Nữ kỹ sư gốc Việt rạng danh trên đất Mỹ: “Tất cả những gì tôi mong muốn là đất nước trở nên tốt đẹp hơn”
Nữ kỹ sư gốc Việt rạng danh trên đất Mỹ:
“Tất cả những gì tôi mong muốn
là đất nước trở nên tốt đẹp hơn”
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Lê Duy Loan đã trở thành người phụ nữ đầu tiên, và cũng là người gốc Á duy nhất từng đạt tới chức vụ đỉnh cao trong nấc thang kỹ thuật tại Mỹ.
Kỹ sư Lê Duy Loan, 55 tuổi, chuyên gia đầu ngành vật liệu bán dẫn đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Á duy nhất được vinh danh ‘Senior Fellow’ – nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ Texas Instruments.
Bà Lê Duy Loan tốt nghiệp kỹ sư điện ở đại học Texas Austin khi mới 19 tuổi và lấy bằng MBA ở đại học Houston năm 1989.
Bà Loan có tổng cộng 24 bằng sáng chế, bao gồm 4 bằng sáng chế tiên phong góp phần đặc biệt trong sự phát triển của máy tính hiện đại. Đồng thời, bà còn là một diễn giả xuất sắc tại Mỹ, thường được mời diễn thuyết ở nhiều trường đại học uy tín cũng như các tập đoàn lớn suốt hơn 20 năm qua.
“Thành danh ở xứ người, song tôi vẫn muốn giúp thế hệ trẻ Việt Nam vươn lên bằng tri thức. Tôi hy vọng tổ chức từ thiện phi chính phủ Sunflower Mission do mình và chồng là ông Đào Tuấn thành lập vào năm 2002 sẽ hiện thực hóa tâm huyết cao đẹp này”, bà Loan phát biểu.
Quỹ đóng góp nói trên đã xây dựng khoảng 100 phòng học ở vài tỉnh miền Nam như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Phú Yên.
Từ một đứa trẻ không biết nửa chữ tiếng Anh…
Sinh ra tại Nha Trang, song bà Loan lại sớm theo gia đình sang định cư ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ từ năm 1975.
Dù ban đầu không hề biết nửa chữ tiếng Anh, phải học lùi lại hai lớp so với tuổi nhưng bà vẫn tốt nghiệp thủ khoa khối trung học phổ thông vào năm 16 tuổi, sớm hơn hai năm so với bạn bè cùng trang lứa.
Bà Loan chụp hình cùng cô giáo chủ nhiệm khi còn ở Việt Nam.
Năm 19 tuổi, bà Loan tốt nghiệp đại học tại trường University of Texas, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện tử với thành tích rất cao. Sau đó, bà bắt đầu đảm nhiệm công việc kỹ sư thiết kế chip nhớ ở tập đoàn Texas Instruments.
“Tôi vừa đi làm, vừa học thạc sĩ ở trường đại học University of Houston. Thế rồi mọi chuyện cứ như vậy thăng tiến cho tới tận bây giờ, thực sự tôi rất tự hào về những gì mà tôi – một con người gốc Việt từng làm được”, bà Loan nhấn mạnh.
Cho tới một kỹ sư gốc Á thành đạt nhất nước Mỹ
Bà Loan chia sẻ, người Mỹ từng có một câu nói thế này: “What cannot kill you makes you stronger – cái gì không giết được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”. Bởi vậy, dù lớn lên trong những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời song bà vẫn quyết tâm gây dựng mọi thứ theo cách thật tốt đẹp.
“Từng có ý định học ngành Y, song vì điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép nên tôi đành gác lại ước mơ và chọn học khối kỹ thuật ở trường Đại học Texas Austin. Nhưng khi tốt nghiệp thì tôi chỉ đạt bằng ưu (Magna cum laude) chứ không phải bằng xuất sắc (Summa cum laude) như hồi trung học.
Nhiều người từng hỏi nguyên nhân dẫn tới kết quả bị tụt hạng, và câu trả lời là do tôi quá mải mê yêu đương vào học kỳ cuối. Tôi cũng dành một lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ: Nếu muốn có bằng xuất sắc thì đừng vội hẹn hò trong thời gian đại học!”, bà Loan vui vẻ nói.
Bà Loan trong buổi lễ tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện
ở trường đại học Texas ở Austin vào năm 1982.
Nữ kỹ sư gốc Á ra trường tháng 5 thì tháng 6 bắt đầu đi làm luôn ở Texas Instruments, cùng người chị ruột mua nhà cho mẹ vào tháng 8, mua nhà cho bản thân vào tháng 10, đính hôn vào tháng 11 và kết hôn vào tháng 12 năm đó.
Bà Loan kể lại, vì quá ấn tượng với một đứa con gái 19 tuổi học ngành kỹ thuật lại trả lời vanh vách các câu hỏi trong buổi phỏng vấn nên công ty điện tử lớn của Mỹ đã tìm mọi cách nhằm chiêu mộ bà: “Không những gửi thư qua đường bưu điện mà Texas Instruments còn cử một nhân viên lâu năm đến tận nhà riêng để nói chuyện trực tiếp.
Sau đó, sợ tôi không đồng ý nên họ đã gọi điện thoại nhằm đề nghị tăng lương so với mức đề xuất trong buổi phỏng vấn. Và tôi chính thức gắn bó với nơi này từ ngày đó cho tới tận bây giờ”.
Nữ kỹ sư gốc Việt thường được mời diễn thuyết ở
nhiều trường đại học uy tín và các công ty lớn tại Mỹ.
Texas Instruments có nhiều bộ phận nhưng 2 bộ phận lớn chính là Dynamic Random Access Memory (DRAM) và Digital Signal Process (DSP). Ban đầu, bà Loan làm ở bộ phận DRAM.
Bộ nhớ máy tính khi ấy mới chỉ đạt mức 64Kb nên bà thường tập trung thiết kế, mô phỏng, nâng cấp bộ nhớ lên các thế hệ tiếp theo như 128Kb, 256Kb, 1Mb, 16 Mb, 64Mb. Ban đầu, bà chỉ nhận nhiệm vụ kỹ thuật, rối mới dần nâng lên thiết kế và quản lý nhóm thiết kế của DRAM. Nhưng kết quả nghiên cứu là nỗ lực của tất cả mọi thành viên trong nhóm chứ không phải của riêng ai.
Ngoài ra, bà Loan còn được Texas Instruments cứ đến nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore để hỗ trợ sản xuất bộ nhớ (RAM). Chuyến công tác đầu tiên của bà là ở Nhật Bản vào năm 1985.
Làm việc ở Texas Instruments ban ngày, còn buổi tối bà Loan tranh thủ theo học bằng MBA ở trường University of Houston.
7 năm sau khi gia nhập công ty, bà Loan thăng chức lên làm Trưởng phòng thiết kế, và một năm sau được bầu chọn vào vị trí đầu tiên trên nấc thang kỹ thuật của Texas Instruments – thành viên hội đồng kỹ thuật (Member of Technical Staff).
Tiếp đó, dù có gặp đôi chút khó khăn nhưng bà vẫn liên tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp khi trở thành thành viên cấp cao hội đồng kỹ thuật (Senior Member of Technical Staff) vào năm 1993; người phụ nữ đầu tiên đạt thành viên ưu tú hội đồng kỹ thuật (Distinguished Member of Technical Staff) vào năm 1997; người phụ nữ đầu tiên đạt vị trí đồng sự của Texas Instruments (TI-Fellow) vào năm 1999.
“Giấc mơ là khởi đầu của mọi thứ, song nếu không thực sự bắt tay vào thực hiện thì giấc mơ cũng mãi chỉ là giấc mơ mà thôi! Cuộc đời tôi cũng đã trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại để có được thành quả như bây giờ.
Và mỗi lần tưởng như gục ngã, tôi lại nghĩ đến ba mẹ, đến 12 năm trời ở Việt Nam, đến những ngày tháng đầu tiên ở nước Mỹ xa xôi cùng với lòng tự hào từ quê hương bản xứ. Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm làm gia đình thật tự hào, làm vẻ vang cho quốc gia mình để bạn bè năm châu thấy rằng: Ồ, người Việt Nam cũng tài giỏi không thua kém gì ai!”, bà Loan chia sẻ.
Luôn hướng về quê hương
Kết hôn khi mới 20 tuổi, bà Loan đã nói với chồng là ông Đào Tuấn hãy cho mình 10 năm để phát triển sự nghiệp rồi mới tính đến chuyện có con. Và chồng bà hoàn toàn ủng hộ với quyết định này.
Mãi tới ngày 30/8/1993 thì cặp vợ chồng gốc Việt mới chào đón đứa con trai đầu lòng là Đào Lê Quý Đan, còn cậu út là Đào Lê Quý Đôn sinh ngày 22/2/1997.
Họ lựa chọn cái tên có thể đánh vần và phát âm gần giống nhau trong cả hai ngôn ngữ để nhắc nhở con cái rằng: “Dù có sinh ra ở Mỹ nhưng chúng vẫn mang trong tim dòng máu Việt Nam, vẫn là người da vàng tóc đen. Hãy thể hiện vượt trội ở mọi công việc gắn với tên mình, đừng bao giờ làm gì khiến gia đình và quê hương phải xấu mặt”.
Bà Loan cùng chồng là ông Đào Tuấn trong ngày cưới vào năm 1982.
Bà Loan thường dạy con cách kết hợp những giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam với mọi điều tốt đẹp của nền văn hóa Mỹ. Dù đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, song bà vẫn cố gắng hiện thực hóa điều đó bằng cách dành thật nhiều thời gian ở bên cạnh, chăm sóc và dạy dỗ chúng.
“Hai đứa trẻ đều ngoan, thông minh và có một trái tim nhân ái. Tôi luôn muốn con mình hiểu rằng khi được sinh ra với điều kiện tốt hơn thì phải biết đóng góp cho thế giới cũng như giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội”, bà Loan kể.
Bà Loan chụp hình cùng chồng và hai cậu con trai tại nhà riêng.
Nữ kỹ sư thành đạt cũng rất may mắn vì được chồng và người chị lớn Duy Hoa hỗ trợ về mọi mặt, người giúp việc hơn 22 năm mà bà coi như một người em trong gia đình lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ, ông bà bác sĩ Bernard – người giúp bà đón hai đứa con từ trường học về nhà trong suốt nhiều năm liền.
Thậm chí, vài người bạn thân thiết cũng sẵn sàng đi chợ hoặc mua sắm đồ đạc hộ khi bà quá bận rộn. Đó là những thứ rất quan trọng giúp chuyên gia đầu ngành vật liệu bán dẫn có thể yên tâm đi qua từng ấy năm.
“Không có ai tài giỏi mà có thể làm tất cả một mình được, nhất là trong một xã hội như ở Mỹ. Bạn nên nhớ điều đó”, bà Loan nhấn mạnh.
Thành lập tổ chức từ thiện, trao hơn 15.000 học bổng cho học sinh Việt Nam
Năm 1999, một người bạn là ông Dr. Javid đã rủ bà Loan thành lập một tổ chức phi lợi nhuận (NPO) nhằm hỗ trợ cho các bé gái ở Nam Phi. Dù rất thích ý tưởng đó nhưng bà không thể tham gia được do cha ruột đang bị bệnh khá nặng.
Mãi tới khi ông này qua đời vào năm 2000 thì bà mới bắt đầu xây dựng Mona Foundation cùng Javid. Đối tượng của Mona Foundation là các bé gái ở những đất nước kém phát triển.
Trong 17 năm qua, tổ chức trên đã trao tặng cơ hội giáo dục cho hơn 150.000 trẻ em ở 18 quốc gia khác nhau.
Bà Loan nói: “Kinh nghiệm làm việc ở nhiều nền văn hóa khác nhau cho thấy đàn ông phần nhiều sẽ đem tiền đi đánh bạc hoặc uống rượu chè. Còn phụ nữ luôn sử dụng nó để chăm lo và giúp đỡ gia đình.
Do đó, nếu muốn thay đổi cả một thế hệ thì tốt nhất là nên đầu tư cho trẻ em gái nhiều hơn một chút”.
Bà Loan chụp hình cùng các em nhỏ trong ngày hoàn thành ngôi trường tiểu học tại Việt Nam.
Bà Loan cho biết, dù hiện tại mình đang được lái những chiếc xe hơi đắt tiền, ăn những bữa ăn ngon song tất cả chỉ là cái kết viên mãn của một khởi đầu từ vạch số 0. Công việc xã hội đã giúp bà không quên rằng trước kia mình cũng chẳng hơn gì lũ trẻ nghèo khó ở quê hương, và nhận quá nhiều rồi thì cần phải tìm cách để trả lại cuộc đời.
“Tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ vào giáo dục. Nó chính là chìa khóa giúp các em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn có thể vươn lên để thoát nghèo và giúp đỡ mọi người. Đôi khi, cuộc đời lấy đi của các em nhiều thứ nhưng không thể cướp lấy kiến thức trong bộ não của các em được.
Tuy nhiên, giáo dục phải bao gồm cả việc học kiến thức lẫn mài dũa nhân cách. Không có gì đáng sợ bằng một con người thông minh, tài năng mà lại thiếu mất trái tim. Vậy nên, cho dù có 10 tấm bằng tiến sỹ thì cũng không quan trọng bằng 5 chữ: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí và Tín”, nữ kỹ sư thành đạt nêu quan điểm cá nhân của mình.
Nữ kỹ sư gốc Việt đứng cạnh các thành viên thuộc tổ chức
từ thiện SM và hiệu trưởng của ngôi trường mới thành lập.
Thực hiện theo phương châm về việc nâng cao giáo dục, hai vợ chồng bà Loan và một số người bạn khác đã quyết định thành lập tổ chức Sunflower Mission (SM) vào năm 2002 với mục tiêu trong 10 năm phải gây quỹ được 1 triệu đô, giúp xây dựng 100 lớp tiểu học, trao 10.000 học bổng cho các em ở những vùng nghèo nhất ở Việt Nam và giữ chi phí vận hành nhỏ hơn 3%.
Đến giờ, sau hơn 13 năm, SM đã khánh thành 144 lớp học và trao hơn 15.000 học bổng mà trong đó 388 em đã tốt nghiệp đại học. Chi phí vận hành của tổ chức là 0.83% trong 13 năm qua.
Bà Loan khẳng định: “Qua việc tham gia các hoạt động tình nguyện của SM, các em nhỏ ở Việt Nam sẽ hiểu thế nào là hai chữ tình người và tấm lòng thương yêu, bao bọc lẫn nhau. Lúc nhìn thấy bạn bè bên Mỹ làm việc vất vả để hoàn tất ngôi trường cho mình thì chúng sẽ không dốt nát, hẹp hòi hay có tính xấu trong quá trình trưởng thành.
Rồi mấy chục năm sau, người Việt khắp năm châu bốn bể sẽ không ngại ngần gì khi xác nhận: Mẹ ơi, con là người Việt Nam. Con da vàng với dòng máu hiên ngang”.