Cám ơn nước Mỹ!

Cám ơn nước Mỹ!

Thanksgiving Nov. 23 2017

Thư ghé ngồi trên băng ghế đỏ trước chợ Target cho đỡ mỏi chân sau khi dạo chợ cả tiếng đồng hồ cho hết giờ. Vài ngày nữa là tới ngày lễ Thanksgiving rồi, nên khách ra vào mua sắm khá nhộn nhịp. Ðã 2 giờ rồi. Bằng tầm này mọi khi, Thư đang tay chân cuống cuồng bỏ mỹ phẩm vào những chiếc hộp in hình bắt mắt chạy đều đều trên băng chuyền trải dài trước mặt. Thư làm cho hãng sản xuất mỹ phẩm ở khâu đóng gói được gần một năm rồi. Không biết ai là người đã phát minh ra cách làm việc theo dây chuyền, nhưng nó quả thực là có thể khai thác tối đa sức lao động của con người. Bên ngoài trông có vẻ như chậm chạp, thong thả nhưng tất cả đã được thiết kế nhịp nhàng, chính xác đến từng giây. Bởi chỉ cần ngưng tay, lơ là, lỡ chậm một nhịp thôi thì vài phút sau, cả dây chuyền sẽ ùn lên, tắc lại với những chiếc hộp trống không chờ được bỏ cho đủ mỹ phẩm. Rồi người ta sẽ nhìn cái kẻ vừa sơ ý lỡ chậm đi một nhịp ấy như một tội đồ. Mụ line leader người Mễ ục ịch sẽ lại sầm mặt xuống, lầm bầm những câu gì mà Thư nghe chẳng rõ. Khi ấy, kẻ trí thức nửa mùa như Thư lại thấy tim mình đập rộn lên vì xấu hổ, vì sợ hay vì một lý do nào khác mà Thư không giải thích nổi.

Trí thức nửa mùa, ấy là câu mà chị Hoa làm cùng hãng trước kia dành cho Thư. Ban đầu, nghe nói vậy Thư giận lắm. Nhưng đến khi ngẫm nghĩ lại, câu nói ấy của chị Hoa quả không sai. Là trí thức nửa mùa bởi 5 năm trước, khi còn ở Việt Nam, Thư từng là dân công sở. Váy áo điệu đà, ngồi trong văn phòng ngày tám tiếng, với phần lớn thời gian dành cho buôn chuyện tầm phào cùng các nàng đồng nghiệp sàn sàn tuổi, trẻ trung và nhí nhố. Sang đến Mỹ, cũng như bao người, Thư phải đi làm để kiếm cơm. Nhưng cô chẳng thể dùng kinh nghiệm gần 10 năm làm việc trong văn phòng khi xưa để kiếm một công việc tương tự ở đây. Bởi cái gì Thư có cũng chỉ ở mức nửa chừng. Thư nói và viết được tiếng Anh nhưng chỉ ở mức vừa đủ để giao tiếp thông thường. Còn để trả lời một cuộc điện thoại rõ ràng, nhanh gọn hay lên một bản báo cáo dù đơn giản nhất bằng tiếng Anh thì Thư chịu chết. Ở Việt Nam, Thư tốt nghiệp đại học, nhưng tấm bằng ấy giờ chỉ là mảnh giấy vô giá trị. Thế là lăn lóc, vật vờ qua hết hãng xưởng này đến hãng xưởng khác. Có người bảo Thư đi học làm nail kiếm tiền nhanh mà dễ hơn. Nhưng Thư chần chừ chẳng dám thử, bởi cô tự thấy mình tay chân vụng về, chẳng thể cầm tay, cầm chân giũa móng cho ai được. Hay âu cũng là cái số, mỗi người một ngành, một nghề. Ai cũng đi làm hết một việc thì những việc còn lại ai sẽ làm, giống như mẹ Thư vẫn từng nói.

Phải nói thế nào cho đúng về cảm giác của Thư những ngày đầu mới đi làm? Thư không biết dùng từ gì để diễn tả cho nổi: thất vọng, mệt mỏi, chán chường? Một nỗi trống trải, tổn thương đè nặng trong lòng Thư mấy năm đầu. Cái ngày xưa cứ như cái gai đều đều châm nhoi nhói vào lòng Thư. Cái ngày xưa, Thư trưởng phòng Nhân sự váy áo lượt là, thỉnh thoảng lượn qua xưởng sản xuất đưa quyết định, nội quy mới cho công nhân. Ðến bây giờ Thư mới tự hỏi, sao ngày ấy cô không đứng lại dù chỉ vài phút để nhìn xem “đám công nhân” gần cả ngàn người kia đang tay chân cuống quýt ra sao, trong hãng xưởng của ông chủ người Ðài Loan nóng đến “chảy mỡ” vào mùa hè oi ả. Hay dành thêm chút thời gian để nghe ai đó trình bày, mong xin nghỉ thêm vài ngày vì vướng việc nhà, con nhỏ. Mà Thư chỉ chỏng lỏn buông mỗi một câu “cứ theo quy định mà làm”. Thế mới hay vật đổi sao dời. Cũng có ngày Thư phải lăn lóc trong “cái đám công nhân” ấy, nhưng mà là ở một nơi khác, với những khuôn mặt và màu da khác.

 

Cho dù có mệt mỏi, tổn thương thì Thư cũng vẫn phải đi làm. Cô chẳng thể ngồi yên một chỗ trước đống billsđều đặn gửi về. Nhưng 5 năm rồi mà Thư chẳng có lấy một việc làm ổn định. Chỗ thì lương thấp quá, chỗ thì công việc nặng nhọc quá sức, hay chỗ cô tạm thích và thấy mình có thể làm được lâu dài thì Thư lại bị lay off. Cứ thế, hành trình việc làm của Thư như đám lục bình dập dềnh trôi, nay đây, mai đó. Một lần nói chuyện với cô bạn đồng nghiệp cũ, bạn hỏi ở Mỹ, Thư làm gì? Thư gọn lỏn “tớ làm cu li”. Sau câu trả lời ấy thì cuộc nói chuyện trở nên rời rạc và vô duyên hết mức, để rồi sau lần đó, cả hai chẳng còn liên lạc gì. Thư chỉ là buột miệng nói, nhưng sau đó thì thấy xấu hổ và tủi thân. Còn cô bạn thì lại nghĩ chắc Thư sợ bị xin xỏ, nhờ vả gì mới tự hạ thấp mình như vậy. Bởi ở Việt Nam, ai cũng biết đi Mỹ là hái ra tiền. Không ông nọ bà kia thì cũng chủ nhà hàng, cửa tiệm. Chả có ai bỏ xứ sang Mỹ để đi làm cu li bao giờ.

Ngày mới đến làm ở hãng sản xuất mỹ phẩm này, Thư thấy công việc nặng nhọc quá mà tiền lương cũng chẳng đáng là bao. Thư toan nghỉ vài lần nhưng ở nhà gọi sang cần tiền gấp. Thế là Thư cố kỳ cạch như con trâu ráng kéo cày. Thật buồn cười làm sao, đi làm thì Thư mệt mỏi, thấy lòng bị tổn thương bởi ý nghĩ so sánh, ngày xưa mình từng thế kia giờ mình lại đang thế này. Ðến khi mất việc rồi thì cô lại hoang mang, lo lắng. Lấy đâu tiền mà trả tiền nhà, tiền bills, cả tiền để gửi về quê nữa. Thư cứ ngồi thừ ra như thế một hồi lâu. Một cô nàng Mỹ trắng khua giầy lộc cộc lướt qua bỏ lại mùi nước hoa thơm nức. Dân công sở, Thư nhủ thầm rồi khẽ thở dài. Thư lại thấy mình nhỏ bé và đơn độc quá. Rồi Thư thấy nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ một con đường quen vẫn xe qua mỗi ngày. Thư lại nhớ đến cô nàng da đen Châu Phi Samya rầu rĩ khẽ cười tạm biệt trước cửa hãng, níu Thư lại nói một câu chẳng ăn nhập gì “Ðất nước tớ nghèo đói, tham nhũng, độc tài quá nên tớ mới phiêu bạt đến chốn này. Nhưng bạn ạ, tớ vẫn cầu nguyện hàng đêm. Cầu nguyện không phải cho bản thân tớ một ngày nào đó trở nên giàu có, mà là cầu nguyện cho một ngày quê hương tớ sẽ bình yên. Ðể tớ lại trở về.”.

Nắng phủ vàng chiếc ghế đỏ trước cửa tiệm Target. Về thôi. Cả 2 tuần nay sau khi xin tiền thất nghiệp tại văn phòng thất nghiệp của thành phố, ngày nào có đi đâu Thư cũng canh khoảng  2 tới 3 giờ chiều là về chờ ông phát thư da đen hiền lành đậu xe vào parking lot rồi bỏ từng xấp thư, giấy quảng cáo vào từng ô hộp thư chung của chung cư.

Có thư rồi. Thư gom hết mang vào nhà với bao hồi hộp chờ đợi.

– Chúa ơi! Tiền thất nghiệp về rồi!

Thư hét lên sung sướng, tảng đá ngàn cân vừa rơi ra khỏi lòng cô. Cô ôm cái phong bì vào ngực. “Cám ơn nước Mỹ, cám ơn nước Mỹ!”

Cô nghĩ tới món gà Tây trong kỳ lễ này, cả trước khi bị lay off.

 

Mộc Miên

Ngọc Lan st

back to top