Tết Về Vạt Cải Hoa Vàng
Tết Về Vạt Cải Hoa Vàng
✲´*。.❄¨¯`*✲。❄。*。¨¯`*✲
Sau cái se lạnh gió mùa đông bắc, sau tháng chạp sương mù, sau mùa màng khai hoang vỡ đất, những hạt giống cựa mình nảy mầm đón khí dương... Cũng là lúc người ta ngồi lại với nhau, hít thở khí trời mà hồi sức, chuẩn bị năm mới, đón Tết.
Tết, dường như là một cuộc đại đoàn tụ gia đình, dù ai có đi ngược về xuôi, có bôn tẩu khắp mọi nẻo đường thì tự dưng ngày sắp Tết, nỗi nhớ quê, nhớ những kỷ niệm ngày thơ bé, nhớ mái nhà xưa, nhớ bếp lửa hồng ấp áp… Tự dưng cái chân muốn quay về, ba thế hệ, năm thế hệ quay quần bên nếp nhà cũ...
Về làm gì ư? Người lớn thì thắp ông bà tổ tiên một nén nhang, thăm viếng mọi gia đình, ai còn ai mất, (đây là câu chuyện của thời chưa có điện thoại, cái thời có điện thoại mà đứt thông tin thì cũng vậy thôi) ngồi đun củi nấu một nồi bánh chưng, bánh tét, phụ nữ thì cùng với mẹ già đi phiên chợ Tết, đàn ông thì cùng với cha già tỉa tót mấy cành mai, cắm chói vườn hoa cải…
Cứ thế, tháng chạp trôi qua trong cái hơi lạnh se se cuối đông, trong cái hương vị thơm nồng cay cay của cúc tần, ngò cải đơm bông.
Tết về trong mắt trẻ thơ bắt đầu từ những bộ áo quần mới bà may hoặc mẹ dẫn đi mua, đôi khi đâu đó là chút hoài niệm trong những bản xuân xưa của người lớn, những nhành mai ông cắm trước bàn và những bông vạn thọ khắp vườn tỏa hương.
Tết về bên những nồi bánh chưng, bánh tét bà nấu, bên nhưng hũ dưa kiệu, những cái bánh in, những lát mứt gừng, mứt nghệ.
- Bà ơi, sao bà làm nhiều mứt vậy bà?
- Vì sắp Tết đó con.
- Sao Tết lại làm nhiều mứt vậy bà?
- Ừ, thì để đón Tết con à. Mỗi người mỗi quan niệm nhưng bà quan niệm rằng mỗi màu mứt tượng trưng cho mỗi mùa khác nhau trong năm. Bà làm mứt dừa lá dứa cho mùa xuân, mùa của vạn vật đâm chồi nảy lộc. Mứt gừng, mứt nghệ, mứt quất tượng trưng cho mùa hè nắng, lúa được mùa tươi tốt.
Mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt dâu tây tượng trưng cho mùa thu đầy níu giữ hương sắc và bà làm mứt sen tượng trưng cho mùa đông, mùa của mút mùa lệ thủy mưa rơi, và cái này khác này cháu, bởi mứt sen màu trắng, màu của mưa trắng trời nhưng bà nghĩ rằng mưa, lụt chỉ làm sen ẩn mình rồi nắng ấm, nước xuống, sen lại cựa mình vươn dậy, trổ hoa thơm ngát con à. Vậy nên đông rồi sẽ qua, xuân sẽ tới. Bà mới làm nhiều mứt như vậy.
Các loại mứt
Màu mứt của bà theo tôi cho đến những ngày cuối tháng Chạp, lúc ông chặt lá chuối, tước lạt giang, bà vút nếp và dùng đậu xanh làm nhân bánh, thêm một ít thịt heo vừa được chia phần. Ông khéo léo gói những đòn bánh tét, bà cẩn thận chất bánh vào nồi và bắt đầu nổi lửa.
Thường thì bà nấu bánh từ chiều hôm trước cho đến tận sáng hôm sau. Đứa trẻ như tôi thích nhất khi thi thoảng được đẩy củi vào lò giúp người lớn, rồi cố thức cho đến tận giữa đêm, lúc ông vớt những chiếc bánh tày, được gói bằng lá dong với một ít nếp và đậu đỏ trộn lẫn vào nhau. Ánh lửa bập bùng trong đêm lạnh, mùi bánh tày thơm phức, ăn xong, tôi gục đầu vào bao vỏ trấu và ngủ ngon lành đến sáng.
Chiều 27 Tết, cả xóm nơi tôi ở rủ nhau giết thịt một con heo để chia phần ăn Tết. Heo được mua bao giờ, được làm ở đâu không biết, nhưng khi thấy thằng con trai ông trưởng xóm dùng ống đu đủ để thổi bong bóng heo là tôi biết rằng mình sắp được ăn tất niên, được cùng bà làm món tré. Những phần thịt được đặt trong những mảnh lá chuối, mỗi nhà được một phần có đủ tất thảy từ thịt mông, thịt vai, lòng, huyết, xương...
Riêng chiếc đầu heo, cả xóm thống nhất rằng không chia phần mà để dành biếu ông cúng tất niên. Mà ông thì cúng tất niên cho cả xóm chứ không cho riêng gia đình ông. Đây cũng là khoảng thời gian thú vị nhất của cái Tết tuổi thơ tôi. Cúng tất niên xong, bà mang chiếc đầu heo xuống, lấy thịt riêng, xương riêng, lấy tai mũi, da làm món tré.
Một ít riềng gọt sạch vỏ, một ít tỏi, một chút tiêu, một ít mè, lá chuối rửa sạch và xếp thành từng lớp… Tai mũi, da nọng luộc chín một lần nữa và thái mỏng trộn đều, nhẹ tay với những gia vị trên cộng một ít muối, đường để tránh nổi mỡ. Đợi mười phút sau thì bắt đầu gói tré.
Gói tré là cả một nghệ thuật, công đoạn này vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính tâm linh. Khi gói phải nhẹ tay, không nhận quá chặt và tâm ý phải hợp nhất, nghĩ về điều thiện lành thì món tré mới ngon được. - Bà nói vậy rồi cười móm mém.
Tré gói xong treo lên giàn bếp củi để hong khói, ba ngày sau mở ra, bên trong những lớp lá bay mùi hơi chua chua, khai khói là món tré thơm lựng gia vị, mùi riềng, mùi tỏi, mùi da heo vừa lên men… thật khó mà tả cho trọn!
Một dĩa bánh tét, một dĩa củ kiệu, một bánh tré, một xị rượu đế cho ông, những thứ này quyện vào nhau tỏa ra một mùi hương không có gì để đặt tên… tôi gọi nó là mùi Tết.
***
Sáng mồng một Tết, ông mặc áo dài khăn đóng đốt một lò trầm, thắp một nén nhang lên bàn thờ và gọi con cháu ngồi xúm xít để ông lì xì mừng tuổi. Bà ra trước hiên bẻ mấy nhành hoa vạn thọ trao cho mỗi đứa cháu, dặn chúng nhớ chúc ông mạnh khỏe, thượng thọ như cái tên nhành hoa mà con cháu đang dâng tặng.
Ông trao phong bì lì xì cho mỗi đứa kèm theo một cái xoa đầu và lời chúc mau ăn chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang.
Gia đình đoàn viên
Chừng 8 giờ sáng, ông dắt tôi đi qua nhà thờ ông bà để thắp nhang, vái lạy, rồi đi thăm những người quanh xóm, đi chúc Tết những gia đình bà con, bạn bè. Xong, ông dẫn tôi ra đầu làng nghe hô bài chòi. Cái âm bài chòi mải miết con nhì nghèo, con ba bệnh, con tam huê, con bạch tuyết, con tướng quân, con sĩ tử, con hoàng hậu, con nhà vua… cùng với điệu bộ rung lắc, hát đệm của người hô, nghe cứ như chứa đựng cả một năm mùa màng và khao khát, có lúc vời vợi chiều tà, thấp thoáng cánh cò bay chơi vơi qua sông trắng, có lúc xao xuyến tiếng chim trời miên man thả vào mây, cái âm thanh ấy, giọng điệu ấy theo tôi suốt một mùa Tết, suốt ba tháng xuân, kéo dài cho đến tận mùa thu, mùa đông, rồi cả một đời người…
Rồi một mùa tháng Chạp, tôi đã bước vào tuổi 23, qua rồi cái thời sinh viên xa nhà, trở về với ông bà đón Tết. Mỗi buổi tối mùa đông, ông kéo chăn đắp bà khỏi lạnh. Sáng ra, bà hỏi sao gạo lại tan trong nước, ông hú hồn khi tay bà không sao. Tôi ngơ ngẩn nhìn bao phân ure đã vơi đi một ít, ra là bà tưởng ure là gạo và mang đi nấu cơm. Nhìn củ riềng bà mới thái nhỏ, tôi lơ mơ hiểu rằng có lẽ bà định nấu cơm để lấy men làm tré.
Những chiếc tré, những dĩa mứt gừng, mứt nghệ, mứt quất, mứt cà rốt dọn ra. Tôi ôm bà và xin bà tha lỗi vì vẫn chưa thể làm được món mứt sen, màu trắng, màu của mưa ngút trời miền trung, màu của sự vươn mình sau mưa bão, của thân phận con người nhỏ nhoi trước thiên nhiên, vạn vật, màu của ý chí, màu của sự vươn vai của mỗi số phận.
Mồng Một Tết, ông khoác tấm áo mới cho bà, rồi chống gậy dắt bà lên đầu làng, thăm cô con gái nhỏ giờ đã ngoài 40, thăm bà con họ hàng, đi nghe hô bài chòi trước sân đình.
Tiếng hô bài chòi như âm hưởng mùa xuân, kể về cuộc đời một người vợ ngoan hiền, một người mẹ tần tảo nuôi con, một người bà hết lòng vì cháu... Đông năm ấy bà đi xa mãi mãi!
Một cái Tết nữa lại về, ông bà bây giờ đã đi xa, con cháu mỗi đứa một nơi, có đứa thành đạt cũng có đứa lang bạt kì hồ chẳng biết đâu là ngày mai, đâu là bờ bến… Cứ đến tháng chạp, khoảng chừng hai mươi âm lịch lại kéo nhau về, đứa thì chồng con đề huề, đứa thì tóc nhuộm muối tiêu vẫn còn phòng không, tay trắng cùng quây quần bên lễ cúng chạp mả, cúng gia tiên, làm bánh tét đón Tết, nhưng bây giờ không còn ông để dẫn mấy đứa cháu trai ra chỉ từng ngôi mộ, đâu là mộ ông bà, đâu là mộ cô, chú, cậu dì, đâu là những ngôi mộ vô danh của những người chết trong chiến tranh mà dòng tộc đã quy tập.
Lễ tảo mộ vẫn diễn ra nhưng sao vẫn thấy thiếu thứ gì đó, có lẽ đó là giọng nói trầm ấm và dáng đi chầm chậm của ông, thiếu một dáng ngồi khiêm đoan, từ tốn gói bánh gói tré của bà, thiếu một chút háo hức con nít trong cái vui lân lân, xúng xính áo mới, quần mới, áo mới của đám trẻ tụi tôi hồi đó.
Tết lại về, thời thị trường mở cửa, mọi thứ được quy ra tiền, chỉ cần ra siêu thị đi một lượt là có bánh tét, bánh chưng, có chả nem lụa, các thứ hàng cao cấp, có thể là được tiệt trùng kỹ lưỡng, được bỏ nhiều hương vị lạ của thời hiện đại, có thể là thơm hơn… nhưng sao tôi vẫn thấy làn lạt, thiếu thiếu một cái gì đó khó tả, có lẽ thiếu một mùi bếp quê đườm đượm khói rạ và hoa cải cuối năm…
Bây giờ, người ta vẫn tổ chức cúng xóm, cùng làng, họp xóm cuối năm, đầu năm, họp mặt bạn bè, họp lớp… Rượu bia ê hề, thịt xôi đầy mâm, nói cười hả hê… Nhưng sao tôi lại thấy thiếu! Thiếu một chút sâu lắng, thiếu một chút ấm áp, thiếu một chút lòng người thanh tân buổi đầu năm.
Nhưng dẫu sao cũng xin cảm tạ những vạt hoa cải vàng, cảm tạ những luống cúc tần, ngò tía không tiếng, không lời, im lặng trổ bông và tỏa hương, im lặng đẹp như một thiền sư đón Tết!
Uyển Ca
Tết Kỷ Hợi ( February 5, 2019 )
Ngọc Lan sưu tầm