Chuyện của mẹ
Chuyện của mẹ
Mùa Vu Lan 2019
Đặng Ngọc Ấn
Sinh con là một kỷ niệm giông bão, là một cơn vật vã đau đớn, thật dịu dàng, êm ái … khó quên trong đời mẹ. Một phép huyền diệu, nhiệm mầu nào đấy đã biến mẹ thành một người đàn bà khác, trăm phần trăm khác hẳn với chính mẹ trước lúc sinh con ra đời.
Con là một sinh vật kỳ diệu mà mẹ đã xẻ da, xé thịt mình để cuộn thắt tất cả tình thương thắm thiết nhất của đời mẹ vào đó. Tiếng con khóc chào đời không phải là một thứ âm thanh bình dị, đơn độc mà là một sự rung động chín mùi, bật ra từ trong tim gan của mẹ, một sự rung động có cỗi nguồn sâu thẳm vọng lên từ đáy tâm hồn của mẹ.
Tiếng con khóc chính là niềm thương yêu tận cùng của mẹ trổ hoa thành hương sắc thần kỳ đó. Mẹ nghe trong tiếng khóc chào đời của con, bản nhạc đầy âm tiết tươi vui, chào mừng ngày tao ngộ tuyệt vời của mẹ con mình, với khúc hợp tấu mới mẻ này, tất cả những buồn phiền, u uẩn trong đời mẹ thực sự đã bị đẩy lùi vaò vô thỉ, không còn cơ hội để lai vãng trong thế giới yêu thương của mẹ con mình nữa.
Cao nguyên vào thu, ngập trời mưa lạnh. Mẹ có thêm được một thú vui thật bình an diệu vợi, đó là ngồi hong tã cho con: một cái sọt, đan thưa bằng những sợi tre chuốt mỏng, được úp chụp trên một lò than hồng đã ủ kín bằng tro để giữ gìn hơi ấm, các chiếc tã mới vừa được giặt xong cẩn thận, giờ đây được trải ngang qua từng chiếc một.
Mẹ ngồi trăn trở từng chiếc tã nhỏ, lật qua, úp lại mãi hoài không biết chán, như một trẻ thơ mải mê chơi một trò chơi kỳ thú thật say sưa vậy. Mẹ ngồi nhìn làn hơi nước mỏng manh tỏa ra nhẹ nhàng trên mặt chiếc sọt mà cứ tưỏng như hơi ấm của chính thân xác mình đang toát lên sức sống nhiệm mầu để ấp ôm lấy hình hài măng tơ, trứng nước của con mẹ.
Con biết không, từ đó tóc mẹ cứ hoài hoài ươm ướp mùi tã hong, những thứ nước hoa mẹ vẫn thường thích ngày xưa từ từ rút vào quên lãng để nhường chỗ lại cho mùi tã hong thương thương gợi nhớ …
Rộn rã và hồi hộp nhất là những ngày thấp thỏm nhìn con chập chững đi chưa thành bước, những hôm lặng nghe con bập bẹ nói tiếng chửa thành lời. Bằng trực giác lạ lùng mẹ luôn kịp đưa tay đón đỡ vừa vặn khi con sắp sửa vấp ngã và cũng bằng cảm quan bén nhạy huyền hoặc mẹ đã cảm thông rành rọt tất cả nhũng gì chứa đựng trong tràng tiếng nói u, ơ, ngọng nghịu dường như vô nghĩa của con.
Những đêm trường cô tịch thường là khỏang môi trường dành cho cuộc sống nội tâm tràn đầy phong phú hơn cả, hạnh phúc thầm lặng phủ khỏa lấy mẹ một cách êm ái dịu hiền, khi mẹ được ngồi im một mình để nhìn con đang thánh thiện cười mơ trong giấc ngủ. Ôi cánh thiên thần mong manh của lòng mẹ!
Rồi những chiều say ngắm hoàng hôn với con trên mênh mông đồi cỏ. Tóc non ngây ngấy mùi sữa mẹ, mơn man thơm ngát một vùng trời. Những buổi học đầu tiên, dắt tay con đi trong sương sớm, tâm hồn mẹ thơ thới, êm ả vô cùng.
Hồi đó mẹ vẫn thường ngây thơ thầm nghĩ: tại sao sau này con cứ phải cố gắng bương trải qua các trường đại học, cao đẳng xa xôi làm gì? Tại sao con cứ phải lặn lội đi du học nước này, nước nọ .?? Cứ được mãi mãi như hôm nay, mẹ con mình dắt tay nhau trong sương sớm, thì chẳng đã phải là sung sướng hạnh phúc lắm rồi sao?!
Còn nhớ hồi mẹ con mình tập đi xe đạp trên dường dốc, bánh xe lăn xiêu vẹo, ngả nghiêng … mẹ chạy theo xe vừa vui, vừa sợ; không gian ngắt quãng bằng những tràng cười hoà điệu dòn tan.
Mẹ sung sướng biết bao khi thấy con ngồi được trên yên xe vững vàng. “Guốc con đứt quai rồi mẹ ạ!”, “Mẹ ơi! Cơm chín chưa mẹ ?”, “Chiếc áo hoa con mặc đi học mẹ giặt chưa ?”, “Tối nay mình có đi hội chợ Tết không hở mẹ?”, “Mẹ ơi! Bác Hai hàng xóm mới trúng số đề lớn lắm !”, “Trường con sắp tổ chức trại hè, mẹ cho con tham dự nghe mẹ !”, “Mẹ mua nón mới cho con nhé, nón cũ con gập vành rồi ”, “Con bé Na, mới cho con cái kẹp tóc nè, đẹp không mẹ ?!” ….
Ngày đó những lời lảnh lót con nói ra bao giờ cũng đầy ăm ắp tiếng gọi Mẹ. Mẹ ở đó, dõi theo từng sóng mắt con nhìn, phập phồng theo mỗi bước con đi, thao thức theo con từng giấc ngủ, từng nhịp thở vơi đầy …
Kể cả những ngày khó khăn, khắc khổ nhất, mẹ con mình vẫn thản nhiên thấy khung trời xanh thẳm luôn nở rộ mùa xuân. Con nhớ không những hôm bình minh chưa ló dạng, mẹ con mình đã len lén ra trải tấm nylon trước cổng chợ ngoài để dành chỗ bán đồ cũ, chuỗi hạt trai, đôi giày rách, quần sờn gối, áo vá vai …
có ai ghé lại mua hàng thì mẹ con mình cũng mừng quýnh, vồn vã, chào mời … Lại có hôm thoáng thấy công an áo vàng lảng vảng từ xa, mẹ con đã vội vàng cuốn hàng thành gói, tay xách, nách mang dìu nhau chạy trốn. Ngồi ẩn mình sau các sọt trái cây của bạn hàng, me con cứ cười khúc khích với nhau như thể đang chơi trò trốn bắt kỳ thú vậy.
Ngày con thi đỗ, mẹ làm bánh bột lọc, mời các bạn con đến cùng chung vui. Bánh bột lọc có cả cà rốt thái nhỏ giả làm nhụy tôm, các bạn con khen mẹ khéo tay, làm bánh dai, ngon đáo để !
Nhưng rồi con cũng phải học xa, mỗi năm chỉ được về thăm nhà trong dịp hè và Tết. Có một hình ảnh khắc ghi tật đậm nét trong tâm trí của mẹ, đó là ngày con giã từ ngôi nhà bé nhỏ trong thôn ở của mình để đi học xa: trên con đường quê gập ghềnh, hê hủng, vệ cỏ còn ngậm sương đêm, dốc đá vẫn còn chìm trong bóng tối.
Con, một mình, vai đeo cặp sách vở, tay xách cái rương nhỏ làm bằng thiếc mỏng, mà mẹ biết rất rõ là bên trong cũng chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo cũ. Với hành trang chỉ có bấy nhiêu, con mẹ đã lên tuyến khởi hành cũng lúc với hàng ngàn thanh niên của thế hệ mình, bất chấp khoảng cách giàu sang bằng tiền bạc của họ.
Và mẹ mừng đến nước mắt lưng tròng khi thấy con mẹ chẳng vì thế mà có mặc cảm tự ty. Mẹ cảm thấy con vẫn hãnh diện chấp nhận những vật chất ít ỏi, nhỏ bé mà với tâm huyết chí thành, mẹ đã góp nhặt để âu yếm trao cho con.
Về phần mẹ, mẹ cũng chẳng có chút tự ty nào đối với các vị cha mẹ khác vì họ đã tạo được cho con họ những điều kiện thuận tiện rộng rãi hơn để bước lên ngưỡng cửa vào đại học, vì mẹ vẫn luôn tin rằng kiến thức của nhà trường không phải chỉ mua được bằng tiền bạc.
Mấy tháng đầu xa nhà, con viết thư về cho mẹ thật nhiều. Thư nào cũng kể chuyện thật vui, thật nhộn. Nhưng dần dần phần bài vở đa đoan, phần không có mẹ ở cạnh, cơm đường cháo chợ con phải tự mình lo lấy, giặt áo vá vai để trả nợ sách đèn, nên thời gian dành viết thư về nhà cứ mỏi mòn hao hụt.
Thư cho mẹ vì thế mỗi ngày một ngắn hơn, thưa hơn, nhưng thư nào của con dù viết vội và viết về bất cứ chuyện gì, cũng làm mẹ rất vui. Mẹ nghe qua thư tiếng con chuyện trò râm ran trong căn nhà ấm, tiếng con cười thoả thuê như tiếng sóng vỗ mạn thuyền trên sông vui nhộn nhịp.
Vào những muà thi, sinh viên trong các trường Đại Học rất bận rộn, nên có khi vài ba tháng liền không nhận được thư từ gì của con, nhưng lòng mẹ vẫn luôn luôn thanh thản an nhiên, vì mẹ vẫn hằng tâm niệm, đấng thiêng liêng, người khuất mặt luôn luôn hộ trì che chở cho bản mệnh của những con người hiền lành ngay thẳng.
Thật không có gì vui hơn những ngày con được nghỉ Tết Nguyên Đán, hớn hở trở về nhà để lại làm đứa con bé nhỏ của mẹ! Hình như con chưa bao giờ làm “người lớn” trong mẹ bao giờ cả, hình ảnh con cặm cụi đãi nếp, chùi lá chuối, đóng khuôn bánh, nhồi thêm nước, chụm lửa cho nồi bánh chưng, miệng kể chuyện huyên thuyên về lũ bạn ở trường xa, hòa điệu với tiếng pháo chào xuân tở mở làm lòng mẹ cứ như nở hoa nghìn đóa cùng lúc với muà xuân tươi vui của trời đất …
Không biết tự bao giờ, mẹ đã bỏ quên thói quen cố hữu ôn lại bài vở hay nhẩm nhớ những điều chưa kịp làm trong ngày, trước khi đi ngủ, mà bây giờ thì mẹ lại dốc lòng siêng năng niệm Phật và cầu nguyện.
Mẹ vốn không hiểu biết nhiều về triết lý nhà Phật, nhưng mẹ chỉ có một lòng thành khẩn tin vào định luật nhân quả: những kẻ thường hằng sống bằng trái tim chân thật, chắc trên đường đời chẳng bao giờ phải chạm trán với những hoàn cảnh hận thù ngang trái, điều này đã thực sự hiển hiện trong chuyến vượt biên đầy thách thức của con, một chuyến đi mà cả với kinh nghiệm dạn dày sóng gió, cũng như với tất cả trí tưởng tượng dồi dào phong phú nhất của con người cũng không sao vẽ vời hình dung ra cho trọn vẹn.
Đứng chơi vơi trên đầu những cơn sóng dữ, trong cơn cuồng nộ của trùng khơi, con đã được bao nhiêu là bàn tay nhân hậu dịu dàng đón đỡ, đùm bọc, dìu dắt để rồi thả con lên được miền đất hứa, lạ xa và mới mẻ này.
Miền đất mà trước đây khi chỉ nghĩ về nó thôi, cũng đã làm dội lên trong tận cùng tâm thức của mẹ lời hát chải chuốt, óng ả của Văn Cao: “…. Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong …”
Giờ đây mẹ lại được biết thêm rằng: chính trong thân phận của một người đàn bà bình thường, bọt bèo không đáng chi mà mẹ vẫn ấp ủ được những ước vọng vô biên, vẫn nuôi dỗ được những giấc mộng hồng để có ngày cho con được tuyệt vời bay bổng.
Trên phần đất chưa hề có dấu chân kỷ niệm nào của mẹ con mình cả, nhưng mẹ vẫn trực giác nhận ra dược ngay rằng đây chính là nơi sẽ dung dưỡng chúng mình bằng những tháng ngày an toàn, ổn định.
Đường tương lai của con vừa được rọi soi bằng bình minh rực rỡ và mẹ hình dung thấy con của mẹ đang lên đưòng bằng đôi hia bảy dặm, xông xáo vào đời. Nào! mở cánh rộng mà bay lên đi con …!!!
… Đây là lần thứ 2 kỷ niệm sinh nhật mẹ trong viện dưỡng lão này. Mẹ biết lắm, công việc của con ở nơi xứ lạ này trăm mối đa đoan, làm sao con có thể viết những bức thư dài để gửi cho mẹ như những ngày con còn ở trong nước được, làm sao con có thể bỏ nhiều thì giờ đi dạo phố để tỉ mỉ chọn lựa quà tặng cho mẹ như những năm xưa được.
Mẹ hiểu lắm nên càng thương con rất nhiều. Các bà cụ ở cạnh phòng mẹ săm say, sắm sửa các món ăn bình thường để đến phòng ăn tập họp, chúc mừng mẹ, “người trẻ nhất” trong viện dưỡng lão này.
Có bà ráng tập nói một câu chào mừng bằng tiếng Việt để cho mẹ vui lòng, có bà trệu trạo nhai bắp bung một cách nhẫn nại, trông rất buồn cười, nhưng rất dễ thương. Mẹ rất hạnh phúc khi được nghe các bà hát “Happpy Birthday” rất nghiêm chỉnh và rất vui.
Bà Louis, người gốc Việt hát tặng mẹ bài “Lời mẹ ru” của Trịnh Công Sơn. Bài hát thật hay nhưng mẹ chỉ mang máng nhớ được mấy câu cuối:
“… Bây giờ mẹ nằm, lá đổ đầy sân, lá đổ đây sân, để ru mẹ ngủ …”
Giọng bà dìu dặt đầm ấm, làm mẹ cảm động đến bật khóc….
Đặng Ngọc Ấn
Hình minh họa-Internet
Ngọc Lan st