Cánh cửa của thành công

Cánh cửa của thành công

Mạnh Kim

Loạt nghiên cứu mới cho thấy việc thiếu tài năng thiên bẩm không liên quan gì đến thành công. Bí quyết chỉ là nỗ lực khổ luyện và ý chí mãnh liệt…

Quy luật 10 năm

Ðiều gì làm nên thành công cho tay golf số một thế giới Tiger Woods? Ðiều gì giúp Warren Buffett, chủ tịch Berkshire Hathaway, trở thành nhà đầu tư hàng đầu thế giới? Người ta nghĩ rằng mình đã tìm ra lời giải: mỗi người đều được trao khả năng thiên phú nào đó để sử dụng, như Buffett, cách đây không lâu, từng nói với tạp chí Fortune rằng ông ta sinh ra là để phân phối nguồn vốn tư bản. Tuy nhiên, tài năng thiên bẩm chỉ chiếm tỉ lệ một phần triệu. Mọi chuyện không đơn giản như vậy. Lý do trước tiên, bạn gần như không hề có thiên bẩm trong một loại công việc cụ thể nào đó, bởi khả năng thiên phú hầu như không tồn tại! Bạn không được sinh ra để làm giám đốc điều hành, nhà đầu tư hoặc đại kiện tướng cờ vua. Và không chỉ siêng năng thôi mà còn phải đặc biệt khắt khe với bản thân và khổ luyện. Cá nhân Buffett thật ra nổi tiếng với việc tự rèn luyện. Ông dành hàng giờ nghiên cứu báo cáo tài chính từ những mục tiêu đầu tư tiềm năng…

Tỉ phú Warren Buffett, chủ tịch Berkshire Hathaway.

Giới chuyên gia đang đưa ra nhiều khám phá đáng chú ý về vấn đề thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể hiểu thiên tài chỉ là khả năng bẩm sinh thực hiện rất tốt công việc nào đó. Nhóm nghiên cứu tại Anh gồm Michael J. Home, Jane W. Davidson và John A. Sluboda kết luận trong một nghiên cứu trên phạm vi rộng: “Loạt bằng chứng mà chúng tôi nghiên cứu không chứng minh cho ý kiến rằng thành công là hệ quả của việc sở hữu khả năng thiên phú”. Hầu như khi nỗ lực trong lĩnh vực riêng, ban đầu mọi người đều học rất nhanh rồi sau đó chậm dần rồi đến hoàn toàn không phát triển; chỉ có một số ít tiếp tục đi xa hơn qua nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, và dần đi đến đỉnh cao thành công. Câu hỏi thú vị ở đây là tại sao một số người có thể tiếp tục phát triển trong khi người khác giậm chân tại chỗ?

Kết luận quan trọng đầu tiên là chẳng ai thành công mà không làm việc. Không bằng chứng nào cho thấy thành công mà không cần sự trải nghiệm hoặc tập luyện. Kết luận trên còn được củng cố bởi vô số bằng chứng cho thấy những người thành công cần khoảng 10 năm làm việc chăm chỉ trước khi đạt đến đẳng cấp thế giới (giới nghiên cứu gọi là định luật 10 năm). Vậy với Bobby Fischer, người đạt đại kiện tướng cờ vua năm 16 tuổi, thì thế nào? Có thể dẫn ra đúng với định luật: ông ta từng có 9 năm tập luyện với cường độ cao. Và theo John Horn (Ðại học Nam California) và Hiromu Masunaga (Ðại học tiểu bang California), “định luật 10 năm đưa ra một ước lượng gần đúng và hầu hết nhà nghiên cứu đều cho rằng 10 năm là giới hạn cực tiểu, chứ không phải là giá trị trung bình”. Trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, văn chương, người đạt đến đỉnh cao cần đến 20 năm hoặc 30 năm khổ luyện. Do đó, thành công không dành cho mọi người, nó đòi hỏi vô vàn nỗ lực và ý chí mãnh liệt. Tuy nhiên, cần cù có khi vẫn chưa đủ bởi có không ít người làm việc chăm chỉ qua hàng chục năm nhưng vẫn không thể gặt hái thành công. Liệu còn thiếu gì chăng?

“Vua cờ” Bobby Fischer

Những người tốt nhất trong lĩnh vực chuyên môn là đối tượng dành hầu hết thời gian cho thứ mà các nhà nghiên cứu gọi là “tập luyện có tính toán”. Họ làm việc với mục đích rõ ràng và luôn thể hiện ý chí vươn đến mục tiêu cao hơn mức năng lực hiện tại. Ví dụ: chỉ đánh hết cả xô banh một cách đơn giản thì không phải là tập luyện có tính toán. Tập đánh gậy golf có chủ đích, liên tục quan sát kết quả, đưa ra nhận định hợp lý và bền chí như thế nhiều giờ trong ngày… là tập luyện có tính toán. Tính kiên trì rất quan trọng. Một nghiên cứu của Ericsson thực hiện trên  một nhóm người 20 tuổi chơi violin (dựa theo đánh giá từ các giáo sư nhạc viện) cho thấy rằng, nhóm những người tốt nhất tập luyện nghiêm chỉnh trung bình 10,000 giờ trong đời, nhóm loại hai 7,500 giờ và nhóm loại ba chỉ 5,000 giờ. Kết quả cũng tương tự khi nghiên cứu nhóm bác sĩ phẫu thuật, người bán bảo hiểm và gần như trong tất cả môn thể thao.

Tuy nhiên, vài nhà khoa học vẫn chưa đồng ý với lý thuyết khổ luyện. Hai người tập luyện như nhau nhưng tại sao cầu thủ Tom Brady của đội New England Patriots thường tỏ ra chơi xuất thần trong hai phút cuối trận? Thêm vào đó, người ta cũng chú ý đến hiện tượng thần đồng (biết nói, đọc hoặc chơi nhạc sớm bất thường). Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy hầu hết trường hợp trên đều có sự can thiệp từ bố mẹ. Và chẳng hiếm gì thần đồng không hề đi đến thành công vào những năm sau khi trưởng thành, trong khi những người thành công lại không có biểu hiện gì đặc biệt hồi thơ ấu. Thậm chí một số hạn chế (hình thể hoặc trí thông minh) cũng không thật sự nghiêm trọng như thường nghĩ. Ericsson lưu ý trường hợp không ít kiện tướng cờ vua có chỉ số thông minh mức trung bình. Một người cao 1.5m rõ ràng khó có thể làm trọng tài biên Giải bóng rổ quốc gia Mỹ nhưng chắc chắn không phải tất cả những người 2.1m đều sẽ trở thành huấn luyện viên Olympic.

Khổ luyện

Thử điểm qua vài ví dụ: (Thủ tướng Anh) Winston Churchill, một trong những nhà hùng biện nổi tiếng thế kỷ 20, từng bỏ ra hàng giờ tập diễn thuyết một cách say mê. Nghệ sĩ dương cầm Mỹ gốc Ukraine Vladimir Horowitz, một trong những nghệ sĩ dương cầm vĩ đại nhất mọi thời, từng nói: “Nếu một ngày tôi không luyện tập, chỉ mình tôi biết. Nếu hai ngày tôi không luyện tập, vợ tôi sẽ biết. Nếu ba ngày tôi không luyện tập, cả thế giới đều biết”. Nhiều nhạc sĩ tài ba thế giới, từ Ignace Paderewski (1860-1941) đến Luciano Pavarotti (1935-2007), cũng nhấn mạnh ý chí khổ luyện. Các lực sĩ hoặc cầu thủ nổi tiếng trở thành huyền thoại cũng đi đến thành công bằng  cách tập luyện khắc nghiệt.

Thủ tướng Anh W. Churchill

Trong bóng rổ, Michael Jordan tập nhiều hơn bất kỳ người nào trong đội, nơi vốn áp dụng chương trình khổ luyện hà khắc hơn bất kỳ đội bóng rổ Mỹ nào khác (nếu Jordan sở hữu khả năng thiên tài trong bóng rổ, anh chắc đã không bị đuổi khỏi đội tuyển trường thời trung học!). Trong bóng bầu dục, tay chụp bóng lừng danh Jerry Rice (từng bị 15 đội bóng sa thải khi đánh giá anh quá chậm!) tập khắc nghiệt đến mức không cầu thủ nào trong đội theo kịp. Tiger Woods là ví dụ điển hình nữa. Nhờ bố dẫn dắt đến với golf từ rất sớm (khi mới 18 tháng tuổi) và được khuyến khích tập luyện với cường độ cao, Woods bỏ ra 15 năm nhọc công bền chí khổ luyện trước khi trở thành tay golf trẻ nhất giành vô địch Giải golf không chuyên Mỹ năm 18 tuổi.

Michael Jordan, huyền thoại làng banh rổ, khổ luyện và siêng năng hơn tất cả đồng đội.

Nói cách khác, chứng cớ, dựa trên cơ sở khoa học cũng như thực tế, hoàn toàn ủng hộ quan điểm tập luyện có tính toán. Riêng trong kinh doanh, làm cách nào để khổ luyện và đạt thành công? Thật ra, nhiều lĩnh vực trong kinh doanh có thể tập luyện trực tiếp. Trình bày, thương thuyết, định giá, phân tích báo cáo tài chính… đều có thể tập luyện được. Có thể và tất nhiên không theo cách tương tự nhà soạn nhạc Chopin. Như Geoffrey Colvin viết trên Fortune, trước tiên, hãy thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào với một mục tiêu mới: thay vì chỉ cố hoàn thành công việc, người ta nên tập trung làm hay hơn. Viết báo cáo thông tin, phân tích và trình bày… là những kỹ năng có thể phát triển được. Làm chủ tọa cuộc họp hội đồng (công việc đòi hỏi phải hiểu rõ chiến lược công ty, phân tích sáng suốt những thay đổi sắp tới của thị trường…) thậm chí cũng là kỹ năng có thể phát triển được…

Luciano Pavarotti

Với tinh thần làm việc như vậy, người ta sẽ có thông tin sâu hơn, nhớ thông tin lâu hơn, đưa ra kế hoạch có tầm nhìn xa hơn. Một lần nữa, nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về mục tiêu là hết sức quan trọng. Khi ca sĩ tài tử luyện giọng, họ tập luyện như một thú vui. Thế nhưng với ca sĩ chuyên nghiệp, mọi thứ đều khác: họ tập trung với cường độ cao và chú ý tối đa việc phát triển kỹ năng trong chương trình tập luyện.

Tóm lại, thành công đòi hỏi muôn vàn cố gắng. Thành công không chỉ dành riêng cho vài người. Ai cũng có thể thành công, nếu có ý chí!

Dương cầm thủ lừng danh Vladimir Horowitz 

 

▬▬▬▬▬๑ ۩ Kim Quy st ۩ ๑▬▬▬▬▬

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %13 %145 %2017 %22:%07
back to top