Black Friday – Thứ Sáu Đen

 

Cuối thập niên 1930, thời gian mua sắm dành cho Lễ Giáng Sinh và Năm Mới tại Hoa Kỳ chính thức bắt đầu bằng Black Friday- Thứ Sáu Ðen, khi Thanksgiving – Ngày Lễ Tạ Ơn kết thúc. Ðây là lúc các cửa hàng trang hoàng đầy màu sắc, các thương xá nhộn nhịp, vui vẻ, khác với ngày thường.

Vậy Thứ Sáu Ðen- Black Friday là ngày gì?

Xin thưa đó là ngày Thứ Sáu ngay sau Thanksgiving Day. Lễ Tạ Ơn được chọn mừng vào Ngày Thứ Năm của tuần thứ 4 trong tháng 11 ở Hoa Kỳ. Black Friday được coi là ngày mở hàng cho thời gian mua sắm nhiều nhất của cư dân Hoa Kỳ.

 Trong Tiếng Anh có thuật ngữ “in the black,” chỉ tình trạng thương nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản lại là “in the red,” chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bại. Ngày xưa, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi con số lợi nhuận bằng mực đen, con số tiền lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các thương nghiệp.

Cuộc diễn hành “Macy’s Thanksgiving Day Parade” do Công Ty Macy tổ chức hàng năm trong dịp Lễ Tạ Ơn tại Manhattan, được xem là lễ hội đánh dấu những ngày mua sắm náo nhiệt, tưng bừng. Thanksgiving Day tại Hoa Kỳ không chỉ được biết đến qua những món ăn truyền thống như bí đỏ, gà tây, bánh chiên bằng bột ngô, nước sốt chanh, nước sốt thịt, khoai tây nghiền, khoai lang ướp đường, đậu xanh, mà còn là thời điểm để hàng ngàn người đến xem trực tiếp, hàng triệu khán giả theo dõi qua đài truyền hình, cuộc diễn hành hàng năm của Công Ty Macy’s tại Manhattan, New York, có hàng ngàn tình nguyện viên tham dự.

Các nhân viên thuộc cửa hàng bán lẻ Macy’s là những thế hệ đầu tiên nhập cư vào Hoa Kỳ, bắt đầu tổ chức diễn hành vào năm 1924. Kể từ đó cho đến nay, Macy’s luôn thay đổi chủ đề, nhưng những chi tiết chính như sự tham dự của các ban nhạc tại trường trung học, những trái bóng bay khổng lồ tái hiện hình ảnh các nhân vật hoạt hình, hay là hình ảnh của các nhân vật trên truyền hình được ưa thích.

Cho dẫu theo bất cứ chủ đề nào, cuộc diễn hành luôn kết thúc với hình ảnh ông già Noel vẫy tay chào công chúng. Y phục đỏ tươi, khuôn mặt nhân từ, nụ cười và động tác vẫy tay chào thân thiện của ông già Noel, nhắc nhở mọi người hãy đi mua sắm trong ngày Black Friday.

thu-sau-den-black-friday2
Macy’s Thanksgiving Day Parade – nguồn 6sqft

Tuy nhiên, thuật ngữ Black Friday được sử dụng lần đầu tiên, không áp dụng cho ngày mua sắm náo nhiệt, mà để minh hoạ cuộc khủng hoảng tài chánh, khi thị trường vàng tại Hoa Kỳ sụp đổ vào ngày 24 tháng 9 năm 1869. Hai nhà tài chánh khét tiếng tàn nhẫn của Wall Street là Jay Gould và Jim Fisk, thông đồng với nhau mua rất nhiều vàng của quốc gia, với hy vọng đẩy giá vàng lên cao, sau đó tung ra bán lại thu lợi nhuận khổng lồ.

Nhưng Thứ Sáu 24/9/1869, âm mưu của họ bị vạch trần, thị trường chứng khoán tự do rớt điểm. Tất cả mọi người, từ ông trùm tài chánh của Phố Wall đến người nông dân, đều bị phá sản.

Một huyền thoại khác xuất hiện khiến cho ý nghĩa của Black Friday thêm đen tối. Thập niên 1800, các chủ nhân đồn điền Miền Nam có thể mua nô lệ giảm giá, trong Ngày Thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn. Chính vì thế từng có rất nhiều người kêu gọi tẩy chay ngày Black Friday, vì liên quan đến việc mua bán nô lệ. Tuy nhiên trên thực tế không thể chứng minh, trước đây có hay không có mua bán nô lệ trong ngày này.

Câu chuyện thật của Thứ Sáu Ðen không dư đầy lợi nhuận rực rỡ, như cách dùng thuật ngữ “in the black, in the red” của các nhà bán lẻ. Năm 1961, cảnh sát tại Thành Phố Philadelphia dùng thuật ngữ “Black Friday” để mô tả tình trạng hỗn loạn xảy ra sau Lễ Tạ Ơn, khi người mua sắm cư ngụ tại địa phương và khách du lịch tràn vào thành phố, trước khi bắt đầu trận thi đấu football lớn của Hải Quân, được tổ chức vào ngày Thứ Bảy hàng năm.

Cảnh sát Philadelphia không những không được nghỉ lễ, mà họ còn phải tăng ca làm việc, để đối phó với đám đông và tình trạng giao thông tắc nghẽn khủng khiếp. Kẻ xấu lợi dụng thời cơ đã đánh cướp và ăn cắp hàng hóa của các thương nghiệp, khiến nhà chức trách điên đầu.

Ý nghĩa xấu của Thứ Sáu Ðen khiến các thương gia và các nhà thúc đẩy thương nghiệp cố gắng đổi thành“Big Day,” nhưng họ đành chịu không thể hoán chuyển. Tuy nhiên thời đó, thuật ngữ “Black Friday” không lan truyền sang các tiểu bang khác. Năm 1985 hai chữ “Black Friday” vẫn chưa được sử dụng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

Cuối thập niên 1980, các thương nghiệp bán lẻ đã tìm ra một cách, biến ý nghĩa tiêu cực của Black Friday trở thành tích cực. Kết quả là khái niệm “in the black, in the red”, “đỏ chuyển sang đen, buôn bán ế ẩm chuyển sang đắt hàng” được đặt ra, để chứng tỏ rằng: Lễ Tạ Ơn là thời điểm các thương nghiệp đánh dấu mức lợi nhuận gia tăng của họ. Mặc dù trên thực tế, doanh thu của các thương hiệu lớn được tính vào ngày Thứ Bảy trước Lễ Giáng Sinh.

thu-sau-den-black-friday
Black Friday 24/9/1869 – nguồn twitter

Từ đó theo truyền thống, Black Friday được xem là ngày bắt đầu mua sắm cho mùa Giáng Sinh và Năm Mới tại Hoa Kỳ; tương tự như Boxing Day  ở nhiều quốc gia trong Khối Thịnh Vượng Chung – Commonwealth of Nations.

Nhằm thu hút người tiêu dùng, ngay từ nhiều tuần trước Black Friday,  các tổng công ty  bán lẻ nổi tiếng như Best Buy, Walmart, Macy’s, T.J.Maxx, J.C. Penney, Target, Marshalls, HomeGoods…, đồng loạt tung ra hằng hà sa số hình thức quảng cáo, đua nhau thông báo mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn.

Lý do Thứ Sáu Ðen-Black Friday hấp dẫn người Mỹ, bởi vì phần lớn các mặt hàng giảm giá từ 30% đến 50%, thậm chí có mặt hàng giảm đến 90%.

thu-sau-den-black-friday1
Mua sắm ngày Black Friday – nguồn CNN.com

Hàng năm từ ba giờ chiều Ngày Thứ Năm Lễ Tạ Ơn, người mua sắm đã xếp hàng rồng rắn, quấn khăn trùm mền chống lạnh, đứng trước các cửa hàng điện tử Best Buy, hay trước các cửa hàng bách hóa, chờ vận may ngay thời khắc các cửa hàng mở cửa sớm bán “Black Friday” vào lúc 6 giờ chiều.

Năm ngoái theo ước tính của Liên Ðoàn Bán Lẻ Quốc Gia [National Retail Federation-NRF], trong 4 ngày nghỉ cuối tuần của Lễ Tạ Ơn và ngày “Black Friday,” đã có khoảng 68 triệu cư dân Hoa Kỳ đến các trung tâm mua sắm và siêu thị. Tổng chi phí của người tiêu dùng, bắt đầu từ “Black Friday” 26/11/ 2015 đến Tết Dương Lịch 1/1/2016, ước tính là $617 tỷ Mỹ kim, tăng 4.1% so với mùa shopping năm 2014.

Lễ Tạ Ơn -Thanksgiving năm nay là ngày 22/11/2018, vì thế Thứ Sáu Ðen – Black Friday sẽ là ngày 23/11/2018. Thân mến chúc chúng ta nhanh chân lẹ bước và may mắn, mua được những món hàng ưa thích với giá nhẹ như tơ trời./Hải Vân/

 

 

Các nước tổ chức ngày mua sắm

Black Friday như thế nào?

Black Friday, bắt nguồn từ Mỹ, là ngày mua sắm gắn liền với những mặt hàng giảm giá sốc và đám đông chen lấn tranh nhau mua tại các trung tâm thương mại. Vào ngày này, các hãng bán lẻ tung ra hàng loạt mặt hàng giá sốc, thu hút đông đảo người mua sắm. Hiện nay, sự kiện này đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, kể cả tại các quốc gia không kỷ niệm Lễ Tạ ơn. Ảnh: Getty Images.

Dù vài năm trở lại đây, các hãng bán lẻ Mỹ bắt đầu tung hàng giảm giá dịp Black Friday qua trang bán hàng trực tuyến, nhiều hãng vẫn cố gắng thu hút khách hàng tới cửa hàng của mình với những deal giảm giá "sốc" nhất mùa. Ảnh: Getty Images.

“Món hời” đến từ ngày lễ Black Friday khiến cho những người mua sắm tại U.S phát sốt bao nhiêu năm nay và bây giờ, xu hướng này đã tràn ngập khắp đất Úc. Đối với những khách hàng người Úc mong muốn mua sản phẩm từ các cửa hàng của US thì đây cũng là một dịp không thể bỏ lỡ vì đã có dịch vụ giao hàng toàn thế giới. Bưu điện Úc có dịch vụ gọi là Shop Mate, cho phép bạn sử dụng một địa chỉ ở Mỹ và sau đó gửi về nhà với một khoản phí giao hàng.

Người mua sắm Black Friday tại Úc Châu- Hình Internet

Tại nhiều nước không có ngày lễ Tạ ơn như Tây Ban Nha,

việc mua sắm Black Friday cũng trở nên phổ biến. Ảnh: Getty Images.

Trong tuần lễ Black Friday năm 2017, nhiều hãng bán lẻ như các cửa hàng thời trang Zara, Mango,

có doanh thu tăng tới 35%. Ảnh: Getty Images.

Black Friday cũng là ngày mua sắm lớn với người Brazil. Họ tranh nhau mua các mặt hàng điện tử như TV với giá giảm sâu vào ngày này. Ảnh: The Independent.

Amazon mang ngày Black Friday tới Anh Quốc vào năm 2010. Từ đó, ngày này trở thành một trong những sự mua sắm lớn nhất tại Anh. Ảnh: Getty Images.

Các cửa hàng tại Anh Quốc bắt đầu tung đợt giảm giá Black Friday vào ngày sau lễ Tạ ơn của Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Các cửa hàng như House of Fraser và Topshop, cũng như hãng thương mại điện tử như Amazon, tung ra nhiều mặt hàng giảm giá sâu như quần áo, đồ điện tử.  Ảnh: Getty Images.

Dân săn hàng giảm giá tại Anh Quốc cũng "tranh đấu" quyết liệt để mua được hàng giá hời vào ngày này không khác người Mỹ. Ảnh: BI.

Năm 2014, nhiều cửa hàng tại Anh Quốc đã phải gọi cảnh sát tới can thiệp khi xảy ra tình trạng hỗn loạn giữa đám đông mua sắm. Ảnh: The Guardian.

Dù Black Friday ngày càng phổ biến, nước Anh cũng có một sự mua sắm riêng là Boxing Day - diễn ra sau Giáng Sinh. Ảnh: Getty Images.

Năm 2015, người Anh chi khoảng 4,8 tỷ USD vào ngày Boxing Day, trong khi chi tiêu cho ngày Black Friday à 2,6 tỷ USD. Boxing Day là ngày quốc lễ tại Anh, Australia, Canada, Nam Phi cùng nhiều nước có liên hệ với Anh trong lịch sử. Vào ngày này, người dân được nghỉ và đổ xô tới các cửa hàng bán lẻ. Ảnh: Getty Images.

 Tại Ấn Độ, Black Friday chủ yếu diễn ra trên các trang thương mại điện tử - dẫn đầu là Amazon và Flipkart của Walmart. Ở bán lẻ truyền thống, Ấn Độ có sự mua sắm lớn nhất diễn ra vào dịp lễ hội ánh sáng Diwali với hàng nghìn người đổ xuống đường để mua hàng giảm giá từ quần áo, trang sức cho tới đồ gia dụng. Năm nay, các hãng thương mại điện tử tại nước này cũng kỳ vọng thu về 3 tỷ USD trong 5 ngày lễ hội. Ảnh: Getty Images.

Tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á, các hãng bán lẻ không mấy mặn mà với Black Friday bởi trước đó họ đã bận rộn với sự kiện mua sắm Singles' Day (ngày độc thân) vào ngày 11/11. Đây là sự mua sắm lớn nhất thế giới được Alibaba khởi xướng vào năm 2009. Năm nay, hãng này đạt doanh thu 30,8 tỷ USD trong ngày độc thân.

 

Phương Ly

Theo Business Insider

Ngọc Lan sưu tầm

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %20 %558 %2018 %07:%11
back to top