Truyện Ngắn: Tiếng chuông xưa
Tiếng chuông xưa
Truyện ngắn của
Hwang Sun-won (Hàn Quốc)
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM:
Hwang Sun-won (1915 – 2000) là một trong những nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Ông sinh ra gần Bình Nhưỡng dưới thời kỳ thuộc Nhật. Khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, ông cùng gia đình di cư xuống miền nam, sau đó giảng dạy môn Văn học Hàn Quốc tại trường Đại học Kyung Hee ở Seoul.Hwang Sun-won có một sự nghiệp văn chương đồ sộ kéo dài tới hơn 7 thập kỷ. các tác phẩm của ông xây dựng nên nhiều tầng lớp nhân vật đa dạng trong xã hội tranh tối tranh sáng, thấm đẫm chủ nghĩa nhân đạo trữ tình mà không ủy mị.
Hwang Sun-won có một sự nghiệp văn chương đồ sộ kéo dài tới hơn 7 thập kỷ. các tác phẩm của ông xây dựng nên nhiều tầng lớp nhân vật đa dạng trong xã hội tranh tối tranh sáng, thấm đẫm chủ nghĩa nhân đạo trữ tình mà không ủy mị. Ông đã viết nhiều tập thơ, tám tiểu thuyết và đặc biệt xuất sắc ở thể loại truyện ngắn với hơn 100 truyện. Bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn phương ngữ, trí tưởng tượng sống động, bút pháp tự sự khéo léo kết hợp với phông kiến thức sâu rộng về văn hóa thôn quê lẫn thành thị,
Truyện ngắn “Tiếng chuông xưa” (Sori Kurumja) viết vào tháng 1.1965, nằm trong tuyển tập truyện ngắn “Mặt nạ” (T’al) xuất bản năm 1976. Với không gian đầy hoài niệm, phủ ngập những tiếng chuông ngân vang êm đềm, tác phẩm đã vẽ nên một tình bạn đẹp đẽ trong vắt. Bên cạnh đó, bằng bút pháp miêu tả tâm lý đặc sắc, tác giả đã chuyển tải nhiều ánh ảm về thân phận bất hạnh cũng như khao khát của những con người bị đẩy ra ngoài lề xã hội trong thời kỳ đầu Hàn Quốc bước vào hiện đại hóa.
1
Hai cậu bé đang đánh chuông. Thực ra, người kéo chuông nhà thờ là cha của một trong hai đứa bé kia, ông đang ngồi kéo sợi dây chuông, trong khi những đứa trẻ cũng đong đưa những cánh tay và uốn éo cơ thể chúng theo người lớn. Nói đơn giản, chúng chỉ túm lấy phần cuối sợi dây mà thôi. Vậy nhưng, cả hai đều vô cùng phấn chấn và tự hào như thể chúng đang tự mình rung chiếc chuông vậy.
Có một giai điệu lạ kỳ ngân lên trong khoảng giữa tiếng lanh lảnh khi kéo dây và tiếng vang rền khi buông dây. Giai điệu đó cũng vang lên trong khoảng nghỉ khá dài trước tiếng vang kế tiếp. Nó cứ lặp đi lặp lại tạo ra một âm hưởng ngân nga hòa cùng giai điệu của chuông nhà thờ.Cái tháp chuông cũ kỹ có hai cột đỡ bằng gỗ thông cao và thẳng đứng, đối diện nhau. Chiếc chuông treo lơ lửng giữa một thanh xà bắc ngang trên đỉnh mấy cái cột trụ. Và bên trên, mái ngói bằng thiếc nhọn đã hoen gỉ, bạc màu trông hệt như một cái phễu bị lật úp. Cả ngọn tháp thường rung lên khi chuông ngân.
Sợi dây chuông luôn được buộc phía trên cao của cột trụ mà chỉ có người lớn nhón chân mới có thể với tới. Điều này nhằm tránh cho những đứa trẻ trong làng khỏi nghịch phá. Tuy nhiên, cũng có những cậu bé tinh ranh trèo lên, gỡ sợi dây và kéo xuống để rung cái chuông. Thế nhưng, những giáo dân không dễ bị lừa, họ biết rõ giai điệu của chiếc chuông nếu có ai đó đang đùa cợt tai quái. Tuy nhiên, có những ngày, người kéo chuông theo lệ thường có việc đi đâu đó một chốc và vị linh mục phải tự mình đánh cái chuông. Nhưng dù ông tự đánh chuông, những người khác cũng sẽ lại nghĩ là mấy đứa trẻ ranh, đã vậy lại không kịp giờ làm lễ. Thế là vị linh mục buộc phải cậy nhờ hai cậu bé thế chỗ người kéo chuông khi ông đi khỏi.
Hình minh họa
2
Tôi đã nhận được tin báo rằng người bạn thời thơ ấu của tôi là Songil vừa qua đời. Khi tôi hồi tưởng lại những ký ức về người bạn cũ, mò mẫm xuyên qua dòng thời gian hơn bốn mươi năm giờ đã quay trở lại, bất chợt trong ngực tôi bỗng vang lên tiếng vọng hấp hối từ chiếc chuông đó. Có một sự việc xảy ra đã làm đứt quãng sự ngân vang của chiếc chuông quá khứ.
Lần đó, vào một tối thứ tư hay chủ nhật, vì lý do nào đó, chúng tôi, hai đứa con trai lại đến đánh chuông thế chỗ cho cha Songil. Hai đứa tôi kéo dây chuông, nhưng không vang lên âm thanh nào vì quả lắc đã bị cột vào xà ngang. Rõ ràng ai đó đã bày trò trêu chọc tinh quái. Thế là hai chúng cố gắng tìm cách mang đến một cái thang rồi tựa nó vào cột trụ để leo lên tháp. Sau đó Songil trèo lên tháo quả lắc ra. Khi đã leo tới đỉnh tháp cậu bèn ra một điệu bộ đầy hăng hái ra hiệu cho tôi trèo lên theo. Tôi vẫn thường tự hỏi điều gì đã xảy ra khi đó.
Xa xa bên ngoài tháp chuông, băng qua khoảng đất trống, là ngôi nhà của một người đàn ông đứng tuổi được bao quanh bởi một bức tường đá. Tôi trèo lên quả chuông và nhìn qua bức tường nơi tay Songgil đang chỉ. Ở đó, phía dưới cây mơ đang nở hoa đằng sau khu vườn mà những cái bóng của buổi chiều tà chập choạng đã buông xuống, chúng tôi có thể trông thấy hai con chó đã bị xích tựa lưng vào nhau. Một con là chó Bắc Kinh và con kia lớn hơn con chó Bắc Kinh gấp mấy lần mà tôi chưa bao giờ thấy trước đó. Con chó lạ đang đi về phía trước, thế là con chó Bắc Kinh bị kéo theo sau. Hai chân sau của nó không thể giữ trên mặt đất. Bọn tôi liền phát ra những tràng cười khúc khích. Con chó Bắc Kinh này là một con chó xấu tính. Mặc dù chúng tôi lúc nào cũng thấy nó và nó cũng biết chúng tôi nhưng lần nào cả hai đứa đi ngang qua trước ngôi nhà, nó cũng chạy ra sủa ăng ẳng dai dẳng và rượt theo chúng tôi. Nếu chúng tôi ra cử chỉ vờ như đang tìm một hòn đá để ném nó, nó sẽ chạy ra xa, nhưng lại sủa và rượt cả hai khi chúng tôi quay về. Thế mà lúc này, nó chẳng thể giữ hai chân sau trên đất và bị kéo lê một cách vô vọng theo sau. Cảnh tưởng khôi hài đến nỗi chung tôi không thể nhịn cười.
Bất ngờ chúng tôi nghe một tiếng quát tháo từ bên dưới. Người đàn ông đứng tuổi đã đến dưới chân tháp chuông và nhìn lên trừng trừng đầy giận dữ. Trước khi kịp nhận ra điều mình đang làm, tôi đã vòng hai cánh tay quanh cột trụ và trượt xuống. Tiếp đó ông ta dịch chuyển cái thang, thế là Songil bèn nhảy xuống từ trên cao. Nếu như tôi chỉ bị những mảnh dằm vụn từ cột trụ bằng gỗ thông đâm vào đôi bàn tay và hai cánh tay thì Songil đã gặp tai họa vì cú nhảy của mình: cậu ấy đã bị gù. Một thời gian sau đó gia đình tôi chuyển đến Kwangju. Lúc đó tôi chín tuổi.
Tôi không có một nơi chốn mà người khác trìu mến gọi là quê hương. Cho đến hồi sáu tuổi, tôi đã sống ở những nơi mà ký ức chẳng còn lưu giữ lại chút ấn tượng nào. Tiếp đó, tôi đến sống trong một ngôi làng nơi có Songil ở cho đến khi lên chín. Thế rồi tôi lại chuyển đến những vùng như Kwangju, Yongin và Paju trước khi định cư tại Seoul cho đến giờ. Tôi thì chẳng làm gì nhưng phải di chuyển đây đó theo cha tôi vì ông là một giáo viên tiểu học.
Nếu như cụm từ “người kéo chuông nhà thờ” không được viết sau tên Songil trên tin báo tử, tôi đã không nhận ra đó là ai.
Trong hơn bốn mươi năm có lẻ, chúng tôi thậm chí đã chẳng trao đổi thư từ với nhau, lại càng ít gặp nhau. Làm sao Songil nhớ được tôi?
Ngôi làng nơi Songil đã sống nằm cạnh con đường quốc lộ, độ nửa đường từ Suwon đến Inchon. Những hồi tưởng về cái thời khi tôi mới chỉ là đứa bé chín tuổi là cái gì đó tôi không thể hoàn toàn hiểu thấu. Hơn bốn mươi năm thay đổi đã cho tôi ấn tượng rằng nơi đây đã trở thành một ngôi làng hoàn toàn khác. Thậm chí đã có những ngọn đèn điện được mắc ở nơi mà trước đây chưa có ai sinh sống. Một cửa hàng tạp hóa, một tiệm gốm, một hiệu thuốc và một cửa hiệu cắt tóc, tất cả nằm trên con đường chính, thế nên giờ đây chính xác hơn phải gọi nó là một thị trấn nhỏ. Có lẽ những người lính đóng quân trên những vùng ngoại ô đã mang đến nhiều thay đổi cho ngôi làng.
Ngôi trường tiểu học nằm bên kia đường. Trước đây nó chỉ là một khu nhà cất bằng ván che, giờ đã được xây lại bằng xi măng. Tôi quay xuống con đường bên cạnh sân chơi. Mặt đất đang ngập ngụa bởi trận tuyết của ngày hôm trước và đã bị giẫm đạp bởi mọi vết chân nên chẳng còn thấy được màu đỏ quạch như lệ thường.
Tất nhiên tháp chuông giờ cũng khác. Nó đứng bên cạnh nhà thờ. Một dấu thập gắn với cột thu lôi dựng tại đỉnh của nóc nhọn, tạc thành một đường rõ rệt giữa bầu trời đông trong veo. Tuy nhiên, cảnh tượng này chẳng mang lại cho tôi chút hồi ức nào. Tôi không đi dọc con đường này để dò dẫm tìm kiếm những hồi tưởng hay nỗi hoài hương. Ở đây, tôi chỉ đơn thuần để những kỷ niệm tự mình thức giấc.
Phía bên trong bức tường ngoài nhà thờ là nhà dòng của vị linh mục. Hồi trước nóc nhà lợp lá, nhưng giờ đã được lát ngói. Vị linh mục già hẳn đã là một thợ câu cá giỏi, bất kỳ khi nào rảnh rỗi, ông không ra ngoài thăm gia đình của các giáo dân mà thay vào đó lại cầm lưới cá trong tay và đi xuống con suối phía trước làng. Thế nên những người lớn trong làng thường gọi ông là Ngài Thợ Câu.
Vị linh mục hiện giờ còn rất trẻ. Ông nhìn chỉ xấp xỉ chừng ba mươi tuổi. Ngay khi biết tôi là ai, ông cho hay đám tang đã được tiến hành từ vài ngày trước. Ông cũng kể cho tôi nghe rằng trước khi chết Songil đã nhờ ông chắc chắn phải báo cho tôi hay về cái chết của anh ấy và nhấn mạnh rằng anh ấy muốn được nhắc đến với danh xưng là người kéo chuông nhà thờ.
Sự trở về của tôi không còn giúp được gì cho đám tang. Tin báo đã được gửi đến trường tôi, nhưng lúc đó trường đã nghỉ giữa niên khóa, thế là mười ngày đã trôi qua trước khi tin báo đi lòng vòng mới đến tay tôi.
Hình minh họa
3
Tôi hỏi vị linh mục trẻ nơi gia đình Songil sống. Đó là mục đích chính tôi dự định tiếp theo. Người bạn thời thơ ấu, đã mất tích trong dòng chảy của cuộc đời hơn bốn mươi năm, người bạn mà tôi đã chơi đùa thân thiết hồi còn là cậu bé trong suốt hai, ba năm. Anh ấy thậm chí còn biết nơi làm việc hiện tại của tôi. Một cảm giác không thể tả được khi tôi biết rằng Songil đã dõi theo tôi từ bấy đến nay sẽ không để tôi đi mà không tìm kiếm gia đình anh ấy. Tuy nhiên, câu trả lời của vị linh mục trẻ đã phá tan hy vọng của tôi. Anh ấy không có gia đình. Tôi hoàn toàn không thể mô tả hình dạng gồ ghề của Songil khi anh ấy trưởng thành, nhưng không khó để đoán biết rằng anh ấy đã không thể lập gia đình.Vị linh mục trẻ chỉ cho tôi nơi Songil đã sống quạnh quẽ cho đến lúc qua đời. Đó là một căn phòng nhỏ kề cổng chính. Sự cô đơn và sau đó là nỗi đau đớn mà một người đàn ông đã phải chống chịu hơn bốn mươi năm trào dâng trong ngực tôi. Mặc dù người khác có thể cho rằng tôi hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm, rằng tôi không thể gánh vác hết gánh nặng cho điều rủi ro hay sự đơn độc của một con người nhưng không hiểu sao tôi chợt cảm thấy một tia ăn năn hối hận lóe lên, buộc tội tôi vì đã không làm gì hơn cho anh ấy ngoài một kẻ ngoài cuộc hờ hững. Nhưng hối hận cho lỗi lầm của tôi thì phỏng có ích lợi gì? Giờ đây tôi không còn gì để làm ngoài việc đến viếng thăm mộ phần của người quá cố trước khi quay về nhà.
Vị linh mục trẻ dường như nhớ ra điều gì đó. Ông đi vào phòng của Songil và mang ra một cuộn giấy lớn. Vị linh mục nói cho tôi hay rằng cuộn giấy này là những bức tranh mà Songil đã vẽ suốt lúc sinh thời để giải khuây. Tôi đã không nhớ rằng anh ấy thích vẽ ngay khi còn là một cậu bé. Dù sao chăng nữa, Songil đã sống mà không có gia đình và lấy việc vẽ tranh làm bầu bạn.
Những bức tranh này được vẽ trên giấy than với bút chì. Khi tôi xem những bức vẽ một lúc, tôi nghĩ mình đã tìm ra những điểm chung trong những đường nét đơn giản. Có cái gì đó cháy bên trong những bức vẽ. Đó là những tia lửa nhảy nhót ra từ những rễ cây rối rắm, từ mọi nét uốn lượn và đường cong. Những cái miệng không đếm xuể của các giáo dân trong mấy bức vẽ như bắn ra lửa khi họ đang hát những bài thánh ca và nhiều ngọn lửa như đang mọc lên thậm chí từ những hòn đá gồ ghề lởm chởm đang thò ra từ cạnh của các ngọn núi trọc.
Xem lướt qua những bức tranh, tôi thấy một bức đặc biệt và vội lật qua nhanh hơn mọi bức khác, tôi hỏi vị mục sư trẻ liệu tôi có thể lấy một bức trong số đó để làm kỷ niệm được hay không. Thế là tôi tìm lại bức vẽ mình đã xem lướt một cách vội vã chỉ một khắc trước đó, rồi tôi cuộn nó lại và nhét nó vào trong túi áo choàng. Sau đó tôi ra đi.
Thậm chí ngôi nhà nơi người đàn ông đứng tuổi đã sống trước đây giờ đã là một ngôi nhà kiểu phương Tây hiện đại, trang nhã với một bức tường gạch bao quanh. Tôi đi quanh bức tường và nhìn vào bảng tên gắn trên cổng. Một người đàn ông tên Kim đang sống ở đây. Xem ra người chủ cũ của căn nhà đã thay đổi. Người đàn ông xưa kia sống ở đây không phải là người họ Kim. Ký ức là một thứ lạ lùng, không thể tin cậy. Mặc dù tôi chẳng tài nào nhớ lại chính xác tên ông ta, nhưng tôi hoàn toàn chắc chắn đó không phải là ông Kim.
Nhưng giờ đây, cái tên hay liệu rằng con cháu của ông ta còn sống ở đây hay không có còn gì quan trọng nữa đâu?
Xem lướt qua những bức tranh, tôi thấy một bức đặc biệt và vội lật qua nhanh hơn mọi bức khác, tôi hỏi vị mục sư trẻ liệu tôi có thể lấy một bức trong số đó để làm kỷ niệm được hay không. Thế là tôi tìm lại bức vẽ mình đã xem lướt một cách vội vã chỉ một khắc trước đó, rồi tôi cuộn nó lại và nhét nó vào trong túi áo choàng. Sau đó tôi ra đi.
Thậm chí ngôi nhà nơi người đàn ông đứng tuổi đã sống trước đây giờ đã là một ngôi nhà kiểu phương Tây hiện đại, trang nhã với một bức tường gạch bao quanh. Tôi đi quanh bức tường và nhìn vào bảng tên gắn trên cổng. Một người đàn ông tên Kim đang sống ở đây. Xem ra người chủ cũ của căn nhà đã thay đổi. Người đàn ông xưa kia sống ở đây không phải là người họ Kim. Ký ức là một thứ lạ lùng, không thể tin cậy. Mặc dù tôi chẳng tài nào nhớ lại chính xác tên ông ta, nhưng tôi hoàn toàn chắc chắn đó không phải là ông Kim.
Nhưng giờ đây, cái tên hay liệu rằng con cháu của ông ta còn sống ở đây hay không có còn gì quan trọng nữa đâu?
4
Khu nghĩa trang công cộng chỉ cần băng thẳng từ nhà thờ qua bên kia đường, nằm trên một dãy đồi. Những bia mộ phủ đầy tuyết lan dần khắp nơi, một số đắp cao hơn những mộ khác, nhưng tôi không thể phân biệt cái nào là mô đất mới. Tôi nghĩ mình đã mắc sai lầm khi không hỏi vị linh mục vị trí mộ của Songil sớm hơn. Tuy nhiên, tôi cứ bước vào nghĩa địa, băng qua lớp tuyết chưa tan. Nhìn xunh quanh, cuối cùng tôi bắt gặp một cây thánh giá bằng gỗ mới xa xa phía cuối khu đất.
Đó là dấu hiệu ngôi mộ của Songil. Nhưng, khi đứng trước nó, tôi không thể hiểu được bản chất của người đã khuất. Điều duy nhất có thể sống lại trong tôi là hình dáng gầy gò, hốc hác của một cậu con trai có khuôn mặt bị che đậy bằng nỗi đau đớn. Một cơn giận dữ tràn ngập lồng ngực tôi. Nó giống như cơn thịnh nộ đã bùng lên trong đầu tôi khi lần đầu tiên tôi trông thấy bức vẽ mà giờ đây tôi đã cuộn lại trong túi mình. Ngôi mộ của người đàn ông trung niên mà tên tôi còn không thể nhớ, có lẽ nằm đâu đó giữa những bia đá này. Nhưng tôi vẫn không thể hiểu được bản chất của anh ấy suốt bốn mươi năm đầy biến động lẫn đổi thay của cuộc đời. Giờ đây chỉ còn lại một điều trong ký ức tôi là tiếng quát tháo và sự giận dữ của người đàn ông kia khi ông ta nhìn trừng trừng lên nóc tháp chuông.Tôi đi xuống ngọn đồi và kiểm tra lịch ở trạm dừng. Cứ ba mươi phút lại có một chiếc xe buýt ghé trạm. Tôi còn một ít thời gian trước khi chiếc tiếp theo đến, thế là tôi đi vào tiệm trà. Một vài người đang ngồi xung quanh bếp lò ở giữa phòng. Việc kinh doanh có vẻ ế ẩm. Tôi tìm chỗ ngồi ngay một cửa sổ nhiều ánh sáng.
Hớp một ngụm trà vừa được mang đến, tôi đẩy cái tách ra xa. Sau đó tôi kéo bức vẽ ra khỏi túi áo choàng và trải nó lên bàn. Trong bức tranh là hai con chó. Con chó Bắc Kinh nhỏ hơn, hai chân sau của nó đang vẫy vùng trong không khí và bị kéo lê theo sau bởi một con chó lớn hơn. Cũng có những tia lửa ở đó, y như những bức vẽ khác. Qua biểu hiện của những con vật này, dường như chính người đàn ông tật nguyền ấy đã nôn ra những ngọn lửa kia vì không thể cam chịu sự dày vò về dị dạng của mình. Sự thịnh nộ một lần nữa lại dâng tràn trong ngực tôi nhằm vào sự trừng phạt không chủ tâm của người đàn ông trung niên nọ đã gây ra cho cậu bé ngây thơ, vô tình làm hỏng cả cuộc đời cậu.
Nhưng cơn thịnh nộ của tôi không là gì cả khi so sánh với cuộc đời cô độc, tăm tối của người đàn ông đã khuất. Nhưng sau tất cả những điều này, tại sao Songil vẫn tiếp tục trở thành người kéo chuông nhà thờ, nối nghiệp cha anh ấy?
Khi cô hầu bàn mang ít trà xanh đến, tôi hỏi cô ta: “Xin lỗi, cô có nghe rõ tiếng chuông nhà thờ từ đây không?”. Tôi muốn nói với cô hầu bàn rằng âm thanh của chiếc chuông ắt hẳn đã thay đổi so với những ngày cũ.
“Hôm nay không phải chỉ mới thứ bảy sao?”. Cô hầu bàn nhìn tôi như thể tôi đang bối rối và nghĩ hôm nay là chủ nhật. Tôi đã hỏi một câu vô ích.
Người ta chắc chắn sẽ làm quen với giai điệu của người kéo chuông mới. Và rồi họ sẽ không thấy sự khác biệt. Thế là chỉ còn mỗi mình tôi luôn yêu mến thanh âm của chiếc chuông cũ. Nhưng vậy là đủ.
Khi tôi trầm tư suy ngẫm những điều này, đột nhiên, một điều không ngờ tới, có tiếng chuông bắt đầu vang lên trong ngực tôi…
…Hai cậu bé đang kéo chuông. Lúc ấy cha Songil không có ở đó, chỉ có hai đứa trẻ cùng nhau kéo sợi dây. Trong khoảng giữa tiếng vang lanh lảnh khi chúng kéo sợi dây và tiếng rền vang khi chúng buông nó ra, rồi sau đó trong khoảng nghỉ khá dài trước tiếng vang tiếp theo, khi tiếng lanh lảnh và tiếng vang rền này lặp lại, một giai điệu kỳ lạ phát ra ngân nga hòa cùng giai điệu của tiếng chuông. Những tiếng vang dội, như những đợt sóng gợn trên mặt nước, như đang lấp đầy trái tim tôi.
Và khi ấy tôi đã trông thấy điều gì đó. Bức vẽ nằm trước mặt tôi đột nhiên biến đổi lạ thường. Không, còn hơn cả sự biến đổi, nói chính xác hơn là cuối cùng tôi đã có thể hiểu ra mục đích thực sự ban đầu của Songil khi vẽ những bức tranh này. Nếu anh ấy đã có thể tìm vui qua việc vẽ tranh bằng một chiếc bút chì thì điều đó chẳng phải rất dễ chịu hay sao? Mỗi một đường nét đã xoáy vào tôi như những tia lửa, thực ra là những giai điệu xuất phát từ niềm vui thích không kiềm chế được. Tiếng cười khúc khích trong vắt, ngây thơ của chúng tôi dường như đang sống lại, lan tỏa ra khắp mọi đường nét trên bức tranh. Và hình như, chúng tôi đang cùng nhau cười đùa như bốn mươi năm về trước.
Ngọc Vân
(Dịch theo bản tiếng Anh “Shadows of a sound)
Truyện đã đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay.
Kim Kỳ sưu tầm