Văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật (1307)

Find out the latest local and worldwide news.

Children categories

Thơ

Thơ (27)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Âm nhạc

Âm nhạc (123)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Truyện

Truyện (260)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...

Niềm Nhớ và… nhớ Tam Kỳ

Niềm Nhớ và… nhớ Tam Kỳ

 

Gần 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ gương mặt trái xoan của chị họ tôi.  Chị đẹp, hát hay, khéo tay, nói năng vui vẻ. Bởi vậy chị có bao nhiêu chàng theo đuôi mỗi khi ra đường.  Nhớ có lần tôi đi nhà thờ với chị. Đột nhiên chị bảo tôi, “Chờ chút!”

Chị quay ngược lại phía sau bảo một “cái đuôi”, “Anh làm ơn đừng đi theo tôi nữa. Có được không?” Tôi như con ngố nghĩ thầm, “Làm sao mà chị biết có người đi theo? Mà anh kia đi theo chị làm chi vậy?” Tôi chẳng biết chị đẹp có tiếng trong vùng. Tôi chỉ biết chị làm gì cũng đẹp. Chị bó rau muống bằng lá mía. Bó rau của chị nhìn to và xanh mướt. Chị làm bánh mứt thật ngon với những thứ rẻ tiền như khoai, dừa, thơm, tắc. Chị sửa áo dài của mẹ chị thành cái áo đầm dễ thương. Chị tự cắt tóc loà xoà trên trán và dùng những chiếc đũa làm những lọn tóc xoăn rơi xuống bờ vai…

Biết thân phận con nhà lý lịch hạng thứ 13 bởi cha đi tù cộng sản, chị nộp đơn thi Cao đẳng sư phạm. Vậy mà vẫn không được đi học dù đủ điểm đậu. Chị ở nhà phụ mẹ bán xôi một năm. Rồi chị bị bịnh trầm cảm. Nhớ lần cuối cùng tôi gặp chị. Chị nằm yên lặng trên nền gạch bông trong phòng hơi tối nhưng mát. Mẹ chị bảo chị đang ngủ. Đầu tháng 6, 1985, tôi rời Tam Kỳ vào miền Nam nắng nóng. Cuối tháng 8, một người bạn đến thăm. Trước khi ra về, bạn báo tin chị đã tự vẫn. Năm ấy chị mới 19 tuổi… Bạn về, tôi ngẩn ngơ không tin đó là sự thật. Và tận đến bây giờ, trong những giấc chiêm bao, tôi vẫn thấy chị nhoẻn miệng cười vui vẻ với tôi.

 

Rất lâu tôi không về thăm Tam Kỳ. Dường như mọi thứ đã chìm sâu trong dĩ vãng. Những kỷ niệm đã bị chôn vùi dưới những bề bộn lo toan của cuộc sống. Tôi chẳng có thì giờ để chơi facebook gặp nhau với ai cả. Những ngày tết mới gọi điện thoại thăm một vài cô bạn thân.

Năm 2015 bạn bè Tam Kỳ liên lạc với tôi và rủ về họp lớp. Vì được báo trong thời gian quá ngắn, tôi không thể về được. Bạn bè thương tình gởi cho hình ảnh bạn bè ngày xưa họp mặt vui nhộn. Thế là những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về. Rồi hình ảnh của chị lại hiện ra, rồi lại nhớ. Một ngày Tháng Mười 2015, dầu rất bận rộn với công việc ở chỗ làm nhưng chẳng biết tại sao tôi lại nhớ chị đến lạ. Không ngăn được nước mắt, khóc mấy lần….

Rồi một giai điệu cứ lẩn quẩn trong đầu. Phải viết ra, phải hát thành tiếng. Và tôi đã viết bài Nhớ Tam Kỳ như vậy đó. Viết xong thì gởi cho chị em tôi, các anh họ và một vài người bạn thân trong nhạt nhòa nước mắt.

NHỚ TAM KỲ

Nơi phương xa, nhớ về Tam kỳ. 

Nhớ dòng sông lượn lờ, nam thị xã

Nhớ hàng xưa, xinh xắn dáng em ngoan,

Tay lùa hoa vàng, vương trên tóc mai

 

Bao năm qua, nhớ hoài giờ tan trường.

Đường Nguyễn Du tung tăng đàn bướm trắng

Em thơ ngây, đạp xe đi trên phố

Nét hồn nhiên, cho ai đứng ngu ngơ

Chiều Phường Một, em đùa vui trong nắng

Ai làm thơ, mơ dáng em hiền.

 

Em ra đi, lúc mùa thu về

Cúc vàng thôi buông, ban công Huỳnh Thúc Kháng

Tôi chia tay Tam kỳ, sân ga vắng

Lá bàng đong đưa, dường như em vẫy tay.

Chị ra đi vào tháng 7, nhưng đến cuối tháng 8 tôi mới biết tin. Vì vậy trong đầu tôi lúc nào cũng nhớ là chị đã ra đi vào mùa thu. Mấy năm trước đó, anh của chị tìm được ở đâu mấy nhánh cúc vàng đem về trồng dọc theo lan can trên lầu nhà chị. Mùa thu hoa vàng nở đầy trên những mắt lá rũ xuống khỏi lan can gần cả thước. Bao nhiêu cái đầu ngoái nhìn chuỗi cúc vàng buông lơ lửng trong nắng gió thu trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Chị đi rồi hình như hoa cũng không còn nữa. Nhớ lần chị đi chụp hình trong Phường Một với bạn bè và cho tôi xem những tấm hình vui tươi hồn nhiên của chị. Một trong những tấm hình của chị được làm hình mẫu đăng trong một tiệm chụp hình ở Tam Kỳ hồi đó. Có lẽ những hình ảnh đó đã gợi cho tôi ý tưởng để viết bài hát “Nhớ Tam Kỳ”.

Dầu hát không hay lắm nhưng năm 2017 tôi nhờ đứa cháu đàn để hát thu lại. Đang hát thì nghẹn lại không hát được. Đứa cháu không biết tiếng Việt nên không hiểu nội dung bài hát. Nó phải dừng lại mấy lần vì không biết tại sao tôi khóc. Nó hỏi, “Dì có sao không vậy?” Tôi kể cho nó nghe về chị họ tôi. Có lẽ nó hiểu một chút nên đổi lại hoà âm khúc mở đầu nghe có vẻ xa lắng hơn. Tôi để bài hát lên YouTube và gởi cho bạn bè Tam kỳ nghe. Một người bạn nhắn tin, “… Về lại Tam Kỳ một lần đi nhỏ à. Về thăm mộ Bé, gặp lại Tam Kỳ, nhìn đất nhìn người . . . Nhiều năm ở xa, có khi rất nhớ, như có điều gì missing and incomplete. Khi về, chạm lại đất xưa, gặp người gặp mình, sẽ thấy whole again.” Lừng chừng mãi và cuối cùng tôi cũng mua vé để về thăm Tam Kỳ năm 2020. Nhưng Covid tới. Thế là chuyến đi bị huỷ bỏ dường như là vĩnh viễn.

Năm 2022 gặp lại một cô bạn học cùng lớp. Bạn kể về bạn bè những năm tôi xa Tam Kỳ. Ký ức lại quay về rõ ràng như thể chuyện xảy ra hôm qua. Bạn nhắc lại con đường nhà tôi ở ngày xưa và dĩ nhiên là có chị. Tôi nhớ ngày xưa chị có bao nhiêu người theo đuổi và có một vài người trong số đó bây giờ vẫn còn nhớ đến chị. Và cũng trong năm 2022 cậu con trai tôi học đàn bài “A Comme Amour”. Tôi nghe thích quá mà không tìm thấy lời Việt nên ngẫu hứng viết lời Việt cho bài đó và đặt tên là Niềm Nhớ.

Cứ nghe nhạc là lời tuôn ra. Dường như những câu chuyện về chị đã xuất ra thành lời. Tôi cũng có tập tành viết lời Việt cho một vài bài Thánh ca nhạc Mỹ tôn vinh Chúa. Thường thì những bài đó tôi viết rất lâu. Có bài viết đến vài tháng. Nhưng tôi viết bài “Niềm Nhớ” rất mau.  Viết mau đến nỗi cứ tưởng mình nhớ bài này ở đâu. Tôi phải hỏi bác Lâm Viên và cô Vĩnh Phúc để biết chắc là bài “A Comme Amour” không có lời Việt.  Cô Vĩnh Phúc đã gởi cho cái link hát bằng tiếng Pháp. Thế là tôi hát chồng lên đó để thu bài “Niềm Nhớ”.

Dầu biết rằng, đã có bài “Niềm Nhớ” của Trịnh Nam Sơn, tôi vẫn muốn đặt tựa đề của bài hát như vậy. Phải! Đó là những niềm nhớ của tôi và những người biết về chị đã nhớ chị, một người đẹp của Tam Kỳ đã ra đi rất sớm. Những niềm nhớ về những tháng ngày vui tươi hồn nhiên cũng như những ước vọng học hành của chị. Những niềm nhớ cứ còn hoài trong tôi tưởng như không dứt ra được.

Vậy mà tôi đã quên mất bài hát đó! Tháng 5, 2024 tôi về thăm Tam Kỳ. Những chốn cũ của tôi ngày xưa hoàn toàn bị xoá bỏ. Tam Kỳ bây giờ là một thành phố đông đúc chẳng có một chút dấu vết gì của thị xã nhỏ bé của tôi ngày xưa. Nhưng may mắn thay, bạn bè của tôi vẫn còn ở Tam Kỳ. Và tôi đã tìm thấy được một chút Tam Kỳ xưa. Tôi đến thăm mộ chị, nằm chen chúc giữa rất nhiều ngôi mộ khác ở Gò Trời. Tôi cầu nguyện nơi mộ chị và không ngăn được nước mắt rơi. Tôi nghe mình lặp lại những lời cầu nguyện của mẹ chị gởi gắm cho tôi khi biết tôi về thăm Tam kỳ. “… Xin Chúa cho chúng con gặp lại chị nơi nước Ngài vì chị đã một lần mở lòng ra tiếp nhận Chúa…” Tôi cảm thấy thương tiếc chị vô cùng!

Khi về nhà, dầu bận bịu với gia đình và công việc ở chỗ làm, đầu óc tôi vẫn nhớ đến chị. Thương chị nằm nơi đó một mình vì gia đình và họ hàng nhà tôi không còn ai ở Tam kỳ nữa.

Rồi một hôm, khi tôi làm video cho hoa trong vườn nhà, thấy bài “Niềm Nhớ” nổi lên. Tôi ngỡ ngàng khi nghe bài hát. Không nhớ tại sao tôi lại có được ca từ như vậy. Dường như tôi đã viết bài này trong mơ! Tôi phải lục lại những email trao đổi với mọi người để tìm lại những ý tưởng và để viết những dòng này. Xin lưu ý là tôi không dịch bài “A Comme Amour” nhưng chỉ dùng nhạc của bài đó để viết bài “Niềm Nhớ” cho chị Thanh Vân – chị họ của tôi.

Cảm ơn Nhi Sa đã gợi ý đổi một vài chữ để lời đi với nhạc nghe hay hơn nhiều. Mời mọi người cùng nghe và hát bài “Niềm Nhớ” với tiếng đàn guitar của Nhi Sa.

NIỀM NHỚ –  Lời Việt : Thuỷ Như

(Nhạc Pháp: A COMME AMOUR – Paul de Senneville and Olivier Toussaint)

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Và ta còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Ngày ấy, lòng ta vấn vương thương một tiếng cười
Lòng ta ước mong bên một dáng hình
Lòng ta ước mơ đi cùng với người
Lòng ta ước mãi bên người thôi

Tìm trong năm cũ, ngày tháng ấy tươi vui hồn nhiên thật
Giờ ngồi nhớ tuổi thơ vui vô tận
Mình rong ruổi những con đường quen thuộc
Nào đâu biết chia tay biệt ly
Thế gian đổi thay, (lòng vẫn không quên những ngày xưa)

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Nhớ nhiều, ngày xưa cũ vui tươi cùng bao ước vọng
Một mơ ước lang thang tận cuối trời.
Một đôi mắt trong veo rạng rỡ cười.
Ngày xưa cũ không bao giờ phai.

Thủy Như

Như Tuyền sưu tầm

 

Xem thêm...

SƠN MÀI THÀNH LỄ, QUÁ KHỨ VÀNG SON

SƠN MÀI THÀNH LỄ QUÁ KHỨ VÀNG SON

Tác phẩm “Deer”, sáng tác 1950, sơn mài 4 tấm, xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Hong Kong với giá 279.400 HKD.

Trong một dịp tình cờ, chúng tôi xem được một trang trong bộ lịch in màu năm 1962 mang tên “Công nghệ Việt Nam” do một cơ quan nước ngoài bỏ vốn ra in. Tờ tháng Hai in hình nữ ca sĩ Kim Chi bên cạnh một chiếc chén, dĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng do nhà Thành Lễ sản xuất. Lòng tô và đĩa màu vàng nhũ. Họa tiết cành trúc đơn giản nhưng sang trọng trên nền trứng cẩn trắng ngà rất hài hòa. Những sản phẩm mỹ nghệ cách nay hơn nửa thế kỷ thật tinh tế và không thua kém bất cứ sản phẩm mỹ nghệ cao cấp hiện nay.

Đó là một sản phẩm nhỏ tiêu biểu của hãng Thành Lễ, một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ cao cấp khét tiếng của miền Nam trong suốt hơn 30 năm trước 1975. Đây chính là công ty thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ trang trí nội thất, được bày bán ở hai con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc đó là Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Hàn Thuyên. Tên tuổi của công ty vượt ra khỏi biên giới nước Việt thời chia cắt.

Theo Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số tháng 10 năm 1972 xuất bản tại Sài Gòn, đến thời điểm đó, hãng Thành Lễ đã có những thành tích như sau: Huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Munich 1964 – Huy chương Bạc do Bộ Kinh tế (Nam Việt Nam) trao năm 1968 – Bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969 – Huy chương và Bằng cấp Danh dự Hội chợ Paris 1970 – Huy chương vàng Hội chợ Kỹ nông công thương Sài Gòn 1970.

Bản vẽ mẫu sơn mài của họa sĩ Thái Văn Ngôn.

Quảng cáo trên báo cho hãng Thanh và Lễ của hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ khi chưa tách ra thành hai hãng
 
Chân dung ông Nguyễn Thành Lễ

Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền. Ảnh: Đức Trí

Một mẫu phổ biến của sơn mài Thành Lễ

Ngoài ra, sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956) và Hoa Kỳ (1959).

Đến nay, Việt kiều các nước, nhất là từ Pháp và những người thích nghệ thuật trong nước vẫn tìm mua các sản phẩm của Thành Lễ. Họ trưng bày trong nhà như để tìm lại một không khí êm đềm và thịnh vượng của đô thị Sài Gòn trước đây. Dân trung lưu trở lên của Sài Gòn và các tỉnh lỵ mua được bức tranh sơn mài Thành Lễ, đôn voi, bình gốm Thành Lễ hay thảm len Thành Lễ đã cảm thấy đủ để tạo nên vẻ sang trọng của ngôi biệt thự hay căn phố của mình.

Tuy nhiên, nói riêng về tranh sơn mài mỹ nghệ là sản phẩm chủ lực của Thành Lễ, cần phân biệt có hai loại. Một loại bán rộng rãi trong showroom với logo có chữ Thành Lễ và loại kia là tranh cao cấp, làm theo Hợp đồng đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Theo họa sĩ Phạm Cung (có thời gian phụ giúp họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ chính tạo mẫu tranh cho hãng Thành Lễ) loại tranh cao cấp được xác định bằng một logo vẽ phía sau tranh có hình con rồng, phía dưới là chữ Thành Lễ nằm vắt ngang và dát bằng vàng 4 carat. Các giải thưởng nói trên thuộc về loại tranh cao cấp này.

Một chiều cuối năm 2008, chúng tôi may mắn gặp lại lão họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền, thường gọi là bác Ba Tuyền tại Bình Dương, quê hương của công ty Thành Lễ. Sinh năm 1924, có lẽ bác là họa sĩ hiếm hoi làm việc lâu nhất cho Thành Lễ (từ 1943 đến năm 1975) còn sống. Những họa sĩ cùng làm việc cho công ty là ông Hai Sù, Châu Văn Trí, Ba Ai, Bảy Dậy, Năm Châu (điêu khắc), Nguyễn Tấn Tam, Nguyễn Văn Tám, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm, Trần Văn Nam, Trần Văn Sáu (sáng tác mẫu sơn mài), Ngô Từ Sâm (vẽ lụa), Văn Thọat, Lương Định Tánh (vẽ bàn ghế), các nghệ nhân Bảy Giáp, Sáu Miền, Hai Long (cẩn ốc), Sáu Sa (vẽ men gốm)… hầu hết đã quy tiên.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Vật dụng sơn mài Thành Lễ trong bộ lịch “Công nghệ Việt Nam” năm 1962.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Theo bác Ba Tuyền, tiền thân của Thành Lễ là xưởng “Thanh & Lễ” do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ hợp tác sáng lập năm 1940. Đến đầu những năm 60, ông Nguyễn Thành Lễ tách ra riêng, lập nên xưởng Thành Lễ. Từ đó, bắt đầu một quá trình sản xuất và kinh doanh đủ tạo dựng một tên tuổi không phai mờ.

Bác Tuyền nhớ họa sĩ Thành Lễ sinh năm 1919 tại Long Xuyên, học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940 (có tài liệu cho là năm 1938), trước bác Tuyền hai khóa. Khi tách ra, xưởng sơn mài Thành Lễ đặt tại Bình Dương có 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân vẽ kiểu, 20 người mộc, 60 người chuyên về sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Xưởng sản xuất Thành Lễ được xây dựng khá quy mô ở Bình Dương.

Bên cạnh xưởng chế tác là phòng trưng bày được trang trí rất đẹp. Ở đây trưng bày đa dạng sản phẩm từ các bức bình phong lớn, đề tài phong phú từ đề tài lịch sử như Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán, trận Đống Đa, Bạch Đằng Giang, các tích Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, cảnh đẹp Việt Nam như sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Tháp Chàm, cảnh sinh hoạt nông thôn và hình ảnh người nông dân, hình ảnh hoa lá chim muông… Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác như vật dụng gia đình phủ sơn mài mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, bàn ghế, tủ và các món đồ trang trí khác.

Các sản phẩm Thành Lễ và nhân viên ở cửa hàng.

Bức bình phong sơn mài của hãng Thành Lễ in trong cuốn sách Vietnam, where East & West meet. Tác giả: Do Van Minh-Edizione Quattro Venti, Rome xuất bản 1962
.
Trong xưởng sơn mài của hãng Thành Lễ. Người dưới mũi tên là họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ tạo mẫu nổi tiếng của hãng. Ảnh: Gia đình họa sĩ Duy Liêm.

Thái tử Sihanouk, vương quốc Cambodia thăm Công ty Thành Lễ vào đầu thập niên 1960 và xem họa sĩ Ba Tuyền vẽ tranh sơn mài. Góc trái là họa sĩ Lưu Đình Khải, hiệu trưởng trường Mỹ thuật Gia Định.

Logo công ty.

Năm 1962, Thành Lễ mở xưởng dệt thảm len và sát nhập các cơ sở thành xưởng sơn mài – lò gốm – thảm len Thành Lễ. Từ vài chục công nhân ban đầu, sau xưởng có đến 500 công nhân làm việc. Bác Tuyền cho biết từ thời đó, Thành Lễ đã tổ chức kinh doanh và tiếp thị rất có bài bản. Ông Thành Lễ giỏi tổ chức, có tài năng chuyên môn và biết thu hút nhiều người giỏi từ các nôi như trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ nghệ Biên Hòa và Mỹ nghệ Bình Dương. Các họa sĩ dưới trướng ông có nhiều người giỏi, từng đoạt các giải thưởng hội họa uy tín. Xưởng Thành Lễ đã sáng tạo nhiều mẫu đẹp, giàu giá trị nghệ thuật. Nhiều mẫu mã chỉ dùng một lần cho một tác phẩm nên giá trị nghệ thuật cao và là sản phẩm độc bản.

Theo các tài liệu, ông Thành Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập khuôn, luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng tạo cho tới khi đạt tới giá trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Bù lại, ông có chế độ lương và thưởng cao nên các họa sĩ làm cho ông sống thoải mái bằng đồng lương. Riêng môt mình họa sĩ Ba Tuyền trong suốt hơn ba mươi năm đi làm có thể ung dung nuôi bảy người thân gồm cha mẹ, vợ và bốn người con đang ăn học.

Ông Thành Lễ thường đi nước ngoài nghiên cứu sưu tầm mẫu mã đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng châu Âu. Trong quá trình định hướng phát triển, ông tập trung sản xuất tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phối hợp các nghệ thuật nắn tượng, trang trí, hội họa, điêu khắc. Màu sắc sản phẩm chú trọng giá trị thẩm mỹ, trang nhã và đẹp, nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt đến giá trị nghệ thuật cao.

THÀNH LỄ – Suối tóc. Sơn mài. 95x56cm. Sưu tập Phạm Hoàng Việt

Thành Lễ – Bên dòng Cửu Long. Khoảng 1950. Sơn mài. 61x126cm. Sưu tập Ngô Kim Khôi

TRƯƠNG VĂN THANH – Chùa Thầy. Khoảng 1950. Sơn mài. 50x80cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Nhờ tham gia nhiều hội chợ quốc tế và liên tục đọat giải, sản phẩm của ông tạo tiếng vang tốt. Dù vậy, ông không chạy theo lợi nhuận mà luôn đề cao chất lượng. Ở mặt hàng sơn mài chủ lực, ông dùng nguyên liệu tốt nhất như ván ép En Kounmé nhập ngoại, ván gỗ Teak (Giá tị) hoặc Gõ đỏ, Bời lời. Trong sơn mài, nguyên liệu chính là sơn Nam Vang có độ bóng và màu sắc có vẻ đẹp riêng.

Sản phẩm trưng bày tại hội chợ quốc tế nếu được đặt mua, ông không vội giao hàng mà đợi đến sáu tháng sau khi xuất xưởng mới giao, sau khi theo dõi chất lượng tranh hay món đồ có bị biến dạng bởi thời tiết của xứ người không. Nói chung, ông không coi trọng sản luợng mà chỉ quan tâm đến chất lượng, không hề khoán sản phẩm để đạt năng suất cao mà chỉ coi trọng sản phẩm đủ đẹp hay chưa. Có lẽ do vậy, sản phẩm ở đây luôn cao giá hơn cơ sở khác nhưng vẫn đắt khách.

Cũng theo bài báo trên tờ Nguyệt san Quản trị xí nghiệp, không tính đến doanh thu trong nước, đến năm 1972 Thành Lễ xuất cảng mỗi năm với doanh số 100.000 Mỹ kim, là con số đáng kể thời bấy giờ (giá một lượng vàng lúc đó là 200 USD), sản phẩm chủ yếu xuất qua Pháp và Tây Đức. Lúc đó, sản phẩm của Công ty giá vẫn cao hơn hàng cùng loại của Nhật hay Đài Loan vì chất lượng cao, hoàn toàn làm thủ công và dùng nguyên liệu tốt nhất từ nước ngoài. Tiềm năng xuất cảng rất tốt nhưng ông Thành Lễ phải từ chối nhiều đơn hàng vì vấn đề quan trọng nhất là thiếu nhân công do tình trạng bắt lính thời gian đó. Tuy vậy, ông đã hướng tới việc mở thị trường sang Hoa Kỳ, xây dựng xưởng tại khu công nghiệp Biên Hòa với 2000 nhân viên. Kế hoạch này bị đình trệ từ Tết Mậu Thân và đã không thành vì Thành Lễ ngừng hoạt động từ năm 1975.

Những công trình sang trọng nhất của Sài Gòn trước 1975 đều đặt tác phẩm Thành Lễ như phòng ăn dinh Gia Long với tranh sơn mài, khách sạn Caravelle cũng có tranh Thành Lễ. Theo trí nhớ của bác Ba Tuyền, năm 1966, dinh Độc Lập được khánh thành ngoài sự hiện diện của hai bức tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn là người của Thành Lễ, còn có một tấm Thảm len của xưởng Thành Lễ dài 40 mét phải hơn 40 người khiêng, khi đưa đến phải dùng xe rờ moọc dài mới tải nổi. Khách sạn nổi tiếng Majestic cũng đặt một bức cửa lùa chạm thủng mang tên “Đám cưới xưa”. Ngoài ra, nhiều khách quốc tế khi đến Sài Gòn đã được giới thiêu đến tham quan xưởng Thành Lễ. Bác Ba Tuyền còn giữ tấm ảnh thái tử Xihanúc (Campuchia) thăm xưởng và đăt hàng vào những năm 60, như một kỷ niệm quãng đời làm việc.

Theo họa sĩ Phạm Cung, làm việc tạo mẫu tại công ty Thành Lễ trước kia, có lần khoảng đầu thập niên 1960 bên Nhật đặt tới ba ngàn bức tranh sơn mài các kích cỡ về Phan Bội Châu, người phát động phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20. Làm xong một số lượng tranh rồi, họa sĩ Phạm Cung tìm được bức ảnh cụ Phan đang chống gậy trong thời kỳ “Ông già Bến Ngự” cuối đời ở Huế. Bức tranh đựợc làm thử một tấm và khi phía Nhật thấy được, họ quyết định thay đổi mẫu mã cũ, làm tiếp số tranh còn lại từ mẫu này. Ông Cung nhớ lại, tranh làm hoàn hoàn bằng gỗ dầu chứ không bằng ván ép như thông thường, khổ lớn nhất là 80x120cm. Qua đó, chúng ta hình dung được vai trò của cụ Phan trong tâm thức của người Nhật.

Brochure công ty bằng tiếng Pháp.

Bình hoa gốm và tượng sơn mài Thành Lễ trang trí trong nhà ông Trần Công Vàng ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Đức Trí

Catagoge

Sau 1975, ông Thành Lễ cùng gia đình sang sống ở Pháp, đất nước đã kết nạp ông vào Hội Mỹ thuật quốc gia. Trong một bài viết trên trang mạng Hồn quê, tác giả Bích Xuân cho biết “Tác phẩm sơn mài Thành Lễ đựợc treo tại những dinh thự như Tư dinh Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santé) tại Thụy Sỹ…”

Hơn ba mươi năm trôi qua, dù được khẳng định giá trị trong suốt hơn nửa thế kỷ, tên tuổi Thành Lễ dường như vẫn chưa vượt qua được cái nhìn coi nhẹ hàng mỹ nghệ dù cho nó đạt tới mức nghệ thuật nào. Năm 1960, Sài Gòn tổ chức Cuộc triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ nhất, bên cạnh tác phẩm của các tên tuổi nổi tiếng thì tác phẩm sơn mài của Công ty Thành Lễ cũng được mời trưng bày và sau đó, có ngay bài phê bình trên tạp chí Bách Khoa số 141 ra ngày 15 tháng 1 năm 1962. Tác giả cho rằng tác phẩm sơn mài Thành Lễ lạc lõng, “có lẽ nên dành cho những cuộc triển lãm riêng về đồ tiểu công nghệ”. Không thấy nêu lý do.

Năm 2009, trong cuốn Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam Hiện đại tổng kết quá trình mấy chục năm theo dõi mỹ thuật miền Nam trước và sau 1975, khi nói về nghệ thuật sơn mài Việt Nam, sau khi nêu thành tựu của các họa sĩ trẻ của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đưa sơn ta vào hội họa, nâng cao vai trò một chất liệu quý trước đây chỉ dừng ngang mức mỹ nghệ lên vị trí đáng nể trong đời sống mỹ thuật trong và ngoài nước ở giai đoạn 1930-1932, tác giả Huỳnh Hữu Ủy viết: “Vài người gốc miền Nam tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Hà Nội như họa sĩ Nguyễn Văn Long đã mang về phổ biến những kết quả mới này ở trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một…

… Ngành sơn mài phát triển rộng, nhân dân thị xã Thủ Dầu Một và các vùng lân cận hầu hết chuyên sống bằng nghề sơn mài. Từ những hàng mỹ nghệ gia dụng nhỏ đã phát triển ngày càng lớn hơn, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao như tủ, bàn, bình phong các loại tranh trang trí gây được sự hấp dẫn ở nhiều nơi, xuất khẩu qua các nước Tây Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ… chiếm được nhiều Huy chương vàng tại hội chợ quốc tế.

Thành công khá lớn của xưởng Mỹ nghệ Thành Lễ trước đây là một chứng cứ điển hình, tuy nằm ngay tại trung tâm Sài Gòn nhưng thực chất là đăt căn cứ trên vùng Thủ Dầu Một, các mặt hàng hầu hết đều do nghệ sĩ sơn mài của trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một đảm trách, hoặc nếu không thì cũng là những người thợ có ít nhiều có liên hệ hay nằm trong ảnh hưởng của trường này.

Với đà phát triển đó, thế hệ những nghệ sĩ sơn mài mới, tài hoa, đam mê, năng nổ, đã đưa nghệ thuật sơn mài đến những vinh quang cao nhất của một phong cách nghệ thuật riêng, rất bí ẩn, kỳ diệu, sâu thẳm, tưởng là phi hiện thực nhưng lại hoàn toàn gần gũi với đời sống con người, phản ánh hiện thực với quy luật chắt lọc tinh túy riêng của nó”.

Đó là sự khẳng định giá trị của sơn mài mỹ nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật mà Thành Lễ là cánh chim đầu đàn. Tuy vậy, hầu như đến bây giờ có rất ít tài liệu, bộ phim, triển lãm trong nước chính thức ghi nhận về giá trị mỹ thuật hay tài năng kinh doanh của Thành Lễ, một thương hiệu có tầm vóc vượt ra khỏi biên giới một đất nước đang trong thời chiến tranh.

Dù sao, trong lòng những người yêu nghệ thuật miền Nam, tên tuổi Thành Lễ vẫn còn vang vọng như một hoài niệm, một quá khứ vàng son. Và chắc chắn, một tình cảm trân trọng giữ gìn dành cho dòng đồ của một xưởng mỹ thuật danh tiếng đã quá vãng này vẫn âm thầm tồn tại.

Phạm Công Luận
(trích trong cuốn Sài Gòn – chuyện đời của phố tập I. Công ty văn hóa Phương Nam xuất bản 2014)
 
Kim Phượng sưu tầm
 
Xem thêm...

Rượu và Thơ

Rượu và Thơ

Nổi tiếng nhất về thơ và rượu là Tản Đà. Trong một bài thơ, Tản Đà kết luận:
 

BM

Trăm năm là một đời người. Cả đời Tản Đà chỉ có thơ và rượu. Vậy nghìn năm trước, ai là người thích rượu yêu thơ?

 

Rượu Và Thơ Của Những Nhà Thơ Trước Tản Đà

 

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

 

Làm quan dưới triều Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước Trình tuyền hầu, kế tới tước Trình quốc công nhưng xin từ quan về quê hưởng nhàn:

 

BM 

Thú vui 4 mùa của Trạng Trình rất đạm bạc và an nhàn:

 

BM

Đời sống tuy thanh đạm nhưng tâm hồn tao nhã với thơ và rượu:

 

BM

(chữ nôm là quốc ngữ  cũ,  tiếng Việt được La tinh hóa là quốc ngữ mới) .

 

Phạm Thái (1777-1813)

 

Cuộc đại thắng giặc Thanh của Nguyễn Huệ khiến triều Lê sụp đổ. Một số cựu thần mưu toan khôi phục nhà Lê nhưng thất bại. Trong số cựu thần có Trạch trung hầu và con là Phạm Thái. Trạch trung hầu chết, Phạm Thái bị truy nã.

 

Nhằm xóa bỏ tung tích, Phạm Thái vào chùa Tiêu sơn để tu dưới tên Phổ chiêu thiền sư. 

 

Giúp an toàn hơn, Phạm Thái được bạn là Trương Đăng Thụ làm quan ở Lạng sơn đón lên cho ẩn náu . Không lâu sau đó Đăng Thụ bị bệnh chết, Phạm Thái về quê bạn để viếng. Tại đây chàng gặp em gái bạn là Quỳnh Như, hai người yêu nhau. Cha nàng cũng là cựu thần nhà Lê: Kiến xuân hầu Trương Đăng Qũy. Cùng là con nhà thế gia vọng tộc, mối tình của chàng và nàng được coi là lý tưởng. Nhưng không ngờ mẹ nàng cương quyết chống đối. 

 

Chàng tuyệt vọng ra đi. Nàng thống khổ sinh bệnh rồi chết.

 

Để tiêu sầu, chàng uống rượu và làm thơ. Tập thơ "Sơ kính tân trang" là lời tự thuật mối tình của chàng và Quỳnh Như. 

 

Tìm quên trong men rượu, chàng trở nên nghiện nặng:

 

BM

Từ nghiện rượu tới buông thả cuộc đời:

 

BM

Rượu đã hủy hoại cuộc đời Phạm Thái ở tuổi 36.

 

Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

 

Hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ dưới 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức trải qua nhiều thăng trầm. Chức tước cao nhất là Binh bộ thượng thư nhưng vì tính bộc trực nên cụ Thượng Trứ bị truất hết chức tước xuống hàng lính trơn.

 

Không bất mãn, cũng không nản lòng, cụ phấn đấu:

 

BM

Tới 71 tuổi cụ mới xin về vui thú điền viên:

 

BM

Cụ hưởng nhàn bằng các cuộc ngao du đó đây:

 

BM

Nguyễn Công Trứ là tiêu biểu của kẻ sĩ nước ta.

 

Cao Bá Quát (.?..-1854)

 

Cao Bá Quát thi đậu cử nhân được quan trường chấm hạng nhì nhưng sau khi duyệt lại quyển văn, bộ Lễ truất xuống cuối bảng.

 

Theo Dương Quảng Hàm (tác giả Việt nam văn học sử yếu), Bá Quát có nhiều ý tứ mới lạ và lời lẽ cao kỳ. Người đương thời khen rằng "văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán" (văn như Siêu và Quát thì không còn nhà Tiền Hán).

 

Nguyễn Siêu là Án sát Hà nội. Bá Quát là giáo thụ phủ Quốc oai. 

 

Có lẽ vì bất mãn, Bá Quát từ quan về quê hưởng nhàn. Ngày nay còn truyền lại tập thơ Chu thần thi tập.

 

Trong một bài hát nói, Bá Quát có câu:

 

BM

(nghĩa 2 câu thơ chữ Hán: núi cao , nước chảy, thơ ngàn trang- trăng sáng, gió mát, rượu một thuyền. Theo Đào Duy Anh, trục là tờ giấy sau khi viết được cuộn lại và cho vào ống tre để gìn giữ).

 

Rượu và thơ được Cao Bá Quát tôn lên thành rượu thánh và thơ thần. Ý tưởng rất mới lạ.

 

Năm 1854 vì nổi loạn, Cao Bá Quát bị bắt và bị xử tử cả 3 họ.

 

Nguyễn Khuyến (1835-1909)

 

Người đương thời gọi Nguyễn Khuyến là Tam nguyên Yên Đổ. Tam nguyên là đỗ đầu 3 kỳ thi. Yên Đổ là tên làng quê của cụ.

 

Khoa thi đời Tự Đức gồm 3 kỳ, sĩ tử phải đậu kỳ 1 mới được vào thi kỳ 2 và phải đậu kỳ 2 mới được vào kỳ 3.

 

Yên Đổ làm quan tới chức Tổng đốc thì từ quan về quê dạy học và hưởng nhàn. Thơ của cụ phần nhiều là tự vịnh và tự trào.

 

Bài thơ Thu ẩm có những câu như:

 

BM

Tuy tửu lượng không nhiều và dễ bỏ nhưng cụ không muốn chừa:

 

BM

Tuy nhiên khi được tin bạn già là cụ nghè Dương Khuê mất, cụ làm thơ khóc bạn, bày tỏ lòng thương tiếc đến nỗi thơ không muốn làm, rượu không muốn uống:

 

BM

Bài thơ chứng tỏ một tình bạn hiếm có.

 

Trần Tế Xương (1870-1907)

 

Trần Tế Xương được người đương thời gọi là Tú Xương vì ông chỉ đậu tú tài, sau đó thi rớt 2 khoa nên bỏ luôn.

 

Thời của ông là thời Ông Đồ ông Cống cũng nằm co nên ông chẳng có nghề nghiệp gì. 

 

Ông làm thơ tự trào, tự nhận mình không biết chữ Tây và quốc ngữ thì chỉ còn cách về quê làm ruộng cũng có ăn và có tiền:

 

BM

Thật sự ông sống nhờ vợ. Mặc dù than nghèo, ông vẫn ăn chơi phóng túng.

 

Tuy vậy có lúc ông mệt mỏi về cuộc ăn chơi của mình:

 

BM

Đối với Tú Xương, rượu đứng hàng thứ...

 

Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939)

 

Quê của Nguyễn Khắc Hiếu ở Sơn tây, nơi có núi Tản viên và sông Đà giang nên ông lấy bút hiệu là Tản Đà.

 

Thuở nhỏ Tản Đà học chữ Hán, đi thi bị rớt nên chuyển sang học quốc ngữ. Tản Đà vừa làm thơ vừa viết văn và dịch Hán văn. Bài của ông gửi đăng trên các báo Bắc và Nam. Ông cũng xuất bản tác phẩm của mình và làm chủ bút Hữu thanh tạp chí và An nam tạp chí.

 

Thơ của Tản Đà được Dương Quảng Hàm khen: có giọng điệu nhẹ nhàng du dương, cách dùng chữ (thường là chữ nôm) và đặt câu uyển chuyển êm đềm khiến người đọc dễ cảm động say mê.

 

Tản Đà ưa uống rượu, rượu đi đôi với thơ như lời tuyên ngôn sau đây:

 

BM

Con người Tản Đà có hai thực thể. Một do cha mẹ sinh ra, biết mưu sinh cơm áo như mọi người. Một thực thể khác do Trời đất sinh ra, chỉ yêu thơ và thích rượu. Có lẽ ý tưởng này xuất xứ từ câu tục ngữ : cha mẹ sinh con, Trời sinh tính (thật ra câu này là lời tự an ủi của những cha mẹ thất bại trong sự uốn nắn con cái).

 

Trong bài thơ khác, ông tái xác nhận:

 

Kiếp say sưđã chm s Thiên đình

Càng đm sc mê thanh càng mi miết

Say lm v: say mt, say mê, say nh, say tít

Trong làng say ai biết nht ai say?

 

Đối với Tản Đà, rượu và thơ tương tác với nhau: rượu khơi nguồn cho thơ, thơ khiến rượu thêm ngon.

 

Rượu và thơ còn đưa tâm hồn nhà thơ thoát khỏi thân phàm tục:

 

BM

Đôi khi Tản Đà cho mình say là hư hỏng nhưng tự bênh vực mình bằng cách nhân cách hóa trái đất và mặt trời:

 

 Say sưa nghĩ cũng hư đi

 Hư thì hư vy, say thi c say 

 Đất say đt cũng lăn quay

 Tri say Tri cũng đ gay, ai cười?

 

Không ai cười trái đất quay vì say và mặt trời đỏ vì rượu. Vậy khi Tản Đà say có gì mà cười?

 

Mặc dù nhà thơ bị vợ phàn nàn rằng say sưa vô ích và khuyên ông nên chừa rượu, nhung ông cứ lần khân:

 

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hưởng dương 51 tuổi.

 

 

 

Bùi Quý Chiến

 

 Hồng Anh sưu tầm

 

Xem thêm...

Câu Hát Huê Tình Đối Đáp Ở Nam Kỳ - Nguyễn Kiến Thiết

Câu Hát Huê Tình Đối Đáp Ở Nam Kỳ 

Nguyễn Kiến Thiết

Huê tình (còn gọi hoa tình): “Lẳng lơ trai gái” (Việt Nam Từ Điển, tr.239), là “Lời trai gái chọc ghẹo nhau, dâm từ, những câu hát ghẹo” (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tr.428).
 
Hát huê tình là “hát lời nói xa gần làm cho cảm động ý nhau, cùng là chọc ghẹo nhau” (ĐNQATV, tr.410). Người miền Bắc gọi lối hát nầy là Tự tình, Hát hoa tình hoặc Hát trao tình tức là “những bài hát hoa tình giữa trai và gái trao đổi nhau những khi có dịp gặp nhau”[1].
 
cauhathuetinhnkt2
(Hình tư liệu, tác giả gửi)
 
Theo Thuần Phong, Hát huê tình thông dụng nhiều nhứt ở miền Nam, còn gọi là hát đố, hát đối đáp, hát chèo ghe[2].
 
Chúng tôi có thể cắt nghĩa như sau: Hát huê tình ở Nam Kỳ là hát đối đáp trao đổi nhau giữa đôi trai gái hay giữa hai phe nam nữ “những khi có dịp gặp nhau” trên sông rạch, lúc lao động ngoài đồng áng, trên sân nhà, hoặc trong các lễ hội, hay trong những cuộc thi tài cao thấp. Câu hát huê tình phát triển mạnh ở Miệt Vườn đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong ngũ cung hơi Nam giọng oán và phảng phất hơi hướm ca dao miền Trung.
 
Chúng tôi sử dụng bản Câu Hát Huê Tình của Đinh Thái Sơn, Chợ Lớn, Thuận Hòa xb. 1966 cũng như một số ca dao miền Nam để thực hiện bài nầy. Hát huê tình là hát đối đáp trao đổi nhau giữa trai và gái để “đối chơi” cho vui (Đêm thanh trăng rạng, bạn mình đối chơi) hay để “ngâm nga đặng quên cả vất vả và mệt nhọc” trong khi lao động.
 
Và cũng có khi để “kết duyên,” như duyên bạn bè, duyên chồng vợ. Hát Huê tình cũng giống hát Quan họ là “một loại hình dân ca phong phú về giai điệu,” nhưng có điểm khác biệt là trai gái hát quan họ mặc dầu để ý thương nhau nhưng chỉ xem nhau như bạn (bạn hát) và theo tục lệ khắc nghiệt có ghi trong hương ước, “liền anh,” “liền chị” thường không được phép lấy nhau.
 
Trái lại chung cuộc của Hát Huê tình vẫn là tình yêu nam nữ (Thú vui nào bằng thú hát huê tình; Trời xui hội ngộ hai đứa mình kết duyên).
 
Cũng như ca dao cả nước, cái “tôi” trữ tình trong Câu hát huê tình thể hiện những cảm xúc “chủ đạo”, tinh tế và đa dạng. Từ “tôi”/”tui” dẫn đến những cặp nhân xưng đại từ đối xứng trong cách xưng hô của người bình dân: “tui”/“mình”, “qua”/“bậu”, “anh”/“em”, “chàng”/“thiếp”, “quân tử”/“thục nữ”, “anh hùng”/“thuyền quyên”, “người nghĩa”, “nhơn tình”, “cựu tình”,… Thí dụ:

-(câu 7) Bây giờ cầu xây nọ nó thôi xây; Thời qua với bậu dứt dây cang thường (bản gốc in: “can”). Điều đáng lưu ý là câu hát huê tình được làm theo mọi thể loại thơ: từ tứ tự, ngũ ngôn, lục ngôn đến lục bát, lục bát biến thể rồi đến song thất, song thất biến thể hoặc hỗn hợp hai ba thể trên một cách phóng túng. Những tiếng đệm như: bớ mình ôi, bớ anh ôi, bớ bậu ôi, bớ ai ôi, bớ em ôi, bớ nàng ôi, bớ nhơn tình ôi… được lồng vào trong câu hát một cách ý vị và duyên dáng.
 
Thí dụ: (câu 12): Chỉ tơ đứt mối thình lình; Bớ bậu ôi, Vì nghèo nên phải xa mình sanh phương.
 
cauhathuetinhnkt1
(minh họa: Etienne Girardet/Unsplash)
 
Hát huê tình là một loại hát đối đáp giữa nam và nữ; nhưng tại sao trong những câu do chính người bình dân hát lại có những từ Hán-Việt, cách ngôn Khổng Mạnh và điển tích Trung Hoa?
 
Như chúng ta đã biết, Nam Kỳ là vùng đất mới, nhưng mọi lãnh vực đều “khởi sự/khởi xướng” ở miền Nam. Từ chữ quốc ngữ, văn học chữ quốc ngữ, báo chí, tiểu thuyết rồi thơ, thơ mới, dịch thuật (đặc biệt sách Tàu, truyện Tàu) đến văn nghệ kháng chiến, tự truyện, thoại kịch… nhứt nhứt đều bắt đầu tại Lục Tỉnh. Nói khác đi Nam Kỳ đã đóng vai trò tiền phong của văn nghệ miền Nam. Khi phân tích Câu hát huê tình, chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò chữ quốc ngữ và phong trào dịch sách Tàu, truyện Tàu (ra chữ quốc ngữ) vào đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng rất lớn đến hò hát.
 
Chữ quốc ngữ – tức tiếng Việt viết theo mẫu tự Latin – được truyền sang nước ta vào cuối thế kỷ XVII do các giáo sĩ phương Tây nhằm mục đích phục vụ cho truyền giáo; và “người Nam kỳ là những người Việt Nam đã dùng chữ Quốc ngữ trước nhất” (Vũ Ngọc Phan: Nhà Văn Hiện Đại, 1941, tr.37).
 
Giáo Sư Thanh Lãng cũng đã khẳng định: “Chữ quốc ngữ được công nhận và phổ biến trước nhất ở miền Lục tỉnh…”[3]. Các dịch giả Sách Tàu sang quốc ngữ tiêu biểu có Đoàn Trung Còn dịch Minh Đạo Gia Huấn do Trình Di đời nhà Tống biên soạn; Trương Vĩnh Ký phiên dịch Minh Tâm Bửu Giám được biên soạn từ cuối đời nhà Tống. Truyện Tàu – tức tiểu thuyết chương hồi hay “tiểu thuyết cổ điển” của Trung Hoa. Dịch giả truyện Tàu sang chữ quốc ngữ đầu tiên là một người Pháp, Canavaggio, chủ báo Nông Cổ Mín Đàm dịch Tam Quốc Chí Tục Dịch đăng từ số báo ra mắt (1/8/1901)? Nhưng theo Vương Hồng Sển trong Thú Chơi Sách, người dịch Truyện Tàu đầu tiên chính là cụ Dũ Thúc Lương Khắc Ninh (1862-1943). “Những tay dịch thuật trứ danh ở Nam Kỳ” với số lượng nhiều nhứt chính là ba ông Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc và Nguyễn An Khương. Ngoài ra còn có Nguyễn Liên Phong và Nguyễn An Cư dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa do nhà Tín Đức Thư Xã tại Sài Gòn xuất bản từ 1927-1932 gồm 31 cuốn.
 
Có thể nói có chữ quốc ngữ mới có phong trào dịch sách Tàu, truyện Tàu để phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Từ đó phong trào mê truyện Tàu bùng phát khắp Nam Kỳ: người người “mê” truyện Tàu, nhà nhà “mê” truyện Tàu, “mê” nghe “nói truyện” Tàu.
 
Những cách ngôn Khổng-Mạnh, những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa, những điều thường thức về nhân – nghĩa – lễ – trí -tín, về tam cang ngũ thường được người bình dân tình cờ tiếp thu từ sách, truyện Tàu, đợi có dịp đem ra thi thố. Cũng có khi qua những cuộc “đấu trí” của các bậc văn nho, thầy đồ trong các dịp giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi hay hội hè đình đám mà người dân quê “nghe lóm” được rồi đem ra áp dụng trong ca dao, hò hát.
 
Tuy nhiên với cố tật “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” của người bình dân Nam Kỳ, nên khi “hấp thụ” sách, truyện Tàu là họ đem ra ứng dụng, “thi thố’ ngay. Sơn Nam nhìn nhận: “Thật bực mình khi nghe những câu hò dẫn chứng nhiều điển tích sai lạc, vô nghĩa hoặc nhiều cách ngôn của Khổng Tử, Tư Mã Ôn Công, với danh từ lẫn lộn, ép vận, sai văn phạm cổ văn”[4].
 
Có thể nói mỗi một cuộc hát huê tình đối đáp gồm một số đặc điểm như: hát chữ, hát tích và hát đố/đối đáp.
 
– Hát chữ: dùng thành ngữ, tục ngữ nước ta hoặc cách ngôn của Khổng-Mạnh (thường lấy trong sách Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám hoặc Minh Đạo Gia Huấn) để gợi hứng gieo vần.

– Hát tích: dùng điển tích của sách vở Trung Hoa hoặc các truyện thơ Việt Nam vừa để gợi hứng gieo vần hay thách đố. Khi khảo sát về điển tích trong ca dao (thiên về ca dao miền Bắc), GS Thanh Lãng đã viết: “Văn chương bình dân rất kỵ những điển tích (…) Tuy nhiên đôi khi ta cũng thấy nhà văn bình dân dùng điển”[5]. Trong những chuyến đi “điền dã” sưu tầm, nghiên cứu Ca dao miền Nam, chúng tôi có thể khẳng định: Hát huê tình, một bộ phận của Ca dao miền Nam rất “sính” dùng điển tích. Phạm Văn Đang, một nhà giáo gốc Bắc cũng đã nhìn nhận: “Có điều đáng chú ý là ca dao miền Nam lại sính dùng thành ngữ điển tích hơn cả ca dao miền Bắc”[6].

– Hát đố/hát đối đáp: Hát đối đáp là một loại hát huê tình giũa trai và gái “những khi có dịp gặp nhau”. Những dịp gặp gỡ của chàng trai-cô gái khi diễn ra khi trên đồng ruộng, lúc trên sông nước. Nhưng nhiều nhứt là trên những dòng sông hiền hòa thơ mộng giữa “trai thương hồ” và “gái bán vàm”. Đại thể, mỗi cuộc hát đối đáp thường chia làm ba giai đoạn: Hát chào mời (bắt đầu chào hỏi, mời mọc); Hát đối đáp (trả lời câu đố, khen tặng) ; Hát tiễn (từ giã, xe kết).
 
Có thể nói “Khi cuộc hát đã đến lúc hào hứng, hễ bên trai “buộc vào” thì bên gái “mở ra” bên trai “bẻ vô” thì bên gái “xô ra,” bên nầy hát chữ, hát tích thì bên kia tìm cách đối lại; bên nầy dùng những câu hát đố hóc búa thì bên kia tìm câu hát đáp lại một cách tài tình”[7].
 
⁂⁂⁂⁂⁂
Để bài viết thêm phần sinh động, chúng tôi thử ‘phác họa” lại là diễn tiến cuộc hát huê tình đối đáp giữa chàng trai thương hồ và cô gái bán vàm trên dòng sông Hậu.
 
Trong khoảng đêm trường tịch mịch ở một khúc sông vắng miệt Hậu Giang, anh thương hồ thả lái buông chèo cho chiếc ghe tam bản nhẹ nhàng trôi theo dòng nước, mắt lơ đãng nhìn ánh trăng vàng vọt chìm xuống đáy sông, hồn lâng lâng khoái cảm với trăng nước hữu tình. Bỗng từ trong vàm một tiếng hát rao hàng cất lên lòn trong gió bay đến tai anh. Ghe anh lướt tới gần, tiếng hát đó càng ngày càng rõ, càng thanh, càng nồng, càng ấm như vuốt ve, như mời gọi.
 
Khách thương hồ chú ý lắng nghe và ngó quanh quất tìm nơi phát ra tiếng hát. Rất may từ trong vàm, một chiếc xuồng ba lá từ từ bơi ra, rồi tiếng hát rao hàng lảnh lót của một cô gái:
 
Chè đậu xanh đường cát
Ngọt mát tợ đường phèn
Ăn giùm một chén làm duyên
Nầy chú lái kia ơi! Lên doi xuống vịnh kiếm em mà ăn chè.
 
*Để ý thán từ “ơi” (khẩu ngữ) chỉ tiếng đáp lại cao giọng, tiếng gọi ngụ ý than thở.
 
Biết người con gái “mở đường” cho mình và vốn sẵn có “máu giang hồ”, chàng trai thương hồ liền cất tiếng hát huê tình để chào mừng, làm quen:

Bớ chè đậu xanh đường cát
Giọng em rao hát mát tợ đường phèn
Đối chơi một hiệp làm duyên
Kìa bạn mình ơi! Lên doi xuống vịnh, gặp em anh xin chào mừng.
 
Thấy giọng hát rao của mình có phần hiệu quả trong việc “câu” khách hàng, cô bán vàm cất tiếng hát tiếp:
 
Lưới thưa bủa lấy con cá duồng
Nầy chú lái kia ơi! Chèo ghe tam bản đêm trường đi đâu?
 
Được cô gái săn đón, anh lái buôn hảo ngọt lập tức trả lời:
 
Lưới thưa bủa lấy con cá duồng
Bớ cô nàng ơi! Anh chèo ghe tam bản tìm đường thăm em.
 
Hát vùa dứt câu, dường như sợ cô gái chê mình trêu ghẹo sỗ sàng, chàng trai bèn cất tiếng hát chữ “buộc vào” để ướm thử:

Cửu hạn phùng cam võ
Tha hương ngộ cố tri
Tình cờ mà gặp mấy khi
Hỏi thăm thục nữ giai kỳ định chưa?
 
Thấy khách thương hồ có vẻ tha thiết với mình, lòng cô thôn nữ dâng lên bao mối cảm tình nên bèn hát chữ đáp lại:

Thiếp tợ thiên biên nguyệt
Quân như lãnh thượng vân
Tuy gần mà chẳng phải gần
Cũng như biển Sở non Tần cách xa.
 
Nghe giọng hát chứa chan biết bao ý tình, chàng trai bèn hát huê tình “buộc thắt” lại:

Nước dưới sông lững đứng
Mây đưa gió dật dờ
Bớ bạn mình ơi! Tơ duyên đã buộc sờ sờ
Qua đây bậu đó, còn ngờ đâu xa.
 
Cô gái vẫn còn lo sợ Tơ hồng Nguyệt lão khéo bày trò oan nghiệt nên đã hát “mở ra”:

Trăng trên trời rành rạnh
Đêm thanh tạnh tiêu diêu
Lá lay tại mối chỉ điều
Nầy anh ơi, Thương thì nói vậy chớ còn nhiều chỗ lo.
 
Thấy cô bán vàm “mở ra” một cách yếu ớt, khách thương hồ bèn “bẻ vô”:

Qua nghe bậu than thân bậu
Nghĩ mà tệ lậu bề qua
Linh đinh chưa có cửa nhà
Bớ em ôi, Thương nhau hãy rán hiệp hòa lứa đôi.

* Thán từ “ôi” (khẩu ngữ) chỉ tiếng gọi biểu lộ ý than thở hoặc bày tỏ tình cảm tha thiết.
 
Cô bán vàm vẫn còn nghi ngờ lòng dạ của chàng trai nên đã hát “xô ra”:

E đó nói ngoài môi
Ừ rồi bay theo gió
Bớ anh ôi, Sự thế em thấy thường tham đó bỏ đăng.
 
Chừng như hiểu ý cô gái, chàng trai bèn “buộc riết vô” bằng cách hát chữ để bắt bí cô gái:

Anh cũng biết: Họa hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhơn tri diện bất tri tâm
Bậu nghi như vậy mới lầm
Nầy bạn mình ôi, Chớ lòng anh sắt đá thâm trầm chẳng sai.
 
Hát xong anh lấy làm đắc ý mỉm cười chờ cô gái trả lời. Nhưng nào phải tay vừa, cô đã vội vàng cất giọng lảnh lót hát chữ đáp lại:

Em chỉ ngại: Thủy để ngư thiên biên nhạn
Cao khả xạ hề đê khả điếu
Chỉ xích nhơn tâm bất khả phòng
Bớ anh ôi! Nhiều tay tham bưởi chê bòng lắm anh.
 
Tới đây anh thương hồ bắt đầu đổi “chiến lược”, thay vì hát chữ, anh hát tích hầu “chinh phục” cô thôn nữ thật thà chơn chất.
 
Anh tằng hắng lấy giọng rồi cất cao tiếng hát tích lấy từ Truyện Tàu:

Anh tỷ như cái phận anh
Chẳng thà ở lều tranh như thầy Tăng, thầy Lộ.
Cũng không ham mộ như Vương Khải với Thạch Sùng
Em ôi, Đạo người giữ vẹn, bần cùng sá bao.
 
Cô gái vẫn chưa chịu thua. Sau một hồi “câu giờ” tìm ý, nàng đã hát tích đối lại:
 
Chẳng thà em chịu đói chịu rách
Học theo cách bà Mạnh, bà Khương
Chẳng thèm như chị Võ Hậu đời Đường
Anh ôi, Làm cho bại hoại, cang thường hư danh.
 
Các truyện thơ Việt Nam Nam như: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Lâm Sanh-Xuân Nương, Phạm Công-Cúc Hoa, v.v… cũng được sử dụng trong hát huê tình.
 
Tới đây, cô gái dường như đã cảm mến chàng trai nên hát tích Truyện Kiều để thăm dò:

Thân em mỏng mảnh, quê cảnh lạ lùng,
Thuyền quyên mong sánh anh hùng,
Bớ anh ôi, Lại e như nàng Kiều nọ, bạn cùng Thúc Sanh.
 
Chàng trai vốn có chút chữ nghĩa, lại thường nghe “nói thơ Vân Tiên” nên hát tích đáp lại:

Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín
Thị vị ngũ thường
Em ôi, Đây anh cũng dốc sánh bường Vân Tiên…
 
Cuộc hát đối đáp tới đây vô cùng hào hứng. Nhiều ghe thương hồ cũng chèo gần lại để mục kích cuộc thi tài cho thỏa tánh hiếu kỳ. Thỉnh thoảng có tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng reo hò cổ võ vang lên như xé tan màn đêm u tịch. Các chàng trai “hảo ngọt” tha hồ thưởng thức món “chè đậu xanh đường cát, ngọt mát tợ đường phèn” để “làm duyên” và được dịp làm quen cô gái. Một lát sau nồi chè ngọt lịm đã hết sạch.
 
Bấy giờ đến lượt cô gái “phản công”. Cô dùng các thuật ngữ nhiều/ít, non/già để hát đố:

Bánh nhiều quá sao kêu bánh ít
Chuối non nhớt cũng gọi chuối già
Trượng phu đối đặng mới là đáng khen.
 
Vốn là tay “cao thủ”, chàng trai “trả miếng” lại liền bằng cách dùng các thuật ngữ chua/ngọt, cao/lùn để đối lại:

Canh chua lét sao kêu canh ngọt
Cây cao nghệu cũng nói cau lùn
Đối chơi với bậu anh hùng há thua.
 
Rõ ràng là “kỳ phùng địch thủ”. Kẻ tám lượng, người nửa cân ai dễ nhường ai. Thấy đối thủ “phá miếng” một cách dễ dàng, cô bán vàm cũng đổi “chiến thuật” nói lái để tấn công chàng trai. (Nói lái (còn gọi nói trại) là một cách nói kiểu “chơi chữ” một cách hài hước của dân ta những lúc trà dư tửu hậu, trong các cuộc thi hò hát nhằm mục đích mua vui). Cô gái “buộc vô” bằng cách sử dụng nói lái để hát đố:

Con cá đối để trên cối đá
Mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo
Bớ anh ôi, Anh mà đối đặng, dẫu nghèo cũng ưng.
 
Cả bọn cất tiếng cười vang, tưởng rằng anh thương hồ đã “bí lối”. Nhưng là tay “giang hồ tứ chiếng”, anh nào chịu thua dễ dàng. Sau khi lấy hơi và moi trong đầu những thuật ngữ đã “học lóm” được, anh cất tiếng hát đáp lại cũng bằng cách nói lái:

Con mỏ kiến đậu trong miếng cỏ
Chó vàng lông đáp dựa vồng lang
Bớ em ôi, Đây anh đối đặng e nàng chẳng ưng.
 
Cuộc hát đối đáp giữa trai thương hồ và gái bán vàm cứ thế mà tiếp diễn. Nhờ sự ứng đối tài tình, họ bắt đầu để ý, cảm mến nhau và tình yêu bắt đầu chớm nở giữa hai người. Cũng có khi vì bên trai, hay bên gái bị “buộc vào” mà không tìm được cách “xô ra”, nên “cuộc chơi” tạm thời chấm dứt. Thông thường có ba cách kết thúc cuộc thi tài: một là để “giải sầu”, “cầu vui” (Hát mấy trăm câu giải sầu chư vị; Việc hát hò có ý cầu vui”; hai là họ hẹn hôm sau cũng vào “đêm thanh trăng rạng” để thi tài cao thấp; ba là họ giã từ nhau mà “ruột thắt gan teo”. Đó cũng là tâm trạng chàng trai khi bùi ngùi hát dứt (hát giã từ nhau):

Giã quới nương lên đường Nam-Bắc
Hỡi người thục nữ ôi, Ngó lại bên xuồng ruột thắt gan teo.
 
cauhathuetinhnkt
(Hình: Xiaofen P/Unsplash)
 
Hát xong, anh lặng lẽ khua mái chèo cho ghe xuôi về ngả bát (rẻ phải), còn cô bán vàm cũng lặng lẽ bơi xuồng sang ngả cạy (rẻ trái). Tuy hai người đã rời xa rồi nhưng trong lòng họ vẫn tiếc hùi hụi cho sự gặp gỡ thú vị nầy, nên cô gái đã hát vói theo như hứa hẹn:
 
Chẳng trước thì sau
Cũng lý đào tương hội
Bớ người quân tử ôi, Khuyên anh hãy dằn lòng đừng vội nhớ trông.
 
⁂⁂⁂⁂⁂
Tập sách mỏng Câu Hát Huê Tình – một bộ phận của ca dao miền Nam – đã phản ảnh trung thực bức tranh xã hội Nam Kỳ buổi giao thời Pháp-Việt.
 
Độc giả có thể tìm thấy Nội dung “văn dĩ tải đạo” bàng bạc trong tác phẩm. Đó là đạo quân thần (quân xử thần tử), lòng ái quốc, đạo hiếu (ơn cha nghĩa mẹ), đạo phu thê (lòng chung thủy, dạ sắt son), trọng nghĩa khinh tài (kiến nguy vô dõng, tiền tài như phấn thổ/nhơn nghĩa tợ thiên kim), làm lành lánh dữ (tích thiện phùng thiện/tích ác phùng ác).
 
Đó là tất cả cái “điệu nghệ” (đạo nghĩa) của người Lục tỉnh. Thỉnh thoảng phê phán “thói hư tật xấu” (cờ bạc, tửu sắc, á phiện, lầu xanh), thói mê tín dị đoan (tam hạp, tứ hành xung) và “hôn nhân dị chủng” (Tây-Tàu-Khách-Thanh-Chệt-Chà / An Nam, Việt).
 
Nhưng phê phán là để xây dựng: vạch ra cái xấu, cái dở để gián tiếp đề cao cái tốt, cái hay nhằm giáo dục khuyên răn người đời. Về Nghệ thuật, hát huê tình đối đáp thiên về “diễn xướng” cần phải “câu giờ” để “bẻ lại” câu hát lắt léo, hóc búa, phải sử dụng tiếng đệm, tiếng láy cũng như vận dụng kiến thức và khả năng sẵn có của mình để thi tài cao thấp.
 
Vì vậy câu hát huê tình sử dụng gần như nguyên xi lời ăn tiếng nói của dân gian Lục tỉnh: lời lẽ bình dị, mộc mạc, không trau chuốt nên dễ đi sâu vào lòng người. Chúng ta sẽ không thấy những câu hát tròn trịa mềm mại thể sáu tám trong Câu hát huê tình.
 
Trong một bài nghiên cứu về Ca dao miền Nam, chúng tôi đã nhận định: Hò hát đi trước ca dao; và ca dao lục bát thành hình sau hò hát. Người sưu tầm/phổ biến (Đinh Thái Sơn) mặc dầu phải “tam sao thất bổn” do sự giao lưu văn hóa, do “trình độ văn hóa”; nhưng đã đạt được thành tựu đáng kể trong việc bảo tồn cái di sản lý thú của ông cha.
 
Chúng tôi tin rằng Câu Hát Huê Tình là một văn bản quý hiếm cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà ngôn ngữ học, xã hội học và văn học sử. Câu Hát Huê Tình chính là bản sao thâu gọn của ca dao Nam Kỳ Lục Tỉnh vậy.
─────────────
Chú thích:
[1] Thanh Lãng: Văn Chương Bình Dân. In lần II. Sài Gòn, Văn Hợi xb. 1957, tr.90.
[2] Thuần Phong: Ca Dao Giảng Luận. Kỳ II, SG, Á Châu xb.1970.
[3] Thanh Lãng: Thay Lời Bạt. Văn Học Miền Nam của Đông Hồ. Sài Gòn, Quình Lâm xb, 1970.
[4] Sơn Nam: Nói Về Miền Nam. SG, Lá Bối xb. 1967, tr.59.
[5] Thanh Lãng: Văn Chương Bình Dân. In lần II. Sài Gòn, Văn Hợi xb. 1957, tr.118.
[6] Phạm Văn Đang: Nghệ Thuật Xây Dựng Từ Hoa Trong Ca Dao Việt Nam. Luận án Cao học Văn chương Đại học Văn Khoa Sài Gòn, 1965, tr.149-150.
[7] Nguyễn Kiến Thiết: Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam. Luận án Cao học Văn chương, Đại học Văn Khoa Sài Gòn, 1972, tr.107.
 
Nguyễn Kiến Thiết
12 tháng 4, 2024
 
Nam Mai sưu tầm
Xem thêm...
Theo dõi RSS này