Nhiều hơn cả một tòa nhà văn phòng, Tháp đôi Petronas đã khơi lên niềm tự hào dân tộc và trở thành biểu tượng cho sự nhộn nhịp của Malaysia trong thế kỷ 21. Hãy cùng biên tập viên Chad Merchant đi ngược về những thời điểm lịch sử và sự hình thành của hai tòa tháp hùng vĩ này.
Có thể so sánh ý nghĩa của nó đối với Kuala Lumpur như Tháp Eiffel với Paris và tượng Nữ thần Tự do đối với New York, Tháp đôi Petronas cao vút là biểu tượng vững chắc cho một Malaysia hiện đại. Thật khó thể tin được năm nay đã đánh dấu 24 năm đáng kinh ngạc kể từ lúc bắt đầu xây dựng một dự án không chỉ sẽ thay đổi chân trời của một thành phố, mà còn là trái tim của một quốc gia. Không hề phóng đại tầm quan trọng của Tháp đôi Petronas đối với sự phát triển không ngừng để vươn tầm thế giới của Kuala Lumpur.
Trở về năm 1991, tháp Sears đang là tòa nhà cao nhất thế giới, không ai có điện thoại di động, DVD vẫn chưa được phát minh, và Internet thậm chí còn không được để mắt tới trong giới kỹ sư máy tính trên thế giới, những người đang phấn khích với hệ điều hành mới toanh gọi là Windows 3.1.
Và ngay tại trung tâm của thủ đô Malaysia là một vùng rộng 40 hecta từng là sở hữu của công ty Selangor Turf Club. Chính quyền địa phương đã quyết định đòi lại miếng đất trong một cuộc đấu thầu để giúp tăng trưởng Malaysia, nhưng cuối cùng, nó để lại một miếng đất trống tại trái tim của thành phố, nói thẳng thắn thì đáng giá hàng triệu.
Ảnh HTL
Vậy đâu là cách tốt nhất để sử dụng tốt miếng đất giá trị này hơn là đặt một tòa nhà thật cao tại đó? Đặt hẳn hai tòa nhà thật cao ở đó. Để đại diện cho giá trị tăng trưởng và khát vọng nổi bật lên trong sân chơi thế giới của Malaysia, người ta đã quyết định xây một cặp tháp 88 tầng để làm trụ sở cho công ty dầu khí quốc gia, Petronas.
Quyết định này cũng mở ra việc sử dụng bê tông cốt thép làm cấu trúc thượng tầng, thay vì những khung thép thường thấy ở hầu hết các tòa nhà chọc trời. Lý do là Malaysia có nhiều công nhân kinh nghiệm với cấu trúc bê tông và đó là loại vật liệu có sẵn. Việc nhập khẩu một lượng thép khổng lồ sẽ khiến tháp Petronas trở nên đắt đỏ vượt xa ngân sách. Vì thế, một khung bê tông sẽ giảm một nửa chi phí cho thép, cũng như tăng gấp đôi trọng lượng.
Một nền móng vững chắc
Việc đào móng được khởi công vào tháng Ba năm 1993 sau khi những người phát triển dự án dời toàn bộ khu vực rộng 60m về phía đông nam từ vị trí thiết kế ban đầu. Khi khoan xuống người ta đã làm lộ ra nền đá bất thường ở khu vực đó khiến cho việc đặt một khối lượng khổng lồ của hai tòa tháp trở thành một thử thách gần như không thể vượt qua.
Vậy nên khu vực mới được dời qua một chút, một nền móng khổng lồ đã được đào, nó sâu 21m đủ để nuốt trọn 5 tầng của tòa nhà. Suốt quá trình đào móng, mỗi đêm có khoảng 500 xe tải đất được móc lên.
Để đặt được một tòa nhà chọc trời với trọng lượng của 300,000 tấn khối chắc chắn là một công việc kỹ thuật ấn tượng, nhưng một nền móng có thể chịu được hai tòa tháp như vậy đòi hỏi không chỉ sự hiểu biết về kỹ thuật sức bền cấu kiện, mà còn là một lượng bê tông được đổ vào liên tục và nhiều nhất trong lịch sử Malaysia – và đó là quốc gia mà hầu như mọi thứ đều được xây bằng bê tông cốt thép.
Mỗi tòa tháp cần một nền móng khổng lồ gồm một rừng cọc khoan xuyên xuống địa tầng đá; ngay khi 104 cọc bê tông cho mỗi tháp được khoan xuống, một khối bê tông dày 4.6m được đổ lên chúng. Trong 54 giờ kinh ngạc đó, bê tông được đổ vào không ngừng, xe tải vào ra liên tục mỗi 2.5 phút, y như kim đồng hồ chạy.
Từ lúc bắt đầu đào cho đến khi hoàn tất nền móng là tròn một năm. Giờ đây, cuối cùng, hai tòa tháp cũng đã có thể bắt đầu đi lên.
Hướng về bầu trời
Theo những kế hoạch ban đầu, kiến trúc sư trưởng César Pelli có hai tòa tháp cao 427m, chỉ thấp hơn 15m so với tòa tháp cao nhất thế giới khi đó là Tháp Sears ở Chicago. Khi thủ tướng Malaysia nhận ra khoảng cách gần như vậy, ông muốn các kiến trúc sư và kỹ sư tìm ra cách nào đó làm các tháp cao hơn, sao cho tòa tháp cao nhất thế giới phải ở Malaysia.
Và dù những nhà thiết kế không thêm bất cứ tầng nào vào cấu trúc, họ vẫn tìm ra cách để đẩy tòa tháp cao hơn 450m, giật lấy vương miện từ nước Mỹ lần đầu tiên kể từ khi họ xây dựng tòa nhà Empire State ở New York năm 1931.
Và một quyết định không chính thức khác, việc xây dựng mỗi tòa tháp sẽ được giao cho một nhà thầu khác nhau, và dĩ nhiên, từ các quốc gia khác nhau. Nhà thầu Nhật Bản Hazama Corporation đứng đầu tổ chức cho Tháp số Một, và gã khổng lồ Hàn Quốc Samsung Engineering and Construction đứng đầu nhóm xây dựng Tháp số Hai cộng với Skybridge, cấu trúc hai tầng độc đáo kết nối hai tòa tháp tại điểm giữa của chúng.
Hàng ngàn lao động Malaysia và nước ngoài đã được thuê cho hai nhà thầu… và cuộc chạy đua bắt đầu! Đó giống như một cuộc thi xem nhóm nào có thể xây xong tòa tháp của họ đầu tiên, và cũng để xem của ai là tốt nhất.
Cuối cùng, câu hỏi tháp nào chất lượng hơn có vẻ là một kết quả hòa, nhưng không cần phải hỏi ai là người chiến thắng về tốc độ. Mặc dù nhóm từ Hàn Quốc không chỉ phải xây một tòa tháp mà còn cả cầu Skybridge, và dù bắt đầu xây dựng sau nhóm Nhật Bản một tháng, những người Hàn Quốc vẫn hoàn thành trước, khoảng một tuần trước những đối thủ của họ.
Vì các tòa tháp càng lên cao càng phải vững, lớp phủ bằng thép không rỉ được trải lên mặt dựng, chứa khoảng 83,500 mét vuông miếng bọc thép không rỉ và 50,000 mét vuông kính nhiều lớp. Đây là phần không nhỏ để thấy được tầm nhìn của Pelli đối với Tháp Petronas là “một viên kim cương đa diện bật lên giữa ánh mặt trời.”
Ảnh HTL
Kết nối khoảng không, trở thành nhà vua
Một điểm nhấn không thể sai sót của tháp đôi là cầu Skybridge, cấu trúc nối hai tòa tháp ở tầng 41 và 42 của chúng. Đây là cấu trúc hai tầng cao nhất thế giới và một nhịp dài 58m. Một hệ thống bản lề và khớp mở phức tạp cùng với các bạc đạn hình cầu đảm bảo Skybridge đứng vững bất chấp hai tòa tháp có thể bị di chuyển hay vặn xoắn.
Việc nâng phần được đúc sẵn của Skybridge lên vị trí chính xác cũng là một công việc quan trọng, vì vậy một công ty kỹ thuật chuyên biệt được mang về để quản lý độc lập công việc nâng cấu kiện nặng 450 tấn – gồm 325 tấn cấu trúc chính cũng như là các chân chịu lực và phụ tùng khác – lên độ cao 170m cách mặt đất. Quá trình gồm 9 bước mất hơn một năm để thử nghiệm và lên kế hoạch, và hai tuần để thực sự vận hành, và cuối cùng nó đã được triển khai một cách hoàn hảo.
Cuối cùng, thời khắc đã tới để đặt vương miện lên đỉnh của hai tòa tháp: các chóp chói lóa cao 73.5m bằng thép không rỉ, được thiết kế lại để mang đến cho tòa nhà độ cao 451.9m tính từ mặt đường. Các chóp, bao gồm một cột, một quả bóng ở ngọn, và một vòng cầu được nâng lên từng phần và ráp vào trong một tháng sau khi hai tòa tháp đã đạt đúng độ cao.
Ảnh HTL
Một tháng sau, Ủy ban Nhà cao tầng và Môi trường Đô thị, trọng tài về lĩnh vực này trên thế giới, đã tuyên bố tháp Petronas của Malaysia là công trình cao nhất thế giới.
Tầm nhìn của quốc gia đã được công nhận và 37 tháng làm việc tập trung không mệt mỏi của hàng ngàn người Malaysia và hàng trăm người nước ngoài đã được trả công bằng một biểu tượng rực rỡ, cao ngạo của một quốc gia đã sẵn sàng và ham muốn cưỡi lên ngọn sóng khao khát và cơ hội để hướng đến thế kỷ mới.
Tháp Petronas đã giữ vị trí là tòa nhà cao nhất thế giới, nhưng mà, không được lâu. Năm 2004, Taipei 101 đã giành vị trị đứng đầu, và ngôi vị của nó cũng ngắn ngủi khi phải trao vương miện cho Burj Khalifa ở Dubai năm 2010.
Thú vị là, vào thời điểm Malaysia nhận ra chưa biết nó có đạt được những mục tiêu đã được đưa ra cho năm 2020 hay không, người ta đã dự báo rằng Tháp Petronas sẽ không nằm trong nhóm mười tòa nhà cao nhất, với tốc độ phát triển kỹ thuật xây dựng như vậy. Thực tế, dự kiến là Tháp đôi, từng một thời cao nhất thế giới, sẽ đứng ở vị trí 27 vào năm 2020.
Ảnh HTL
Các tòa nhà chọc trời vươn lên ngày càng cao, và các thành phố tiếp tục ấn định những hy vọng của họ vào những tòa nhà siêu đặc biệt thứ sẽ định hình và thúc đẩy cả bầu trời và cư dân của họ.
Nhưng trước đây hiếm khi có một tòa nhà – hay trong trường hợp này là một cặp – lại trở thành khát vọng của cả một quốc gia và đầy tiềm năng như tháp đôi, một bản tuyên ngôn chói lọi về một Malaysia thật sự đang tiến lên.
Nam Mai sưu tầm