Gia chánh

Gia chánh (111)

Bánh Trung Thu - Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

Bánh Trung Thu -

Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

 

Bánh Trung Thu - Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

Bánh Trung Thu không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng tinh thần và giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt. Nhắc đến mùa Thu, không thể thiếu hình ảnh những hộp bánh trung thu đa dạng về hình thức và hương vị, đang chờ đợi để trở thành món quà ý nghĩa trong các dịp lễ. Với sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và sự sáng tạo, bánh Trung Thu không chỉ là món ăn ngon mà còn là một phần quan trọng trong việc thể hiện tình cảm và tri ân.

Tinh Hoa Văn Hóa Trong Mỗi Chiếc Bánh

Bánh Trung Thu không chỉ là sự kết hợp giữa các nguyên liệu đơn giản mà còn là một tác phẩm nghệ thuật được truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những chiếc bánh truyền thống như bánh dẻo, bánh nướng được chế biến và trang trí một cách tỉ mỉ và tinh tế. Mỗi hình thức, mẫu mã và hương vị đều mang theo những giá trị văn hóa và ý nghĩa riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho mùa Trung Thu.

Bánh Trung Thu - Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

Bánh Trung Thu - Biểu Tượng Tương Thân Tương Ái

Mùa Trung Thu không chỉ là dịp để thưởng thức hương vị đặc biệt của bánh, mà còn là thời khắc để chia sẻ tình cảm và tương thân tương ái. Việc tặng bánh Trung Thu cho người thân, bạn bè, đối tác và những người mà bạn quý trọng là cách thể hiện lòng biết ơn và tri ân. Bánh Trung Thu không chỉ mang trong mình hương vị ngọt ngào mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu xa về tình thân, tình bạn và tình đồng nghiệp.

Sự Lựa Chọn Sáng Tạo Với Bánh Trung Thu

Ngoài những loại bánh truyền thống, ngày nay còn xuất hiện nhiều loại bánh Trung Thu mang hương vị và thiết kế sáng tạo. Những chiếc bánh nghệ thuật được làm thủ công, trang trí bắt mắt, những loại bánh nhân trái cây thơm ngon, hay thậm chí là bánh Trung Thu dành riêng cho người ưa thích hương vị quốc tế - tất cả đều là những sự lựa chọn sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới mẻ và độc đáo trong mùa lễ này.

Kết Luận

Bánh Trung Thu không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng tinh thần và giá trị văn hóa của người Việt. Với sự đa dạng về hình thức và hương vị, bánh Trung Thu trở thành món quà ý nghĩa trong các dịp lễ, thể hiện sự tri ân và tương thân tương ái. Hãy thử những sự lựa chọn sáng tạo với bánh Trung Thu để mang đến trải nghiệm mới mẻ và độc đáo cho mùa lễ đặc biệt này.

 

*********

Bánh trung thu dành cho ai?

 

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là Tết Trung Thu rồi. Tầm này ở Việt Nam, đường phố khắp nơi (nhất là ở Sài Gòn) hẳn rực rỡ, rộn ràng với không khí chộn rộn chuẩn bị đón Tết Trung Thu.

Các quầy bánh trung thu đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường với nhiều loại bánh từ các thương hiệu khác nhau, giá nào cũng có. Thực ra năm nào cũng vậy, từ trước tết trung thu hai-ba tháng đã thấy người ta rục rịch làm bánh bán rồi. Như Tết Trung Thu năm nay rơi vào giữa Tháng Chín, nhưng đâu đó từ cuối Tháng Sáu, cô em tôi đã mua được bánh trung thu từ Việt Nam gửi qua rồi.

Năm nay không biết sự suy giảm của nền kinh tế cùng với cơn bão Yagi vừa quét qua để lại không ít hậu quả chẳng biết có làm không khí trung thu khắp nơi hạ nhiệt bớt không. Trên các nền tảng mạng xã hội, người ta vẫn chào bán bánh trung thu tấp nập. Cứ như mạng và đời là hai thế giới tách biệt nhau vậy.

Cô bạn nhắn tin bảo, giá mà tôi còn ở quê nhà như mọi khi hẳn cô đã đem qua cho tôi vài hộp bánh trung thu, món ưa thích của tôi nhưng nay tôi đi vắng, cô ấy đang loay hoay với mấy hộp bánh mà chưa biết cho ai.

Chồng của bạn làm quản lý trong một công ty của nước ngoài. Công việc của anh tiếp xúc với nhiều nhà cung cấp nên lễ tết hay các dịp đặc biệt trong năm thường được các đối tác tặng quà, mùa nào thức nấy. Năm nào cũng vậy, đến mùa trung thu là chồng bạn khệ nệ đem về mấy hộp bánh trung thu cao cấp sau khi đã chia bớt cho nhân viên, đồng nghiệp ở công ty. Khổ nỗi chồng bạn chẳng bao giờ ăn bánh ngọt, bạn thì đang theo chế độ ăn kiêng để giảm cân, các con bạn thì không hảo bánh trung thu. Dù đã đem biếu bớt cho nội, ngoại và các thầy cô giáo của con nhưng vẫn chưa hết. Hỏi đến ai cũng lắc đầu nguầy nguậy, người sợ ngọt, người đang bị tiểu đường, người sợ tăng cân…

Trẻ em bây giờ dường như chẳng mấy đứa thích bánh trung thu như bọn tôi ngày xưa. Có khi vì cuộc sống “ngày xưa” ấy quá thiếu thốn, nghèo nàn nên ăn gì cũng thấy ngon, nhìn món gì cũng thấy thèm.

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Bánh trung thu xịn và đẳng cấp phải kể đến các loại bánh mang thương hiệu là tên của những khách sạn năm sao được thực hiện với số lượng có giới hạn chứ không bán đại trà như các hiệu bánh công nghiệp được bán tràn lan trên thị trường. Và do tiêu chí “limited edition” nên giá các loại bánh này cũng cao ngất ngưỡng và thường được dùng để tặng khách VIP. Chỉ cần nhìn cái tên thương hiệu nằm chình ình ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất trên hộp bánh như Sheraton, Park Hyatt, Equatorial… là đủ biết “level” của người tặng, người được tặng cũng như mức độ mối quan hệ giữa họ với nhau.

Lướt một vòng trên mạng, tôi bắt gặp giá riêng của một chiếc hộp đựng bánh trung thu nhãn hiệu Givral thôi là 350,000 đồng VN, bằng giá trị của một hộp bánh nhãn hiệu trung bình khác là đủ biết người ta làm ra những hộp bánh đắt tiền như thế là để phục vụ cho đối tượng khách hàng như thế nào. Và dĩ nhiên là một đứa bé ngoài thưởng thức miếng bánh trung thu, chúng đâu cần một chiếc vỏ hộp sang trọng, cầu kỳ nhưng đắt đỏ đến thế.

Nếu như thời con nít của tụi tôi, bánh trung thu chỉ là một dấu chỉ điểm báo một thời khắc của năm như bánh ú lá tre báo tết Đoan ngọ, bánh chưng bánh tét thì báo tết nguyên đán vậy… thì nay, sự xuất hiện của bánh trung thu báo hiệu một mùa làm ăn sôi động liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực khác nhau. Và do đối tượng tiêu thụ bánh trung thu ngày nay không chỉ là đám trẻ con vô tư, ngây thơ như trước nữa nên thành phẩm bánh trung thu cũng cầu kỳ, phức tạp hơn trước. Không kể đến chiếc bánh được làm bởi các thợ bánh chuyên nghiệp, các thành phần khác liên quan đến chiếc bánh cũng kéo theo một dây chuyền sản xuất, kinh doanh đáng kể như vỏ hộp bánh, túi (nhựa hoặc giấy) đựng hộp bánh, dao nhựa để cắt bánh, túi (hay hộp) trà đi kèm… Dù chỉ mang tính thời vụ nhưng việc sản xuất và kinh doanh bánh trung thu cũng đem lại cơ hội kinh doanh đáng kể cho nhiều người, từ các công ty chế biến thực phẩm đến những người kinh doanh online, làm bánh “homemade”. Thậm chí giới làm bánh còn truyền tai nhau chuyện có người làm bánh giỏi sau một mùa trung thu có thể sắm vài miếng đất là bình thường.

Nếu như ngày xưa, khách hàng mua bánh vào mùa trung thu là những ông bố bà mẹ nghèo như ba mẹ chúng tôi, cắc ca cắc củm dành dụm được chút ít tiền chỉ đủ mua cho lũ con lít nhít của mình vài chiếc bánh con heo (vỏ bánh nướng giống như bánh trung thu nhưng nhân đậu xanh). Nhà nào khá khẩm hơn chút đỉnh thì mua được mấy chiếc bánh trung thu nhân thập cẩm hẳn hòi bỏ trong bao bì bằng nylon trong suốt, ngoài là chiếc hộp giấy đơn giản có in hình mấy con rồng, phụng màu sắc loè loẹt.

Ngày nay, người ta mua bánh trung thu cho con mình ăn không nhiều bằng phụ huynh mua tặng cho thầy cô giáo của con, nhân viên mua tặng sếp, đối tác mua biếu nhau, công ty đặt bánh để biếu khách hàng hoặc tưởng thưởng cho công nhân viên của mình… nên hình thức, mẫu mã, giá tiền, kể cả cách người ta tặng bánh cũng đa dạng hơn. Có công ty in hẳn tên lên hộp hay túi đựng bánh như một hình thức quảng cáo. Có người mượn cớ tặng hộp bánh để gửi kèm cho sếp hay đối tác quan trọng những thứ quà khác “chất lượng,” “nặng ký” hơn để đổi lấy bổng lộc hay một thương vụ nào đó. Có người nhờ hộp bánh “thay lời muốn nói” để gửi gắm giáo viên, để con mình xin được vào trường điểm, trường xịn…

Nhưng dù gì đi nữa thì việc tặng bánh bây giờ không chỉ đơn thuần để bày tỏ sự quý mến, trân trọng và tấm lòng của người tặng mà đôi khi còn là gánh nặng, là trách nhiệm “phải trả ơn” của người được tặng nữa. Cho nên giá trị những hộp bánh trung thu (lẽ ra chỉ dành cho thiếu nhi) có khi lên đến cả chục triệu đồng cũng chẳng có gì khó hiểu.

Nếu như Tết Trung Thu ngày trước là ngày hội dành cho thiếu nhi hay là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ bày tỏ tình yêu thương dành cho con cháu trong nhà qua những món quà giản dị và phù hợp với lứa tuổi là những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, hình dạng đáng yêu hay những chiếc bánh nướng, bánh dẻo giá trị chẳng đáng là bao thì tết trung thu ngày nay là hoạt động vui chơi của mọi lứa tuổi. Thanh niên thì đưa nhau đi chụp hình check-in ở những khu phố chuyên bán đồ trung thu như Hàng Mã (Hà Nội), Lương Nhữ Học (quận 5, Sài Gòn)… Người lớn thì có người than thở khi mùa trung thu tới đồng nghĩa với việc biếu tặng, tốn kém. Cũng có người lớn khoe những hộp bánh sang, xịn được tặng nhờ quyền hành, vị thế của mình. Cũng có người khoe giàu bằng những hộp bánh đắt tiền, thừa mứa trong khi xã hội luôn bất công theo kiểu “kẻ ăn không hết, người lần không ra”…

Những người định cư ở Mỹ đã lâu không còn được biết đến không khí ồn ào, náo nhiệt của mùa trung thu nơi quê nhà. Những đứa trẻ Việt Nam lớn lên bằng thức ăn Mỹ không ăn bánh trung thu đã đành. Những đứa trẻ vẫn ăn thức ăn Việt Nam từ bà, từ mẹ mỗi ngày mà đưa bánh trung thu có khi cũng lắc đầu quầy quậy. Trung thu với những người con xa xứ có lẽ cũng như những ngày bình thường khác trong tháng hay như những mùa khác trong năm, chẳng có gì đặc biệt. Có khác chăng là những chiếc bánh trung thu người ta tự mua về ăn để nhớ một thứ món ăn theo mùa, để thấy như quê nhà vẫn đâu đây, để có cảm giác như mình vẫn đang sống cùng một nhịp với những người thân bên kia nửa vòng trái đất. Nếu không có các cộng đồng người Việt với các hoạt động lễ hội nhân mùa trung thu để gìn giữ, bảo tồn các hoạt động văn hoá của dân tộc, những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài có lẽ rồi sẽ quên mất một sự kiện quan trọng trong năm đã từng là một phần đáng nhớ trong ký ức tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ của ba mẹ chúng.

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Bây giờ chẳng cần đợi đến trung thu mới được ăn bánh nướng hay bánh dẻo. Có những cửa hiệu bán bánh trung thu quanh năm. Với các công thức làm bánh đầy đủ chi tiết trên mạng, ai cũng có thể tự làm bánh để ăn nếu muốn. Nên trung thu dần mất đi ý nghĩa khi nó không còn khiến người ta háo hức chờ đợi vì chỉ đến một lần trong năm như ngày xưa.

Nhiều người nói khi còn nhỏ ăn gì cũng thấy ngon, giờ nhìn gì cũng ngán. Có lẽ do hoàn cảnh cuộc sống thay đổi, vật chất đủ đầy khiến niềm vui ngày cũ giờ trở nên bình thường. Âu cũng là quy luật tự nhiên của sự thay đổi và thích nghi. Chỉ tiếc khi người lớn, vì những mục đích cá nhân đã làm cho một dịp lễ hội tinh khôi như ngày tết trung thu của trẻ con mất dần ý nghĩa của một nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống, biến nó thành ngày hội của người lớn chứ không còn là của trẻ thơ nữa. Chứ đã lâu rồi, có ai còn nghe mấy đứa con nít kêu thèm ăn bánh trung thu hay đòi ba mẹ mua cho nữa đâu?

(Bài và Hình: Thuỵ Vũ)

Ngọc Lan sưu tầm

Xem thêm...

ĐIỀU NHỮNG NGƯỜI SÀNH ĂN NHẤT CŨNG KHÓ BIẾT VỀ THỊT BÒ KOBE

ĐIỀU NHỮNG NGƯỜI SÀNH ĂN NHẤT

CŨNG KHÓ BIẾT VỀ THỊT BÒ KOBE

Bò Kobe nổi tiếng thế giới nhưng thực khách vẫn không biết những câu chuyện truyền tai về chúng thực hư ra sao.



Nếu đam mê khám phá ẩm thực, chắc chắn bạn từng nghe đến thịt bò Kobe. Nó được coi là một trong những loại thịt đắt nhất thế giới. Nhưng nhiều người vẫn tự hỏi bò Kobe có gì "ghê gớm" - ngay cả những thực khách nghĩ họ hiểu về thứ thịt hảo hạng này cũng không thực sự biết câu trả lời.

"Ngôi sao" mới nổi

Trong lịch sử, cá là nguồn thực phẩm chính của Nhật Bản. Trong nhiều thế kỷ, người dân xứ sở hoa anh đào còn bị cấm ăn thịt động vật bốn chân, trong đó có cả bò, vì Thần đạo cho rằng động vật chết sẽ làm cơ thể bị dơ bẩn.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào năm 1868, khi thành phố Kobe - thủ phủ tỉnh Hyogo (Nhật Bản) - trở thành một hải cảng quốc tế. Điều này dần khiến chính quyền cho phép người dân ăn thịt bò. Khách nước ngoài cũng góp phần tăng lượng thịt bò được tiêu thụ, nhưng phải mất thời gian thực phẩm này mới trở thành một phần quan trọng trong chế độ ăn của người Nhật.

Hậu Thế chiến thứ hai, tình trạng thiếu hụt lương thực buộc người dân phải thay đổi chế độ ăn. Trong thời kỳ chiếm đóng Nhật Bản (1945 - 1952), Mỹ bắt đầu thực hiện chương trình bữa trưa học đường cho trẻ em. Học sinh Nhật Bản biết đến thịt bò nhiều hơn, điều này dẫn tới tăng trưởng trong ngành công nghiệp thịt của quốc gia này. Thịt bò Kobe từ đây trở nên quen thuộc với người nước ngoài trong nhiều thập niên, và danh tiếng của nó thực sự vang xa khi ngành công nghiệp thịt khởi sắc tại Nhật Bản.

Thịt bò Kobe Nhật Bản. Ảnh: Mashed.

Bò Kobe và Wagyu có phải là một?

Một trong những điều khiến nhiều người nhầm lẫn nhất về bò Kobe chính là tên gọi, có thể dùng thay với bò Wagyu. Nhưng Wagyu và Kobe có phải là một không? "Câu trả lời là có và không", đầu bếp Gerald Chin trả lời First We Feast.

"Tất cả bò Kobe đều là Wagyu, nhưng không phải tất cả Wagyu đều là Kobe. Wagyu có nghĩa là thịt bò Nhật Bản. Bạn không thể gọi một loại thịt bò là Kobe nếu nó không có nguồn gốc từ vùng này tại Nhật Bản. Nếu gọi bò Wagyu là Kobe, chẳng khác nào gọi vang nổ California là champagne", đầu bếp Chin bày tỏ.

Để được công nhận là Kobe, bò phải thuộc giống Tajima-gyu được sinh ra, lớn lên và thậm chí giết mổ tại tỉnh Hyogo, trong đó Kobe là thủ phủ và thành phố lớn nhất tại đây. Ngay cả khi đạt những tiêu chuẩn này, thịt bò phải đáp ứng nhiều quy định khác để đảm bảo đạt chất lượng cao cấp nhất trước khi được đóng dấu xác nhận.

Bò Kobe không uống bia thường xuyên

Bò Kobe quá nổi tiếng nhưng thực khách không biết những câu chuyện truyền tai về chúng thực hư ra sao. Một trong những lời đồn thổi lan truyền rộng rãi nhất chính là bò Kobe được cho ăn theo thực đơn đặc biệt trong đó có một vại bia mỗi bữa.

Ý tưởng về giống bò sống trong nhung lụa là kết quả theo trí tưởng tượng của công chúng dành cho bò Kobe, và gần như mọi con bò Wagyu được chăn nuôi theo phương pháp của người Nhật.

Thực tế, chuyện này không hoàn toàn chính xác. Một số nông dân có cho bò uống bia để kích thích vị giác, đặc biệt trong những tháng hè khi chúng khảnh ăn hơn. Điều này giúp lượng mỡ tăng, khiến thịt bò mềm hơn. Đồ uống có cồn không thuộc chế độ ăn tiêu chuẩn, bò Kobe chủ yếu uống nước - dù vậy nhiều người, gồm cả người Nhật, vẫn nghĩ lũ bò thường xuyên say xỉn.

Bò được massage

Một bí ẩn khác về bò Kobe chính là thịt mềm do thường xuyên được nông dân xoa bóp. Thực tế, rất nhiều con bò chăn nuôi tại Nhật Bản được massage, nhưng không nhằm mục đích khiến thịt thơm mềm hơn.

Đầu bếp Gerald Chin cho rằng: "Phương pháp này giúp gia súc vận động. Ngày xưa, lũ bò ra đồng gặm cỏ và vận động rất nhiều. Khi trời lạnh, chúng sẽ vào chuồng, khớp của chúng sưng lên như bị viêm vậy. Nông dân phải vỗ vào người chúng để khi trở lại đồng, khớp của lũ bò không bị cứng. Đó là lý do người ta đồn thổi lũ bò được massage".

Một số nông dân Nhật Bản vẫn xoa bóp cho bò Kobe, nhưng việc này giúp chúng thư giãn hơn là nhằm có thịt ngon. Ảnh: Mashed.

Một lời đồn chính xác về chế độ chăn nuôi bò Kobe chính là bò có thức ăn chất lượng cao hơn tại Mỹ hay châu Âu. Chúng cũng nghe nhạc khi ăn, điều này kích thích cảm giác ngon miệng.

Thịt bò hảo hạng

Thịt bò Kobe có vân mỡ trắng xen kẽ với những thớ thịt đỏ với tỷ lệ đồng đều, ít béo và đạt đến độ mềm như tan ra trong miệng. "Bò Kobe thật hảo hạng, thịt sống được thái mỏng và đặt trên đá nóng. Chúng tôi phục vụ thịt sống để khách có thể tận mắt thấy đường vân trên từng miếng. Đó quả là một sản phẩm độc đáo", Devin Hashimoto, đầu bếp nhà hàng Mizumi tại Las Vegas (Mỹ), nhận định.

Tỷ lệ mỡ trong thịt bò Nhật Bản được đánh giá cao đến mức nó trở thành một tiêu chí để phân loại thịt. Tiêu chuẩn vân mỡ trong thịt bò (BMS) của Nhật Bản là từ 3-12, với mức 3 là tối thiểu, còn 12 là một miếng bít tết gần như mang màu trắng vì nhiều vân. Miếng thịt càng nhiều vân thì càng mềm, và đó là điều những người sành thịt bò đánh giá cao.

Điểm BMS càng cao, thịt bò càng đắt. Người Nhật loại bỏ mức 1 và 2 trong chỉ số BMS, vì miếng thịt bò ở mức này gần như không có vân.
Ảnh: Philippe Lopez/AFP.

Nhiều người có thể nghĩ thịt bò Kobe không lành mạnh do nhiều mỡ, nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Bò Kobe giàu chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol. Thịt bò Kobe cũng rất giàu axit béo omega-3 và omega-6, khiến nó trở thành một trong những loại thịt đỏ tốt nhất cho sức khỏe con người.

Thật giả lẫn lộn

"Burger bò Kobe có thể xuất hiện trong vô số thực đơn, nhưng thật nực cười khi một nhà hàng có thể bán với giá dưới 100 USD. Một chiếc sandwich bò Kobe giá 16 USD là điều không tưởng", bếp trưởng Hashimoto nói.

Thứ bò Kobe được thực khách gọi trong các nhà hàng nhiều khả năng là bò Wagyu. Một số loại bò Wagyu tại Mỹ có chất lượng cao, nhưng vẫn xếp sau Kobe. Thịt bò Wagyu thường sẫm màu hơn, không dậy vị và thơm ngậy như bơ.

Nhiều nhà hàng và nông dân có thể dùng lẫn lộn mác "thịt bò Nhật Bản", "bò Wagyu Nhật Bản", "Wagyu", "bò Kobe Mỹ" và "Kobe"... để tung hỏa mù. Đó là lý do thực khách có thể thấy nhà hàng này bán "bò Kobe" 16 USD và nơi khác bán với giá 200 USD.

Do kẽ hở trong quy định dán nhãn nguồn gốc xuất xứ, thịt bò thực khách được phục vụ có thể chỉ là bò nuôi tại Nhật Bản - ngoài vùng đặc trưng của bò Kobe tại tỉnh Hyogo. Đó cũng có thể là thịt của bò giống Nhật Bản, nhưng được nuôi tại Mỹ hay Australia. Khả năng cuối cùng tệ hơn, khi thịt bò đội mác Kobe thực chất là bò Nhật phối giống với bò Angus hoặc một giống bò rẻ tiền hơn.

Và nếu muốn thưởng thức bò Kobe mà không cần tới Nhật Bản, thực khách cũng khó có nhiều cơ hội. Theo Hiệp hội Xúc tiến Phân phối & Tiếp thị Thịt bò Kobe, có khoảng 5.000 đầu gia súc được chứng nhận là bò Kobe mỗi năm. Nguồn cung thậm chí còn khan hiếm hơn trên thị trường thế giới vì hầu hết thịt bò Kobe được tiêu thụ tại Nhật Bản, với 10% hoặc nhỉnh hơn được xuất khẩu.

Ăn bò Kobe sao cho chuẩn

Phần đông thực khách có xu hướng nghĩ thịt bò phải ăn kiểu bít tết - một phần thịt dày, ngon ngọt và hơi sém bên ngoài. Nhưng người Nhật ăn thịt bò rất khác. Chỉ có vài cách để đầu bếp chế biến bò Kobe: nướng vài dải thịt mỏng trên vỉ, rán những dải thịt mỏng với trứng sống, hoặc nhúng lẩu.

Thường đầu bếp Nhật sẽ cắt thịt bò thành những miếng nhỏ để khách dùng đũa gắp ăn, thịt chỉ được đảo nóng trong khoảng 40 giây - khác với những đĩa bít tết để khách cắt bằng dao dĩa kiểu Âu.

Theo: VNE/Mashed, Eate
Xem thêm...

Gỏi cuốn Việt Nam

Gỏi cuốn Việt Nam

 

BM

Món cuốn Việt Nam còn gọi là gỏi cuốn, nem cuốn, sal cuốn, gỏi cuốn mùa xuân tươi mát, hay bánh tráng cuốn. Đó là những cuốn bánh tinh tế chứa đầy sự kết hợp tươi ngon của các loại rau thơm tươi, rau giòn, protein như tôm hoặc thịt heo, và bún. Có thể xem gỏi cuốn là phiên bản thanh đạm và nhẹ nhàng hơn của món chả giò Việt Nam. Món ăn này dễ làm đến kinh ngạc, đặc biệt là nếu bạn đã chuẩn bị sẵn một góc nhỏ để cuốn mọi nguyên liệu. Bắt đầu bằng việc chuẩn bị mọi thứ: luộc chín bún khô, thái sợi rau củ, và cắt tôm làm đôi theo chiều dọc. Sau đó, chỉ cần làm mềm bánh tráng trong nước ấm, xếp nhân vào giữa và cuốn lại như những chiếc bánh burrito nhỏ.

 

Điểm nhấn của món ăn này là xốt tương đậu phộng xay nhuyễn — thơm ngon đến mức bạn sẽ muốn chấm mọi thứ vào đó! Gỏi cuốn là món ăn rất linh hoạt. Bạn có thể thưởng thức chúng như món khai vị nhẹ nhàng hoặc kết hợp với các món ăn yêu thích khác của Việt Nam, như phở. Gỏi cuốn cũng là món ăn hoàn hảo để tạo thêm nét tươi mới, đầy sắc màu cho bất cứ bàn tiệc mùa hè nào.

 

Nguyên liệu cần có để làm món gỏi cuốn Việt Nam

 

BM

Bơ đậu phộng mịn: Tạo nền tảng béo ngậy, đậm đà cho xốt chấm.

Tương đen Hoisin: Thêm hương vị ngọt và mặn đậm đà.

Tương ớt Sriracha: Thêm vị cay nồng; tùy ý tăng gấp đôi nếu bạn muốn cay hơn.

 

Giấm gạo: Tạo vị chua thanh để cân bằng hương vị trong xốt chấm, và tăng cảm giác tươi mát cho nhân cuốn.

Tỏi: Thêm chiều sâu hương vị cho xốt chấm.

Bún gạo: Tạo độ dai và cân bằng nền tảng dai-mềm cho nhân cuốn.

Cà rốt thái sợi: Thêm độ giòn và ngọt cho nhân cuốn. Mua cà rốt dạng gói cắt sẵn ở siêu thị là một cách tiết kiệm thời gian tuyệt vời.

Dưa leo Anh: Thêm độ tương phản tươi mát, giòn rụm.

Hành lá: Bổ sung chút hương vị hành cho món cuốn.

Nước mắm: Mang đến vị umami (vị ngọt của đạm) và một chút vị mặn.

Đường: Cân bằng vị chua và bổ sung chút ngọt.

Bánh tráng gạo: Những tấm bánh mỏng, trong suốt làm từ bột gạo và nước, thường dùng trong ẩm thực Việt Nam để làm gỏi cuốn và chả giò. Bánh tráng trở nên mềm dẻo và dễ cuốn hơn khi nhúng nhanh qua nước.

Lá xà lách cuộn hoặc lá rau diếp: Thêm độ giòn và tươi mát, giúp giữ chặt hỗn hợp nhân cuốn.

Tôm chín: Cung cấp chất đạm và vị ngọt nhẹ, mặn mòi.

Lá bạc hà: Thêm hương vị thảo dược thanh mát và màu sắc đẹp.

Lá ngò rí: Thêm chút tươi sáng, mùi thanh mát như chanh, và tạo màu xanh bắt mắt qua lớp bánh tráng.

 

 

Cách thức thực hiện

 

Bước 1: Làm xt chm tương đu phng

 

Cho bơ đậu phộng, tương đen hoisin, nước lọc, tương ớt sriracha, giấm, tỏi, và muối vào máy xay sinh tố. Xay nhuyễn hỗn hợp cho đến khi sánh mịn. Đổ ra tô và để sang một bên.

 

BM

Bước 2: Làm gi cun

 

Đun sôi một nồi nước lớn và thả bún gạo vào, nấu cho đến khi mềm, khoảng 3 phút. Vớt ra, xả lại dưới vòi nước lạnh cho bún nguội, và để ráo nước.

 

BM

Cho cà rốt, dưa chuột, hành lá, giấm gạo, nước mắm, và đường vào một chiếc tô vừa.

 


Chuẩn bị một chiếc đĩa tròn hoặc nồi lớn đựng nước ấm. Nhúng nhanh một miếng bánh tráng vào nước cho hơi mềm, khoảng 5 đến 10 giây.

 

BM

Lấy bánh tráng ra cẩn thận bằng hai tay và đặt lên một mặt phẳng sạch. Đặt 3 lá ngò rí và 3 lá bạc hà thành một hàng hơi lệch về bên trái trung tâm của miếng bánh, xếp 4 nửa con tôm lên trên, mặt cắt hướng lên trên, tạo thành một hàng bên trên các loại rau thơm.

 

BM

Giữ một chiếc lá xà lách trong tay, cho khoảng ¼ cup hỗn hợp cà rốt/dưa leo, và ¼ cup bún vào.

 

BM

Cuộn lại thành hình trụ, rồi đặt bên phải của phần tôm trên miếng bánh tráng, mép cuốn lá xà lách úp xuống.

 

BM

Cuốn lại: Nâng mép bánh tráng phần rìa gần nhân nhất, và cuốn chặt tay qua các hỗn hợp xà lách, cà rốt/bún, bảo đảm phần nhân được gói thật chặt. Tiếp tục cuốn bánh tráng về phía tôm và rau thơm, gấp hai cạnh bên của miếng bánh tráng vào giữa, cuộn cho đến khi cuốn bánh tròn trịa và mép bánh dính lại với nhau.

 

BM

Đặt gỏi cuốn lên khay, mép dán úp xuống dưới, đặt các cuốn bánh cách nhau một khoảng nhỏ để chúng không dính vào nhau, sau đó dùng khăn ẩm đậy lại. Lặp lại thao tác với các phần nguyên liệu còn lại, thay nước nếu thấy cần.

 

BM

Khi thưởng thức, bạn có thể cắt đôi mỗi cuốn theo chiều ngang nếu muốn, chấm kèm với xốt đậu phộng.

 

BM

 

Món gỏi cuốn Việt Nam

 

BM

·       S lượng: 12 cun

·       Thi gian chun b: 40 phút

·       Thi gian chế biến: 5 phút

·       Tng thi gian: 45 phút

·       Định lượng xt tương đu phng

·       1/3 cup bơ đu phng mn

·       ¼ cup tương đen hoisin

·       1/2 cup nước lc

·       1 mung canh tương t sriracha (có th tăng gp đôi nếu mun xt chm cay hơn)

·       1 mung canh gim go

·       1 tép ti, băm nh

·       3/4 mung cà phê mui

 

Định lượng nguyên liệu cho nhân cuốn

 

BM

·       85 gr bún khô

·       1 1/2 cup cà rt bào si/thái si

·       1 cup dưa leo Anh, b rut, thái si, khong 1 qu dưa chut nh

·       3 cây hành lá, ly phn màu xanh nht và đm, thái nh

·       2 mung canh gim go

·       2 mung cà phê nước mm

·       2 mung cà phê đường

·       12 miếng bánh tráng (Loi c 8 1/2 inch)

·       12 lá xà lách cun hoc rau diếp (khong 1 đến 2 cun; loi b hết sng rau)

·       24 con tôm c va, luc chín, ct đôi theo chiu dc

·       1 cup lá bc hà nh (nếu lá to thì ct nh li)

·       1 cup lá ngò rí

 

Chế biến xốt tương đậu phộng

 

BM

Cho bơ đậu phộng, tương đen hoisin, nước lọc, tương ớt sriracha, giấm, tỏi, và muối vào máy xay sinh tố. Xay nhuyễn hỗn hợp cho đến khi sánh mịn. Đổ ra tô và để sang một bên.

 

Chế biến gỏi cuốn

 

BM

Đun sôi một nồi nước lớn và thả bún gạo vào nấu đến khi mềm, khoảng 3 phút. Vớt ra, xả lại dưới vòi nước lạnh cho bún nguội, và để ráo nước. Đổ bún ra đĩa lớn và để qua một bên cho khô ráo.

 

Cho cà rốt, dưa leo, hành lá, giấm gạo, nước mắm, và đường vào một chiếc tô vừa.

 

Trộn đều

 

Chuẩn bị một chiếc đĩa tròn hoặc nồi lớn đựng nước ấm. Nhúng nhanh một miếng bánh tráng vào nước cho hơi mềm, khoảng 5 đến 10 giây. Lấy bánh ra cẩn thận bằng hai tay và đặt lên một mặt phẳng sạch.

 

Đặt 3 lá ngò rí và 3 lá bạc hà thành một hàng hơi lệch về bên trái trung tâm của miếng bánh tráng, xếp 4 nửa con tôm lên trên, mặt cắt hướng lên trên, tạo thành một hàng bên trên các loại rau thơm. Giữ một chiếc lá xà lách trong tay, cho khoảng ¼ cup hỗn hợp cà rốt/dưa leo, và ¼ cup bún vào. Cuộn lại thành hình trụ, rồi đặt bên phải của phần tôm trên miếng bánh tráng, mép cuốn lá xà lách úp xuống.

 

BM

Cuốn lại: Nhấc mép bánh tráng phần rìa gần nhân nhất và cuốn chặt tay qua các hỗn hợp xà lách, cà rốt/bún, bảo đảm phần nhân được gói thật chặt. Tiếp tục cuốn bánh tráng về phía tôm và rau thơm, gấp hai cạnh bên của miếng bánh tráng vào trong, cuộn cho đến khi cuốn bánh tròn trịa và mép bánh dính lại với nhau. Đặt gỏi cuốn lên khay, mép dán úp xuống dưới, đặt các cuốn bánh cách nhau một khoảng nhỏ để chúng không bị dính vào nhau, sau đó dùng khăn ẩm đậy lại. Lặp lại thao tác với phần nguyên liệu còn lại, thay nước nếu thấy cần.

 

Khi thưởng thức, bạn có thể cắt đôi mỗi cuốn theo chiều ngang nếu muốn, chấm kèm với xốt đậu phộng.

 

BM

Chuẩn bị trước: Gỏi cuốn có thể được chuẩn bị trước vài giờ. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín khay gỏi cuốn, giữ nguyên khăn ẩm bên trên, rồi cho vào tủ lạnh đợi đến khi dùng. Khi ăn, lấy gỏi cuốn ra khỏi tủ lạnh và để ở nhiệt độ phòng khoảng 15 phút cho hết lạnh.

 

Lưu ý: Hàm lượng dinh dưỡng cho mỗi phần ăn bao gồm 2 chiếc gỏi cuốn và khoảng 3 muỗng canh xốt tương đậu phộng.

 

Hàm lượng dinh dưỡng

Khẩu phần: 6 người

Số lượng mỗi khẩu phần: 2 gỏi cuốn/1 người

 

Lượng calo: 284, Chất béo: 1 g, Chất béo bão hòa: 0 g, Carbohydrate: 37 g, Đường: 4 g, Chất xơ: 3 g, Đạm: 5 g, Natri: 355 mg, Cholesterol: 32 mg

 

 

Jennifer Segal  _  Linh Đan  (BM)

 

Ngọc Lan sưu tầm

 

Xem thêm...

Canh Ngót Cá Khoai, Nồi Canh Biển Miền Nam - Trần Tiến Dũng

Canh Ngót Cá Khoai, Nồi Canh Biển Miền Nam 

Trần Tiến Dũng

Tháng 6, Sài Gòn mưa sáng, ngồi quán nhìn mưa, rồi thấy trang nhà anh bạn Trần Bá Đại Dương nói và đưa hình một mớ cá Khoai. Cá Khoai, tôi tin rằng người quê Gò Công xưa ưa cá Khoai hơn hết. Cá Khoai chưng tương hột, cá Khoai nấu canh ngót, khô cá Khoai nướng trộn dưa leo, rau thơm, với nước mắm tỏi ớt chanh đường…
 
Ờ mà dân miệt duyên hải miền Nam nào cũng ưa cá Khoai mà. Xương cá nhai nuốt gọn hơ như món thạch tráng miệng, thịt cá trong mềm nhưng không bở, vị cá ngọt thanh mà không tanh; gôm lại cá Khoai là loại cá như thể được sinh trưởng từ bọt biển khơi và mây trắng trên trời những hôm biển êm.
 
Cá Khoai ở chợ quê tôi ngày trước rất nhiều và rất tươi. Tôi cho rằng không vì cá Khoai rẻ mà được ưa, một loại cá người già, trẻ con đều ăn không sợ mắc xương người bình thường ăn các món cá Khoai vị ngọt ngon thấm đậm trong miệng nên nhớ và thèm miết. 
 
Tôi có mấy bà chị ở nước ngoài tuổi gần tám mươi, các chị về Sài Gòn món chị thèm nhứt, mong ăn nhứt là món cá Khoai nấu canh ngót. 
 
cangotnaungot
 
Nồi canh ngót cá Khoai thiệt đơn giản, gồm ít rau cần (hoặc lá húng quế) hành lá, cà chua, nêm nếm muối, ớt, tiêu sao cho vừa miệng. Miệt khác tôi thấy người ta ăn với nước mắm trơn hoặc nước mắm tỏi đâm và chút nước chanh, còn người quê tôi xưa ăn với nước mắm pha tỏi, ớt, chanh đường.
 
Nước canh cá Khoai có màu sương mai buổi sáng sớm, mùi thơm cá Khoai chín, mùi rau cần, mùi hành lá, mùi tiêu, ớt cứ như là hương vị riêng mà biển quê nhà ban tặng riêng cho bà con sống ven biển miền Nam.
 
Hẳn nhiên các món lẩu hải sản kiểu Tàu cũng ngon, nhưng đã là những người con sinh ra bên biển, được dưỡng nuôi trưởng thành người thì dù có phiêu lưu phương trời nào đi nữa thì cá nồi canh trong bữa cơm từ biển quê nhà vẫn mãi là thứ nước lèo mặn mòi, ngọt ngót riêng, cái riêng không nhất thiết được cảm nhận từ đại dương bao la mà chỉ nhỏ như một góc biển gần, một con thuyền nhỏ, một mái nhà trên bờ cát dịu dàng dấu tay của sóng êm, gió nhẹ.
 
 
Người Việt ngày nay có cách so sánh về người ra biển lớn, người ở lại biển nhà nhưng có lẽ vẫn luôn có nhiều người vẫn thường nấu canh và ăn bữa cơm có canh. Nồi canh chưa bao giờ được coi là biểu tượng gì đó văn hoá ẩm thực hay trong thực đơn hàng đầu được nước ngoài bình chọn của các món Việt, nồi canh có trong bữa cơm thường ngày người Việt nhất là người Miền Nam, có khi chỉ để dễ nuốt vậy mà no lành ngàn năm.
 
Với tôi, trong trường hợp nồi canh cá Khoai và các loại canh thuộc về biển khác, luôn luôn nhắc nhớ về biển và người thân quê nhà, nơi ấy cho dẫu mai sao không tìm thấy tôi. Người duyên hải có khi phải sống gần hết đời người ta mới biết từ lúc biết ăn cơm, biết chan canh họ đã mang theo biển. 
 
Trần Tiến Dũng
SG, 24-6-2024 

 

________________________________

 

Nồi Canh Chua Của Má

Đỗ Cường

 

 

Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau, bởi nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con.

Anh em có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua, đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.

Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: “Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà” dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi… ngày mai xách giỏ lẽo đẽo đi chợ với Má, thì ôi thôi “còn có danh gì với núi sông“ nữa.

Vào chợ, Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp…
 
Việc mua nguyên liệu, Má đã cẩn thận, thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa “reo” sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rổ…

Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.
 
Tôi không quên được tiếng húp xì xụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.

”Bà nấu ngon quá“ Ba tôi khen.

Nhìn chồng và các con ăn, tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện.

Có lần Má tôi hỏi:

“Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua?”.

Tôi liền đáp: “Cá, me, bạc hà phải không Má“.

Má từ tốn nói: “Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon, theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá… thì hương vị của canh chua như thế nào?. Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác, nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon.”
 
nguyen lieu canh chua ca loc 
Những điều Má tôi nói, giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng.

Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.

Tôi nghĩ “Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi.”
 
Ba năm sau!

Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi!

Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu.

Từ ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc.

Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.

Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.

Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm, tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi.
 
Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều.

Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ - ngò, ớt, hành… là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.

Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa.

Mọi người tin tôi không? “Bố ơiiiiiii tắm con”

“Yes Sirrrrrr “!!!

Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.

Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em.

Đang ăn cơm, tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu “Ăn canh chua làm em nhớ Má!“, từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi.
 
 
Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo!

Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt… vì túi tiền eo hẹp.

Nồi canh chua, tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc.

Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè.

Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói.

Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thãi.
 
Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:

“Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh!”

Em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói

“Tụi con ăn phí quá!”

Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.

Nếu tôi được một điều ước, tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng: “Má Ơi”.

Đỗ Cường
 
Ngọc Lan sưu tầm
Xem thêm...
Theo dõi RSS này