Người xưa dùng yếm như thế nào?

Người xưa dùng yếm như thế nào?

Trái với hiểu biết của nhiều người, đã từng có thời kỳ, những người phụ nữ quê mùa đôi lúc chỉ mặc yếm khi đi đường hay xuống ruộng, nhưng tất nhiên, yếm không bao giờ được dùng làm lễ phục cả. Vậy người xưa đã dùng yếm như thế nào?

Tranh vẽ trang phục đầy đủ của phụ nữ miền Bắc thời xưa.

Chiếc yếm được sử dụng để lót trong.

Người phụ nữ Việt Nam xưa dù ở tầng lớp nào cũng đều mặc yếm, từ người phụ nữ thôn quê cho đến các công chúa trong chốn cung đình. Chiếc yếm đã trở thành một phần không thể thiếu trong trang phục của phụ nữ xưa: cái yếm, cái áo tứ thân, cái dây lưng, cái khăn mỏ quạ, cái quần đen, cái nón…

Chiếc yếm mặc trong

Chiếc yếm mặc đơn

Học giả Phan Kế Bính đã mô tả y phục phụ nữ miền Bắc những năm đầu thế kỷ 20 như sau:

“Đàn bà vấn khăn thâm, hoặc lượt hoặc nhiễu, hay vải nâu. Giời rét thì bịt thêm cái khăn vuông bằng vải nâu hoặc bằng xuyên thâm. Yếm cổ xây hay viền, dùng màu trắng nhiều hơn cả. Áo cũng dùng màu thâm, hoặc màu nâu, duy người ăn chơi hoặc con hát mới mặc các màu xanh đỏ. Quần phần nhiều mặc vải sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc nhiễu đỏ.”

 

Còn trong “Đất lề quê thói”, Vũ Văn Khiếu lại miêu tả:

“Yếm mặc để che kín ngực là mảnh vải vuông, một góc may cổ xẻ, cổ thìa, hay cổ xây, có dải bọc treo lên cổ, hai góc đối nhau vắt sang hai bên sườn may dải rộng quấn vòng sau lưng ra đàng trước bụng, thường quấn chặt không để cho vú ngóc lên phô trương đường cong nét gợi, không để cho rung rinh, dún dẩy, vươn ra quá cỡ.”

Cái yếm như trang phục lót che kín ngực, mà nhiều khi được dùng suồng sã trong sinh hoạt. Trong Quê Rích Quê Rang – Trần Ỷ (Tuyển tập Quảng Ngãi Mến Yêu) có viết: “ra đường đi đâu gần gần mà chỉ bận yếm thì cũng chẳng ai rầy”. Còn trong Đất Lề Quê Thói của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu thì mô tả: “mùa nóng nực những người làm việc khó nhọc chỉ mặc yếm che ngực, đủ kín đáo, không mặc áo”.

Tất nhiên, yếm sẽ không được dùng như một bộ lễ phục hay dùng để tiếp đón khách quý. Lễ phục cung đình thời xưa cũng rất trang trọng và nghiêm túc, từ những người tiếp đón cho tới những người phục vụ nhã nhạc. Yếm, lẽ dĩ nhiên, chỉ được dùng làm đồ lót trong.

 

  • ▬▬▬▬▬  ▬▬▬▬▬

 

ÁO YẾM NGÀY NAY

 

Phất phơ hai dải yếm đào

         Bài viết  của GS Đào Đức Nhuận

Hình Internet

 

Trước khi dùng xú-chiêng như người phụ nữ Tây Phương, người phụ nữ Việt Nam đã biết dùng cái yếm để che kín bộ nhũ hoa. Nói như thế không có nghĩa là cái yếm chỉ có công dụng như cái xú-chiêng của người Tây Phương mà thực sự công dụng của nó còn rộng rãi hơn nhiều

Trong lúc cái xú-chiêng chỉ dùng để che kín và nâng đỡ bộ nhũ hoa thì cái yếm của người phụ nữ Việt Nam đôi khi còn có thể dùng thay thế cho cái áo cụt “ra đường đi đâu gần gần mà chỉ bận yếm thì cũng chẳng ai rầy” (1) hoặc, hơn thế nữa, “mùa nóng nực những người làm việc khó nhọc chỉ mặc yếm che ngực, đủ kín đáo, không mặc áo”. (2)Về hình thức, cái yếm của người phụ nữ Việt Nam trông thật đơn giản. Có lẽ, tùy theo sở thích cá nhân hay truyền thống địa phương mà hình thức của cái yếm có thể khác nhau đôi chút.

Theo Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ trong Tự Điển Việt Nam (q.I, trang 669) chiếc yếm được định nghĩa như sau: “Yếm: Miếng vải hình tam giác dùng che ngực :

Cô kia mặc yếm hoa tằm, Chồng cô đi lính cô nằm với ai. ”.

Theo Trần Ỷ trong bài “Quê Rích Quê Rang”, chiếc yếm được mô tả “là một tấm vải đen hay màu hồng, gần như hình tam giác, có dải cột choàng ra sau cổ và sau eo”

Theo Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê Thói, “Yếm mặc để che kín ngực là mảnh vải vuông, một góc may cổ xẻ, cổ thìa, hay cổ xây, có dải bọc treo lên cổ, hai góc đối nhau vắt sang hai bên sườn may dải rộng quấn vòng sau lưng ra đàng trước bụng, thường quấn chặt không để cho vú ngóc lên phô trương đường cong nét gợi, không để cho rung rinh, dún dẩy, vươn ra quá cỡ.”

Theo Anh Thy trong bài Nghìn Năm Dải Yếm Bắc Cầu, “Cái yếm đó có cấu tạo khá đơn giản. Một mảnh vải hình thoi khoét tròn một đầu, được gắn dải lụa để buộc lại sau cổ và lưng”.

Hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ là người Nam, ông Trần Ỷ người miền Trung, ông Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu và ông Anh Thy là người Bắc. Như vậy, có lẽ cái yếm của người miền Trung và người miền Nam có hình dáng gần giống như hình tam giác khoét cổ ở đỉnh. ; trong lúc đó cái yếm cuả người phụ nữ miền Bắc lại có hình dáng gần giống như hình vuông hay hình thoi và cổ yếm được khoét ở một góc.


Như ông Trần Ỷ đã nói trong bài vừa dẫn, “Yếm vừa che ngực vừa là món trang sức của các cô đang độ xuân thì, nhờ màu sắc, nhất là cái cổ yếm là một công trình tuyệt xảo của các cô gái khéo tay : đường viền chạy chân rết, luồn được vào trong là cả một công phu.”

Hình Internet

Nhác trông cái yếm cũng xinh
Khen ai khéo dệt ra hình hoa mai
Khen người khâu yếm cũng tài
Cổ thêu con nhạn có hai đường viền
Cổ thì em ngả màu hiên
Thắt lưng mùi huyền, dải yếm cũng xinh
Khen ai khâu yếm cho mình
Đường lên đường xuống ra hình lưng ong
Yếm này em ngả màu hồng
Yếm này nhuộm mất mấy công hỡi nàng?
Khi xưa lụa hãy còn vàng
Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi!

Tùy theo môi trường sử dụng yếm. Yếm mặc ở nhà hay khi đi lao động được may bằng vải ta
 hay vải trúc bâu. Vào những ngày hội hè đình đám người ta thường mặc yếm màu, con nhà khá giả mặc yếm vóc, yếm nhiễu là những loại vải quý đắt tiền:

Hỡi cô yếm thắm lòa lòa
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu?
Hay là lụa bạch bên Tàu?
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài. . .

Về màu sắc, còn tùy theo sở thích cá nhân hay còn tùy theo môi trường sinh hoạt. Thông htường người ta thường mặc yếm trắng hay yếm nâu trong nhũng lúc ở nhà hay làm việc ngoài đồng áng. Những người đứng tuổi vẫn dùng hai màu này là chính dù ở trong bất kỳ môi trường sinh hoạt nào. Khi tham dự các cuộc hội hè đình đám, phần lớn phụ nữ trẻ tuổi thích mặc yếm màu.

Cô kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh 

Tuy hình thức của cái yếm trông có vẻ đơn giản, nhưng vì công dụng của nó mà nó hóa ra quyến rũ khác thường. Mê cái yếm chính là mê con người mặc yếm. Hơn thế nữa, có những cách mặc yếm nó làm cho người nhìn cũng phải ngất ngây vì sự kín đáo nửa vời của nó. Theo tác giả Anh Thy, “Người phụ nữ khi làm lụng, nhất là trong bóng râm, dù là vào thời kỳ Hùng Vương hay đầu thế kỷ XX, vẫn thường mặc váy-yếm với hai tay và lưng để trần. Trời nắng thì thêm cái áo ngắn có xẻ tà hai bên hông gọi là áo cánh. Áo có đính cúc nhưng khi mặc thường không cài, vừa để cho mát, vừa để hở cái yếm làm duyên.”Về các loại vải may yếm còn tùy chủ nhân của chiếc yếm (giàu nghèo, già trẻ),

Vào cái thuở thật xa xưa đó, cái thuở chưa có cái xú chiêng ngự trị trên cặp nhũ hoa của người phụ nữ Việt Nam mà chỉ có cái yếm trắng, yếm đào . . . đã có biết bao nhiêu chàng trai chết mê chết mệt vì những cái yếm đó nhỉ? Ngay cả những anh đồ, tức những ông thầy dạy chữ nho ngày xưa cũng phải lụy vì cái yếm của những cô nàng thôn nữ :

Yếm thắm mà nhuộm hoa nương
Cái răng hạt đỗ làm tương anh đồ!
Yếm thắm mà vã nước hồ
Vã đi vã lại anh đồ yêu đương!

Hình Internet

Cái yếm của người phụ nữ Việt Nam có tự bao giờ không thấy sử sách ghi lại. Trong tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của học giả Đào Duy Anh có đoạn ghi: “Theo sách Sử Ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo gài về bên tả (tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu.” (trang 172).


- Sử Ký là một sử phẩm bất hủ của nền văn học Trung quốc cổ đại. Tác giả là Tư Mã Thiên, một người sinh sống trong khoảng thế kỷ thứ II trước Tây Lịch.

- Văn Lang là quốc hiệu của nước ta từ thuở các vua Hùng họ Hồng Bàng trị vì tức là từ năm Nhâm Tuất (2789) đến năm Quý Mão (258) trước Tây lịch.

Căn cứ vào sự kiện được ghi trong Sử Ký và các niên biểu nêu trên thì từ hơn hai ngàn năm về trước, dân Việt ta đã biết mặc áo gài nút về phía bên trái (tả nhiệm), đến khi Nhâm Diên cai trị đất Cửu Chân mới bắt dân Việt ăn mặc theo kiểu người Tàu tức là gài nút về phía tay phải (hữu nhiệm). 

Trước khi biết mặc áo gài nút về phía tray trái (tả nhiệm), giống như nhiều dân tộc sơ khai khác, người Việt sơ khai cũng đã dùng lá cây, vỏ cây hoặc da thú làm vật che thân. Họ chỉ che toàn thân khi trời giá rét. Khi trời nóng bức hoặc khi làm lụng, chắc hẳn họ chỉ che những bộ phận cần phải che kín của cơ thể (hạ bộ của phái nam, hạ bộ và nhũ hoa của phái nữ). Đến khi biết dệt vải để dùng, họ thay thế lá cây, vỏ cây hay da thú bằng những mảnh vải. Và chiếc yếm ra đời. Chiếc yếm phải ra đời trước cái áo “tả nhiệm”, chí ít cũng phải đồng thời với cái áo ấy. Vậy là cái yếm đã là vật thân thiết của người phụ nữ Việt Nam trên hai ngàn năm nay. Những chiếc yếm trắng, yếm nâu, yếm đào, yếm thắm . . . những chiếc yếm vải, yếm trúc bâu, yếm vóc, yếm nhiễu . . . đã quấn quýt với người phụ nữ Việt trên hai ngàn năm đó bỗng một hôm bị cái xú-chiêng của người phương Tây tranh giành mất địa vị. Chiếc yếm thủy chung gợi cảm đã phải từ tốn âm thầm rút lui vào bóng tối nhường chỗ cho chiếc xú-chiêng ôm ấp bộ ngực căng tròn nõn nà của người phụ nữ Việt Nam cho đến một ngày người ta không còn nhắc nhở đến cái yếm nữa. Ngày nay có nhiều phụ nữ Việt Nam không còn có thể hình dung ra hình dáng của cái yếm. Và đáng tiếc biết bao nhiêu, những chàng trai Việt không còn đêm đêm nằm mơ:

Kiếp sau đừng hóa ra người,
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân!



GS ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Kim Quy st

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %10 %086 %2017 %20:%11
back to top