Sáng tác

Sáng tác (20)

VỀ QUÊ - NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

 

VỀ QUÊ

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Lời tác giả:

Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

 

Từ mấy hôm nay Thi nôn nóng chờ đợi ngày về quê thăm nhà. Nàng cứ loay hoay tính toán mãi không biết phải mua quà gì về cho mấy đứa em. Con gái đi học xa nhà, thật sung sướng và hạnh phúc biết bao mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài để trở về sống với gia đình thân yêu. Sự sung sướng ấy hiện rõ trên nét mặt của Thi cả tuần lễ nay. Nàng nói huyên thuyên đủ chuyện với tôi về cái ngày về quê ấy. Tôi cũng thế. Chúng tôi không thể che giấu được nỗi vui mừng khi biết ngày nghỉ đó mỗi ngày một đến gần hơn.

Chuyện gì phải đến đã đến. Hôm nay chúng tôi chuẩn bị lên đường về quê.

Chúng tôi cùng ở một làng, chỉ cách nhau có một cái ngõ. Tôi biết Thi từ khi nàng còn nhỏ. Thi hay sang nhà tôi chơi và trèo hái những quả bưởi nho nhỏ để chơi “đánh chuyền” với những cô bạn cùng lứa tuổi. Khi Thi lên Hà Nội học, nàng học năm đầu Trung học. Thời gian đầu, nàng ở chung nhà với gia đình ông bà chủ nhà trọ. Sau một thời gian, Thi được dọn sang ở chung khu nhà trọ với tôi, và từ đó chúng tôi đã trở nên thân và có dịp gần gũi bên nhau.

 Chúng tôi đã tới bến xe khách Hà Nội-Sơn Tây. Dù mới sáng sớm, hoạt cảnh ở đây đã tấp nập, náo nhiệt và tất bật làm sao. Kẻ gồng người gánh, kẻ vác người khuân, kẻ vội vàng xuống xe người hấp tấp phóng lên. Tiếng rao quà vang cả một khu, lẫn tiếng gọi nhau ơi ới.

Tôi và Thi còn đang ngẩn ngơ với cả chục chiếc xe khách, chưa định được rõ chiếc nào mình sẽ đi. Thi, trong chiếc áo dài mầu trắng ngắn cũn cỡn vì nàng lớn quá nhanh. Chiếc áo cứ như mỗi ngày môt co ngắn lại. Thi đang ngơ ngác nhìn theo những chị bán hàng rong, nào bưởi, nào ổi, nào me, nào sấu. Chắc là Thi thèm lắm, nhưng cũng có thể nàng chỉ tò mò với những hoạt cảnh ở bến xe.

- Thi ơi! Lại đây! Mau lên! Tôi phải réo lên thật to cho nàng nghe thấy.

Thi tất tả chạy về phía tôi. Tôi đẩy vội nàng lên xe trước khi đám đông ùa tới chen lấn leo lên. Tôi chọn cho Thi một chỗ tốt không có ánh nắng xuyên vào khi xe chạy. Tôi ngồi cạnh Thi. Thi nhỏ nhắn, nép mình vào cửa sổ xe nhìn ra ngoài, mắt vẫn không rời khỏi mấy múi mít trên cái mẹt nhỏ được đội trên đầu người bán hàng rong đi gần đó.

- Em muốn mua gì không?

- Không ạ!

Nàng trả lời nhẹ, nhưng mắt vẫn nhìn ra xa, không ngoảnh lại tôi. Tôi móc trong cặp ra cái “bánh tây” (bánh mì) nhỏ bằng nắm tay còn hơi ấm đưa cho Thi. Thi lơ đãng cầm lấy không ăn. Lạ thật, cái cô bé lúc nào cũng nhí nha nhí nhảnh thế mà sao hôm nay lại giở chứng im lặng, trầm ngâm như người mơ mộng vậy. Ấy, con gái ở cái tuổi đang lớn nó cứ biến đổi như thế đấy. Tôi giữ vẻ người anh, không chú tâm đến nàng nữa.

Khách lên xe đã đầy. Xe bắt đầu chuyển bánh. Bác tài bấm còi xe inh ỏi. Chú “lơ xe” đập tay đùng đùng vào thành xe để mọi người dưới bến tránh ra. Bây giờ Thi mới ngoảnh lại nhìn tôi mỉm cười. Hai anh em đang chia sẻ một niềm vui chung: sắp được về nhà.

Xe chạy được ít lâu thì ra khỏi thành phố. Cảnh vật ngoại ô đã bớt đi phần tấp nập. Thỉnh thoảng những chiếc xe khách hay xe hàng đi ngược chiều, gió tạt mạnh làm chiếc xe chúng tôi đi như muốn tạt sang bờ ruộng. Mỗi lần như thế, gió hất mái tóc Thi lên, bay lòa xòa xuống mặt. Nàng khẽ nhẹ vén tóc sang bên má.

Tôi và Thi cùng chung sống với nhau ở Hà Nội trong khu nhà trọ riêng biệt và yên tĩnh. Thi ở căn phòng biệt lập, xinh sắn có thể đủ cho hai người sống thoải mái với những tiện nghi tối thiểu dành cho một cặp vợ chồng son. Phòng nàng tọa lạc ở gần góc sân. Bên cạnh phòng nàng là dàn hoa thơ mộng ở cuối sân luôn tỏa mát. Và dưới dàn hoa, với chiếc bàn tròn nho nhỏ, vài ba chiếc “ghế đẩu” con con, tiện cho việc ngồi chơi nói chuyện hay ngắm trăng. Tôi ở trên căn gác với cầu thang gỗ ngoài trời, cũng riêng biệt và cách phòng nàng một cái sân gạch chung. Từ phòng tôi có thể nhìn xuyên thẳng xuống cửa sổ phòng nàng nếu không bị cây hoa ngọc lan mọc giữa sân che lấp một phần. Âu, chúng tôi được ở khu riêng biệt và yên tĩnh này thay vì khu tập thể vì tôi đã ở trọ lâu hơn người khác và riêng Thi, hai gia đình nàng và ông bà chủ nhà trọ là chỗ bạn thâm giao. Khi Thi mới lên Hà Nội học, nàng đã có thời gian ở chung nhà với gia đình ông bà chủ nhà trọ trước khi dọn về đây để có cuộc sống tự lập hơn.

Tôi coi Thi như một người em gái. Thi sống bên tôi với lòng tin cậy ở sự che chở của một người anh. Những hôm ít bài vở, tôi đưa Thi đi chơi tung tăng dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Tây vào những buổi chiều. Anh em chia nhau một ly “kem cốc” hay túi lạc rang húng lìu của chú “khách” (để gọi tắt người “khách trú”, ám chỉ người Tầu) bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Chú “khách” này, hầu như những ai có thói quen đi dạo chơi quanh bờ hồ vào những buổi chiều hay chợp tối đều biết. Lạc rang của chú rất ngon, vừa bùi lại vừa thơm. Có cái lạ là chú đong lạc rất chính xác vào gói nhỏ hình cái phễu dài cuốn bằng giấy báo nhật trình. Mỗi lần chú xúc là vừa đủ 15 hột, không bao giờ dư hoặc thiếu hột nào. Tôi đã đếm thử nhiều lần nên lấy làm lạ. Có những ngày chúng tôi thuê xe đạp đi thăm thắng cảnh Hà Nội hay ra ngoại ô thành phố hay về vùng đồng quê để hưởng những ngọn gió mát trong lành. Những lần như thế nàng thường chạy tung tăng đây đó đầy hồn nhiên với cái tuổi của nàng.

Tôi đưa Thi đi thăm những đền đài, văn miếu, cùng những di tích lich sử văn hóa lâu đời của Hà Nội. Tôi giải thích từng chi tiết của những thắng cảnh ấy và coi nó như những dấu tích của một dân tộc có truyền thống yêu nước và trọng đạo nghĩa. Tôi cho Thi biết Hà Nội, nơi chúng tôi đang ở, không phải chỉ là một thành phố bình thường, nó không những từng là kinh đô của bao thời đại mà còn là một “viện bảo tàng” lịch sử lẫn văn hóa to lớn của dân tộc ta. Mỗi bước chân ta đi trên đường phố là ta bước lên những bước chân oai hùng của tiền nhân. Muốn biết về Hà Nội không thể chỉ là một vài ngày, chỉ một vài tháng hay chỉ một vài năm, mà phải là một phần đời của chúng ta mới có thể tìm hiểu hết được phần nào cái hay cái đẹp của thành phố này. Biết bao nhiêu người đã từng sống và lớn lên tại Hà Nội mà lại không biết gì mấy về Hà Nội, thật vô tâm quá. Thi say sưa nghe những điều tôi nói và tôi biết nàng cố nhớ hết những gì tôi giảng giải cho nàng. Những cuộc đi chơi như thế càng làm cho chúng tôi thân nhau hơn và yêu mến nhau hơn.

Nhưng cuộc đời nó không chỉ đơn giản thế. Những ngày gần đây, tôi bỗng thấy Thi lớn, nàng không còn là cô bé con nữa. Những cử chỉ quá thân mật tự nhiên của nàng làm tôi xao xuyến, như khi nàng kéo tay tôi lôi đi cho nhanh hơn, tôi thấy như có cái gì ấm áp, dịu dàng trong đôi bàn tay ấy. Tôi thấy thật khó chịu với chính tôi mỗi khi tôi nhìn trộm Thi. Tôi cứ phải tự hỏi mình, tại sao tôi lại phải ngập ngừng khi tôi đến phòng nàng, dù chỉ là để giúp nàng giải bài toán khó. Tôi biết, tôi đang có cái gì thay đổi trong tôi. Tôi giữ kín những u uẩn ấy trong lòng đến đôi khi làm tôi trở nên lúng túng với Thi.

Chiếc xe khách vẫn phóng nhanh trên đường liên tỉnh. Làng mạc, đồng lúa, quán hàng và những hàng cây ở ven đường cứ như đua nhau chạy ngược lại về phía sau. Có lúc xe chạy chậm hẳn lại để tránh những ổ gà. Cũng có khi xe bị tung lên, vẹo đi vì lọt vào những ổ gà lớn. Ngồi bên cạnh tôi, Thi chậm rãi “gặm nhấm” gần hết ổ bánh tây tôi đưa cho nàng lúc nãy, trong khi mắt Thi vẫn không rời khỏi cánh đồng lúa đã lên đòng đòng. Thỉnh thoảng Thi lại ngoái đầu ra sau để theo dõi một cảnh vật mà nàng chưa kịp xem kỹ. Mỗi khi chiếc xe ngừng để đón khách dọc đường, nàng lại nhìn tôi mỉm cười. Tiếng nói chuyện của những bạn hàng, của những người nông dân cứ rù rì, thì thầm nhỏ to như những lời cầu nguyện. Có những tiếng cười đùa chợt vút lên cao ở phía cuối xe làm mọi người phải ngoái cổ lại nhìn. Có người đã ngủ. Lác đác vài người khách đã xuống xe. Người "lơ xe" ì ạch khuân những giỏ hàng chất trên nóc xe xuống.

Con đường về làng chẳng còn bao xa nữa. Tóc Thi vẫn bay bay, xòa vào mặt nàng, bay sang cả vai tôi. Thi vẫn im lặng ngồi ngắm nhìn cảnh vật đồng quê một cách say sưa. Hôm nay tôi thấy Thi rạng rỡ quá và trong sáng quá, lại có chút gì nghiêm trang xa vắng của một thiếu nữ trưởng thành. Chắc chẳng bao giờ Thi thấy được cái u uẩn trong những ý nghĩ của tôi. Nhưng biết đâu nàng cũng đang giấu những u uẩn trong lòng nàng về tôi như thế. Ý nghĩ ấy làm tôi khoan khoái, nhẹ nhõm lẫn vui vui. Tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy.

Xe đã tới thị xã Sơn Tây, xe chạy chậm hẳn lại khi đi ngang qua chợ Nghệ đang buôn bán tấp nập hay qua những khu phố đông người. Xe chạy vòng theo con hào rộng lớn được đào sâu vây quanh thành cổ, qua ngang tòa Tỉnh trưởng, tiếp tục chạy từ từ qua phố Ngô Quyền, rồi theo hướng Trung Hà và để rồi xe ra khỏi thị xã. Làng tôi cách thị xã Sơn Tây khoảng 10 cây số, thuộc huyện Quảng Oai.

- Bác tài ơi! Cho chúng tôi xuống!

Tôi nói vọng lên về phía bác tài xế. Người "lơ xe" đập mạnh tay vào thành xe mấy cái báo cho bác tài biết là có người muốn xuống. Chiếc xe từ từ đỗ lại bên lề đường. Tôi xuống trước rồi đứng ở cửa xe đợi cho Thi xuống sau. Hai anh em vươn vai mấy cái thật mạnh và hít thở thật sâu để đuổi đi cái gò bó trong suốt con đường dài 40 cây số.

Hôm nay trời nắng nhẹ. Bầu trời xanh trong suốt, điểm vài cụm mây trắng bay lờ lững tít trên cao. Con lạch đào rộng khoảng ba thước, uốn khúc, chạy vòng vèo trong cánh đồng lúa, phản chiếu ánh sáng lóng lánh trông như con trăn bạc trườn mình. Vài con trâu đang chăm chỉ gặm cỏ trong bãi cỏ xanh. Có con ngửng lên ngơ ngác nhìn trời, lắc nhẹ cái đầu để đuổi đàn ruồi đang bám vào nó rồi lại lặng lẽ cúi xuống tiếp tục ăn. Gió đồng nội thổi vừa mát vừa thơm, thơm mùi lúa, mùi cỏ, lẫn trong những mùi thân quen của đồng quê.

Từ đây về làng, chúng tôi phải đi thêm một quãng đường khoảng chừng cây số. Cổng làng xây gạch, màu vôi vàng sậm pha lẫn màu rêu như đã hiện ra ở phía xa xa. Trong nắng mát, Thi đi nhanh như có ai đuổi đằng sau. Nàng đi sát bờ đường, thỉnh thoảng thò tay vuốt dọc theo bông lúa đòng đòng đã chớm đổi thành mầu vàng nhạt. Nàng không ngắt mà chỉ để cho những bông lúa chạy trong lòng bàn tay, rồi buông rơi xuống thân lúa đong đưa. Cánh đồng ruộng lúa có nơi đã vàng ửng trải dài ra như thảm. Những cơn gió làm cánh đồng lúa gợn sóng, từng gợn từng gợn xô nhau đùa chạy về tận cuối chân trời. Thi tung tăng hết chỗ này tới chỗ kia. Một con nhái nhẩy tõm xuống vũng nước ruộng, hay con chim bất chợt vỗ cánh bay vụt lên từ ruộng lúa làm Thi thảng thốt giật mình. Mỗi khi như thế nàng lại ôm tay truớc ngực nhìn về phía tôi cười như nắc nẻ. Tiếng cười của nàng trong suốt vang lên trong cái yên tĩnh của cánh đồng.

Tôi thấy Thi ngồi sụp xuống bên đường, loay hoay cái gì không biết. Hình như nàng vừa bắt được con cào cào. Nàng nắm nó trong lòng bàn tay rồi mở ra, con cào cào vội bay vù. Mỗi khi gặp cơn gió lớn, hai tà áo dài của nàng bay phần phật như múa. Vài đứa trẻ chăn trâu đứng nhìn chúng tôi một cách tò mò. Đi bên cạnh tôi, dưới nắng, mặt nàng hây hây đỏ trong nắng như phảng phất hình bóng của một đóa hoa hồng mới nở trong ánh sáng mai. Nàng như con chim khuyên nhỏ chuyền cành, líu lo ríu rít.

Chúng tôi vui chân, chẳng mấy chốc đã tới đầu làng. Chiếc cổng làng sừng sững trước mặt. Cây đa già tủa rễ chằng chịt, bóng rợp tỏa che cả một khoảng đất rộng. Dân làng khi đi ngang qua đây, thường dừng chân trú nắng dưới bóng đa trong chốc lát vào những buổi trưa hè. Cổng làng cũng như cái đình làng, là những hình ảnh biểu tượng của làng quê miền Bắc. Ai đi xa lâu ngày, về đến cổng làng cũng thấy quyến luyến, nhớ lại những ngày tháng còn sống trong lũy tre xanh. Cổng làng không những là nơi chứng kiến những sinh hoạt hàng ngày mà còn là một phần linh hồn thiêng liêng trong những ngày lễ hội cũng như giống ở đình làng.

Tôi và Thi tạm ngồi nghỉ chân trên nhánh rễ lớn của cây đa mọc bò trên mặt đất. Nàng ngồi cạnh tôi, nhặt chiếc lá đa khô phe phẩy làm quạt. Trên mặt Thi lấm tấm vài hạt mồ hôi nhỏ ẩn dưới mấy sợi tóc mây. Tôi ngồi nhìn ngắm chiếc cổng làng thân yêu và liên tưởng tới biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, thuở còn học ở trường làng. Ngồi trước cảnh xưa, lòng không khỏi bâng khuâng.

...

Ngày nay dù ở nơi xa,

Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,

Thì bao nhiêu cảnh mơ màng

Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.

( Bàng Bá Lân)

Tôi lâng lâng như đắm chìm, ngây ngất về những kỉ niệm xưa ở nơi này. Mọi thứ như hiện rõ ra trước mắt tôi. Thi ngồi bó gối mơ màng. Bỗng Thi giật giọng hỏi tôi:

- Anh có nhớ trường không?

Nàng vừa hỏi vừa chỉ về phía ngôi trường ẩn hiện xa xa, lấp ló sau rặng tre bao quanh. Nó đứng riêng biệt như một ốc đảo giữa biển sóng vàng bao la của lúa. Làm sao tôi quên được nơi ấy. Tôi quên làm sao được những bóng dáng của thầy cô, bạn bè. Tôi làm sao quên được những bài học đầu tiên. Và như hiển hiện trước mắt tôi với những lớp học đang vang lên tiếng ê a đâu đó lẫn với tiếng gõ thước kêu chan chát lên bảng đen. Nào những buổi sáng mai, tiếng trống trường dục dã trộn lẫn với tiếng nô đùa, chạy nhảy. Nào những đám học trò nhỏ chạy túa ra lúc tan trường. Nào những hình ảnh thập thò sau váy mẹ, lo sợ, rụt rè của những em lần đầu tiên đi học trong buổi khai trường.

Tôi quên làm sao được bài văn "Tôi Đi Học" của nhà văn Thanh Tịnh:

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi chưa biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè dưới nón mẹ lần đầu tiên đến truờng, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học."

Nhớ lại đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh, tôi như thấy có tôi trong ấy. Với tôi, bài văn này còn hay hơn bài "La rentrée" của nhà văn Pháp Anatole France mà tôi phải học thuộc lòng khi nhỏ. Trường học luôn luôn là những hình ảnh quyến rũ và thân thương được ví như những giọt sữa ngọt ngào đầu đời chảy từ vú mẹ. Hình bóng của ngày khai trường không những ăn sâu vào tâm khảm của những cô cậu học trò, mà nó cũng còn khắc sâu vào những vần thơ mà mỗi khi đọc lên, ta không khỏi xúc động dù ở bất cứ tuổi nào.

Hôm nay là buổi khai trường

Học trò tấp nập lên đường xôn xao

Chúng tôi vui sướng khác nào

Bầy chim thấy tổ xiết bao vui mừng.

(Trần Trung Phương, trích trong tập thơ Những Vần Tươi Sáng)

Cũng như tôi, chắc Thi như đang nhìn thấy rõ hình ảnh của mình trong buổi tựu trường hay trong những giờ tan học. Nàng nhặt hòn sỏi ném nhẹ ra xa, rồi ngồi lẳng lặng nhặt những bông cỏ may bám vào ống quần.

Chúng tôi cũng chẳng vội vàng về. Đây đã là cổng làng rồi. Đường về nhà không còn mấy bước. Trong cái yên tĩnh, gió man mát thổi hây hây, tôi định dựa mình nhắm mắt lim dim đưa hồn mình vào những kỷ niệm xa hơn thì Thi vụt đứng dậy chạy tới khóm tre trước mặt tìm ngắt những lá tre xanh thật to đem về chỗ tôi ngồi nhờ tôi kết hộ cho nàng những hình “củ ấu”. Nàng khua chân, múa tay nói huyên thuyên về những kỷ niêm nơi trường học trong khi tôi yên lặng tạo những hình bằng nắm lá tre nàng vừa đem tới.

Thi không còn ngồi mơ mộng như vài phút trước đây. Nàng cười nói hồn nhiên, say sưa nhắc về cô bạn này rồi đến cô bạn khác với những kỷ niệm của thời nàng còn học ở trường làng. Có những chuyện nàng kể làm hai anh em cười chảy cả nước mắt. Trong lúc mải vui với câu chuyện, tôi giơ tay cốc dứ đầu Thi, nàng né tránh, chạy ra xa. Tôi nhặt hòn đất nhỏ ném theo. Nàng nhặt viên đất ấy định ném lại tôi, nghĩ thế nào lại ném xuống đất, lấy vạt áo dài lau nước mắt. Tiếng nàng cười vang đi xa làm mấy con chim đang đậu trên cây sung bên bờ ao gần đấy vụt bay đi. Tôi thủng thẳng đứng dậy, đưa cho Thi mấy “củ ấu” kết bằng lá tre tôi vừa làm xong.

- Ta về nhà đi thôi!

Nàng ngoan ngoãn đi bên tôi. Ngang qua cổng làng, chúng tôi lững thững đi trên con đường làng lát gạch. Làng tôi không giàu mà cũng không nghèo, thuộc bậc trung trung. Chúng tôi đi dưới bóng mát của những rặng tre trồng dọc theo đường gạch. Trong ao nhỏ bên đường, vài con vịt đang bơi thảnh thơi, thỉnh thoảng vẫy đuôi kêu "cạc cạc" mấy tiếng rời rạc như để gọi nhau.

Bỗng có những tiếng động loạt xoạt phía trước. Trong lũy tre, con gà trống, sắc lông màu rực rỡ với chiếc mào đỏ chói dương thẳng, đang xòe cánh, nghiêng người sang một bên, chạy vòng quanh bên chị gà mái tơ gạ gẫm. Anh gà xấn tới, chị gà ngửng đầu lên, chạy né sang một bên. Sau vài lần bị hụt, gà trống như mất kiên nhẫn, nhào tới, dùng mỏ mổ vào đầu chị gà tơ. Đầu chị bị dúi xuống, đuôi chổng lên trời, anh trống nhảy tót lên lưng. Chỉ tích tắc, anh gà nhảy xuống. Cả hai cùng xù lông rũ cánh phành phạch. Gà trống dương rộng hai cánh, nhón cao chân, vươn cổ gáy vang vài tiếng khô khan. Chị gà mái tơ giật mình chạy đi vài bước rồi lại thản nhiên bới đống lá tre kiếm mồi như không hề có chuyện gì xẩy ra trước đó. Anh gà trống như chẳng để ý tới hai chúng tôi đang đi tới. Anh lập lại cái động tác như vừa rủ rê vừa bắt buộc của mình với mụ gà mái dầu đang dắt đàn con gần đó. Đâu phải tay vừa, mụ xù lông quyết kháng cự, đối đầu. Gà trống bẽn lẽn lảng xa.

Tôi mỉm cười. Thi làm mặt nghiêm bước thẳng phía trước như không trông thấy gì. Vài tiếng "à ơi ..." ru con buồn bã đưa vọng lại từ xa. Con trâu nằm lười biếng dưới khóm tre trệu trạo nhai lại miếng rơm nó đã ăn trước đó. Thỉnh thoảng nó vẫy mạnh đuôi để đuổi đám ruồi bám trên lưng. Mùi phân trâu đối với tôi là mùi quen thuộc, mùi của hương đồng cỏ nội. Vài con chó đứng lang thang ngoài ngõ, trông thấy chúng tôi, vẫy đuôi lại gần, ngửi ngửi rồi bỏ đi. Thi hơi sợ, vội kéo vạt áo dài che phía trước. Tôi lại nghĩ tới ngay con gà mái tơ lúc nãy, khẽ nhếch mép mỉm cười. Chắc cái mỉm cười ấy phải chứa đựng điều gì hóm hỉnh.

Chúng tôi rẽ sang tay phải khi tới một cái ngõ thứ hai. Từ đây, đường không còn lát gạch nữa, con đường đất gồ ghề trộn lẫn màu đỏ đá ong. Con đường đất này cũng mang cho chúng tôi biết bao kỷ niệm của những ngày tháng cắp sách đến trường làng vào những ngày mưa gió. Ngoài Bắc, có những trận mưa phùn kéo dài tới mấy ngày, có khi cả tuần hay nửa tháng. Mưa thối đất. Mưa cứ rỉ rả rơi, nhẩn nha không vội vã và không gian luôn trở nên mờ đục. Mọi thứ như ẩn hiện dưới làn mưa mỏng. Mưa như thế thì buồn lắm, chỉ vui cho những kẻ yêu nhau và được ở bên nhau.

Những con đường làng ấy không chỉ mang cái hình ảnh buồn bã của mưa phùn mùa đông. Chúng cũng rực sáng lên sau những cơn mưa rào của mùa hè. Những trận mưa rào như xối nước xuống quét sạch những rác rưởi trên đường. Những cây cau, khóm tre, cây mít… như được tắm rửa, đổi lá, thay màu. Chim trên cành cất tiếng hót vang.

Chẳng còn mấy bước chúng tôi phải chia tay nhau. Đến trước cổng nhà, nàng cười với tôi nói nhẹ:

- Em về!

Giơ tay chào tôi rồi nàng tự dùng thân mình đẩy nhẹ cánh cổng gỗ, lách người vào. Trước khi khép cánh cổng lại, nàng khẽ đưa tay ra vẫy chào tôi lần nữa rồi khuất sau cánh cổng ấy. Tôi lững thững tiếp tục đi, lòng thấy bâng khuâng, rộn rã niềm vui. Tôi với tay ngắt bông hoa “dâm

bụt” (bông bụt) màu đỏ tươi bên hàng rào, tung cao lên trời. Tiện chân, tôi đá cục gạch nhỏ bắn đi xa rồi rảo bước về nhà không xa mấy.

Yêu em anh hóa yêu đời

Theo em chấp cánh tung trời bay cao.

(Tác giả?)

 

Mời nghe

 

Làng tôi

 

Làm thơ tình em đọc

 

 

 Hình minh họa (Internet)

 

Nguyễn Giụ Hùng

 

Xem thêm...

Con Đường Thơm - Nguyễn Giụ Hùng

 

 

CON ĐƯỜNG THƠM

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

Lời tác giả:

Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

 

******

 

Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn. Tuy không có những bông hoa hồng rực rỡ trong vườn hay những bông hoa dâm bụt (bông bụt) khoe sắc thắm trên hàng dậu nhưng tôi vẫn thấy được những bông hoa ấy đang nở rộ trong lòng. Tôi rất vui, vui vì Thi đang ở bên tôi.

Tôi ngồi bên Thi và đang nghe nàng nói. Thi nói huyên thuyên về những điều nàng nằm mộng đêm qua. Ánh mắt trong sáng ngây thơ của nàng hòa nhịp trong giọng nói hồn nhiên của một cô học trò ở lứa tuổi vừa chớm lớn, chưa một lần biết yêu đương và tan vỡ.

Tôi nghe Thi nói, nhưng mắt vẫn không rời khỏi bàn tay nàng đang múa may theo câu chuyện. Hai bàn tay ấy như đang cuốn hút lấy tôi. Và tôi muốn được nắm lấy chúng lúc này để gửi đến nàng những thông điệp yêu thương của lòng tôi. Tôi biết, với lòng tin cậy nơi tôi, Thi chỉ có thể hiểu được thông điệp ấy như một thông điệp thương yêu của một người bạn hay của một người anh. Nàng không thể nghĩ xa hơn về những điều tôi mong muốn. Và tôi cũng không muốn làm mất đi lòng tin cậy nơi một cô gái chưa một lần biết nghi ngờ như Thi. Tôi cố giữ được điều đó đến bao giờ, một câu hỏi lớn trong tôi!

Thi im lặng một lúc. Tiếng gió thì thào thổi nhẹ. Vài chiếc lá cuối đông còn toòng teng dính trên cành cây sung đong đưa. Con nhái từ trên bờ phóng xuống ao đến "tũm" làm tôi như tỉnh giấc. Thi từ nẫy nói với tôi những điều gì tôi không còn nhớ rõ. Thi đang ngồi bó gối nhìn tôi mỉm cười.

- Anh đang nghĩ gì mà thẫn người ra thế?

- Không! Tôi chối và mỉm cười với nàng.

Nếu Thi biết được những điều tôi vừa nghĩ về nàng, chắc nàng phải đỏ mặt và chạy trốn. Cũng may, ông Trời đã không cho loài người cái khả năng siêu việt ấy nên cuộc đời vẫn cứ được bình an.

Thi đứng dậy bỏ đi, một trong những chiếc lá mít nàng dùng để ngồi dính theo quần. Thi phủi cho chiếc lá rơi xuống đất. Chiếc lá như còn vương vấn cuốn theo chân nàng. Tôi liên tưởng đến một đoạn thơ của Thái Can:

Cánh hồng quyến luyến nơi chân ngọc,

Như muốn cùng ai sống phút thừa.

Thi tung tăng trong vườn. Khi tới sân gạch nhà trong, nàng nhặt một vật nhỏ ném mạnh về phía tôi nhưng không tới rồi nàng mất hút trong dẫy nhà ngang. Tôi ngồi nhổ những cọng cỏ vàng úa một cách lơ đãng.

Chiếc áo len màu tím hoa cà của Thi lại vừa thoáng trong sân rồi hướng về phía cổng. Tôi đoán nàng đã ra ngõ về nhà. Một chút gì bâng khuâng, vương vấn trong lòng.

Tiếng hát ru con từ hàng xóm đưa sang. Tiếng ru con lúc nào cũng êm đềm tha thiết và mang đến cho người nghe một chút gì buồn man mát. Tôi như:

Tơ trời lơ lửng vươn mình uốn,

Đến nối duyên mình với cõi không.

(Thanh Tịnh)

Nắng vẫn tươi, gió vẫn thổi nhẹ, chim vẫn hót trên cành, khóm tre vẫn uốn mình kẽo kẹt đu đưa, và chiếc lá mít Thi ngồi lúc nãy vẫn còn vương trên cỏ úa, nhưng chỉ riêng mình tôi bỗng sao thấy có cái gì trống vắng xa xăm khi nàng vừa bỏ đi.

Tôi ngồi dựa hẳn người vào thân cây mít, hai bàn tay đan sau gáy, tư lự nhìn trời xanh, thả hồn nhớ tới hình bóng của Thi tưởng chừng như nàng còn đang tung tăng trên con "đường thơm", thơm mùi tóc quyện với hương “bồ kết” xen thoảng lẫn mùi chanh theo gió nhẹ tỏa đi xa. Chiếc áo len mầu tím như còn thấp thoáng ẩn hiện sau rặng tre xanh đầu ngõ.

Cùng lúc ấy, từ chiếc "kèn hát"(1) bên hàng xóm, văng vẳng tiếng hát lõng thõng, chậm rãi, đu đưa của người ca sĩ, cộng thêm với gió mát hiu hiu hòa lẫn trong tiếng xào xạc của lá cây trên cành cây mít như những tiếng ru đã đưa dần tôi vào giấc ngủ.

Chẳng biết thời gian tôi thiếp vào giấc ngủ bao lâu. Âu cái tuổi thanh niên vô tư là thế đấy.

Bỗng tôi nghe thấy tiếng chân đi sột soạt lẫn tiếng cười khúc khích. Tôi mở mắt ra thấy Thi đang đi về phía tôi.

Thấy tôi tỉnh dậy, Thi hỏi ngay:

- Sao anh ngủ say thế?

- Không, anh chỉ nhắm mắt thôi mà! Tôi cãi lại.

Nàng liến thoắng:

- Không phải! Anh ngủ say lắm! Em đem cọng rơm ra định ngoáy mũi anh này.

- Anh ngủ lâu lắm hả? Tôi hỏi.

- Anh ngủ say lắm! Anh ngáy nữa, ngáy to lắm!

- Anh ngáy thế nào? Tôi giật mình hỏi lại.

- Như người ta xẻ gỗ ấy! Thi vừa trả lời vừa phá lên cười.

- ...?

- Anh chẩy cả nước dãi (nước miếng) bên mép nữa kia kìa! Nàng chỉ vào mặt tôi.

Tôi vội đưa tay lên mép, không thấy ướt. Thi vội vừa chạy vào sân trong vừa quay lại trêu tôi:

- Lêu lêu, có người phải lừa! Lêu lêu, có người phải lừa!

Tôi biết bị lừa, vội đuổi theo Thi, tay dứ về phía trước như để “cốc” nàng cho chừa thói trêu chọc người khác. Tôi đuổi sát theo và có thể bắt ngay được bất cứ lúc nào, nhưng tôi đã không làm như thế vì tránh sự đụng chạm đến thân thể nàng.

Thi cứ chạy vòng vòng, trốn sau những cột mái hiên. Tôi đuổi theo sau mà không bắt. Bất chợt, tôi vụt chạy lên phía trước chặn đầu. Thi quay ngược về phía sau để tránh. Nàng chạy thêm vài bước rồi bỗng ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu, úp mặt vào hai đầu gối:

- Không được đánh em! Không được đánh em!

Tôi đứng chống nạnh nhìn nàng:

- Còn trêu anh nữa thôi?

- Dạ thôi ạ!

Tôi cười tủm tỉm. Thi ngửng lên, thấy tôi không đánh, vội vàng đứng dậy định chạy đi. Chúng tôi chợt trông thấy chị Thìn, người chị nuôi trong gia đình tôi, đứng trước cửa nhà bếp nhìn chúng tôi mỉm cười, cái mỉm cười thật hiền lành đôn hậu pha chút hóm hỉnh. Mặc dầu chị không nói gì, nhưng chúng tôi cùng cảm thấy ngường ngượng. Thi kéo tôi đi về phía cổng ra con đường làng, mặc cho chị Thìn nhìn theo.

Vừa ra khỏi cổng, Thi nghiêm mặt lại vì sợ gặp người trong làng nhìn ngó. Nàng đi bên cạnh tôi, ít nói, chỉ thỉnh thoảng ngước mắt nhìn tôi mỉm cười.

...

Chân bên chân, hồn bên hồn yên lặng

Em cùng tôi đi giữa đường rải nắng,

Trí vô tư cho dạ nở hương tình.

Em khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình

Như sắp nói, nhưng mà không; khóm trúc

...

Chân đang bước bỗng e dè đứng lại

Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại.

(Đường Thơm-Huy Cận)

Thi rủ tôi đến thăm cô giáo của nàng năm xưa.

Chúng tôi đi về phía đình làng, qua vài ba ngõ dài, băng qua mấy thửa ruộng trước đây trồng ngô, rồi tới xóm dưới. Xóm dưới, nhà cửa thưa thớt hơn xóm trên nơi chúng tôi đang ở, nhưng vườn tược nhà nào cũng rộng rãi, khang trang. Trong sân, thường được trồng vài khóm trúc hay một vườn hoa nho nhỏ với đủ loại hoa. Đôi nhà có cả hòn non bộ ở giữa sân hay dăm ba chậu cây cảnh trồng trong chậu sứ tráng men lớn.

Đi tới cuối một cái ngõ, Thi ngừng lại trước cửa căn nhà gạch ba gian hai chái, mái lợp rơm vừa được thay mới, trông rất khang trang. Chung quanh nhà được bao quanh bởi hàng rào thưa làm bằng thân tre và nứa, thấp chỉ tới đầu người. Vài loại cây leo bò trên đó.

Qua chiếc cổng gỗ, mái lợp rạ, kiến trúc trông giống như tam quan nhà chùa thu nhỏ. Cánh cổng một đóng, một mở. Chúng tôi cùng bước vào phía bên trong.

Con đường nhỏ dẫn từ cổng vào sân trước nhà được lát gạch đỏ đã đổi mầu rêu. Hai bên đường là hai vườn hoa nho nhỏ.

Nằm dài suốt dọc bề ngang căn nhà, một sân gạch nhỏ cũng đã rêu phong. Ở cuối góc sân bên phải, một giàn hoa rủ những nhánh hoa mầu trắng thoảng hương thơm. Một chiếc chum sành to mầu men nâu đậm dùng hứng nước mưa được đặt hơi xế dưới mái hiên nhà phía trước. Gác trên miệng chum là chiếc “gáo dừa” (2) nâu bóng.

Hai bên hông nhà, vài cây bưởi mọc xen lẫn với hàng cây na. Ngọn hai cây nhãn mọc ở phía sân sau lấp ló vượt khỏi mái nhà, cành lá xum xuê.

Đứng trong sân, Thi gọi vọng to vào nhà:

- Cô Vân ơi!

Không ai trả lời. Thi lại gọi thêm hai ba lần nữa. Một người đàn bà từ trong nhà tất tả đi ra, tuổi trạc ba mươi, người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn với nét mặt vui tươi.

Người đàn bà nhận ngay ra Thi, niềm nở nói:

- Thi đấy à! Các em vào chơi!

Thi cúi đầu chào:

- Chào cô ạ! Thầy cô và em mạnh khỏe chứ ạ?

- Ừ, vào đây! Vào nhà đã!

Sau vài câu chào hỏi xã giao, tôi theo Thi và cô giáo vào nhà. Sau khi mời ngồi, cô giáo vội vã vào trong nhà pha nước. Một cháu gái chừng sáu, bẩy tuổi đi ra, khoanh tay cúi chào.

- Chào “cô chú” ạ!

Chúng tôi nhìn nhau. Thi bước lại ôm cháu vào lòng hỏi chuyện. Cháu bé ngoan ngoãn đứng dựa vào lòng Thi tò mò nhìn tôi. Thi đã quen thân với cháu bé, tôi đoán, chắc Thi đã đến đây chơi nhiều lần.

Cô giáo trở lại với ấm nước “chè xanh” hay “chè tươi” đựng trong “ấm giỏ” và bốn tách nước trong khay. Cô rót nước mời chúng tôi. Nước chè xanh trong vắt, mầu xanh vàng nhạt như màu rượu sam-pa (champagne).

Tôi đỡ tách nước chè vừa rót từ tay cô giáo, ủ nó trong lòng bàn tay để giữ hơi ấm, đợi mọi người cùng uống. Mùi thơm nước chè xanh thoang thoảng bốc lên như mời gọi. Nhà nghèo hay những quán nước chè xanh bên đường bán cho những người lao động thường dùng bát ăn cơm để uống chứ không dùng cốc hay tách như thế này.

Ở nhà quê, nước chè xanh là một thứ nước uống thông dụng và bình dân. Vị chè hơi chan chát nhưng có “hậu vị” đậm đà. Đôi khi người ta cũng uống nước chè nụ, nụ được lấy từ cây chè xanh phơi khô để giữ được lâu; hay uống chè hạt vối, lấy từ cây vối, mầu nâu đậm. Chè hạt vối vị đăng đắng chứ không chan chát như chè xanh. Chè mạn là chè xanh được hái để héo, hấp rồi phơi khô bằng nắng hay sấy khô bằng lửa. Có nhà cầu kì, người ta ướp chè mạn với nhụy bông

sen làm cho nuớc chè mạn sen có hương vị mát và thơm mùi sen. Nếu không có hương sen, người ta có thể ướp chè mạn với hoa ngâu, hoa sói, hoa lài hay hoa cúc… Ở nhà quê, ít ai uống chè Tầu vì đắt, chỉ có các cụ già thuộc gia đình trung lưu, giầu có mới uống nhâm nhi vào buổi sáng hay lúc rảnh rỗi hoặc đãi khách mà thôi.

Dân ta biết uống chè từ lâu, trước cả người Tầu, vì những cây chè cổ được tìm thấy lại ở những vùng hay những nước ở phía Nam nước Tầu. Như thế, chứng tỏ là người Việt ta biết thưởng thức nước chè trước người Tầu. Cũng như những nhà khảo cổ quốc tế đã chứng minh được rằng người Việt ta biết trồng lúa nước và biết làm trống đồng như trống đồng Ngọc Lũ trước cả người Hán. Cả nghìn năm trước công nguyên, đồng bằng Bắc Việt đã từng là cái nôi văn hóa và văn minh rất sớm của vùng Đông Nam Á cổ đại.

chexanhvanuvoi

Tiếng “chè” là tiếng Lạc Việt cổ, tiếng “chia” là tiếng Điền Việt cổ ở Vân Nam, sau đó người Hán phiên âm là “cha” mà ta gọi là “trà” hay “chè”. Sau khi chè được lan tỏa từ các nước phương nam sang bên Tầu từ đời nhà Hán hay trước nữa, “chè Tầu” được phát triển mạnh vào đời nhà Đường và đã đi đến chỗ gần như tuyệt đỉnh vào đời nhà Tống, sau đó được cải tiến thêm về những trà cụ (ấm tách) vào những đời sau như Nguyên, Minh, Thanh. Theo sử liệu, dân ta phải triều cống chè ngon cho nhà Nguyên.

Uống nước chè không phải chỉ là vấn đề giải khát đơn thuần mà nó còn là cái thú thưởng thức thuộc hàng nghệ thuật tao nhã nữa. Người Nhật và người Trung hoa đã đưa nghệ thuật uống chè lên hàng “trà đạo”, mà khởi thủy phát nguồn từ những nhà sư Phật giáo. Trong ca dao của dân ta có những câu chỉ phường tục tử như:

Vai u thịt bắp mồ hôi dầu,

Lông nách một nạm chè Tàu một hơi.

Ta cũng có thể tìm thấy trong văn chương nước ta những vần thơ về chè của những thi nhân, trong đó ta phải kể tới thượng tướng Trần Quang Khải, người từng đánh đuổi quân Nguyên và đã có những câu thơ hùng khí để đời:

Đoạt giáo Chương dương độ,

Cầm hồ Hàm tử quan.

[Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù]

Mà vẫn có những vần thơ tao nhã:

Thử lai yêu khách nghiêu trà uyển

Vũ quá hô đồng lý dược lan.

[Mùa hè lại, pha trà mời khách uống

Cơn mưa xong, gọi trẻ sửa chậu lan]

Hay những câu thơ nôm của Quân sư Nguyễn Trãi, người đã từng giúp vua Lê Lợi mười năm đánh đuổi quân Minh, cụ mong mỏi được:

Bao giờ dưới núi làm nhà

Nước khe gối đá pha trà ngủ say.

Còn cụ Cao Bá Quát có những vần thơ:

Thư nhàn hỏi lửa pha trà mới,

Thích thú tựa thông nhìn ráng sa

Chợt nghĩ về hưu vui thú ẩn,

Một cần câu trúc chuyện đời qua.

Cô giáo Vân hỏi han chúng tôi hết chuyện học hành đến chuyện Hà Nội. Cô giáo và Thi, hai người nói chuyện có vẻ thân mật lắm. Tôi chỉ ngồi nghe và trả lời cô giáo mỗi khi cô hỏi. Tôi góp chuyện bằng những nụ cười nhẹ. Được Thi giới thiệu, cô cứ luôn mồm tấm tắc khen tôi học cao và giỏi. Cô cho biết cô học trường Sư phạm trên Hà Nội, sau đó được bổ về đây dậy học. Cô đã dậy được vài năm rồi. Khi cô về đây, tôi đã rời khỏi trường nhiều năm trước đó nên không biết cô.

Cứ theo câu chuyện cô nói và Thi kể lại thì cô Vân rất yêu nghề giáo và thương mến học trò. Và học trò cũng rất yêu qúy cô. Tình thương yêu của học trò dành cho cô là nguồn vui rất lớn cho cô khi cô phải sống tại nơi thôn dã xa thành phố này. Cô khen Thi là đứa học trò giỏi và ngoan, ngoan nhất của cô. Mỗi lần được khen, Thi lại sung sướng liếc nhìn tôi ra chiều hãnh diện lắm. Câu chuyện cứ lan man kéo dài đến hết mấy tuần nước.

Thi bỗng dắt cháu gái chạy ra sau vườn. Khi trở lại nàng mang theo hai quả ổi chín thật to. Nàng đưa cho tôi một quả.

Cô giáo nói với Thi:

- Sao con không hái thêm? Nhà có ai ăn đâu!

Thi đưa lên mũi ngửi mùi thơm của ổi rồi cho vào túi áo, không ăn.

Cuộc nói chuyện của Thi và cô giáo Vân lại tiếp tục và cứ dài ra tưởng như không dứt. Tôi lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Hai con chim bồ câu đang đứng gần nhau tỉa lông, thỉnh thoảng cùng gật gật đầu, gù gù vài tiếng. Vài chùm hoa từ hàng xóm vắt ngang qua hàng rào rung rinh trước gió.

Hết nhìn qua cửa sổ tôi lại đảo mắt quanh nhà. Nhà có ba gian chính. Gian giữa kê bàn thờ và bộ “tràng kỷ” dùng để tiếp khách, nơi chúng tôi đang ngồi. Hai gian bên trái và phải kê hai bộ “ghế ngựa” ghép bằng những tấm gỗ lim màu đen rộng bản, bóng láng tự nhiên, dầy cả tấc.

Trên bàn thờ, bầy biện nào lư, nào chân đèn bằng đồng sáng loáng. Phía bên trong cùng, sát tường hai con chim hạc lớn đứng chầu hai bên tượng Phật Bà Quan Âm. Tượng Phật Bà được kê lên cao bằng chiếc bục nhỏ bằng gỗ sơn son. Dưới chân Phật Bà là di ảnh của những người thân trong nhà đã quá cố. Sau đến, gần nhất, là bình hương, mâm ngũ qủa với chiếc đèn dầu leo lắt cháy. Mọi thứ trên bàn thờ như được đặt đối xứng với nhau. Tôi nghĩ nền văn hóa của ta có tính đối xứng đó chăng?

Dưới chân bàn thờ, hai bên là hai lọ “độc bình”.

Trên tường được treo vài bức tranh Đông Hồ rất đẹp, dân gian thường gọi chung loại tranh này là “tranh con lợn" hay “tranh con gà". Hai tranh gà, lợn này được đại diện gọi như thế vì chúng được phổ biến rộng rãi nhất trong những tranh của làng Đông Hồ.

tranhdongho

Tranh Đông Hồ vừa phong phú về nội dung lại đa dạng về hình thức. So sánh loại tranh con lợn, con gà được sản xuất tại làng Đông Hồ với loại tranh con lợn, con gà sản xuất ở phố Hàng Trống, Hà Nội, ta thường gọi tắt là tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống thì tôi thích loại tranh Đông Hồ hơn.

Tranh Hàng Trống, được in trên giấy tốt, sắc sảo cả về nét vẽ lẫn mầu sắc nhưng nó lại có cái vẻ đẹp tỉnh thành. Ngược lại, tranh Đông Hồ được in trên giấy "dó", mầu sắc được pha chế bằng những vật liệu đơn sơ sẵn có ở thôn quê hay trong thiên nhiên như vỏ cây, vỏ sò hến, lá tre, hoa hòe, lá chanh, lá cam... và đặc biệt là tranh được sản xuất trên mộc bản. Chính những cái đơn sơ ấy đã tạo cho tranh Đông Hồ một sắc thái riêng biệt, độc đáo đối với các loại tranh khác, ấy chính là tính chất mộc mạc, chân quê, đầy tình dân tộc của nó. Và đứng cả về phương diện lịch sử của loại tranh dân gian, tranh Đông Hồ được coi là lâu đời nhất trên đất nước ta.

Mỗi bức tranh con lợn, con gà, các nghệ sĩ dân gian đều gửi gấm những ý nghĩa vừa tinh tế, vừa thâm trầm vào đó. Tôi liếc vội sang Thi, mỉm cười vì nhận ra rằng Thi còn quá trẻ và ngây thơ để tôi có thể giảng giải cho nàng về ý nghĩa lẳng lơ của bức tranh “hái dừa” đầy dục tính nam nữ gồm một cô thôn nữ vén váy cao, ưỡn người, dạng chân đứng hứng lấy hai trái dừa của chàng trai với nét mặt hóm hỉnh chuẩn bị ném xuống từ trên thân cao cây dừa. Hai trái dừa ấy tượng trưng cho nam giới. Hay ý nghĩa thâm thúy của bức tranh “đám cưới chuột” nói lên cái uy quyền của giai cấp cai trị được miêu tả bằng hình ảnh con mèo to lớn, lớn hơn cả mấy lần con ngựa chú rể chuột cưỡi. Hay ý nghĩa phồn thực, con đàn cháu đống qua tranh “đàn gà”, “đàn lợn” ...

 tranhdongho1

Chỉ có người Việt Nam mới thật sự thưởng thức nổi hết ý nghĩa sâu xa của những bức tranh dân gian của người Việt Nam. Ở thôn quê, người ta còn dùng tranh Đông Hồ như tranh ông Hổ, ông Chúa, bà Chúa ... để thờ. Tranh con lợn, con gà nói chung thường được bầy bán tại những phiên chợ Tết hàng năm ở làng quê. Dân làng mua tranh về để trang hoàng, để vui Xuân cùng với thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu ngày Tết bánh chưng xanh, và những tràng pháo đỏ.

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,

Om xòm trên vách bức tranh gà.

(Tú Xương)

Hay

Đón Xuân anh thích treo tranh,

Vách tím tranh lợn, vách xanh tranh gà.

Mọi thứ trong nhà cô giáo được sắp xếp một cách ngăn nắp, sạch sẽ. Cứ nhìn cách bầy biện, trang trí này người ta cũng nhận ra ngay gia chủ phải là một người thấm nhuần văn hóa chân phương dân tộc.

Trời đã ngả về chiều, câu chuyện cũng phải tới lúc chấm dứt. Tôi và Thi chào tạm biệt cô giáo. Cô đưa chúng tôi ra tới tận cổng. Trước khi chia tay, Thi không quên hôn lên má cháu gái và cùng vẫy tay chào.

Trên đường về Thi kể chuyện về cô giáo Vân. Nàng yêu cô giáo lắm. Tết đến nàng thường hay mang hoa đến tặng cô. Tôi và Thi bước bên nhau và kể cho nhau nghe về những kỉ niệm với thầy cô. Và chẳng mấy chốc, chúng tôi đến chỗ rẽ phải chia tay nhau, ai về nhà nấy. Tôi đứng lại nhìn theo Thi cho tới khi nàng khuất nơi cuối ngõ.

Tôi bước về nhà với lòng vui lâng lâng khó tả. Đi được một quãng ngắn, tôi cắm đầu chạy một mạch về nhà, tung cổng chạy ào vào sân. Chị Thìn nhìn tôi ngơ ngác, mỉm cười. Chị lặng lẽ lên nhà trên chuẩn bị cho bữa cơm chiều dường như sắp được dọn ra.

Tôi chạy tiếp ra phía sau vườn. Tôi chợt nhớ về Thi dù nàng vừa ở bên tôi cách đây mấy phút. Âm thanh của bản nhạc tôi nghe buổi trưa lẫn tiếng cười tinh nghịch của Thi như còn văng vẳng đâu đây.

Tôi bâng khuâng nhìn trời cao. Những cụm mây trắng lờ lững bay bình thản, "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay"(3), còn bay và bay mãi tới vô cùng như tình yêu của loài người chẳng bao giờ chấm dứt. Tôi lững thững quay trở vào nhà, mỉm cười với niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng.

 

Nguyễn Giụ Hùng 

 

Chú thích:

(1) “kèn hát” là tiếng của người miền Bắc chỉ máy quay đĩa 45 hay 33 vòng, chạy bằng “dây cót” quay tay.

(2) Gáo múc nước làm bằng nửa quả dừa khô, có cán.

(3) Câu thơ cụ Tản Đà dịch từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu

 

Mời nghe

 

Nhỏ ơi

Thầm thì

Xem thêm...

CHUYỆN TÌNH MÙA CHINH CHIẾN - Yên Sơn

CHUYỆN TÌNH MÙA CHINH CHIẾN

   ◊ ► Yên Sơn ◄ ◊  

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, “Bình Long anh dũng, An Lộc kiêu hùng” đã kéo hút chúng tôi, binh chủng Không Quân VNCH, vào chiến trận mịt mù khói lửa. Dĩ nhiên các bạn bên tác chiến (trực thăng, khu trục, A37, F5) đối diện với tử sinh đã đành; lũ chúng tôi bên vận tải cũng góp phần không kém. Nào là thả dù tiếp tế, soi sáng chiến trận, không vận chuyển quân, không vận thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho các chiến trường. Hai phi hành đoàn C123K hy sinh liên tiếp trong hai tuần lễ liền làm bàng hoàng những anh chàng có chữ thọ trên trán.

Những phi vụ kể trên dĩ nhiên đáng rét nhưng không rét bằng những phi vụ đưa anh hùng tử sĩ về quê. “Anh hùng” khi ra đi, khí thế phừng phừng với bầu nhiệt huyết, quyết một lòng giữ yên bờ cõi với súng đạn cài tận răng… nhưng khi “tử sĩ” trở về, các anh chỉ nằm im ỉm trong lớp áo quan, dưới lá quốc kỳ phủ kín, mặc cho người thân đau đớn tận cùng. Những tiếng khóc nỉ non, ai oán làm mềm lòng người nghe; uất khí của các anh bao trùm trời đất, bám chặt vào tất cả các vật thể chung quanh làm chùn lòng những người lân cận. Ngay như tôi rất thích bay, rất hay tình nguyện nhưng cũng phải xem trước “lịch trình bay”. Các anh đừng vội giận tôi nhưng thà tôi đi chiến trường còn hơn là đưa các anh về quê, buồn lắm, mặc dầu tôi vẫn thương kính các anh.

 

Tôi rất sợ nghe những tiếng khóc than không dứt của vô số người vợ trẻ con thơ, của cha mẹ hay người thân thích của các anh; nhất là tôi rất sợ cái mùi uất khí! Thử tưởng tượng vài chục người vật vã khóc than liên tiếp suốt chặng đường bay vài ba tiếng đồng hồ cùng với mùi uất khí nồng nặc của cả chục quan tài bám chặt vào râu tóc, áo quần từ đầu đến chân không có phương cách nào trừ khử được… Nào là lá trầu, nào là vôi, nào là dầu thơm, dầu xanh, dầu nhị thiên đường… bất cứ thứ gì nghe mách bảo đều thử qua để mong chống lại mùi tử khí nhưng đều bất lực! Bám chặt đến nỗi tắm gội bằng đủ các hiệu xà phòng, nước thơm; cạo râu, cắt tóc ngắn, giặt giũ bằng tay bằng mọi loại hóa chất (bỏ tiệm giặt nhiều nơi không dám nhận) cũng chả ăn thua gì! Chưa kể đến những lần khí hậu không cho phép hoặc cần phải bay lên cao… không khí loãng làm quan tài bật nắp là một thảm họa khôn lường! Chuyện lên cao làm quan tài bị bật nắp và các ông áp tải phải leo ngồi trên nắp áo quan để trấn giữ cho tử thi không ngồi dậy là chuyện không xa lạ gì với phe vận tải!

Người ta nói, cái gì cũng vậy, đụng riết phải quen, làm riết phải rành… nhưng trời ơi cả một mùa hè dai dẳng vẫn không sao chịu nỗi. Mỗi lần xem phi vụ lệnh là mỗi lần cầu nguyện để được đi chiến trường! Dù vậy, vẫn không thoát được. Anh em vẫn phải chia phiên nhau. Cả một mùa hè mỗi người phải bay ít nhất ba ngày một tuần, cho nên chờ được ngày nghỉ dường như rất khó tới!

Chính cái mùi uất khí đó đã ngăn cản tôi những lần hẹn hò dưới phố, nhất là với người đẹp. Chỉ dám xuất hiện một cách nhanh chóng khi đã làm tất cả mọi thứ để giảm thiểu mùi hôi, vậy mà có lần nàng phải bịt mũi nhăn mày. Chỉ khi nào thấy lâu quá tôi không xuất hiện nàng mới gọi với lời dặn dò “tắm rửa cẩn thận và thay quần áo mới”. Vâng, quần áo bao giờ cũng tươm tất nhưng cái mùi dính chặt vào da thịt thì không cách nào chôn giấu được!

Tôi quen nàng trước lâu Mùa Hè Đỏ Lửa, đã hứa với nàng thế nào cũng đưa nàng đi dạo không gian một ngày (nàng làm việc cho cơ quan DAO của Mỹ trong phi trường nên việc ra vào cổng an ninh rất dễ dàng). Thế nhưng hẹn vẫn chỉ là hò. Nàng đi làm mỗi ngày còn tôi thì mải miết bay tiễn người đi đưa người về liên tục. Chờ đợi, hẹn hò mãi cho tới một ngày nàng báo “ngày N em có thể đi bay với anh với điều kiện không chở quan tài”. Tôi xin với Phi Đoàn Trưởng, ngày N cho bay phi vụ không chở quan tài và cho phép bạn gái đi theo. Ông PDT của tôi vui vẻ nhận lời vì có lần ông ta hỏi tôi “bộ anh không có bạn gái hay sao mà xin đi bay hoài dzậy”.

https://i1.wp.com/thovanyenson.com/images/Stories/chuyentinhmuachinhchien6.jpg

Ngày N, tôi được cắt bay Saigon, Nha Trang, Đà Nẵng, Saigon. Trong phi vụ lệnh thấy chở một ít hành khách, thực phẩm tiếp tế đi và rước hành khách và thương bệnh binh về. Tôi yên tâm đánh xe rước nàng vào phi đoàn. Nàng mặc chiếc áo dài màu hồng thẩm, để lộ những đường cong tuyệt mỹ với nụ cười tươi trẻ luôn nở trên môi cùng đôi mắt long lanh quyến rũ… đã chiếm cảm tình tất cả mọi người gặp nàng hôm đó, làm tôi sung sướng, hãnh diện vô cùng. Anh NHC Trưởng phi cơ (TPC) ưu ái cho nàng ngồi trên buồng lái chỗ ghế Điều Hành Viên (ĐHV). Khi máy bay bình phi rời khỏi vùng trời Saigon, ông TPC cho nàng ngồi vào chỗ của tôi để “feel” cần lái một lúc. Có lẽ lần đầu tiên trong đời được ngồi trong phòng lái nhìn trời mây bao la, không gian xanh ngát… nên đối với nàng cái gì cũng mới lạ. Tiếng cười trong trẻo, tiếng nói thanh tao của nàng làm cho mấy đoạn đường bay rút ngắn rất nhanh…

Nhưng rồi tai họa đổ ập xuống! Chưa đáp Đà Nẵng đã có lệnh sẽ phải bay ra Huế chở 10 quan tài về lại Saigon! Lệnh trên đã ban xuống không thể không thi hành! Nàng nghe tin bàng hoàng muốn xỉu, mặt mày thất sắc, đôi mắt mọng ướt! Tôi xót xa xin lỗi nhưng không làm cho nàng tươi tỉnh hơn được! Xuống tới Đà Nẵng tôi tìm cách liên hệ với tất cả phi cơ bạn đáp ở đây để gửi nàng về trước; thế nhưng, đã tới giờ cất cánh mà vẫn không tìm ra một ai! Nàng riu ríu theo chân chúng tôi một cách miễn cưỡng.

Trên đường ra Phú Bài tôi cũng cố gắng liên lạc trên tần số xem có ai ở Phú Bài bay về SGN mà không chở quan tài; nhưng vẫn vô phương! Trước khi đáp ở Huế, chúng tôi liên lạc với cơ quan trách nhiệm chuẩn bị vận chuyển quan tài lên tàu ngay lập tức một khi chúng tôi vào bến đậu. Trong khi chờ đợi áp tải làm việc cùng nhân viên trạm, chúng tôi ăn qua quít, vội vã để bay về sớm. Cả PHD không ai nói với ai một lời. Sự vui tươi buổi sáng đã đi vắng cùng với nỗi âu lo, buồn phiền hiện trên nét mặt của nàng làm chúng tôi bất an nhưng dường như không ai biết nói cách nào để an ủi. Nài nỉ mãi nàng mới ăn được một chút, rồi cùng lũ chúng tôi lần lượt lên tàu. Tôi ngại ngần nói với nàng cứ đi thẳng lên buồng lái mà không cần để ý tới ai làm chi. Vừa bước lên nhìn thấy cả chục cổ áo quan bao phủ cờ vàng 3 sọc đỏ là nàng đã hồn phi phách tán. Thấy các gia đình thân nhân khóc than bi thiết khiến chân nàng rụng rời xuýt vấp té. Nàng cố bịt miệng bịt mũi bước thật nhanh lên phòng lái ngồi vào ghế của ĐHV. Mùi tử khí nặng nề khắp nơi khiến nàng không thể cầm giữ sự ói mửa liên tục. Chúng tôi vội vàng quay máy mở cửa phòng lái phóng ra phi đạo kéo vút lên trời, xin phép bay ở cao độ thấp đi dọc theo bờ biển với tốc độ nhanh nhất có thể để mong về Saigon sớm.

Suốt chặng đường dài nàng cứ vật vờ rủ xuống ghế ngồi, hết ói tới mửa, không nói một lời! Chúng tôi dùng hết hai lọ nước hoa nhỏ của nàng và của tôi mang theo trong túi áo; xát lá trầu, đánh dầu gió, dầu xanh trên thái dương; tôi tính bôi vôi vào lòng bàn chân nhưng nàng nhất quyết từ chối. Máy bay đáp xuống Saigon, anh TPC gọi ngay chiếc xe trực của phi đoàn ra đón gấp. Tôi dìu nàng ra xe, toàn thân nàng yếu lã trên tay tôi.

Buổi sáng tươi vui, xinh đẹp bao nhiêu bây giờ như đóa phù dung buổi tối, đôi bờ môi tím ngắt, gương mặt xanh xao thất sắc, chân tay rời rã nhũn mềm! Lòng tôi ngập tràn thương cảm và có chút hối hận! Tôi ngỏ lời muốn đưa nàng đi bệnh xá nhưng nàng nhất định đòi về nhà ngay. Chìu lòng nàng, tôi phóng xe ra phố. Lòng tôi âu lo, tự nghĩ phen này “chắc khó tai qua nạn khỏi” mặc dầu không hoàn toàn lỗi của mình.

Mẹ nàng đón chúng tôi ở cửa với vẻ mặt hoảng hốt, rụng rời! Ôi con gái cưng của mẹ! Bà tất tả thoa bóp, lấy khăn ướt lau mặt mày tay chân cho nàng. Lúc này bà cụ mới phát giác, “sao cả hai đứa bây có cái mùi gì làm mẹ muốn nôn vậy?” Tôi đứng như trời trồng chưa biết trả lời ra sao thì nàng khoát tay bảo “anh về nghỉ đi mai mốt trở lại thăm em”. Tôi thẹn thò không nói nên lời, lúng túng cúi đầu chào bà cụ rồi phóng ra cửa biến dạng!

Nàng bệnh đúng một tháng và tôi chỉ đến thăm chớp nhóang đúng một lần khi nàng sắp sửa trở lại sở làm. Đó là lần tôi được nghỉ bay hai ngày liên tục, ngâm lâu trong nước ấm, mặc nguyên bộ quần áo mới toanh, dùng loại nước hoa đặc biệt để trấn bớt cái mùi đã thấm vào thịt da râu tóc! Vả lại, chiến trường vẫn sôi động và lũ chúng tôi vẫn phải tiếp tục đưa anh hùng tử sĩ về quê nên dù có muốn đến thăm nhiều hơn cũng không thể được, phần sợ bà Cụ, phần ngại nhìn mặt nàng. Tự nhiên thấy mình có lỗi quá sức! Và cứ thế, càng ngày chúng tôi càng thưa thớt gặp nhau.

Người ta thường nói”xa mặt cách lòng”! Vâng, tình cảm của chúng tôi có phần vơi đi vì mặc cảm cả hai bên. Ôi không gian thênh thang sao không đủ chỗ cho tình yêu của chúng tôi dung thân! Chuyến đưa nàng đi dạo không gian ngỡ sẽ làm cho tình yêu thăng hoa chứ có ai ngờ đâu đó là nguyên nhân làm cho mối tình của tôi và nàng càng ngày càng phai nhạt. Thật ra lòng tôi cũng không còn đủ tha thiết với nàng như xưa. Kịp đến khi tình trạng đưa người về cố quận bớt hẳn đi thì nàng đã bén duyên mới. Và tôi cũng mới làm quen một cô học trò be bé, xinh xinh.

Duyên mới của nàng là một anh bạn phi công trực thăng bị đụng xe rất nặng, nằm chữa trị rất lâu ở bệnh viện Cộng Hòa. Anh bạn quê ở ngoài Trung xa tít nên thân nhân rất khó khăn để ở Saigon chăm sóc. Tôi đưa nàng đến thăm. Nàng xuýt xoa thương cảm. Bác sĩ cho chúng tôi biết là anh bạn sẽ không thể bay lại được nữa, chữa trị xong sẽ giải ngũ. Tính nàng mẫn cảm, xót thương cho sự đơn độc của ông bạn của tôi nên thường xuyên lui tới thăm viếng, an ủi, săn sóc. Có lẽ tấm lòng của nàng chứa đựng sẵn tấm lòng của chị gái, của em gái, của một đấng từ mẫu nên càng ngày càng thấy tình thân ái của nàng đối với ông bạn của tôi có vẻ mặn mà hơn…

Khoảng tháng 3/75 bạn tôi xuất viện và được nàng đưa thẳng về nhà nàng để tiếp tục điều trị tại gia và chính tay nàng đã tận tụy săn sóc bảo dưỡng. Ngày 26/4/75 tôi có ghé nhà thăm mới biết nàng đã đưa Mẹ, anh chị, và bạn tôi di tản theo cơ quan của nàng.

Vài năm sau ở Mỹ, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Bạn của tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh. Cả hai người đã đồng tâm hiệp lực xây một mái ấm gia đình trong vô vàn hạnh phúc. Lâu lâu tôi lại có dịp ghé thăm, đôi khi cũng ý nhị nhắc chuyện cũ để cùng cười độ lượng với nhau trong tình cảm bạn bè.

***

Duyên mới của tôi là một hạnh ngộ bất ngờ.

Tôi được người bạn phi hành, ĐT Khừ, thuê chung phòng trọ ngoài phố, cùng phục vụ chung phi đoàn, bay chung phi vụ tải hàng về Miền Trung, chở khách về Saigon hôm đó mời tôi và Khải sửa (TPC) tham dự tiệc sinh nhật của cô bạn gái của hắn ở ngoài phố. Sau khi về phòng trọ tắm rửa, trau chuốt cẩn thận, ba chúng tôi cùng đi, tạt qua phố sắm sửa chút quà cáp rồi chạy thẳng tới nhà. Đứng chờ cửa, chúng tôi đã nghe nhiều tiếng nói líu lo, tiếng cười dòn tan trong trẻo của các người đẹp. Khi chủ nhân đưa chúng tôi bước vào nhà, tất cả đều ngưng bặt, người chỉ đưa mắt nhìn người với những cái gật đầu cười nụ. Khừ giới thiệu hai chúng tôi với cô chủ nhà và cô chủ nhà giới thiệu 3 cô bạn gái khá xinh của nàng.

https://i2.wp.com/thovanyenson.com/images/Stories/chuyentinhmuachinhchien8.jpg
Chủ nhân cố ý sắp đặt chỗ ngồi cho mỗi cô mỗi chàng, còn gia chủ ngồi ghế đầu bàn, ở giữa. Thật tình tôi không nhớ tôi đã ngồi với ai, ba hoa chích chòe những gì hôm đó. Suốt buổi tiệc tôi chỉ chăm chú tới một cô nương ngồi với Khải sửa (vì thỉnh thoảng tôi bắt gặp nàng liếc nhìn tôi). Nàng mặc áo dài trắng như nữ sinh có thêu hoa lan thanh nhã, trông rất trẻ con (tôi đã nghĩ chắc khoảng đôi tám), gương mặt bầu bĩnh tươi thắm, nước da trắng ngần, đôi môi hồng luôn mỉm cười, rất ít nói, chỉ cười góp, hay cúi mặt e thẹn nếu có ai nói về nàng. Tôi nói chuyện chung chung với mọi người nhưng hay bắt chuyện với nàng vì Khải sửa cũng chỉ hay cười biếng nói. Khi cần phải trao đổi điều gì, nàng chỉ nói lí nhí cho qua chuyện rồi lại ngồi im nhìn, nghe người khác.

Khi tiệc tan, chúng tôi lưu luyến chia tay, phần ai về nhà nấy. Một buổi tiệc vui vừa phải và không để lại trong tôi một đặc biệt nào. Mấy hôm sau, BN – cô chủ nhà gọi điện thoại cám ơn anh em chúng tôi đã tới tham dự và tặng quà sinh nhật cho nàng. Sau một lúc nói năm điều ba chuyện xong, BN hỏi tôi có còn nhớ cô bé ngồi với tôi không? Tôi trả lời “xin lỗi quên cả tên mất rồi”! “Hèn gì TT cũng nói với N là anh có vẻ vô tình”. Tôi đáp, “tôi công nhận là chưa có tình”. “dù vậy lại có người khác hỏi thăm anh” “Ai vậy?”. “Thì N đây nè hihi… nói đùa với anh thôi. Anh còn nhớ cô nàng ngồi với anh Khải không?” “à à cái cô be bé dễ thương đó hả?” “Vậy là anh có tình ý với cô ta rồi!” “Đâu có, BN muốn giới thiệu cô đó cho anh Khải bạn anh mà ?” “Nhưng cô ta không chịu, chỉ hỏi thăm anh thôi!” “Mèn!” “Anh hối lộ cho N, N sẽ nói tốt về anh”. “BN biết gì về anh mà nói tốt?” “Anh Khừ nói hết cho em biết về anh rồi!” “Chết chưa! Nhưng anh có gì xấu đâu mà lo?” “Có chứ, nhưng em không nói cho anh biết đâu!” “Chỉ giỏi bắt nọn! Anh sẽ dần ông Khừ của em mềm xương”. “Anh Khừ chỉ là bạn bình thường thôi mà!” “Vậy ai là bạn không bình thường của BN?” “Bí mật anh ơi!”. “Ừ thì có ngày cũng sẽ bật mí”. “Em mới quen thôi nhưng dường như người đó không để ý đến em!” “À vậy đúng là không bình thường!” “Thôi bỏ qua chuyện của em, em hỏi lại anh, anh có muốn gặp TD không?” “TD nào?” “Là cái cô nương bé bé dễ thương như anh nói đó”. Nhưng cô nhỏ đó còn bé quá mà!” “Sắp thi vào đại học rồi đó chàng!” “Oh my mine, Thế à! Nhưng gặp bằng cách nào?” “Chỉ cần mời chúng em đi ăn thì sẽ được toại nguyện”…

Sau khi tôi gặp Khải sửa ở phi đoàn để hỏi lại cho chắc ăn. Khải sửa nói không biết gì về cô gái đó. Thế là tuần lễ sau tôi tìm được giờ mời hai cô nương đi ăn nghêu ở đường Nguyễn Tri Phương. BN nói với tôi là sẽ đến nhà nàng xin phép Mẹ nàng và đưa nàng đến chỗ hẹn. Tôi có một chút bỡ ngỡ khi gặp lại hai người. Cả hai rất xinh tươi trong hai bộ đồ đầm khác màu, hợp thời trang buổi tối. Cả hai trông rất khác với tà áo dài trong tiệc sinh nhật hôm nào. Dù nàng vẫn nói ít cười nhiều, nhưng trong ánh mắt nàng, tôi thấy chứa chan thiện cảm. Ngồi với nhau được vài tiếng thì nàng xin phép ra về vì nàng nói Mẹ nàng rất khó. Tôi xin số điện thoại nhưng nàng không dám cho, nói với tôi cứ nhắn với BN là được rồi! Tôi quay ngó BN, nàng dẩu môi cong cớn, “tui hổng phải chim xanh đâu nha, hai người tìm cách tự lo đi!”… Tôi lưu luyến tiễn hai nàng ra xe về.

Nói thì nói vậy, BN vẫn miễn cưỡng đi chơi chung với chúng tôi thêm vài lần nữa. Tôi nói với nàng, “TD cho anh địa chỉ anh sẽ đến nhà thăm chứ thấy BN không vui như lúc đầu nữa.” Nàng nói để dọ ý Mẹ nàng trước đã, khi có vẻ thuận tiện sẽ gọi điện thoại cho tôi biết.

Hẹn lần hẹn cứa cho tới hôm Mẹ nàng nằm ở bệnh viện Quảng Đông mấy hôm, nàng cho tôi biết và hẹn tới bệnh viện thăm bà. Tôi mua hoa, mua cam hồi hộp đến bệnh viện. Nàng giới thiệu tôi là bạn với BN muốn tới thăm. Bà Cụ nằm nhìn tôi từ đầu tới chân rồi nói lời cám ơn. Đêm hôm đó tôi xin phép ở lại bệnh viện với bà dù bà không hoan nghênh cho lắm. Tôi cố thuyết phục bà bằng cử chỉ và hành động nên thức trắng đêm canh giấc ngủ cho bà, hỏi han bà từng li từng tí. Hơn nữa, tôi cũng muốn nhân cơ hội ở gần nàng lâu hơn. Hai đứa chúng tôi ngồi hai đầu băng đá trước cửa phòng cốt để cho bà cụ thấy được. Nàng tỏ ra cảm động và bắt đầu thổ lộ chuyện gia đình.

https://i2.wp.com/thovanyenson.com/images/Stories/chuyentinhmuachinhchien9.jpg
Nàng cho tôi biết, nàng đã xong Trung học Nguyễn Bá Tòng, sắp vào Văn Khoa. Ba nàng làm ở tòa án rất bận rộn nên thường vắng nhà; có 3 chị. Hai chị lớn đã lập gia đình chỉ có chị Tư nghỉ học, trốn ba mẹ gia nhập Thủy Quân Lục Chiến mấy năm rồi! Nàng cho biết Mẹ nàng biết tôi là dân bay nên không mấy thiện cảm và luôn nhắc nhỡ nàng “đề cao cảnh giác”. Nàng nói tôi liệu hồn! Tôi nói, “thiệt oan cho lũ trẻ tụi anh, đứa nào cũng hiền khô, nhất là anh dân ruộng biết gì! Không hiểu mấy ông đàn anh làm gì mà tai tiếng như thế, hay tại người ta ghen ghét Không Quân nên đồn thổi, thêm mắm dặm muối mà thôi! Nàng hứ và lườm tôi với đôi con mắt có đuôi. Tôi nói đùa, “TD nói với Mẹ anh sẽ xin đi Thủy Quân Lục Chiến như chị Tư nha”. “Em xù anh liền!” “Vậy là TD muốn anh mang tiếng xấu nha?” “Khỉ anh!”

Nàng cùng thức với tôi nguyên đêm dù có ngủ gà ngủ gật. Hai đứa co ro ở hai góc phòng canh thức. Đôi lúc tôi ra dấu muốn tới ngồi gần nàng nhưng nàng lắc đầu lia lịa rồi chỉ Mẹ. Tôi làm bộ bò sát đất về phía nàng, nàng vội vả đứng lên tới bên giường bà Cụ. Tôi bịt chăn lên miệng cười thỏa thích! Buổi sáng hôm sau tôi ra về với cõi lòng phơi phới, thấy mùa thu còn ngủ trên cây. Chạy một mạch về phòng trọ, không kịp thay đồ, ngủ vùi một giấc dài tới chiều tối vào phi đoàn nhận lệnh đi bay vào hôm sau.

Có lẽ nàng cũng cố tình cho tôi lấy điểm với bà Cụ cho nên hôm bà Cụ rời bệnh viện, nàng báo cho tôi biết đến đón bà đưa về tận nhà. Và kể từ đó, cái nhìn của bà về tôi càng ngày càng bớt đi phần nghiêm khắc, rồi dần dần tôi được phép đi lễ nhà thờ cùng bà và con gái trong những Chúa Nhật tôi có mặt ở Saigon. Thỉnh thoảng tôi được mời dùng cơm tối với Ba của nàng. Cụ ông tính tình điềm đạm, gương mặt phúc hậu, ăn nói nhỏ nhẹ. Cả ông và bà đều là người Nam nhưng không giống nhau về cách cư xử. Bà khó tính bao nhiêu thì ông dễ tính bấy nhiêu…

Thời gian cứ thế trôi qua. Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt và cuộc tình càng lúc càng đằm thắm hơn. Có mấy lần nàng và Mẹ ngỏ lời muốn chúng tôi tiến tới hôn nhân. Nhưng than ơi! “Tiền lính tính liền”, thân tôi chưa lo xong làm sao tôi lo cho nàng được! Hơn nữa, sự chết sống thật sự cận kề, bạn bè đã bao nhiêu đứa lìa đàn gãy cánh ra đi, bỏ lại vợ con tân khổ. Hơn nữa, suốt mùa Hè đỏ lửa tôi đã bao lần rơi nước mắt trước cảnh những người vợ trẻ khóc chồng, cha mẹ khóc con! Tôi nghĩ tới những hangar ở Phú Bài chứa đầy xác chết, dòi bọ lúc nhúc, hôi hám rực trời, chờ thân nhân đưa về cố quận… nên chùn lòng dù rất mực yêu thương nàng. Ông bà biết sự lo âu của tôi nên càng khuyến khích rằng ông bà thừa sức để lo toan cho con gái của họ… nhưng trời ơi thực lòng tôi không thể nhẫn tâm!

Lần lựa mãi, toan tính mãi, hẹn hẹn thề thề… để rồi trưa ngày 29 tháng 4, năm 1975 tôi vượt thoát không có nàng bằng chiếc C130 cuối cùng của căn cứ Tân Sơn Nhất, dù vẫn không biết đi đâu, về đâu!

Đầu tháng 09.2003

 

Yên Sơn

  

Xem thêm...

Trăng Quê - Nguyễn Giụ Hùng

TRĂNG QUÊ

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Lời tác giả:

Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn sót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ.

Tôi và Thi vừa đi xem lễ hội cúng vía Thần hoàng ở đình làng bên. Dân làng tề tựu nơi đây để cầu xin cho được mưa thuận gió hòa và nhà nhà được yên vui.

Hình minh họa

Chúng tôi mải vui xem hội nên tới quá xế chiều mới nhớ trở về nhà. Cùng rảo bước bên nhau trên đồng ruộng, chúng tôi lần theo những con đường chỉ lớn vừa đủ cho hai người đi song song. Có những chỗ đường bị thu hẹp lại, tôi để Thi đi trước, tôi bước theo sau. Bóng dáng Thi lúc nào cũng thoăn thoắt lẫn trong tiếng cười đùa. Tuy Thi lớn lên ở đồng quê, nhưng sau thời gian sống nơi thành thị nàng đã thay đổi nhiều. Thật ra, gia đình Thi thuộc vào loại có ngôi thứ và khá giả trong làng nên bản chất nàng cũng đã không giống những cô thôn nữ mộc mạc cùng lứa tuổi. Mặt nàng trắng hồng với đôi mắt thông minh, đôi môi lúc nào cũng mọng đỏ tự nhiên, đầy sức sống. Mái tóc dài ngang quá vai được kẹp bằng chiếc bím bạc phía sau. Mỗi khi nàng chạy, mớ tóc óng ả ấy lại phất sang bên này hay sang bên kia bờ vai. Tuy Thi cũng mặc áo nâu quần đen thôn dã, nhưng trong cái đơn giản ấy nàng vẫn mang bóng dáng của một cô học trò trên tỉnh về quê thăm nhà.

Tôi và Thi vẫn còn đi trong cánh đồng luá. Lác đác đó đây những thửa ruộng vừa mới gặt xong còn trơ cuống rạ. Điểm trắng, vài con cò lò dò trong đầm nước xa xa. Vài ba người đàn bà vội vã gánh hàng về sau phiên chợ, nói chuyện xôn xao rồi chẳng mấy chốc họ đã mất dạng. Một người đàn ông gò lưng đạp lạch cạch trên chiếc xe đạp cũ. Âm thanh của chiếc “xích” thiếu dầu ken két vang xa nhưng cũng nhỏ dần rồi tắt hẳn sau lũy tre làng. Buổi chiều ở cánh đồng quê sớm trở nên vắng lặng. Những tiếng ễnh ương hay ếch nhái đã bắt đầu vang lên rải rác đó đây.

Tôi và Thi đã lần ra được tới đường lớn. Đôi khi Thi chạy lên phía trước mặt tôi, vừa đi giật lùi vừa nói luyên thuyên về hội lễ Thần hoàng. Nàng chê ông Tiên chỉ sao béo thế, ông Lý trưởng lại gầy gò, lụng thụng trong chiếc áo the thâm. Thi khen đoàn tế lễ ăn mặc thật đẹp. Những cô gái làng xinh tươi trong ban tế lễ thướt tha trong những bộ đồng phục quần áo tứ thân sặc sỡ với chiếc nón quai thao rộng vành cùng giải yếm màu cánh sen và được điểm tô thêm với chiếc bao lưng màu nõn chuối. Các cô uyển chuyển theo mỗi bước chân đi, tiến lên lùi xuống nhịp nhàng theo tiếng hô dõng dạc của ông chủ tế. Tôi mỉm cười hỏi Thi có thích ăn mặc như thế khi ra Hà nội không. Thi nhìn tôi ngúng nguẩy rồi ôm mặt phá lên cười. Tiếng cười của nàng nghe vui và giòn giã làm sao!

Khi chúng tôi tới gần cổng làng thì trời cũng đã bắt đầu nhá nhem tối. Có nhà đã lên đèn, ngọn đèn “dầu lạc” le lói, ánh sáng hắt qua cửa sổ nhấp nháy cùng vài ngôi sao mới mọc đang lấp lánh trên cao.

Giờ này, cây đa đầu làng trông có vẻ ma quái, hoang vu và im lìm. Khi đi tới chỗ có ngôi miếu thờ với những ông bình vôi trắng toát, Thi chùn chân đi chậm lại và đi sát vào tôi như nàng đang sợ những bóng ma vô hình nào đó đang lẩn quất quanh đây. Bàn tay tôi vô tình chạm phải thân thể nàng, trong hoàn cảnh này, chỉ một giây ngắn ngủi ấy cũng đủ làm tôi thấy bối rối và rung động.

Qua ngôi miếu, chúng tôi nay lại vui bước trên con đường làng lát gạch. Bỗng đâu có tiếng gọi mời vào nhà chơi của anh chị Dân, anh chị họ của tôi. Tôi và Thi nhìn nhau như hỏi ý rồi chúng tôi cùng ghé vào thăm.

Sau khi an tọa trên hai chiếc ghế gỗ thấp lè tè cao chừng hai hay ba tấc, chúng tôi được anh chị mời uống “nước vối” đậm đến đắng cả mồm. Nhân mâm cơm vừa được bưng ra, anh chị mời cùng dùng cơm, nhưng chúng tôi từ chối nại cớ vừa ăn cỗ ở đình làng bên.

Trăng đã vừa lên. Ánh sáng trăng dịu tỏa khắp sân.

Chị Dân, có lẽ muốn tiết kiêm tí dầu nên vợ chồng con cái kéo ra ngồi ăn ở giữa sân. Mâm cơm được đặt trên chiếc chiếu cũ đã rách một vài nơi. Sáu miệng ăn đang quây quần bên chiếc mâm gỗ đã tróc sơn.

Trên mâm có đĩa rau muống luộc, một đĩa vừng rang, môt bát tương và thêm một đĩa tôm riu rang mặn. Đây là hình ảnh của bữa cơm thanh đạm tiêu biểu của một gia đình nông dân không khá giả. Đối với dân quê nghèo ở đây, thỉnh thoảng họ mới được ăn tôm cá do chính tay họ đánh dậm hay câu được chứ ít khi họ chịu bỏ tiền ra mua những món ăn được coi là xa xỉ này. Họa chăng, trong những ngày giỗ tết, họ mới chịu làm thêm con gà hay con vịt nhà nuôi, hay nhiều lắm thêm được miếng thit lợn mua từ trên chợ huyện đem về.

Bữa cơm chiều của nhà nông là thời gian họp mặt gia đình. Mọi người đông đủ sau một ngày vất vả với công việc.

Cơm nước xong, ai vào việc nấy. Mận, tên cô gái lớn đem bát đũa ra ao rửa. Thi cũng theo ra nói chuyện. Hai người cùng trang lứa với nhau. Anh chị Dân ngồi uống nước trên chiếc chiếu trong hàng hiên tiếp chuyện tôi. Sau thêm tuần nước vối, chị Dân lại tất tả vừa nói chuyện vừa thu xếp hàng hoá cho phiên chợ ngày mai. Anh Dân hỏi thăm tôi dăm ba câu về bố mẹ tôi rồi xoay sang hỏi chuyện học hành của tôi trên Hà Nội. Anh Dân cũng chỉ học qua loa ở bậc sơ học trường làng. Anh lấy vợ sớm và nay đã có được bốn mụn con. Mận là đứa con gái đầu lòng, rất đảm đang, lo toan việc nhà lại còn giúp mẹ trong việc buôn bán nữa. Đứa trai bé nhất vừa đầy năm tuổi.

Bỗng chị Dân hỏi tôi:

- Thế bao giờ cô chú trở lại trường?

Tự nhiên tôi thấy tai tôi nóng lên vì nghe thấy chị dùng hai chữ "cô chú" ám chỉ tôi và Thi. Tôi thấy hơi ngường ngượng nhưng thấy chị không có ý đùa nghịch nên tôi ấp úng trả lời:

- Chúng em còn ít ngày nữa ạ! Chữ "chúng em" tôi dùng một cách ngập ngừng.

Lúc này Thi và Mận đã trở lại sân. Thi ngồi thụp xuống thềm nhà vừa nói chuyện với Mận vừa phụ chị Dân xếp lại vài món hàng còn bừa bộn vào bồ. Bọn trẻ con ồn ào vì chúng vừa nhập bọn với đám trẻ con hàng xóm mới chạy sang chơi.

Tôi thấy ngồi đã lâu nên xin phép anh chị ra về. Thi cũng đứng dậy theo.

Ra đến cổng tôi còn nghe thấy văng vẳng tiếng chị Dân nói với chồng đằng sau lưng:

- Hai đứa trông cũng xinh đôi đấy chứ nhỉ!

Không nghe thấy anh Dân đáp lại mà chỉ nghe thấy Mận cằn nhằn:

- Bu (1) này, cứ hay nói chuyện người ta!

Tôi và Thi đều nghe thấy. Tôi tự nhiên thấy vui. Thi vẫn lầm lũi đi bên tôi như không nghe thấy gì. Tôi liếc sang nàng xem phản ứng ra sao. Tôi biết con gái họ kín đáo và giữ ý lắm, Thi đâu có thể lộ vẻ hân hoan như tôi được. Tôi mỉm cười một mình.

Từ trong sân nhà của anh chị Dân vang ra xa tận ngoài ngõ tiếng mấy đứa trẻ con chơi “dung dăng, dung dẻ” Tiếng Mận hét to ngăn thằng em út không được chạy nhanh kẻo ngã.

Trên đường về nhà, tôi cùng Thi đi sánh bước bên nhau im lặng. Ánh trăng vằng vặc giải trên đường. Bóng hàng tre theo gió xoa nhẹ mặt ao nằm sát bên bờ đường. Và bóng tôi và Thi cũng như đương quyện lại với nhau trong sóng nước lăn tăn. Tôi cúi xuống nhặt hòn sỏi ném xuống ao làm mặt nước loang ra những khoanh tròn và làm hai chiếc bóng của chúng tôi lung linh, uốn éo như múa. Thi nhìn bâng quơ hai chiếc bóng rồi cúi đầu không nói. Cái bản tính hồn nhiên của nàng như đã bị chị Hằng đem đi đâu mất mà chỉ còn để lại một cô Thi mơ mộng ở tuổi mười lăm, mười sáu. Hay nàng đang suy nghĩ về lời nói của chị Dân lúc nẫy. Tôi hay nghĩ “vơ vào” như thế. Những con đom đóm lập loè trên những khóm bụi bên bờ ao. Trên đỉnh cây cau, mặt trăng đang lơ lửng treo trên ấy.

Ánh sáng trăng, dù ở thành thị hay thôn quê, nó luôn luôn đem đến cho mọi người sự lắng đọng, êm đềm, thiết tha trong tâm hồn. Sự êm đềm ấy cứ lan trải mãi ra đến vô cùng để người ta dễ mở lòng đón nhận sự yêu thương. Dưới ánh trăng, cảnh vật thường luôn trở nên huyền ảo. Ngoài cái lung linh huyền ảo ấy của cảnh vật, người thưởng ngoạn trăng còn tưởng như có thể nghe thấy được những âm thanh từ đâu vẳng lại, có thể là tiếng lá vàng rơi xào xạc trên ngõ vắng vào mùa thu; hay tiếng sáo diều văng vẳng tự không trung, những câu hò tiếng hát của những cô thôn nữ gánh nước giếng đình làng xen lẫn những tiếng cười đùa của đám trẻ vui trăng vào mùa hè; hay tiếng đàn ai vang lại từ chiếc thuyền nan đủng đỉnh nhẹ bơi trên dòng sông uốn khúc.

Nàng trăng nằm ngủ trên cây,

Vô tình hé vạt áo mây ngang mình.

Giàn hoa gió động rung rinh,

Nghe ai gẩy khúc Nam Bình ngẩn ngơ.

(Trần Trung Phương) (2)

hòa cùng tiếng chuông chuà điểm từng tiếng ngân buồn:

Trăng ngà tắm dưới cầu ao,

Hạt trai đánh vãi vương vào lá sen.

Đồng xa có cánh diều lên,

Chùa đâu vẳng tiếng chuông rền thu không.

(Trần Trung Phương)

 

 

Trăng luôn là nguồn thi hứng của bao nhà thơ từ cổ chí kim. Bên cạnh thi sĩ, những nhà văn cũng đã từng tốn biết bao giấy mực thêu dệt nên bao chuyện tình diễm lệ trong trăng. Trăng là thế đấy.

Tôi và Thi vẫn lặng lẽ đi bên nhau trên con đường làng lát gạch. Chị Hằng thỉnh thoảng bị che khuất bởi tàn cây, hay đám mây mỏng. Mùi dìu dịu của hoa bưởi trong vườn nhà ai thoang thoảng bay ra. Vài ánh đèn leo lắt mờ nhạt nhấp nháy qua lớp phên nứa trong những căn nhà tranh lụp xụp nằm khuất sau lũy tre thưa bên đường.

Nhìn ánh sáng trăng vằng vặc, tôi chợt nghĩ tới bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế thời nhà Đường bên Tầu. Để phá vỡ bầu không khí quá yên tịnh này, vừa đi tôi vừa muốn kể cho Thi nghe về giai thoại đã gần như trở thành huyền thoại của bài thơ ấy.

Tôi hỏi Thi:

- Em có bao giờ nghe thấy tên thị trấn Tô Châu bên Tầu không?

- Thưa anh, có phải Tô Châu là thị trấn nổi tiếng về những cô gái đẹp, về dệt tơ lụa và về câu truyện tình sử Phạm Lãi-Tây Thi phải không anh?

- Đúng rồi! Sao em biết?

- Chị Uyên em kể cho em nghe câu chuyện này sau khi chị ấy đọc xong cuốn truyện “Cô Tô Đài”; chị cứ thương cho đôi trai tài gái sắc ấy mãi nên em nhớ (Tây Thi-Phạm Lãi).

Tôi gật đầu:

- Tô Châu có nhiều điều anh có thể kể cho em nghe lắm. Nhưng bây giờ anh tạm kể em nghe một câu chuyện về một bài thơ nổi tiếng thời nhà Đường bên Tầu mang tên “Phong Kiều Dạ Bạc” nhé.

Thi nhìn tôi với cặp mắt biết ơn.

Tôi đọc bài thơ cho Thi nghe dù biết nàng khó có thể hấp thụ được những gì tôi sắp sửa kể và giảng giải. Âu cũng chỉ vì tôi muốn phá đi sự im lặng đã khá lâu.

“Phong Kiều Dạ Bạc”

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên,

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

(Trương Kế)

Dich:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

(Tản Đà)

Giai thoại kể rằng:

Thành Tô Châu có núi Cô Tô nên còn được gọi là Cô Tô thành.

Trương Kế, tác giả bài thơ, khi đi thi hỏng về ghé qua bến Phong Kiều, nửa đêm tỉnh giấc làm bài thơ này. Nhưng làm mới chỉ được có hai câu đầu, Trương Kế không thể làm nổi hai câu kế tiếp nữa nên cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được.

Cũng buổi đêm trăng hôm đó, bên ngoài thành Cô Tô, sư cụ chùa Hàn San cũng cảm hứng trăng thanh mà ngâm rằng:

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,

Bán tự ngân câu, bán tự cung.

(Mồng ba, mồng bốn trăng mờ,

Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời.

(Trần Trọng San dịch)

Ta cũng nên biết chùa Hàn San được lập từ đời nhà Đường, vào thế kỷ thứ bẩy, lấy tên chùa này bằng tên của vị sư lập chùa. Chùa bị phá huỷ nhiều lần bởi chiến tranh, sau cùng vào đời nhà Thanh cho xây dựng lại và đúc chuông theo đúng kiểu mẫu nguyên thuỷ. Ngày nay, ai đến thăm chùa này cũng muốn đánh chuông để cầu phước.

Sư cụ làm được hai câu thơ ấy rồi hết ý không sao làm được thêm hai câu kế tiếp. Sư cụ cũng trằn trọc mãi không sao ngủ được. Chú tiểu hầu bên thấy sư cụ cứ trằn trọc mãi nên hỏi cớ sự. Sư cụ nói rõ nỗi khổ tâm của mình cho chú tiểu nghe. Chú tiểu xin phép sư cụ cho làm tiếp hai câu sau để hoàn tất bài thơ:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,

Bán trầm thủy đế, bán phù không.

(Một bình ngọc trắng chia hai,

Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không.

(Trần Trọng San dịch)

Sư cụ khen hay và sai chú tiểu lên chánh điện đánh chuông tạ Phật. Thành Cô Tô đêm đó nghe tiếng chuông từ Hàn San tự ngân xa. Trương Kế nằm trong thuyền nghe được tiếng chuông lúc ấy, kết thúc được bài thơ của mình:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Giai thoại bài thơ là như vậy.

Tôi cũng nói cho Thi biết là nhiều người từng am hiểu về văn chương Trung Quốc đã tự đặt câu hỏi là chữ “Ô đề” dùng trong bài thơ này, tức là tiếng quạ kêu hay đó là tên của một địa danh ở thành Tô Châu khi đó, vì nửa đêm thì không thể có tiếng quạ kêu. Lại thêm nữa, chữ “nguyệt lạc” là lúc trăng đã gần lặn tức lúc trời đã gần về sáng, sao trong thơ lại là “dạ bán” tức nửa đêm?

Tôi cũng cho Thi biết thêm là hình ảnh con quạ đen lại là nguồn thi hứng cho nhiều thi nhân Trung quốc, ngay cả trong bài “Ô Dạ Đề” của Lý Bạch cũng thế, mở đầu bài thơ ấy bằng hai câu:

Hoàng vân thành biên ô dục thê,

Quy phi “á á” chỉ thượng đề.

...

Dịch

Mây vàng tiếng quạ bên thành,

Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu.

...

(Tản Đà dịch)

Thi hỏi tôi:

- Anh thích bài thơ này lắm hả?

- Ừ, đôi khi, trong sự cuống cuồng, giãy giụa của cuộc sống đa đoan, nhân loại cần những bài thơ như thế này. Chính vì thế mà bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” đã sống suốt 13 thế kỷ nay trong lòng mọi người và anh tin rằng nó sẽ còn sống mãi mãi. Một bài thơ bất tử.

Thi chỉ mỉm cười không nói.

Tôi đi bên Thi mà thấy lòng mình rộn rã quá. Tôi muốn đi và đi mãi. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng phải chia tay. Đứng trước cổng nhà nàng, Thi như bịn rịn ngập ngừng chào tôi.

Tôi khẽ hỏi:

- Vài hôm nữa em có đi chơi hội đền Và (3) với anh không?

Thi như chợt tươi hẳn lên:

- Anh đi hả? Cho em đi với nhé!

Dưới ánh sáng trăng, tôi thấy khuôn mặt Thi thật rạng rỡ. Đôi mắt nàng đã sáng lại càng sáng hơn. Nước da nàng đã trắng lại càng trắng hơn lên.

Trong cái tĩnh mịch của đêm trăng, xúc động, tôi định nắm lấy tay Thi thì nàng đã quay gót, đẩy cổng vào nhà. Tôi đứng lại như còn tiếc nuối một điều gì. Tôi lững thững đi tiếp một quãng ngắn rồi rẽ vào ngõ nhà tôi. Bâng khuâng, trong lòng có chút gì vui man mác, nhè nhẹ như ánh trăng thanh.

Trăng đã lên cao.

 

Hình minh họa

Ghi chú:

(1) “Bu” là tiếng gọi mẹ ở nhà quê miền Bắc, có nơi gọi là “U” hay “Bầm” ...

(2) Trích trong tập thơ Mấy Vần Tươi Sáng của thi sĩ Trần Trung Phương - 1913-1945- Nhà xuất bản Bình Minh, in lần thứ hai năm 1952). Nhiều bài thơ của ông đã được sử dụng trong sách giáo khoa bậc Tiểu học của Bộ Quốc Gia Giáo Dục vào những năm đầu thập niên 1950.

(3) Đền Và ở gần thị xã Sơn Tây.

 

Mời nghe

Đêm thu

 

Dạ lai hương

 

 

Nguyễn Giụ Hùng

Xem thêm...
Theo dõi RSS này