Happy Halloween - 2018
Halloween ở Sài Gòn
Một cửa tiệm đồ Halloween ở Sài Gòn. Khách mua đa số là giới trẻ
Nhiều bé chưa hiểu Halloween là gì cũng được người lớn đưa đi chơi.
Ở phương Tây, ngày Halloween rơi vào ngày cuối tháng 10, với những bóng hình quái dị, đi đứng vật vờ, có vẻ hơi giống những cô hồn đói khát vất vưởng trở về từ cõi âm trong lễ cúng rằm Tháng Bảy của Việt Nam.
Trong ngày lễ Halloween, người Sài Gòn, tuy không còn quá xa lạ, nhưng hầu như đều chỉ tập trung vào ba đối tượng chính: Người nước ngoài sống quanh quận 1, ở khu Lê Thánh Tôn, đường Đề Thám, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Du, Gia Long, chợ Thái Bình; các trường tiểu học, trung học quốc tế (dạy chương trình Anh, Mỹ, Úc, với thầy cô giáo nước ngoài, dành cho con em người nước ngoài và người Việt giầu có); các khu đông sinh viên (ký túc xá, nhà trọ, quán cà phê, câu lạc bộ).
Lễ Halloween chỉ diễn ra vài hôm, nhưng từ hai ba tuần trước đó, những chùm mặt nạ, đèn lồng bí ngô, chổi phù thủy, áo choàng người dơi, người nhện… đã được treo bán trong các cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tri Phương, Hai Bà Trưng. Dân tham gia trò chơi Halloween ở Sài Gòn- Hà Nội đều chung suy nghĩ ‘càng kinh dị càng vui’. Họ kéo nhau từng nhóm ngoài đường trong bộ dạng ma quỷ gớm ghiếc hay táo bạo hơn, lập mộ giả, (có bia mộ hẳn hoi) cầu hồn, nhảy múa hú gào dọa người yếu bóng vía. Có nhóm còn giả ma, bắt cóc các cô gái xinh đẹp overnight (người bị bắt biết trước và ô kê). Không ‘quậy’ như các ma lớn, các bé trường tiểu học Việt Úc dễ thương, ngây thơ hơn nhiều.
Từ buổi chiều bé nào cũng được phụ huynh, thầy cô giáo giúp ‘lên đồ’ trước khi tham gia party, ca hát, diễn trò, thi ăn bánh, thi trang trí mặt nạ, thi bốc gạo… việc tổ chức Halloween rất mệt, nhưng trường vẫn phải làm, không chỉ tạo dịp để phụ huynh, nhà trường cùng các em vui chơi gần gũi mà còn để giới thiệu một phong tục của các nước Âu Mỹ, nơi các em sẽ tới du học trong tương lai.
Quán cà phê trên phố Tây, trang trí Halloween
Buổi tối cuối tháng 10, trời Sài Gòn bớt nóng, tuy vẫn dầy đặc khói bụi. Dòng xe gắn máy trẻ trung, chở các thanh niên nam nữ hóa trang ‘sương sương’, chạy chen chúc trên những con đường chính của thành phố, tạt vào những tụ điểm có trương bảng Halloween. Hầu hết họ không quan tâm phong tục Halloween với anh chàng nông dân Jack láu cá bị quỷ sứ cấm vào địa ngục, đi lang thang với chiếc đèn bí ngô trên tay, qua các con đường làng tăm tối, chờ tới ngày phán xét. Họ chỉ biết vui chơi là chánh.
Một cô bé tâm sự, ‘Nhát ma thiên hạ. Nghe họ ré lên. Vậy là khoái!’. Một cậu khác thì, ‘Bất kể tết Trung Thu hay tết Nhà Giáo, lễ ‘Ha lô quyn’, tết tây tết ta, tết nào cũng chơi hết’.
Mười giờ tối! Với nông dân ngoại thành, giấc ngủ đã khá sâu. Nhưng với quán bar Crazy Horse quận 1, nhạc mới chỉ bắt đầu ‘đập’. Và với các ma Sài Gòn, mới là lúc ‘muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi’.
Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) tối 31/10 chật cứng người.
Mỗi dịp lễ, các tuyến phố Tây ở Sài Gòn có nhiều du khách đổ về vui chơi.
Đêm hội Halloween năm nay, lượng người tập trung tại đây đông hơn rất nhiều các năm trước.
Trong hai đêm 30 và 31/10, các tuyến đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão đều đông đúc.
HALLOWEEN : Ma Đông đụng độ Ma Tây
Ian Bui
Ma Đông dễ sợ hơn là Ma Tây!
Số là cách đây hơn 2000 năm, người Celt [đọc là Keo-tờ] sinh sống ở những vùng đất thuộc England, Ireland, và miền Bắc nước Pháp ngày nay từng ăn mừng năm mới vào cuối mùa Hè, đầu mùa Thu. Ðó là thời điểm việc đồng áng thu hoạch vừa xong, ngày ấm đã qua và ngày Ðông sắp tới. Họ tin rằng vào đêm giao thừa — trước khi năm mới bắt đầu, cõi âm và cõi dương không còn chia cách. Ðêm đó linh hồn của người chết có thể quay lại chốn dương trần. Vì người Celtic [Keo-tích] sợ những vong linh này sẽ quấy phá người sống và làm hại mùa màng nên họ tổ chức một buổi lễ “cúng cô hồn” gọi là Samhain [phát âm là Xâu-ìn].
43 AD, đế quốc La Mã chiếm ngự toàn bộ các vùng đất có người Celt cư ngụ và đô hộ họ hơn 400 năm. Trong khoảng thời gian đó người La Mã phối hợp lễ Samhain với hai ngày lễ của họ là lễ Feralia tưởng nhớ người đã khuất, và lễ mừng nữ thần cây trái Pomona — với biểu tượng là quả táo mà tới nay vẫn còn được dùng trong dịp Halloween.
Vào thế kỷ thứ 7 Ðức Giáo Hoàng Gregory III chọn ngày 2/11 làm Lễ Các Thánh Tử Ðạo (Martyrs Day). Ðến thế kỷ thứ 9 Thiên Chúa Giáo đã đồng hoá hầu hết các lễ lạt của người Celt. Chẳng hạn như lễ Vong Hồn (All Souls Day) vào đầu tháng 11 đã thay thế cho lễ Samhain xưa, tuy vẫn giữ một số sinh hoạt truyền thống của người Celt như đốt lửa hoặc hoá trang thành thánh thần hay ngạ quỷ. Lễ Các Thánh (All Saints Day) thì được gọi là All-Hallows hay All-Hallowmas, đến từ cổ ngữ Alholowmesse có nghĩa là All Saints. Và đêm trước All-Hallows (tức đêm giao thừa Samhain của người Celt) được gọi là All-Hallows Eve — giống như đêm trước Christmas gọi là Christmas Eve vậy. Theo thời gian, All-Hallows Eve được đọc trại ra thành Halloween.
Còn tục trick-or-treat từ đâu đến? Ðể trả lời câu hỏi này ta phải theo chân người Anh di cư sang Thế Giới Mới vào thế kỷ 16-17 và định cư ở vùng Maryland. Qua sự giao tiếp với dân da đỏ, họ đã kết hợp một số phong tục cũng như thực phẩm của thổ dân (trong đó có quả bí ngô) vào trong lễ Halloween. Người Mỹ xưa ăn Halloween chung với cả làng. Họ cũng quây quần bên đống lửa để … kể chuyện ma cho nhau nghe! Ngoài ra họ còn coi bói, đàn địch và hát hò nữa.
Ðến đầu thế kỷ 19 các buổi hội hè ăn uống mừng trung Thu (mid-Autumn) đã khá phổ biến ở một số vùng miền, nhưng vẫn chưa là lễ hội toàn quốc. Phải đợi đến giữa thế kỷ 19, khi dân Ái Nhĩ Lan ồ ạt vượt biển sang Mỹ tránh nạn đói vì khoai tây bị mất mùa, thì Halloween mới thật sự thịnh hành khắp nơi.
Bắt chước phong tục của người Anh và Ái Nhĩ Lan, vào đêm All-Hallows Eve người Mỹ cũng hoá trang rồi đi từng nhà xin tiền và thức ăn. Bên Anh thuở xưa người ta hay đặt thức ăn trước cửa nhà, lỡ các cô hồn vất vưởng nổi hứng ghé ngang thì có mà ăn; nhà nào không cho sẽ bị ma trêu quỷ phá. Các cô gái trẻ thì tin đêm đó là thời điểm linh nhất để coi bói. Họ bói bằng đủ thứ — chỉ len, vỏ táo, gương lược v.v. để đoán xem đức ông chồng tương lai của mình là ai và khi nào chàng sẽ xuất hiện.
Nhưng đến cuối thế kỷ 19 ở Mỹ bỗng dấy lên phong trào biến Halloween thành một ngày lễ cho gia đình và xóm giềng. Những hình ảnh ma trơi rùng rợn được giảm bớt, thay vào đó là các bộ y trang sặc sỡ vui mắt.
Sang thế kỷ 20 Halloween ở Mỹ gần như đã “lột xác” hoàn toàn để trở thành một ngày lễ cho trẻ em, tương tự như Tết Trung Thu của ta vậy. Từ làng thôn đến thành thị người ta tổ chức những buổi tiệc lớn, thường là ở khu trung tâm làng (town square) với âm nhạc và nhiều trò chơi giải trí. Tất nhiên vì mùa gặt đã xong nên đây cũng là dịp để mọi người xả xì-trét, ăn uống và … nhậu nhẹt, nhất là tại những vùng có đông dân Irish tụ tập.
Có lẽ ai cũng biết Irish Whiskey là thức uống nổi tiếng của người Ái Nhĩ Lan — một dân tộc có khiếu âm nhạc và tửu lượng cao. Nhưng càng ngày việc nhậu nhẹt tưng bừng đêm Halloween dẫn đến một số hậu quả tiêu cực như thanh niên uống rượu xong kéo nhau đi phá làng phá xóm. Báo chí thời đó đã phải kêu gọi những vị lãnh đạo cộng đồng cũng như nhà chức trách cần kiểm soát lễ hội này chặt chẽ hơn. Từ đó Halloween dần dần được biến đổi theo chiều hướng “an toàn là trên hết”.
Sau Ðệ Nhị Thế Chiến số trẻ con ra đời tăng vọt, dẫn đến tình trạng không có chỗ công cộng nào đủ rộng để tổ chức Halloween cho cả làng hay cho cả thành phố. Ðể giải quyết tình trạng cung bất xứng cầu này, việc ăn mừng Halloween được phân tán mỏng, di dời từ Town Square vào trường học hoặc đem về tư gia. Cổ tục đặt thức ăn trước nhà được thay thế bằng việc hoá trang cho con nít làm ma quỷ tí hon rồi cho chúng đi xin kẹo. Tục này vui và thực tiễn hơn, mà cũng không đòi hỏi quá nhiều phí tổn từ cộng đồng, trường học hay các bậc phụ huynh. Một truyền thống mới cho người Mỹ — và về sau cho cả thế giới, đã ra đời.
Ngày nay, mỗi năm dân Mỹ bỏ ra khoảng $6 tỉ đô la cho dịp Halloween, chỉ ít hơn cho Giáng Sinh. Halloween giờ đây không những là một kỹ nghệ lớn nuôi sống không biết bao nhiêu hãng kẹo và tửu điếm, mà còn là nguồn lợi tức “khả kinh” cho quốc gia hiện đứng đầu thế giới trong việc sản xuất những món đồ trang sức và trang trí bằng nhựa rẻ tiền nhưng không thể thiếu cho trẻ em (cũng như người lớn) khắp hành tinh.
Kim Quy st và tổng hợp