh thì mới không cảm thấy phũ phàng. Còn bây giờ chính cô ta là người chủ động trước không một lời từ biệt. Sau nầy cứ vào dịp cuối tháng chúng tôi lại gặp nhau ngày tái khám tại Tổng Y Viện Duy Tân.
 
Cũng một hoàn cảnh như vậy, Hanh một Chuẩn Úy mới ra trường ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đi hành quân giẫm phải trái mìn bị mất hai chân. Vào chiều thứ Bảy, người yêu của Hanh đẩy xe lăn cho anh dạo phố. Một hình ảnh thật đẹp với chúng tôi thuở ấy. Người yêu của Hanh là một người con gái đẹp, một nữ sinh nết na, thùy mị. Chúng tôi nghĩ cặp đôi nầy chắc không bao lâu sẽ vãn tuồng. Thế nhưng sự đánh giá của chúng tôi nhầm lẫn, oan ức cho cô bạn gái của Hanh.
 
Sau năm 75 chị quyết định về sống với Hanh dù gia đình ngăn cản. Sự hy sinh to lớn của chị dù biết sống với Hanh là chị sẽ chôn vùi cuộc đời mình vào khổ cực, vào đói nghèo. Chị đến với Hanh tức là chấp nhận những phũ phàng trước mắt. Những sĩ quan Miền Nam còn lành lặn vẫn bữa đói bữa no, huống chi Sĩ Quan bị thương tật nặng nề như Hanh làm sao bươn chải kiếm sống. Thật tội nghiệp cho cặp vợ chồng như Hanh, có một cuộc tình thật đẹp, thật tuyệt vời.
 
Năm 2008 tôi có dịp về thăm Đà Nẵng. Tôi đến thăm vợ chồng nhà thơ Uyên Hà, vợ chồng Uyên Hà là dân Đại Lộc nên tôi có hỏi thăm về vợ chồng Hanh, họ vẫn sống với nhau hạnh phúc và có mấy người con. Hanh làm thợ hàn máng xối sống qua ngày. Tôi nhờ vợ Uyên Hà chuyển cho Hanh một ít tiền, và bảo chị đừng nói tên người gửi. Vài ngày sau tôi nhận được lời cám ơn của Hanh quạ chị Uyên Hà. Vừa rồi Uyên Hà có qua Mỹ ghé thăm tôi, tôi hỏi thăm về vợ chồng Hanh. Và được biết hai vợ chồng đều chết cách đây vài năm. Vợ chết vì bị ung thư sau đó Hanh chết vì bị đột quỵ. Các con của Hanh bây giờ cũng khá, nhà cửa khang trang. Các cháu đã tự mình vươn lên và đứng vững trên sức lực của mình. Tôi rất kính phục vợ chồng Hanh.
 
Trong chiến tranh biết bao nhiêu cuộc tình đã gãy đổ, biết bao nhiêu gia đình đã ngã gục, không chỉ Miền Nam mà Miền Bắc cũng vậy. Sự hàn gắn vết thương nầy cho đến bây giờ vẫn chưa lành lặn, chưa kéo da non. Vì sao vậy? Bên thắng cuộc vẫn hiu hiu tự đắc, vẫn kể lại chiến công thần thánh của mình. Họ quên đi rằng nếu quân đội Miền Nam dở dở, ương ương như lời họ kể, thì họ không trầy vi tróc vẩy khi chiếm Miền Nam. Xương máu của họ đã tưới trên Miền Nam không biết bao nhiêu kể. Sự tuyên truyền ngô nghê, rẻ rúng về cuộc chiến tranh xâm lược của họ mà dân chúng Miền Bắc tin tưởng tuyệt đối, chính là thế ưu việt của họ danh chánh ngôn thuận mà người dân tin tưởng. Chiến thắng của họ phần nhiều chỉ dựa trên sự lừa đảo. Người dân Miền Bắc đã ngộ ra được thì đã muộn…
 
Trải qua một cuộc chiến tranh tương tàn mà dân tộc phải gánh chịu, đó là một bất hạnh. Tuy nhiên nó đã qua, hối tiếc mãi vẫn không giúp được gì, mà sống mãi với những hệ lụy lại càng khổ đau thêm. Bút ký nầy tôi viết với dụng ý hãy xóa bỏ tất cả, hãy quên đi tất cả để sống hòa hợp trong một đất nước mà nhân quyền và tự do phải được tôn trọng.
 
Houston, ngày 3 tháng 11 năm 2018
Phan Xuân Sinh”
 
Trong các bài viết của tôi đã ghi lại vài mảnh đời cay đắng, nghiệt ngã, phản bội và thủy chung… đó là lẽ thường tình trong cuộc sống. May mắn và bất hạnh tùy theo từng trường hợp, hoàn cảnh để chia sẻ cho nhau. Theo Phan Xuân Sinh cho biết, trước đây anh về Sài Gòn định ấn hành tập thơ Khi Tình Ta Ru Đời (đã ấn hành tại Mỹ) bổ túc thêm vài bài viết, có bài tôi, bị kiểm duyệt bỏ.
 
Khoảng năm 2015 chị Thiên Nga bị stroke, anh phải chăm sóc và ít sáng tác, vợ chồng Phan Xuân Sinh - Nguyễn Thị Thiên Nga có hai người con trai, từ khi đứa con trai Phan Xuân Kỳ Khoa qua đời (10/9/2020) vì tai nạn xe cộ, anh không còn thiết tha gì nữa, ngay cả website của anh cũng bỏ luôn.
 
Thật không ngờ quãng đời còn lại của anh lại bất hạnh như vậy. Nay anh đã vĩnh biệt cõi trần không còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”, cầu mong anh được siêu thoát cõi Vĩnh Hằng.
 
Vương Trùng Dương
Little Saigon, Feb 29, 2024

 -------------------------------

 

Lời Trăng Trối

Vĩnh Biệt Thiên Nga
Viết thay Phan Xuân Sinh trăng trối với vợ
(Thiên Nga là nhũ danh của chị Phan Xuân Sinh)

Ta cùng em Đứng Dưới Trời Đổ Nát (*)
Cùng với em nâng Chén Rượu Mời Người (*)
Cùng chung sức Bơi Trên Dòng Nước Ngược (*)
Sá chi đâu Khi Tình Đang Ru Đời (*)

Biết không thể Sống Với Thời Quá Vãng (*)
Nên cùng em ta Tát Cạn Đời Sông (*)
Mượn chữ nghĩa để vui cùng bè bạn
Để đứng lên trong những lúc ngả lòng

Nay bóng xế đã ngả dài trên tóc
Lòng vẫn nghĩ rằng Vàng Lá Thu Xanh (*)
Dù bao nắng mưa em vẫn bên anh
Xin cảm tạ tấm chân tình bất diệt.

Nay đến lúc phải chia ly vĩnh biệt
Xin mang theo ơn nợ kiếp lai sinh
Cám ơn em đã trọn nghĩa vì anh
Xin tạ lỗi… đi trước em một bước

Ngày cuối tháng 2/2024

————————–
(*) Tựa sách đã xuất bản

 

Yên Sơn

 

*******

 

Vĩnh Biệt Phan Xuân Sinh

A gorgeous selection of premium garden blooms including roses and antique hydrangea
Nguồn: Internet

Phan Xuân Sinh đi rồi!
Trăng Nguyên Tiêu vừa khuyết…
Ôi Từ Khi Em Là Nguyệt
Buồn quá Phan Xuân Sinh ơi!

Vỡ nát từ trên trời
Rơi xuống tràn mặt đất!
Sống thời nào mới thật
Cảm thông với tang thương?

Phan Xuân Sinh mùa Xuân
Cái tên là định mệnh
Vừa Tết, trời còn lạnh
Run run hay rưng rưng?

Chữ Buồn thay pháo bông
Thay một nhành hoa nở
Ta tiễn ngươi vậy đó!
Nước mắt tràng liên thanh!

Trần Vấn Lệ

 

 

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này