Hành Trình Xuyên Việt Trip # 17
Hành Trình Xuyên Việt Trip # 17
__Nam Mai __
Đà Nẳng - Mũi Vi Rồng Bình Định - Qui Nhơn: Thứ năm ngày 19 tháng 1 năm 2017.
Sáng sớm, bốn bà thu xếp check out khỏi khách sạn Bắc Cường tại Đà Nẳng và đúng 8:30 sáng thì Cậu Quang đã có mặt để cả đoàn lên đường đến thành phố Qui Nhơn. Cậu Tour Guide cho biết hôm nay mình sẽ lái xe trên một lộ trình khoảng hơn 300 km và mất khoảng gần 5 tiếng. Sẽ đi bằng đường cao tốc thẳng quốc lộ 1A. Sẽ đi ngang qua Hội An của Quảng Nam, qua Quảng Ngãi rồi vào Bình Định, sau cùng sẽ nghỉ đêm tại thành phố Qui Nhơn.
Đúng 9:35 sáng, xe đi đến cầu Cửa Đại thuộc tỉnh Quảng Nam. Thấy cái cầu đẹp quá nên mọi người muốn ngừng xe để ngắm cảnh 2 bên và ..... chụp hình.
Được biết, cầu Cửa Đại là cây cầu lớn nhất tỉnh Quảng Nam bắc qua sông Thu Bồn nối liền hai xã: Cẩm Thanh (của thành phố Hội An) và Duy Nghĩa (của huyện Duy Xuyên), được khởi công xây dựng vào năm 2009 và khánh thành vào năm 2016. Cầu Cửa Đại được xây bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực (prestressed concrete), với tổng chiều dài toàn tuyến là 18,3km, với mức vốn đầu tư là 3,450 tỷ đồng. Phần cầu dài 1,482m, rộng 25,5m. Phần đường dẫn 2 đầu cầu có mặt cắt ngang 38m, tổng chiều dài là 16,8km, điểm đầu nối với đường ven biển thành phố Đà Nẵng - Hội An, điểm cuối nối với xã Bình Đào, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Cầu Cửa Đại là công trình có kỷ lục về bề rộng nhịp đúc hẫng với khẩu độ 150 mét dài nhất nước VN hiện nay. Ngoài con đường nhựa thẳng tắp trải dài, ở 2 bên cầu có lối đi bộ và lan can vững chắc bảo đảm an toàn cho mọi người. Nơi đây giờ đã trở thành điểm du lịch và hóng mát lý tưởng cho người dân địa phương và các du khách.
Được biết, dự án cầu có tổng mức đầu tư ban đầu là 2,480 tỷ đồng, với thời gian dự kiến thi công là 3 năm 6 tháng. Tuy nhiên, do thời gian thi công kéo dài, giá cả biến động, đến khi hoàn thành thì công trình đã tăng tổng mức đầu tư lên đến 3,450 tỷ đồng, vượt hơn số tiền phê duyệt lúc ban đầu gần 1.000 tỷ đồng. N nghĩ rằng mặc dù kinh phí xây cầu có tốn kém thật vì có làm thì phải có ăn, nhưng N thấy những dự án xây cầu cống vẫn là rất tốt và thực dụng, có ích lợi cho dân chúng nhiều hơn so với những công trình khác. Tại khu vực này trước khi có cầu, người dân hai bên qua lại nếu không di chuyển qua sông bằng những con đò chòng chành với nguy hiểm rình rập trên sông nước thì phải đi vòng lên quốc lộ 1 mất thêm hàng chục km nửa. Cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển là hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Nam và khu vực chung quanh, nhằm khai thác 70 km bờ biển và 20,000 ha đất ven biển ở phía Nam của tỉnh Quảng Nam. Cầu không những giúp lưu thông hai bên bờ sông Thu Bồn được thông suốt mà đồng thời còn có chức năng cứu hộ, cứu nạn, đường thoát lũ, phòng tránh thiên tai, và còn đóng vai trò kết nối du lịch giữa các địa phương ven biển, nối liền hai bờ di sản thế giới là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn ... Cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển cũng góp phần rút ngắn khoảng cách từ thành phố Tam Kỳ ra thành phố Đà Nẵng (và ngược lại) khoảng 9 km so với Quốc lộ 1, nên cũng ít nhiều góp phần giảm bớt đi phương tiện giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 1.
10:15am rời cầu Cửa Đại, trước khi lên đường Cậu Quang cho biết là xe sẽ đổi đường để đi ngang qua thành phố Tam Kỳ (là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam) đưa mọi người đến xem Tượng Đài Mẹ Thứ. Ai cũng hào hứng tán thành đi xem địa điểm này vì lâu nay xem báo trên mạng cũng đã nghe nhắc nhiều đến tượng đài này (kể cả về điểm tốt lẫn điểm xấu) nên ai cũng muốn được xem tận mắt coi cái tượng đài này nó ra sao.
Được biết, Tượng Đài Mẹ Thứ được lấy nguyên mẫu hình ảnh từ bà mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Thứ, xây dựng với tổng diện tích 15ha trên đỉnh núi Cấm, ở thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tượng đài làm bằng chất liệu đá sa thạch, được Hội đồng Nghệ Thuật chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Tượng đài được làm thành hình cánh cung dài 81m (theo đường cong là 101m), chính giữa khối tượng đài là chân dung Mẹ Nguyễn Thị Thứ cao 18m, phần thấp nhất của cánh cung cao 5,83m. Tượng đài được làm rỗng, bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm có diện tích 400m², có bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam trên khắp cả nước để giới thiệu về hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Mẹ đối với Tổ quốc. Trong lòng khối đá sa thạch dài 78m là nhà bảo tàng các Mẹ Việt Nam anh hùng có tổng diện tích 397m² bao gồm phòng trưng bày, phòng khách, và khu bảo quản.
Đứng dưới đất trước khu tượng đài mà nhìn lên chỗ người đứng thắp hương dưới chân tượng thì sẽ thấy người đứng trên ấy bé tí như con kiến đủ thấy là cái tượng đài to ra sao rồi.
Dọc theo lối chính lên tượng đài, du khách sẽ nhìn thấy hai bên đường đi là 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm trường kỳ kháng chiến được làm bằng đá sa thạch. Hai bên tượng đài có hai thảm hoa lớn với diện tích 600m² được trang trí nhiều họa tiết, với sắc thái của 54 dân tộc sống trên dải đất Việt Nam. Trước mặt tượng đài chính có một hồ nước lớn khoảng 1.000m². Phía sau tượng đài là một bãi cỏ rộng và một vườn đá.
Hình dưới đây được lấy ở Internet (vì máy của N không thễ chụp bao quát hết được toàn cảnh khu tượng đài). Post hình này lên để các bạn ai chưa có dịp đến đây, xem hình này để thấy được sự to lớn của tượng đài.
Mặt trước tượng đài Mẹ Thứ có xây 8 trụ "huyền thoại" cao khổng lồ, mỗi trụ cao 9 mét, đường kính trung bình hơn 1,2 mét làm bằng đá sa thạch, các trụ đều khắc họa hình ảnh và ghi công lao các bà Mẹ ở khắp mọi miền đất nước. Tượng đài này đã được Chính phủ đưa vào danh mục công trình văn hóa cấp quốc gia.
Trước đây đọc báo mình có thấy dân chúng trong nước bàn tán về kinh phí đầu tư của chuyện xây dựng tượng đài này. Đó là ban đầu tổng số vốn đầu tư của dự án được dự kiến là hơn 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước thời điểm khởi công xây dựng (ngày 27 tháng 7 năm 2009) dự án đã đội lên 120 tỷ đồng, trong đó được hỗ trợ từ Chính phủ là 50 tỷ và huy động của tỉnh Quảng Nam được 61 tỷ. Trong năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định bổ sung thêm cho dự án 330 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư từ ngân sách Trung Ương và ngân sách Tỉnh lên hơn 410 tỷ đồng, tức là tăng gấp 5 lần số tiền đã được phê duyệt lúc ban đầu, để nhằm xây dựng một công trình "sẽ trở thành tượng đài lớn nhất Đông Nam Á". Theo thăm dò ý kiến trên mạng của báo VnExpress, từ chiều 20/9 đến chiều 22/9, chỉ có 5% ý kiến là "nên làm", nhưng có đến 52% ý kiến là "không nên xây tượng đài", và 41,5% ý kiến là "làm với quy mô vừa phải". Việc xây dựng một tượng đài hết sức đồ sộ và tốn kém quá mức trong khi đó còn có rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh Hùng vẫn đang phải sống trong cảnh thiếu thốn và cực khỗ vào lúc tuổi già đã khiến dư luận có nhiều phê phán không tốt lắm cho công trình này. Vì thấy có nhiều ý kiến không đồng tình về số tiền kinh phí bỏ ra quá lớn trong khi tỉnh còn nghèo, cũng như còn nhiều trường hợp trẻ em đi học không có cầu phải lội qua sông, nên đến tháng 10 năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tạm dừng dự án công trình tượng đài này để chờ ý kiến của Thủ tướng NTD. Tuy nhiên sau đó công trình xây dựng tượng đài vẫn tiếp tục và sau 7 năm, vào khoảng tháng 3 năm 2015, các phần chính của tượng đài hầu như đã hoàn thành và tượng đài đã được khánh thành vào ngày 24 tháng 3 năm 2015 quý vị ạ. Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng là tượng đài lớn nhất cả nước và cũng lớn nhất trong toàn vùng Đông Nam Á hiện nay.
Thật là khâm phục, khâm phục! Việt Nam mình đã không làm thì thôi, làm gì thì cũng phải thật to thật lớn các bạn nhỉ? Hầm chui Hải Vân cũng dài nhất Đông Nam Á nhé, Cầu Cửa Đại cũng có kỷ lục về bề rộng nhịp đúc hẫng với khẩu độ 150 mét dài nhất nước VN hiện nay nhé, tượng đài Mẹ Nguyễn thị Thứ cũng lớn nhất toàn vùng Đông Nam Á nhé. Hm, cái gì lớn nhất và đạt kỷ lục thì cũng tốt thôi, nhưng nếu có thêm được lợi ích cho dân, cho nước thì mới xứng đáng là hạng nhất phải không ạ? À, ngoài ra còn có Chùa Bái Đính ở Ninh Bình cũng lớn nhất toàn vùng Đông Nam Á nhé, rồi Chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh cũng lớn nhất nước hiện nay nửa nè .... nhưng nghe nói không lâu sau này thì các chùa trên sẽ bị thua Chùa Tam Chúc ở thị trấn Ba Sao (tỉnh Hà Nam) nha, vì chùa này dự định xây để sẽ trở thành một ngôi chùa lớn nhất thế giới với một quần thể có diện tích lên tới 5.000 ha. Nghe nói, ngôi chùa này sẽ được tạc 1200 bức tượng phù điêu gắn giáp chung quanh tường bằng dung nham núi lửa bởi những người thợ tài ba được mướn đem về từ Nam Dương và Ấn Độ để hoàn thành công trình này, và chùa cũng sẽ sở hữu nhiều báu vật trên thế giới nửa đấy các bác. Nghe kể hấp dẫn quá mình cũng muốn được nhìn xem tận mắt một lần cái chùa này cho thỏa chí tò mò, nhưng nói gì thì nói, khi có dịp được đi xem các di tích lịch sử chùa chiền trong nước, N vẫn thích vào lễ tại những ngôi chùa cổ nhỏ xíu xiu đã có từ trăm năm nay hơn các bác ạ. Vào những ngôi cổ tự này thì sẽ thấy củ kỷ xiêu vẹo trông nghèo nàn lắm, nhưng không hiểu sao khi vào những nơi chốn này mình vẫn thấy tâm hồn thanh tịnh hơn nhiều các bác ạ.
Ngừng xem Tượng Đài Mẹ Thứ khoảng một tiếng thì chúng tôi lại tiếp tục lên đường theo chương trình đã định. Lúc 12:30 thì ngừng ăn trưa ở Quán Nhung tại Quảng Ngãi. Hôm nay cậu Quang giới thiệu cho chúng tôi món Cơm Gà. Thực đơn duy nhất chỉ có món gà luộc và cơm trắng thôi (hình như cơm được nấu bằng nước luộc gà nên cơm rất mềm và béo), gà tại đây thịt rất ngọt, dai vừa phải và quán chế biến nước chấm rất ngon. Nghỉ ăn cơm trưa khoảng 1 tiếng thì chúng tôi lại lập tức lên đường vì nghe nói đường còn xa lắm. Ngồi trên xe lâu dài bị bó chân bó cẳng rất tù túng, nhưng ai cũng thích thú vì có cơ hội được nhìn ngắm cảnh đồi núi đồng ruộng hai bên đường với những thửa ruộng xanh ngắt cùng những sinh hoạt của dân mình trên những thửa ruộng ấy. Có lúc chúng tôi quay hẳn cửa kính xuống để được hít thở mùi mạ xanh ngắt của hương đồng cỏ nội và cảm thấy vô cùng yêu mến mãnh đất quê hương trên con đường thiên lý dài vô tận này.
Sau cùng thì không nhịn được, mọi người đã yêu cầu cậu Quang ngừng xe lại để cho chúng tôi được đứng xuống, đứng thơ thẩn tận mắt ngắm nhìn cái khung cảnh này và hít thở cái không khí ngai ngái mùi đất mẹ này.
Rồi lại lên xe tiếp tục đi, trên "con đường đi không biết bao giờ đến" xa vời vợi này thì mọi người bắt đầu lên cơn buồn ngủ các bác. Buồn ngủ không phải vì hết thích thú ngắm nhìn phong cảnh hay hết cảnh đẹp để xem, mà là vì chúng tôi đang bị .... đưa vỏng ạ, chúng tôi đang buồn ngủ vì ai cũng đang bị .... say xe vì bị đưa vỏng các bác ơi .....
Các bạn nào hay đọc HTXV của N, chắc là không quên chuyện N đã kể về cách lái xe của hầu hết cánh tài xế lái xe đường trường bên VN mình phải không? Bên Việt Nam có 1 kiểu lái xe đường trường rất là nguy hiểm, mà N thấy chỉ có ở bên VN, bên Nga, bên TQ là hình như mới có kiểu này, nhưng cánh tài xế bên Việt Nam mình mới là hạng thứ dử, là nhất hạng, bên này họ gọi là lái xe kiểu "đánh vỏng". Không cần biết là xe gì, xe lớn như "xe công" (container), xe truck 18 bánh, xe khách 45 chỗ hoặc xe giường nằm chở khách xuyên qua các thành phố của các hảng xe , xe chở hàng hạng vừa .... hoặc là loại xe hơi nhỏ cở 16 chỗ, SUV 7 chỗ hay là xe du lịch nhỏ 4 chỗ (nói tóm lại là xe hơi) ..... thì họ đều luôn luôn có kiểu lái đánh vỏng như thế này .... Cách lái xe này chỉ thấy có trên đường trường xuyên tỉnh lộ (o phải đường trong phố). Đường trường xuyên tỉnh bên VN thường là chỉ có 2 lanes, 1 lane chạy lên (là xe mình) và 1 lane chạy xuống là xe đối diện với xe của mình (nó nằm bên tay trái), khi tham gia giao thông trên những con đường thiên lý này, thì họ cứ chạy ..... và khi chạy gần đến đít của cái xe trước mặt, thay vì chạy kiểu như bên Mỹ là cứ lái bình thường theo sau đít cái xe trước của mình (traffic flow) đi, nhưng ở VN không có đâu nha ..... bất kể là xe lớn, xe nhỏ gì khi chạy đến gần đít cái xe trước mặt, thì ông tài xế đằng sau này sẽ nhắm nhắm rồi mắt trước mắt sau .... lái đánh vòng 1 cái vèo qua bên kia lane (tay trái), tức là đi hẳn vào đường của xe đối diện, để vượt lên qua mặt cái xe đang lái chận đường xe của ông ta, cho dù cái xe bị vượt là xe tải 18 bánh ông ta cũng không màng. Nếu đường bên kia vắng tanh không có xe nào đi lên thì cũng ok đi, nhưng có nhiều tài xế đã thấy rỏ ràng trước mắt mình bên kia lane có xe đối diện đang lù lù tiến tới, nhưng ông tài xế này vẫn coi như không, vẫn cứ "vô tư" cho xe mình "đánh vỏng" qua lane của xe đối diện mình như thường .... và khi hai xe chạy gần sát vào đầu nhau (sắp head on) thì .... lúc đó cả 2 xe đều chạy chậm lại và họ nhường nhau cho 1 xe vượt qua. Hú hồn hú vía! Các bác thấy sao? nếu xe đối diện xe mình là 1 cái xe 18 bánh, xe chở khách 45 chỗ hay là xe container cồng kềnh rất là khó để kềm thắng khi xe đang chạy nhanh ... hoặc rủi xui nhằm hôm thằng cha tài xế bên kia buồn ngủ không nhìn thấy xe mình đang sửa soạn head on và không phản ứng nhanh được để nhường, hoặc thằng chả đang giận vợ con, bồ bịch gì đó đang muốn tự tử, hoặc là đang trên đường đổ đèo, cua đèo, có sương mù mà họ lái đánh vỏng kiểu như vậy ..... thì các bác đang ngồi trên xe có thấy muốn ...... "xả nước cứu thân" không? khổ 1 cái là họ không có làm 1 lần đâu, trên đường thiên lý thì chuyện "đánh vỏng" này xảy ra đều đều suốt chuyến đi là chuyện thường. Họ cứ đánh qua đánh lại, rồi lại đánh qua đánh lại ..... đều đều trên đường làm cho người ngồi trên xe thấy chóng mặt như là đang bị đưa vỏng vậy đó. Đây là cái cách lái xe đường trường của hầu hết 95% - 98% cánh tài xế bên Việt Nam đó. N có hỏi chú Dũng (tài xế tour miền Bắc của 4 bà) rằng: "tại sao bên VN có kiểu lái đánh vỏng nguy hiểm quá như vậy? tại sao không lái theo kiểu "traffic flow" bình thường cho an toàn? thì chú Dũng nói "cánh tài xế cho rằng nếu không đánh vỏng để vượt qua mặt chạy cho nhanh, mà cứ lái chạy theo đuôi lề mề như vậy thì không biết chừng nào mới đến nơi!!!!". N nghĩ trong bụng rằng chạy nhanh theo kiểu này họa may chỉ có nhanh vào quan tài mà thôi.
Các bạn, khi bắt đầu vào tour của miền Trung từ Đồng Hới trở đi thì chúng tôi đã thấy thoải mái được một chút, không còn bị căng thẳng lo sợ vì đường đi sẽ không còn phải vượt qua những con đèo nguy hiểm kiểu Tứ Đại Đỉnh Đèo của VN như cái đoạn 10 ngày tour giáp biên giới TQ mà chúng tôi đã trải qua ở miền Bắc nửa. Thay vào đó là đường xa lộ đi rất tốt, đường đồng bằng nên không có chuyện vượt đèo nguy hiểm nửa. Có lẽ vì thấy đường rộng, tốt, không vượt đèo nên cánh tài xế càng ỷ y và càng có thói quen lái xe "kiểu đánh vỏng" nhiều hơn. Biết vậy, nên chúng tôi cũng có nhắc nhỡ cậu Quang tour guide và cậu Lý tài xế rồi, nhưng vẫn chứng nào tật nấy, khi thấy chúng tôi lơ là không luôn miệng nhắc là cậu tài xế lại cho chúng tôi "lên ruột" như thường. Hôm nay vì chỗ phải đến còn xa mới tới, chắc cậu tài xế sốt ruột muốn cho mau tới nơi nên cậu ấy đã "vượt kỷ lục đánh vỏng" các bác! N là người có tật xấu là không bao giờ ngủ được mỗi khi đã ngồi trên xe hay trên máy bay, thế mà hôm nay N bị say xe lăn ra ngủ mê mệt không biết trời đất gì cả. Đến lúc N bị đánh thức dậy vì nghe có tiếng lao xao bàn tán, thì mới biết là xe đã vào địa phận Bình Định và hiện tại cậu Quang, cậu Lý đang cho xe chạy tới, chạy lui tìm đường và đã ngừng xe đến mấy lần hỏi đường để đi tìm ..... Mũi Vi Rồng rồi. Lúc này đã 4:00 giờ chiều và lại không thấy .... Ông Mặt Trời đâu cả! Chết rồi, đường trường xa đi gần cả ngày trời để đến địa điểm này chỉ có mỗi một chuyện rất quan trọng là chụp hình tại Mũi Vi Rồng, giờ phút này Mũi Vi Rồng chưa thấy đâu mà mặt Trời thì đã .... tà tà ngã bóng về Tây thì làm sao đây???
Theo như chỉ dẫn thì Mũi Vi Rồng nằm ở tại thôn Tân Phụng, thuộc xã Mỹ Thọ. Thôn này nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 70km về phía Bắc và cách thị trấn Phù Mỹ, Bình Định khoảng 20km về phía Đông. Xe chúng tôi mới đầu còn chạy ngoài đường lớn, sau một lúc thì được hướng dẫn chạy quanh co vào những con đường nhỏ và cuối cùng thì phải ngừng xe để đi bộ xuyên vào khu nhà dân ở một xóm chài để tìm Mũi Vi Rồng các bác ạ. Họ chỉ dẫn là đi hết thôn này thì sẽ nhìn thấy những ngọn núi đá hiện ra trước mắt, xung quanh là mặt biển xanh và sẽ thấy cảnh trời quang đãng bao trùm tạo nên một không gian hoang vu rất đẹp và Mũi Vi Rồng nằm tại khu đấy.
Tại thôn này người ta chuyên sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Vì là ngư trường phong phú bậc nhất vùng, nên biển Tân Phụng luôn tấp nập những ghe thuyền đánh bắt cá lớn nhỏ, đem lại một nguồn hải sản rất lớn. Mới đầu khi thấy chúng tôi đến, dân khu xóm chài đã hỏi "sao đến trễ thế? thuyền đã về hết rồi! ", hóa ra họ tưởng chúng tôi đến là để xem và chụp hình cảnh thuyền chài trở về sau 1 ngày ra khơi đánh cá. Chắc là lúc trước cũng đã có những nhóm nhiếp ảnh đến đây chụp hình rồi thì phải, nghe nói thế bọn này lại thấy tiếc thầm nghĩ cũng tại mình ham chơi ghé ngừng lề mề trên đường mấy lần, vì nếu đến sớm hơn một chút thì vừa được chụp Mũi Vi Rồng, vừa được chụp cảnh đoàn thuyền lủ lượt ngoài khơi trở về đem cá lên bờ cùng với những ánh nắng của "giờ vàng" chiếu long lanh trên mặt nước biển thì tốt biết mấy. Thôi thì cũng đã trễ rồi, chuyện trước mắt là phải tìm cho ra Mũi Vi Rồng, nếu không Trời sập tối xuống thì lại .... xôi hỏng bỏng không cho cả chuyến đi là cái chắc! Cậu Tour Guide có lẽ lần đầu tiên bị khách đòi đưa đến chỗ này, cho nên chính cậu cũng lờ vờ như 4 bà, không biết đường nào để tìm cả. Lần mò đi xuyên tới xuyên lui, đi qua vào cả trong nhà dân, có lúc bị nước biển ngập lên đến mắc cá chân, dẫn mãi vào những con đường đầy cỏ dại cao ngập đầu ..... đến một lúc chúng tôi đã muốn bỏ cuộc đi về luôn cho rồi .... nhưng đến phút sau cùng thì thấy mất .... 1 bà là chị Thanh An. Thế là vừa phải đi tìm Mũi Vi Rồng, vừa để đi tìm chị này .....
Chui vào con đường này để tìm Mũi Vi Rồng theo lời dân trong thôn đã chỉ thì sợ lắm các bác, chỉ sợ bị rắn cắn thôi. Ở cái hình này, N vừa đi vừa réo gọi tên chị TA om sòm vì không biết chị ấy biến đi đàng nào, MT thì lót tót theo sau lưng N nên đã chụp được cái hình này. Các bác, may thay đi ra hết con đường nguy hiểm nhìn thấy trong cái hình này thì ..... "đại công cáo thành!".
Mũi Vi Rồng đã hiện ra trước mắt mọi người với một ghềnh đá nhô ra biển chừng 20m, nhìn từ xa trông phiến đá tựa như một con rồng muốn vươn ra biển lớn. Ngày đêm sóng vỗ đập vào ghềnh tạo ra khung cảnh hết sức kì vỹ, cứ như miệng rồng đang phun nước trắng xóa. Phải nói rằng thiên nhiên đã rất kì công khi đẽo khắc những ghềnh đá nơi đây.
He he he .... trong cái hình trên, các bác có nhìn ra ... Con Rồng (Mũi Vi Rồng) không ạ? Lúc chui ra khỏi con đường cỏ cao chằng chịt sợ đến chết người để ra được tới cái chỗ này .... cậu Quang chỉ cho mọi người những phiến đá ngoài xa xa và bảo "đấy, Mũi Vi Rồng đấy! các cô chụp hình cho lẹ, không Trời tối mất rồi!". Nói thật, lúc đầu N cứ đứng ngẩn người, nhìn tới, nhìn lui, xoay qua, xoay lại mãi .... mà không nhìn ra được cái Mũi Vi Rồng đâu cả các bác ạ. Thế nhưng cũng phải lật đật chụp thôi, mặt Trời gần lặn mất tiêu rồi! hà hà .... nhìn mãi, mãi mãi .... thì bây giờ N cũng đã nhận ra được nó rồi. Đấy, cái phiến đá từ trên cao bên tay trái của hình kéo dài xuống mỏm đá nhỏ tí tẹo nhìn thẳng ở góc 12 giờ trên hình (đối diện với cái tàu) .... là cái "Mũi Vi Rồng" đấy ạ! Đã bảo rồi, học chụp hình, học nhiếp ảnh, chơi nghệ thuật thì cái con mắt, cái đầu của mình là phải .... có nhiều óc tưởng tượng 1 tí! chứ cứ người trần mắt thịt như N thì ..... hm, chả thế mà hình chụp ra chẳng được đẹp mấy và không có hồn là phải rồi! Vì mãi ... mãi mãi N mới nhận thấy ra cái "Mũi Vi Rồng" cho nên N đã bị lỡ mất cái cơ hội chụp được nhiều hình, chụp được nhiều góc cạnh của Mũi Vi Rồng vì trời sụp tối mau quá.
Ở cái hình này, từ trên tay trái của hình kéo dài thẳng xuống mõm đá dưới biển người ta đặt tên cho phiến đá này là Mũi Vi Rồng đấy các bạn.
Họ kể rằng MŨI VI RỒNG hay còn gọi là Mũi Rồng, bởi hình dáng núi trông như một con Rồng khổng lồ đã được thiên nhiên chạm trổ và điêu khắc. Cái tên này cũng bắt nguồn từ truyền thuyết, xưa kia Mũi Vi Rồng nguyên là một khối, hình giống vi cá chép nên được người dân gọi là “Đá Vảy Rồng”. Tướng Cao Biền đời nhà Đường, khi đi tìm vùng đất có vượng khí ở nước ta để trấn yểm thì phát hiện ra Mũi Vi Rồng, nơi có linh khí kết tụ nên đã phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ tạo thành những hòn đá son nhỏ. Họ kể, cho đến ngày nay, khi đến khám phá Mũi Vi Rồng chỉ cần tinh ý là bạn sẽ có thể tìm ra những hòn đá son nằm lẫn trong cát. Hà hà, từ chỗ tụi N đứng để chụp được cái Mũi Vi Rồng này mà còn muốn leo trèo đi khám phá mọi thứ như họ chỉ thì coi bộ sẽ rất khó khăn vì đá mọc lổm chổm rất khó leo. Nội cái chuyện muốn di chuyển tư thế đứng để chụp cho được nhiều góc cạnh của Mũi Vi Rồng cũng còn khó nửa là, hơn nửa trời cũng đã gần tối rồi nên thật rất tiếc, thôi thì đành đứng nhìn ngắm cảnh cho đã con mắt rồi có chụp được gì thì mình cũng coi những hình ảnh chụp được hôm nay như là bonus thôi.
Non nước Mũi Vi Rồng là một sự kết hợp tuyệt vời của tạo hóa: phía trên là vách đá sừng sững với những cây dứa, cây gai... mọc vững chắc; phía dưới là một vực sâu với những tiếng sóng vỗ rì rào, nhìn xa xa về phía Đông là những đoàn thuyền đánh cá căng buồm cùng gió khơi, nhìn toàn cảnh thì đẹp ơi là đẹp. Xin thú thật với các bác là thiệt tình trong bụng của N là N muốn tìm cách leo lên đứng trên cái mõm đá ở chính giửa của cái Mũi Vi Rồng này dơ hai tay lên trời "tạo dáng" để chụp 1 cái hình đem về "dọa" các bác chơi, nhưng mà "lực bất tòng tâm"(vì sẽ không leo được mà sẽ phải .... bò và lết ạ, và sẽ rất là .... đau cái bàn tọa vì đá lổm chổm), với lại trên đường đi ham chơi quá cứ ngừng xe hoài nên bị Trời phạt, khi đến nơi tìm hoài chẳng tìm ra được nó ngay mãi cho đến khi Trời gần tối thì mới tìm ra. Nay muốn leo lên thì phải có giờ lâu lâu một chút, nhưng dù N có muốn làm gan để leo lên thì mọi người cũng chẳng cho leo đâu nên đành phải ..... xù thôi!!!
Hình dáng phiến đá trông như một con rồng khổng lồ được thiên nhiên chạm trổ và điêu khắc, chung quanh có những phiến đá nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau.
Đứng ở đầu đỉnh Mũi Vi Rồng mà ngắm về bãi biển Tân Phụng sẽ thấy phong cảnh đẹp như một bức tranh thủy mạc.
Từ thôn Tân Phụng đi về hướng Đông Nam qua bãi cát trước thôn để ngắm những đoàn thuyền đánh cá phía xa xa vào buổi hoàng hôn thì đẹp ơi là đẹp.
Dọc bãi biển vòng cung đẹp tuyệt vời của thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ
Chúng tôi lẫn quẫn ở đây vừa ngắm cảnh vừa chụp hình, vừa đi vòng vòng thăm khu dân cư của người địa phương mãi đến trời xẩm tối mới lưu luyến rời khỏi nơi này. Chuyến đi xa xôi dông dài nguyên cả một ngày trời lái xe hôm nay tính ra thu hoạch không được theo ý mình, nhưng cũng không thễ nói được là nó thành công hay thất bại, vì mục đích ban đầu là đi để được nhìn ngắm tận mắt và ghi chụp lại những hình ảnh đẹp của quê hương mà mình chỉ được nghe, được nhắc qua sách vở báo chí, vậy nếu ngắm tận mắt thì mình cũng đã được ngắm rồi, chỉ vì là chuyến đi lần đầu nơi địa danh lạ chưa biết rỏ đường đi nước bước nên hơi bị "trục trặc kỷ thuật" một chút, do đó kết quả không được như ý muốn 100% mà thôi. Tuy nhiên thay vào đó thì chúng tôi cũng đã có nguyên một ngày dài được tận mắt ngắm nhìn quê hương đất nước trải dài từ làng nọ qua đến làng kia, tỉnh nọ qua đến tỉnh kia thật là thích thú rồi còn gì nửa, vì vậy cho nên cũng chẳng có gì đáng để phàn nàn các bạn ạ.
Rời thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ tại Bình Định vào lúc trời xẩm tối, chúng tôi trực chỉ thành phố Qui Nhơn và tối nay group 4 sẽ qua đêm tại thành phố này.
Đây là khách sạn Group 4 nghỉ qua đêm tại Qui Nhơn
Bãi biển nằm trước mặt Saigon-Qui Nhơn Hotel chụp vào buổi sáng ngày hôm sau.
Đến Qui Nhơn, mọi người check in khách sạn, nghỉ ngơi lấy sức để ngày hôm sau sẽ đi xem một vài thắng cảnh tại Qui Nhơn, và sau đó sẽ lên đường đi thăm 3 tỉnh miền Tây Nguyên là Pleiku-Kontum-Ban Mê Thuộc.
Viết xong ngày March 5-2019
Bài kế tiếp: Qui Nhơn - Tháp Đôi - Mộ Hàn Mặc Tử - Ghềnh Đá Đĩa - Pleiku
Nam Mai ____