Nhật ký tháng Tư
Nhật ký tháng Tư
Tháng Tư bắt đầu mùa xuân trên đất Mỹ .
Tháng Tư có ngày quốc nạn của cố hương
Tháng Tư gợi nhớ những biến chuyển u buồn có trong một đời người.
Gió se sắt thổi, sự buốt giá thinh lặng bao phủ cả trời và đất. Nắng xuân óng ả, mịn như tơ vàng lung linh nhảy múa giữa cõi mênh mông, bao la vô cùng của hoàn vũ. Nắng âu yếm ôm choàng từng cánh hoa vàng-xanh-đỏ, đang tươi nở trên khắp các nẻo đường dẫn vào freeway, và trên những lối dẫn ra phố thị. Muôn ngàn cánh hoa vàng-xanh-đỏ thắm tươi ấy, đôi khi người ta không biết gọi tên là gì. Nhưng cõi lòng của nhân thế cơ hồ vẫn cảm nhận sự trẻ trung, sự thanh an, sự vui vẻ, khi ngắm nhìn vẻ hồn nhiên xinh đẹp của loài thảo mộc diệu thường này. Mùa xuân hoa tươi nở. Thân cây cành lá xanh màu. Cỏ non mơn mởn. Nắng vàng óng ả. Nhưng vẫn còn những hôm không gian đầy mây trắng xám. Vũ trụ trầm tư mang linh hồn hành giả, thiền định trong gam màu tĩnh lặng của tiết xuân phân. Mây bồng bềnh, nhè nhẹ trôi xa trôi khuất vào con đường vô cực của hình học không gian. Trên đỉnh ngọn thông xanh, gió bất ngờ trổi tiếng tiêu réo rắt, mang rét mướt phiêu bồng đến tận cùng trời cuối đất. Nỗi suy tư, niềm hoài cảm chợt dấy lên trong lòng của tôi, khi cõi người ta đón nhận những lúc trái gió trở trời rất tế nhị này.
Niềm vui nỗi buồn thường rất mênh mông. Điều lòng người ta yêu hay lòng người ta ghét, cũng vô cùng vô tận. Người ta yêu hay ghét, rất nhiều khi không phải vì cảm nhận bâng quơ. Mà bởi vì trong sự vận hành của trái đất, có mang theo những nụ cười thanh xuân khởi sắc, cũng như có ghi dấu từng nếp nhăn u buồn của cội nguồn hệ lụy đời thường, mà người ta đã phải gánh chịu, mà cho đến tận bây giờ lòng người ta vẫn không nguôi tiếc thương và sầu muộn. Nụ cười nở tươi trên môi anh, trên môi chị, trên môi tôi, khi nhớ về tháng ngày hoa mộng, khi nhớ về một thuở yêu đời yêu người vô cùng trong sáng. Kỷ niệm dẫu đã về xưa, nhưng còn rất mới, vì trong đáy sâu nội ngã của tôi và chúng ta, vẫn âm vang những khúc thương ca vô tận
Khúc thương ca vô tận âm vang giọng ngọt ngào của tiếng mẹ hát ru, khi anh-khi chị-khi tôi còn thơ ấu: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chày thức đủ vừa năm…” Khúc thương ca vô tận âm vang lời cha trầm ấm dạy bài học đạo đức đầu tiên “Thương người như thể thương thân,” khi anh-khi chị-khi tôi bắt đầu giao tiếp với bạn hữu bên ngoài. Khúc thương ca vô tận âm vang tiếng thầy giáo bi hùng nhắc lại lời thề bên sông Hoá của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lúc bạch tượng, con voi trắng trung thành của Ngài bị sa lầy: “Trận này không phá tan giặc Nguyên, thì quyết không về lại giòng sông này nữa.” Khúc thương ca vô tận âm vang giọng nức nở nghẹn ngào của cô giáo, khi diễn ngâm tiếng lòng của người chinh phụ: “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngát một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.”
Khúc thương ca âm vang tiếng trống trường tùng tùng, báo hiệu đã kết thúc thời áo trắng. Thầy-cô-học trò-bạn hữu chia tay. Hoa phượng mùa hè rất đỏ rất tươi. Nhưng lạ thay ngắm nhìn sắc màu đỏ tươi của hoa phượng, sao lòng anh, sao lòng chị, sao lòng tôi, vẫn cảm nhận một nỗi buồn sâu thăm thẳm. Hình như màu đỏ của hoa phượng, xui khiến anh rất nhớ mái tóc dài xõa ngang lưng của ai đó. Hình như màu đỏ của hoa phượng, xui khiến chị không thể nào quên anh thư sinh tay trắng mộng đầy, đã viết bài thơ tình bằng mực tím mồng tơi tặng chị. Hình như màu đỏ của hoa phượng, xui khiến tôi bâng khuâng nhớ trên đường đồi lộng gió, chợt thấy dáng người ẩn hiện giữa bụi phấn thông vàng, giữa rừng thông ngàn năm xanh ngời nhung nhớ.
Khúc thương ca vô tận âm vang cung thương nghẹn ngào dư lệ, khi hồn thiêng sông núi của quê hương ngậm ngùi nhớ về Ngày 30 tháng Tư xưa. Bốn mươi mốt năm rồi, thời gian đã dẫn đưa đời anh, dẫn đưa đời chị, dẫn đưa đời tôi đi qua rất nhiều con đường đau khổ. Nhưng chắc chắn chúng ta đều cảm nhận: Chẳng con đường đau khổ nào, có thể sánh bằng con đường đau khổ bắt đầu từ Ngày 30 Tháng Tư Năm 1975 ngày xưa. Trên con đường đau khổ được kể từ Ngày 30 Tháng Tư xa xưa ấy, có rất nhiều điều tang thương dâu bể. Bao nhiêu người nhà tan cửa nát? Bao nhiêu người chết trên đường di tản? Bao nhiêu người mất tích? Bao nhiêu bé thơ mồ côi cha mẹ? Bao nhiêu người tóc bạc khóc trước mộ của người tóc xanh? Bao nhiêu hồn oan khuất của những Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa kiên cường bất khuất, đã chết thảm trong trại tù lao khổ? Bao nhiêu người vợ trẻ quấn trên đầu vành khăn sô, hát lên nỗi buồn cô phụ: “Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu?” * Bao nhiêu người vùi xác giữa trùng dương, khi con thuyền vượt biển mong manh, bị sóng thần nhận chìm dưới đáy nước? Bao nhiêu và bao nhiêu?
Tháng Tư có ba mươi ngày. Ba mươi ngày của Tháng Tư khởi từ năm 1975 không bao giờ trả lời được câu hỏi: Bao nhiêu và bao nhiêu. Nên bốn mươi mốt năm rồi, những người còn ở lại quê hương, những người đang phiêu bồng đất khách vẫn ngậm ngùi, khi thời gian lặng rót từng tiếng tích tắc mong manh trên tấm lịch đời có ghi dấu những ngày của Tháng Tư. Thời gian cũng giống như lịch sử, đến và đi theo trục khởi động của vũ trụ. Trong chu trình bất biến của trời đất, của bốn mùa thường tại, niềm vui nỗi buồn luôn rất mênh mông; điều lòng người ta yêu hay lòng người ta ghét cũng vô cùng vô tận. Người ta yêu hay ghét rất nhiều khi không phải vì cảm nhận bâng quơ, mà bởi vì trong sự vận hành của Trời Đất có mang theo những nụ cười thanh xuân khởi sắc, cũng như có ghi dấu từng nếp nhăn u buồn của cội nguồn hệ lụy đời thường người ta đã phải gánh chịu, cho đến tận bây giờ vẫn không nguôi tiếc thương và sầu muộn.
Tháng Tư bắt đầu mùa xuân tại Hoa Kỳ. Nhìn nắng vàng óng ả lung linh giữa sắc-vàng-xanh-đỏ của muôn ngàn hoa đang tươi nở, tôi cảm động vì nhận biết tâm hồn của tôi thật đã hòa nhập vào từng nhịp sống vi diệu cao quý của vạn vật, đang hiện hữu giữa Trời và Đất hôm nay.
Tháng Tư có ngày quốc nạn của cố hương. Tháng Tư gợi nhớ những biến chuyển u buồn, có trong một đời người. Cái chết đau khổ nhưng hào hùng của cha tôi trong trại tù cộng sản. Cái chết oan khiên tức tưởi của anh tôi giữa trùng dương, khi con thuyền vượt biên bị sóng thần nhận chìm dưới đáy biển. Cái chết của những quân nhân, những đồng bào vô tội nằm bơ vơ dọc theo những con đường dọc mang tên núi, xẻ những đường ngang vọng tiếng sông. Tôi nhớ rừng thiêng ngàn thông lặng. Chiều xuống vàng rơi ảo bóng trăng. Những hình ảnh bi thương ấy, mãi mãi là dấu ấn u buồn vĩnh cửu trong lòng tôi.
Tháng Tư. Nắng vàng lung linh óng ả. Hoa tươi nở trên khắp các nẻo đường dẫn vào free way, và ngay cả trên từng lối dẫn ra phố thị. Trên những con đường tự do mênh mông đầy sắc màu đầy hương hoa xuân ấy, có âm vang tiếng kèn truy điệu hồn tử sĩ, có lời kinh cầu phổ độ cho những oan hồn đã vùi xác dưới biển sâu từ bốn mươi mốt năm xưa.
Tháng Tư. Tâm hồn tôi như vườn thượng uyển đầy hoa quý, đón chào giòng sống đời miên trường trôi chảy trong tiết xuân phân. Tháng Tư. Tâm hồn tôi là cổ mộ đầy hương khói u trầm, tưởng nhớ linh hồn của cha tôi, linh hồn của anh tôi, linh hồn của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, linh hồn của biết bao nhiêu nạn nhân đã chết trong những ngày 30 tháng Tư của quá khứ.
Thinh lặng tôi ghi vào nhật ký: Tháng Tư -Thời gian của tiết xuân phân -Thời gian của tiếng thở dài.
Hải Vân
Kim Quy st