Cảm tạ

Cảm tạ (3)

Lòng Biết Ơn

Lòng biết ơn

Lòng Biết Ơn | Giáo Phận Thanh Hóa

Houston mấy hôm nay trời chợt trở lạnh. Mới tuần trước nhiệt độ còn ngất ngưởng 80-90 độ F mà tuần này đã xuống còn trên dưới 40 độ F. Đã vậy lại còn mưa nữa. Những trận mưa thật lớn như muốn trút xuống Houston tất cả những gì còn sót lại sau mùa bão nên trời đã lạnh lại làm cho người ta có cảm giác càng lạnh hơn. 

Hôm nay qua thăm mẹ tôi. Thường thì tôi qua thăm và ăn cơm với mẹ vào thứ bẩy hoặc chủ nhật. Mẹ tôi năm nay đã 99 tuổi, còn hơn một tháng nữa là tròn 100, nếu tính theo tuổi ta là 101 rồi. Đúng là bách niên giai lão như người ta vẫn thường hay chúc các cụ vào dịp đầu năm âm lịch.  Tuy đã lớn tuổi nhưng trí óc mẹ tôi vẫn còn khá minh mẫn, vẫn chịu khó đọc báo việt nam và nghe đài để kể lại cho tôi nghe mỗi lần tôi đến thăm. Mỗi lần qua thăm, hai mẹ con, tóc bạc như nhau, hay ngồi ôn lại chuyện cũ. Nói là ôn chứ thực ra tôi có biết gì đâu mà nói, thường thì tôi hay hỏi mẹ về những ngày xưa ở ngoài bắc hoặc những chuyện trước khi tôi sinh ra, trước là giúp cho trí óc của mẹ tôi hoạt động cho đỡ “mụ người”, sau là để tìm hiểu thêm về “cuộc tình” của mẹ và bố tôi, những gì mà khi còn bé không để ý hoặc không được biết. Mẹ tôi như một kho tàng của chuyện cổ tích, đã không hỏi thì thôi, càng hỏi thì lại càng được biết thêm nhiều điều thật hay và lý thúcủa những ngày xa xưa ấy, khi bố mẹ tôi còn trẻ.

Trưa chủ nhật, trong cái se se lạnh của một ngày đầu mùa đông, những hạt mưa đập vào cửa kính, khi nặng khi nhẹ tạo nên những âm thanh trầm bổng khác nhau như một bản nhạc hoà tấu nhẹ, được nằm ôm mẹ ngủ, nghe nhạc êm dịu thì còn gì bằng. Nằm bên mẹ, nghe tiếng ngáy nhè nhẹ của mẹ, đầu óc tôi lại bay bổng về những điều mẹ vừa nhắc đến bố, đến những ngày bố còn đi học ở Hà Nội khi hai mẹ con nói về ngày lễ Tạ ơn sắp đến. Thuở ấy, khi ông nội gởi bố tôi lên Hà Nội học và ở trọ nhà một người mà bố tôi gọi là ông Phát . Ông này làm trong nhà bếp của khách sạn Metropole Hà Nội, biết bố tôi thích đồ ăn Tây nên lâu lâu lại đem một ít fromage còn dư về cho bố tôi tẩm bổ , đặc biệt là những buổi tối ông phải thức khuya để sửa soạn cho những kỳ thi cuối năm, bụng thì đói mà ăn uống thì chỉ vớ vẩn vài món ăn đạm bạc của một cậu học trò nghèo ở đất hà thành ngàn năm văn vật. Chỉ có thế thôi mà bố tôi nhớ ơn mãi, khi di cư vào nam, năm nào cũng đến tết ông ấy cho đến khi mất. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao bố tôi cho tôi đọc quyển truyện ngắn “tấm lòng vàng”của Nguyễn Công Hoan khi mới lên lớp sáu. Một câu chuyện mà cho đến nay, sau hơn 50 năm tôi vẫn còn nhớ nội dung như mới đọc hôm qua và nó đã ảnh hưởng không ít đến cách suy nghĩ của tôi đối với những người chung quanh, đặc biệt là đối với những người đã làm ơn cho mình.

Chuyện kể về một anh học trò nghèo tên Đức.

Do thông cảm và thương Đức hiếu học nhưng không có tiền trọ học nên một người thầy đã âm thầm giúp anh một số tiền nhỏ mỗi tháng . Khi đỗ đạt làm quan, Đức đã cố công tìm cho ra ân nhân của mình để trả ơn một cách thích đáng cả về về vật chất lẫn tinh thần.

Viết chuyện này, tôi đoán có lẽ tác giả Nguyễn Công Hoan đã mượn ý từ chuyện ông Francois Sadi Carnot, nguyên tổng thống nước Pháp, nhân một lần về  thăm quê nhà, khi đi ngang trường cũ, trông thấy người thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã rất già nhưng vẫn còn “bán cháo phổi”, vẫn đứng trên bục giảng hò hét, cố gieo vào đầu những cậu học trò nhỏ thế nào là nhân,nghĩa, lễ, trí, tín như ngày xưa đã từng dạy ông. Ông Carnot ghé vào thăm trường và đến ngay trước mặt thầy giáo cũ, lễ phép:  "Chào thầy, con là Carnot, thầy còn nhớ con không?". Rồi ông nói với những học trò nhỏ:  "Tôi trước là mang ơn cha mẹ, sau ơn thầy đây. Nhờ thầy chịu khó dạy bảo, tôi mới làm nên sự nghiệp ngày nầy".

Nếu bên trời tây có ông tổng thống Pháp Carnot biết ơn thầy thì ở Việt Nam, giai thoại về chuyện vua Lê Hiến Tông thăm thầy cũ, dù lên ngai vàng vẫn giữ đạo nghĩa, cùng thầy ăn bữa cơm quê giản dị trở thành bài học về phép tôn sư trọng đạo, lòng biết ơn mà người thời nay cần học tập. Hôm đó, thay vì dùng 'ngự thiện', nhà vua xin với thầy cùng gia đình ăn bữa cơm “dưa muối” ở nhà thầy. Bữa cơm đạm bạc thầy đãi trò chỉ là cơm với canh cua đồng nấu riêu. Có lẽ lần đầu tiên được thuởng thức món này nên nhà vua chợt thốt lên :  "Thầy cho con ăn bát canh này thật cả là một niềm hạnh phúc mà con ít khi có . Hương vị của đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon".Theo dân gian lưu truyền lại, về sau, vua nhớ món canh cua đồng”đến nỗi dân phải tiến cua đồng về kinh để vua ngự thiện. Cũng vì thế dân gian ở đây mới có câu ca:  "Canh cua nấu cải thêm gừng. Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon".

Cách xử sự của tổng thống Carnot hay của vua Lê Hiến Tông phản ảnh phần nào điều cố tổng thống Kennedy nói : “khi diễn tả lòng biết ơn của mình, chúng ta đừng quên rằng ý nghĩa cao nhất của lòng biết ơn không nằm ở những lời cảm ơn ta thốt ra, nhưng nằm ở hành động ta sống với lòng biết ơn đó”.

Tương tựa, theo triết lý phật giáo, “ lòng biết ơn nên được nuôi dưỡng như một thói quen không phụ thuộc vào điều kiện”. Điều này có nghĩa là chúng ta nên biết ơn không chỉ vì mình có được những mình muốn hoặc điều đó đến từ sự may mắn nhưng ta nên chú ý và nhận thức được mọi điều nhỏ nhất xảy ra trong cuộc sống và thực hành lòng biết ơn với những điều đó.

Lòng biết ơn là một trong những giá trị cần thiết của đạo đức nhân loại. Cách đây hơn 2000 năm, Marcus Tullius Cicero, một trong những triết gia và nhà hùng biện trứ danh thời La Mã cổ đại từng khẳng định " lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người. Lòng biết ơn không những là một giá trị sống, nhưng đồng thời cũng là một phương châm ứng xử nhân văn, tinh tế để góp phần làm nên vẻ đẹp, nhân cách của con người. Bằng những lời lẽ thật đơn sơ, tục ngữ việt nam "ăn quả nhớ kể trồng cây" đã gói ghém truyền thống văn hóa tri ân của dân tộc việt.

Ngồi viết những dòng chữ này, đầu óc tôi lại miên man về những tháng ngày của cách đây 40 năm khi tôi đặt chân đến đất Mỹ sau hơn một năm lăn lóc ở các trại tị nạn bên Mã Lai và Phi. Để đến được bến bờ tự do, tôi đã phải trải qua những tháng ngày trốn tránh, bôn ba hết nơi này đến chỗ khác vì sợ công an ruồng bắt. Không có hộ khẩu, tôi như một người vô gia cư, phải sống “lưu vong” ngay trên đất nước của mình. Ngày đặt chân đến đảo Bi Đông ở Mã Lai, tôi có cảm tưởng như một người vừa chết đi được sống lại và đó cũng là ngày “con tim đã vui trở lại” như trong một bài hát của Đức Huy. Đây có thể nói là một bước ngoặt thật quan trọng trong cách tôi suy nghĩ và nhận thức được chân giá trị của cuộc sống.

Vài tấm hình ở Pulau Bidong Mã Lai và Bataan Phi luật Tân trước khi rời trại đi định cư ở Mỹ 1982.


  

Đó là trân quý những gì tôi có, những gì xảy đến với tôi cho dù đó là những điều thật nhỏ nhoi, thật tầm thường vì ít ra, “có còn hơn không”.

Tôi cám ơn Thượng Đế vì tất cả những gì Ngài đã ban cho tôi, một mái ấm gia đình với người vợ hiền và những đứa con ngoan ngoãn, biết vâng lời bố mẹ. Tôi cám ơn Ngài vì cho đến giờ này, đã qua cái tuổi “nhi nhĩ thuận” mà vẫn còn được nằm ôm mẹ, một niềm hạnh phúc thật lớn lao mà không phải ai cũng có được. Tôi cám ơn Ngài vì nhạc mẫu của tôi, cũng xấp xỉ 100 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh để lâu lâu lại cắt cho chúng tôi bó rau đay, mồng tơi, mà cụ trồng sau vườn. Tôi cám ơn Ngài vì tôi đã có người bạn thật tốt, lúc nào cũng sẵn sàng an ủi, khích lệ tôi mỗi khi tôi cần. Tôi cám ơn bố tôi đã dạy cho tôi một bài học quý giá về lòng biết ơn qua cách sống và những lời hay, ý đẹp rót vào tai tôi từ tấm bé. Điều này, cộng với những gì đã trải qua, khiến tôi cảm thấy thật hạnh phúc mỗi sớm mai thức dậy khi thấy mình còn khỏe mạnh, đi đứng bình thường và nhất là còn đủ sức đeo cái túi camera nặng gần 25 lbs, trèo đèo, lội suối để chụp được những tấm ảnh ưng ý.

Triết lý sống của tôi bây giờ là trân trọng tất cả những gì, dù lớn hay nhỏ, người khác làm cho mình và nếu không có cơ hội để trả ơn họ, tôi sẽ giúp đỡ những người kém may mắn hơn tôi như là một cách gián tiếp để cám ơn người đã giúp đỡ tôi. Đây là phương châm mà tôi nguyện sẽ áp dụng như một phần nào trả lại ơn của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang tôi và đồng bào của tôi từ bao nhiêu năm qua.

“Hạnh phúc không thể giúp chúng ta thấu hiểu về lòng biết ơn nhưng ngược lại, lòng biết ơn giúp chúng ta biết thế nào là hạnh phúc”. (Khuyết danh)

Mùa lễ Tạ Ơn 2022.

Viết Nách.

 

Đúng hơn là sống lòng biết ơn

Xem thêm...

Tâm Thư Góc Nhỏ Sân Trường

 Tâm Thư Góc Nhỏ Sân Trường 

 

Kính thưa quý Thầy Cô và quý Anh Chị.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Thấm thoát đã gần đến ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Diễn Đàn Góc Nhỏ Sân Trường (Dec/8/2012 - Dec/8/2022).

Ngoảnh nhìn lại thì thấy quãng đường suốt 10 năm dài thăm thẳm, nhưng hòa mình vào sinh hoạt đầy thương yêu của Gia Đình GNST nhiều người cảm thấy sao thời gian trôi nhanh quá!

Khởi đi từ những ngày đầu thành lập, số Thành Viên thật ít ỏi có thể đếm trên đầu ngón tay với hoài bão thật khiêm tốn là nối kết những anh chị em cựu sinh Trường Trung Tiểu Học Sao Mai Đà Nẵng.

Danh xưng Góc Nhỏ Sân Trường sau những hội ý của nhóm khởi xướng ra đời cũng chỉ muốn gầy dựng lại một khung trời nho nhỏ để cùng nhau nhớ lại những sinh hoạt xưa cũ nơi mái trường thân yêu.

Hữu xạ tự nhiên hương! Ai ngờ được sinh hoạt nơi một góc nhỏ khiêm nhường sau gần 10 năm đã chắp cánh vươn xa đến mọi ngóc ngách của năm châu bốn bể. Tính đến nay Đại Gia Đình GNST đã có tới 351 Thành Viên và có lẽ trong tương lai con số này còn vươn cao hơn nữa.

Chủ trương của trang GNST là kết nối tình Thầy Trò kính mến, tình bạn thân thương sau những thăng trầm lịch sử của đất nước qua những tâm tình, những chia sẻ. Và đúng như lòng mong ước, quý Thầy Cô và quý Anh Chị đã dành rất nhiều tình cảm ưu ái cho trang nhà, đã nhiệt tình tham gia đóng góp nhiều bài vở trong mọi lĩnh vực như Khoa Học, Sức Khỏe, Văn Học Nghệ Thuật, Đời Sống Xã Hội, Truyện Ngắn, Vui Cười, Ẩm Thực cùng những Hình Ảnh giá trị nghệ thuật rất tuyệt hảo.

Diễn Đàn GNST đã rất hân hạnh được đón nhận sự cộng tác của những Thi - Nhạc - Họa sĩ tài hoa tham gia sinh hoạt. Quý Anh Chị đã thổi một làn gió mới đến Diễn Đàn với những vần thơ, những khúc tình ca, những bức tranh đẹp - Đó là những sáng tác nhẹ nhàng nhưng sâu lắng chạm đến trái tim mọi người.

Cùng với những Nhiếp Ảnh Gia chuyên nghiệp và không chuyên tài ba, chúng ta đã được chiêm ngưỡng rất nhiều tác phẩm với những chủ đề đặc sắc tuyệt vời. Nhiều tác phẩm đã đoạt giải xuất sắc của những cuộc thi danh tiếng. Những đóng góp của quý Anh Chị đã đem lại một bầu không khí tươi thắm sắc màu, tô điểm cho GNST ngày càng phong phú, xinh đẹp.

Trong 10 năm qua, biết bao chia sẻ của quý Thầy Cô, quý Anh Chị đã để lại những dấu ấn hết sức ấn tượng:

- Những vần thơ dạt dào nỗi niềm thương nhớ, luyến lưu của tuổi học trò;

- Những khúc tình ca sâu lắng, từng lời ca nốt nhạc đã làm rung động biết bao trái tim người nghe;

- Những video clip ca nhạc hay, lãng mạn nhiều cảm xúc đẹp đến nao lòng;

- Những hình ảnh thành viên đời thường hào hùng của lứa tuổi trung niên pha lẫn nét tươi trẻ, xinh xắn, dễ thương;

- Những hình ảnh tuyệt đẹp với nhiều chủ đề khiến người thưởng thức phải ngưỡng mộ, thán phục;

- Những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ diệu kỳ;

- Những hình ảnh đẹp tinh tế của phần ẩm thực, những món ăn ngon đẹp đến ngỡ ngàng;

- Những cuộc gặp gỡ bạn bè phương xa thắm thiết ân tình;

- Những cuộc hành trình du lịch được kể lại thật chi tiết, hấp dẫn,dí dỏm với những hình ảnh tuyệt vời...

- Những chia sẻ trong lãnh vực chuyên môn như y tế, luật pháp, thương mại…giúp ích rất nhiều cho sinh hoạt hằng ngày của các Thành Viên

..... Và còn rất rất nhiều những dấu ấn riêng độc đáo khác nữa.

Tất cả những dấu ấn ân tình đó chúng ta luôn ghi nhận và khắc ghi trong lòng. Đó là những kỷ niệm dấu yêu khó quên của một thời đã qua. Trang GNST luôn là nhịp cầu nối ghi lại những dấu ấn ân tình kỷ niệm như những thước phim để mọi người có thể tìm lại.

 

Diễn Đàn GNST xin đặc biệt tri ân đến quý Thầy Cô đã hết tình thương mến, không những đã dốc hết tâm sức dạy dỗ mà còn tiếp tục cộng tác với DĐ suốt thời gian qua:

Thầy Trần Hoan Trinh (Trần Đại Tăng)

Thầy Lưu Như Hải.

Thầy Chu Văn Hiền.

Thầy Nguyễn Hải Bình

Thầy Nguyễn Xuân Hoàng.

 

Gia Đình GNST xin tri ân đến quý anh chị Moderator của DĐ đã dành rất nhiều hy sinh công sức và thời gian quý hóa giúp cho Trang Nhà luôn tươi đẹp và sinh động.

Chị Tê Hát (Thái Hằng)

Anh Trần Đào Khôi.

Chị Kim Quy.

Chị Kim Phượng.

Chị Hồng Vân (Về hưu vì sức khỏe)

Chị Kim Kỳ (Về hưu vì sức khỏe)

Chị Ngọc Lang (Về hưu lo cho gia đình)

 

Diễn Đàn GNST xin tưởng nhớ Thầy Lưu Như Hải, Thầy Trần Hoan Trinh (Trần Đại Tăng) và quý Anh Chị thành viên đã một thời tham gia sinh hoạt và đã phải từ giã chúng ta.

Vô cùng tiếc thương và xin thành kính nguyện cầu quý Thầy, quý Anh Chị được yên nghỉ muôn đời.

******

Bước qua thập niên mới.

Với một đứa bé, 10 năm là cột mốc trưởng thành để hướng đến tương lai. Cũng thế những cơ quan kinh doanh, cơ sở xí nghiệp cũng dùng cột mốc 10 năm để tổng kết hoạt động và hoạch định kế hoạch tương lai. Chúng ta vừa cùng nhau thoáng nhìn lại quá trình sinh hoạt của DĐ GNST. Có thể hình dung nếu mỗi chia sẻ, mỗi tâm tình trao ban cho nhau trong GNST như những trái tim yêu thương nho nhỏ thì giờ đây để chất hết những trái tim chan chứa tình thân ấy hẳn phải cần 1 kho chứa khổng lồ! Bước vào thập niên mới hẳn chúng ta cũng cần hoạch định những bước đi mới cho DĐ giúp cho Trang Nhà ngày càng phong phú hơn.

Với tâm tình đó, Ban Chủ Trương GNST luôn ước ao được đón nhận ý kiến của Quý Thày Cô, quý Anh Chị về những đề nghị giúp cho Trang Nhà thêm đặc sắc, thêm tươi đẹp, thêm phong phú.

Rất mong được đón nhận sự đóng góp nhiệt tình.

Kính thưa quý Thầy Cô và quý Anh Chị,

"Còn gặp nhau thì hãy cứ vui..."

Ước mong trang Diễn Đàn - Đại Gia Đình GNST vẫn luôn mãi là chỗ dựa tinh thần để chúng ta cùng tiếp tục chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, những đóng góp đong đầy ấm áp yêu thương và gắn bó. Chắc chắn là những cuộc chuyện trò giao lưu với nhau hằng ngày sẽ giúp chúng ta quên đi những mệt mỏi sau ngày làm việc căng thẳng, hay những lúc trầm tư khắc khoải trong cuộc sống.

Cùng cầu chúc cho nhau niềm vui, sức khỏe, hạnh phúc và những sự may lành.

Cùng chung tay tô điểm cho ngôi nhà GNST ngày càng phong phú, xinh tươi và bền vững.

Chân thành cám ơn và trân trọng kính chào.

 

BCH- GNST

Rust Thanksgiving Greetings Instagram Image Template | PosterMyWall

 

 

 
 
 
 
 
Xem thêm...

Xin cám ơn cuộc đời...

Xin cám ơn cuộc đời...

Hoàng Thanh

 Happy Thanksgiving Banner
 
Thứ Năm ngày 28/11/2013 sẽ là Lễ Tạ Ơn tại Mỹ. Trân trọng mời đọc bài viết đặc biệt cho mùa lễ tạ ơn năm nay của tác giả Hoàng Thanh. Cô tên thật Võ Ngọc Thanh, một dược sĩ thuộc lớp tuổi 30’., hiện là cư dân Westminster, Orange County. Bài viết về Lễ Tạ Ơn của cô mang tựa dề "Xin Cám Ơn Cuộc Ðời" kể lại câu chuyện xúc động, giản dị mà khác thuờng, bắt đầu từ cái bình thuờng nhất: " Chỉ với một nụ cuời..." Tựa đề mới đuợc đặt lại theo tinh thần bài viết.
Modern Family Praying at Thanksgiving Dinner Table
Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, "Dân ngoại quốc sao mà... "quởn" quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để có dịp bán thiệp, bán hàng để nguời ta mua tặng nhau thôi, cũng là một cách làm business đó mà..." Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó đuợc nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình. Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu đuợc ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn. Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Duợc Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi nguời làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cuời trên môi.

Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà. Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai doạn cuối. Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn muời mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại. Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thuờng ráng cuời vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhung lại bị tật nguyền, rồi từ dó bà bị bệnh trầm cảm (depressed), không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện ung thư. Mấy nguời làm chung trong tiệm cho biết là bà hiện sống một mình ở nhà duỡng lão. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm truớc ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cuời với tôi và đưa tặng tôi một tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi. Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền đi.
Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:

Dear Thanh,
My name is Josephine Smiley, but life does not "smile" to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living. I profit this Thanksgiving holiday to say "Thank you", Thanh.
Thank you, very much, for your smile...

(Thanh thân mến,)
Tên tôi là Josephine Smiley, nhưng cuộc sống Không có "nụ cười" với tôi cả. Nhiều lần tôi muốn tự tử, cho đến ngày tôi vào tiệm thuốc tây này. Cô là người luôn luôn mỉm cười với tôi, sau cái chết của chồng tôi và con trai tôi. Cô làm tôi cảm thấy hạnh phúc và giúp tôi tiếp tục sống. Nhân dịp ngày Lễ Tạ Ơn để nói lời "Cảm ơn", Thanh. Cảm ơn cô, rất nhiều, vì nụ cười của cô ...)
 
Rồi bà ôm tôi và bà chảy nuớc mắt. Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình uớt, nghe cổ họng mình nghẹn... Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cuời, mà tôi đã có thể giúp cho một con nguời có thêm nghị lực để sống còn. Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghĩa cao quý của ngày lễ Thanksgiving.
Ngày Lễ Tạ ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc truớc khi đóng cửa tiệm. Thì bỗng dưng một cô gái trẻ dến tìm gặp tôi. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm truớc. Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving. Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn uớc nguyện sau cùng của bà. Tôi bật khóc, và nuớc mắt ràn rụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:
My dear Thanh,
I am thinking of you until the last minute of my life. I miss you, and I miss your smile... I love you, my "daughter"...

*Thanh thân yêu,
Tôi đang nghĩ đến cô Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời tôi. Tôi nhớ đến cô, và tôi nhớ nụ cười của cô ... Tôi yêu cô , "con gái" của tôi...
 
Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm đó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, nguời "Mẹ American" đã gọi tôi bằng tiếng "my daughter"... Truớc mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn, dành cho bà, vào mỗi ngày lễ đặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó. Mãi cho dến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của nguời bệnh nhân này. Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã "cảm" được ý nghĩa thật sự của ngày lễ đặc biệt này. Thông thuờng thì ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt. Mọi nguời đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào đó, đem tặng cho nguời mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn. Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây (tuckey). Từ mấy tuần truớc ngày Lễ TẠ ƠN, hầu như chợ nào cũng bày bán đầy những con gà tây, gà ta, còn sống có, thịt làm sẵn cũng có...
 
Cứ mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, có cả trăm triệu con gà bị giết chết, làm thịt cho mọi nguời ăn nhậu. Nguời Việt mình thì hay chê thịt gà tây ăn lạt lẽo, nên thuờng làm món gà ta, "gà đi bộ." Ngày xưa tôi cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày biết Ðạo, tôi không còn ăn thịt gà nữa. Từ vài tuần truớc ngày lễ, hễ tôi làm được việc gì tốt, dù rất nhỏ, là tôi lại hồi huớng công đức cho tất cả những con gà, tây hay ta, cùng tất cả những con vật nào đã, đang và sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn. Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm dến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những buổi "Free meals" tổ chức bởi các Hội Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những nguời không nhà. Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những nguời dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, nguời da vàng cũng có, và có cả nguời Việt Nam mình nữa. Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều nguời không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp...để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm. Ở nơi đâu trên trái dất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều nguời đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta...
 
Nếu nói về hai chữ "TẠ ƠN" với những nguời mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái list của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều nguời khác. Chúng ta được sinh ra làm nguời, đã là một ơn sủng của Thuợng Ðế. Như tôi đây, có đuợc ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy... Cám ơn quê hương tôi -Việt Nam, với hai mùa mưa nắng, với những nguời dân bần cùng chịu khó. Quê hương tôi- nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm cả một thời thơ ấu. Quê hương tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê nguời...
Cám ơn Mẹ, đã sinh ra con và nuôi duỡng con cho đến ngày truởng thành. Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn đi, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ qua... Cám ơn Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên nguời. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học.... Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên nguời, đã truyền cho con biết bao kiến thức để con trở thành một nguời hữu dụng cho đất nuớc, xã hội... Cám ơn các chị, các em tôi, đã xẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê nguời, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại... Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm - buồn vui- những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được. Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì dể mà lưu luyến cả... Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa, đã "nuôi" tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon "gigo" cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nhỏ, hay những ly trà đá ở căn tin ngày nào.
Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật... Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc... Cám ơn những nguời tình, cả những nguời từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết đuợc cảm nhận đuợc thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly. Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương... Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc dời, để nhận ra cuộc sống này là vô thuờng... để từ đó bớt dần "cái tôi"- cái ngã mạn của ngày nào... Xin cám ơn tất cả... những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết. Bởi vì:
 
" Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau..."

Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng Mẹ, tặng Chị, tặng những người thân thương, và những nguời đã từng giúp đỡ tôi. Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói "Con thương Mẹ", hay một tấm thiệp, một cành hồng. Tình thương, là phải đuợc cho đi, và phải đuợc đón nhận, bởi lỡ mai này, những nguời thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?
Xin cám ơn cuộc đời...
Nguyễn Ngọc Quang 阮玉
(sưu tầm)
Xem thêm...
Theo dõi RSS này