Lòng Biết Ơn
- Đăng tại Cảm tạ
- Viết bởi ⭐TRẦN ĐÀO KHÔI (Moderator)
Lòng biết ơn
Houston mấy hôm nay trời chợt trở lạnh. Mới tuần trước nhiệt độ còn ngất ngưởng 80-90 độ F mà tuần này đã xuống còn trên dưới 40 độ F. Đã vậy lại còn mưa nữa. Những trận mưa thật lớn như muốn trút xuống Houston tất cả những gì còn sót lại sau mùa bão nên trời đã lạnh lại làm cho người ta có cảm giác càng lạnh hơn.
Hôm nay qua thăm mẹ tôi. Thường thì tôi qua thăm và ăn cơm với mẹ vào thứ bẩy hoặc chủ nhật. Mẹ tôi năm nay đã 99 tuổi, còn hơn một tháng nữa là tròn 100, nếu tính theo tuổi ta là 101 rồi. Đúng là bách niên giai lão như người ta vẫn thường hay chúc các cụ vào dịp đầu năm âm lịch. Tuy đã lớn tuổi nhưng trí óc mẹ tôi vẫn còn khá minh mẫn, vẫn chịu khó đọc báo việt nam và nghe đài để kể lại cho tôi nghe mỗi lần tôi đến thăm. Mỗi lần qua thăm, hai mẹ con, tóc bạc như nhau, hay ngồi ôn lại chuyện cũ. Nói là ôn chứ thực ra tôi có biết gì đâu mà nói, thường thì tôi hay hỏi mẹ về những ngày xưa ở ngoài bắc hoặc những chuyện trước khi tôi sinh ra, trước là giúp cho trí óc của mẹ tôi hoạt động cho đỡ “mụ người”, sau là để tìm hiểu thêm về “cuộc tình” của mẹ và bố tôi, những gì mà khi còn bé không để ý hoặc không được biết. Mẹ tôi như một kho tàng của chuyện cổ tích, đã không hỏi thì thôi, càng hỏi thì lại càng được biết thêm nhiều điều thật hay và lý thúcủa những ngày xa xưa ấy, khi bố mẹ tôi còn trẻ.
Trưa chủ nhật, trong cái se se lạnh của một ngày đầu mùa đông, những hạt mưa đập vào cửa kính, khi nặng khi nhẹ tạo nên những âm thanh trầm bổng khác nhau như một bản nhạc hoà tấu nhẹ, được nằm ôm mẹ ngủ, nghe nhạc êm dịu thì còn gì bằng. Nằm bên mẹ, nghe tiếng ngáy nhè nhẹ của mẹ, đầu óc tôi lại bay bổng về những điều mẹ vừa nhắc đến bố, đến những ngày bố còn đi học ở Hà Nội khi hai mẹ con nói về ngày lễ Tạ ơn sắp đến. Thuở ấy, khi ông nội gởi bố tôi lên Hà Nội học và ở trọ nhà một người mà bố tôi gọi là ông Phát . Ông này làm trong nhà bếp của khách sạn Metropole Hà Nội, biết bố tôi thích đồ ăn Tây nên lâu lâu lại đem một ít fromage còn dư về cho bố tôi tẩm bổ , đặc biệt là những buổi tối ông phải thức khuya để sửa soạn cho những kỳ thi cuối năm, bụng thì đói mà ăn uống thì chỉ vớ vẩn vài món ăn đạm bạc của một cậu học trò nghèo ở đất hà thành ngàn năm văn vật. Chỉ có thế thôi mà bố tôi nhớ ơn mãi, khi di cư vào nam, năm nào cũng đến tết ông ấy cho đến khi mất. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao bố tôi cho tôi đọc quyển truyện ngắn “tấm lòng vàng”của Nguyễn Công Hoan khi mới lên lớp sáu. Một câu chuyện mà cho đến nay, sau hơn 50 năm tôi vẫn còn nhớ nội dung như mới đọc hôm qua và nó đã ảnh hưởng không ít đến cách suy nghĩ của tôi đối với những người chung quanh, đặc biệt là đối với những người đã làm ơn cho mình.
Chuyện kể về một anh học trò nghèo tên Đức.
Do thông cảm và thương Đức hiếu học nhưng không có tiền trọ học nên một người thầy đã âm thầm giúp anh một số tiền nhỏ mỗi tháng . Khi đỗ đạt làm quan, Đức đã cố công tìm cho ra ân nhân của mình để trả ơn một cách thích đáng cả về về vật chất lẫn tinh thần.
Viết chuyện này, tôi đoán có lẽ tác giả Nguyễn Công Hoan đã mượn ý từ chuyện ông Francois Sadi Carnot, nguyên tổng thống nước Pháp, nhân một lần về thăm quê nhà, khi đi ngang trường cũ, trông thấy người thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã rất già nhưng vẫn còn “bán cháo phổi”, vẫn đứng trên bục giảng hò hét, cố gieo vào đầu những cậu học trò nhỏ thế nào là nhân,nghĩa, lễ, trí, tín như ngày xưa đã từng dạy ông. Ông Carnot ghé vào thăm trường và đến ngay trước mặt thầy giáo cũ, lễ phép: "Chào thầy, con là Carnot, thầy còn nhớ con không?". Rồi ông nói với những học trò nhỏ: "Tôi trước là mang ơn cha mẹ, sau ơn thầy đây. Nhờ thầy chịu khó dạy bảo, tôi mới làm nên sự nghiệp ngày nầy".
Nếu bên trời tây có ông tổng thống Pháp Carnot biết ơn thầy thì ở Việt Nam, giai thoại về chuyện vua Lê Hiến Tông thăm thầy cũ, dù lên ngai vàng vẫn giữ đạo nghĩa, cùng thầy ăn bữa cơm quê giản dị trở thành bài học về phép tôn sư trọng đạo, lòng biết ơn mà người thời nay cần học tập. Hôm đó, thay vì dùng 'ngự thiện', nhà vua xin với thầy cùng gia đình ăn bữa cơm “dưa muối” ở nhà thầy. Bữa cơm đạm bạc thầy đãi trò chỉ là cơm với canh cua đồng nấu riêu. Có lẽ lần đầu tiên được thuởng thức món này nên nhà vua chợt thốt lên : "Thầy cho con ăn bát canh này thật cả là một niềm hạnh phúc mà con ít khi có . Hương vị của đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon".Theo dân gian lưu truyền lại, về sau, vua nhớ món canh cua đồng”đến nỗi dân phải tiến cua đồng về kinh để vua ngự thiện. Cũng vì thế dân gian ở đây mới có câu ca: "Canh cua nấu cải thêm gừng. Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon".
Cách xử sự của tổng thống Carnot hay của vua Lê Hiến Tông phản ảnh phần nào điều cố tổng thống Kennedy nói : “khi diễn tả lòng biết ơn của mình, chúng ta đừng quên rằng ý nghĩa cao nhất của lòng biết ơn không nằm ở những lời cảm ơn ta thốt ra, nhưng nằm ở hành động ta sống với lòng biết ơn đó”.
Tương tựa, theo triết lý phật giáo, “ lòng biết ơn nên được nuôi dưỡng như một thói quen không phụ thuộc vào điều kiện”. Điều này có nghĩa là chúng ta nên biết ơn không chỉ vì mình có được những mình muốn hoặc điều đó đến từ sự may mắn nhưng ta nên chú ý và nhận thức được mọi điều nhỏ nhất xảy ra trong cuộc sống và thực hành lòng biết ơn với những điều đó.
Lòng biết ơn là một trong những giá trị cần thiết của đạo đức nhân loại. Cách đây hơn 2000 năm, Marcus Tullius Cicero, một trong những triết gia và nhà hùng biện trứ danh thời La Mã cổ đại từng khẳng định " lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người. Lòng biết ơn không những là một giá trị sống, nhưng đồng thời cũng là một phương châm ứng xử nhân văn, tinh tế để góp phần làm nên vẻ đẹp, nhân cách của con người. Bằng những lời lẽ thật đơn sơ, tục ngữ việt nam "ăn quả nhớ kể trồng cây" đã gói ghém truyền thống văn hóa tri ân của dân tộc việt.
Ngồi viết những dòng chữ này, đầu óc tôi lại miên man về những tháng ngày của cách đây 40 năm khi tôi đặt chân đến đất Mỹ sau hơn một năm lăn lóc ở các trại tị nạn bên Mã Lai và Phi. Để đến được bến bờ tự do, tôi đã phải trải qua những tháng ngày trốn tránh, bôn ba hết nơi này đến chỗ khác vì sợ công an ruồng bắt. Không có hộ khẩu, tôi như một người vô gia cư, phải sống “lưu vong” ngay trên đất nước của mình. Ngày đặt chân đến đảo Bi Đông ở Mã Lai, tôi có cảm tưởng như một người vừa chết đi được sống lại và đó cũng là ngày “con tim đã vui trở lại” như trong một bài hát của Đức Huy. Đây có thể nói là một bước ngoặt thật quan trọng trong cách tôi suy nghĩ và nhận thức được chân giá trị của cuộc sống.
Vài tấm hình ở Pulau Bidong Mã Lai và Bataan Phi luật Tân trước khi rời trại đi định cư ở Mỹ 1982.
Đó là trân quý những gì tôi có, những gì xảy đến với tôi cho dù đó là những điều thật nhỏ nhoi, thật tầm thường vì ít ra, “có còn hơn không”.
Tôi cám ơn Thượng Đế vì tất cả những gì Ngài đã ban cho tôi, một mái ấm gia đình với người vợ hiền và những đứa con ngoan ngoãn, biết vâng lời bố mẹ. Tôi cám ơn Ngài vì cho đến giờ này, đã qua cái tuổi “nhi nhĩ thuận” mà vẫn còn được nằm ôm mẹ, một niềm hạnh phúc thật lớn lao mà không phải ai cũng có được. Tôi cám ơn Ngài vì nhạc mẫu của tôi, cũng xấp xỉ 100 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh để lâu lâu lại cắt cho chúng tôi bó rau đay, mồng tơi, mà cụ trồng sau vườn. Tôi cám ơn Ngài vì tôi đã có người bạn thật tốt, lúc nào cũng sẵn sàng an ủi, khích lệ tôi mỗi khi tôi cần. Tôi cám ơn bố tôi đã dạy cho tôi một bài học quý giá về lòng biết ơn qua cách sống và những lời hay, ý đẹp rót vào tai tôi từ tấm bé. Điều này, cộng với những gì đã trải qua, khiến tôi cảm thấy thật hạnh phúc mỗi sớm mai thức dậy khi thấy mình còn khỏe mạnh, đi đứng bình thường và nhất là còn đủ sức đeo cái túi camera nặng gần 25 lbs, trèo đèo, lội suối để chụp được những tấm ảnh ưng ý.
Triết lý sống của tôi bây giờ là trân trọng tất cả những gì, dù lớn hay nhỏ, người khác làm cho mình và nếu không có cơ hội để trả ơn họ, tôi sẽ giúp đỡ những người kém may mắn hơn tôi như là một cách gián tiếp để cám ơn người đã giúp đỡ tôi. Đây là phương châm mà tôi nguyện sẽ áp dụng như một phần nào trả lại ơn của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang tôi và đồng bào của tôi từ bao nhiêu năm qua.
“Hạnh phúc không thể giúp chúng ta thấu hiểu về lòng biết ơn nhưng ngược lại, lòng biết ơn giúp chúng ta biết thế nào là hạnh phúc”. (Khuyết danh)
Mùa lễ Tạ Ơn 2022.
Viết Nách.