NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA HANG ĐÁ BÊ-LEM

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA HANG ĐÁ BÊ-LEM

 *********

 

Nguồn gốc và Ý nghĩa Háng đá Bê Lem

 Biến cố lịch sử Chúa Giáng Sinh và Hang đá Bê-lem là hai sự kiện luôn gắn liền với nhau, đến nỗi người kitô hữu không thể mừng Lễ Chúa Giáng Sinh mà lại không có một Hang đá nào được dựng nên tại các Giáo xứ hay tại các gia đình công giáo. Chỉ có một điều làm chúng ta tự hỏi, có phải mọi người đều hiểu rõ ý nghĩa của Hang đá Bê-lem và những tượng mà chúng ta đặt trong đó không?
 
Hầu hết các Hang đá được trưng bày rất phong phú và đa dạng tuỳ theo quan niệm cũng như truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Ở Việt Nam, người ta thường dựng mái bằng tranh, bằng rơm.v.v…, nhưng cho dù bằng bất cứ hình thức nào đi nữa, thì tất cả mọi trưng bày về Hang đá đều mang một nội dung, đó là trình bày quang cảnh mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh.
 
 
I. Nguồn gốc Hang đá
 Ai là người đã trưng bày Hang đá đầu tiên? Đó là một khám phá tuyệt vời của thánh Phanxicô thành Assisi. Theo tác giả Omer Englebert kể: vào năm 1223, chỉ còn đúng 2 tuần lễ nữa là đến ngày mừng lễ Chúa Giáng sinh, Phanxicô Assisi lúc đó đang trên đường từ Rôma trở về làng Assisi, quê hương của Ngài; khi đi ngang qua làng Greccio thì Phanxicô gặp một thày tên là Jean Velita, thày này mới tập tu, Phanxicô liền ngỏ lời với thày ấy rằng : “Ta mong ước cử hành lễ Giáng sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bê-Lem, nhưng để thể hiện nỗi cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, Ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi con dẫn một con lừa và một con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa Hài đồng năm xưa nhé’’. Thế là thày vâng lời, đi làm một hang đá giống như lời Phanxicô dặn.
 
 
Còn Phanxicô, sau khi công bố Tin Mừng xong, ngài chia sẻ lời Chúa cho những người đến nghe. Ngài kể chuyện sự tích về một vị ‘‘Hoàng đế nghèo’’ sống trước ngài 12 thế kỷ, được sinh ra tại Bê-Lem mà người ta thường gọi Ngài là Giêsu, tức “Hài đồng Bê-Lem”. Giảng xong, Phanxicô giả bắt chước giọng của con chiên, con lừa kêu “Bethlélem! Bethélem!!!’’, tức thì người ta liền thấy Hài nhi Giêsu đang ngủ trong hang đá chợt thức giấc và nhoẻn miệng cười.
 
Kể từ máng cỏ đầu tiên tại Greccio, sau đó hàng năm, tại các giáo xứ và nhà nhà khắp nơi trên thế giới, người ta bắt đầu làm Hang đá với cây thông để mừng lễ Chúa Giáng sinh.
 
II. Ý nghĩa của các hình tượng
 Về các tượng được trưng bày trong Hang đá, mỗi tượng đều có một ý nghĩa tượng trưng riêng biệt:
 
1) Chúa Hài Đồng
 
 
Là tượng nhỏ nhất trong Hang đá. Tuy là tượng nhỏ nhất nhưng lại là trung tâm của Hang đá, được đặt trong một cái máng ăn của loài vật lót đầy cỏ khô. Chúa Hài Đồng được quấn bằng một chiếc khăn màu trắng.
Chiếc máng ăn của chiên bò và nắm cỏ khô lót trên đó tượng trưng cho sự nghèo hèn tột độ của Chúa. Ngài nghèo đến độ chẳng có gì là tài sản của mình. Còn chiếc khăn trắng quấn Chúa Hài Nhi Giêsu là dấu hiệu báo trước chiếc khăn sẽ liệm xác Ngài sau khi Ngài chết trên núi sọ vì tội lỗi của nhân loại.
 
2) Mẹ Maria
 
 
Từ năm 1400, tượng Mẹ Maria mới được trưng bày trong Hang đá như một người đang chìm sâu trong sự thờ lạy, yêu mến và suy ngắm mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Tuy vậy, khuôn mặt của Mẹ Maria cũng không thiếu những băn khoăn, những lo âu như của bao người mẹ khác khi sinh đứa con đầu lòng cùng với những vui - buồn lẫn lộn. Như suy nghĩ về con trẻ sẽ lớn lên thế nào? Nó sẽ sống ra sao trong một thế giới thiếu tình người, ích kỷ, hận thù, ghen ghét?.... Tuy băn khoăn lo lắng, nhưng Mẹ không bao giờ thất vọng trước tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn tín thác tất cả cho Đấng đã tin tưởng Mẹ.
 
3) Thánh Giuse
 
 
 
Thánh Giuse thường mang một chiếc áo choàng rộng, tượng trưng cho sứ mệnh cao cả nhưng đầy khó khăn mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho thánh nhân: Đó là sứ vụ bảo vệ Con Một của Người là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ nhân loại và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người.
 
Chiếc đèn thắp sáng mà thánh Giuse cầm trong tay nói lên sứ mạng chăm sóc và gìn giữ Hài Đồng Giêsu. Tượng thánh Giuse được đặt đứng ở phía bên tay phải, bên cạnh các con bò đang chiêm ngắm Chúa Hài Đồng với vẻ mặt vui sướng và tin tưởng.
 
4) Các Thiên Thần
 
 Các thiên thần của Thiên Chúa (5.1.2017 – Thứ năm)
 
 Vào đêm Chúa giáng sinh trong hang chiên lừa xa xôi hẻo lánh, thiếu bóng người qua lại thăm viếng, nhưng ca đoàn các Thiên Thần từ trời cao xuất hiện thờ lạy và ca hát mừng Chúa Hài Đồng với những điệu nhạc du dương huyền diệu: «Gloria in excelsis Deo», “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Chính các Thiên Thần là những vị đi báo tin cho các mục đồng đang ngủ ngoài đồng một tin vui: “Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho loài người”.
 
5) Các Mục đồng
 
Nhà thờ Mục Đồng
 
Các mục đồng với nét mặt vô cùng vui mừng và ngạc nhiên chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu mới sinh đặt nằm trong máng cỏ. Họ biểu tượng cho từng lớp người nghèo mà Thiên Chúa đặc biệt quan tâm ưu ái. Họ cũng là đối tượng được Chúa Cứu Thế yêu thương, bảo vệ và đề cao, vì họ sẽ được “Nước Trời là của họ”. Con Thiên Chúa đã muốn trở nên một trong những người bé nhỏ như họ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn và khiêm tốn. Người còn tự đồng hóa với họ khi tuyên bố: «mỗi lần các ngươi làm như thế cho những kẻ bé mọn nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40).
 
6) Các con bò và lừa
 Các loài vật là «các bầy tôi» dễ thương phục dịch cho Chúa Giêsu Hài Đồng ngay từ giờ phút đầu tiên khi Người cất tiếng chào đời. Những con bò tượng trưng cho người Do-thái đang phải gồng mình dưới sức nặng của luật pháp, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Còn những con lừa tượng trưng cho dân ngoại mang thân phận loài vật chuyên chở trên mình bao gánh nặng tội lỗi, trong đó gánh nặng nề nhất là tội không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao duy nhất và là Tạo Hoá của muôn loài. Đồng thời những con lừa cũng tượng trưng cho sự lao công và sự thờ tự. Sự hiện diện của những con bò và lừa trong Hang đá Bê-lem muốn diễn tả ý nghĩa: Đức Kitô đã gánh mọi tội lỗi nhân loại, và sau cùng Ngài hiến tế chính bản thân Ngài làm của lễ đền tội cho nhân loại.
 
7) Ba Vua
 
 
Nghe tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra, ba nhà đạo sĩ từ Phương Đông đến để triều bái và dâng tiến Hài Nhi những lễ vật. Những nhân vật đó là:
• Melchior: qùy gối dâng lên Chúa vàng, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang. Ông là người Âu Châu.
• Balthasar: đứng ôm trên tay bình đựng nhũ hương, tượng trưng của lễ hiến tế và sự cầu nguyện. Ông là người Á Châu.
• Caspar: là vị đạo sĩ trẻ nhất, đứng sau hai vị kia và ôm trên tay bình đựng mộc dược, tượng trưng cho sự đau khổ và sự chết. Ông là người gốc Phi Châu với nước da đen sậm.
Ngoài ra, còn có một vị vua thứ bốn tên là Artaban, ông là người ít được nhắc đến và được trưng bày trong Hang đá, tượng trưng bằng viên đá quý.
 
8) Các hình tượng khác
 
Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria – Ngày 19/3
 
Tuỳ theo quan niệm văn hóa và sở thích của mỗi nơi, mỗi miền mà người ta trưng bày trong Hang đá những tượng khác nữa; mặc dù trên thực tế, những tượng đó không có chỗ đứng chính thức và quen thuộc trong Hang đá, nhưng mỗi tượng cũng mang một ý nghĩa tượng trưng, sâu sắc. Chẳng hạn, tượng bác nông phu đang cầm cày, tượng trưng cảnh thiên nhiên chốn thiên đàng trong Đêm Giáng Sinh. Bác tiều phu, tượng trưng cho người quản trị những mầu nhiệm nguyên thuỷ của nhân loại, mà ngày nay trong thời đại kỹ thuật đã bị đào thải. Bác ngư phủ, tượng trưng cho sự cứu thoát đã được thực hiện. Và sau cùng là các nhạc công, tượng trưng cho sứ mệnh đi loan báo Tin Mừng cho mọi người.
 
Nguyện xin Chúa Hài Đồng Giêsu, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, ban cho mỗi người chúng ta một Lễ Giáng Sinh AN BÌNH, đầy PHÚC LÀNH và trào tràn NIỀM VUI SÂU THẲM của Chúa Hài Đồng Giêsu trong Đêm Hồng Phúc.
 
 **********

Sự ra đời của Chúa Jesus và truyền thống tặng quà Giáng Sinh

 

Sự ra đời của Chúa Jesus và truyền thống tặng quà Giáng Sinh

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử, người Do Thái đã nếm trải biết bao thăng trầm, khi thì vinh quang rực rỡ, lúc lại nhục nhằn lao khổ. Nhưng mỗi khi lầm than, từ trong lòng dân tộc ấy lại sinh xuất một vị cứu tinh…

Hơn 2000 năm trước, xứ Judea của người Do Thái nằm dưới sự cai trị của một vị tiểu vương tên là Herod đệ nhất hay Herod Cả. Herod Cả chịu trách nhiệm trước hoàng đế Augustus của La Mã, nghĩa là người Do Thái giờ đây thuộc sự cai trị của chính quyền La Mã.

Và thế là, người Do Thái trong muôn vàn đau khổ của những người bị ngoại bang áp bức, vẫn một lòng ngóng trông Đấng Cứu Độ sẽ đến giải thoát cho mình. Ngài là vị vua chân chính của người Do Thái, là Đức Christ (Ki Tô) – Đấng Cứu Thế – Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, như lời các ngôn sứ xa xưa đã từng nhắc đến.

Lúc ấy ở thành Nazareth, tại một vùng đất ven hồ gọi là Galilea phía bắc tỉnh Judea có một trinh nữ tên là Mary, bà đã đính hôn với một người thợ mộc tên là Joseph. Cả hai người đều là dòng dõi của vua David, vị vua vĩ đại của người Do Thái, cũng là hậu duệ của tổ phụ Abraham.

Bỗng một hôm, trước mặt Mary xuất hiện một vị khách đến từ hư không, ngài tự xưng mình là thiên sứ Gabriel. Ngài nói: “Đừng sợ, Mary. Bà là người được ân phúc hơn mọi người nữ. Vì vậy, bà sẽ được ban cho một đứa con trai tên Jesus. Ngài sẽ cao cả và được gọi là Con của Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ cho ngài ngai vàng của David tổ tiên ngài. Ngài sẽ trị vì nhà của Israel tới muôn đời và vương quốc của ngài sẽ vô tận”.

Mary hết sức bối rối vì ngày hôn lễ của bà với Joseph vẫn còn rất xa và ông ấy chỉ là một thợ mộc, làm sao con họ có thể trở thành một vị vua của dân Do Thái. Nhưng thiên sứ Gabriel nói với bà rằng: người con trai bà sinh ra sẽ là con Thiên Chúa. Và với Thiên Chúa thì không gì là không thể được. Nghe vậy, Mary tin tưởng và sẵn lòng để mọi việc xảy ra theo ý của Thiên Chúa.

Mary đã kể hết mọi chuyện cho Joseph, chồng chưa cưới của bà, lúc đó bà cũng bắt đầu mang thai dù bà vẫn là trinh nữ và chưa thành hôn. Joseph là một người tốt và công chính, ông hết sức băn khoăn và đã tính đến chuyện rút lui khỏi mối quan hệ với Mary. Nhưng đang khi ông ngẫm nghĩ về việc ấy, thì trong một giấc mộng, Thiên sứ của Thiên Chúa hiện đến với ông và phán rằng: “Hỡi Joseph, con cháu David, ngươi chớ ngại mà tiếp nhận Mary, vợ của ngươi; vì thai ở trong nàng là bởi thánh linh. Nàng sẽ sinh một trai, ngươi hãy gọi tên Ngài là Jesus; vì Ngài sẽ cứu dân của Ngài ra khỏi những tội lỗi của họ. [Jesus có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi].”

Joseph tỉnh dậy, đã xóa sạch những lo ngại, ông tươi tỉnh và chẳng bao lâu ông thành hôn với Mary. Họ sống chung tại Nazareth. Nhưng trước sau, Mary vẫn là một cô gái đồng trinh.

Một ngày, hai vợ chồng Joseph và Mary phải lên đường về bản quán Bethlehem như bao nhiêu người Do Thái khác do hoàng đế La Mã Augustus đã ra lệnh họ phải ghi tên mình vào danh sách đóng thuế của tổ tiên. Mary sắp đến kỳ sinh nở, do vậy chuyến đi có khoảng cách 110 km từ Nazareth tới Bethlehem đối với họ trở nên hết sức khó nhọc. Vậy mà Mary không có lấy một lời phàn nàn. Đến nơi thì các quán trọ đã trở nên chật ních, chẳng ai thèm ngó ngàng tới cảnh ngộ của hai vợ chồng sản phụ Mary.

Do vậy, Joseph đã phải đưa vợ mình vào nghỉ ở một chuồng gia súc. Ông kiếm một cái máng gỗ đựng thức ăn của súc vật, chùi thật sạch và lót cỏ khô vào đó để biến nó thành một cái nôi cho Jesus. Và Đức Chúa Jesus đã ra đời như thế.

Đức Chúa Jesus ra đời. (Ảnh: mariantime.org)

Khi Đức Chúa Jesus ra đời, cả thị trấn đang say giấc nồng. Đêm ấy thật yên ả và lại sáng sủa, bầu trời không mây, rải rác có những vì sao chiếu ánh sáng huyền ảo xuống những đàn súc vật đang say ngủ tại Bethlehem. Trên đồng cỏ chỉ có những người chăn cừu là còn thức. Bỗng có một ánh sáng chói lòa và mỹ diệu tỏa khắp bầu trời, một Thiên sứ xuất hiện phía trên họ trong vinh quang rực rỡ và cao giọng phán bảo cho những mục tử đang run rẩy quỳ xuống:

“Chớ sợ! Này đây, ta mang tới cho anh em tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho muôn dân. Hôm nay, trong thành David, đã ra đời cho mọi người Đấng Cứu Độ, Ngài là Chúa Christ. Và đây là dấu hiệu tỏ ra cho anh em: anh em sẽ tìm thấy một hài nhi mình quấn tã lót, nằm trong máng cỏ”.

Ánh sáng từ Trời tuôn xuống càng rực rỡ hơn và đột nhiên xuất hiện những sinh mệnh siêu phàm với hào quang chiếu rọi khắp nơi. Họ cùng cất cao tiếng hát ca ngợi Thiên Chúa:

“Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm, và dưới đất bình an thiện chí cho loài người Chúa thương”.

Rồi toàn bộ khung cảnh thù thắng ấy dần dần biến mất để lại các mục tử trong lòng hết sức chấn động, ngẩn ngơ. Họ bảo nhau cùng tới Bethlehem và tìm thấy Chúa hài đồng trên máng cỏ trong một chuồng gia súc. Họ kể lại cho Mary và Joseph mọi sự họ đã gặp trên cánh đồng. Ra về, lòng họ vẫn còn náo nức, gặp ai họ cũng kể về sự lạ họ đã thấy đêm đó. Đồng thời các mục tử khi về lại với bầy cừu của mình họ cũng hết sức vinh danh và ca ngợi Thiên Chúa đã gửi tới cho họ Đấng Cứu Độ, tức Đức Chúa Christ.

Còn Mary thì giữ kín trong lòng mọi sự bà biết, bà nghe và thấy. Vào ngày thứ tám sau khi đứa trẻ ra đời, hai vợ chồng Mary và Joseph đưa cậu bé đi làm lễ thánh hóa và đặt tên cho cậu là Jesus, cái tên có ý nghĩa “cứu độ”.

Hình ảnh Hang đá Chúa Giáng Sinh

Khi Jesus ra đời ở Bethlehem xứ Judea thì ở phương Đông, có ba nhà thông thái biết xem chiêm tinh đã nhìn thấy một ngôi sao mới rực rỡ xuất hiện trên bầu trời, vạch một đường sáng qua vòm trời hướng tới vương quốc Judea và mất dạng khỏi tầm nhìn.

Vốn là các nhà thông thái, họ biết ngôi sao ấy liên quan đến lời tiên tri được lưu truyền trong dân tộc Do Thái từ những ngày xa xưa về sự xuất hiện của một vị vua mới và vĩ đại của người Do Thái sẽ cứu rỗi dân tộc này.

Thế rồi, họ chất lên lưng lạc đà các quà tặng cho hài nhi ấy và khởi hành một chuyến hành trình dài. Vì Jerusalem là kinh đô thiêng liêng của người Do Thái, nên các nhà thông thái đã đi tới đó, hy vọng tìm thấy Đức Vua Do Thái mới ở một cung điện nào đó tại Jerusalem. Nhưng không có ai như thế cả.

Tuy vậy, tin đồn về chuyến viếng thăm nhà vua Do Thái mới của ba vị thông thái đã đến tai Herod Cả khiến ông ta hết sức lo lắng cho vương quyền của mình. Ông ta triệu tập các tư tế và kinh sư, những người ghi chép và diễn giải lời dạy của tiền nhân. Họ cho ông ta biết rằng Đức Christ, vị vua mới của Israel sẽ ra đời tại Bethlehem vùng Judea theo lời của các ngôn sứ xưa kia.

Sau đó, Herod kín đáo gọi ba nhà thông thái đến. Herod hỏi họ về thời điểm xuất hiện ngôi sao trên bầu trời phương Đông. Họ cho ông ta biết. Nhưng đến câu hỏi ranh ma tiếp theo của vua Herod: “Hiện giờ ngôi sao ấy ở đâu?” thì họ thành thực trả lời là họ không biết.

“Vậy hãy đi Bethlehem, vì theo lời các kinh sư thì có thể tìm thấy hài nhi ở đó. Nhưng khi các ngài tìm thấy hài nhi thì hãy quay lại đây cho ta biết để ta cũng đi bái lạy”. Herod nói.

Khi các nhà thông thái tới Bethlehem họ vui mừng thấy ngôi sao lúc trước lại xuất hiện đằng trước họ. Và khi nó dừng lại trên một ngôi nhà đơn sơ thì họ bước vào ngôi nhà ấy. Họ hết sức vui mừng thấy cậu bé đang nằm trên tay Mary và bên cạnh là người thợ mộc Joseph. Ba nhà thông thái đã quỳ xuống thật thấp bái lạy Đức Chúa hài đồng vì họ biết sau này cậu không chỉ là Vua mà còn là một Đấng Cứu Thế. Họ mở túi xách và rương hòm để biếu Jesus các tặng phẩm quý giá tương xứng với một đế vương: vàng tiêu biểu cho sự giàu sang trần thế; nhũ hương và mộc dược tiêu biểu cho lễ vật hiến dâng Thiên Chúa trên trời và còn rất nhiều các phẩm vật quý giá khác nữa.

Ba nhà thông thái đã quỳ xuống thật thấp bái lạy Đức Chúa hài đồng. (Ảnh: thesacredpage.com)

Sau đó, các nhà thông thái nghĩ đến việc quay trở lại Jerusalem để báo với vua Herod về nơi có thể tìm thấy hài nhi phi thường này. Nhưng đêm đó, mỗi người mơ thấy một giấc mộng như nhau. Trong giấc mộng đó, Thiên sứ của Thiên Chúa cảnh báo họ đừng báo cho Herod biết tin này. Do đó, họ rời Bethlehem và đi một đường vòng, tránh Jerusalem, để về lại xứ sở của mình.

Các nhà thông thái lên đường chưa bao lâu thì Thiên sứ cũng báo mộng cho Joseph. Thiên sứ nói: “Hãy thức dậy, hãy mang hài nhi và mẹ ngài trốn sang Ai Cập vì vua Herod sắp tìm đến giết ngài”.

Joseph lập tức tỉnh dậy và mang Mary và Jesus rời đi Ai Cập đêm ấy.

Còn Herod chờ mãi không thấy ba nhà thông thái quay lại. Sau cùng ông nghe nói họ đã về lại xứ sở của họ mà không đến gặp ông. Herod nổi giận lôi đình và cảm thấy lời phán truyền của các ngôn sứ có thể ứng nghiệm. Để loại trừ nguy cơ bị thay thế bởi vị vua mới, ông ta ra lệnh cho quân lính tìm và giết sạch những bé trai dưới hai tuổi tại Bethlehem.

Thế là một cuộc tắm máu những đứa trẻ đã diễn ra sau mệnh lệnh của nhà vua bạo tàn. Khắp Bethlehem vang lên những tiếng than khóc đau đớn và ai oán. Một bầu không khí tang tóc bao trùm đất Bethlehem vốn yên bình.

Trong khi ấy, Đức Chúa Jesus đã an toàn ở đất Ai Cập cùng với cha mẹ ngài, Joseph và Mary.

Từ Adam đến Noah tới Abraham rồi đến David, tiên tri Elijah, rồi đến Jesus… tộc người Do Thái, hậu duệ của những người được tạo ra bởi Thiên Chúa đã đi từ thiên niên kỷ này đến thiên niên kỷ khác, khi thì vinh quang rực rỡ, lúc lại trong nhục nhằn lao khổ. Nhưng mỗi khi lầm than, từ trong lòng dân tộc ấy lại sinh xuất một vị cứu tinh.

Khi lụt hồng thủy xảy ra có Noah gây dựng lại giống người Do Thái. Khi Dân Do Thái rên xiết dưới ách cai trị tàn bạo của người Ai Cập, họ có Moses dẫn họ vượt Biển Đỏ trở lại vùng đất hứa của sữa và mật ong. Khi họ bị người Philistine xâm lăng, Samson và David đã cứu họ. Và giờ đây, người Do Thái lại một lần nữa trông chờ vị cứu tinh đã được đề cập tới trong những lời phán truyền xa xưa của các ngôn sứ để cứu rỗi họ.

Tuy vậy, chẳng ai có thể ngờ rằng Đức Vua mới, Đấng Cứu Độ của người Do Thái, thậm chí là Đấng Cứu Thế của loài người lại có một xuất thân hết sức bình dân. Ngài làm con của một người thợ mộc, một người tốt và công chính, nhưng chẳng có quyền lực hay của cải gì đặng giúp Ngài lên ngôi vua. Ngài không sinh ra trong nhung lụa, nơi cung điện nguy nga mà lại ra đời trong một chuồng gia súc, nằm trên một cái máng ăn của lừa. Khi Ngài được sinh ra, cả nước chẳng nín thở mong chờ, chẳng có các đại thần tung hô vạn tuế. Ngoài cha mẹ Ngài, chỉ có những chú cừu, chú lừa hiền lành chứng kiến mà thôi. Nhưng, đấy là ý của Thiên Chúa mà con người ở cảnh giới tư duy của người thường sẽ không sao hiểu được.

Đến cả những nhà thông thái phương Đông cũng nghĩ rằng phải tìm Ngài ở cung vàng điện ngọc nơi kinh đô Jerusalem sầm uất. Đó là Đức Vua mới, là Đấng Cứu Độ cơ mà, nào ai nghĩ một vị cứu tinh cao cả của nhân loại lại ra đời ở một nơi bình dị như vậy.

Bên trong được mô phỏng rất đẹp.

Ấy cũng là sắp xếp của Thiên Chúa để sau này thử thách những người có đức tin mạnh mẽ, có lòng nhiệt tâm cầu đạo. Nếu họ qua lời tuyên giảng, qua tin mừng mà Chúa Jesus mang tới, qua những việc tốt lành mà Ngài làm cho con người mà họ sẵn lòng tin vào Chúa Jesus, đi theo Ngài bất chấp xuất thân bình dân của Ngài thì họ mới xứng đáng được ban ơn qua Đức Jesus mà vào đến nước Trời của Thiên Chúa.

Sau này, ngày sinh của Chúa Jesus được người Công Giáo gọi là Lễ Giáng Sinh hay lễ Thiên Chúa Giáng Sinh. Nó còn có những tên gọi khác là Noel, Christmas hay X’mas. Trong tiếng Pháp, Noël là từ viết tắt của Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Christ có nghĩa là “Đấng chịu xức dầu”, là tước vị của Đức Chúa Jesus. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (Thánh lễ). Do vậy, Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Jesus.

Nếu Phật Giáo có ngày 8/4 âm lịch là ngày sinh nhật hay đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì Cơ Đốc Giáo có đêm 24, ngày 25 là ngày sinh nhật hay ngày Giáng Sinh của Đức Chúa Jesus. Theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm nên Noel thường được mừng từ tối ngày 24/12. Ngày 25/12 được gọi là “Lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24/12 gọi là “Lễ Vọng”.

Và Chúa Jesus, Đức Phật Thích Ca hay các Đại Giác Giả khác, với uy đức và những phẩm chất cao thượng vượt hẳn người thường, các Ngài luôn luôn có một sức thuyết phục bẩm sinh đối với dân chúng. Vì vậy điều này bao giờ cũng là mối lo ngại và ghen tị của các chính quyền thế tục đương đại. Nhưng cuối cùng, những điều mà các Ngài rao truyền là Chính Đạo có sức sống lâu dài, được loài người đón nhận và tôn vinh; trong khi thân xác của các bạo chúa vô minh, vô Đạo đã tan nát từ lâu và tên tuổi của họ bị đời đời nguyền rủa.

Chúng ta không biết chi tiết tất cả những vật phẩm mà ba nhà thông thái đã mang từ phương Đông xa xôi tới để dâng tặng lên Chúa hài đồng, nhưng từ tích đó mà sau này có tục tặng quà Giáng Sinh trong dân gian, với những món quà hết sức phong phú. Vì ngày Chúa ra đời là ngày mà Ngài mang tin mừng đến với thế gian, rằng con người sẽ được cứu rỗi.

Trong ngày Lễ Vọng hàng năm, người phương Tây lại hát lên khúc thánh ca “Veni Veni Emmanuel” để cùng sống lại thời khắc đáng mong chờ nhất trong lịch sử: Ngày Chúa hài đồng sắp ra đời:

 

Bình Nguyên

 Chú thích: Bài viết có tham khảo tác phẩm “Chuyện Kinh Thánh” của nữ văn hào đoạt giải Nobel văn chương Pearl Buck và tác phẩm Kinh Thánh Tiếng Việt bản hiệu đính.
 
 Hồng Vân sưu tầm
 
 
 
 
onggianoelchoqua
 
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %17 %178 %2018 %22:%12
back to top