JAPAN
NHẬT
Thập niên 1950 và 1960, tại Sài Gòn có phong trào tìm kiếm lịch của Nhật để treo tại phòng khách. Lịch càng lớn, chủ nhân càng hãnh diện. Tôi nhớ lịch Nhật hồi đó thường trình bày một cô gái Nhật mặc kimono đứng bên cạnh một tấm hình phong cảnh của Nhật. Kimono gồm nhiều kiểu rất đẹp, phong cảnh thường nhất là núi Phú Sĩ và hoa anh đào, hai thứ coi như biểu tượng của nước Nhật. Ngoài ra còn có những mái đình chùa và những tòa cao ốc tại thủ đô Tokyo. Những hình ảnh thấy hàng ngày trong phòng khách trở nên quen thuộc. Nhật không phải là nơi xa lạ dù chưa hề đặt chân tới Nhật.Ít nhất đó là cảm tưởng của tôi khi đặt chân tới Nhật vào những năm 1967 và 1970 khi còn làm công chức. Hai chuyến đi xa đó hoàn toàn vì công vụ. Hầu như toàn thời gian chỉ ở trong phòng hội và các buổi tiệc tùng. Nước Nhật chỉ lớt phớt bên ngoài cửa kính xe hơi lúc di chuyển. Vài ngày ở Nhật trong hoàn cảnh đó chẳng có thể coi như là “cưỡi ngựa xem hoa”. Lần này tôi cũng chỉ coi như “cưỡi ngựa xem hoa” dù thời gian ở Nhật là hai tuần lễ và toàn thời gian chỉ để rong chơi nơi xứ mặt trời mọc. Lịch sử Nhật tôi lõm bõm, dân Nhật tôi chỉ biết qua các nhân vật tiểu thuyết của các tác giả Nhật đoạt giải Nobel văn học như Yasunari Kawabata và Kenzaburo Oe và một vài tác giả nổi tiếng khác. Vậy thì tôi đâu có tư cách gì mà viết về Nhật. Thôi thì, như một du khách, tôi chẳng có tham vọng chi hơn là nhìn nước Nhật một cách phiến diện qua chính mắt mình. Một kiểu “nước Nhật dưới mắt tôi”. Hai tuần cưỡi ngựa, mỏi lưng hết biết, nên phải hạ mã. Xuống ngựa, tôi đi xe lửa.Nói tới xe lửa ở Nhật phải nói ngay tới tầu tốc hành. Hình ảnh của chiếc tầu tân kỳ có đầu tầu như đầu cá mập này tôi đã được coi từ lâu. Và cũng đã từ lâu tôi ấp ủ ước mong được cưỡi trên mình con cá mập này. Khi tới bến ga tôi quả có hồi hộp. Lúc mũi con tầu vào ga tôi ngây người đứng nhìn đoàn tầu vùn vụt chạy trước mắt trước khi ngừng lại đúng ngay chỗ vạch đứng chờ cho từng toa. Chính xác là chỉ dấu của con tầu tân tiến này. Tầu tới không sai một giây, ngừng không sai một phân.Lòng tầu như trong một chiếc máy bay với những hàng ghế sang trọng và tiện nghi y như ghế máy bay. Phải nói hơn ghế máy bay mới đúng vì dưới chân ghế, phía ngoài, có một bàn đạp nhỏ, dùng chân đạp nhẹ bàn đạp, người ta có thể xoay cả hàng ghế ba chỗ ngồi từ trước ra sau. Nếu sáu người trên hai hàng ghế sát nhau là bạn bè thân hữu thì hai hàng ghế xoay mặt vào nhau tha hồ chuyện trò rôm rả hoặc đánh bài hay ăn uống với nhau.Các tiếp viên trên tầu cũng ăn diện đẹp đẽ như các tiếp viên hàng không. Có nhiều nàng rất bảnh gái. Tôi có gặp một cô nàng đẩy xe đi bán đồ ăn xinh như…robot. Tôi nghĩ các nhà sáng chế ra búp bê robot đã dựa vào nhan sắc này để tạo thành khuôn mặt thơ ngây, ngơ ngác như thiên thần. Tất cả các tiếp viên, dù nam hay nữ, mỗi khi vào hoặc rời toa tầu để làm phận sự đều cúi đầu chào các hành khách. Tôi thích phong cách điều hành tầu, chẳng phải vì cô tiếp viên búp bê tôi gặp, mà vì một câu nhạc mở đầu trước khi có thông báo chạy trên màn ảnh của tầu. Đó là một câu nhạc cổ điển tây phương nghe rất phấn khởi. Hàng chữ thông báo ga tới hoặc thông báo hành trình của tầu bằng tiếng Nhật và tiếng Anh rất tiện lợi cho du khách mù tiếng Nhật.Tầu tốc hành tiếng Nhật kêu là shinkansen có tốc độ đáng nể 320 cây số/giờ. Nghe thấy mà chóng mặt. Nhưng khi ngồi trên con tầu lướt nhanh, người ta không cảm thấy chóng mặt. Phong cảnh hai bên đường vụt qua khá nhanh nhưng mắt vẫn ngắm cảnh được một cách bình thường. Hiện nay đoàn tầu gồm có năm đoàn mang các tên Hikari, Sakura, Kodama, Mizuho và Nozomi. Trong hai tuần ở Nhật, tôi chỉ được đi trên các tầu Hikari và Sakura. Mỗi con tầu thường gồm 16 toa hoặc 8 toa. Trong giờ cao điểm tầu có thể hết chỗ ngồi, hành khách có thể đứng hoặc nếu thương cặp giò thì chờ chuyến sau. Tôi chưa bao giờ phải đứng trên “viên đạn” lao nhanh này, dù đi tầu hàng ngày, vì đã cẩn thận giữ chỗ trước. Nếu tàu có 16 toa thì 5 toa đầu dành cho hành khách không giữ chỗ trước. Nếu tầu có 8 toa thì chỉ có 3 toa đầu là dành cho hành khách…tự do. Các toa khác dành cho những người đã ghi tên giữ chỗ. Muốn giữ chỗ chỉ cần mang vé tới quầy ghi số ghế.Hành khách Nhật mua vé ra sao, tôi không biết nhưng du khách có thể mua vé tầu trước khi tới Nhật bằng internet. Có thể mua vé từ một tới ba tuần. Chúng tôi ở Nhật hai tuần nên mua vé hai tuần. Ngay khi tới phi trường là có thể tới quầy lấy vé sử dụng liền. Vé có hạng thường hạng sang. Giá vé hạng thường: 1 tuần: 260 đô; 2 tuần: 415 đô; 3 tuần: 531 đô. Hạng sang: 1 tuần: 348 đô; 2 tuần: 563 đô; 3 tuần: 732 đô. Hạng sang khác hạng thường ra sao, tôi đã có lần đi lạc vào một toa hạng sang nên đã biết rõ. Ghế bọc nhung rộng rãi, ngồi rất êm ái và thoải mái. Đại khái cũng như ghế máy bay hạng thường và hạng business. Vé này của công ty Japan Railways nên không những có thể dùng cho xe lửa tốc hành mà còn có thể dùng cho tất cả các xe lửa thường, xe buýt, metro và phà qua sông miễn là thuộc công ty JR. Tại các thành phố có thể có các phương tiện chuyên chở công cộng khác do thành phố hoặc các công ty vận chuyển khác điều hành thì dù có vé tuần của công ty JR hành khách vẫn phải móc túi trả tiền cho chuyến đó sau khi lên xe. Nói trả tiền vé sau khi lên xe là nói ngược, nhưng ở Nhật chuyện chi cũng ngược ngạo. Lái xe bên trái là chuyện không giống phần lớn các nước khác đã đành. Lên xe buýt hoặc lên tầu bằng cửa sau, chẳng có ai hỏi vé, nhưng khi xuống xe phải xuống bằng cửa trước, trình thẻ hoặc bỏ tiền vào hộp dưới mắt kiểm soát của tài xế. Kiểu ăn bánh xong mới trả tiền là một điều khác thường với chúng ta. Ở Montreal chẳng hạn, lên metro hay xe buýt, hành khách phải trả tiền trước khi leo lên xe. Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy ở Nhật? Biết hỏi ai, thôi thì lòng hỏi lòng. Tôi nghĩ có lẽ người dân ở đây đặt lòng tin vào con người cao hơn ở những nơi khác. Chuyện của rơi ngoài đường không bao giờ mất tôi có đọc được trên báo chí nhưng trong thời gian ở Nhật tôi chưa thấy. Nhưng chuyện tôn trọng, tin tưởng nhau một cách tuyệt đối tôi đã thấy. Thường thì khi xuống xe, hành khách phải xuống bằng cửa trước để chi tiền hoặc trình vé với bác tài, nhưng khi khách xuống đông, bác tài mở cả cửa sau cho khách xuống. Nếu khách có ý gian thì cứ phơi phới bỏ đi, bác tài đang tíu tít với khách đâu có biết. Nhưng tôi để ý thấy các khách xuống bằng cửa sau bao giờ cũng bước lên thềm cửa trước để trả tiền hoặc trình vé đang hoàng, chẳng có ai trốn vé cả.Tầu tốc hành chạy kiểu…ăn cướp như vậy nên việc đi từ thành phố này tới thành phố khác rất nhanh chóng và tiện lợi. Chuyến du lịch này chúng tôi đặt trọng tâm tại miền Nam, từ Tokyo trở xuống, nên chỉ cần thuê khách sạn cố định tại một nơi (dĩ nhiên là tìm nơi nào có giá khách sạn rẻ nhất) và di chuyển đi du hí ở các thành phố khác trong vòng một hoặc hai tiếng. Nhanh như dùng xe nhà. Thành phố chúng tôi đóng đô là Okayama, nằm ngang với Kobe và Osaka, dưới Kyoto và nhích trên Hiroshima và Himeji. Đó là các nơi mà chúng tôi định thăm viếng. Sáng bảnh mắt ra đi, chiều tối trở về, cứ shinkansin mà cưỡi, tiện hết biết.Ngoài tầu tốc hành, chúng tôi đã leo lên đủ các loại tầu của Nhật. Hành khách hầu như lúc nào cũng đông đảo, giờ đi làm và giờ tan sở thì ôi thôi, chen chúc nhau như nêm. Chưa bao giờ tôi lại phải chen chúc trên tầu như vậy. Người chật kín trong các toa, vậy mà tại mỗi ga, đoàn người đứng chờ lên tầu vẫn đông nghẹt. Người ta nhắm mắt nhắm mũi chen lên tầu, xô dạt những người trên tầu dồn thành cục cứng ngắc, trẻ già trai gái mặc sức mà…thân ái. Dân Nhật đi tầu chuyên nghiệp có lối chen lên tầu rất hữu hiệu. Thay vì bước vào tầu, họ cho cái lưng vào trước rồi đẩy cho tới khi nào thân người họ sát vào được trong cửa, mặc không biết khối người bị đẩy sống chết ra sao. Đàn bà bị chen lấn sát sạt như vậy coi bộ bất tiện nên có những toa tầu dành riêng cho các bà các cô. Làm sao biết được toa nào là toa dành riêng? Dễ ẹt. Trên chỗ chờ tầu có những nơi in mũi tên đỏ chót với hàng chữ Nhật và Anh ghi “women only”. Không phải…woman đừng héo lánh tới kẻo quê một cục!Nhưng có lẽ các toa dành riêng như vậy không đủ nên các bà các cô vẫn phải chen vai thích cánh với đám đông. Trong hoàn cảnh chật chội như vậy, họ vẫn ngủ được như thường. Các cô gái cũng mặc sức gật gà gật gù dù phải đứng trong một không gian chỉ có thể ngước đầu lên thở. Nhất là khi họ đi làm về. Người nào người nấy mặt mũi bơ phờ. Ít thấy họ cười. Và cũng ít thấy họ nhường chỗ cho người khác dù những người này thuộc diện già cả hoặc có con nít. Một lần, một bà mẹ trẻ có hai con khoảng năm, sáu tuổi, có được một chỗ ngồi trên tầu. Hai đứa trẻ ngồi trên đùi mẹ khóc nhèo nhẹo vì chật chội. Anh thanh niên ngồi cạnh vẫn tỉnh bơ không nhúc nhích. Bà xã tôi ngồi bên cạnh anh thanh niên chịu không nổi nên đứng lên nhường ghế. Anh thanh niên lúc đó mới chịu nhích người sang chỗ bà xã tôi vừa nhường để đứa trẻ có chỗ ngồi cạnh mẹ. Thấy thì kỳ nhưng quả thật thanh niên Nhật thiếu ga lăng. Suy nghĩ thêm một chút thấy cũng phải có lý do. Họ quá mệt cho một cuộc sống quá vất vả. Khuya lắc khuya lơ vẫn còn có những người tan sở về nhà. Người nào cũng đóng bộ vét đen với cà vạt đàng hoàng. Hình như những người làm văn phòng đều đồng phục trang trọng như vậy. Tôi thấy thương hại họ quá cực nhọc trong một xã hội đầy cạnh tranh. Họ không đi mà chạy! Chạy ngoài đường và nhất là chạy trong các nhà ga xe điện ngầm. Đã nhiều lần họ va vào tôi mạnh đến làm tôi lao đao nhưng họ vẫn tỉnh bơ…chạy tiếp, không thèm quay lại coi người họ đụng ra sao. Chín chục phần trăm dân Nhật dùng các phương tiện công cộng. Số người có xe hơi không là bao. Hỏi mới biết là xe hơi có thể mua được nhưng chỗ đậu xe hơi thì không thể kham nổi. Xe họ dùng thường là loại xe nhỏ vuông vức cho lợi chỗ trong xe. Tại một số vùng ngoại ô, nơi các ngôi nhà nhỏ, tôi thấy có những chiếc xe hơi đậu lòi đuôi xe ra ngoài vỉa hè. Không phải ai cũng có thể sở hữu được căn nhà bé tí tẹo như vậy. Có những người phải thuê những hộc nhỏ để ở. Một du học sinh Việt Nam tôi gặp trên tầu còn cho biết có những người đi làm, không một chốn nương thân, đêm đêm phải ngồi ngủ trên tầu chờ sáng đi làm tiếp! Sống như vậy thì ăn uống ra sao? Tôi đã thấy họ “tọng” thức ăn khi tan sở cũng vội vàng như khi chen lấn trên tầu. Các cửa hàng ăn uống bé tí tẹo, thường không có bàn ghế. Họ ăn đứng trên những quầy dài. Tôi thấy những người áo vét cà vạt đóng bộ, vội chọn thức ăn, đứng húp xì xụp nhanh như gió, móc tiền trả và biến ra khỏi cửa trong chỉ vài phút. Cũng xong một bữa! Cuộc sống như vậy dễ làm người ta bị stress. Số người tự tử không ít.Con số du sinh Việt Nam học tại Nhật không rõ bao nhiêu nhưng tôi nghĩ là nhiều. Tôi đã gặp họ trên phố phường, trong các công viên và nhất là những em làm thêm trong các nhà hàng, tiệm bán đồ lặt vặt. Một em cho biết đời sống của các du sinh rất chật vật. Em tính chi ly: tiền học 146 triệu/năm, tiền share phòng 18 triệu/tháng, tiền ăn và tiêu vặt 20 triệu/tháng. Em tính bằng tiền Việt Nam nên tôi không hình dung ra được số tiền. Nhưng biết rằng 100 đô Mỹ tương đương khoảng trên hai triệu đồng thì con số trên không phải nhỏ. Có những em rất dễ mến. Tại một tiệm ăn nhỏ gần khách sạn chúng tôi ở, có một du sinh nữ tên Yến, có khuôn mặt xinh xắn rất giống khuôn mặt người Nhật. Khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt với nhau, đã mừng rỡ ra hỏi chuyện. Lúc chúng tôi dùng bữa xong, em đã tặng riêng mỗi người món tráng miệng. Ngọt ơi là ngọt. Chắc có pha tình em trong đó!Các em thường vô tình làm thông ngôn cho chúng tôi. Dân Nhật hiếm người nói được tiếng Anh. Người ta bảo không phải vì họ thiếu thông minh nhưng lòng tự hào dân tộc khiến họ không thèm học và nói tiếng ngoại quốc. Nghe vậy chẳng biết có đúng không nhưng đó là một trở ngại khiến du khách rất mỏi tay. Nửa thế kỷ trước, khi tôi tới Nhật, hầu như chỉ có nhân viên làm tại các khách sạn mới nói được chút ít tiếng Anh. Ngày nay tương đối khá hơn, thỉnh thoảng những người chúng tôi gặp trên đường phố có thể nói được tiếng Hồng Mao. Họ là những người trẻ. Trẻ nên họ có nhu cầu hội nhập với thế giới bên ngoài. Các tiệm fast food như Subway, KFC, Burger King và nhất là MacDonald’s có mặt tại khắp nơi. Giá tại các tiệm…ngoại này khá mắc so với các tiệm Nhật. Vậy mà giới trẻ Nhật, cả nam lẫn nữ, vẫn chiếu cố đông đảo.Người Nhật nói tiếng Anh giỏi nhất mà chúng tôi gặp là một người khoảng lục tuần. Thấy ông ngồi đọc tờ New York Time trên xe lửa, một người bắt chuyện với ông. Ông cho biết đã làm cho một hãng tài chánh Nhật tại New York trong bảy năm. Ông đang về lại quê nhà để họp mặt với bạn cũ. Sẵn có thời giờ, cả ông và chúng tôi, nên ông tình nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi ngay tại quê hương Tsuyama của ông. Ông đưa chúng tôi tới lâu đài Castle Niro, nơi ông vẫn lên chơi đùa ngày còn thơ. Lâu đài và chùa chiền, lăng miếu ở Nhật có một đặc điểm chung là xây trên lưng những ngọn đồi khá cao. Lâu đài này cũng vậy, có phần cao hơn. Leo hết các bậc gạch này tới các bậc gạch khác. Hai chân tôi mỏi nhừ. Lên tới đỉnh cao mới thấy đáng công leo. Phong cảnh thật đẹp. Những cây anh đào thả hoa xuống theo mỗi cơn gió. Hoa tơi tả bay lượn bám lên đầu, lên áo chúng tôi. Nhìn xuống phía dưới, thành phố san sát những mái nhà toàn một màu xám buồn. Khác với văn minh Trung Hoa với những mái nhà màu gạch đỏ, văn minh Nhật trầm buồn u uất hơn với những mái nhà màu xám. Phong cảnh toàn một màu u uẩn trang nhã. Ông Nhật chỉ cho tôi mái trường tiểu học của ông ngày xưa. Mắt ông nặng hoài niệm về những ngày tháng cũ. Chiều nay ông sẽ gặp lại những bạn bè thời thơ ấu tại ngôi trường ông đang cố nhắc lại những hình ảnh cũ cho tôi, một người xa lạ, từ một nơi xa lắc xa lơ, tình cờ có mặt với ông, chỉ trong khoảnh khắc, trong một buổi chiều buồn. Cha mẹ họ hàng ông không ai còn ở lại nơi làng cũ. Chỉ còn những người bạn. Con đường ông đi dần xa chốn quê nhà. Bậc trung học ông lên trường tỉnh, bậc Đại học ông ở thủ đô Tokyo. Rồi những tháng ngày làm việc ở Tokyo, những tháng ngày ở New York. Ngày ông trở về, ông đâu có ngờ lại trút niềm tâm sự với một người xa lạ như tôi. Tôi cảm thông được với ông vì tôi cũng đã trải qua những giây phút chạnh lòng đó khi tôi trở về Hà Nội, trở về Hàm Long, mười bốn năm trước, nhìn lại những lớp học cũ thời tiểu học giờ đã nhiều lớp rêu phong. Tôi đã chạm tay vào bức tường cũ, nơi tôi nghịch ngợm vẽ những hình ngu ngơ trên tường ngày xưa. Tôi nói với ông cảm nghĩ của tôi ngày đó. Mắt ông rười rượi. Tôi nắm tay ông. Hình như tình quê là thứ chung chung của con người, bất luận màu da, quốc tịch, văn hóa. Nó nằm trong tim của mỗi người. Tim nào mà không máu đỏ!Chuyến tầu đưa ông về quê là chuyến tầu chỉ có một toa. Vậy mà vẫn có những chiếc ghế đói khách. Chúng tôi đang tới một vùng đồi núi. Hai chuyến tầu tiếp nối nhau đưa chúng tôi lên cao. Những hàng thông dựng đứng trên vách núi, nơi con tầu len lỏi leo lên. Dừng chân tại ga nhỏ, chúng tôi đổi qua xe buýt. Bác tài chăm chú lái chiếc xe kềnh càng men theo vách núi. Tôi nói giỡn: mình đang lên Pleiku. Pleiku của Vũ Hữu Định “đi dăm phút đã về chốn cũ”, Pleiku của Nhật nhà cửa khang trang nằm hai bên đường. Như một thị trấn trù phú miền ngược. Chiếc xe buýt không già nua cũ kỹ như những chiếc xe đò hậm hực leo dốc ở Việt Nam. Chúng khá tân tiến với ghế nệm đỏ bọc vải trắng trên chỗ tựa đầu. Máy sưởi làm ấm lòng khách. Bảng chỉ dẫn điện tử chạy loang loáng những thông tin cần thiết. Tới bến cuối, xe dừng lại. Trời mưa lâm thâm đủ ướt những viên đá trên mặt đường. Chúng tôi tới một nơi mang nặng phong cách Nhật Bổn: tắm tiên dưới suối nước nóng lộ thiên ngay cạnh đường lưu thông của xe cộ.
Bản đồ các tỉnh miền Nam nước Nhật.
Dân cổ cồn cà vạt chen chúc nhau qua đường.
Quán ăn nhỏ ăn vội.
Đầu tầu tốc hành shinkansen trông như đầu cá mập.
Nhân viên xe lửa tốc hành chào khách khi rời toa tầu.
Quay ghế trên tầu tốc hành để xòe!
Cô tiếp viên xinh xắn trê tầu tốc hành: người hay robot?
Bảng chỉ cửa lên toa tầu dành riêng cho nữ giới.
Ngôi trường tiểu học của ông người Nhật quen trên xe lửa nằm ở phía dưới.
NHẬT 2
Suối nước nóng mà chúng tôi phải vất vả qua hai chuyến xe lửa, một chuyến xe buýt để tới, mang tên Yubara Onsen. Onsen đọc theo âm Hán-Việt là “ôn tuyền”. “Ôn” là ấm, nóng, “tuyền” là suối. Tại đất nước Nhật có nhiều núi lửa còn đang hoạt động. Yếu tố thiên nhiên tưởng chừng như khắc nghiệt này lại tạo ra được hơn 20 ngàn nguồn suối nước nóng. Những con suối thường tập trung ở vùng nông thôn, nơi có cảnh sắc thơ mộng và tĩnh lặng. Không phải tất cả các suối nước nóng đều được mang danh hiệu onsen cả đâu. Chỉ có những suối đáp ứng được đúng tiêu chuẩn về nhiệt độ và khoáng chất mới được coi là một onsen. Những khu tắm nước nóng trong các khách sạn hay nhà nghỉ thường chỉ là nước nấu nóng nên không được coi là onsen. Thứ nước nóng tắm hạng hai này được gọi là sentou.Tắm suối nước nóng onsen là một khía cạnh văn hóa của đất nước này. Ngày xưa, khi các nông dân gặt xong mùa màng, thời khắc rảnh rang này họ tìm tới các suối nước nóng, mang theo thức ăn, ngâm mình trong nước nóng để phục hồi sức khỏe. Sống giữa thiên nhiên, họ cũng…thiên nhiên. Trai gái, già trẻ đều tô hô không một mảnh vải che thân khi xuống tắm. Theo văn hóa…tô hô này thì cởi bỏ tất cả những vướng víu trên thân xác là một cách hòa nhập với thiên nhiên. Ngoài ra, khi thoát ra khỏi vải vóc che thân, mọi người đều bình đẳng, không còn giầu nghèo, không còn địa vị, tất cả đều giống nhau như khi mới chào đời. Giao tiếp với nhau khi trần truồng khiến con người đồng cảm và thân thiết hơn, phá bỏ mọi rào cản về chức tước, địa vị, nghề nghiệp. Vì các suối nước nóng onsen thường chỉ có ở vùng quê nên dân thành thị muốn tìm được nơi để xả stress thường phải dùng xe lửa về các miền quê. Họ đi theo từng gia đình, công sở hay từng nhóm bạn bè để có thể tâm tình với nhau trong hơi nước khoáng nóng.Tắm tiên có văn hóa cao như vậy nên du khách tới Nhật mà chưa tắm onsen thì coi như chưa tới Nhật. Câu người ta thường nói: “Du lịch Nhật Bản mà chưa tắm tiên thì mới chỉ coi như đang ở biên giới”. Có lẽ chúng tôi muốn chứng tỏ là mình đã thực sự vượt biên giới nên chịu vất vả đi tắm onsen.Biên giới nam nữ trong việc tắm suối nước nóng là chuyện gây nhiều tranh cãi. Nguyên thủy nam nữ cứ tô hô tắm chung. Dân Nhật coi đây là chuyện thường không thành vấn đề nhưng từ khi văn hóa phương Tây du nhập vào Nhật Bản, dân Nhật mới phải xét lại vấn đề. Tới thời Minh Trị Thiên Hoàng thì đã có những nhà tắm nam nữ riêng biệt hoặc chia giờ tắm cho nam nữ khác nhau.Nơi Yubara Onsen mà chúng tôi tới thì không hiểu sao vẫn nam nữ hòa đồng. Trời mưa lất phất nên suối không đông lắm, chỉ khoảng mươi…tắm sĩ đực rựa. Nhóm chúng tôi thì có cả nam lẫn nữ. Nhìn người ta tắm mà phân vân, xuống hay không xuống. Không xuống thì uổng, vượt bao nhiêu đường đất, mất cả ngày trời mới tới chẳng lẽ chỉ đứng nhìn khói nước bốc lên. Đúng lúc đó có một cặp vợ chồng già tới tắm. Ông chồng tô hô như những ông khác, chỉ có một chiếc khăn bé tí tẹo như khăn rửa mặt. Khi ở trên bờ thì che hạ bộ, xuống nước thì đội chiếc khăn trên đầu. Tuyệt đối không được thả khăn dưới nước. Thấy bà tiên khoác một chiếc áo khoác rộng xuống tắm, phe ta mới vỡ lẽ. Không có áo khoác thì mặc áo tắm.Phòng thay quần áo chỉ vẻn vẹn là một cái hành lang dài làm bằng cây gỗ. Phía sau có vách chia thành những ngăn để mỗi người bỏ quần áo và vật dụng vào. Phía trước trống rỗng, chẳng màn che trướng rủ chi, được chia thành hai bên, cách nhau chỉ một tấm ván mỏng, một bên dành cho các ông, một bên cho các bà. Người đang tắm dưới suối có thể nhìn thoải mái lên chỗ thay quần áo. Mấy tiên ông dưới nước, ông nào ông nấy to mắt ngó lên. Dĩ nhiên mục tiêu của họ là bên các bà. May mà bên các bà còn có một chiếc màn nhỏ che một góc phòng thay đồ.Thời buổi bây giờ, cái tâm của con người không còn được thanh thản như trước. Vậy nên các khu onsen đã bị vẩn đục nhiều. Nhiều người lợi dụng nhìn trộm thân thể người phụ nữ. Quá hơn nữa còn có những người mà người ta gọi là biến thái. Bữa chúng tôi tới tắm có một thanh niên trạc ba chục tuổi, người gầy gò nhưng có bộ đồ lòng khá hùng vĩ. Anh biết nói tiếng Anh nên cứ bám lấy chúng tôi để nói chuyện. Phiền một cái là anh không có lấy một mảnh vải để che chắn khi lên bờ. Anh tỉnh bơ như người tiền sử. Anh nhông nhông lượn qua lượn lại trước khu thay quần áo của mấy bà như có ý…khoe hàng. Tôi đồ chừng anh là một loại biến thái, mắc bệnh “triển lãm” exhibitionism.Ngâm mình trong nước suối thiên nhiên nóng vừa phải khiến người ta thấy sảng khoái. Ngâm một lúc thì thấy mọi thúc phọc của cuộc đời đã bỏ đi xa lắc xa lơ. Ngâm thêm một lúc nữa, mặt người nào người nấy đã đổi sang màu đỏ. Thường cứ 15 phút là phải leo lên nghỉ rồi mới xuống tiếp. Thời gian của chúng tôi không nhiều. Phải ra về cho kịp giờ chuyến xe buýt chót trong ngày nên ham hố. Mặt ửng đỏ như vừa nốc cả một chai rượu mạnh cũng thây kệ. Đường ta ta cứ đi, mình ta ta cứ…ngâm. Chàng thanh niên nồng nỗng theo đúng sách vở, cứ lên xuống xoành xoạch. Thiệt phiền!Bên đường phía trên suối là một khách sạn nhiều tầng. Khách có thể thuê phòng để tắm nhiều ngày. Có lẽ đó là những người tắm onsen để chữa bệnh nên cần tắm nhiều ngày. Từ các tầng lầu khách sạn, khách trọ có thể nhìn xuống suối một cách rõ ràng. Người Nhật có câu nói: “Tắm onsen một lần da dẻ mịn màng, tắm hai lần bệnh tật tiêu tan”.Bệnh tật là thứ tôi nghĩ dân Nhật không phải lo lắng nhiều. Trong suốt thời gian ở Nhật tôi không thấy một người béo phì. Các cô gái cô nào cũng da dẻ mịn màng, má hồng khỏe mạnh. Trong một lần trên xe lửa, tôi ngồi đối diện một em học sinh miền quê có nét mặt Nhật trăm phần trăm, trông rất dễ thương. Hình như cô bé ít gặp người ngoại quốc. Thấy chúng tôi nói thứ tiếng không phải là tiếng Nhật, cô hỏi bằng thứ tiếng Anh giản lược. Tôi cho cô biết chúng tôi tới từ Canada. Canada hình như là một nơi chốn mà người Nhật rất quen thuộc. Chúng tôi chẳng dại chi mà xưng mình là Việt Nam khi một số người Việt ở Nhật cũng như các phi công và tiếp viên của Hàng Không Việt Nam đã làm hoen ố thanh danh của người Việt qua những hành động ăn cắp và buôn lậu. Đã mấy lần, khi gặp các du sinh Việt Nam, tôi đã định hỏi về chuyện nhức nhối này, nhưng tôi không mở miệng được. Gian lận, ăn cắp là chuyện hết sức tồi bại ở Nhật. Người ta nói của rơi ngoài đường ở Nhật không bao giờ mất. Tôi không gặp nên không biết có đúng như vậy không nhưng tôi tin là đúng. Điều tôi thắc mắc là tại sao tất cả các xe đạp để trên vỉa hè đều có khóa. Mà họ khóa rất cẩn thận. Có lần tôi thấy một thanh niên để xe đạp trước một cửa tiệm, khóa cẩn thận rồi mới vào tiệm. Chỉ chừng hai phút sau, anh ra lại với gói đồ vừa mua trên tay, mở khóa xe và đạp đi.Cô nữ sinh quê mùa nhưng xinh xắn dễ thương này thích thú hỏi chúng tôi về Canada. Cô bé vui tính và duyên dáng đã khiến tôi buột miệng thốt ra một chữ Nhật trong vài tiếng ăn đong của tôi: kawaii, nghĩa là dễ thương. Cô cười tít mắt, bắt chéo hai tay lên ngực. Đó là cử chỉ mang nghĩa từ chối. Người Nhật thường bắt chéo tay như vậy để từ chối. Như khi tôi hỏi một món hàng, người bán hàng không có, họ cũng bắt chéo tay trên ngực như vậy. Ngược lại, khi xin phép, họ giơ một bàn tay để dọc trước ngực. Tôi thấy cử chỉ này khi trên xe buýt, thấy có chỗ trống bên cạnh chỗ tôi ngồi, họ để tay xin phép rồi mới ngồi vào chỗ trống bên cạnh.La cà chuyện cô bé học sinh miền quê, tôi chỉ muốn chứng minh là dân tộc Nhật rất khỏe mạnh. Tôi nghĩ có lẽ nhờ cách ăn uống và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.Sạch sẽ là một huyền thoại ở Nhật. Đường phố không một cọng rác. Trước khi tới Nhật, tôi đã dặn lòng phải coi xem cái huyền thoại này có đúng không. Đúng thật. Nhưng tôi lại thấy một nghịch lý: trên đường phố không hề có thùng rác! Sau ít ngày quan sát tôi mới vỡ lẽ. Dân Nhật bỏ rác vào…túi. Tại các nhà ga xe điện, thùng rác đầy rẫy, hầu như cứ để mắt tìm là thấy. Người dân đi tầu đi xe, rác giữ trong túi, khi xuống nhà ga, họ thi nhau bỏ rác vào thùng. Trong các công viên, nơi người ta ăn uống, công nhân vệ sinh đứng ở các thùng rác hướng dẫn bỏ rác cho đúng từng loại rác.Trên đường phố, mỗi người dân là một công nhân vệ sinh. Thấy rác là họ nhặt, không cần biết ai xả ra, bỏ vào túi, mang về nhà vất. Tôi để ý thấy hai trường hợp nhặt rác. Một bà ăn vận rất sang, mang ví loại xịn, khi thấy một mảnh giấy trên đường, vội rút chiếc kẹp nhỏ ra kẹp tờ giấy, bỏ vào túi xách. Một lần khác, tôi gặp một bà già còng lưng, vai đeo ba lô, hai tay xách hai chiếc giỏ khá lớn, đi đứng khó khăn, vậy mà khi thấy một cọng rác trên lề đường, bà bỏ hai cái túi xuống, cúi gập người nhặt rác bỏ vào túi, rồi mới tiếp tục đeo giỏ đi tiếp. Người dân hành động như vậy thì còn ai dám xả rác ngoài đường. Những chiếc xe buýt chở du khách, khi thả khách xuống một địa điểm thăm viếng, thường phát cho mỗi hành khách một túi nhựa để bỏ rác.Nhà vệ sinh công cộng là một điểm son của Nhật. Đi đường chừng vài trăm thước là bắt gặp bảng chỉ nhà vệ sinh. Cái nào cái nấy sạch như ly như lau, không có mùi chi. Ngay cả các nhà vệ sinh trong công viên cũng sạch sẽ hết biết. Nhật có hai…trường phái nhà vệ sinh: một giống như nhà vệ sinh của chúng ta bên Bắc Mỹ, một ngồi xổm như ngày xưa ở Việt Nam. Khác một chút là ngày xưa chúng ta ngồi xổm quay ra cửa, Nhật giơ bàn tọa ra ngoài cửa. Đã nói là ở Nhật chuyện chi cũng ngược ngạo mà! Biết là du khách không quen ngồi xổm (mỏi chân chết!), nên trên cửa của mỗi nhà vệ sinh có dán hình vẽ bàn cầu bên trong một cách rõ ràng. Họ vẽ ngay trên tấm bảng hình bàn cầu cao hoặc xổm. Muốn dùng thứ nào thì cứ nhìn hình mà vào. Chẳng cần là họa sĩ cũng nhìn ra ngay!Nói tới nhà vệ sinh thiết tưởng cũng nên quẹo qua chuyện nhà vệ sinh tại các khách sạn một chút. Trong thời gian ở Nhật, tôi ngụ tại hai khách sạn, một ở Tokyo, một ở Okayama. Bàn cầu trong cả hai khách sạn đều được sưởi ấm áp, ngồi thật dễ chịu. Bên cạnh chỗ ngồi, đèn đỏ nhấp nháy. Cứ như đi trảy hội. Nghiên cứu một hồi mới biết bàn cầu này phục vụ rất đắc lực khi chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Nói là nghiên cứu cho oai chứ chỉ dẫn toàn bằng hình, đứa con nít cũng nhìn ra. Một hình vẽ cái bàn tọa có một vòi nước xịt lên, một hình vẽ người đàn bà. Vậy là có sự kỳ thị nam nữ. Hình trước chỉ thị vòi nước xịt lên để làm sạch bàn tọa, hình sau chỉ thị vòi nước xịt phía trước. Chuyện này các bậc nam nhi không cần đến. Vậy là phái nữ dùng được hai thứ trong khi phái nam chỉ dùng được có một thứ. Nút chót có màu đỏ chói ai cũng biết đó là…stop. Khi nào thấy sạch sẽ rồi thì bấm vào nút này để hoàn tất công đoạn. Tôi khoái cái vụ này vì nước xịt ra là nước nóng ấm khiến rất mê ly rùng rợn.Dân Nhật ít có người dắt chó ngoài đường. Người đã vệ sinh thì chó cũng vệ sinh. Bên Canada chúng tôi, dắt chó ra đường là phải thủ sẵn một túi nhựa. Khi chú chó ngửi ngửi chạy quanh rồi dừng lại sản xuất, chủ phải dùng túi nhựa hốt mang về làm kỷ niệm. Bên Nhật cũng vậy. Thực ra còn hơn vậy nữa. Nếu chú chó cưng không làm chuyện lớn mà chỉ làm chuyện nhỏ, chúng ta ở bên này có quyền làm ngơ bỏ đi, mưa gió sẽ làm công việc rửa đường. Bên Nhật khác, chủ nhân phải cụ bị thêm một chai thuốc rửa trong túi xách. Nếu các chú chó ngửi ngửi rồi dừng lại gác cẳng lên, chờ cho chú cẩu làm xong nhiệm vụ, chủ nhân rút ngay chai thuốc tẩy ra xịt lên vũng nước liền. Chuyện dẫn chó ra đường đã hiếm, chuyện chú cẩu gác cẳng còn hiếm hơn. Vậy mà bữa đó tôi đi với một ông bạn từ Pháp qua, đã dược mục kích màn lạ mắt này. Tôi phục lăn dân xứ mặt trời mọc, không quên nhắn nhủ ông bạn cố quay phim chụp hình mang về cho dân Paris học tập.Nhưng chuyện gì cũng có mặt nọ mặt kia. Một buổi chiều tối, tôi thả bộ nơi khu Shibuya, khu downtown của Tokyo, được mệnh danh là Times Square của thủ đô Nhật, thì chuyện lại khác hẳn. Đây là khu nam thanh nữ tú tụ tập để vui chơi, giống như khu Tự Do-Nguyễn Huệ của chúng ta tại Sài Gòn xưa. Chỉ khác là ngày xưa chúng ta thanh thản đi dạo phố với người yêu, ngày nay thứ…xa xỉ đó không thể có ở khu vui chơi Shibuya này được. Người chật như nêm, chen lấn vất vả. Nơi đây có một ngã năm rất rộng lớn. Mỗi lần đèn cho người đi bộ hiện lên là tất cả năm ngả túa xuống đường, trông còn quá đi biểu tình. Trong hoàn cảnh bát nháo như vậy, những chai và lon, giấy ăn, giấy gói được vất tứ tung trên lề đường. Kể cũng lạ! Giữa một thành phố mà vứt một miếng giấy xuống đường là một cử chỉ…tội lỗi, vậy mà rác rến khu này lềnh khênh, đập vào mắt du khách. Chẳng lẽ thế hệ thanh niên Nhật ngày nay đang mất…truyền thống? Câu hỏi tôi mang ra khỏi nước Nhật mà vẫn chưa có được câu trả lời.Xong chuyện đầu ra, bi chừ nói chuyện đầu vào. Dân Nhật ăn uống rất…healthy. Vậy nên mặt mày họ mới phơi phới. Tôi không nói tới mặt mày mấy trự đi làm về, trông thảm hại lắm. Họ khỏe mạnh là vì họ chỉ dùng đồ biển, rong biển, tàu hũ và rau trái. Món ăn của họ rất phong phú. Không biết cơ man nào là biến tấu. Nhưng bói ra miếng thịt coi bộ khó. Nếu có thì chỉ có thịt gà. Thịt bò thịt heo vắng bóng. Vậy mà thứ cơm hoặc mì của họ ăn rất ngon, nêm nếm rất vừa, không phải xịt thêm xì dầu chi cả. Tôi nhớ lại, gần nửa thế kỷ trước , khi tôi tới Nhật, thức ăn của họ rất ngọt, khó ăn với dân ngoại quốc. Tôi nhớ mãi lần nhìn vào tô mì bằng plastic bày trong tủ kính thấy khá hấp dẫn. Vào tiệm, dẫn anh chạy bàn ra, chỉ vào tô mì, rung đùi chờ thưởng thức, cứ tưởng như sắp được ăn tô mì Lacai. Khi anh chạy bàn mang tô mì ra, húp tí nước, dội liền. Vị ngọt ngọt ngang ngang. Cố lắm cũng chỉ hết nửa tô là chịu không nuốt nổi nữa. Không biết họ…cách mạng ẩm thực từ khi nào mà ngày nay ẩm thực của họ khá như vậy. Tô mì này đã cản trở con đường tình tôi đi. Số là trước khi tới Nhật, tôi ở bên New York, có chơi thân với hai tên Nhật đi du học. Chẳng biết làm sao hai tên này rất khoái tôi, một tên dặn dò tôi là tới Nhật nhớ điện thoại cho cô em gái hắn để dẫn tôi đi chơi. Hắn nheo mắt bảo là nếu tôi muốn thì có thể ở luôn Nhật cũng được. Hắn cho coi hình thấy cô bé cũng hiền thục dễ thương, tôi hứa với hắn là sẽ điện thoại cho em hắn. Chặc lưỡi một cái, định nghe lời xúi của các cụ: ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, ăn đồ Tàu. Vừa tới Nhật, lấy phòng khách sạn xong, tôi ra phố và bắt gặp tiệm mì. Ăn được nửa tô, tôi nghĩ là nếu suốt đời phải ăn thứ mì ngang phè phè như thế này thì còn chi là cuộc đời. Vậy là tô mì đã làm tôi hụt cái có thể là một cuộc tình. Tô mì ngày nay khác, ngọt thanh và nêm đúng khẩu vị. Vọc đũa vô là ăn, chẳng cần mắm muối xì dầu chi thêm cả.Khách sạn tôi ở nằm gần một cửa hàng siêu thị, cả tầng trệt chỉ bán thức ăn làm sẵn. Nghêu sò ốc hến, tôm cá scallop tràn đầy. Toàn thứ tươi rói. Buổi tối, khoảng bảy tám giờ, họ bán đại hạ giá 30%, rồi 50%, dân chúng xúm vào mua hết. Họ không bao giờ để thức ăn qua ngày hôm sau.Thịt thà có là nỗi thèm thuồng của dân Nhật không, tôi không rõ. Muốn ăn thịt, nhất là thịt bò, phải tìm tới những tiệm fastfood của Mỹ. Các thương hiệu Mỹ thuộc loại này ngày nay nhan nhản khắp nơi. Đi đâu cũng thấy. Khách hàng của họ là những nam thanh nữ tú. Không biết vì họ thèm ăn thịt hay thèm lối ăn uống Tây phương. Tôi tìm tới tiệm Subway bữa đó chỉ vì tò mò, xem cái beefsteak cỡ footlong bên Nhật nó ra sao. Cái “ra sao” đầu tiên là giá đắt gấp đôi bên Canada! Chất lượng coi bộ cũng thua kém cái tôi thường gặm bên Canada. Chuyện chi chẳng phải trả giá. Thường thì cái thứ tò mò phải trả giá rất đắt. Mới trả gấp đôi thì nhằm nhò chi.Nói dân Nhật không ăn thịt bò cũng không đúng. Nếu đúng tại sao có cái thứ vang danh thế giới là bò Kobe. Tới Nhật mà không tìm tới bò Kobe là một thiếu sót lớn, rất lớn. Vậy là một ngày đẹp trời, chúng tôi cưỡi tàu tốc hành shinkansen đi Kobe.Phe ta tắm suối nước nóng.
Các tiên ông đội khăn che hạ bộ trên đầu khi xuống nước.
Tàu tốc hành shinkansen vào bến.
Làm bạn với chú cá mập shinkansen.
Một phần cơm gà chiên bột đã hạ giá chỉ còn 320 yen (khoảng 4 đô Canada)Một tiệm McDonald’s ở Kobe.
Chờ đèn đỏ tại ngã năm giữa khu Shibuya.
NHẬT 3
Thịt bò Kobe.
Cưỡi tàu tốc hành từ Okayama, nơi chúng tôi đặt… đại bản doanh, tới Kobe chỉ mất khoảng một tiếng. Chính xác là 57 phút. Nói tới tàu tốc hành là phải nói tới chính xác trăm phần trăm. Chín giờ sáng chúng tôi đã tới thành phố nổi tiếng vì thứ thịt bò quý phái này. Nơi tới được ghi trên vé tàu là Shin-Kobe. Lúc đầu thấy những cái tên lạ hoắc như Shin-Osaka, Shin-Kobe trong khi các địa danh Kyoto, Hiroshima thì lại chẳng có chữ Shin ngồi ở trước, tôi thắc mắc: bộ có một thành phố Osaka thứ hai sao? Tìm hiểu ra mới biết Shin là chữ viết tắt của tên tàu tốc hành Shinkansen. Những thành phố nào mà ga tàu tốc hành nằm ở phía ngoài thành phố thì mang tên ga Shin. Ngồi trên tàu vào thành phố tôi lại ngạc nhiên với một thứ không phải là thịt bò. Toàn thành phố đều có phủ sóng wifi!
Nhưng tới Kobe là tới với…bò. Nhiều người cho là bày vẽ, bò Kobe chỗ nào mà chẳng có. Tại thành phố Montreal của chúng tôi đã có phở bò Kobe. Ngay tại Việt Nam cũng có bò Kobe mắc đắng họng bán tại các tiệm chỉ có các đại gia và cán bộ đông địa lui tới. Vậy thì bò Kobe tại Kobe cũng rứa thôi chứ có chi quý! Đừng nói như vậy mà mấy con bò Kobe chúng cười cho. Bò Kobe chỉ có ở Kobe! Bò gọi là Kobe ở những nơi khác là thứ dỏm trừ Macao và Hồng Kông. Kể từ năm 2011, Macao là nơi duy nhất được nhập khẩu bò Kobe. Một năm sau, vào tháng 7 năm 2012, Hồng Kông mới theo gót Macao.
Bò Kobe là thứ bò chi mà hách xì xằng như vậy? Đó là một trong ba giống bò Wagyu cho thứ thịt ngon nhất thế giới. Hiện đàn bò Kobe chỉ có 3 ngàn con và không có con nào không mang quốc tịch Nhật Bổn. Chúng được nuôi dưỡng một cách hết sức trưởng giả. Thực phẩm của chúng là những thứ bổ dưỡng như bắp non, lúa mạch, cỏ tươi của vùng Kobe. Thức uống là nước chiết xuất từ nguồn nước tinh khiết, đôi khi chúng còn được nhậu bia nữa! Hàng ngày chúng đều được tắm bằng nước ấm và massage bằng rượu sake đặc trưng của Nhật. Nhạc Mozart, Chopin hay Beethoven được mở cho bò nghe mỗi ngày. Thiệt tội cho các đại nhạc sĩ này bị mang nhạc ra gảy vào tai… bò. Chính cách nuôi sang cả quý phái này đã khiến cho những lớp mỡ nằm dọc ngang trong thịt quyện vào lớp thịt nạc khiến cho thịt bò Kobe trở nên béo ngậy và thơm ngon. Thứ mỡ này không có cholesterol thường được gọi là mỡ vân cẩm thạch. Bò được giết thịt khi được một tuổi rưỡi. Mỗi năm chỉ có khoảng ba tới bốn ngàn con bò đủ tiêu chuẩn ra lò. Thịt bò Kobe được phân thành 5 loại, từ A1 đến A5 với mức giá chênh lệch khá lớn.
Thứ thịt bò Kobe chúng tôi được thưởng thức không biết thuộc loại A mấy nhưng phải công nhận là chưa bao giờ tôi được ăn một miếng thịt bò như vậy trong đời. Nó mềm nhưng không bở, vị thịt thơm lừng, vị béo quyện vào những thớ thịt như tan dần trong miệng.
Chẳng phải vì miếng ăn mà chúng tôi là những người đầu tiên xếp hàng vào tiệm, nhưng vì đi chơi thường xuất phát rất sớm vào buổi sáng kẻo uổng một ngày nên chúng tôi tới nơi sớm. Tiệm chỉ mở cửa vào lúc 11 giờ sáng. Cái lợi của những kẻ sớm sủa như chúng tôi là được ngồi ghế chờ. Hành lang của tiệm có một dãy ghế sát tường để khách ngồi đợi. Những người tới sau không có ghế ngồi nhưng còn được xếp hàng trong nhà đỡ gió máy lạnh lùng. Tới trễ hơn nữa phải đứng xếp hàng ngoài vỉa hè!
Thứ thịt bò Kobe chúng tôi được thưởng thức không biết thuộc loại A mấy nhưng phải công nhận là chưa bao giờ tôi được ăn một miếng thịt bò như vậy trong đời. Nó mềm nhưng không bở, vị thịt thơm lừng, vị béo quyện vào những thớ thịt như tan dần trong miệng.
Chẳng phải vì miếng ăn mà chúng tôi là những người đầu tiên xếp hàng vào tiệm, nhưng vì đi chơi thường xuất phát rất sớm vào buổi sáng kẻo uổng một ngày nên chúng tôi tới nơi sớm. Tiệm chỉ mở cửa vào lúc 11 giờ sáng. Cái lợi của những kẻ sớm sủa như chúng tôi là được ngồi ghế chờ. Hành lang của tiệm có một dãy ghế sát tường để khách ngồi đợi. Những người tới sau không có ghế ngồi nhưng còn được xếp hàng trong nhà đỡ gió máy lạnh lùng. Tới trễ hơn nữa phải đứng xếp hàng ngoài vỉa hè!
Xếp hàng chờ ăn thịt bò Kobe.
Tiệm có khoảng hơn trăm chỗ được phân bổ khá lạ. Họ chia thành từng cụm bàn, mỗi bàn có 14 chỗ. Nằm chính giữa bàn là một miếng kim loại hình tròn khá lớn dùng làm bếp. Bếp lại được chia ra làm hai theo hình bán nguyệt, mỗi bên có 7 chỗ ngồi vây quanh. Đứng giữa hai bàn hình bán nguyệt là hai đầu bếp mặc đồng phục trắng, đội mũ cao trông rất tư cách. Mỗi người phụ trách nửa bàn gồm 7 thực khách. Trước mỗi thực khách đã được dọn sẵn một chén súp miso, một chén kim chi, một chén sà lách cà chua, một chén cơm và ba chén nước chấm. Trước hết họ xào tỏi đã được cắt thành lát lớn trông như miếng chip. Mùi thơm bốc lên. Sau đó đầu bếp gạt lớp tỏi qua một bên, lấy ra một phần thịt làm steak. Họ để nguyên miếng thịt 150 gram (thịt bò quý phái nên mỗi khẩu phần chỉ có vậy!), hỏi ý người khách muốn ăn thịt chín, trung bình hay hơi sống. Cũng giống như các nhà hàng làm steak khác. Làm chín sơ quanh miếng thịt xong, họ cắt thành từng miếng vuông vức vừa một miếng ăn, lật quanh bốn bề cho chín đều từng miếng nhỏ, gạt qua một bên. Tiếp theo là giá và hành được xào sơ. Bỏ thịt bò và tỏi vào một đĩa, hành và giá vào một đĩa khác. Vậy là xong một người. Lần lượt họ làm cho tất cả bảy người. Mời mọi người…thời!
Thưởng thức xong món thịt bò Kobe mong đợi từ lâu, chúng tôi hân hoan ra về. Lúc ra mới thấy quang cảnh chung quanh. Trước đó chắc miếng thịt bò tuyệt vời đã che mắt chẳng thấy chi. Hàng người xếp hàng từ trong ra ngoài đông nghẹt. Ngoài vỉa hè họ căng dây thành từng khối người, mỗi khối cũng cả vài chục nhân mạng. Tôi đếm ít ra cũng cả trăm người đang chờ diện kiến miếng thịt bò!
Sở dĩ họ phải phân ra từng khối là để tránh làm trở ngại cho việc lưu thông trên vỉa hè. Vỉa hè tại các thành phố ở Nhật rất rộng. Xe đạp và khách bộ hành dùng chung. Họ chia ra làm đôi, chiều lên và xuống. Xe cộ dưới đường chạy theo lằn trái thì khách bộ hành trên vỉa hè cũng theo luật như vậy. Cứ bên trái mà đi. Có chỗ có mũi tên chỉ, có chỗ không, nhưng người đi bộ vẫn tuân theo thứ tự như vậy. Đặc biệt chỉ có ở Osaka là ngược lại: giữ bên phải. Tôi thắc mắc chẳng biết tại sao.
Sở dĩ họ phải phân ra từng khối là để tránh làm trở ngại cho việc lưu thông trên vỉa hè. Vỉa hè tại các thành phố ở Nhật rất rộng. Xe đạp và khách bộ hành dùng chung. Họ chia ra làm đôi, chiều lên và xuống. Xe cộ dưới đường chạy theo lằn trái thì khách bộ hành trên vỉa hè cũng theo luật như vậy. Cứ bên trái mà đi. Có chỗ có mũi tên chỉ, có chỗ không, nhưng người đi bộ vẫn tuân theo thứ tự như vậy. Đặc biệt chỉ có ở Osaka là ngược lại: giữ bên phải. Tôi thắc mắc chẳng biết tại sao.
Nơi thư giãn của dân chúng nằm sâu chia đôi hai làn đường lưu thông ở trên tại Kyoto.
Cũng thắc mắc là vạch phân chia vỉa hè ra làm hai bên phải, trái. Thường vỉa hè được lát bằng gạch màu xám vuông vức, mỗi cạnh khoảng 30 phân. Gạch vàng phân chia vỉa hè cũng cùng kích cỡ nhưng đặc biệt có những đường nổi cỡ ba phân chạy dọc trên viên gạch. Nếu chỉ để phân chia thành hai bên thì cần chi phải dùng viên gạch màu vàng lớn như vậy. Chú ý thêm thì thấy khi tới đầu mút vỉa hè, chỗ tiếp giáp với đường xe chạy cắt ngang, thì có thêm đường gạch vàng chặn ở đầu vạch vàng. Loại gạch nằm ngang này không có dọc nổi mà có những chấm nhỏ nằm khắp viên gạch. Suy ra mới biết là đường vạch vàng này dành cho người khiếm thị di chuyển. Không những trên vỉa hè của tất cả các con đường lớn nhỏ mà đường đi trong các công viên, nhà ga đều có gạch vàng như vậy. Khi đèn giao thông đổi màu xanh cho lưu thông thì có tiếng chim kêu báo cho người khiếm thị biết có thể qua đường an toàn. Với tất cả tiện nghi tốn kém như vậy mà trong suốt thời gian ở Nhật, tôi chỉ thấy có một người khiếm thị đi bằng gậy, nhưng ông này có cô con gái kẹp tay dẫn đường!
Cây anh đào cổ thụ.
Làm sao giữa những con phố ồn ào mà có thể lo cho dân chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh thanh thản? Nhật làm được. Chuyện này tôi thấy ở hai thành phố Tokyo và Kyoto. Thường giữa hai làn đường xe chạy ngược xuôi, chúng ta làm giải phân cách bằng những con lươn, hàng cây hay vẽ những vạch vàng kẻ xéo cấm lưu thông. Nhật làm khác, họ đào thành một đường hào lộ thiên sâu chừng chục thước, có cây leo trên tường, hoa trồng dưới đất, ghế đá công viên và nhất là có con suối nhân tạo nước chảy qua những bờ đá gập ghềnh. Dân chúng có thể chạy, đi bộ, tập thể dục hoặc đơn giản ngồi nghỉ ngơi giữa khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh ngay giữa hai làn đường xe cộ nhộn nhịp tối ngày.
Cây anh đào cổ thụ bị xén cành vẫn tiếp tục ra hoa.
Lo cho đời sống của người dân hầu như là trách nhiệm hàng đầu của người cầm quyền. Tôi thấy người dân Nhật khi làm việc thì làm cật lực, khi vui chơi cũng chơi tới bến. Người trẻ hòa vui đã đành, người già cũng xôn xao tươi vui trong những dịp hội hè đình đám. Có lẽ họ có chung một niềm tự hào là con dân của xứ thái dương thần nữ. Họ luôn vươn lên mỗi khi gặp nghịch cảnh như sóng thần, mưa bão và động đất. Khi tôi đang ở miền Nam nước Nhật thì xảy ra hai trận động đất tại Kumamoto cách nhau chỉ có hai ngày. Trận sau mạnh hơn đo được 7.3 trên địa chấn kế Richter. Con số này tương đối là mạnh. Có tất cả 41 người thiệt mạng và 110 ngàn người được di chuyển ra khỏi nhà. Bạn bè khắp nơi gửi mail thăm hỏi. Thiệt tội! Chúng tôi không cảm thấy chi. Chỉ khi coi ti-vi mới biết cớ sự. Ngay ngày hôm sau của trận động đất thứ hai, chúng tôi tới Hiroshima, gần trung tâm động đất hơn. Thành phố vẫn bình thường, chỉ có một vài chuyến tàu xuôi Nam bị bãi bỏ. Sau đó, tại khu downtown của thủ đô Tokyo, tôi gặp từng toán sinh viên đứng ngoài đường quyên góp cứu trợ rất sôi nổi.
Sinh viên Nhật quyên tiền giúp nạn nhân động đất tại khu downtown Tokyo
Dân Nhật đã cam chịu nhiều thiên tai nhưng họ vẫn vươn lên sau mỗi nghịch cảnh. Nhân tai cũng đổ xuống đầu dân Nhật khi họ là nước duy nhất hứng chịu hai quả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki trong Thế Chiến thứ hai. Theo một số tài liệu thì đáng lẽ thành phố hứng bom là Kyoto nhưng vì Kyoto có nhiều di tích lịch sử nên Hiroshima bị lãnh búa thay cho cố đô Kyoto.
Kyoto quả thật là một thành phố của quá khứ. Đi bất cứ khu nào cũng đụng vào lịch sử và văn hóa Nhật. Những hàng cây có dáng đẹp như những cây bonsai khổng lồ, những mái nhà cách điệu cổ kính, và nhất là những chùa chiền, đền đài, cung điện. Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn hóa, nhất là văn hóa Nhật, nên không có con mắt chuyên môn để nhìn ra những tầng lớp văn hóa Nhật nằm chồng chất trên những kiến trúc cổ kính nơi cố đô này. Tôi cảm được cái đẹp rêu phong đầy sắc màu thiền định, cái trầm uất của những viên gạch, mái ngói, cái phong cách đặc trưng của đất nước Phù Tang. Nhưng chỗ nào cũng cùng một sắc thái tương tự dễ làm cho con mắt tầm thường nhàm chán. Coi vài ba cảnh chùa, viếng vài ba cổ tự, nhìn vài ba cung điện là đủ. Riết rồi như thấy chỗ nào cũng như chỗ nào. Tình cờ chúng tôi gặp ông Đỗ Thông Minh nơi một cửa chùa ở Kyoto. Ông gợi ý phải tới thăm chùa Vàng.
Chùa Vàng Kinkakuji.
Tên Nhật của Chùa Vàng là Kinkakuji, đọc theo âm Hán Việt là Kim Các Tự. Chùa được xây vào năm 1397 và dùng làm nơi nghỉ ngơi cho tướng quân Yoshimitsu Ashikaga. Về sau, con của ông cho đổi hành cung này thành chùa và thiền viện cho tín đồ Phật Giáo. Trong cuộc chiến Onin vào nửa cuối thế kỷ thứ 15, chùa bị đốt cháy rụi. Sau đó được xây lại. Chùa được đưa vào sách giáo khoa tại các trường học trên khắp nước Nhật và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là một trong những thắng địa nổi tiếng nhất của Nhật. Năm 1950, một tiểu tăng nổi loạn đốt chùa. Chùa được xây lại vào năm 1955 nhưng không còn được coi là quốc bảo nữa. Chùa có ba tầng, hai tầng trên được dát vàng nguyên chất phía tường bên ngoài.
Khi tới Chùa Vàng, tôi không chú ý nhiều tới chuyện dát vàng thật của chùa mà người ta nói tốn hết 20 kí vàng. Nhưng phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời. Chùa nằm soi bóng xuống ao Kyoko-chi, đọc theo âm Hán Việt là Kính Trì, nghĩa là ao gương. Mặt nước ao trong vắt khiến bóng chùa soi xuống như có tới hai cảnh chùa nằm lộn ngược nhau. Phong cảnh chung quanh thật hài hòa. Khách viếng thăm chỉ được đứng từ xa ngắm nhìn. Chắc sợ cho khách tới gần có thể có người táy máy bóc vàng chăng! Lớp vàng này được dát thêm vào năm 1987.
Cuộc đốt chùa của vị tiểu tăng vào năm 1950 đã được nhà văn Mishima Yukio dựa vào để viết thành cuốn truyện Kinkaku-ji đã được Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch và xuất bản tại Sài Gòn vào cuối thập niên 1960 mang tên “Kim Các Tự”. Tác giả Yukio Mishima được cho là người hiệp sĩ samurai Nhật cuối cùng. Ông đã tự sát theo nghi lễ hiệp sĩ đạo harakiri vào năm 1970, lúc 45 tuổi, để phản đối chính phủ Nhật.
Cuộc đốt chùa của vị tiểu tăng vào năm 1950 đã được nhà văn Mishima Yukio dựa vào để viết thành cuốn truyện Kinkaku-ji đã được Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch và xuất bản tại Sài Gòn vào cuối thập niên 1960 mang tên “Kim Các Tự”. Tác giả Yukio Mishima được cho là người hiệp sĩ samurai Nhật cuối cùng. Ông đã tự sát theo nghi lễ hiệp sĩ đạo harakiri vào năm 1970, lúc 45 tuổi, để phản đối chính phủ Nhật.
Tượng Phật khổng lồ và hoa đào tại chùa Kangetsudo ở Tokyo.
Ngôi chùa tôi thích nhất khi tới thăm là chùa Kangetsudo ở Tokyo. Ngôi chùa này không giống ai. Sau khi mua vé vào cửa, người ta chỉ nhìn thấy một tượng Phật khổng lồ ngồi trên bệ cao giữa những cây hoa anh đào. Bức tượng bằng đồng này cao 11 thước 30, nặng 121 tấn, được dựng nên vào năm 1252. Thoạt đầu tượng được đặt trong ngôi chùa mang tên Daibutsu-den nhưng ngôi chùa này đã bị bão lụt tàn phá vào năm 1334 và 1369, và nhất là trận động đất vào năm 1498. Từ đó tới nay tượng trơ thân cùng tuế nguyệt.
Du khách thắp nhang cầu nguyện trước tượng Phật không chùa. Tôi luồn qua phía sau mới thấy một ngôi chùa nhỏ có rào cản chỉ được nhìn từ xa. Trong chùa vắng lặng, không có một chỉ dấu nào là có sự sống. Nhìn vào tấm bia ghi ở phía ngoài mới biết ngôi chùa nhỏ này trước đây được dựng trong hoàng thành ở Seoul, Đại Hàn. Chùa được ông Kisel Sugino tặng vào năm 1924. Tôi ngồi trên một tảng đá phía trước chùa. Phong cảnh yên tĩnh lạ thường. Phía trước nơi có tượng Phật khổng lồ nhộn nhịp thiện nam tín nữ, phía sau nơi ngôi chùa nhỏ bé này vắng bóng người. Hình như thế gian thường tình chỉ chuộng những gì to lớn vĩ đại! Tôi chụp được vài bức hình có hoa anh đào ngả vào tượng.
Cảnh chùa nhỏ do Đại Hàn tặng tại chùa Kangetsudo.
Tới Nhật vào đầu tháng 4 là mùa anh đào nở rộ, anh đào chào đón chúng tôi trên mỗi bước di chuyển. Vườn hoa quốc gia Shinjuku Gyoen tập trung những gốc đào cổ thụ. Anh đào là hoa của Nhật đã được phát triển tại các thành phố lớn khắp năm châu bốn biển. Tôi đã từng tới coi anh đào tại Thủ đô Washington của Mỹ, tại Vancouver của Canada, nhưng không nơi nào có những gốc đào cổ thụ như ở công viên này. Có những cây đã già nua bị cắt cụt tất cả cành và lá nhưng từ thân cây vẫn túa ra những cành hoa rậm rạp rực rỡ. Không biết có bao nhiêu giống anh đào. Mỗi cây là một kiểu hoa khác. Người ta mang những tấm bạt trải ra trên cỏ, dưới gốc đào, cả gia đình bày ra ăn uống vui chơi. Có những cặp tình nhân, tìm tới một gốc cây khuất, ngồi tình tự dưới những cánh hoa đào rụng xuống theo từng cơn gió nhẹ. Tôi chưa thấy nơi nào anh đào toát hết ra vẻ đẹp như ở đây. Hằng hà sa số những máy hình chĩa vào hoa cố thu hết vẻ đẹp hiếm có. Những cây gậy selfie ngổn ngang khắp chốn. Tôi bắt gặp một du sinh Việt Nam mặc áo dài đứng làm mẫu cho bạn bè chụp hình liên miên trên từng gốc đào.
Áo dài Việt Nam với hoa anh đào.
Đôi tình nhân dưới cội hoa đào tại Tokyo.
Bất cứ nơi nào tôi đi qua, trên đường phố, bên ven hồ, dưới những cây cầu cong cong, những cánh đào nhởn nhơ đùa cợt với gió. Cả thành phố phô ra vẻ đẹp với những chùm hoa hồng đỏ. Tại Osaka, trong một công viên, tràn ngập hoa đào, một ông già ôm cây tây ban cầm có loa khuếch âm ngồi đàn say sưa. Tôi chợt nhớ tới bài hát Sakura, có nghĩa là hoa anh đào, và yêu cầu ông đàn cho mọi người nghe. Ông già vểnh tai nghe tôi nói nhưng lắc đầu không hiểu. Tôi nhấn mạnh chữ Sakura. Ông vẫn ngớ ra. Lạ thật! Dân Nhật mà không biết Sakura! Tôi vận dụng tay để diễn tả. Tay tôi chỉ lên cây anh đào đang rộ hoa. Ông già nhe răng cười, đầu gật gù. Ông nói lại: Sakura! Nghe ông phát âm mới thấy khác với lối phát âm của tôi tới cả cây số! Phát âm của tôi thẳng đuồn đuột, phát âm của ông lên xuống, chỗ nhấn mạnh chỗ buông nhẹ, ông không hiểu là phải. Ông ôm cây đàn, gảy bài Sakura. Tiếng đàn mộc mạc vang lên giữa những cánh hoa rụng coi bộ có hồn hơn đĩa nhạc tôi nghe ở Montreal. Chuyện chi cũng có nơi có chốn cả!
Một loại hoa anh đào hiếm thấy.
Nói tới hoa đào phải nhắc tới một vật kỷ niệm mà ai đi Nhật cũng tìm mua. Đó là cây dù đặc biệt của xứ hoa đào. Mở ra cây dù trông bình thường như mọi cây dù khác. Nhưng nếu gặp mưa, lớp vải trên dù sẽ nở ra những cánh hoa anh đào! Nói vậy cho thêm phần hấp dẫn chứ thực ra người ta vẽ những cánh hoa anh đào trên vải lợp dù bằng một chất gì đó mà khi gặp nước những cánh hoa vẽ mới hiện ra.
Thường những cây dù này không có bán tại các tiệm bán dù mà bán tại các địa điểm nhiều du khách tới viếng thăm như trước các chùa chiền, di tích, thắng cảnh. Hầu như chẳng ai không vác về ít nhất một cây. Có bà vớ vội năm bảy cây về làm quà cho người thân. Dù có thứ ngắn, có thứ dài. Ai thích ngắn, ai thích dài, nhân tâm tùy mạng mỡ!
Trên máy bay rời Nhật, những bó dù nhiều khi tới ba bốn cây cột lại với nhau, được các bà vác như những kiếm sĩ Samurai trong các phim cổ trang Nhật. Nếu một ngày mưa gió nào đó, các bạn bỗng thấy hoa đào nở rộ trên dù tại Montreal thì cũng đừng ngạc nhiên. Phe ta đó!
Trên máy bay rời Nhật, những bó dù nhiều khi tới ba bốn cây cột lại với nhau, được các bà vác như những kiếm sĩ Samurai trong các phim cổ trang Nhật. Nếu một ngày mưa gió nào đó, các bạn bỗng thấy hoa đào nở rộ trên dù tại Montreal thì cũng đừng ngạc nhiên. Phe ta đó!
NHẬT 4
Khi tôi đang ở Tokyo thì một ông Nhật, nghe tôi nói sắp đi Hiroshima, đã cho biết là Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry hiện đang ở Hiroshima, vậy là tôi chậm chân hơn ông ngoại Mỹ. Nhưng tôi nhanh chân hơn ông tonton Obama. Mãi tới cuối tháng 5 này, sau khi thăm Việt Nam, ông Obama mới tới Hiroshima. Đây là vị Tổng Thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima. Sở dĩ tôi kẹp hai ông lớn Mỹ này vào chuyện tôi đi Hiroshima vì nơi đây đã hứng trái bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945 theo lệnh của Tổng Thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Harry S. Truman. Khoảng từ 90 ngàn tới 146 ngàn người đã bị đốt cháy trong tổng số 350 ngàn dân của thành phố. Chuyện liên quan như vậy nên chuyện các ông lớn Mỹ tới Hiroshima là chuyện được dân Nhật chú ý. Ông Tập Cận Bình cũng chú ý vì chuyện thăm viếng và đặt vòng hoa tưởng niệm này khiến hai nước cựu thù xích gần nhau hơn, bất lợi cho Trung Cộng. Hai ông tới gây ồn ào quá cỡ, còn tôi tới thì êm ru bà rù. Không biết ai sướng hơn ai!Hai ông chỉ biết những chỗ người ta dẫn đi, còn tôi phây phây đi vào khắp ngõ ngách nơi đã từng xảy ra thảm họa có một không hai trong lịch sử thế giới này, muốn tới đâu thì tới, muốn coi chi thì coi, chẳng ai ngó ngàng tới! Điều tôi chú ý nhất là chữ “hòa bình” được dùng cho nhiều tên trong quần thể lưu niệm này. Peace Bell (Chuông Hòa Bình), Peace Flame (Đuốc Hòa Bình), Children’s Peace Monument (Đài Tưởng Niệm Nhi Đồng Hòa Bình), Hiroshima National Peace Memorial Hall (Nhà Quốc Gia Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima), Hiroshima Peace Memorial Museum (Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima). Sau những lỗi lầm lịch sử, dân Nhật ngày nay tôn vinh hòa bình ngay tại nơi bị chiến tranh tàn phá tang thương nhất. Hiroshima hứng trái bom nguyên tử đầu tiên nhưng không gánh vác đau thương một mình. Ba ngày sau, thành phố Nagasaki hứng trái bom thứ hai, gây tử vong cho từ 39 ngàn đến 80 ngàn nhân mạng. Cho tới nay vẫn chưa có trái bom thứ ba được thả nên hai trái bom này, với thiệt hại nhân mạng khủng khiếp, vẫn là chuyện thế giới phải nghĩ tới khi tổng kết và phê phán về hậu quả của chúng với sự kết liễu Đệ Nhị Thế Chiến.Chắc mọi người còn nhớ trận Đệ Nhị Thế Chiến này diễn ra giữa hai phe: phe Trục gồm ba nước là Đức Quốc Xã, Ý và Nhật Bổn; phe Đồng Minh gồm phần lớn các nước Âu Châu và Hoa Kỳ. Ngày 8 tháng 5 năm 1945, Đức Quốc Xã đã chịu đầu hàng nhưng Nhật vẫn tiếp tục chiến đấu. Ngày 26 tháng 7 năm 1945, phe Đồng Minh công bố bản tuyên ngôn Postdam kêu gọi Nhật đầu hàng vô điều kiện nhưng Nhật phớt lờ coi như pha. Mỹ, với sự đồng ý của Anh, dùng đòn chót: bom nguyên tử. Hiroshima lãnh trái bom đầu. Đúng 16 tiếng đồng hồ sau khi bom nổ, Tổng Thống Harry S. Truman ra tối hậu thư cho Nhật: nếu không tuân lệnh thì sẽ “chịu một trận mưa tàn phá từ không trung chưa bao giờ xảy ra trên hành tinh này”. Nhật vẫn bướng bỉnh chống đối nên ngày 9 tháng 8 sau đó, trái bom thứ hai mới được thả xuống Nagasaki. Sáu ngày sau, ngày 15 tháng 8, Nhật mới chịu đầu hàng và Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt.Khu tưởng niệm bom nguyên tử ở Hiroshima là một quần thể rộng lớn nằm ngay chính giữa thành phố. Đứng trong khu tĩnh lặng này không ai có thể tưởng tượng được nơi đây, trước khi hứng bom, là khu downtown buôn bán sầm uất của thành phố. Sau khi Nhật đầu hàng, Hiroshima đã biến nơi đây thành khu tưởng niệm mang tên Peace Memorial Park (lại “hòa bình”!). Cứ tưởng tượng nơi trung tâm rơi của trái bom nguyên tử gây tàn phá khủng khiếp nay biến thành một nơi bình an, đẹp đẽ với 300 gốc anh đào được trồng dọc theo hai bên bờ sông Motoyasu ngăn khu này với thành phố bên ngoài, khách thăm viếng mới biết là hòa bình đã được dân Nhật ngày nay tôn vinh như thế nào.Trời quang mây tạnh, nắng nhạt nhòa yếu ớt, khi chúng tôi tới quần thể kỷ niệm này. Điều đập ngay vào mắt là tòa nhà cao chỉ còn trơ bộ khung sắt nằm chơ vơ như bộ xương người gầy gò ốm yếu. Đó là tòa nhà tưởng niệm A-Bomb Dome. Tòa nhà này được xây cất từ năm 1915, được sử dụng như một công ốc của quận hạt Hiroshima. Nơi tòa nhà tọa lạc có một định mệnh. Trái bom rơi xuống và nổ thành hình nấm trên bầu trời. Tòa nhà chỉ cách điểm nổ của bom 160 thước. Tất cả mọi sinh vật và đồ vật trong tòa nhà đã tức khắc biến thành tro bụi. Khung sắt của tòa nhà tuy có bị ảnh hưởng nặng nề nhưng không sụp xuống. Cho tới ngày nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Tổ chức Liên Hiệp Quốc UNESCO đã liệt tòa nhà này là di sản thế giới vào năm 1996.Chúng tôi, như mọi du khách khác, đã quay phim, chụp hình lia chia trước di tích này. Đây là nhân chứng sống của sự tàn phá nguyên tử. Đúng 71 năm sau tôi mới tới mà vẫn cảm thấy rùng mình khi đứng trước cái khung nhà chơ vơ này. Vậy mới hiểu được lòng yêu hòa bình ngày nay của dân Nhật.Sát bên tòa nhà là dòng sông bình thản lượn lờ bên những cây anh đào đang vào độ rộ hoa. Nhưng đi quá lên một chút, chúng tôi lại đụng vào chiến tranh. Giữa dòng sông là bia kỷ niệm Memorial Cenotaph, tưởng niệm tất cả các nạn nhân của bom nguyên tử. Nơi đây là tâm điểm của quần thể lưu niệm. Một khối đá đen trông như một nấm mồ nằm dưới một vòm mái có hình chiếc yên ngựa. Kiến trúc này hình thành như một mái trú ẩn cho các oan hồn uổng tử. Bên trong nấm mồ này là tên của các nạn nhân bom nguyên tử, phía trước có khắc một lời nguyện cầu bình an cho những người đã nằm xuống và tuyên hứa, nhân danh toàn thể nhân loại, sẽ không bao giờ để cho thảm cảnh này tiếp diễn nữa. Ngay dưới chân đài kỷ niệm là một giải nước nông cạn, phía dưới có những tấm đá đen, mỗi tấm khắc những hàng chữ bằng một thứ ngôn ngữ. Tôi chỉ có chút ít thời giờ đứng ở nơi đây nên không coi kỹ được đó là những ngôn ngữ nào nhưng tôi đoán đó là những ngôn ngữ được dùng chính thức tại Liên Hiệp Quốc. Tôi đọc bản tiếng Anh và chú ý tới câu chính: Let all the souls here rest in peace for we shall not repeat the evil. Hãy để cho các linh hồn nơi đây được an nghỉ vì chúng ta sẽ không tái diễn tội ác này nữa. Tôi đứng lặng tưởng nhớ tới những nạn nhân của cuộc chiến. Bên tôi, vài người Nhật đứng cầu nguyện với vẻ mặt thành kính.Cũng nằm trong khuôn viên khu tưởng niệm là một nấm mồ tập thể chôn tro cốt của 70 ngàn nạn nhân không nhận diện được. Mộ trông như một ngọn đồi được trồng cỏ bao phủ xanh rì, nằm giữa một rừng cây xanh rất yên tĩnh. Tên tuổi họ còn được ghi lại trong hai cuốn sổ do cảnh sát cứu cấp ghi lại sau khi tai nạn xảy ra. Hai cuốn sổ ngày nay trông rách nát được trưng bày trong một tủ kính tại Bảo Tàng Viện cũng nằm ngay trong khuôn viên khu tưởng niệm.Bước chân vào Bảo Tàng Viện, tôi như nín thở. Tất cả quá khứ đau thương được phơi bày trong một khung cảnh âm u trầm buồn. Mọi người đều không dám bước mạnh. Những tiếng nói thầm thì của khách viếng thăm như từ thế giới nào vọng về. Hình ảnh rùng rợn xưa được phóng lớn, nằm trên những bức tường ẩn dấu những ngọn đèn lu mờ. Có chỗ được dựng lại toàn cảnh khi bom nổ trên những bức tường gạch vỡ còn được giữ lại từ 71 năm trước. Một phần bảo tàng viện được xây cất ngay trên những tòa nhà đổ vỡ mà họ đã khéo léo giữ lại nguyên trạng.Những chứng tích đánh động vào con tim mọi người nhất có lẽ là những đồ chơi trẻ em bị bom bóp nát, những bộ áo quần trẻ em bị xé thành từng mảnh, chiếc xe đạp ba bánh méo xẹo. Bom không phân biệt tuổi tác. Vài ba viên ngói bị bom làm rộp lên được đặt dưới ánh đèn mờ cho du khách chạm vào. Một nhân viên đứng cạnh hộc trưng bày những viên ngói mời tôi đụng tay vào. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên những đốm sần sùi nổi lên cồm cộm, mắt nhìn bà nhân viên, lắc đầu.Tôi ngơ ngẩn đi giữa những cảnh bị tàn phá và bắt gặp một chiếc bàn kính tròn, được chiếu sáng từ phía dưới. Trên bàn là những con chim hạc xếp bằng giấy đủ màu theo kiểu gấp giấy đặc trưng origami của Nhật. Chúng mang lại chút tươi vui cho nơi chốn nặng những kỷ niệm buồn bã của quá khứ. Nhìn vào bản giải thích mới rõ chuyện những con hạc này. Đó là những con hạc do em bé Sadako Sasaki xếp. Trên tường là hình ảnh và những con chữ nói về cuộc đời của em. Khi bom nguyên tử nổ trên bầu trời Hiroshima thì em Sasaki mới được 2 tuổi. Em may mắn không bị thương tích chi. Những năm tháng sau đó em lớn và phát triển như bất cứ một em bé khỏe mạnh nào khác. Nhưng mười năm sau, em bị ung thư máu. Được đưa vào bệnh viện điều trị, em rất yêu đời, ngồi xếp những con hạc bằng giấy với mong ước khi em gấp được một ngàn con hạc thì em sẽ khỏi bệnh về đi học bình thường với các bạn. Ước mơ của em bị dập tắt tám tháng sau đó. Em nhắm mắt với hình ảnh những con hạc còn vương vấn trong em. Cho tới ngày nay khắp thế giới đã gửi về Khu Tưởng Niệm hàng triệu con hạc. Nhiều du khách đã gấp những con hạc giấy và tận tay mang tới tặng.
Cái chết của em Sasaki đã làm dấy lên phong trào vận động để xây một khu tưởng niệm cho những trẻ em bị tử vong vì bom nguyên tử. Và đài Tưởng Niệm Nhi Đồng Hòa Bình được xây cất. Ngước nhìn lên bức tượng em Sasaki, nằm chót vót trên đỉnh đài tưởng niệm, hai tay giang rộng như muốn thu lại cả bầu trời, ngẩng đầu nhìn lên một con hạc được gấp bằng giấy treo ở phía trên, lòng tôi chùng xuống. Những thân phận nhỏ bé này có đáng chịu một định mệnh khắt khe như vậy không?Hàng năm, tới ngày 6 tháng 8, chính phủ và dân chúng Nhật vẫn cử hành lễ tưởng niệm tại khu tưởng niệm này. Đúng 8 giờ 15 phút sáng, giờ trái bom nổ trên bầu trời Hiroshima năm xưa, tất cả đều yên lặng cúi đầu trong một phút mặc niệm để nhớ tới những nạn nhân thương vong. Rất nhiều du khách đã tới đặt hoa tại Bia Tưởng Niệm và tượng đài Tưởng Niệm Nhi Đồng Hòa Bình trong suốt ngày này. Buổi tối, hàng hàng lớp lớp đèn lồng được đốt sáng và thả trên sông Motoyasunằm dọc theo khu tưởng niệm. Lửa của đèn lồng lấy từ lửa nguyên thủy khi bom nổ được một công dân sống trong giây phút hãi hùng ngày đó nuôi lại cho tới giờ. Trên đèn là những câu viết thương nhớ những nạn nhân và cầu chúc hòa bình cho đất nước.Tôi nhận thấy một điều là phần lớn các kiến trúc tưởng niệm trong khu này đều được xây cất với hình ảnh những vòm trú ẩn. Chúng nói lên thân phận bé nhỏ, yếu đuối của con người trước thảm cảnh có một không hai của nhân loại. Bức tượng người mẹ cúi rạp người che chở cho đứa con, với tay ra sau nắm tay một đứa con khác, được tạc phía ngoài của khu Tưởng Niệm, ngay trên bãi cỏ tiếp giáp với đường Hòa Bình, là một chứng tích khác nói lên sự chịu đựng của con người yếu đuối dưới sức mạnh của bom đạn. Bức tượng mang tên “Mẹ và Con dưới trận Mưa Bão” với hình ảnh người mẹ cúi rạp người xuống che chở cho con nói lên sức mạnh của tình mẫu tử. Cũng trong ngày kỷ niệm 6 tháng 8, các bà mẹ thường tụ tập dưới chân tượng này, đặt hoa và những con hạc được gấp bằng giấy, cầu nguyện cho hòa bình thế giới.Không biết mai đây, khi tới thăm khu Tưởng Niệm Bom Nguyên Tử Hiroshima này, tonton Obama, người có quyền nhấn nút cho nổ bom sẽ nghĩ chi?Chiến tranh là cách giải quyết tồi tệ nhất những mâu thuẫn của con người. Dân Nhật đã có thời mang chiến tranh ra để thực hiện giấc mộng Đại Đông Á. Binh lính Nhật đã đối xử nghiệt ngã, gây ra chết chóc, hãm hiếp người dân tại các quốc gia họ xâm lấn như Trung Quốc, Đại Hàn và ngay cả Việt Nam. Đội quân xâm lăng đó ngày nay vẫn được Nhật thờ phụng cùng với các liệt sĩ của mọi thời kỳ lịch sử của đất nước trong ngôi đền Yasukuni ở Kyoto. Mỗi lần một viên chức cao cấp của Nhật tới dâng hương ở đền này là một lần Trung Quốc và Đại Hàn phản đối. Thậm chí mới dây nhất, ngày 21 tháng 4 năm 2016, Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật chỉ gửi lễ vật tới dâng cúng cũng bị hai nước này phản đối kịch liệt. Nhưng đối với dân Nhật đền Yasukuni là nơi thờ phụng tất cả những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho thiên hoàng. Cho tới nay đã có 2.466.532 tên được dân Nhật ghi công. Họ cho việc thờ cúng những liệt sĩ là đề cao bản sắc dân tộc và là nền tảng cho tinh thần yêu nước của Nhật. Tôi không có dịp tới viếng đền này trong thời gian ở Kyoto nhưng, trong các dịp tới viếng thăm các ngôi chùa hoặc đền thờ Thần Đạo ở Nhật, tôi thấy họ luôn luôn có một chiếc am nhỏ ngay nơi cổng vào để thờ những liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc.Gìn giữ tinh thần và bản sắc dân tộc là điều tôi thấy khi nhìn những em bé mặc đồng phục xếp hàng tới đền thờ. Họ dậy dỗ con em ngay từ lúc còn ở tuổi mẫu giáo. Có lẽ chính những giáo huấn này đã khiến dân Nhật ngày nay sống trong niềm tự hào dân tộc rất mạnh. Người ta nói việc dân Nhật không chú tâm học tiếng ngoại quốc, nhất là tiếng Anh, là vì tự hào dân tộc. Không biết có đúng không. Nhưng tôi thấy một trong những biểu hiện rõ ràng của tư cách con dân Nhật là chuyện không nhận tiền tip. Tôi hồ nghi chuyện này khi tới Nhật. Và tôi làm một bài toán thử. Buổi sáng, khi rời khách sạn, tôi để một miếng giấy viết “ Thank You” và một số tiền cho người dọn phòng. Chiều về, số tiền vẫn còn nguyên, trên miếng giấy có viết thêm vài câu tiếng Nhật. Dĩ nhiên tôi mù câm chẳng biết họ viết chi. Thủ tờ giấy trong túi, khi gặp một du sinh Việt Nam, tôi nhờ dịch giùm. Đại khái họ viết là rất cám ơn việc tôi đã nghĩ tới họ nhưng họ không thể nhận số tiền này được. Tại các nhà hàng ăn uống, họ cũng không nhận tiền tip. Nếu khách để tiền lại trên bàn, họ chạy theo trả lại.Nhưng ông Nhật tại một quán bán bánh mực ở Osaka lại không cho tôi dịp may từ chối như cô dọn phòng và các nhân viên nhà hàng. Coi bộ ông này rất chịu chơi với chiếc mũ cao bồi. Bữa đó đi ngang qua một quán bán bánh bột có nhân là một miếng mực, thứ bánh mà các đệ tử của phim Đại Hàn chắc phải biết. Nhìn thấy một bà đang xiên từng chiếc bánh trong khuôn để trở bánh cho vàng, tôi phục cái tay nhanh nhẹn đầy…nghệ thuật của bà quá. Tôi xin phép quay phim. Ông chồng bà từ trong nhà ra nhìn. Chờ tôi quay xong, ông hỏi người từ đâu tá. Tôi trả lời. Xong tôi mua một gói. Khi tôi trả tiền thì ông nhất định không cho bà vợ lấy. Nói thế nào ông cũng không chịu. Tôi không nhận gói bánh thì ông ấn vào tay tôi với vẻ mặt khẩn khoản. Tôi đành phải nhận gói bánh biếu của ông. Một ông bạn đi cùng tôi chờ cho ông này đi vào trong nhà, mua tiếp. Ông lại chạy ra. Nhưng ông trễ một bước. Bà vợ đã nhận tiền. Ông không chịu thua. Bà vợ trả tiền lại nhưng ông bạn tôi nhất định không lấy. Vậy là ông giở chiêu khác. Ông bảo bà vợ cho thêm bánh vào gói!Có đi vào ngóc ngách của đời sống dân chúng mới thấy niềm tự hào và tấm lòng của người dân xứ này. Họ kỷ luật và hiếu khách. Bất cứ chỗ nào có từ hai người trở lên là họ tự động xếp hàng. Chen ngang vào hàng là điều tối kỵ. Nhưng họ tôn trọng và vui vẻ chấp nhận những trường hợp bất khả kháng của du khách đi từng đoàn đông người cần phải lên chung một chuyến tàu hay xe. Cái cúi đầu chào của họ trong mọi trường hợp có lẽ là một thứ “dân tộc tính” khác. Không biết mỗi ngày họ gập người bao nhiêu lần. Tôi nói giỡn với một ông bạn: đây không thuộc lãnh vực văn hóa mà thuộc lãnh vực thể dục thể thao!Tôi đã viết trong phần đầu của loạt du ký này chuyện tôi nghe thấy huyền thoại là tại Nhật đồ để quên hay đánh rơi ngoài đường không bao giờ mất. Nhiều người ngoại quốc đã kể lại kinh nghiệm cá nhân của họ. Nhưng tôi vẫn phân vân: bộ ngày nay vẫn có nơi y chang như dưới thời Nghiêu Thuấn hay sao? Cuối cùng tôi đã có kinh nghiệm về “huyền thoại” này. Vào những ngày cuối ở Nhật, trong lúc viếng thăm khu tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima, tôi để thất lạc một trong những máy chụp hình của tôi. Tôi không biết chiếc máy bị quên ở chỗ nào trong khu tưởng niệm rộng lớn này. Về tới khách sạn mới biết cớ sự. Nhưng vì không có thời giờ, lại di chuyển liên miên, nên tôi chặc lưỡi cho qua. Khi về tới Montreal, tiếc những tấm hình chụp trong máy, tôi thử cầu may bằng cách tìm vào internet. Kiếm được e-mail của Peace Memorial Park ở Hiroshima, tôi gửi ngay một thư trình bày sự kiện. Chỉ một thời gian ngắn sau tôi nhận được trả lời. Họ cho biết là họ có giữ một máy hình như tôi cho chi tiết vào ngày đó nhưng vì họ chỉ được giữ một tuần, sau đó phải nộp cho cảnh sát nên chiếc máy hình của tôi hiện nằm tại bót cảnh sát. Họ đề nghị nếu tôi có bạn tại Nhật thì ủy quyền cho bạn tới lãnh, nếu không họ có thể lãnh giúp tôi và gửi về Canada. Tôi nhờ họ lãnh giùm. Họ gửi cho tôi mẫu giấy ủy quyền để tôi ký. Mẫu toàn bằng tiếng Nhật. Biết trình độ tiếng Nhật của tôi nên họ gửi kèm theo một bản khác, khoanh đỏ chỗ tôi phải ký. Tôi ký và gửi lại. Họ cho biết để tránh sự nhầm lẫn, yêu cầu tôi mô tả máy hình, cho kích thước máy, kiểu máy, số máy. May là tôi còn giữ được chiếc bao và cái xạc điện của máy. Tôi cho kích thước của chiếc bao, kiểu máy và số máy trên cái xạc điện. Để chắc ăn, tôi chụp hình và gửi kèm theo luôn. Cho chắc ăn hơn nữa, tôi gửi một tấm hình của một ông bạn chụp tôi đang sử dụng chiếc máy hình bị thất lạc. Chỉ một ngày sau, họ xác nhận đúng là máy hình của tôi và họ cho biết sẽ gửi qua Canada cho tôi. Phí tổn do tôi chịu. Họgủi qua bưu điện Nhật. Cách tính phí tổn rất tiện lợi. Họ cho biết giá bằng tiền Nhật nhưng kèm theo là số phiếu International Reply Coupon tương đương. Phiếu này có thể mua tại Bưu Điện Canada. Cẩn thận hơn, họ còn vào website của Bưu Điện Canada, chỉ rõ phiếu và giá tiền mỗi phiếu. Tôi chỉ việc ra Bưu Điện mua và gửi cho họ đủ số phiếu cần thiết. Họ đã nhận được phiếu, máy hình đang trên đường về Canada. Nếu chuyện này xảy ra ở một nước khác, kết cục có được như vậy không? Có thể được nhưng ở Nhật thì hầu như chắc chắn khổ chủ sẽ lại cầm trong tay món đồ thân yêu của mình.Tôi đã đi du lịch nhiều nước nhưng phải nói là chưa có nơi nào tôi cảm thấy yên tâm, thanh thản và an bình như những ngày thăm viếng Nhật. Nhiều du khách đã cảm phục đất nước và con người Nhật Bổn, tôi có khen thêm cũng bằng thừa. Nhưng tôi vẫn phải buộc mình kể ra những gì tôi đã tai nghe mắt thấy trong hai tuần lưu lại Nhật, như chứng tỏ lòng cảm phục một dân tộc Á châu đã tự đứng dậy, vươn lên thành một cường quốc bằng cách vượt qua chính những lỗi lầm của họ trong quá khứ.Tượng “Mẹ và con Trong Bão Táp” nằm trước Bảo Tàng Viện.
Mộ tập thể 70 ngàn nạn nhân bom nguyên tử không nhận diện được.
Những chiếc đèn thả trên sông Motoyasu trong ngày kỷ niệm 6 tháng 8 hàng năm.
Các em nhỏ đi thăm di tích lịch sử.
Tòa nhà A-Bomb Dome di tích còn sót lại của bom nguyên tử.
Đài tưởng niệm Children’s Peace Monument.
Khu tưởng niệm Memorial Cenotaph.
Lời cầu nguyện nằm dưới dòng nước nông cạn.
Một cảnh kinh hoàng được dựng lại trước bức tường bằng gạch nguyên thủy bị bom còn giữ lại được.
Chiếc xe ba bánh bị bom.
Chạm tay vào viên ngói bị bom nguyên tử.
Những con hạc gấp bằng giấy của em Sadako Sasaki.
Hai cuốn sổ của cảnh sát cứu cấp ghi tên các nạn nhân nguyên tử.
Một am thờ liệt sĩ tại một ngôi chùa ở Tsuyama.
SONG THAO
Tên thật: Tạ Trung Sơn
Sanh ngày 1 tháng 8 năm 1938 tại Hà Nội.
Học Trung Học Dũng Lạc (Hà Nội), Chu Văn An (Saigon), Đại Học Văn Khoa (Saigon).
Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, 1964.
Từ 1959 đến 1975 cộng tác với các nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san tại Saigon: Văn Học, Thời Nay, Thời Việt, Đời Nay, Tìm Hiểu, Thăng Tiến, Con Ong.
Định cư tại Montreal, Canada, từ năm 1985.
Khởi viết truyện ngắn từ năm 1991.
Đã có bài trên các tạp chí:: Phố Văn, Làng Văn, Nắng Mới, Sóng Văn, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Wordbridge, Sống.Đã xuất bản:- Bỏ Chốn Mù Sương (Kinh Đô, Houston, 1993),
- Đong Đưa Cuộc Tình (Ngày Nay, Houston, 1996),
- Còn Đó Bóng Hình (Văn Mới, Los Angeles, 1997),
- Chân Mang Giày Số 6 (Văn Mới, Los Angeles, 1999)
- Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại ( Văn Mới, Los Angeles,2001)
- Bên Lưng Những Con Chữ ( Văn Mới, Gardena, 2003 )
- PHIẾM 1 (Văn Mới, Gardena, 2005).
(Tái bản lần thứ nhất - Nhân Ảnh, Toronto, 2006))
(Tái bản lần thứ hai - Nhân Ảnh, Toronto, 2008)
(Tái bản lần thứ ba - Nhân Ảnh, Toronto, 2015)
- PHIẾM 2 (Văn Mới, Gardena, 2005)
(Tái bản lần thứ nhất - Nhân Ảnh, Toronto, 2006)
(Tái bản lần thứ hai - Nhân Ảnh, Toronto, 2008)
- PHIẾM 3 (Nhân Ảnh, Toronto, 2006)
(Tái bản lần thứ nhất - Nhân Ảnh, Toronto, 2008)
- CHỐN CŨ (Nhân Ảnh, Toronto, 2006)
- PHIẾM 4 (Nhân Ảnh, Toronto, 2007)
- PHIẾM 5 (Nhân Ảnh, Toronto, 2008)
- PHIẾM 6 (Nhân Ảnh, Toronto, 2008)
- PHIẾM 7 (Nhân Ảnh, Toronto, 2009)
- To the Top of Whistler (Nhân Ảnh, Toronto, 2009)
- PHIẾM 8 (Nhân Ảnh, Toronto, 2010)
- PHIẾM 9 (Nhân Ảnh, Toronto, 2011)
- PHIẾM 10 (Nhân Ảnh, Toronto, 2011)
-PHIẾM 11 (NHân Ảnh, Toronto, 2012)
-PHIẾM 12 (Nhân Ảnh, Toronto, 2012)
-PHIẾM 13 (Nhân Ảnh, Toronto, 2013)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập I (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2013)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập II (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2013)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập III (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2014)
-Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao – Tập III (Nhân Ảnh, Toronto, Canada, 2014)
-PHIẾM 14 (Nhân Ảnh, Toronto, 2014)
-PHIẾM 15 (Nhân Ảnh, Toronto, 2014)
-PHIẾM 16 (Nhân Ảnh, Toronto, 2015)Đã góp truyện trong các tuyển tập:- Hai Mươi Người Viết Tại Canada ( Nắng Mới, Montreal, 1995)
- Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 ( Đại Nam, Glendale, 1995)
- Tuyển Tập Truyện Ngắn Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Hoa Kỳ, 1995)
- Nhà Thơ Và Nhà Văn Hải Ngoại: 1975-2000 (Đại Học Đông Nam, Houston, 2000)
- Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000 ( Văn Mới, Los Angeles, 2000).
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %07 %117 %2016 %21:%06