Giáng Sinh trong Tòa Bạch Ốc

Giáng Sinh trong Tòa Bạch Ốc

 

 

 

Hàng năm đến mùa Giáng Sinh, Thư Viện Tổng Thống George W. Bush tại Dallas đều có một cuộc triển lãm mang tên “Christmas at the White House”. Nơi đây khách viếng sẽ được chiêm ngưỡng cách bài trí Giáng Sinh trong Toà Bạch Ốc dưới thời ông bà Bush 43. 

Cây Noel trong thư viện George W. Bush. ảnh: ianbui

Truyền thống trang hoàng “Ngôi Nhà của Dân”, nơi tổng thống Mỹ và gia đình được phép tạm trú trong vài năm, đã có từ thế kỷ thứ 19. Thuở ban đầu việc trang trí còn rất đơn sơ. Các phu nhân tổng thống thường cho người giăng những cườm hoa (wreath) và treo các món trang trí nhè nhẹ.

Thời ấy Giáng Sinh chưa phải là ngày lễ toàn quốc như bây giờ, và Bạch Cung cũng chưa làm các buổi tiệc lớn như ngày nay. Năm 1800, Tổng Thống John Adams [nhiệm kỳ: 1797-1801] và vợ là Abigail đã tổ chức một bữa tiệc Giáng Sinh cho cô cháu nội 4 tuổi là Susanna Adams, lúc ấy đang sống với ông bà ở Toà Bạch Cung. Họ cho mời một số quan chức trong chính quyền cùng con cháu đến dự buổi tiệc Giáng Sinh đầu tiên ấy, thế là một truyền thống mới được ra đời. Từ đó đến nay năm nào các vị tổng thống kế nhiệm cũng có tiệc Giáng Sinh, và việc trang hoàng Toà Bạch Ốc vào dịp này càng ngày càng công phu và lộng lẫy hơn.

Năm 1835 Tổng Thống Andrew Jackson [1829-1837] đã tổ chức những trò chơi cho con cháu trong Bạch Cung vào mùa Noel — có âm nhạc, nhảy đầm, một bữa dạ tiệc linh đình, kết thúc bằng một trận ném tuyết (snowball fight) bằng những cục bông gòn được đặc chế làm tuyết giả (để không bể đồ trong nhà).

Đệ nhất Phu nhân Melania Trump giữa rừng thông đỏ trong Tòa Bạch Ốc. nguồn: White House

Người dựng cây thông Noel đầu tiên trong Toà Bạch Ốc là Tổng Thống Benjamin Harrison [1889-1893]. Năm 1889 ông cho đặt hai cây thông ngay trong Phòng Bầu Dục trên lầu hai, rồi cho trang trí bằng đèn cầy và các món trang sức linh tinh. Tuy nhiên, không phải tổng thống nào sau Harrison cũng bắt chước; thường chỉ những gia đình có con hay có cháu nhỏ mới nghĩ tới chuyện làm cây thông. Năm 1891 Toà Bạch Ốc được gắn điện. Thế là ba năm sau, dưới thời Tổng Thống Grover Cleveland, lần đầu tiên Toà Bạch Ốc có một cây thông có bóng đèn điện.

Ðầu thế kỷ 20, Tổng Thống Theodore “Teddy” Roosevelt [1901-1909] không những không dựng cây thông mà còn cấm không cho ai dựng cây thông trong Bạch Cung. Ông yêu thiên nhiên, muốn bảo vệ môi trường, nên không khuyến khích việc chặt cây đốn rừng.

Vào thời đó đa số dân Mỹ cũng đồng ý với Teddy về vấn đề bảo tồn thiên nhiên, nên đã nổ ra nhiều cuộc bàn cãi trong công chúng về việc dựng cây thông Noel trong nhà. Thế nhưng một mùa Giáng Sinh nọ, cậu con trai 8 tuổi của ông bà là Archie Roosevelt đã lén Bố mang một cây Noel vào giấu trong phòng quần áo trên lầu để trang hoàng, rồi đặt những món quà Giáng Sinh nho nhỏ dưới chân cây cho anh chị em (và cho cả Bố Mẹ mình).

Cây Noel đầu tiên của Tổng Thống Grover Cleveland. nguôn: library of Congress

Sau khi việc làm của cậu bé Archie bị phát hiện, công luận bắt đầu nghiêng dần về phía nên có cây Noel. Ngành nuôi trồng cây thông cho mùa Giáng Sinh nhờ vậy mà phát triển; đồng thời kỹ nghệ làm cây giả từ đó cũng vươn lên. Ngày nay hầu hết cây thông giả đến từ … China!

Năm 1923 Tổng Thống Calvin Coolidge làm lễ đốt đèn cho Cây Thông Quốc Gia dựng trước Bạch Cung; truyền thống này đã được tất cả các tổng thống đời sau nối tiếp.

Phòng khánh tiết thời FDR

Sang thập niên 1930, hai vợ chồng Tổng Thống Franklin D. Roosevelt [1933-1945] luôn luôn tổ chức những buổi tiệc Giáng Sinh thật ấm cúng cho con cháu tựu về. Tiệc Giáng Sinh của ông bà bao giờ cũng có ca nhạc, ăn uống, nhảy đầm… và đặc biệt là món ice cream với hình dáng Ông già Nô-en! Ông bà Roosevelt có rất nhiều cháu; có đến bốn thế hệ Roosevelt từng quây quần bên lò sưởi trong Bạch Cung để nghe ông Cố FDR đọc cho cháu chắt nghe câu chuyện “A Christmas Carol” của Charles Dickens.

Jacqueline Kennedy, phu nhân của Tổng Thống John F. Kennedy [1961-1963], là người nảy ra ý kiến trang hoàng Bạch Cung theo “chủ đề”. Noel đầu tiên bà cho dựng cây thông thật lớn trong phòng Blue Room của Bạch Cung và trang trí bằng những nhân vật trong truyện “The Nutcracker”. Từ đó về sau phòng Blue Room trong Bạch Cung trở thành địa điểm chánh để dựng cây thông, và truyền thống trang hoàng theo chủ đề được kéo dài cho tới bây giờ.

 Tổng Thống Franklin D. Roosevelt cùng với cháu chắt. nguồn: library of congress

Tổng Thống Dwight Eisenhower [1953-1961] là người giữ kỷ lục có nhiều cây thông Noel trong nhà nhất: 26 cây. Nhưng Bill Clinton [1993-2001], với chủ đề “Santa’s Workshop” đã qua mặt Eisenhower với 36 cây. Tổng Thống George W. Bush [2001-2009], người nối nghiệp Bill Clinton, cũng cố đuổi theo với 27 cây thông mang chủ đề “Red, White and Blue Christmas” vào năm 2008. Nhưng, so với vị Tổng thống đương thời thì cả hai ông bà Bush và Clinton đều thua xa lắc.

Bà Melania Trump đã cho trang hoàng Toà Bạch Ốc với 53 (!!) cây thông — tuyền một màu đỏ rực, với chủ đề “American Treasures”. Và như để nhấn mạnh sự giàu có của “Kho Tàng Quốc Gia”, bà đã cho giăng 71 cườm hoa, 12,000 vật trang trí, và 18,000 bóng đèn màu đủ loại khắp nhà. Thế mới gọi là “dân chơi thứ thiệt”!

Trong cuộc triển lãm tại thư viện Tổng Thống Bush ở Dallas năm nay, một số cây thông đã được phục dựng lại giống y như mùa Giáng Sinh 2006 trong Bạch Cung. Chủ đề của năm đó là “Deck the Halls and Welcome All” (Giăng đồ trang trí và chào đón mọi người).

Theo lời thuyết minh của hướng dẫn viên, tất cả mọi thứ treo trong phòng đều là đồ thật đã được dùng trong White House, do đó mọi người được yêu cầu không đứng quá gần khi chụp hình kẻo xảy ra “tai nạn”. Nói thì vậy, nhưng cũng lắm người nghe xong bỏ mặc ngoài tai, cứ sấn sấn tới gần mấy cây thông để chụp cho bằng được tấm selfie cười toe toét, làm nhân viên phải luôn miệng nhắc chừng.

Trưởng nữ Caroline Kennedy bên cây thông được trang hoàng

theo chủ đề “The Nutcracker”. nguồn: library of congress

Trong số những đồ vật quý giá tại đây, đặc biệt bắt mắt Bùi mỗ là chân đèn cầy “Menorah”, quà tặng của chính phủ Israel. Số là ông Bush 43 là vị Tổng thống đầu tiên đã tổ chức tiệc Rosh Hashanah mừng Năm Mới của người Do Thái trong Tòa Bạch Cung. Ðể sửa soạn cho buổi ăn đó, toàn bộ dụng cụ nhà bếp và các đầu bếp của White House phải được trải qua một quá trình “kashering”, tạm dịch là “khử sạch”. Tất cả thịt cá, sữa trứng v.v… đều phải được chuẩn bị đúng quy trình “kosher” theo các điều luật trong Do Thái Giáo. 

Chân đèn cầy “Menorah” được trưng bày tại thư viện
Tổng Thống George W. Bush. ảnh: ianbui
<><><><>
Ian Bui
~~><~~
Hồng Anh sưu tầm
back to top