Hành Trình Xuyên Việt Trip # 16
Hành Trình Xuyên Việt Trip # 16
*** Nam Mai ***
HUẾ - Đồi Vọng Cảnh - Thành phố ma An Bằng - Đầm Lập An (Huế) - Biển Lăng Cô - Đà Nẳng: Thứ tư ngày 18 tháng 1 năm 2017.
Đồi Vọng Cảnh tại Huế:
Khi nói đến Huế, người ta thường hay nhắc đến Sông Hương, Núi Ngự, chùa Thiên Mụ và Lăng Tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn .... ngoài ra còn có một địa điểm thơ mộng nửa là Đồi Vọng Cảnh cũng hay được nhắc đến. Trước đây (dĩ nhiên là khi còn ở cái tuổi mơ mộng, suốt ngày ôm mấy cuốn tiểu thuyết của Nhã Ca, Túy Hồng viết về những chuyện tình của Huế), N đã đọc đâu đó hay là đã từng nghe nhắc đến chuyện những cặp tình nhân thường hay đưa nhau lên đây để thề non, hẹn biển .... Khi ấy N rất là tò mò, không biết cái đồi Vọng Cảnh này nó thơ mộng và hấp dẫn ra sao mà cặp nào cũng ưng đưa nhau đến đây vậy. Mấy lần trước ghé Huế, muốn lên xem đồi Vọng Cảnh mà thời giờ eo hẹp quá không đi dông dài được, lần này thì N nhất định cho địa điểm này vào chương trình để được xem cho thỏa chí tò mò của mình. Ngoài ra, trong buổi sáng cuối cùng còn ở tại Huế hôm nay .... mọi người cũng đã đồng ý với nhau là sẽ cho vào chương trình một địa điểm rất thú vị cần phải đi xem tận mắt cho thỏa chí tò mò nửa, đó là .... Thành Phố Ma An Bằng. Vậy thì sáng hôm nay mời các bạn theo chân Group 4 đi viếng thăm Đồi Vọng Cảnh và Thành Phố Ma An Bằng trước khi rời Huế để lên đường đi Đà Nẳng nhé.
Đúng 8:30 sáng, Group 4 check out khỏi hotel và Cậu Quang đã có mặt để đón 4 bà khởi hành đi xem đồi Vọng Cảnh. Đồi này cách trung tâm thành phố khoảng 7 km, tọa lạc ở phía Nam thành phố Huế, nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, thuộc phường Thủy Biều.
Trước khi cho vào chương trình để đi xem địa điểm này, N cũng có tìm hiểu qua chút ít về nó rồi. Thấy nói đồi Vọng Cảnh được xem là một nơi ngắm nhìn Cố Đô từ trên cao đẹp nhất. Đặc biệt, đây là nơi lý tưởng nhất nếu bạn đến ngắm cảnh tại nơi này vào lúc bình minh hay buổi hoàng hôn, thì sẽ được nhìn thấy những tia nắng chiếu rọi qua từng tán lá với những ánh nắng lấp lánh chiếu trên dòng sông Hương, thời gian thích hợp nhất để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp núi sông từ đồi Vọng Cảnh là vào lúc chiều tà khi hoàng hôn buông xuống, khoảng 5:00 giờ vào mùa Đông và 6:00 giờ vào mùa Hè. Vào khoảng thời gian này mặt trời sẽ từ từ khuất dần sau núi non chập chùng với những áng mây ngã sang màu đỏ, và bầu trời lúc đó sẽ nhuộm một màu vàng óng ả đẹp tới mê hồn. Hm! đó là những gì N đã "researched" được, nhưng hôm nay mình lại khởi hành lúc 8:30 thì bình minh .... đã qua rồi. Còn cái thứ hai (mà N tin chắc là các bạn mê chụp hình nào cũng thèm thuồng) đó là chịu khó chờ cho đến khi .... chiều tà hầu xem cảnh mặt trời lặn để may ra có thễ chộp được một vài tấm ảnh với một bầu trời nhuộm vàng óng ả đẹp hết biết .... thì chắc là tụi N không chờ được rồi, vì theo chương trình mình chỉ còn được ở đây có 1/2 ngày thôi ạ. Tỷ dụ nếu như cứ "cố đấm ăn xôi" chịu khó ở lại chờ đến khi chiều tà, nhưng ngộ nhỡ đến chiều mà .... Trời mưa thì chắc là hỏng bét! Thôi thì thuận giờ nào đành xem giờ đó vậy, thử xem đồi Vọng Cảnh nó thơ mộng và hấp dẫn ra sao mà các cô cậu nào cũng đưa nhau lên đây vậy nhé các bạn.
Để lên đồi Vọng Cảnh cũng không quá khó khăn, từ trung tâm thành phố tới đây chỉ độ khoảng 20 phút thôi. Đường tới đây khá đẹp và dễ đi, hai bên đường trồng nhiều thông xanh biếc, càng lên cao càng mát gió thổi vi vu bên tai. Xe đang chạy ngon lành, tự nhiên nghe thấy có tiếng 1 bà la lên "ơi, ngừng! ngừng xe! ngừng xe! ". Hết hồn! tưởng có bà nào làm rớt máy ảnh hay cell phone ra khỏi xe, hóa ra, có 1 bà (không phải N nha) nhìn thấy ở hai bên ven đường, người ta đang phơi nhang, và hai bên đường có nhiều tiệm bán nhang với đủ màu xanh đỏ rất đẹp mắt, cùng với nón lá và các đồ mỹ nghệ làm bằng tay ..... À, hóa ra đồi Vọng Cảnh Huế nằm trên quảng đường của làng hương (làng làm nhang) và làng nón truyền thống của xứ Huế. Mọi người xin với cậu Quang và bác tài Lý cho ngừng tại đây để xem cho biết.
Họ bày nhang để bán và phơi nhang ngay trên đường xe chạy các bác ạ.
Bà bán hàng chỉ cách cho N se cọng nhang để làm ra cây nhang đây ạ
Ngừng chỗ bán và làm nhang khoảng 15 phút thì mọi người lại tiếp tục lên đường. Khi tụi N đến tới chân đồi Vọng Cảnh thì .... thấy vắng hoe, khung cảnh điều hiu hút gió, cây cỏ lơ thơ, lác đác có vài .... con bò được thả rong lên sườn đồi cho ăn cỏ. Hổng thấy có du khách nào lai vảng đến đây .... ngoài 4 bà của group 4 thôi các bác. Có thễ vì nơi đây không phải là điểm du lịch quá phổ biến nên ... không gặp cảnh người chen người chăng??? Hm! nếu vậy thì chắc có lẽ chính điều này đã giúp nơi đây vẫn giữ được nguyên vẻ yên bình tĩnh lặng, êm đềm đúng chất Huế mộng mơ đây chăng!!!
Tụi N lần mò leo lên đỉnh đồi, nhưng vừa đi thì phải vừa ngó trước ngó sau vì sợ dẫm phải .... mìn (phân bò đó các bác). Ở dưới chân đồi từ từ leo lên .... nhìn bao quát chung quanh thì cảnh vật cũng chẳng có chi gọi là hấp dẫn vì chỉ thấy toàn là phân bò, rồi cỏ dại và rác rưởi .... lưng chưng đồi thì có một vài cái mộ cổ bỏ hoang, vài cái lô cốt củ kỷ hoang phế lâu đời bằng đá .... nó làm cho ta có cái cảm giác e dè hơi sợ, sợ như mình đang đi nhầm vào một chỗ hoang tàn không có người chăm sóc, chứ không phải là chỗ đã từng được mọi người nhắc đến là một trong những chỗ có cảnh đẹp tại cố đô .... Nhưng khi leo lên đến tận đỉnh đồi rồi .....thì thấy mở ra trước mắt mình là một cảnh sông núi bao la nhìn cũng đẹp và cũng thơ mộng phết. Trước mặt là con sông Hương hiền hoà thơ mộng với dòng nước trong xanh đang quanh co uốn lượn. Hai bên bờ xa xa nhìn thấy cây cối xinh tươi, N lại đoán mò chắc đây là những khu vườn cây ăn trái như cam, nhãn, quýt, thanh trà xen lẫn bóng thông của nhà dân chúng ở chung quanh khu này chăng? Lên đến đây, N chụp được đúng có 3 cái ảnh thôi nhé các bác, sẽ post lên để các bác nhìn xem cho biết Đồi Vọng Cảnh hiện nay.
Vì mình không có đến đây vào lúc bình minh cũng như vào buổi chiều tà nên đã không chiêm ngưỡng được cái vẻ đẹp thực sự của nó, tuy nhiên nhìn bao quát chung quanh quang cảnh này thì có thễ nói rằng cảnh cũng rất thơ mộng và nhất là lại rất vắng vẻ nên chả thế mà những cặp tình nhân đều ưa thích chỗ này là phải rồi. Chẳng có ai léo hánh lên đến đây cả nên N lại nghĩ ..... vì thế mà khi xưa các cô cậu hay đưa nhau lên đây tâm tình để khỏi bị .... hàng xóm làm phiền chăng??? Ơ kìa, bây giờ N mới nhớ ra là ba O đi với N lên xem đồi Vọng Cảnh hôm này đều là các O Huế cả, thế mà N lại quên không phỏng vấn ba O ấy rằng khi xưa đã có từng lên ngắm cảnh trên này hay không, và cảnh xưa nó có khác với cảnh bây chừ hay không chứ.
Ở giửa lưng chừng đồi, có cái mộ cổ nằm đây
Hình chụp từ đỉnh đồi nhìn xuống giòng sông Hương
Chung quanh gốc cây chỗ N đứng thì toàn là cỏ dại cao chằng chịt nên không dám đi xa để khám phá vì sợ rắn cắn các bác ạ.
Thành phố Ma An Bằng - Huế:
Nếu đã một lần đến cố đô Huế, bạn hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi những lăng mộ rộng lớn được sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh tế của các vị Vua đời nhà Nguyễn. Từ bao đời nay, người Huế luôn xem trọng chuyện mộ phần khi về cõi vĩnh hằng để gửi thác cả về thể xác lẫn linh hồn. Những người Huế ở tuổi xế chiều sẽ tính đến việc tìm một phần đất, thường là ở địa thế cao ráo, để được con cháu xây mộ khi họ về bên kia thế giới. Và để thưởng ngoạn khu lăng mộ bề thế nhất ở Huế, mời các bạn cùng với N đến thăm làng An Bằng.
Cách thành phố Huế khoảng 36 km, xuôi theo tỉnh lộ 49B từ Huế về phía Đà Nẵng, sẽ đi qua làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Làng này nằm ở ven bờ biển, đã nổi tiếng nhiều năm nay vì thu hút nhiều du khách ghé thăm dù không phải là một địa danh du lịch. Trước đây, làng An Bằng là một làng chài nghèo, cuộc sống của người dân chỉ nhờ vào những chiếc thuyền đánh cá nhỏ ngoài biển khơi, ông bà tổ tiên quanh năm thiếu thốn, đã từng có người trong làng làm ăn không đủ sống phải đi làm thuê cho các vùng lân cận. Sau cuộc đổi đời vào tháng 4 năm 1975, nhiều người trong làng đã bỏ quê cha đất tổ vượt biên qua xứ người. Cùng với bản tính chịu khó và siêng năng cần cù, sau này hầu hết họ đều trở nên giàu có. Trong thời kỳ cuối thập niên 70, những gia đình có người vượt biên đi nước ngoài, thì người còn ở lại của gia đình đó phải sống trong cảnh cực khổ ê chề, cha mẹ vợ con anh em bị trù dập và chịu nhiều điều khổ nhục, nhiều người đã đổ bệnh mà chết. Kể từ năm 1990 sau thời kỳ mở cửa, những người con xa quê mới tìm cách liên lạc với gia đình, từ đó mới có những chuyến về thăm nhà để lo lắng bù đắp tiền bạc cho những người còn ở lại và làng An Bằng thật sự đã được thay da đổi thịt từ đây. Những ngôi nhà đồ sộ bắt đầu mọc lên dành cho người sống còn ở lại, cùng với những ngôi lăng mộ chạm trổ cầu kỳ cũng được xây dựng cho những người đã chết. Vì khi những người con xa quê trở về mang theo sự giàu có, họ không những sẽ lo cho người sống đầy đủ, mà họ còn có bổn phận báo hiếu cho ông bà cha mẹ anh em, là những bậc sinh thành đã nuôi dưỡng họ, cũng như những người đã chịu biết bao đắng cay tủi nhục, bị hành hạ thể xác cũng như tinh thần vì có người thân vượt biên ra nước ngoài mà thời điểm đó đã bị kết tội là “phản bội tổ quốc”. Vì vậy bây giờ người sống thì được bù đắp bằng một cuộc sống sung túc, nhà cửa khang trang, và người chết thì phải được Mồ yên Mả đẹp, đó chính là sự báo hiếu đối với ông bà tổ tiên, và coi như là tấm lòng của họ hướng về quê cha đất tổ. Khu nghĩa địa An Bằng rộng khoảng 40,000 m2 trải dài đến gần biển, có khoảng chừng cả nghìn ngôi mộ có diện tích rộng từ 40 – 400 m2, có lăng còn có cổng cao đến 7- 8 m. Không ai có thễ chắc chắn rằng có bao nhiêu lăng mộ đã được xây dựng cầu kỳ đồ sộ tại nghĩa trang này, vì thậm chí những người thợ nề chuyên xây lăng mộ ở đây cũng không thể nhớ nổi con số chính xác là bao nhiêu, chỉ có thễ ước tính rằng làng An Bằng hiện nay có khoảng chừng trên dưới 3000 lăng mộ, mỗi ngôi mộ có chi phí trung bình khoảng 30.000 USD. Một nét lạ và độc đáo ở đây là khi nhà này xây ngôi lăng thấp mà có nhà khác xây lăng cao hơn, thì họ sẽ tự phá ngôi lăng này đi và xây lại cho cao hơn ngôi lăng kia, rồi bên kia thấy như vậy cũng sẽ phá đi và xây lại cái khác cho cao hơn nữa... Có ngôi xây rồi vài năm sau lại được đập ra để xây lại, cái xây sau bề thế hơn cái xây trước. Có lăng vừa xây xong thì bị đập, xây lại cái mới cho to hơn vì... không bằng người ta. Trùng trùng điệp điệp, san sát nối đuôi nhau, các ngôi mộ đủ màu sắc, đủ hình dáng trải dài trên đồi cát bao la khiến cho ta như bước vào một vùng đất thâm sâu, bí hiểm. Nét độc đáo của làng lăng không chỉ về quy mô của những phần mộ, mà còn về cách kiến trúc xây dựng lăng mộ nửa. Phong cách kiến trúc rất đa dạng gồm từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Lão Giáo, Hồi giáo, cho đến kiểu cách Châu Âu … lại còn kết hợp thêm những nét đặc trưng của kiến trúc lăng mộ ở Huế được các thợ xây sáng tạo theo ý nguyện của gia chủ.
Đây là hình N lấy từ YouTube/Flycam để cho các bạn có cái nhìn bao quát chỉ một phần nhỏ của Nghĩa Trang khi từ trên cao nhìn xuống (hình làm tư liệu nên nhìn không được đẹp lắm
Sau khi leo xuống khỏi đồi Vọng Cảnh thì group 4 bắt đầu lên đường tìm đến Thành Phố Ma An Bằng lúc 9:20 sáng. Đường đi từ đồi Vọng Cảnh đến làng An Bằng chỉ khoảng 40 km và lái xe chỉ mất trên dưới một tiếng thôi. Nhưng chắc đây là lần đầu tiên Cậu Quang Tour Guide "bị" khách đòi hướng dẫn đi xem địa điểm này, cho nên thấy cậu Lý (tài xế) và cậu Quang cũng hơi bị lúng túng vì cứ thấy chạy tới chạy lui và ngừng xe để hỏi thăm đường vào Nghĩa Trang từ người dân sống trong vùng này đến mấy lần mà vẫn chưa vào được. Không biết có phải là vì càng ngày nghĩa trang càng phát triễn rộng lớn, nếu lâu lâu mới đến một lần thì sẽ không tìm ra được ngay đường vào cổng chính của nghĩa trang, hay là cậu Tour Guide chưa từng đến đây bao giờ cho nên chúng tôi đã khá vất vả để tìm được đường chính vào Nghĩa Trang các bác ạ.
Sau cùng, có một người dân làng chỉ đường là đi lối tắt phía sau nhà thờ An Bằng thì cũng vào được nghĩa trang để xem các ngôi lăng mộ. Sẳn dịp này thì mọi người cùng muốn vào thăm nhà thờ An Bằng luôn cho biết.
Hình chụp phía trước mặt Giáo Xứ An Bằng - Xã Vinh An, Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Hôm nay không có Lễ nên mọi người không vào bên trong nhà thờ được.
Tấm bia ghi Lược Sử Giáo Xứ An Bằng
Mọi người phải đi vòng ra sau lưng nhà thờ - rồi đi đường tắt vào Nghĩa Trang
Đáng lẽ ra cậu Quang phải biết đường đưa khách đi vào từ cổng chính của Nghĩa Trang, vì ở đó mình sẽ được nhìn thấy 1 cái cổng Tam Quan được xây dựng đồ sộ rất đẹp, rồi từ đó mới bắt đầu tủa ra đi xem những lăng mộ ở chung quanh. Và khi xem thì chắc là mình cũng chỉ xem được một số lăng vòng vòng gần ngay chỗ mình vào thôi, vì nghĩa trang quá rộng lớn đến hơn 3000 ngôi mộ trải dài ra đến tận bờ biển, người ta nói rằng đi 3 ngày 3 đêm cũng chưa xem hết nơi này thì làm sao mình có đủ giờ và đủ sức để mà xem cho hết. Tên gọi là "thành phố ma" vì bởi ở đây là một vùng thôn quê nhưng lăng mộ mọc lên san sát không kém gì đô thị và đặc biệt là lăng mộ ở đây được người ta xây cao hơn nhà người ở. Với quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ”, những người dân ở làng An Bằng đã đua nhau xây dựng lăng mồ với những kiến trúc đồ sộ, quy mô bậc nhất cả nước.
Bây giờ đang là ban trưa nắng chang chang, nghĩa địa vắng tanh chẳng có ai. Len lỏi qua những lối đi nhỏ giữa mênh mông cõi "người âm" mà mình lại không hề có một chút cảm giác rùng rợn hay ớn lạnh gì mà thay vào đó là sự kinh ngạc và tò mò các bác ạ.
Đi giữa những ngôi mộ với đủ màu sắc và kiểu dáng vào giữa trưa, nhưng không ai cảm thấy rợn người mà còn thấy vui mắt và tò mò, muốn xem người ta đã xây nên những ngôi nhà cho người đã mất với những kiểu dáng như thế nào.
Thay vì cảm giác rờn rợn khi đi vào nghĩa địa, giờ là cảm giác thích thú để xem cái nào đẹp nhất, to nhất và đồ sộ nhất. Những ngôi mộ ở đây được xây vô cùng công phu và tỉ mỉ. Hình dáng được sử dụng nhiều nhất là hình ảnh nguyên mẫu các khu lăng tẩm triều Nguyễn với phiên bản thu nhỏ, nhưng nhìn rất chuẩn với tầng lầu son gác tía, cột rồng phượng quấn quanh, đá cẩm thạch lát nền, vô cùng xa hoa lộng lẫy về màu sắc, các nét chạm khắc tinh xảo đến khó tin, thế mới thấy thợ Việt Nam của mình khéo tay vô cùng các bác ạ.
Càng đi loanh quanh thì mình lại càng kinh ngạc, các ngôi mộ đủ các hình thù kiểu dáng, đủ các màu sắc hoa văn, đủ các kích cỡ to nhỏ nằm sát cạnh bên nhau giống như khu nhà ở cho những người đã mất. Còn có cả cây cối, hoa lá mọc xanh um rất tốt tươi. Có điều mà N nhận xét được và thầm thấy tiếc là những lăng mộ ở đây không được đặt nằm cho ngay hàng thẳng lối như những nghĩa trang ở bên Mỹ mà mình vẫn thấy. Ở đây, lăng mộ họ muốn xây muốn đặt ra sao thì tùy ý của gia chủ, nên cái thì được đặt quay ngang, cái thì quay dọc .... cái đặt ngược, cái đặt xuôi ... đầu đuôi của các lăng cứ loạn hết cả lên nên nhìn hơi mất trật tự và thấy cũng kém đẹp đi một phần. Không hiểu lăng mộ được đặt lung tung cả lên như vậy là vì vấn đề phong thủy hay là vì sao nữa.
Ngay giửa buổi trưa nắng chang chang, nhìn đến hoa cả mắt vì những màu sắc và các hình khối của những lăng mộ chung quanh mình, đi lang thang bao nhiêu vòng mỏi cả chân vẫn xem chưa hết, và rồi thì cuối cùng không biết đường để quay lại chỗ củ, nếu không có cậu Quang đi tìm gom mấy bà quay trở lại thì chắc là vẫn còn lang thang lạc cả lối ra ngoài các bác ạ. Nghe người dân cho biết là trong nghĩa trang còn có chùa An Bằng nằm sát bờ biển, nơi đây có tượng Quan Âm Bồ Tát nhìn ra biển khơi lộng gió suốt ngày đêm. N đoán là những người con bỏ xứ vượt biên ra đi, nay trở về xây chùa và dựng tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát để trả ơn Phật Bà đã giử gìn cho họ trong những chuyến hành trình đầy gian khổ thời gian trước đây chăng?
Hình tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát nhìn ra biển khơi đặt ở sát bờ biển trong nghĩa trang An Bằng. N không đi xem được Chùa và tượng Phật Bà vì từ chỗ N đứng đi đến chỗ tượng Phật Bà rất xa nên N đã lấy hình trên YouTube/Flycam post cho các bạn xem đỡ vậy.
Đến bây giờ thì mọi người đành phải tạm biệt “thành phố ma”. Lúc này trưa nắng, bụng đói nhưng mọi người đều thỏa chí tò mò vì đã được nhìn thấy tận mắt những gì đã nghe, thật là không bỏ công cho chuyến đi vào thăm khu nghĩa trang này. Rời làng An Bằng, trên đường đi cậu Quang cho biết sẽ dừng cho mọi người thăm Đầm Lập An, Bãi biển Lăng Cô, rồi sẽ vượt đèo Hải Vân trước khi đến Đà Nẳng.
Đầm Lập An:
Ra khỏi Thành Phố Ma An Bằng, chúng tôi khởi hành đi Đà Nẳng. Trên đường đi thì Cậu Quang cho xe ghé vào Đầm Lập An để mọi người xem cho biết cũng như chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Chỉ chụp ảnh kỷ niệm để biết rằng group 4 đã có ghé đến đây thôi, chứ muốn chụp ảnh cho đẹp thì chúng ta sẽ phải canh giờ để tới đây vào lúc bình minh hoặc là lúc hoàng hôn, vì đầm Lập An đẹp nhất là vào thời khắc hoàng hôn và bình minh. Lúc hoàng hôn, khi mặt trời bắt đầu ngã bóng sau dãy núi Bạch Mã, khung cảnh đầm lúc này sẽ vô cùng huyền ảo, trên mặt nước phẳng lặng sẽ dần xuất hiện những gam màu vàng đỏ, xanh thẫm… đan xen nhau như một tấm lụa sặc sỡ nhiều màu sắc. Mặt nước lúc này sóng sánh ánh vàng, khung cảnh sẽ trở nên ảo diệu, mơ màng, huyền ảo như không có thật. N lại thấy tiếc sau khi biết được những thông tin này của đầm Lập An các bác ạ.
Đầm Lập An (hay còn được gọi là Đầm An Cư) là một đầm nước lợ lớn ở xứ Huế và là một phần của vịnh Lăng Cô, thuộc huyện Phú Lộc. Đầm có vị trí khá đẹp khi nằm dưới chân đèo Phú Gia với bán kính rộng 15km2 nằm gần trục đường quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô, trên con đường nối từ Huế đến Đà Nẵng. Bao quanh đầm là dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, phía trước đầm là vịnh Lăng Cô với màu nước xanh như ngọc.
Hình chụp đầm Lập An khoảng giửa trưa 12:00 giờ
Đặc sản của đầm là Hàu. Hàu ở đây được sản xuất theo phương thức đặc biệt, đó là nuôi cấy trên những chiếc lốp xe buộc vào sào tre. Việc nuôi hàu rất đơn giản, người ta chỉ cần mua những chiếc vỏ lốp xe máy đã hỏng được thải ra, đem về chà cho thật sạch, sau đó xẻ lốp làm đôi. Các lốp xe này được móc vào một thanh tre, rồi đóng những chiếc cọc xuống lòng đầm, treo thanh tre nằm ngang, những chiếc lốp xe nằm sâu dưới nước, cách đáy đầm chừng 10cm, lốp nọ cách lốp kia khoảng 30cm. Sau khi con hàu bám vào lốp xe sẽ sinh sôi, phát triển thành từng chùm. Hàu ở đầm Lập An nổi tiếng ngon và béo bùi. Khi thủy triều rút, người dân ở đây sẽ đi khai thác hàu – một loài đặc sản nức tiếng ở đầm Lập An.
Rời đầm Lập An, mọi người chỉ ghé nhanh qua bãi biển Lăng Cô để chụp vài tấm hình kỷ niệm và lên đường đi Đà Nẳng ngay. Hình chụp biển Lăng Cô.
Rời Lăng Cô, mọi người đều muốn đến Đà Nẳng cho nhanh (vì đói rồi!) nên lần này group 4 không muốn vượt đèo nửa, mà quyết định sẽ chui qua đường hầm Hải Vân cho an toàn hơn. Đường đi trong hầm rộng rải sáng sủa cho nên mọi người đều cảm thấy thoải mái và yên tâm vô cùng.
Đúng 1:10 pm thì xe của chúng tôi bắt đầu chui ra khỏi đường hầm đèo Hải Vân. Hầm Hải Vân nằm trên quốc lộ 1 ở ranh giới tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Hầm Hải Vân đi xuyên qua núi với chiều dài 6,28 km là hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, dùng để thay thế cho đường đèo Hải Vân vốn có những khúc cua uốn lượn khuỷu tay khuất tầm nhìn nên có nhiều đoạn rất nguy hiểm cho xe cộ khi vượ
Hình đường hầm Hải Vân (hình Internet)
Vào đến địa phận thành phố Đà Nẳng thì đã 2:00 giờ chiều, mọi người đều đói quá sức rồi nên cậu Quang cho mọi người đi ăn ngay trước khi check in vào khách sạn. Biết N về VN, mấy người bạn của N quê ở Đà Nẳng có dặn là nhớ đến ĐN để ăn món đặc sản của ĐN là món thịt heo phay cuốn bánh tráng chấm mắm nêm, nên trưa nay cậu Quang đưa 4 bà đến thẳng quán Trần tại số 4 đường Lê Duẫn để mọi người được thử món này.
Với rau xà lách xanh (nghe giới thiệu là đã được trồng bằng phương pháp thủy canh) sắp trên miếng bánh tráng mỏng kẹp bánh ướt, gắp một miếng thịt cho vào giữa, trên cùng là mấy lát dưa chuột, chuối chát và đủ thứ các loại rau thơm, cuộn cho thật chặt lại rồi chấm mắm nêm ớt tỏi, xong nhai thật chậm để nghe được hương vị mặn mòi của món bánh tráng cuốn thịt heo miền Trung từ từ tan trên lưỡi và trôi dần vào cổ mình. Ôi trời ơi, thiệt là quá đã! Đĩa thịt heo nhìn rất đẹp mắt với những lát thịt heo dài và có hai lớp mỡ da ở hai đầu. Đĩa rau xanh ngắt họ cho thật đầy đặn, dùng với chén bát màu trắng tinh nhìn sạch sẽ tạo cho thực khách cảm giác rất ngon miệng cho từng cuốn bánh tráng, cộng thêm món mắm nêm được chế biến công phu, có hương vị rất đặc biệt và nhất là không có mùi tanh tí nào cả nên mình không phải lo là Tào Tháo Lão Gia sẽ có cơ hội xuất hiện tại nơi đây được.
Các bác, hình dưới đây N lấy từ Internet post lên để mô tả cho thật đầy đủ món ăn này. Sorry các bác, vì đói lại gặp đúng tủ món ăn mình ưng ý nên N .... mãi lo ăn, quên cả chụp hình. Đến lúc no nê, thức ăn trên bàn hết sạch thì chừng đó mới nhớ ra là .... quên chụp hình lại để sau này còn kể chuyện cho mọi người nghe.
Bốn bà vừa ăn vừa trò chuyện trong một không gian đặc trưng ẩm thực, quán ăn rất đẹp, sạch sẽ, rộng rãi thoáng mát, bụng lại đói nên không biết là mình đã xơi .... quá tải! Cho món thịt cuốn bánh tráng, Cậu Quang gọi riêng "từng phần" cho mỗi người một đĩa thịt thật to (thịt nhiều gần gấp 3 lần cái đĩa trong hình nha), thế mà tụi này chén sạch bách không chừa lại miếng nào cả. Thấy 4 bà ăn xong, cậu Quang lại xuất hiện và cho biết là sẽ order thêm cho mỗi người 1 tô Mì Quảng nửa để giới thiệu thêm một món đặc sản miền Trung mà quán Trần cũng rất nổi tiếng với món mì Quảng này. Mọi người vội vàng .... xin thôi, vì bụng không còn chỗ chứa nửa. Cậu Quang cười quá chừng, cậu bảo rằng bình thường với cái đĩa thịt lớn từng ấy thì phải 2 người ăn mới hết một phần, đàng này cháu thấy các cô chén mỗi người đến tận 1 đĩa lận, thì cháu tưởng các cô .... chưa no! Trời, nếu biết rằng còn món mì Quảng cần phải thử nửa thì mình đã để dành bụng, ăn bớt thịt cuốn đi một tí rồi. Đúng là quê xệ, chắc cậu ấy tưởng mình ... chết đói nên ăn dữ quá! Nhưng quả là có đói thật, vì đến hơn 2:00 giờ chiều mới được ăn trưa mà lỵ! (cũng xin nói thêm rằng trong suốt chuyến đi, bình thường vào những bữa ăn, tụi này đều mời Tour Guide và Tài Xế vào bàn ngồi ăn chung, chứ không để cho họ tự ăn và trả tiền lấy. Tuy nhiên N để ý một điều là hễ khi nào mình ăn ở những quán dọc đường dân dã bình dân thì 2 cậu đều không từ chối lời mời của mình, nhưng khi bọn này được đặt bữa trước ở những quán ăn sang trọng, mắc mỏ thì không bao giờ 2 cậu chịu ngồi ăn chung cho dù chúng tôi có năn nỉ hết lời).
Tối nay, chúng tôi sẽ qua đêm tại Đà Nẳng, nên giờ cậu Quang cho mọi người check in vào khách sạn Bắc Cường (gần bãi biển Mỹ Khê).
Trên đường đến khách sạn để check in, ai cũng mệt và buồn ngủ díp mắt lại vậy mà cũng phải chiều ý N để ghé lại Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng (còn gọi là Nhà thờ Con Gà) cho N chụp cái hình này, vì N biết rằng có rất nhiều anh chị em trong Diễn Đàn GNST là dân Đà Nẳng và chắc chắn là ai cũng muốn được nhìn lại cái nhà thờ này.
Check in xong xuôi thì đã hơn 3:00 giờ chiều. Cậu Quang để cho mọi người tự do muốn đi bộ ra ngắm bãi biển Mỹ Khê hay là nghỉ ngơi gì đó thì tùy ý, và hẹn đúng 6:30 sẽ đến đón mọi người đi ăn tối. Theo chương trình thì Đà Nẳng chỉ là điểm để Group 4 dừng chân qua đêm trước khi đi Qui Nhơn (thay vì từ Huế đi thẳng Qui Nhơn thì đường quá xa sẽ bị mệt, nên phải dừng nghỉ đêm tại Đà Nẳng rồi sáng hôm sau sẽ đi Qui Nhơn), vì vậy group 4 sẽ không có chương trình thăm viếng địa điểm du lịch nào tại Đà Nẳng cả . Bốn bà đều OK vì ai cũng đã nhiều lần ghé Đà Nẳng rồi nên hôm nay sau khi check in vào khách sạn thì mọi người đều ..... thăng luôn đến gần giờ ăn tối mới thức dậy.
Các bác, buổi ăn tối hôm nay các O kia lại yêu cầu cậu Quang cho đi ăn tại một quán ăn dân dã bình dân nhưng thật nổi tiếng của người dân bản xứ tại đây ạ. Vì vậy, cậu Quang đã giới thiệu mọi người đến ăn tại quán Bánh Xèo Bà Dưỡng, cậu quảng cáo tuy là quán bình dân nhưng rất ngon và nổi tiếng tại Đà Nẳng, du khách ở xa đều ghé đến đây. Các bác mình thổ công tại Đà Nẳng có biết quán này không và đã có ai vào đây ăn chưa ạ?
Muốn vào quán này thì phải đi vào trong một con hẻm nhỏ nhỏ và vào sâu tít trong cùng mới thấy.
Hình chụp khu bếp quán bánh xèo Bà Dưỡng và cũng là mặt tiền của tiệm đây. Sâu vào bên trong trước mặt anh nhân viên mặc áo đỏ (phía bên tay phải của hình) là chỗ xếp bàn ghế cho khách ngồi ăn.
Quán chỉ bán duy nhất là bánh xèo, nem nướng và bò lá lốt. Quán rất đông, đông thực sự, chưa thấy quán bánh xèo nào mà nó đông khách như thế này. Do lượng khách đông quá nên khi khách vào nhân viên chưa kịp dọn sạch bàn, vì vậy bàn nhìn thấy như bị mỡ mỡ, dơ dơ, rác rưởi thì đầy ở dưới chân làm mình hơi sợ nên ăn uống không thấy thoải mái lắm. Đi ăn mà cảm thấy như đi chiến đấu vì khách chung quanh mình, người thì đứng lên, ngồi xuống, tự chạy tới chạy lui, kêu này gọi nọ nên thấy rất ồn, không gian quán thì có rộng rãi nhưng do khách quá đông nên cảm thấy quán hơi chật, và thấy cả hơi dơ dơ nửa. Nhân viên phục vụ chậm và không để ý gì đến khách lắm, may mà nhờ có cậu Quang, cậu Lý tự đi bưng nước và tự đi lấy các thứ chứ mình mà chờ nhân viên phục vụ thì chắc còn lâu mới tới lượt mình ăn.
Khi vào quán bạn không cần gọi món, nhân viên sẽ tự động đem bánh xèo ra bàn cho bạn tùy theo số người ngồi trên bàn. Còn nem lụi thì họ cứ tự động đem ra 20 cái mỗi bàn chứ không cần hỏi khách muốn bao nhiêu. Cậu Quang bảo nem ăn bao nhiêu sẽ tính tiền bấy nhiêu, chứ không phải họ đem ra 20 cây thì bạn phải trả tiền hết 20 cây. Nếu mình ăn không hết thì họ sẽ lấy lại để dồn riêng ra một đống, sau đó đem chỗ thừa đấy qua cho bàn khác. N nhận xét cách làm ăn này thấy có vẻ không được sạch sẻ cho lắm, vì những xâu nem lụi của những người khách ăn lúc trước họ đã cầm lên, đặt xuống, mó máy tay chân vào rồi ăn không hết, sau đó quán lại đem chỗ còn thừa này qua cho mình thì nem đã nguội ngắt, nguội ngơ, cũng như làm cho mình cảm thấy thức ăn dư này không được sạch cho lắm.
Bánh xèo thì ăn cũng được, bò lá lốt có ăn và ngon hay không thì N không nhớ nửa, nem lụi vì ăn thừa lại của người khác nên hơi nguội và ....dơ, nhưng nước chấm của hiệu này pha rất ngon, rất đặc biệt, không đụng hàng với quán nào khác. Mình nghĩ đây cũng là điều làm nên thương hiệu của quán, cho nên quán mới nổi tiếng như vậy. Nếu được chấm điểm, N sẽ chấm 20/100 điểm cho không gian quán, sự sạch sẽ và cách phục vụ. Còn thức ăn có ngon hay không, N chỉ cho từ 40 đến 50/100 điểm thôi. Có thễ nếu được ngồi ăn những món này ở một không gian thoải mái hơn, sạch sẽ hơn thì chắc là mình sẽ cảm thấy thức ăn ngon lành hơn là cái số 40, 50 điểm này phải không các bác? Hỏi rằng sẽ có trở lại hay không? Chắc chắn là NO rồi, sorry vậy.
Ăn tối xong, trước khi về ngủ, cậu Quang đưa mọi người ra bến sông Hàn để hóng gió cho tiêu cơm và ngắm Đà Nẳng by Night của cậu. Mọi người ra thăm Cầu Tình Yêu của Đà Nẳng. Cầu này nằm ở bờ Đông sông Hàn, trên đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, nằm về phía đầu cầu Rồng. Một vị trí rất thuận lợi cho khách du lịch đến ngắm cảnh. Trai thanh, gái tú tại cầu Tình Yêu ở Đà Nẳng bây giờ cũng văn minh và bạo phết. Họ ôm nhau xà nẹo để âu yếm rồi hôn nhau ngay trên cầu trước mắt mọi người các bác ạ (không phải chỉ có 1 cặp này thôi đâu, mà còn có nhiều cặp khác nửa) làm mình ....hơi ngượng nên chỉ dám nhìn lén họ bằng có .... một con mắt thôi à!
Vài hình ảnh N chụp bên bờ sông Hàn.
Khoảng 9:30 pm thì mọi người trở về khách sạn để sửa soạn ngủ nghỉ cho sớm vì ngày mai sẽ là một ngày lái xe rất dài cho group 4 khi chúng tôi lên đường đi Qui Nhơn, lộ trình là sẽ đi ngang qua Hội An, Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi vào Bình Định. Thật tình ra thì 4 bà mù tịt về đường đi, chỉ nghe cậu Quang nói sơ qua trước hành trình cho nói địa điểm chúng tôi muốn đến hơi bị ngược đường, vì sau khi đến thăm chỗ mình muốn coi ở Bình Định xong là phải đi tới Qui Nhơn để nghỉ đêm, để tiện đường khởi hành cho chương trình vào ngày hôm sau. Nói tóm lại là mình sẽ tốn rất nhiều thì giờ ngồi trên xe cho hành trình của 2 ngày sắp tới. Chắc các bác đang thắc mắc không biết bọn này đi đâu phải không ạ? Chúng tôi muốn đi xem Mũi Vi Rồng tại Bình Định đấy các bác. Thôi thì bây giờ chúc mọi người ngủ ngon để lấy sức cho ngày mai, rồi mình sẽ cùng nhau đi khám phá Mũi Vi Rồng tại Bình Định nhé.
Viết xong ngày Feb. 25-2019 @ 10:00 pm
Bài kế tiếp: Đà Nẳng - Mũi Vi Rồng tại Bình Định - Qui Nhơn.
Nam Mai ______