Ký hiệu đô la ra đời như thế nào
Ký hiệu đồng đô la ($) là biểu tượng có uy lực lớn nhất thế giới
tượng trưng cho điều lớn hơn đồng tiền nước Mỹ rất nhiều.
Đó là chữ viết tắt cho giấc mơ Mỹ và toàn bộ chủ nghĩa tiêu thụ cùng chủ nghĩa hàng hóa gắn liền với nó, có ý nghĩa tức thì về hoài bão tươi sáng, lòng tham vô độ và chủ nghĩa tư bản lan tràn.
Nó đã được đưa vào văn hóa đại chúng (hãy nghĩ đến ca nhạc sỹ Mỹ Ke$ha khi cô bắt đầu sự nghiệp, hay bất cứ những chiếc áo phông thời trang nào) và được các nghệ sỹ vay mượn (Salvador Dali thiết kế một bộ râu dựa vào nó, Andy Warhol vẽ nó trên tấm mica và in lụa, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật biểu tượng mà bản thân chúng bán được rất nhiều tiền).
Nó được sử dụng rộng rãi trong mã hóa máy tính và nó giúp tạo nên hình mặt cười miệng ngậm tiền với đôi mắt sáng rỡ và chiếc lưỡi thè ra.
Tuy nhiên, bất chấp tính thông dụng ở nhiều lĩnh vực như vậy, nguồn gốc của ký hiệu đô la còn lâu mới rõ ràng với những giả thiết cạnh tranh với nhau, trong đó có giả thiết về đồng tiền xu của người Bohemia, Những Cây cột của Hercule và những thương gia bị quấy nhiễu.
Tượng trưng cho nước Mỹ?
Ký hiệu đô la được in ra đầu tiên trên một máy in ở Philadelphia
vào những năm 1790 và là công trình của Archibald Binny
Người chị em bé nhỏ của đồng đô la, đồng cent vô giá trị, được tượng trưng một cách hợp lý bằng chữ 'c' viết thường bị gạch qua một nét, nhưng trong ký hiệu đô la lại không có chữ 'D' nào.
Nếu bạn phải tìm ra những chữ cái ẩn giấu trong đó, bạn có thể nhìn ra một chữ 'S' với chữ 'U' ép nhỏ và bớt cong lên tạo thành nét dọc trong chữ 'S'. Thật ra, giả thiết này giải thích cho nguồn gốc của quan niệm sai lầm phổ biến nhất về nguồn gốc ký hiệu này: có phải nó tượng trưng hai chữ cái đầu tiên trong United States (tức là nước Mỹ)?
Đó là điều mà nhà văn, triết gia và là người có lập trường tự do nổi tiếng ở Mỹ Ayn Rand tin tưởng.
Trong một chương trong tiểu thuyết Atlas Shrugged của bà, được xuất bản vào năm 1957, một nhân vật hỏi nhân vật khác ký hiệu đô la tượng trưng cho điều gì.
Câu trả lời như sau: 'cho thành tựu, thành công, năng lực, sức mạnh sáng tạo ở con người, và chính là vì những lý do này mà nó được dùng như là một thương hiệu của sự khét tiếng. Nó tượng trưng cho những chữ viết tắt của United States'.
Có vẻ như là Rand đã sai, không chỉ bởi ít nhất là mãi cho đến năm 1776, nước Mỹ vẫn còn được gọi là United Colonies of America, và đã có những ý kiến cho rằng ký hiệu đô la đã được sử dụng trước khi nước Mỹ ra đời.
Trái phiếu gốc này do cựu tổng thống Hoa Kỳ George Washingtom ký vào năm 1792,
là văn bản tài chính đầu tiên ở Mỹ sử dụng ký hiệu đồng đô la
Ký hiệu đồng bảng Anh có lịch sử từ 1.200 năm trước, khi nó lần đầu được người La Mã sử dụng như là chữ viết tắt cho 'libra pondo', đơn vị đo lường khối lượng cơ bản của đế chế này.
Bất cứ một nhà chiêm tinh nghiệp dư nào cũng sẽ nói cho bạn biết rằng trong tiếng Latin libra có nghĩa là cái cân, và libra pondo dịch theo nghĩa đen có nghĩa là 'cân nặng một pound'.
Trong xứ Anh (England) Anglo-Saxon, pound đã trở thành đơn vị tiền tệ, tương đương với - ngạc nhiên chưa - một pound (cân Anh) bạc.
Nói cách khác, đó là của cải lớn. Nhưng bên cạnh tên gọi La Mã, người Anglo-Saxon đã mượn ký hiệu này, một chữ cái 'L' tinh xảo.
Hai vạch ngang xuất hiện sau đó để thể hiện rằng đó là một chữ viết tắt, và một tấm séc tại Bảo tàng Ngân hàng Anh quốc ở London cho thấy ký hiệu đồng pound đã có hình thức như hiện nay kể từ năm 1661, tuy rằng cần phải mất nhiều thời gian nó mới được chấp nhận rộng rãi.
Từ đồng tiền Bohemia
Trong khi đó, đồng đô la có lịch sử ngắn hơn nhiều.
Vào năm 1520, Vương quốc Bohemia bắt đầu đúc những đồng tiền bằng bạc khai thác từ một mỏ ở Joachimsthal - vốn được dịch thoát từ tiếng Đức ra tiếng Anh thành 'Joachim's valley', tức thung lũng của Joachim.
Một cách lôgíc nếu không muốn nói là thiếu sức tưởng tượng, đồng tiền này được gọi là 'joachimsthaler' mà sau đó được rút ngắn lại thành 'thaler'. Cách dùng đó tiến tới lan rộng ra khắp thế giới.
Chính là phiên bản Hà Lan, đồng 'daler', đã băng qua Đại Tây Dương trong túi và trên cửa miệng của những người di dân đầu tiên, và ngày nay cách phát âm tiếng Anh kiểu Mỹ của từ 'dollar' vẫn giữ được âm hưởng từ chữ 'daler' này.
Mặc dù đồng tiền này tương đối trẻ, nhưng ta vẫn không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi ký hiệu đồng đô la đến từ đâu.
Dường như không ai bỏ công ra để vẽ ra nó và hình dáng của nó vẫn thay đổi - đôi khi nó có tới hai vạch đứng xuyên qua, và ngày càng chỉ có một vạch. Không phải là không có nhiều giả thiết ganh đua với nhau. Chẳng hạn, quay trở lại quan niệm rằng có một chữ U và một chữ S ẩn giấu trong ký hiệu, có người cho rằng hai chữ này đại diện cho chữ 'units of silver', tức đơn vị bạc.
Một trong những câu chuyện bí truyền nhất về nguồn gốc đồng đô la cũng liên hệ ký hiệu $ với đồng 'thaler' của người Bohemia. Câu chuyện kể về con rắn trên cây thánh giá với Thiên chúa trên đó. Bản thân biểu tượng này là sự gợi nhắc đến câu chuyện nhà tiên tri Moses cuốn một con rắn đồng quanh một cây cột để chữa trị cho những người bị rắn cắn. Do đó, có ý kiến cho rằng đồng đô la xuất phát từ ký hiệu đó.
Cho đến peso Tây Ban Nha
Tuy vậy, một giả thiết khác tập trung vào Những Cây cột của Hercules, một cụm từ do người Hy Lạp cổ đại chế ra để mô tả những mỏm đất nằm về hai bên lối vào Vịnh Gibraltar.
Các cây cột này được thể hiện trên huy hiệu quốc gia của Tây Ban Nha, và trong các Thế kỷ 18 và 19, chúng xuất hiện trên đồng đô la Tây Ban Nha vốn còn được biến đến là đồng peso.
Các cây cột có những tấm biểu ngữ quấn xung quanh trong hình chữ S và không cần phải ngắm nghía nhiều để thấy nó giống với ký hiệu đồng đô la.
Giả thiết được chấp nhận rộng rãi nhất thật sự có dính đến đồng tiền Tây Ban Nha và nó kể lại như sau: ở các thuộc địa Bắc Mỹ, giao thương giữa người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Anh rất sôi động, và đồng peso là đồng tiền chính thức ở Mỹ cho đến năm 1857.
Do đó, các sử gia nói rằng nó thường được rút gọn thành các chữ cái đầu tiên là 'P' và chữ 'S' viết nhỏ đặt kế bên. Dần dần, nhờ vào nét nguệch ngoạc của những thương nhân và những người ghi chép vội vàng, chữ 'P' đã nhập vào chữ 'S' và mất đi nét cong để chỉ còn lại nét thẳng đứng như một cái cột đâm thẳng xuống ngay giữa chữ 'S'. Một đô la Tây Ban Nha có giá trị đâu đó xung quanh một đô la Mỹ, do đó dễ dàng nhận ra ký hiệu có thể đã được chuyển đổi như thế nào.
Chắc chắn là một sự mỉa mai, mặc dù không hề ngạc nhiên, là một biểu tượng nội tại của đặc tính quốc gia Mỹ như vậy lại có nguồn gốc từ một quốc gia khác.
Nhưng cho dù nó ra đời như thế nào đi nữa, chắc chắn đó là sự sáng tạo của người Mỹ: có thể ông không là người duy nhất sáng tạo ra nó, nhưng thư từ của Oliver Pollock, một thương gia giàu có gốc Ireland và là người ủng hộ ban đầu của Cách mạng Mỹ, đã khiến ông được các sử gia xem như là người khởi nguồn ký hiệu này.
Còn về ký hiệu đô la được in ra đầu tiên, đó là trên một máy in ở Philadelphia vào những năm 1790 và là công trình của một người Mỹ yêu nước nhiệt thành - hay ít nhất là một người Scotland chống đối nước Anh quyết liệt - có tên là Archibald Binny, người mà ngày nay được nhớ đến là người sáng tạo ra kiểu chữ Monticello.
Hepzibah Anderson
10 điều ít biết về đồng đôla Mỹ
Đồng xu được ngâm dung dịch hóa học, tờ tiền giấy bị làm giả nhiều nhất là 20 USD, hay tổng thống còn sống không được in hình lên tiền... là những điều ít biết về đồng đôla Mỹ.
1. Đồng xu được ngâm dung dịch hóa học trước khi đúc
Cũng giống như chân giò hay trứng ướp gia vị, đồng xu Mỹ được ngâm trước khi đem đi đúc. Tuy nhiên, không giống thức ăn, chúng được ngâm trong loại hỗn hợp dung dịch hóa học đặc biệt. Dung dịch này có tác dụng làm sạch và sáng bề mặt của đồng xu trống.
2. Hình kim tự tháp ở mặt sau đồng đô la biểu trưng cho sự phát triển của quốc gia
Nói về các biểu tượng và hình nghệ thuật trên đồng đôla Mỹ, nhiều thuyết ra đời. Một trong những thuyết này cho rằng, Hội tam điểm đã sử dụng những biểu tượng này để bí mật truyền tải thông điệp quyền lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, các biểu tượng này được giải thích hợp lý hơn. Vì các biểu tượng này được tạo ra từ khi nước Mỹ ra đời, nên có thể lý giải rằng, họ tin đất nước sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng. Những nhà sáng lập nước Mỹ có niềm tin vào người dân, và niềm tin này được chất chứa trong hình kim tự tháp trên tờ tiền đôla.
3. Cơ quan mật vụ Mỹ ban đầu được thành lập để chống nạn làm tiền giả
Nhiều người tin rằng, Cơ quan mật vụ Mỹ được thành lập để bảo vệ tổng thống. Cơ quan bí ẩn này được thành lập 2 tuần sau khi tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát. Tuy nhiên, thực tế là cơ quan này được thành lập để chống nạn tiền giả. Vào những năm 1800, mỗi bang của Mỹ đều có tiền tệ riêng, nên làm tiền giả là việc vô cùng béo bở và dễ dàng. Thời tổng thống Lincoln tại vị, một phần ba tiền tệ của Mỹ được cho là giả. Bởi vậy, Sở mật vụ Hoa Kỳ được thành lập.
4. Sản xuất một đồng 5 xu tốn kém hơn một đồng 10 xu
Ban đầu, tiền xu Mỹ được làm từ đồng. Khi giá đồng bắt đầu tăng, người ta chuyển sang dùng kẽm, sau đó lại chuyển sang niken. 10 năm trước, chi phí để sản xuất một đồng 5 xu là 11,2 cent, trong khi đó chi phí sản xuất một đồng 10 xu và 25 cent lần lượt là 5 cent và 11 cent.
5. Tiền rất bẩn
Theo nghiên cứu, mặt tiền giấy chứa trung bình khoảng 3.000 loại vi khuẩn, đa số các loại này là vô hại nhưng cũng có chứa vi khuẩn gây mụn và vi khuẩn miệng. Nguyên nhân là tiền được qua tay hàng nghìn người và truyền vi khuẩn khắp nơi. Vì vậy, bạn nên rửa tay sau khi chạm vào tiền.
6. Hình tổng thống còn sống không được in trên tiền
Khi Washington trở thành tổng thống Mỹ, người ta muốn đưa mặt ông lên tiền đôla. Tuy nhiên, ông từ chối và cho rằng, thật không hay khi in mặt một thống thống còn sống trên tiền. Ngày nay, luật Mỹ quy định rằng, các thổng thống phải qua đời 2 năm trước khi được cân nhắc in mặt lên tiền đôla.
7. Tờ tiền có mệnh giá lớn nhất từng được sản xuất là 100.000 USD
Đồng tiền mệnh giá 100.000 USD được phát hành bởi Cục Khắc dấu và In ấn (BEP), nhưng chỉ dùng thay thế cho vàng trong giao dịch giữa các ngân hàng dự trữ liên bang. Tờ tiền mệnh giá lớn nhất trong lịch sử này được in trong khoảng thời gian ngắn, từ ngày 18/12/1934 tới 9/1/1935, với hình tổng thống Wilson ở mặt trước.
8. Vòng đời của một tờ đô la tùy thuộc vào mệnh giá của nó
Tùy thuộc vào nhu cầu đối với từng mệnh giá, vòng đời của một tờ tiền ngắn dài khác nhau. Đồng 1 USD được dùng khá thường xuyên, vì vậy, vòng đời của nó kéo dài khoảng 18 tháng trước khi ngừng lưu thông. Những tờ tiền mệnh giá 50 hay 100 USD thường được lưu thông khoảng 9 năm, bởi chúng không được dùng nhiều như những tờ mệnh giá 1, 10 hay 20 USD.
9. Tiền USD thực chất được làm từ linen và cotton
Chất liệu làm tiền đô la Mỹ gồm 25% linen và 75% cotton chứ không phải bằng giấy như nhiều người lầm tưởng. Năm 2009, hơn 21.000 kiện bông được dùng để in tiền.
10. Đồng tiền bị làm giả nhiều nhất là 20 USD
Về mặt logic, nếu một người muốn làm tiền giả, họ sẽ làm giả những tờ có mệnh giá lớn. Tuy nhiên, trên thực tế những tên làm giả cho rằng, chúng có thể thành công hơn với tờ 20 USD. Việc dùng một đồng 20 USD để mua vé xem phim sẽ ít bị nghi ngờ hơn việc dùng một đồng100 USD. Trên thực tế, nhiều người thường mang các đồng 20 USD trong ví. Hiếm người ra đường với một ví đầy tờ 100 USD.
Kim Quy tổng hợp
Hình Internet