Phim ‘Nailed It’ và giấc mơ Mỹ xuyên thế hệ của người Việt

Phim ‘Nailed It’ và giấc mơ Mỹ

xuyên thế hệ của người Việt

 

       "Có bao nhiêu người trong gia đình anh làm nghề này ? Hiện nay có tới 36 người."
 

Đó là đoạn đối thoại mở đầu trong phim tài liệu Nailed It, một cuốn phim về ngành làm móng tay chân, thường gọi là “làm nail,” của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ. Các nhà làm phim nói với VOA rằng Nailed It đã truyền thêm sức sống và lòng khát khao về giấc mơ Mỹ truyền thống, mang thông điệp xuyên thế hệ từ những câu chuyện của 20 phụ nữ Việt tiên phong trong lịch sử ngành ‘nail’ từ năm 1975 đến cuộc sống đời thực đầy tình người, đậm chất nhân văn ngay từ bên trong tiệm nail.

  Đạo diễn Adele Free Phạm ở bang New York, một nhà làm phim tài liệu có cha là một người gốc Việt, lý giải với VOA vì sao cô làm cuốn phim này.

“Tất cả các tiệm nail châu Á mà tôi biết đều là của người Việt và tôi nhận thấy chưa có phương tiện truyền thông nào đề cập hay phản ứng hiện tượng này. Điều đó khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu và đưa vào thể loại phim tài liệu. Và khi tôi bắt đầu tìm tòi thì càng có nhiều cung bậc thú vị được ghi nhận trong phim.”

Câu chuyện tại làng Hy Vọng

  Phim kể lại cuộc hội ngộ sau gần 4 thập kỷ của nữ diễn viên Mỹ Tippi Hedren và 20 phụ nữ người Việt, phần đông là phu nhân của các tướng lĩnh trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, những người tiên phong đã gầy dựng ngành làm nail mà cho tới nay có trị giá lên đến 8 tỷ đôla ở Hoa Kỳ.

Adele nói thêm:

  “Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Tippi Hedren làm công tác thiện nguyện tại các trại tị nạn và gặp một nhóm 20 phụ nữ Việt Nam mới từ Việt Nam sang sau biến cố 30/4/1975. Bà tìm cách giúp họ bằng việc hướng dẫn họ nghề làm móng vào mỗi tuần và tư vấn cho họ cách kiếm tiền nơi đất khách quê người. Bà tổ chức khóa học làm móng, giúp họ có chứng chỉ hành nghề trước khi rời khỏi tại tị nạn, và thế là các phụ nữ này có thể hái ra tiền, có cuộc sống đổi đời từ nghề làm nail.”

Diễn viên Mỹ Tippi Hedren và 20 phụ nữ Việt Nam đầu tiên

học nghề làm móng ở bang California, năm 1975.

Trong phim, bà Thuần Lê, một trong 20 phụ nữ gốc Việt tiên khởi ngành nail, nói về câu chuyện tại làng Hy vọng ở bắc California năm 1975.“Tại trại tị nạn gọi là Hy Vọng, nhóm chúng tôi không biết phải làm gì để kiếm sống. Rồi bà Tippin nói rằng: tôi có một công việc dành cho các chị.”

  Trang Next Shark trích lời bà Hedren, diễn viên nổi tiếng qua phim ‘The Birds,’ năm nay đã tuổi gần 90, nói khi nhắc đến nhóm 20 phụ nữ Việt: “Tôi yêu mến những người phụ nữ này, cho nên tôi ước muốn điều gì đó thật tốt đẹp sẽ đến với họ, vì họ đã mất trắng. Một số người trong số họ đã mất toàn bộ gia đình cũng như mọi thứ họ có ở Việt Nam: nhà cửa, công việc, bạn bè - mọi thứ đã mất hết. Họ thậm chí mất cả đất nước của mình.”

Phim Nailed It của Adele không chỉ dừng lại ở cuộc hội ngộ của nhóm phụ nữ người Việt này với nữ diễn viên người Mỹ, những câu chuyện của bà Thuần Lê, Yến Nguyễn, Kim Dung… mà còn vô số những hình ảnh người thợ làm nail, chủ tiệm nail với công việc thường nhật tại nơi làm việc và cuộc sống gia đình.

Hai, ba thế hệ làm nail

  Anh Kevin Saint Phạm, người đồng sản xuất bộ phim này và là một chủ tiệm nail ở bang California với bề dày hơn 30 năm trong nghề, chia sẻ:“Thật ra tôi đến với nghề này cũng rất tình cờ. Tôi là một kỹ sư nhưng bị cho nghỉ việc. Gia đình bên vợ tôi kêu tôi đi học lấy bằng làm nail. Vậy là tôi bắt đầu, nay đã theo nghề hơn 30 năm rồi.

Tôi rất thích cuốn phim này, không phải vì tôi có mặt trong phim và là đồng sản xuất phim này, mà là vì đó là cái nghiệp đã giúp dẫn dắt, cưu mang các thành viên trong gia đình, giúp có thu nhập để con cái học hành, hòa nhập với cuộc sống tại Mỹ.”

  Cô Adele cho biết phim Nailed It được thực hiện trong khoảng thời gian dài vì có nhiều câu chuyện đan xen, có nhiều nhân vật thuộc 2-3 thế hệ làm nail khác nhau và chính anh Kevin là người có thâm niên trong nghề, quen biết nhiều người, nên cô quyết định hợp tác với anh.

“Ai cũng biết Kevin vì anh ấy ở trong nghề lâu lắm rồi, và đặc biệt anh ấy có mối quan hệ tốt với mọi người. “Câu chuyện về tình người và sinh tồn theo bản năng là lý do tôi làm phim này. Một cái tiệm nail thôi cũng đã kết nối nhiều nhóm lao động với nhau. Và tôi luôn luôn tìm thấy ở họ rất nhiều điều thú vị.”

Giấc mơ Mỹ xuyên văn hóa

  Từ Los Angeles đến Bronx, bộ phim giới thiệu những con người đứng đàng sau nền kỹ nghệ bùng nổ và thỉnh thoảng cũng gây tranh cãi. Kỹ nghệ chăm sóc và làm đẹp móng tay chân đã mở ra một con đường mà cộng đồng Việt Nam theo đuổi để đạt đến giấc mơ Mỹ cùng với cuộc sống độc lập về tài chính, trang World Channel viết.

Ngành kỹ nghệ này mang đến không gian rộng mở cho cộng đồng Việt Nam, để người thợ có thể làm được điều họ muốn, giúp họ thụ hưởng hạnh phúc của cuộc sống tiện nghi dựa trên nền tảng xã hội và kinh tế phong phú, đa dạng. Các nhà làm phim cũng là những người gốc Việt, họ hiểu được cuộc sống của chính mình, và vun đắp mối liên kết gần gũi với nền văn hoá đặc thù của dân tộc, World Channel nhận định.

Charlie and Olivett (co-owners of Mantrap)

Ở một góc nhìn khác, nhà làm phim gốc Việt đã khai thác mối liên kết xuyên văn hóa và sắc tộc qua sự hợp tác nghề nail của bà Charlie Võ, một phụ nữ Việt và bà Olivett Robinson, một phụ nữ gốc Phi, cùng mở tiệm Mantrap Nail & Hairs ở thành phố Crenshaw, bang California, vào năm 1981. Theo nhận định của giới bình luận, đây là một chi tiết làm thay đổi cái nhìn của nhiều người về nạn phân biệt chủng tộc.

Adele Free Phạm

Nhà làm phim Adele Phạm nói:

“Phám khá những cung bậc mà các nhóm người khác nhau cùng tương tác với nhau là một điều hết sức quan trọng. Và chính cái tiệm nail là một không gian như vậy. Tại đây, tôi đã khai thác cảnh trò chuyện thân tình của các phụ nữ di dân gốc Á với các phụ nữ da màu và sắc dân khác.” Còn theo anh Kevin, điều quan trọng nhất bên trong tiệm nail là tình người, là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của người Việt trong đời sống xã hội Mỹ đương đại.

“Sau hơn 40 năm, nữ cũng như nam, làm việc trong tiệm nail và trò chuyện với khách hàng, kết bạn với biết bao nhiều người, thử hỏi sự ảnh hưởng của họ đến xã hội Mỹ lớn như thế nào!”

Khán giả cũng không quá bất ngờ khi anh Bryan Vũ, một chủ tiệm nail ở bang Florida trả lời phỏng vấn trong phim rằng có đến 36 người trong họ hàng nhà anh theo nghề nail, và người anh bà con của anh từ Việt Nam sắp sang và cũng sẽ gia nhập nghề này.

Theo cô Adele, sức ảnh hưởng trong chặng đường này chính là giấc mơ Mỹ mà bao thế hệ di dân tìm đến đất nước Hoa Kỳ đều đã hoặc đang trải qua.

Cô Adele nói: “Phim đã góp phần tái hiện giấc mơ Mỹ, dù rằng giấc mơ Mỹ hiện nay đang ít nhiệm màu hơn và ít hiện hữu hơn trước. Có thể nói phim đã phần nào phản ánh chân thật bối cảnh thế hệ di dân của người Việt thực hiện giấc mơ ấy tại ngay trong tiệm nail.”

Nghiệp làm nail

Tiếp xúc với hóa chất độc hại từ thuốc tẩy sơn móng tay và

keo dán móng hàng ngày là điều mà các thợ làm nail lo ngại nhất.

Nailed It thực hiện hàng loạt các cuộc phỏng vấn mô tả mối lo lắng của người thợ và ý kiến tư vấn của ông Mike Võ, Chủ tịch Hiệp hội Nail Việt Mỹ (VANA), cũng là một người sinh trưởng trong gia đình làm nail, chuyên cung cấp thông tin với các chủ đề như giáo dục sức khỏe, cách sử dụng sản phẩm, cũng như đưa ra kiến nghị với các nhà sản xuất hóa chất để tuân thủ quy định của pháp luật Hoa Kỳ.

Anh Kevin nói: “Công tác giáo dục an toàn sức khỏe luôn cần được nâng cao trong công chúng để đảm bảo điều kiện làm việc cho các thợ nail.” Ngoài ra, theo anh Kevin, cái nhìn kiếm nhã trong xã hội Mỹ đối với giới làm nail người Việt vẫn còn, điều này được phim Nailed It phản ánh rất tinh tế qua hình ảnh hài kịch và tranh biếm họa.

Nhà bình luận Bradon Ledet có cùng nhận định: “Phim Nailed Itthông qua các bức tranh biếm họa đã lên án sự chế giễu các người thợ làm nail Việt Nam.”

Kevin Saint Phạm

“Có người còn xem cái nghề chuyên đi cắt móng tay, rửa chân người khác là nghề hạ bạc và chỉ chuyên dành cho giới nữ,” anh Kevin nói. Thế nhưng trong phim Nailed It, hình ảnh người thợ nam làm móng được lặp đi lặp lại một cách đầy dụng ý - phân công lao động theo quan niệm truyền thống ở Việt Nam không còn đúng ở xã hội Mỹ.

Adele nhận định rằng trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, cũng còn không ít người có định kiến với nghề nail. Cô cho biết khi kêu gọi sự hỗ trợ để trình chiếu phim Nailed It ở Đại học San Diego gần đây, có một vài sinh viên gốc Việt không muốn tham gia, vì họ không muốn “dính” tới nghề nail. “Vì họ có học vị tiến sĩ, họ thuộc đẳng cấp khác,” cô Adele nói thêm.

Phim Nailed It dài 60 phút vừa ra mắt công chúng toàn quốc Hoa Kỳ trên kênh truyền hình PBS vào tuần trước và chiếu miễn phí trên mạng Internet cho đến ngày 6/7/2019.

 

Nước Mắt Trong Nail

Kiếp làm Nail, chủ cũng như thợ, đôi khi được dự phần vào những chuyện mủi lòng không thể quên.

"Nước Mắt Trong Nail," chuyện thật, chuyện không hề thêu dệt vì bất cứ những dụng ý nào khác, đã xảy ra tại tiệm Solar Nails & Spa, Indianapolis.

Trời hôm ấy nóng, nóng lạ thường, làm người người dân địa phương ngạc nhiên về một ngày thứ Bảy trong cuối tháng Sáu. Một người đàn bà trạc tuổi trung lưu, ăn mặc đơn sơ, bước chầm chậm vào tiệm, hai tay ôm chặt cách tay của hai ông bà già, trạc tuổi 80, 90, yếu ớt, lê thê chân bước.

Sau khi cả ba người cùng ngồi vào ghế bồn làm chân, người đàn bà trung niên ngồi giữa, ông cụ già ngồi bên phải và bà cụ già ngồi bên trái của bà ta. Thỉnh thoảng, ông cụ thều thào: "Mẹ con đâu rồi?" ông lăp đi lặp lại hai ba lần. Người đàn bà đáp: "Ba ơi, Mẹ đây, Mẹ đang ngồi bên cạnh con đây." Cứ cách vài phút, ông cụ lại lặp lại câu hỏi, "Mẹ con đâu rồi?" Người đàn bà nắm lấy bàn tay bên trái của cụ ông đặt lên bàn tay phải của cụ bà để bàn tay cụ ông được sờ vào bày tay cụ bà; "Ba ơi, Mẹ đây, tay Mẹ đây," vừa nói, bà vừa quay qua cụ ông và theo dõi phản ứng của cụ.

Tôi thấy cử chỉ ân cần và kiên nhẫn của người đàn bà, cảm kích, liền tiến lại gần, hỏi han, mới biết được cụ ông trước đây là một luật sư, nhưng tuổi già, sức yếu, đã làm trí nhớ của ông hao mòn, nên thường xuyên hỏi, nhắc đến cụ bà.

Trong khi cả ba người đang được thợ lo chănn sóc móng chân, móng tay, một người đàn bà khác ngồi đối diện đến quày trả tiền và hỏi: "Ở đây có bán gift card không?" cô thư ký đáp: "Thưa có," và lấy trong tủ ra một thẻ gift card bằng nhựa đưa cho bà. Bà hỏi, "Cô có loại gift card nào mà tôi có thể viết lên được không?" Cô thư ký đáp: "Thưa bà không." Bà hỏi tiếp, "Vậy cô cho tôi mượn cây bút và cho tôi một mảnh giấy."

Bà lấy bút giấy qua chiếc bàn đối diện, rồi trở lại, bà mua một gift card một trăm đô ($100.00). Bà nhờ cô thư ký mang tờ giấy bà vừa viết và gift card đến trao tận tay người đàn bà đang ngồi giữa hai ba mẹ già.

Cầm trong tay mảnh giấy, từng ngón tay của bà dần dần di động, mặt bà ửng đỏ. Rồi khuôn mặt bà bỗng dưng đổi sắc, từ trong khoé mắt, hai dòng lệ lăn dài xuống đôi má. Bà nghẹn ngào, lấy tay lau nước mắt.

Tôi đứng lặng yên, không ngăn nổi xúc động, mắt tôi ướt. Nhìn qua cô thư ký, nước mắt cô ta cũng đã làm ước cả đôi má. Tôi bước đi, trả lại cho bà khoảng trống riêng tư.

Khi mọi dịch vụ móng xong, tôi ghé lại nói với người đàn bà, "Bà ơi, bà có thể chia sẻ với tôi người phụ nữ kia đã viết cho bà những gì?"



Bà trao cho tôi tấm thư, tôi đọc:

"Chị mến, ngồi nhìn thấy chị ân cần lo cho ba mẹ già, lòng tôi thổn thức. Chị là người con hiếu thảo, người phụ nữ tuyệt vời, nhắc nhớ tôi, người con gái cũng đã chăm lo cho ba mẹ tôi trước đây, các ngài đã yên nghỉ bảy (7) năm về trước. Quả thật, ba mẹ chị thật diễm phúc có một người con hiếu thảo như chị. Chúc chị bình an!"

Đọc đến đây, người tôi nóng ran lên, nước mắt tôi lại giàn giụa khi nào chẳng hay.

Những dòng ngắn ngủi ấy, dường như không chỉ viết cho người đàn bà trước mặt tôi, mà như đã viết cho chính tôi vậy. Vì chính tôi, cũng đã lo chăm sóc cho mẹ già nhiều năm liệt lào trên giường bệnh, Mẹ cũng mất trí nhớ; và Mẹ vừa mới mất năm rồi. Nỗi nhớ nhung Mẹ vẫn còn bao la và triền miên trong trái tim tôi.

Tôi ôm cánh tay ông cụ, dìu ông ra khỏi ghế và đưa ông bước chầm chậm ra khỏi tiệm; mở cửa, đỡ ông cụ ngồi an toàn nơi ghế sau của xe, đóng cửa và lui lại phía sau để xe lùi bánh. Tôi đứng nhìn chiếc xe đưa hai ông bà cụ chạy ra khỏi khu shopping, rồi dần dần khuất xa cuối đường.

Tôi đứng lặng yên, nắng nóng, gió nhẹ thoáng xoa vào mặt, nghĩ miên man về người đàn bà hiếu thảo, nghĩ về mình, nghĩ về Mẹ, lòng lâng lâng, lâng lâng.

Rồi từ đó, tôi tìm thấy nơi tiệm Nail, không phải chỉ là nơi mưu sinh, kiếm tiền, mà còn là nơi con người tìm thấy con người. Tôi tìm thấy rất nhiều niềm vui và ngay cả những muộn phiền của khách trang trải trong những phút giây ngồi nơi bàn làm móng tay, hay nơi ghế làm móng chân, hay cả những lúc khách ngồi lặng yên, bất động, nhắm mắt như đang thả hồn về chốn xa xăm nào.

Tôi cảm nghiệm, tiệm Nail không còn là của mình, của riêng ai, mà là nơi đã cho mọi người trong giới Nail cơ hội tiếp cận với con người trong một cung cách hết sức thâm tình. Nhiều khách hàng khi nằm xuống còn yêu cầu con cháu họ đã gọi báo cho những thợ Nail, tiệm Nail như một lời chia tay, vĩnh biệt, đã song hành với người thân của họ, người quá cố, với những sinh hoạt của đời sống đáng nhớ.

Nghề Nail: LÀM DÂU TRĂM HỌ

Sau đây là tâm sự của cô Tám, người làm thợ và chủ nails từ năm 1987.

Em tới Mỹ năm 1975 cùng anh A trước kia là một Sĩ Quan Nhảy Dù VNCH. Lúc đó tụi em mới lấy nhau vài tháng. Chồng em xin ngay được việc làm là nhân viên bảo vệ (security guard) còn em thì làm thợ may. Vài năm sau, nhờ người giới thiệu, em làm waitress ở một tiệm ăn. Tiền tip khá hơn làm may nhiều. Thời gian này chúng em vừa đi làm vừa đi học.

Em xin chia xẻ những kỷ niệm trong ngành nail mà mình đã chứng kiến 27 năm nay. Trong thời gian làm thợ nails em rất buồn khi luôn chứng kiến những chịu đựng và nhẫn nại người chủ phải nín lặng. Thường thường, kiếm thợ nails rất khó. Báo Việt Nam đăng mướn thợ thường trực và rất nhiều nên thuận thì ở còn nghịch thì đi. Nhiều thợ còn thì thầm với nhau: “Chủ đâu có làm gì mà mình phải chia 40% cho họ.” Từ ý tưởng đó cộng thêm nhiều nơi cần thợ nails, rất dễ dàng kiếm chỗ làm mới nên sự kính nể chủ thường là hời hợt hoặc không có.

Em chứng kiến cô B, một thợ nail làm cho một chủ đã mười mấy năm. Thái độ của cô ta đối với mọi người, kể cả chủ, rất xấc xược. Hơn thế nữa, B còn có tật liên tục nói xấu về bà chủ ngay trước mặt bà ta. Tiền B làm rất khá, hằng tuần chưa chia luôn luôn trên 1 ngàn đô la. B làm mọi thứ: Manicure, Pedicure, Full Set, Waxing và Facial. Thường được tip rất hậu. Khách hàng đưa 5, 10 dollars bonus là chuyện thường.

Hôm đó, B vừa làm xong waxing thì có khách vào làm Full Set, bà chủ chi định thợ khác làm. Thế là B giận dữ, lớn giọng: “Tại sao chị lại để người khác tranh tài em? Khách này là khách quen em.” Bà chủ nhỏ nhẹ: “Em vừa mới làm xong, tới lượt người khác.” B than phiền với mọi người: “Nếu tử tế với con này thì sáng con này tới sớm mở cửa. Nếu để ngưới khác tranh tài con này, con này sẽ chỉ cho khách qua tiệm ngang đường làm.”

Bà chủ không nén được sự tức giận, kêu B ra trước mặt những người khác nói: “Tiệm của tôi, từ trước đến giờ, chưa đuổi ai. Tuy nhiên, hôm nay tôi không muốn B làm ở đây nữa. Thái độ của cô quá đáng.” Bà ta thêm vào, giọng phẫn uất: “Quý vị nghĩ là chia tiền cho tôi nhiều lắm sao? 40% chúng tôi phải trả tiền thuê, tiền mướn tiệm, tiền điện nước. supplies . . . rồi bao nhiêu thứ trách nhiệm nữa. Ai không muốn làm thì nghỉ ngay bây giờ đi.”

Trên 10 người thợ im lặng. B oà lên khóc và xin lỗi bà chủ, hứa rằng không bao giờ than phiền nữa. Bà chủ xác định vững vàng là không thay đổi ý kiến: B phải thu xếp đồ đạc và dọn ra ngay.

Từ đó về sau. Không có “sự cố” nữa, mọi người “xử lý rất chuẩn.”

Chuyện của B là điển hình. Trong ngành nail, người ta thường nói: “Thợ bỏ chủ chứ chủ không bỏ thợ. Làm cho 4 tiệm trong 6 năm, em đã học hỏi được nhiều về tâm lý của chủ và thợ trong ngành nail. Em nghĩ mình sẵn sàng mở một tiệm nail rồi.

Năm 1993, em mở tiệm nail đầu tiên. Muốn sang lại tiệm có sẵn khách, ngặt là không đủ tiền. Có chạy được tiền để làm ăn đi nữa lại sợ thất bại làm sao trả được tiền nợ. Bởi vậy, em mướn một căn trống, trang trí thành tiệm nails. Chỉ một tháng sau là grand opening. Gần đó không có tiệm nails nên số khách ngày một gia tăng. Chỉ một năm sau, em sang lại tiệm được 20 ngàn đô la.

Thấy làm ăn được, sau khi sang, em tìm được 4 địa điểm khác và trang trí thành tiệm nails. Bốn năm sau, em bán cả 4 tiệm và tìm 2 địa điểm khác, Cuối cùng em sang cả 2 tiệm này và mua lại một tiệm khác hoạt động đến bây giờ. Điều khiển một tiệm nail hết sức phức tạp. Nhiều vấn đề người chủ phải đương đầu: Tiền nhà tăng, kiếm thợ và duy trì thợ, đối phó với Ty Thẩm Mỹ. 

Nghề Nail đối mặt với sát thủ thầm lặng

 

Tôi có người bạn mới từ Việt Nam qua, khó tìm việc làm vì vốn tiếng Anh kém cỏi, ai cũng khuyên nên đi học và hành nghề Nail là tiện nhất vì học vừa nhanh, lại có nhiều tiền. Cô hỏi, nghề Nail có nguy hiểm vì hoá chất độc hại không? Vì cô đang có thai vài tháng, cô lo cho đứa nhỏ trong bụng.

Trước tình cảnh thiếu thốn của cô, tôi không biết khuyên làm sao cho phải, nên chỉ biết nói cho cô nghe những sự thật mà cô sẽ phải đương đầu. Không phải tôi đưa ra những nhận xét bi quan nhưng vì tôi có người thân từng làm nghề này nên xin đưa ra những khuyến cáo đứng đắn không chỉ với cô bạn tôi mà với tất cả những ai đang làm nghề này. 

Nghề Làm móng là nghề phải đối mặt với các hoá chất mỗi ngày mà chúng là những sát thủ thầm lặng. Thợ móng, hít thở các hoá chất này qua một thời gian dài nguy cơ ung thư và những căn bệnh liên hệ tới phổi gia tăng và có ngày sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Momo Chang, tác giả của một bài viết trên báo Hyphen Magazine đã thuật lại lời kể của Uyên Nguyễn là chủ một tiệm nail. Bà này có một cô em dâu đã hành nghề trong tiệm của bà trên 15 năm. Cô em khám phá ra cái thai 8 tháng bị chết trong bụng và cô tin rằng vì cô đã hít quá nhiều hoá chất độc khi cô làm móng giả cho khách hàng.

Năm 2007, báo Times đã gọi nghề Nail là một trong những nghề tệ hại nhất ở Hoa Kỳ vì những sản phẩm hoá chất được dùng trong tiệm. Những người thợ làm móng đã hít phải những hoá chất này liên tục trong 8, 10, 14 tiếng hoặc hơn mỗi ngày.

Formaldehyde is one of the most common carcinogens in your indoor air

Theo một nghiên cứu của đại học University Massachusetts trong vùng Boston, người ta khám phá ra những người thợ Nail là những người thường mắc các chứng bệnh như khó thở, nhức đầu, ngứa ngáy và đau nhức các khớp xương, gân hay bắp thịt. Theo Cora Roelofs, mặc dù chính phủ đã đặt ra những luật lệ hầu bảo vệ độ an toàn cho người xử dụng, nhưng những ngăn ngừa này cũng không giúp gì được cho những người thợ.

Một trong những hoá chất độc nhất tìm thấy trong những tiệm Nail là chất carcinogen formaldehyde, và những chất khác là toluene and dibutylphthalate. Những chất này tạo nên quái thai và hư thai.

Tôi có một người thân cũng làm nghề này. Sau nhiều năm hành nghề, một buổi chị đi chữa răng và người nha sĩ khám phá ra chị bị ung thư dưới lưỡi. Chị phải chịu phẫu thuật để cắt chỗ ung thư đi và được hoá trị.

Bác sĩ chuyên môn còn xẻ đùi chị lấy thịt để vá vào chỗ lõm dưới lưỡi, nơi thịt ung thư bị khoét bỏ, đau đớn không thể nào tả xiết. Xui làm sao, ông ta bỏ nhiều thịt đùi quá, lưỡi bị chạm, chị nói chuyện không được, ông lại giải phẫu lấy bớt thịt ra. Chị chịu đau biết bao nhiêu lần, rồi chị bị chứng trầm cảm vì sợ chết, phải uống thuốc an thần để giảm đau và bớt sợ. Cơ thể chị lâu dần quen thuốc, ngày nào không có thuốc chị thấy như kiến bò trong xương. Khi vết mổ lành hai năm sau, phổi chị bắt đầu mọc những mụn ung thư nho nhỏ lan ra đầy phổi.

Giờ, bác sĩ bảo đành phải để thế, không thể giải phẫu cắt chúng đi được vì chúng quá nhiều. Những mụn ấy phát triển chậm nhưng ngày một lớn dần. Chị xem như hết cách chữa, bèn tin vào những phương thuốc bậy bạ của bất cứ người nào mách bảo. Vợ chồng con trai chị cũng mở một tiệm Nail rất khá giả, thế mà mỗi lần tiệm đông khách thiếu tay thợ, chị lại xắn tay nhào vào giúp con.

Thật là sinh nghề, tử nghiệp. Chị đúng là một mẫu người phụ nữ Việt Nam xưa tiêu biểu, chỉ biết làm việc hy sinh cho chồng cho con. Chị mở tiệm Nail kiếm tiền giúp gia đình, quần quật với việc nhà, không ăn chơi mua sắm, không biết giải trí se sua. Cuối đời chị đã được hưởng những gì ngoài mặc cảm làm Nail và những cơn đau của ung thư hành hạ.  Và gần đây nhất chị giúp vốn cho con chị mở một tiệm tạp hoá loại 99 cents để bỏ dần tiệm Nail vì chị thấy được nguy cơ lâu dài của nghề này.

Nghề nào, nghiệp nấy. Làm nghề khuân vác, thì già cụp lưng, xương sống lệch lạc. Người hành nghề Nail ngoài những bệnh về da dễ mắc còn phải đối diện với các bệnh về đường hô hấp. Trong một bài báo của American Journal of Epidemiology có một báo cáo y tế được thực hiện ngày 21 tháng 5, 2010, trong 325,228 thợ móng tay có bằng cấp có 9,044 trường hợp bị ung thư. Con số tỷ lệ ung thư là 0.87 %. Và tỷ lệ ung thư phổi là

1.21 % trên tổng số hành nghề, tức cứ 100 người thợ làm móng có 1.21 người mắc bệnh ung thư phổi. Con số này là con số đáng tin cậy. Ngoài ra họ còn mắc các bệnh liên hệ tới đường hô hấp và ngoài da khác.

Theo The Industry Magazine Nails, Ở Mỹ có khoảng 60,000 tiệm Nail, con số người hành nghề làm móng khoảng 350,000 người, 96 % là phụ nữ, hơn phân nửa là người Việt Nam. Ông Nguyen Tin, chủ tịch hiệp hội Vietnamese Nail Care  Profesional Association,   tiết lộ Ở California có khoảng 42,000 thợ làm móng người Việt và con số người gia nhập làng Nail ngày một gia tăng.

Tháng 12 năm 2004, một thanh tra y tế đột nhập vào một tiệm Nail ở San Jose để kiểm tra sau khi nhận báo cáo của một khách hàng tố giác sau khi làm móng, da bị dị ứng, ngứa, sưng tấy, đau rỉ nước, đi bác sĩ mãi không hết. Sau đó bộ y tế bắt đầu mở hàng loạt những vụ kiểm tra khám xét các tiệm Nail. Tiếp theo vụ báo cáo đó, có khoảng 30 trường hợp khách hàng bị chứng đau rỉ nước vì nhiễm trùng sau khi làm móng được ghi nhận.

Các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ liên tục nói về việc này. Họ than phiền các tiệm Nail Việt kém vệ sinh, không thoáng khí, hệ thống hút hay lọc hơi không hội đủ tiêu chuẩn bảo đảm sức khoẻ cho khách hàng lẫn thợ thuyền. Nhiều tiệm Nail không kiểm soát được rủi ro do hóa chất làm móng giả gây ra cũng như từ sơn móng tay, keo gắn móng, chất lau sơn móng tay. Sau đó nhiều tiệm Nail bị phạt vì phạm luật, không đủ tiêu chuẩn an toàn.

Mặc dù mức độ hơi khói và bụi hóa chất ở dưới mức độ cho phép, nhưng chuyên viên móng vẫn có thể mắc các bệnh như khó thở, hen suyễn do Ethyl Methacrylates gây ra. Ngoài ra nhiều người bị cay mắt vì nồng độ Ema có trong bột làm móng. Khi mài móng có những hạt bụi rất nhỏ bay ra.

Trong bụi có pha lẫn các chất như keo dán và methacrylate polymers. Chúng vượt rào cản ở mũi, cuống phổi và xâm nhập vào góc phổi đưa tới tổn thương, tạo nên các bệnh về đường hô hấp. Do đó việc đeo khẩu trang che bụi và ngăn được phần nào các hoá chất độc hại. Tuy nhiên các hoá chất này dễ bay hơi và hoà tan trong không khí có hại cho cả khách lẫn thợ.

Tác dụng độc hại của các hoá chất trên cơ thể một người hành nghề xảy ra theo một tiến trình chậm và lâu dài khiến người ta không thấy mối nguy hiểm lập tức và ngay trước mắt. Vả lại việc học Nail nhanh, dễ, lại rẻ là một lợi điểm thu hút những người mới đến định cư muốn nhảy vào. Khi học nghề, nhà trường chỉ dạy sơ qua về cái độc nhưng lại tránh không nhắc đến cái hại thế nào mà chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh kiếm tiền nhiều và dễ.

Patty Moran, một người thợ làm móng 38 tuổi, kể rằng bà làm trong một tiệm móng tay trong khu shopping Mall cùng 13 người thợ khác, 10 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần. Bà đã không dùng khẩu trang che mặt, tiệm lại không có hệ thống quạt, hút hơi, lọc không khí, trong khi người quản lý hút thuốc liên tục suốt ngày khiến căn tiệm đầy những mùi.

Ở trong tiệm bà không cảm thấy mùi hoá chất hay mùi gì vì khứu giác bà đã quen với nó và bà bắt đầu bị bịnh khó thở và cảm thấy phổi mình đầy những bụi. Sáu tháng sau, bà tìm việc khác làm vì bà không muốn chết sớm.

Trong tất cả những người đã và đang làm thợ móng, chắc chắn có nhiều người ý thức được những rủi ro nghề nghiệp giống như bà Moran nhưng mấy ai có thể dứt khoát hay có ý định bỏ nghề kịp lúc như bà. Nghề làm móng đã giúp đỡ rất nhiều người Việt bước nhanh và bước mạnh trên con đường hội nhập khó khăn và khiến họ làm nên bao nhiêu cơ nghiệp vẻ vang. Người mình thường nghĩ Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh và nghề Nail là nghề kiếm tiền được ai dại gì mà bỏ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta biết được nghề này khó bỏ mà nó có nhiều rủi ro thì mình nên đề cao cảnh giác và thường xuyên áp dụng những phương cách phòng ngừa hầu ngăn chặn những nguy cơ xảy ra hay giảm thiểu những rủi ro.

Đó là chưa kể đến những nỗi cực nhục trong việc đối phó với sự cạnh tranh nghề nghiệp vì nghề nào dễ ăn thì ai cũng nhảy vào. Vì cạnh tranh mà có người mở cửa tiệm suốt tuần sợ mất khách. Những ngày lễ, họ phải mở cửa từ sáng sớm tới tối mịt. Có khi khách đông, bận rộn đến nỗi không ăn, nín đi vệ sinh đến nỗi có người bị xỉu vì đói vì mệt.

Ngoài ra người thợ Nail còn có một mặc cảm thấp kém, giảm nhân cách vì cái vị trí bị ngồi dưới thấp của họ là chà chân, cắt da, săn sóc, lau chân, mang giày cho người ta. Sự tủi nhục không ít thì nhiều cũng làm cho tâm lý con người bị tổn thương. Chưa kể gặp khách hàng khó tính, bắt bẻ, hành hạ làm theo đúng ý họ khiến đồng tiền tưởng là dễ kiếm biến thành cục xương hóc trong họng.

Chị tôi kể, có một bà thợ lớn tuổi đeo kính lão vẫn phải đi làm. Một hôm vì mắt kém, thay vì cắt móng, bà đã cắt lầm vào da chân của một phụ nữ da đen trẻ to con mập mạp. Chị lắc đầu nói trời ơi, tôi thấy con Mỹ đen bất thần bị đau co cái chân to khoẻ của nó đạp bà một cái, tấm thân gầy nhỏ bé lăn lông lốc dưới đất thật là đáng thương. Bà đau đến nỗi mấy hôm sau chưa đứng dậy nổi để đi làm.

Nỗi vinh nhục của nghề làm móng kể ra thì nhiều nhưng dĩ nhiên vào nghề thì ai cũng tập làm quen chịu đựng và chấp nhận thương đau.

Nhưng cái khó nhất của nghề làm móng có lẽ là Đường vào nghề Nail rất dễ nhưng đường ra thì ....chắc chắn là khó vì ít ai bước ra dù cho họ phải đối mặt và sống với mộtsát thủ thầm lặng.

 

Ngọc Lan tổng hợp

Hình Minh họa-Internet 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %877 %2019 %16:%05
back to top