TÌNH CHA

HAPPY FATHER'S DAY- June 19  2016-

TÌNH CHA

Công cha như núi Thái Sơn
Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 
Trong kho tàng văn học Việt Nam ca tụng công Cha nghiã Mẹ nhưng chỉ có ngày của Mẹ, trong ngày Rằm tháng bảy lễ Vu Lan báo hiếu mẹ hiền. Ở Các quốc gia Tây phương cũng có ngày lễ tưởng nhớ Mẹ “Mother´s Day là ngày kỷ niệm để tôn vinh công ơn các người Mẹ và tình Mẹ… Lễ này được tổ chức vào các ngày khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, phổ biến nhất là trong mùa xuân. Tại Châu Âu, nhiều quốc gia có tục lệ để dành riêng một ngày Chúa Nhật thứ nhì của tháng 5 là ngày 10.5 để tôn vinh Mẹ hiền.
 
Ngày Father’s Day đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/6/1910, là một lễ được dùng để tôn vinh những người cha, mối quan hệ với người cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Theo phong tục người phương Tây chọn ngày của Mẹ vào Chúa nhật thứ Hai của tháng 5 và ngày Chúa nhật thứ ba của tháng 6 là ngày của Cha. Tại Đức, ngày của Cha (Vatertag) được tổ chức vào Lễ Thăng Thiên (ngày thứ 40 sau lễ Phục Sinh) và là một ngày lễ liên bang, còn được gọi là Ngày của đàn ông (Männertag) hoặc ngày quý ông (Herrentag).
Theo tài liệu thì năm 1916, Tổng Thống Woodrow Wilson chính thức tham dự Father’s Day.  Năm 1924, Tổng Thống Calvin Coolidge gợi ý muốn Quốc Hội dành một ngày để tri ân người cha, Ý nghĩa ngày lễ thật tốt đẹp vì nó cũng là dịp nhắc nhở người cha bổn phận của mình đối với con cái.  Nhưng không thành công. Năm 1957 người có nỗ lực là nữ Thượng nghị sĩ Margaret Chase Smith, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ chưa đồng thuận. Năm 1966, dự luật về Father’s Day một lần nữa lại được đề nghị. Mãi cho đến năm 1972 Quốc Hội Hoa Kỳ chịu thông qua. Tổng Thống Richard Nixon ấn ký đạo luật và công bố Father’s Day trở thành một quốc lễ tại Hoa Kỳ. Hằng năm quốc gia Hoa Kỳ tưởng niệm Father’s Day vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu 21/6.
 
Ngày lễ của Cha âm thầm hơn lễ của Mẹ, nếu chúng ta được các con tặng một món qùa nhỏ là một chai Win Bordeaux cũng vui vì các con còn tưởng nhớ đến công dưỡng dục của Cha Mẹ. Tình cảm của người cha không bộc lộ yêu thương tràn đầy như người mẹ, con cái trai hay gái đều gần mẹ hơn cha.
Mỗi năm ngày Vater’day tôi thường nhớ đến nỗi buồn nhất trong đời, tôi đã làm cho cha mẹ tôi buồn, lúc tôi thi rớt Tú tài II, trong thời gian học thi lại kỳ 2 tôi thường nghe tiếng trở mình khó ngủ của cha mẹ tôi trong những đêm trường. Khi tôi có kết quả thi đậu, ngày hôm đó trên khuôn mặt của cha thật hớn hở vui tươi. Mẹ tôi vui mừng nấu món vit tiềm, cha tôi mua Bier 33 đãi bạn bè cho phép tôi cùng cụng một ly vui mừng vì có thể tiếp tục vào Đại học…Cuộc sống của cha mẹ tôi hạnh phúc, không nghe ông bà cãi nhau, sống cần cù tiết kiệm, tiền lương của cha tôi đủ sống, mẹ tôi phải nuôi heo, hàng lứa bán lo cho các con đủ tiền đi học. Tôi học ở Huế, chiến tranh vùng giới tuyến càng ngày gia tăng, đường từ Huế về Đà Nẵng thường gặp nguy hiểm trên đèo Hải Vân, tàu lửa bị VC giật mìn…Sau những tháng năm sống trong vùng chết chóc khói lửa, năm 1974 tôi làm việc tại Sài Gòn thành phố thân yêu nhiều kỹ niệm…Em út tôi cũng theo tôi vào học đại học Sài Gòn.
 
Biến cố 30.4.1975 gia đình tôi sa sút trầm trọng, Cha mẹ bệnh không có thuốc chữa trị, người em út ở Sài Gòn về quê thăm một vài lần, qua đời thiếu con trai!  tôi phải ở trong trại tập trung cải tạo!  Người chị thứ 2, ông anh rể cũng cùng thân phận như tôi trong trạị tù, Chị ở nhà không những nuôi 4 đứa con thật khó khăn, vất vả mà còn phải chăm sóc gia đình cha mẹ 2 bên, công nuôi dưỡng cha mẹ của chị thật lớn lao… Tôi chưa có một ngày nào phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng may mắn sau khi tôi ra tù vượt biển thành công làm lại cuộc đời với đôi bàn tay trắng. Hằng năm vào những ngày lễ của Mẹ của Cha gợi cho chúng tôi khá nhiều suy nghĩ tưởng nhớ và thương tiết cha mẹ đã ra người thiên cổ, Mười năm trước tôi có dịp về thăm quê đốt nén nhàng trước hai ngôi mộ do em út trùng tu khang trang rất đẹp, qùy trước mộ phần nước lưng tròng! Người ta thường nói “nước mắt chảy xuống “ khi mình lập gia đình có các con thương lo cho con. Nó bệnh mình không ngủ chăm lo cho chúng nó ngày đêm, đi thi tú tài cũng lo cầu nguyện hằng đêm cho nó có sức khoẻ học thi và may mắn. Vào đại học thi ra trường cũng mong cho con có điểm cao dễ tìm việc, rồi mong có con dâu tốt có học, hiền dễ thương “công dung ngôn hạnh”… Con nhỏ lo nhỏ, con lớn thì lo lớn hơn. Làm ông bà nội ngoại đến tuổi về hưu, nếu con cháu ở gần phải đưa đón các cháu đi học, cuộc đời cứ lo mãi cho đến khi đậy nắp quan tài mới hết lo. Nỗi lo của chúng ta ngày nay cũng là nỗi lo “di truyền” của cha mẹ lúc còn tại thế.
 
Những ai may mắn còn cha mẹ phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu, nếu cha mẹ còn khỏe hay già yếu, con cháu phải có bổn phận phụng dưỡng, cảm thông với những sự lẩm cẩm, chậm chạp hay quên của người lớn tuổi. Đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt …Phụng dưỡng cha mẹ phải bằng trái tim đừng bao giờ cho đó là gánh nặng, Cha mẹ nuôi dưỡng mình từ lúc nhỏ bé công lao bao la như biển rộng trời cao.
 
Nguyễn Quí Đại
 
Kim Kỳ st
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %15 %137 %2016 %22:%06
back to top