Ngày Tết treo tranh tứ bình bàn chuyện tứ quý
Ngày Tết treo tranh tứ bình bàn chuyện tứ quý
Từ ngày xưa, dân ta đã có tục chơi tranh, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về. Chơi tranh là thú chơi tao nhã đứng ở vị trí thứ hai của người xưa: “Thứ nhất chơi chữ- thứ nhì chơi tranh…” Tranh có thể chơi đơn lẻ một chiếc, có thể chơi theo bộ.
Tứ bình là loại tranh trục, chơi theo bộ gồm bốn tranh. Tứ quý là kể về nội dung được người xưa chọn lọc thể hiện trên bốn bức tranh đó, chủ yếu là diễn tả bốn loại cây. Ngoài tranh tứ bình kể chuyện, tranh bộ tố nữ còn có tranh tứ bình bốn mùa- ca ngợi vẻ đẹp của hoa cỏ tượng trưng cho: Xuân- Hạ- Thu- Đông. Một bộ tranh tứ bình có thể là: Mai – Lan – Cúc- Trúc hoặc Trúc- Sen- Cúc- Hồng; hay: Tùng- Cúc- Trúc- Mai và Mai- Hồng- Cúc- Tùng…, các bộ cây này đều được xem là bộ tứ quý. Tranh tứ quý không chỉ là tranh diễn họa sự vật mà chủ yếu còn chứa đựng những hàm ý về thời gian và cuộc sống.
Thời gian ở đây không phân định theo tuyến tính mà có tính chất luân hồi, sự vật hữu sinh hữu diệt cũng như có nhân ắt có quả và tiếp nối theo nhau tạo nên sự đa dạng cho sự sống. Thơ Đường có câu:
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ
Nguyệt chiếu diên diên vọng tương tư.
Nghĩa là: Con người đời này qua đời khác tiếp nối vô cùng cũng như trăng sáng thời nào cũng soi rọi.
Như vậy, ở đây khái niệm “người” đã được đồng hóa với cỏ cây, sông núi vạn vật hay ngược lại cỏ cây, sông núi, vạn vật cũng là chúng sinh như người và cũng mang những nội hàm phẩm chất tiêu biểu. Vì thế, cỏ cây trong tranh tứ bình- tứ quý được mô phỏng để chỉ phẩm chất con người. Đó là tính cách đẹp đẽ, những điều tốt lành, sự phóng khoáng, hào sảng, là đặc tính hướng vọng đến sự thoát tục, thanh cao, hay còn gọi là “hướng thượng”.
Mỗi một sinh mệnh đều có ý nghĩa và sứ mệnh riêng phù hợp và được quy định bởi trời đất mà người xưa nhận biết. Có câu hát trong dân gian ý rằng: “đã là con chim chiếc lá- con chim phải hót chiếc lá phải xanh…” Trong đạo lý nhân sinh ấy, người xưa rất coi trọng người quân tử. Quân tử được xem như là chuẩn mực sống mà mỗi người cần hướng tới trong đời. Các bộ tranh tứ quý cũng thường truyền tải ý tứ này. Ví dụ trong bộ Cúc Trúc Mai Lan: Cúc là sự tốt đẹp trong thành quả; Trúc là sự thanh cao trong bụi trần; Lan là sự mỹ miều trong sinh sôi; Mai là sự trong trắng trong khổ hàn.
Khi treo bốn bức tranh này trên vách, dường như thời gian vĩnh hằng và biểu tượng luân chuyển của thời không cũng được đưa vào gia môn, để gia chủ hay khách quý có dịp chiêm nghiệm về cuộc đời, hướng tới sự tao nhã, xa lánh danh vọng.
Người xưa vẽ Mai- Lan – Cúc- Trúc là để gửi gắm lòng mình vào trời đất xem mình đã đạt được đến các phẩm chất tự nhiên như các loại cây cỏ kia chưa và để nhắc lòng mình khỏi dương dương tự đắc: Ta là người thì hơn muôn loài… Sinh thời, Cao Bá Quát rất yêu hoa Mai, tôn thờ hoa Mai: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”( cả đời ta chỉ biết cúi đầu trước hoa Mai); Mãn Giác thiền sư đã cảm nhận sức sống tiềm tàng, trân trọng vẻ đẹp thanh thoát quý giá này:
Đừng tưởng xuân qua hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
Tuy có nhiều ảnh hưởng trong nghệ thuật truyền thống giữa người Việt Nam và người Trung Hoa, biểu tượng về cây cỏ có khác nhau đôi chút. Nếu ở Việt Nam, mai là biểu tượng của mùa xuân thì ở Trung Hoa, mai lại là biểu tượng của mùa đông. Tranh tứ bình Đông Hồ vẽ: Xuân: Mai; Hạ: Hồng; Thu: Cúc; Đông: Tùng…và có bốn câu thơ đề trên tranh:
Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch
Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kỳ
Cúc ngạo tình thu hương vạn lộc
Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi…
Diễn nghĩa:
Trời xuân nhụy mai khoe trắng trong
Ngày hạ hoa hồng khoe sắc thắm
Cúc diễu tình thu hương bát ngát
Tùng già tuyết đóng như ngọc nghìn cành…
Sự khác nhau về biểu tượng hoàn toàn do địa lý và khí hậu còn bản chất của ý nghĩ tượng trưng không thay đổi. Yếu tố không gian và thời gian trong tranh tứ bình hoàn toàn ước lệ, không có ý nghĩa mô tả nhưng khái quát được tính tuần hoàn trong tự nhiên và ý nghĩa nhân sinh…Trong tranh tứ bình Đông Hồ, mỗi tranh lại có một câu thơ làm ta liên tưởng đến cảnh thanh bần đạm bạc của các ẩn sĩ trong lều cỏ, nhàn tản, thưởng trà, nhấp rượu ngắm
tranh tứ bình mà tự coi như mình đang du ngoạn trong trời đất:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
Thật là một ý tưởng không bình thường: Không làm gì, không tranh giành, không vội vã, bốn mùa tám tiết rong chơi…Đấy là cách mà các triết gia phương Đông khuyên người ta biết lười biếng một cách khôn ngoan bởi: “Nhà cửa có vạn gian thì cũng chỉ ngả lưng có ba thước” và “tiền gạo đầy kho thì cơm ba bữa cũng chỉ có ba lưng”, hà cớ sao chẳng chuốc lấy chữ NHÀN!
Biểu tượng cây lan là mùa xuân ở Trung Hoa thì ở Việt Nam lan là biểu tượng cho mùa hạ. Giống địa lan hay lan lưỡi kiếm thường được vẽ trong tranh cổ phù hợp với cuồng bút thủy mặc. Họa gia có thể trình diễn sự hợp lý của đường nét trong sự lộn xộn của nét bút vung tự do…Nhà Nho chuộng lan vì vẻ đẹp thanh nhã và vì ở lan có hương thơm đài các, sang trọng của bậc vương giả: “Lan vị vương giả hương”. Thế nhưng, lan thường dễ lẫn với cỏ hoặc bị cỏ lấn át giống như quân tử bị tiểu nhân chèn ép, phượng hoàng đứng lẫn với gà. Một nhà thơ cổ đã than rằng:
Trồng lan không trồng cỏ
Nuôi lan cỏ cũng mọc
Nhổ cỏ hại cả lan
Biết làm sao bây giờ ???
Nếu lan là ấn tượng sâu sắc về hương thơm vương giả thì cúc là sự rực rỡ, lộng lẫy về sắc màu và còn hơn thế nữa: “Hoàng hoa vãn tiết” (hoa vàng cuối tiết) là một thành ngữ cổ ý nói tới sự tốt đẹp đã chín muồi. Cúc là cây thân gỗ, hoa rất bền màu và tươi lâu, khi khô héo chết rũ rồi cánh hoa cũng không rời khỏi cuống và được coi như phẩm chất kiên trung. Với vẻ đẹp đa dạng và cấu trúc phức tạp của cánh hoa, cúc luôn là đối tượng cho các họa sĩ phương Đông phô diễn tài thao bút.
Đào Uyên Minh đời Đường là người rất yêu cúc. Khi cáo quan về ở ẩn, ông đã mua mấy chục mẫu đất chỉ để trồng cúc…Với ý nghĩa như vậy, trong kiến trúc cổ Việt Nam, cúc và sen luôn là mô típ phổ biến trong trang trí hoa văn trên gỗ, trên đá hay đất nung có từ thời Lý Trần ở các đền chùa đình miếu…
Tương tự như lan, hình tượng trúc là ngón thử tài của các tay bút thủy mặc, qua nét vẽ người xem cũng có thể hiểu được phần nào nội tâm và tính hướng thượng của các nhà Nho. Trúc có thể vẽ cành đơn, có thể vẽ cả khóm theo lối trúc hóa long. Trúc thường được vẽ cùng với đá (Trúc- Thạch); vẽ cùng với chim sẻ (Trúc- Sẻ) hoặc vẽ cùng với hoa để tạo nét tương phản giữa cứng và mềm…tạo cho người xem những hiệu quả thẩm mỹ nhất định.
Trong tranh tứ bình bốn mùa, ngoài những hình ảnh về cây cỏ và thơ đề thì bao giờ cũng vẽ cả muông thú và chim chóc hoặc côn trùng: Mai- Sẻ; Trúc- Sẻ; Cúc- Điệp; Trúc- Hạc; Sen- Vịt (Liên- Áp; Hồng- Công; Hồng- Điệp…) Hình ảnh những loài vật này đã tạo thêm điểm nhấn về sự tương phản tính cách ( Trúc- Sẻ: Trúc tượng trưng cho người quân tử, sẻ tượng trưng cho kẻ tiểu nhân); hay Sen- Vịt: thể hiện sự hài hòa về tính cách chậm chạp, ung dung, tự tại, hiền lành. Sự nhởn nhơ nhàn hạ như tranh Cúc- Điệp hay sự cao quý trường tồn như Trúc- Hạc; Tùng- Hạc…
Sống hòa với thiên nhiên, trở về tự nhiên, tìm ra vẻ đẹp của nó vốn là đặc tính của con người, sáng tạo thiên nhiên và đưa vào tác phẩm nghệ thuật là công việc đáng quý của người nghệ sĩ để chiêm ngưỡng một lần nữa, sáng tạo một lần nữa thiên nhiên dưới cảm quan của bản thân. Thiên nhiên là người thầy, là nguồn cảm hứng vô tận đối với người làm nghệ thuật để có được những tác phẩm kinh điển về những đề tài kinh điển. Quy lại luôn để ca ngợi và ngẫm ngộ về những ý nghĩa đạo lý nhân sinh trường tồn.
Vinh Hoa tổng hợp
Hoàng Điệp ST