Quảng-Bình "quê hương hang động của Việt-Nam"

Quảng-Bình
"quê hương hang động của Việt-Nam"
Sơn-Đoòng là một trong những hang động đẹp mê hồn trên thế giới
An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
(Paris 1-9-2015)

Sau ngày thống nhất nước nhà, sau ba mươi năm đắm chìm vào trong hoàn cảnh chiến tranh tàn phá toàn cõi quê hương, thì lịch sử xã hội Việt-Nam cũng chính thức đã được sang trang kể từ dạo ấy, để cho hầu hết mọi người dân có dịp cùng nhau sát cánh nối vòng tay hàn gắn lại những vết thương đau khổ, và cố gắng xây dựng lại cuộc đời. Trên con đường phát triển kinh tế xã hội toàn cầu, cho dù là sinh sau đẻ muộn nhưng Việt-Nam cũng đã có thành tích đạt được những thành tựu đáng kể nhờ vào các tập đoàn của các nhà đầu tư nước ngoài đổ dồn vào khai thác thị trường thương mại, thiết lập nhiều cơ sở xí nghiệp nặng. Nhờ đó, nhu cầu tuyển dụng của họ đã có dịp tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho biết bao nhiều thành phần công nhân lao động địa phương ở trong nước.

Đi thực tế, thì cũng có nhiều công ty xí nghiệp từng hợp tác chặt chẽ cùng với các tổ chức thành lập nghiệp đoàn để giải quyết những nguyên nhân tranh chấp đưa đến sự mâu thuẫn nội bộ không có ích lợi gì cho cả hai bên. Ngoài ra, họ còn phối hợp với nhau để tổ chức hằng năm đưa công nhân đi du lịch một lần. Do vậy, nhiều thành phần công nhân lao động như ngày hôm nay cũng từng có được những dịp để cùng đi du ngoạn tập thể đến các nơi danh lam thắng cảnh ở trong nước. Và đó chính là một chứng từ kỷ niệm khó quên khi mà tác giả tình cờ đã có dịp trùng thời gian trong lúc cùng bước chân xuống thuyền chung với họ, để vào tham quan hang động Phong-Nha&Kẻ-Bàng ở tại tỉnh Quảng-Bình. Sở dĩ tác giả nêu lên lại vấn đề nầy, là để nhằm mục đích muốn nói lên mọi sự ý thức tổ chức sinh hoạt trong điều kiện tốt của những công ty xí nghiệp gương mẫu biết tôn trọng sự công bằng, hợp pháp để cùng nhau hợp tác lâu bền lao tư lưỡng lợi trong thời buổi bây giờ. Và cũng để có dịp nhắc đến tấm lòng yêu mến nước non vùng đất Quảng-Bình là quê hương hang động của Việt-Nam, mà các công nhân nầy đã quyết định chọn nơi đây làm điểm tham quan vào thời điểm đó.

Trước năm 1975, thì vùng đất Quảng-Bình chỉ là một hình ảnh trừu tượng trong trái tim của người dân ở đất phương Nam vì con sông oan nghiệt Bến-Hải ở Quảng-Trị (vĩ tuyến 17) đã vô tình ngăn cách tình tự yêu thương của dân tộc nước nhà. Nay, đại gia đình dân tộc nước nhà đã được hoàn toàn đoàn tụ trong bao sự vui mừng vì nhịp cầu Hiền-Lương không còn là trở ngại nữa, mà tự nó đã tự biến thành viên gạch nối liền trở lại dải đất tổ tiên giữa hai miền Nam-Bắc. Do vậy, cho nên sau khi nước non sum gọp một nhà thì bất cứ người dân nào có phương tiện, thì họ cũng đều muốn tạo dịp để được đi ngang qua cây cầu lịch sử một thời đã vô tình tạo ra bao cảnh chia ly đau lòng, ngăn cách đời sống xã hội cộng đồng của cả thảy dân ta.


Cầu Hiền-Lương trên sông Bến-Hải (1954)

Còn ngược dòng thời gian dưới thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786) thì cũng đã có tới 7 lần đại chiến trong vòng 45 năm (1627-1672) đều bất phân thắng bại, thì hai bên đồng hưu chiến và chọn lấy sông Gianh (sông Linh-Giang) ở Quảng-Bình làm ranh giới phân chia Đại-Việt ra thành Đàng Trong, Đàng Ngoài. Sau trận chiến cuối cùng của hai bên xảy ra vào trong năm 1774-1775, thì cũng là lúc nhà Tây-Sơn bắt đầu dấy lên cuộc cách mạng thu gọn nhân tâm về cùng một mối, và tiến lên thống nhất sơn hà xóa bỏ ranh giới sông Gianh sau hơn 100 năm phân ly đất nước, đem lại thanh bình hạnh phúc cho dân tộc.

Trên đây là vài nét khái quát đặc biệt nói về bối cảnh địa lý, và lịch sử ở vùng đất định mệnh Quảng-Bình thân yêu đã từng là ranh giới của một bãi chiến trường 45 năm tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh nồi da xáo thịt của dân tộc. Và dưới con mắt của một con người tầm thường, thì ai cũng hiểu được rằng nếu không có cuộc cách mạng của nhà Tây-Sơn, thì xương máu Lạc-Hồng của dân ta chắc chắn sẽ phải còn bị đổ ra nhiều hơn nũa. Do từ sự kiện đó, người ta có thể đưa ra bằng những nhận xét trung thực về sự thành bại trong một cuộc tương tranh về quân sự cùng chính trị, mà đối phương nào được đắc nhân tâm hơn thì chắc chắn sẽ đánh bại được kẻ thù.


Sông Gianh chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh

Và giờ đây, thành thật mà nói thì trước khi hệ thống hang động thuộc Vườn quốc gia Phong-Nha&Kẻ-Bàng chưa được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới vào năm 2003, thì ngay cả ở trong nước cũng đã có không ít người từng chưa hề bao giờ lưu ý tới những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp trong vùng đất trên quê hương sơn kỳ thủy tú ở Quảng-Bình. Kể cả luôn thế giới bên ngoài cũng vậy, vì hoàn cảnh đất nước VN bị nạn chiến tranh nguy hiểm cho nên các nhà thám hiểm chuyên nghiệp trên thế giới cũng chưa có dịp thuận tiện để đi vào tận những khu núi rừng sâu xa đầy chướng ngại vật khó khăn, trắc trở. Vì thế, cho nên sau khi chiến tranh nước nhà đã thực sự được hoàn toàn chấm dứt thì ngày nay quần thể hang động ở Quảng-Bình hiện vẫn còn được các nhà thám hiểm tiếp tục tìm tòi, khám phá ra thêm từng phần trong những hang động kỳ lạ có biết bao là vẻ đẹp tiềm ẩn mỹ miều.


Một góc nhìn của toàn cảnh di sản thiên nhiên thế giới


Vườn quốc gia Phong-Nha&Kẻ Bàng

Quảng-Bình là một tỉnh thuộc miền duyên hải Trung phần mà trong phần đất liền, nếu tính từ Đông sang Tây, thì có nơi rộng nhất là 87km và có nơi hẹp nhất là 40,3km. Còn bờ biển Quảng-Bình tính từ đèo Ngang (nơi mũi Độc) chạy dài cho đến huyện Lệ-Thủy (nơi mũi Lạng), thì có chiều dài là 116.04km. Và về lằn biên giới núi rừng Trường-Sơn cùng chung với Lào quốc, thì dài 201.87km. Phía Bắc của Quảng-Bình là dãy Hoành-Sơn ranh giới chung với Hà-Tĩnh.(Hà-Tĩnh là nơi có khu kinh tế Vũng-Áng sẽ hoàn thành trong tương lai một nhà máy luyện thép tối tân và lớn nhất ở quanh vùng Đông-Nam-Á). Phía Nam của Quảng-Bình là Quảng-Trị (nơi đã từng có con sông oan nghiệt Bến-Hải một thời phân chia đất nước VN 1954-1975)). Và tuy là một vùng đất nhỏ hẹp có vị trí ở giữa hai miền Nam-Bắc không có được nhiều tài nguyên như những nơi khác, nhưng quê hương người khôn của khó Quảng-Bình cũng là một nơi hội tụ được nhiều yếu tố đa dạng địa hình có những cảnh quan sắc màu cá biệt in tựa bức tranh trộn pha nét đan thanh giữa các hình ảnh của núi rừng, suối sông, đầm phá, đồng bằng, bể khơi và nhất là về hang động.


Động Phong-Nha&Kẻ-Bàng


Và thạch nhũ mới tìm ra vào năm 2012

Trong lịch sử hình thành địa danh vùng đất Quảng-Bình, thì do có bốn khu vực cũ hợp thành. Đó là khu vực Tân-Bình, Tây-Bình, Tiên-Bình và Lâm-Bình. Còn dưới triều đại nhà Trần, thì sau cuộc chiến thắng Chiêm-Thành vào năm 1069 thì Tướng Lý-Thường-Kiệt đã sát nhập hẳn vùng đất nầy (lúc đó là hai châu Bố-Chính và châu Địa-Lý) vào lãnh thổ của Đại-Việt. Gần đây, (năm 1976) sau khi thống nhất nước nhà thì ba tỉnh Quảng-Bình, Quảng-Trị, Thừa-Thiên dược sát nhập chung vào lập thành tỉnh mới là Bình-Trị-Thiên, nhưng sang đến năm 1989 thì lại tách rời cả ba tỉnh trở về như trước. Và hiện nay, tổ chức hành chánh Quảng-Bình được tái cấu trúc gồm có thành phố Đồng-Hới, thị xã Ba-Đồn, cùng các huyện là Minh-Hóa, Tuyên-Hóa, Quảng-Trạch, Bố-Trạch, Quảng-Ninh và Lệ-Thủy. Cùng với tổng số dân gồm có Việt, Bru, Vân-Kiều,Tày, Chứt là 853.000 đầu người sống chung trong diện tích đất đai 8.065,3km2.


Bản đồ tỉnh Quảng-Bình

Giờ đây, có một điều mà tác giả muốn đề cập đến là nếu Quảng-Bình không may mắn có được điều kiện thiên nhiên ban tặng cho những kỳ quan, thắng cảnh đẹp tuyệt trần, thì người ta có cảm tưởng rằng cho tới ngày nầy cũng vẫn hãy còn có nhiều du khách chưa hề biết tới hình hài của thành phố Đồng-Hới ra sao. Nhất là, đối với những thành phần du khách nước ngoài, vì đó là một sự thật của lịch sử!

Thực vậy, những ai đã từng có dịp về quê hương Quảng-Bình nhìn thấy thành phố Đồng-Hới sau ngày vừa mới chấm dứt chiến tranh, thì không khỏi phải chạnh lòng xúc động bùi ngùi khi nhìn thấy cảnh quan của một phố thị đã bị đổ nát, hoang tàn trong những đống gạch vụn ngỗn ngang đến nỗi phải khó khăn thì người ta mới có thể định vị lại được địa bàn để xác nhận lại từng địa điểm của các công trình, đường phố. Tuy nhiên, tinh thần và ý chí quyết tâm xây dựng lại quê hương của đồng bào Quảng-Bình quả thật phi thường thật đúng với ý nghĩa là người dân của vùng đất từng đứng mũi chịu sào trong mọi hoàn cảnh của lịch sử chiến tranh, và họ đã chiến thắng thành công, vươn lên tất cả để làm đẹp lại quê hương của mình.


Con đường chính trong thành phố Đồng-Hới

Do vậy, thành phố Đồng-Hới ngày nay cho dù là nằm trong một tỉnh thiếu thốn nhiều về tài nguyên nhưng người dân địa phương cũng đã chứng tỏ ra có được một sức sống năng nổ, đầy tương lai hứa hẹn bằng với những hình ảnh đường sá, nhà cửa khang trang đã và đang được quy hoạch kiến thiết phát triển không ngừng. Trong hiện tại, Quảng-Bình (nói chung) có được hai khu kinh tế đặc biệt. Đó là khu kinh tế Hòn-La, và khu kinh tế cửa khẩu Cha-Lo cùng với 6 khu công nghiệp khác. Và các công nghiệp chính ở địa phương thường là sản xuất vật liệu xây dựng, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thương mại v.v. Năm 2014 vừa qua, thành phố Đồng-Hới được trung uơng công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng-Bình.


Sun Spa Resort-Villa&Bungalow

Lợi dụng mọi thành tích tốt đẹp đã đạt từ được mục tiêu đó, Quảng-Bình tiếp tục khai thác tối đa thế mạnh về ngành kinh tế du lịch vốn là một tiềm năng mang về lợi tức rất nhiều với con số doanh thu tăng trưởng hằng năm đem về cho tỉnh nhà. Hơn thế nữa, từ lâu có cả khách sạn tiện nghi sang trọng đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao như Sun Spa Resort, Bảo-Ninh Beach Resort, Saigon Quảng-Bình, Saigon Phong-Nha Hotel, Tân-Bình Hotel v.v và v.v cũng từng là nơi rất quen thuộc của các thành phần du khách nước ngoài, đôi khi lẫn cả du khách nội địa. Đặc biệt là các khách sạn sang trọng nầy thường tọa lạc ở tại những địa điểm ven bờ biển của thành phố Đồng-Hới, và bên cạnh dòng sông Nhật-Lệ có đầy huyền thoại nhìn thấy dãy Trường-Sơn cùng bể cả bao la, cảnh trí thơ mộng vô cùng.


Cảnh quan thành phố Đồng-Hới và cầu Nhật-Lệ nhìn từ trên cao

Vùng đất Đồng-Hới khi xưa vốn là một nơi có nhiều hệ thống thành lũy do nhà chiến lược thiên tài về quân sự Đào-Duy-Từ chỉ huy khởi công xây đắp, và công trình nầy về sau từng đã được Vua Thiệu-Trị vô cùng khâm phục cho nên đặt tên gọi là "Định-Bắc trường thành". Đào-Duy-Từ (1572-1634) nguyên là một nhà văn hóa, một nhà chính trị lỗi lạc từng làm quốc sư triều đình cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Và ông cũng là người từng được nhà Nguyễn phong cho tước vị đệ nhất khai quốc công thần, cũng như sau cùng được ban cho chiếu chỉ sắc phong làm vị Thần-Hoàng toàn cõi biên thùy "Hoàng triều cương thổ" ở Tây-Nguyên.

Sự nghiệp của nhà Nguyễn về sau nầy, tuy dù có đứt đoạn, nhưng phải nói rằng là nhờ đến công lao của ông rất nhiều trong suốt thời gian cầm cự, kéo dài sức tiến quân mạnh mẽ của họ Trịnh. Trong vòng hai năm, kể từ năm 1630 thì ông đã cho xây ba lũy Trường-Dục, lũy Động-Hải và lũy Nhật-Lệ kéo dài từ núi Trường-Dục đến cửa biển Nhật-Lệ. Trước khi qua đời, thì ông vẫn còn chỉ thị cho xây thêm lũy Đồng-Hới (lũy Trường-Sa) được thực hiện và hoàn thành vào những năm (1634-1661). Tất cả các lũy nầy, đều được gọi tên chung là Lũy Thầy. Về văn hóa, Đào-Duy-Từ còn để lại cho đời ba tác phẩm thi văn dưới hình thức khác nhau như "Ngọa-Long cương vãn", "Hổ tướng khu cơ","Nhã nhạc cung đình Huế".


Dấu tích Lũy Thầy ở thành phố Đồng-Hới

Di tích nầy, xưa nay là nguồn cảm hứng đề thơ của nhiều viễn khách bốn phương. Và ngoài các bài vịnh lưu truyền của Vua Thiệu-Trị, thì lại còn có cả bài thơ nổi tiếng của nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh-Thúc-Kháng cảm đề về " Định-Bắc trường thành" (Lũy Thầy) như sau:

Bể dâu thay đổi mấy triều vương,
Lũy cũ xanh xanh một dải trường.
Rêu đá lờ mờ kinh Hổ-Trướng, 
Gió lau heo hắt phủ Long-Cương. 
Non sông trơ đó Thày đâu vắng,
Con cháu còn đây giống vẫn cường. 
Công đức miệng người bia tạc mới,
Nghìn thu mấy kẻ biết trông gương.

Sau chiến lũy Đào-Duy-Từ (thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh) đúng 336 năm thì trong cuộc chiến tranh Mỹ-Việt, quân đội Hoa-Kỳ cũng đã có thiết lập một hệ thống chiến lũy McNamara ở tại vùng phi quân sự thuộc phía Nam vĩ tuyến 17 vào năm 1966. Và từng được báo chí thế giới lúc bấy giờ gọi là chiến lũy "Maginot phương Đông", (lấy theo tên của một chiến lũy của Pháp thời kỳ chiến tranh với Đức được xây dựng kiên cố vào năm 1930-1932) . Đây là một chiến lũy phòng thủ hết sức tối tân, nếu đem so với bãi mìn dày đặc của Nam Triều-Tiên thiết lập ở phía Nam vùng phi quân sự ở tại vĩ tuyến 38, để ngăn chặn mọi sự lén lúc xâm nhập, tấn công của Bắc Triều-Tiên vào lúc bấy giờ. Theo sự tiết lộ của Foreign Relations of the United State, 1964-1968, Vol. IV, Vietnam pp635, thì toàn tuyến hàng rào McNamara nầy dài 100 km, dọc theo giới tuyến quân sự Bắc-Nam, gồm hệ thống dây thép gai dày đặc, sử dụng 20 triệu "mìn sỏi" (gravel mines), 25 triệu bom "bươm bướm" (button bomblets), 10 ngàn bom CBU-26B. Cùng nhiều loại "mìn thông minh"và các "con rệp" (sensor) cảm nhận từ trường, mùi người, mùi xăng, tiếng động, vật di chuyển. Phối hợp thuộc vào nó, là những đồn bót liên hoàn, hệ thống các sân bay dã chiến có thể cất cánh và oanh tạc sau 10-15 phút từ khi nhận được tín hiệu…Tuy nhiên, hàng rào điện tử McNamara(McNamara Line) chỉ được tồn tại được có hai năm (1966-1968) thì đã tỏ ra hoàn toàn vô hiệu về chiến lược ngăn chận phòng thủ cho nên bị họ tự dẹp bỏ.


Hàng rào điện tử McNamara

Còn chiến lũy Đào-Duy-Từ sau mấy trăm năm, thì trái lại. Ngày nay, nó không những là một chứng tích di sản lịch sử văn hóa quốc gia, mà còn lại là một phương tiện hữu hiệu được người dân địa phương tiếp tục lợi dụng, để khai thác trở thành những công trình thủy lợi chống lại nạn lũ quét, cát bồi, nước ngập, và ngăn mặn.

Trở lại hình ảnh non nước gấm hoa Quảng-Bình từ thuở xa xưa từng là nơi phát sinh ra nhiều giai thoại lịch sử về nhân văn xã hội con người, thì người ta thường được nghe dân gian truyền tụng mở đầu bằng câu nói "Hoành-Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" của Nguyễn-Bỉnh-Khiêm* (1491-1585) đã chỉ dạy, vẽ đường cho Nguyễn-Hoàng hãy vượt núi qua đèo vào tận miền Thuận-Hóa để mà dựng xây nghiệp cả. Và thực sự là hình ảnh của dãy núi Hoành-Sơn từ lâu cũng từng đã được đưa vào huyền thoại trong ca dao, văn học qua các tác phẩm của nhiều tác giả như Vua Thiệu-Trị, Cao-Bá-Quát, Nguyễn-Thiếp, Nguyễn-Trường-Tộ v.v. Đặc biệt là thắng cảnh Đèo Ngang, một kỳ quan thiên nhiên xinh đẹp từng gây nhiều cảm xúc tâm hồn cho biết bao là thành phần văn nhân, thi sĩ thuộc đủ mọi thành phần như Vua Lê-Thánh-Tông, Ngô-Thì-Nhậm, Nguyễn-Du, Nguyễn văn-Siêu v.v. Đèo Ngang dài 6km, có đỉnh cao khoảng 250m nằm trên dãy Hoành-Sơn chạy ngang bờ biển theo quốc lộ 1A. Phía Bắc của Đèo Ngang thuộc Hà-Tĩnh, phía Nam thuộc Quảng-Bình, cách thành phố Đồng-Hới 80km, và nằm cách con sông Gianh lịch sử là 27km.

Hầu hết trong tất cả các tác phẩm thi văn xúc cảm sinh tình về hình ảnh của Đèo Ngang từ xưa cho đến nay, thì chỉ có bài thơ "Qua Đèo Ngang" của tác giả là bà Huyện Thanh Quan là được người đời đánh giá phê bình xem như là đặc biệt nhất. Vì nó đã thể hiện ra tính chất của hồn thơ, chuyên chở trọn vẹn được những tâm tư trong nỗi lòng sâu lắng của thi nhân.

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Đèo Ngang thơ mộng đẹp như tranh

Ngày nay, hệ thống đường hầm bộ Đèo Ngang đã được hoàn thành vào năm 2004, rút ngắn rất nhiều gian cho sự giao thông cũng như bảo đảm an toàn hơn về mức độ nguy hiểm hơn xưa. Toàn tuyến đường hầm dài 2.156,41 m. Hầm có chiều rộng 11,5m, cao 7,5m với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m. Đường hầm nằm trên quốc lộ 1A, xuyên qua dãy Hoành-Sơn nối liền Quảng-Bình với Hà-Tỉnh.


Hầm đường bộ Đèo Ngang

Ngoài ra, ở tại cửa Nhật-Lệ ngày xưa (nơi từng có xảy ra những trận thủy chiến giao tranh đẫm máu giữa hai bên Trịnh-Nguyễn) cũng còn là nơi thích hợp từng được các vị tổng binh chọn làm căn cứ hải quân để luyện tập và thao diễn thủy binh. Địa điểm nầy, cũng nằm trên lộ trình quen thuộc mỗi khi đi kinh lý của các Vua quan triều đình về sau nầy. Tại đây, ngoài những dấu vết của các đồn lũy xưa thì vào năm 1923 có hai nhân viên của Trường Viễn-Đông Bác-Cổ là Max và Depiruy cũng đã có dịp phát hiện ra khu di chỉ Bàu-Tró. Và kết quả sau cuộc khai quật của nhà khảo cổ Etinen Patte được tiến hành ngay sau khi đó tại Cồn-Cò-Điệp, thì đã tìm thấy được có những di vật thời đại đồ đá gồm có như nào là 46 rìu đá, 140 mảnh tước, hai hòn ghè (đá) bằng thạch anh, 1 dụng cụ để tu chỉnh ép, 14 bàn nghiền hạt, 1 chì lưới, 1 đốt xương sống cá, 1 số thổ hoàng (đá son), vỏ sò, và những mảnh gốm vỡ v.v. Tất cả những hiện vật nầy, hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo-Tàng Lịch-Sử Việt-Nam.


Khu di chỉ Bàu-Tró

Sau ngày thống nhất nước nhà, thì lại cũng có thêm một cuộc khai quật lần thứ nhì xảy ra ở tại Bàu-Tró cách nhau 57 năm sau. Lần nầy, do Trường Đại-Học Tổng-Hợp Huế tổ chức thực hiện ở tại di chỉ Cồn-Đất, và kết quả tìm thấy được 1 vòng xay, 2 phiên tước, 3 mũi nhọn, 7 chày nghiền, 31 rìu, bôn đá, 47 bàn mài, nhiều cục thổ hoàng đã bị mài. Đặc biệt, là hiện vật của 11.972 mảnh vỡ đồ gốm như bình, vò, chén dĩa, tách, nồi, niêu v.v được trang trí bằng những nét hoa văn thời cổ đại.


Di tích lịch sử hiện vật Bàu-Tró


Bộ sưu tập hiện vật đồ đá ở Đồng-Hới

Chuyện lạ, là Bàu-Tró nằm sát cạnh bờ biển nhưng mạch nước thì lúc nào cũng trong xanh, mát ngọt, và được người dân địa phương Đồng-Hới lợi dụng trong mọi nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt hằng ngày, và ngay cả dùng vào nông nghiệp, vì toàn bộ khu vực đất đai nơi đây đều bị nhiễm mặn. Cảnh quan xung quanh hồ là những cây phi lao xanh tươi, chim chóc bay lượn chuyền cành làm cho lòng du khách cảm thấy dễ chịu hơn, nhất là vào những buổi trưa dưới cơn nắng nóng thật là gay gắt. Hiện nay, các nhà khảo cổ học gọi khu di chỉ Bàu-Tró là biểu tượng chung cho một thời kỳ văn hóa tiền sử phân bố từ miền duyên hải Nghệ-An cho đến Thừa-Thiên- Huế. Còn ngay cửa biển lịch sử Nhật-Lệ (cùng gần nơi có khu di chỉ Bàu-Tró) thì trước thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, thì nơi đây cũng chính là địa đầu giới tuyến giữa hai quốc gia Đại-Việt và Chiêm-Thành thường hay có xảy ra nhiều trận xung đột võ trang quân sự nhằm tranh giành ảnh hưởng chiếm lĩnh địa bàn.


Cửa biển Nhật-Lệ

Trở lại hình ảnh nước non xinh đẹp của dãy Hoành-Sơn và sông Gianh là những nơi từng có tính cách biểu tượng về văn hóa lịch sử của tỉnh Quảng-Bình, thì ngoài những bài thơ ngậm ngùi về dòng nước sông Gianh nơi biên cương thống khổ, thì cũng còn có những bài thơ tuyệt tác khác như trường hợp của Cao-Bá-Quát cảm hoài khi "Lên núi Hoành-Sơn":

Muôn dặm đường đi núi lẫn đồi, 
Bên non cỏ nội tiễn đưa người. 
Ai tài kéo nước nghìn năm lại? 
Trăm trận còn tên một lũy thôi. 
Ải bắc mây tan mưa dứt hạt, 
Thôn nam nắng hửng sớm quang trời. 
Xuống đèo mới biết lên đèo khổ,
Trần lụy, sao đành để cuốn lôi?

Trong lịch sử địa lý về bức tranh gấm hoa của nước nhà, thì vị trí của dãy núi Hoành-Sơn dài 50km, chạy dài từ dãy Trường-Sơn ra tận biển Đông đã tạo thành hình nên dược một bức tranh sơn thủy hợp duyên, nước non hòa quyện. Do vậy, cho nên cảnh quan nơi đây rất đẹp và ấn tượng, trữ tình từng cầm chân luyến lưu bao lòng du khách. Ngày xưa, dãy Hoành-Sơn cũng còn là cõi biên thùy giữa hai quốc gia Đại-Việt và Chămpa. Trên dãy Hoành-Sơn và đỉnh Đèo Ngang hiện vẫn còn có phế tích Lũy-Lâm-Ấp của Chămpa, và Hoành-Sơn-Quan được xây lên dưới triều nhà Nguyễn.


Hoành-Sơn-Quan trên đỉnh Đèo Ngang

Trên con đường thiên lý chạy dài từ Bắc chí Nam từ hồi trước, thì Hoành-Sơn-Quan trên đỉnh Đèo Ngang cũng chính là một điểm dừng chân ngắm cảnh thật là lý tưởng dành cho hầu hết mọi người, và muốn lên tới đó thì người ta phải bước lên nhiều bậc thềm bị phủ đầy cây cỏ. Không gian ở nơi đây là bầu trời xanh ngắt, có từng chòm mây bạc trôi lang thang theo ngọn gió Lào thổi dồn về phía biển Đông. Và khu vực bãi biển Hoành-Sơn tuy nhỏ hẹp nhưng bù lại cũng có được những yếu tố thiên nhiên thanh vắng, yên bình, rất thích hợp cho những thành phần du khách có tâm hồn giản dị, muốn tìm đến những nơi khung cảnh êm ả có hình ảnh của những người dân chất phác, đơn sơ.


Vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển Hoành-Sơn

Còn về phần bãi biển Nhật-Lệ thì nằm cạnh cửa sông Nhật-Lệ, và gần sát thành phố Đồng-Hới cũng hãy còn mang đậm những nét hoang sơ chưa được mở mang, đầu tư khai thác đúng mức. Tuy nhiên, hình ảnh xanh tươi của những hàng dương chạy dài theo bãi cát vàng cùng với âm thanh của nhịp sóng vỗ trùng dương ở nơi đây chắc chắn sẽ làm cho du khách sảng khoái tâm hồn, và sẽ quên đi cái nắng nóng nổi tiếng là gay gắt ở địa phương. Từ trung tâm thành phố Đồng-Hới đến bãi biển, người ta sẽ còn có dịp nhìn thấy được một thắng tích cổ của nhà thờ Tam-Tòa được xây cất lên vào năm 1886, và sau bao lần trải qua bị nạn chiến tranh tàn phá hoang tàn nhưng tháp chuông vẫn còn nguyên vẹn, thì đó quả là một sự nhiệm mầu! Riêng di tích thành Đồng-Hới được xây cất dưới thời Vua Gia-Long, thì có vị trí nằm ngay tại trung tâm thành phố.


Bãi biển Nhật-Lệ


Tháp chuông nhà thờ Tam-Tòa


Thành Đồng-Hới

Còn ở trên vùng đất phía Tây cuối cùng của thành phố Đồng-Hới, thì lại cũng có một thắng cảnh lạ kỳ nếu du khách muốn tham quan. Đó là Làng sinh thái chiến tranh. Đây là một ý tưởng độc đáo của một người chiến sĩ còn sống sót sau thời kỳ chiến tranh 1975 đã thực hiện công trình nhỏ bé nhưng có ý nghĩa tinh thần cao cả. Khu làng chiến tranh nầy nằm ở giữa rừng thông cạnh những đấu tích của nhiều hố bom hiện nay biến thành những ao nước. Kề bên gian nhà triển lãm, là ở xung quanh có các công trình phục chế lại những giao thông hào, lớp học, và những mảnh vỏ bom được ghép lại tạo thành thắng cảnh ngồ ngộ. Trên đỉnh đồi có một mái nhà đơn sơ giản dị, bên trong có một bàn thờ vong linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng đội của ông đã từng hi sinh nằm xuống để bảo vệ cho tổ quốc thiêng liêng. Điều làm cho du khách cảm động nhất chính là tấm bia có khắc tên từng chiến sĩ đã yên nghỉ ngàn thu trên vùng đất Quảng-Bình bên cạnh một tập tài liệu dày cộm có ghi chép rõ ràng về tên mộ chí liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ . Đây chính là ước nguyện cao cả, để lưu lại vết tích về sau cho những ai bị thất lạc chiến sĩ thân nhân có thể vô tình may mắn tìm lại được tin tức người thân của gia đình.


Làng chiến tranh được tạo dáng bằng những mảnh vỏ bom

Và cũng cách thành phố Đồng-Hới khoảng chừng trên dưới 25km theo đường quốc lộ A1 đì về pía Bắc, thì lại có bãi tắm Đá Nhảy thiên nhiên nằm dưới chân đèo Lý-Hòa, huyện Bố-Trạch. Đây là một thắng cảnh biển mà du khách không nên bỏ lỡ dịp, để đến nơi lưu lại những bức chân dung với phần hậu cảnh thật tuyệt vời qua dáng vóc của những hòn đá có hình thù quái dị gần giống như nào là cóc ngồi, trâu nằm, hổ quỳ, voi phọc luôn đổi thay màu sắc trong ngày, và hang động. Nước biển tại đây xanh lơ trong suốt, mỗi khi sóng đánh vào thì nước tràn tung tóe trên các mỏm đá cho nên người địa phương gọi nơi nầy là bãi Đá Nhảy.


Hình thể giống như cửa vào hang động


Đá Nhảy ở biển Bố-Trạch

Và cũng thông thường, mỗi khi người ta nói đến một bờ biển nào thì họ thường không quên nhắc tới hình ảnh của bãi cát chạy dài theo ở trên bờ. Và người dân Quảng-Bình cũng thường hay giới thiệu về thắng cảnh cát trên quê hương của họ, nhưng nó là cồn cát chứ không phải là bãi cát. Cồn cát Quang-Phú thì có vị trí nằm cách sân bay Đồng-Hới chừng vài trăm mét, và nó đã góp phần tạo nên những thắng duyên thơ mộng cho địa phương nhờ có vẻ đẹp hoang sơ, luôn thay hình đổi dạng theo từng những cơn gió mạnh thổi ngang qua.


Cồn cát ở Quang-Phú

Hiện nay như mọi người đều biết, là cả ba miền Nam-Trung-Bắc đều có nguồn suối nước nóng ở tại những vùng đất có cảnh quan thiên nhiên, hoang dã. Riêng tại huyện Lệ-Thủy, tỉnh Quảng-Bình thì cũng có suối nước khoáng nóng Bang có tới khoảng 200 lổ phun lớn liên tục đêm ngày sôi sùng sục tỏa hơi nước lên mịt mù. Và đặc biệt, là nhiệt độ trên đầu nguồn của nó lên tới 102°C. Đây là một suối nước nóng có nhiệt độ cao nhất tại Việt-Nam, và khu vực nầy hiện nay đang từng bước được khai thác trở thành một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Do vậy, nhờ vào với nguồn tài nguyên quý giá nầy, công ty đầu tư trong khu vực đã thực hiện được việc sản xuất chai nước suối khoáng Bang trên thị trường tiêu thụ. Cũng như, tổ chức khai thác được những dịch vụ vật lý trị liệu, tắm bùn, tắm suối khoáng nóng lộ thiên, du ngoạn, luộc trứng v.v.


Suối nước khoáng nóng Bang

Trong lịch sử chiến tranh cận đại của nước nhà, thì tỉnh Quảng-Bình chính là vùng địa đầu giới tuyến quân sự ở phía Nam của miền Bắc. Vì thế cho nên các di tích về chiến tranh ở nơi đây hãy còn lưu lại rất nhiều, và đặc biệt nhất chính là di tích của con đường Trường-Sơn chạy dài từ Bắc vô Nam vượt qua vùng địa lý ở địa phương. Đây là một con đường chiến lược cực kỳ quan trong trong thời chiến, nhưng nay thì nó đã lần được khai thác phát triển hình thành địa điểm của những khu công nghiệp, khu đô thị, tạo điều kiện mở mang đời sống cho thành phần dân tộc ít người. Và nó cũng là hình ảnh kỷ niệm của chiến trường xưa, có đầy huyền thoại từng đã thu hút được con số rất nhiều du khách tìm đến tham quan. Do vậy, ngày nay người ta không còn ngạc nhiên mỗi khi đi theo các tour du lịch hành trình xuyên Việt khởi hành từ Nam ra Bắc. Vì khi đã đến Huế rồi thì hướng dẫn viên thường có nêu ý kiến trước, là đưa ra hai lộ trình chọn lựa để phục vụ làm vừa lòng du khách. Một là chọn con đường đi qua Đèo Ngang. Hai là đi theo đường Trường-Sơn .


Đường Trường-Sơn thời chiến

Ngoài ra, người ta cũng còn được biết rằng từ lâu người dân Quảng-Bình hằng tự hào về hình ảnh núi non sông nước tốt tươi xinh đẹp của họ bao nhiêu, thì họ cũng lại càng tự hào về hình ảnh của anh hùng hào kiệt trên quê hương của họ bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong số quá nhiều nhân vật phi thường mà tác giả thành tâm tạ tội vì không thể đề cập đến trong một bài viết ngắn, thì còn lại có những nhân vật điển hình, tiêu biểu cho hình ảnh của người hiền tài đức ngày xưa thường dược nhiều người thường hay nhắc tới. Đó là những Đào-Duy-Từ, Nguyễn-Hữu-Cảnh (1650-1700), người có công to mở mang vùng đất phương Nam. Hoàng-Kế-Viêm (1820-1909), Vũ-Xuân-Cẩn (1772-1852). Rồi nào là có những áng thơ bất hủ của người Quảng-Bình còn lưu lại như "Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên là vàng khô" của Lưu-Trọng-Lư. Hay như "Trở lại trời tu luyện với muôn đêm. Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả" của con người tài hoa bạc số Hàn-Mạc-Tử v.v. Và đánh giá khác nhau như về trường hợp cận đại của các nhân vật cũng quê gốc Quảng-Bình nhưng sống ở miền Nam sau năm 1954, và từng được các báo chí quốc tế một thời nói đến rất nhiều dưới những tựa đề như nào là "TT Ngô-Đình-Diệm, người làm thất vọng Hoa-Kỳ", "TT Thích-Trí-Quang, người làm rung động nước Mỹ", "TT Đỗ-Mậu, con báo đen của chính quyền Sài-Gòn".


Lăng mộ Nguyễn-Hữu-Cảnh ở Quảng-Bình 

Cảnh quan Vũng Chùa, Đảo Yến

Trở lại quê hương vùng đất Quảng-Bình, nơi từng được mệnh danh là Vương quốc hang động của Việt-Nam, thì trước hết, tác giả muốn nhìn lại sơ qua cùng bạn đọc một vài các hang động lừng danh trên thế giới. Đó là trường hợp của hang động Waitomo Glowworm (New Zealand), Reed Flute (Trung-Quốc), Fingal (Scotland), Blue Grotto (Ý), Phraya Nakhon, Morakot (Thái-Lan),Kyaut Sae (Myanmar), Orda (Nga), Ellison (Hoa-Kỳ), Deer, Batu (Malaysia), Algarve (Bồ-Đào-Nha), Eisriesenwelt (Áo) v.v. Tuy nhiên, theo sự tìm hiểu của tác giả thì ngoài hai hang động cực kỳ nguy nga, huyền ảo là Padirac và Demoiselles tại Pháp, thì ở miền Hautes-Pyrénées (Pháp) cũng có một hang động tương đối lớn là Bétharram được cả thế giới biết đến nhiều hơn hết. Vì đây là một hang động có ưu thế thuận tiện nhất nhờ nằm cách không xa thánh đường Lourdes, một địa điểm hành hương quốc tế nổi tiếng từ lâu do nhờ có tin Đức Mẹ hiện ra vào năm 1858.


Du khách di chuyển trong hang động Bétharram

Và tại Việt-Nam, thì miền nào cũng có ít nhiều hang động nhưng không đạt được tầm cỡ to rộng như là Vườn quốc gia Phong-Nha &Kẻ-Bàng ở Quảng-Bình. Đây là một quần thể kỳ quan gồm có khoảng 300 hang động, dài đến hơn 80km, nằm cách thành phố Đồng-Hới chừng 50km. Và cho đến giờ phút nầy, thì các đoàn thám hiểm quốc tế cũng chỉ có mới khám phá ra được khoảng ¼ đoạn đường mạo hiểm phiêu lưu đầy trắc trở gồm có 17 hang động ở khu vực Phong-Nha, và 3 hang động ở khu vực Kẻ-Bàng. Trong đó có 4 hang động chính là động Phong-Nha, động Tiên-Sơn, động Thiên-Đường và đặc biệt là hang động Sơn-Đoòng.

Trong quá trình khám phá ra động Phong-Nha, thì đầu tiên là do quyển sách được viết ra từ năm 1550 do danh nhân Dương-Văn-An biên soạn. Từ đó về sau cho tới cuối thế kỷ 19, thì mới có những người Pháp, người Anh lần lượt thám hiểm tiếp theo tìm thấy có những dầu tích chữ viết của người Chăm cùng với những sông ngầm, bãi cát, thạch nhũ tuyệt đẹp trong hang động cho nên họ ca tụng gọi Phong-Nha thời kỳ đó là " Đông-Dương đệ nhất động". Trước năm 1975, hầu hết đồng bào ở miền Nam thường có được nghe biết là miền Bắc có vịnh Hạ-Long là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, và chỉ có con số rất ít người là từng được nghe biết tới kỳ quan động Phong-Nha. Hơn thế nữa, ngay cả ở miền Bắc trong suốt thời kỳ chiến tranh tàn phá quê hương, thì người dân nếu cho dù có nghe biết tới hình ảnh của động Phong-Nha nhưng cũng đâu có thời gian thư thả để mà có dịp tham quan dễ dàng như sau ngày đất nước hòa bình.

Và trước khi các nhà thám hiểm quốc tế khám phá ra thêm được những hang động khác ở khu vực Vườn quốc gia Phong-Nha&Kẻ-Bàng, thì hình ảnh của động Phong-Nha đã được đưa vào khai thác du lịch trước tiên và được mệnh danh là "Thiên Nam đệ nhất động" của nước nhà.


Kỳ quan Động Phong-Nha

Vườn quốc gia Phong-Nha&Kẻ-Bàng ở Quảng-Bình nằm trong một địa hình đặc biệt được cấu thành do những núi đá vôi khổng lồ và núi đất ăn thông qua tận biên giới của nước bạn Lào. Và đường vào tham quan động Phong-Nha là thủy lộ sông Son (một chi lưu của sông Gianh) nước trong xanh (vào mùa khô và có sắc đỏ vào mùa mưa) chảy luồn ra từ hang động. Cửa dộng Phong-Nha có hình thang, chiều cao khoảng 10m, rộng khoảng hơn 20m, bên trong tối tăm vì không có ánh sáng nhưng được thay thế vào bằng kỹ thuật lung linh của các đèn màu, làm cho du khách khi thoạt nhìn thấy ngay thì cứ tưởng chừng cảnh trí nơi đây chính là động thiên thai ở cảnh tiên.


Cửa vào hang động Phong-Nha

Sau khi thuyền đưa du khách vào trong động, thì họ sẽ được dịp ngắm nhìn và tìm hiểu nhiều hơn về các hiện tượng địa chất của khối núi đá vôi trong quá trình hình thành nên động Phong-Nha mà theo các nhà khoa học thì nó đã diễn tiến ra từ hơn 250 triệu năm qua. Và người ta có thể nói, kỳ quan Phong-Nha là một hang động có giá trị tiêu biểu về mặt thẩm mỹ thiên nhiên hết sức thật là độc đáo nhờ có những khối đá và các thạch nhũ tuyệt đẹp đã tạo hình tự nhiên hơi giống như hình thể của các con sư tử, kỳ lân, hay như các pho tượng Phật v.v. Hơn thế nữa, động Phong-Nha trước đây khi được thế giới bên ngoài biết đến nhiều hơn cũng là do nhờ đạt được các tiêu chí, như có hệ thống thạch nhũ hoành tráng, có vòm hang cao, có sông ngầm, có bãi đá ngầm, có hồ nước ngầm, sâu và dài, có bãi cát rộng, và có hang khô.


Phong-Nha huyền ảo

Còn động Tiên-Sơn (động khô) thì được phát hiện ra kể từ năm 1935, và có vị trí nằm cách cửa động Phong-Nha chừng 1km. Khác với lộ trình đi vào hang động Phong-Nha bằng thuyền, đường đi lên vào động Tiên-Sơn người ta phải xuyên qua một đoạn đường khúc khuỷu trên lưng chừng núi cao khoảng 200m so với mực nước biển. Và tuy hai động nói trên có vị trí nằm gần nhau, nhưng hệ thống hang động ở bên trong không có lối nối với nhau.


Động Tiên-Sơn

Động Tiên-Sơn có chiều dài đo được khoảng chừng 980m, và muốn vào tới lòng hang động thì du khách phải bước qua khoảng gần 330 bậc thềm để có dịp ngắm nhìn cả một lâu đài thạch nhũ tua tủa ra từa tựa như hình ảnh của những rạn san hô kỳ ảo dưới đại dương. Cảnh quan trên đường leo dốc ở nơi đây nhìn xuống bức họa đồng quê thực tế thì thấy có làng mạc, núi sông, cánh đồng xanh tươi chắc chắn sẽ có dịp làm cho tâm hồn du khách cảm thấy ngây ngất, hòa mình vào không gian sâu lắng, yên bình.


Thạch nhũ tua tủa trên vòm động Tiên-Sơn

Cách nay đúng 10năm (2005), lại một hang động khô khác được các nhà thám hiểm người Anh phát hiện. Đó là hang động Thiên-Đường, từng được mệnh danh là "hoàng cung dưới lòng đất". Và theo sự nghiên cứu đánh giá của họ thì động Thiên-Đường to lớn hơn, và đẹp hơn hẳn động Phong-Nha. Tiếp theo sự khảo sát thám hiểm vào năm 2010, thì người ta được biết chính xác rõ ràng hơn về hình ảnh của kỳ quan Thiên-Đường là một hang động dài nhất ở châu Á, với tổng chiều dài đo được là 31,4km, nơi rộng nhất gần 150m, và nơi cao nhất ước tính khoảng gần 80m.


Động Thiên-Đường (31,4km) dài nhất ở Á-Châu

Mặc dù hiện nay phương án khai thác du lịch trong động đã được thực hiện từng bước, nhưng các địa điểm mà du khách từng được đặt chân tới để tham quan thì cũng đã thấy rõ là vẻ đẹp lung linh của nó thật rất huy hoàng, tráng lệ. Ngoài những cột thạch nhũ tạo hình huyền ảo, thì lại còn có những quần thể thạch nhũ khác tạo hình y như hình thể của mái nhà rông ở trong một cung đình đầy ma mị, hoang đường vô cùng kỳ thú.


Thạch nhũ tạo thành mái nhà rông trong động Thiên-Đường

Tuy trong động Thiên-Đường không có dòng chảy, nhưng khí hậu trong hang lúc nào cũng mát lạnh làm cho du khách không cảm thấy có sự mệt mỏi nào khi muốn kéo dài thời gian để chiêm ngưỡng thêm vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.


Hành lang cột thạch nhũ động Thiên-Đường

Sau cùng, là hình ảnh của hang động Sơn-Đoòng (tọa độ 17°27'25.88"Bắc, 106°17'15.36"Đông, Bố-Trạch, Quảng-Bình), một kỳ quan thiên nhiên trên thế giới được khám phá ra từ gần 25 năm qua, nhưng vì lộ trình tham quan rất khó khăn cho nên phải chờ đợi tới năm 2013 mới chính thức được quảng bá đưa vào khai thác du lịch. Hang động nầy là một phần của hệ thống ngầm ăn thông qua với khoảng 150 hang động khác ở khu Vườn quốc gia Phong-Nha&Kẻ-Bàng.


Mạch nước bên trong hang động Sơn-Đoòng

Trong cuộc hành trình khám phá kéo dài kỳ thú nầy, thì đầu tiên là do sự tình cờ của một người địa phương tên Hồ-Khanh tìm thấy vào năm 1991. Mười lăm năm sau (2006), một đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh nhờ đến sự hướng dẫn của Hồ-Khanh, và phải vất vả lắm ông mới đưa đoàn tới được tận nơi vì hang động nằm trong rừng sâu, nơi có địa hình vô cùng hiểm trở không thể tìm thấy trên Google Earth. Rồi ba năm sau (ngày 22-4-2009), sau khi hoàn thành xong được tập hồ sơ tài liệu về công trình nghiên cứu như chụp ảnh, quay phim, đo đạc và thu thập dữ kiện khoa học, thì ông Howard Limbert thuộc đoàn thám hiểm nói trên mới chính thức công bố tất cả những chi tiết về công cuộc phát hiện quy mô về hình ảnh của hang động Sơn-Đoòng. Và ông đánh giá hang động Sơn-Đoòng được coi như là một viên kim cương trong các kỳ quan thắng cảnh thiên nhiên của đất nước Việt-Nam ẩn mình hàng bao triệu năm qua vừa mới được khám phá ra, là một kỳ tích hang động đẹp tuyệt trần và lớn nhất trên thế giới.


Hồ-Khanh người đầu tiên tìm ra hang động Sơn-Đoòng


Sơn-Đoòng, một thắng cảnh du lịch mạo hiểm thuộc đẳng cấp thế giới

Cho tới ngày hôm nay, lối vào hang động Sơn-Đoòng cũng không phải dễ. Trong cuộc hành trình chính thức lần đầu tiên được tổ chức khởi động vào tháng 8-2013, các du khách quốc tế thám hiểm đã phải hết sức vất vả mệt nhọc để đi bộ xuyên qua rừng dốc kéo dài tới một ngày rưỡi (36 giờ). Và khi tới miệng hang, thì lại phải còn có thừa can đảm để sử dụng đến khả năng cơ bắp khỏe mạnh của mình, để đu dây từ trên bức vách bị bào mòn trơn trợt xuống tới đáy cửa động ước khoảng chiều cao là 80m. Cảm tưởng chung của hầu hết du khách trong giây phút đầu tiên khi vừa chạm được bước chân vào trong động, thì đều vô cùng ấn tượng về một cảnh quan thiên nhiên hoang dã mà họ là những du khách đầu tiên tìm đến tham quan, thưởng thức. Và ngắm nhìn được một công trình tuyệt kỹ của tạo hóa, từ lâu ẩn mình cách xa với hình ảnh sinh hoạt đời sống của con người trong những hàng triệu năm qua (từ 2-5 triệu năm theo sự đánh giá của các nhà nghiên cứu về khảo cổ học).


Đu dây xuống động Sơn-Đoòng

Hang động Sơn-Đoòng có chỗ vòm hang cao gần 243,84m, chiều rộng gần 150m, và chiều dài trên khoảng 5km. Theo sự ước lượng của các nhà thám hiểm quốc tế chuyên nghiệp, thì với kích thước không gian khổng lồ đó thì người ta có thể đem vào trong động hang một tòa nhà chọc trời cao đến 40 tầng, hoặc bứng hẳn khu tượng nữ thần Tư-Do ở New-York đem đặt vào trong ấy vẫn lọt tõm. Trong hang động có hai chỗ trần bị sụp, để lộ ra khe hở từ trên cao được ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào, và nhờ vậy mà sự sống của cây cối trong động được tăng trưởng cao to lên tạo thành khu rừng nguyên sinh trông thật là kỳ ảo. Các nhà thám hiểm gọi tên khu rừng nhiệt đới đó là vườn Edam. Hiện nay, các nhà sinh vật học họ cũng đã khám phá phát hiện ra ở nơi đó có khoảng trên 200 loài động thực vật trong một bảng thống kê còn được bổ sung cập nhật hóa. Và cũng giống như hình ảnh trong những hang động nổi danh trên thế giới, hang động Sơn-Đoòng có rất nhiều cột thạch nhũ cao nghễu gần cả 80m tạo thành một hành lang nguy nga tráng lệ, kỳ vĩ vô cùng. Và các quần thể thạch nhũ khác tích tụ quyện lấy cùng nhau tạo thành những hình tượng thiên hình vạn trạng vô cùng ấn tượng như bàn tay chó, khủng long, dây thun, nấm v.v. Cũng như, hình ảnh của các hóa thạch động vật có xương sống, các quần thể san hô được các nhà sinh vật học ước tính có tuổi từ hằng triệu năm qua. Ngoài ra, trong hang động còn có cả triệu viên thạch nhũ tròn như quả trứng, có viên đặc biệt lớn nặng cả 1-2 kg, và tất cả đều nằm gọn trên những cái ngăn thiên nhiên kỳ ảo do đá vôi vô tình kết tạo ra trông thật là thú vị vô cùng.


Thạch nhũ tròn

Bên cạnh thế giới sinh học và vật hóa thạch độc đáo đó, thì hang động lại còn có cả hình ảnh của một con sông ngầm dài 2,5km chảy liên tục ngày đêm tạo thành những thác nước đổ ầm ầm vang lên trong động. Các vũng nước nhỏ trong động thì có xuất hiện sự sống của những loại cá nhỏ, còn trên vách động thì có những loài bò sát màu sắc thiên nhiên, cùng với các hệ động thực vật khác rất phong phú và quý hiếm. Và mặc dù Sơn-Đoòng tuy đã được khám phá nhưng hang động huyền ảo lung linh hãy còn ẩn chứa nhiều bí mật, mà cho đến ngày hôm nay các nhà khoa học chưa thể giải mã được hoàn toàn những điều du khách cần muốn biết nhiều hơn nữa về mọi sự vận hành và tương tác cấu tạo nên kỳ quan đặc biệt nầy.


Kỳ quan hang động Sơn-Đoòng

Hiện nay, nếu tính về thể tích của từng hang động lớn nhất trên thế giới thì hang động Sơn-Đoòng (Phong-Nha&Kẻ-Bàng, Quảng-Bình, VN) đứng đầu có được 38,5 triệu m3. Hang động Miao Room (Ziyun Getu He Chuandong, Trung-Quốc) có được 10.780 triệu m3. Hang động Deer (Gunung Mulu, Sarawak, Malaysia) thì có thể tích nhỏ hơn 10/100 nếu đem so với hang động Miao Room.

Từ lâu, người ta được biết rằng trên thế giới ngày nay từng đã có biết bao nhiêu là hang động thật là kỳ bí, nguy nga toát ra nhiều nét đẹp lộng lẫy, với sức hấp dẫn mê hổn làm cho bất cứ mỗi ai khi có dịp nhìn thấy thì cứ tưởng rằng đang sa lạc vào một cõi mơ mộng, thần tiên. Và Việt-Nam ta cũng là một trong những quốc gia may mắn có được một hang động kỳ diệu đặc biệt do thiên nhiên vô tình ban tặng. Đó là kỳ quan hang động Sơn-Đoòng ở tỉnh Quảng-Bình.Và Quảng-Bình là một trong những xứ Quảng ở miền Trung nhưng tính luôn cả miền Bắc, thì về địa lý hành chánh của nước ta hiện có tất cả là năm xứ Quảng, nhưng đặc biệt là địa phương nào thì cũng đều có những biểu tượng về văn hóa con người lẫn cả hình ảnh của thiên nhiên vạn vật khác nhau. Chẳng hạn như Quảng-Ninh có vịnh Hạ-Long, Quảng-Trị có Thành cổ, sông Thạch-Hãn, cầu Hiền-Lương, Quảng-Nam có tháp Mỹ-Sơn, phố cổ Hội-An, Quảng-Ngãi có văn hóa Sa-Huỳnh, nhà máy lọc dầu Dung-Quất Còn nước non ngàn năm văn vật Quảng-Bình với phong cảnh hữu tình bao la, hùng vĩ đẹp như tranh, thì đã sở hữu dược một kho tàng kỳ quan thiên nhiên vô giá. Đó là quần thể hang động Phong-Nha&Kẻ-Bàng. Và đặc biệt hơn, là có kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng hang động Sơn-Đoòng ẩn mình từ hằng bao triệu năm, vừa mới được dấu chân của con người đầu tiên khám phá ra sau cùng vào năm 1991.


Sơn Đoòng là một hang động tự nhiên lớn nhất trên thế giới thuộc quần thể Phong-Nha&Kẻ-Bàng

Và cho tới thời điểm bây giờ, tại Việt-Nam chưa từng có tour du lịch thuộc loại đẳng cấp nào được tổ chức có tầm cỡ như ở tại Quảng-Bình mà du khách phải là người có những phương tiện vật chất, và nhất là điều kiện sức khỏe, để trả giá cho một cuộc hành trình tham quan đắt giá tới 3.000 USD trong 6 ngày phiêu lưu mạo hiểm trong hang động Sơn-Đoòng. Hơn thế nữa, khách phải ghi danh trước cả một năm. Ngoài ra, kể từ tháng tư năm 2014 thì chính quyền địa phương Quảng-Bình cũng đã chính thức tiên phuông vào cuộc, và phối hợp cùng với công ty trực thăng VN để thử điều nghiên về một kế hoạch tổ chức bay du lịch bằng trực thăng đưa du khách đến tham quan các địa điểm di sản thiên nhiên thế giới nằm trong địa bàn du lịch tỉnh nhà. Do vậy, trong tương lai đây sẽ là một bước tiến rất lớn đối với ngành du lịch nước nhà nhằm đáp ứng lại những nhu cầu bức thiết phục vụ du khách đến tham quan ở những nơi hang động có núi đồi hiểm trở, vô cùng khó khăn nếu đi bằng bước chân của con người. Nơi mà các tạp chí nổi tiếng trên thế giới như National Geographic, New York Times, Daily Mail, Huffingtonpost v.v cũng đã từng không tiếc lời ca tụng và quảng bá về kỳ quan đặc biệt Sơn-Đoòng, một địa điểm du lịch mạo hiểm sáng giá đầy bí ẩn có sự cảm hứng quan trọng về lãnh vực khoa học khảo sát địa cầu. Và Sơn-Đoòng cũng đã từng được đoàn làm chương trình "Good Morning America" của kênh ABC đưa lên truyền hình trực tiếp về Hoa-Kỳ để cho hàng triệu khán giả theo dõi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn khác lạ có một không hai ở hành tinh.


Hàng triệu khán giả theo dõi chương trình "Good Morning America"

Hơn thế nữa, trong năm nay "Bored Panda" cũng từng là một trang mạng có nhiều uy tín hàng đầu trên thế giới, đặc biệt sưu tầm quảng bá về các hình ảnh vạn vật, thiên nhiên ấn tuợng từng được trên ba triệu lượt người vào xem hằng tháng. Và "Bored Panda" cũng đã có chính thức bình chọn kỳ quan Sơn-Đoòng của Việt-Nam vào một trong mười hang động nổi tiếng nhất ở hành tinh, là có những vẻ đẹp huyền bí như miền cổ tích quyến rũ sự tìm tòi khám phá của con người.
 

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG

(Paris1-9-2015)


 * - Nhà hiền triết Trạng-Nguyên Nguyễn-Bỉnh-Khiêm, hiệu là Bạch-Vân cư-sĩ. Ông là một danh nhân văn hóa và lịch sử lỗi lạc nhất của đất nước Việt-Nam vào hồi thế kỷ 16. Ngoài cá tính đạo đức, tài trí thông minh văn thơ uyên bác, ông còn là một nhà tiên tri về thời cuộc xã hội chính trị, và đã từng để lại cho đời qua quyển sách "Sấm Trạng-Trình". Và ông đã được nhiều người ngưỡng mộ, từng ví ông như là một nhà tiên tri Nostradamus của nước Pháp vào thế kỷ thứ XV lừng danh với quyển sách "Những lời tiên tri" (Les Propheties).Trong tôn giáo, từ lâu ông đã được đạo Cao-Đài sùng bái phong thánh và suy tôn là Thanh-Sơn đạo-sĩ (Thanh-Sơn chơn-nhơn).


Vĩ đại hang động Sơn-Đoòng Quảng-Bình

***********

Kim Kỳ sưu tầm

Ảnh bìa facebook Kong Skull Island

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %06 %863 %2017 %15:%09
back to top