Kỹ thuật thơ Việt Nam hiện đại và tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ

Kỹ thuật thơ Việt Nam hiện đại và tiêu chuẩn 
đánh giá một bài thơ
NGUYỄN VŨ VĂN
 

LỜI NÓI ÐẦU


Ðây là những nhận xét của tôi sau nhiều năm làm thơ và xem thơ, tuy rằng tôi làm thơ rất ít. Những nhận xét này không tránh khỏi còn nhiều thiếu sót và sai lầm, nhưng tôi không thể kìm lòng mà không viết ra một vấn đề mà từ xưa đến nay có lẽ chưa có ai làm, đó là kỹ thuật thơ Việt Nam hiện đại, và nhân tiện đó đi tìm những tiêu chuẩn cho một bài thơ hay.

Nếu bài viết này khơi lên được những lời phê bình hay bổ khuyết cho để vấn đề nêu ra được sáng tỏ, đó là điều làm tôi mãn nguyện.

Ngoài ra, vì thiếu sót tài liệu, tôi mạn phép trích dẫn một số câu thơ của tôi, mong độc giả lượng thứ.

Tôi cũng xin cảm tạ các bạn Bồ Tùng Linh, Mai Ninh, Bùi Tiến Hoàng và Mai Anh Tuấn trong nhóm Siliconband đã góp ý kiến và tài liệu cho bài này.

Nguyễn Vũ Văn
 
________

Kể từ khi đất nước bị chia cắt vào năm 1954, thi ca miền Nam với những đỉnh cao như Vũ Hoàng Chương và Ðinh Hùng còn mang đậm nhiều nét cổ điển. Cho tới năm 1956, khi tạp chí Sáng Tạo ra đời cùng với sự xuất hiện của một số nhà thơ ngoài nhóm Sáng Tạo, văn thơ miền Nam đã có một sắc thái tân kỳ về nội dung cũng như kỹ thuật. Từ đó kỹ thuật thơ Việt Nam càng ngày càng đổi mới, tiến triển, nhưng cũng mang lại không ít ngỡ ngàng cho số đông độc giả. Một số bài thơ có vẻ khó hiểu khiến người ta không chấp nhận được. Và những bài thơ hay không được thưởng thức. Bởi vì không có tác giả nào nói ra kỹ thuật của mình và có lẽ cũng không có ai khác đề cập đến.
Ngược lại, người ta vẫn ca tụng một số bài thơ mà không chú ý đến kỹ thuật kém cỏi. Vàng thau lẫn lộn.

Bởi vậy bài này được viết nhằm mục đích nêu lên một số đặc điểm của thơ hiện đại, về hình thức cũng như nội dung và kỹ thuật, đồng thời đề nghị những tiêu chuẩn của một bài thơ hay.

Trước hết, chúng tôi cố gắng xác định cách hợp vận mà nhiều người còn lầm lẫn, sau đó sẽ nêu lên các đặc điểm khác về thơ.

Hansy
30-11-11, 02:41 PM
Ðoạn 1.

CÁCH HỢP VẬN

Nguyên tắc:
vần bằng hợp với vần bằng, vần trắc hợp với vần trắc. (Trong âm nhạc, bằng có thể hợp vận với trắc, thí dụ: nhà hợp vận với nhá).

Âm vận:
Cách hợp vận trong thơ không có căn bản ngữ âm (phonetics) nào cả, ở đây tôi chỉ dựa theo cách hợp vận cổ truyền mà phân biệt như sau.

Âm vận có 2 loại toàn vận và bán vận.

Toàn vận : 2 từ chỉ khác nhau về phụ âm đầu. Thí dụ: a) tình, mình, khinh, linh. b) ta, mà, la, tha.

Bán vận : 2 từ khác nhau trong nguyên âm hay trong nguyên âm và phụ âm cuối.

A.- Bán vận trong nguyên âm : Những âm họp thành nhóm sau đây hợp vận với nhau:

1/ a, ă, â, o, ơ, ô, u, ư, oa, ua, ưa. Thí dụ: a) tha, mo, lu, thư, thoa, qùa, cua, thưa. b) lạ, thố, thụ, thóa, qụa, thủa, thửa, lựa. c) chang, rằng, nằm, lầm. d) thôn, mun,

2/ i, e, ê, oe, ue, uê, uy. Thí dụ: a) thi, me, ve, que, quy. b) thí, lẹ, thế, nhuệ. c) thịt, khét, chết. d) em, quen, đêm.

3/ ai, ay, ây, oi, ôi, ơi, oai, ui, ưi, ươi, uôi. Thí dụ: a) thai, chay, khoai, mòi, thôi, lơi, thui, người, nguôi. b) thái, cậy, mọi, đổi, củi, ngửi, lưới, đuối.

4/ i, uy, uya

5/ ia, uya.

6/ i, e, ê, iê, uyê. Thí dụ: a) tin, men, lên, thiên, thuyền. b) tịt, lét, tết, khiết, khuyết, tuyệt, tiếc, tích.

7/ a (+phụ âm), o (+phụ âm), ô (+phụ âm), u (+phụ âm), ư (+phụ âm), ươ (+phụ âm). Thí dụ: chang, trong, nung, lưng, chương, chuông; trọng, chúng, thượng, chuộng, nướng; nóc, được.

8/ oa (+phụ âm), uâ (+phụ âm), uô (+phụ âm). Thí dụ: a) loan, luân. b) thoát, khoác, luật, thuốc. c) loang, khuôn, chuông, khuân, khuâng.

9/ ao, âu.

10/ eo, oeo, êu, iêu, yêu, iu.

Tóm tắt, nguyên âm chia làm 2 nhóm chính có âm phân biệt: (a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư ) và (i, y, e, ê) . Nếu 2 nhóm này mà hợp vận với nhau thì bằng cách bắc cầu từ âm nọ qua âm kia, thì bất cứ 2 âm (2 nguyên âm hay 2 nhóm nguyên âm trong một từ) nào cũng có thể hợp vận với nhau.

B. Bán vận trong nguyên âm và phụ âm cuối . Nguyên âm thì theo nguyên tắc trên. Phụ âm cuối có thể thay đổi như sau:

1/ c, ch, t, p. Thí dụ: lắc, trách, tát, chập.

2/ n, nh, m. Thí dụ: a) than, cành, chàm. B) cận, thánh, cám.

3/ n, ng. Thí dụ: a) than, thong, không, thằng. B) cận, thắng, cống.

Thơ tự do rất hợp với bán vận. Trong thể thơ này, vần hợp nhau chan chát (thí dụ: hình, tình) làm câu thơ kém hay.

Ðiều tối kỵ trong âm vận : dùng 2 chữ giống nhau trong 2 vần kế tiếp hay trong 3 câu lục bát kế tiếp, ngoại trừ trường hợp nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh. (Nguyên tắc chung là tránh điệp ngữ). Thí dụ:

Nhà em mái tranh
Trắng giàn dây mơ
Bây giờ hoa cũ
Rụng hoài trong mơ (Phạm thiên Thư - Giàn mơ)

Tôi phải dỗ như là tôi đã lớn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào, rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế (Nguyên Sa - Tuổi 13)

Những câu thơ lạc vận :

Thơ lạc vận có rất nhiều trong các tạp chí và Web sites, không tiện trích dẫn ra đây.

Thỉnh thoảng trong bài thơ có một hai chỗ lạc vận thì còn có thể bỏ qua. Chứ cả đoạn lạc vận thì bài thơ không còn giá trị.

Ngay cả những nhà thơ nổi tiếng cũng có những câu lạc vận, do vô tình hay cố ý. Thí dụ:

Từ ngày đàn rẽ đường tơ,
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan .
Kéo dài một chiếc áo len ,
Tơ càng đứt mối, nàng càng nối dây.
Khánh ơi, còn hỏi gì anh?
Xưa tình đã vỡ, nay tình còn nguyên. (Thâm Tâm - Gửi T.T.Kh)

Buồm lên biển tím chênh vênh,
Một đêm gã bỏ tình nhân lại bờ.
Lòng qùy nhớ mặt trời xa,
Vào quán biển hỏi thăm ngườ i xa xưa (Phạm thiên Thư - Quán rượu ven biển)

Con chim én cùng với thơ bay trong nắng
Trên môi anh dường có ngọn cỏ thơm
Là ngón tay nào trong mười ngón tay em
Có cả nụ hôn đầu quanh quất đó...
Tháng Giêng và anh rủ nhau ngồi dưới phố
Tô môi hồng xin nhớ cánh sen non
Tháng Giêng chờ một chút lượng xuân em
Nụ cười đó, anh chờ xuân vĩnh viễn (Nguyên Sa - Tháng giêng và anh)

Sao hương sắc lên mắt mình tình tứ
Và đôi mắt nhìn tôi ngập nhừng chim sẻ (Nguyên Sa - Tuổi 13)

Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình (Nguyên Sa-Áo lụa Hà Ðông)

Có phải tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em ?
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Ðàn xuống cung trầm mắt nhơ ?thương ? (Nguyên Sa - Tương Tư)

Hansy
30-11-11, 02:49 PM
Ðoạn 2.
HÌNH THỨC THƠ

I. Sự chọn lựa thể thơ

Thể thơ có nhiều: thơ đều chữ, không đều chữ và thơ tự do. Ở đây tôi không nói đến thơ Ðường luật mà chỉ nói đến các thể thơ mới.

1/ Thơ đều chữ thay đổi từ 2 đến 8 chữ trong một câu.

Loại 2 chữ cũng như loại 3 chữ khiến hơi thơ ngắn, và bài thơ cũng thường ngắn, không nói gì được nhiều. Người dùng loại thơ này nhằm mục đích nói lên những âm thanh ngắn như tiếng nức nở, tiếng mưa rơi...

Thí dụ :

Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
Nhưng hơi
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào ...
(Nguyễn Vỹ - Sương rơi)

Loại 4 chữ phổ biến hơn, nhưng coi chừng dễ biến thành vè.
Thế nào là vè? Vè là thơ dân gian, loại thường thấy là Sớ Táo Quân.
Vè có thể là thơ 2 hay 3 chữ, nhưng thường dùng thể 4 chữ hay lục bát. Vè 4 chữ dùng liên vận, tức là 2 câu liền nhau vần với nhau, thay đổi giữa bằng và trắc. Vè không chia bài thơ thành từng đoạn 4 câu.

Loại 4 chữ chia từng đoạn 4 câu và dùng cách vận (giống 4 câu đầu của thể thất ngôn) thì hay hơn liên vận.

Loại 5 chữ thường chia đoạn 4 câu và dùng cách vận.

Loại 6 chữ cũng ít được dùng, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy trên thi đàn.

Xuân hồng có chàng tới hỏi
- Em thơ chị đẹp em đâu ?
- Chị tôi hoa ngát cài đầu
Ði hái phù dung trong nội !
(Huyền Kiêu - Tình sầu)

Thể thơ từ 4 đến 6 chữ cho hơi thơ trung bình, thích hợp với phong thái nhẹ nhàng, trang trọng.

Loại 7 chữ rất phổ biến. Niêm luật không còn trói buộc, miễn là đọc lên, câu thơ không trúc trắc. Thể thơ này thích hợp với phong thái trang nghiêm, cổ kính.

Loại 8 chữ là thể thơ hoàn toàn Việt nam, dùng liên vận, nhưng cũng ít được dùng. Thể thơ này thường diễn tả những tình cảm tha thiết, hùng tráng. Ðiển hình nhất là bài "Hổ nhớ rừng" của Thế Lữ. Gần đây Nguyên Sa hay dùng thể thơ này.

Dĩ nhiên câu thơ càng dài thì có tính cách kể lể nhiều hơn và không cần xén bớt từ.

Thơ đều chữ biến thể có chêm ít câu không đều chữ, hoặc thay đổi số câu (thay vì thông thường là 4) trong đoạn. Thể thơ này thường xảy ra với loại 4, 5 hay 6 chữ.

Thí dụ về thay đổi số chữ trong câu:

--thơ 5 chữ

Khoảng thời gian loãng đó
Không có mặt nàng
Mưa đỏ miền cao nguyên
Núi đồi sầu lụn bại
Khi tôi trở về
Thành phố lạnh khoang xe
Mây sương lòng thung lũng
Và ngàn thông co ro
(Nguyễn Vũ Văn - Trên con đường nhà thờ)

--thơ 8 chữ

Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn (9 chữ)
Nếu em sợ thời gian dài vô tận
Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống (9 chữ)
Trời không mưa em có lạy trời mưa ?
Anh vẫn xin mưa phong tỏa đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm (9 chữ)
(Nguyên Sa - Tháng sáu trời mưa)

Thay đổi số câu trong đoạn:

Anh đứng đây là đâu
Em cười như lá mỏng
Khép cửa vào chiêm bao
Anh đứng đây là đâu
Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu
(Hoàng Cầm - Chuyện trăm năm)
 
 



2/ Thơ không đều chữ có lục bát và song thất lục bát.

Song thất lục bát không còn được dùng.

Lục bát là loại phổ biến nhất vì dễ làm, nhưng người mới làm thơ cũng dễ biến nó thành vè. Dễ làm nhưng khó sửa. Làm câu nào là chết câu ấy. Bài thơ làm xong rồi, muốn thêm bớt một đoạn là cả một vấn đề bởi vì vần thơ cấu kết với nhau theo kiểu liên hoàn, vừa yêu vận (vần nằm giữa câu) vừa cước vận (vần ở cuối câu).

3/ Thơ tự do.

Loại thơ này rất thông dụng nhưng đòi hỏi kỹ thuật và sự sáng tạo nhiều nhất. Nhiều người cho rằng người mới làm thơ nên làm các loại thơ khác trước khi làm thơ tự do, để nắm vững kỹ thuật và âm điệu.

Một loại thơ tự do đặc biệt là thơ xuôi, có hình thức như văn xuôi. Loại thơ này cần hơi thơ dài, mặc dù bị cắt thành từng câu ngắn, và dường như không chú ý đến âm vận.

Thí dụ:

Làm thế nào để quên được nhau. Hạt mưa kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt, hoàng hôn màu khói nhạt. Hôm nay quê hương từ bỏ, anh đau đớn làm đứa con hoang đầu xó chợ...
Hỡi Liên, những Liên và Liên
Dù một chút đau thương, từ chối, tổ quốc ta chạy dài trên địa ngục, xòe mở hai bàn tay anh khóc đó - những cánh tay gầy trơ xương, chọn. Con đường đi buổi chiều hấp hối, ôi buổi chiều sương mù.
(Thanh Tâm Tuyền - Liên, những bài thơ tình thời xa cách)

Tôi giữ em lại trên một hè phố đông người. Em đừng ngần ngại. Tôi bảo rằng: tôi yêu em.
Tôi nói không thẹn thùng, không đắn đo dò xét. Bởi vì em ơi tôi không phải là gã lái buôn hỏi giá hàng trong một buổi chợ chiều hỗn loạn. Cũng không phải là ngưoòi thư ký già ngồi mân mê vài chiếc đinh ghim và mưu toan làm chủ sự...
(Nguyên Sa - Ngỏ ý)

II. Cách chấm câu và xuống dòng

Về cách chấm câu, mỗi người một ý. Có người chấm câu rất cẩn thận, có người không chấm câu. Người ta cho rằng việc xuống dòng không có dấu chấm phẩy bao hàm sự kéo dài ý nghĩa của câu thơ, "những khoảng trống có ý nghĩa".

Theo ý tôi, thơ lục bát nên có chấm câu vì mỗi ý thường chỉ gói tròn trong 2 câu lục và câu bát kế tiếp.

Lại có người không viết hoa ở đầu câu, làm như bài thơ chỉ là một trích đoạn.

Cũng có người chấm câu ở giữa dòng mà không xuống hàng. Nguyễn xuân Thiệp chẳng hạn, chấm câu giữa dòng và không viết hoa:


hỡi gió mùa
đã thổi từ cội nguồn xa tới cửa hiện thời
thổi qua những rặng núi. những dòng sông. những xóm làng. thành phố quê hương tôi
(Nguyễn xuân Thiệp - Tôi cùng gió mùa)

Trong thơ tự do, chỗ xuống dòng là để qua một ý thơ khác, để thay cho một dấu chấm hay dấu phẩy, để ngắt hơi thơ, để nhấn mạnh một chữ hay cụm từ hoặc để thể hiện một thanh âm...

Dưới đây là thí dụ về sự nhấn mạnh bằng cách xuống hàng:

Hôm nay
Nghe lời hát quen quen
Người đàn bà ấy mang tên
Lời từ biệt
Trên một sân ga vắng
Tiếng kèn trầm của một chuyến ô-tô-ray
Ðầy dĩ vãng
(Thanh Tâm Tuyền - Bao giờ)

Những câu "Hôm nay", "Lời từ biệt" và "Ðầy dĩ vãng" được xuống dòng để nhấn mạnh.

Dấu phẩy rất cần thiết cho ý nghĩa cũng có thể bị tước bỏ. Trong câu dưới đây, tác gỉa muốn nói chờ đợi nhiều người chứ không phải một người :

Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)

Dù sao, cách chấm câu cũng chỉ là tiểu tiết, không ảnh hưởng đến phẩm chất bài thơ.

Hansy
30-11-11, 02:52 PM
Ðoạn 3.

NỘI DUNG

1/ Dàn ý

Ít nhà thơ nào làm thơ có dàn bài (plan). Tuy nhiên, với những bài thơ có phân đoạn, hoặc thơ tự do, việc sắp xếp lại các câu thơ cho có trình tự hợp lý là điều cần thiết.

2/ Ý thơ

Bài thơ hay phải có ý thơ mới lạ. Mới lạ trong chi tiết, trong cách so sánh, cách liên tưởng... Ý thơ có thể rất tinh tế, sát với thực tế, nhưng cũng có thể rất cường điệu.

Ðể tả sự trống vắng trong tâm hồn :

Sao tuổi trẻ qúa buồn
Như bàn ghế không bầy
(Thanh Tâm Tuyền - Dạ khúc)

Ðể diễn tả vẻ buồn :

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
(Nguyên Sa - Nga)

Ðể diễn tả mái tóc vàng và đôi mắt nâu :

Tôi sẽ sang thăm em
Ðể những mái tóc màu củi chưa đun
Mầu gỗ chưa ai ghép làm thuyền
Lùa vào nhau nhóm lửa ...
Hay đôi mắt màu thóc đang say
Mầu vàng khô pha lẫn sắc nâu gầy
(Nguyên Sa - Tôi sẽ sang thăm em)

Ðể diễn tả mái tóc mun :

Mùa tóc mun
Ðẹp những khu rừng không bóng cây
(Thanh Tâm Tuyền - Mai)

Ðể diễn tả bàn tay trắng nõn, đôi mắt long lanh và đôi mắt ngọc bích :

Những ngón tay dài ướp trọn mấy ngàn thu
Mà men sáng trong xanh màu trăng vời vợi
...
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà
Thượng Ðế đưa sao mang gửi về khóe mắt ?
...
Mắt dịu ngọt đúc từ rừng ngọc bích
Hay linh hồn trăm phiến đá chân tu ?
(Nguyên Sa - Ðẹp)

Ðể diễn tả bước chân nặng nề và nỗi lòng chất chứa :

Ta về từng bước chân là núi
Thăm thẳm lòng mang một biển sâu
(Khoa Hữu - Trở về)

Ðể diễn tả sự đành tâm chia ly :

Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)

Ðể diễn ta tình trạng giải phóng, tự do cá nhân :

Tôi chờ đợi
Cười lên sặc sỡ
La qua mái ngói
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)

Buồn vì tuổi trẻ bất lực :

Hôm nay
Tuổi nhỏ khóc trên vai
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)

Vân vân.

Ðể kết thúc đoạn này, tôi xin nhắc đến loại thơ tượng trưng. Tượng trưng chứ không phải biểu tượng. Trong bài thơ loại này, tác giả có thể dùng bất cứ cái gì để tượng trưng cho đối tượng mà tác giả ngầm nói tới.

Thí dụ bài này:

Cánh đồng con ngựa chuyến tàu

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cánh đồng a ! cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu
(Tô thùy Yên)

Bài này nói về kiếp số con người. Chuyến tàu là thời gian, cánh đồng là đời người, con ngựa là con người.

Hy vọng

Con bướm lạc vào cánh đồng
Ðóa hoa thành ruộng lúa
Con bướm khóc giữa cánh đồng
Hồn hoa thành đứa nhỏ
Con bướm chết trong bàn tay
(Nguyễn Vũ Văn)

Bài này nói về niềm hy vọng bị bóp chết bởi sự lừa dối.

Hansy
30-11-11, 02:58 PM
Ðoạn 4.

TỪ NGỮ

Bài thơ hay không nên dùng những từ ngữ đã dùng nhiều trong văn thơ, nhất là tính từ, tỉ dụ như : (lòng) tê tái, (dài) lê thê, não nùng... Tuy nhiên, ta có thể làm mới những từ ấy bằng cách dùng nó theo ý nghĩa khác đi một chút. Thí dụ chữ "thăm thẳm" thường dùng để chỉ chiều sâu, Tô Thùy Yên dùng cho tiếng chó tru (trong bài "Góa phụ") để nói lên âm thanh dài và cao. Thanh Tâm Tuyền dùng "điệu nhạc gầy" để nói lên những nốt nhạc cao ("Dạ khúc").

Thanh Tâm Tuyền còn dùng từ "cười sặc sỡ" ("Bài ngợi ca tình yêu"). Không biết ông muốn nói "cười sặc sụa", "cười muôn màu, đủ mọi kiểu", hay là "cười điên dại" ("điên dại" thì có liên quan gì đến "sặc sỡ" ?) :

Tôi chờ đợi
cười lên sặc sỡ
la qua mái ngói
thành phố ruộng đồng
bấu lấy tim tôi
thành nhịp thở
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu).

Một bài thơ bình dị, không có từ mới, vẫn có thể là bài thơ hay, rất hay, miễn là có góc cạnh mới lạ, lời thơ giản dị, trong sáng, hay nồng nàn, thành khẩn...Thí dụ :

Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
(Phạm Thiên Thư - Ngày xưa Hoàng thị)

Hay là:

Nhớ chăng Barbara
Hôm ấy mưa rơi hoài xuống Brest
Anh gặp em ở phố Xiêm
Em mỉm cười
Và anh cũng mỉm cười
(Thanh Tâm Tuyền - Barbara, dịch thơ Jacques Prévert)

Hay là:

Ðón em suốt bãi sông Hằng
Cát muôn kiếp mãi nhớ lần gặp xưa
Hẹn về dù nắng dù mưa
Hẹn về dù sớm dù trưa cũng về
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)



Sáng tạo

Ngoài ra, thơ hay cần từ ngữ sáng tạo. Thi sĩ mất nhiều thì giờ ở điểm này. Sáng tạo không phải là chế ra chữ mới, mà dùng chữ đã có với nghĩa khác thường. (Chế ra chữ mới cũng được thôi, nhưng nếu người đọc không hiểu thì lại thành thơ bí hiểm.)

Hãy xem những từ gạch dưới :

Em về, cát bụi òa lên
Trăm thương nghìn nhớ vỡ rền thế gian
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)

Tiếng kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
(Thanh Tâm Tuyền - Dạ khúc)

Người đàn ông trở dậy sau giấc ngủ trưa
Mặt trời sáng lòa
Một người nào đội nón đi ra
Tiếng guốc bốc cháy lên hàng cây tù tội
(Nguyễn Vũ Văn - Cảm giác buổi chiều)

Tô Thùy Yên phục hồi cổ ngữ. Một cách làm mới thơ ? Hãy xem:

Ðêm nằm, lệ chảy mòn tay
Nghe chừng đá nát vàng phai đến điều
(Hái rau)

Ðòi phen toan đẩy cửa liều
Ra cùng thiên hạ vui chiều ngửa nghiêng
(Suốt bãi sông Hằng)

Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình
(Góa phụ)

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không bên kia sông
(Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)

Dưới đây là những chữ do tác giả sáng chế ra, để độc giả tự tìm hiểu :

Rừng đưa mái võng treo triền
Như quằn chiều sánh, như lền gió qua.
(Tô Thùy Yên - Hái rau)

Nổi chìm, lệ lợ máu lền
Ðau thương thôi đã pha rền tử sinh
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)

Những ý thơ thách đố độc giả:

Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu
(Hoàng Cầm - Chuyện trăm năm)

Mây thành thổi lửa
Nẻo Ðông Triều khép mở gió kỳ lân
(Hoàng Cầm - Ðêm thổ)

Vừa khi vuốt tóc nhìn chênh bến
Chợt thấy dài xanh ngất nước mây
Hoa khô xây bậc cho thềm ngọc
Một phím đàn đôi bốn cánh bay
Ngự đỉnh dài ánh nguyệt xuyên xanh
Ðón chào nữ chúa khóc vô thanh
(Hoàng Cầm - Ngã ba sông)

Biểu tượng

Thi ca thường dùng biểu tượng, thí dụ mùa xuân hay mầu hồng chỉ sự tốt đẹp, mùa đông hay màu xám chỉ sự buồn rầu, chết chóc. Biểu tượng có tính cách phổ quát, được mọi người chấp nhận. Thơ hay cũng cần làm mới biểu tượng.

Thí dụ, Trần Dạ Từ dùng hoa và trái thay cho mùa xuân :

Hoa và trái một đêm nào thức dậy
Nghe mộng đời xao xuyến giấc xuân xanh
(Mộng đời)

Riêng Thanh Tâm Tuyền có lối dùng biểu tượng rất độc đoán :

Sao tuổi trẻ qúa buồn
Như con mắt giận dữ
(Dạ khúc)

Giận dữ không thể là biểu tượng cho cái buồn. Con mắt giận dữ có thể buồn, nhưng buồn không nhất thiết có nét giận.

Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng hay sang Bắc Ninh
Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Ðầu Một
Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình
(Bao giờ)

Những đoạn đường nói trên cũng không buộc phải là đoạn đường độc hành.


Ðiệp ngữ

Nguyên tắc chung là tránh điệp ngữ trong cùng một câu hay trong những câu liên tiếp, như dưới đây :


Quê nhà ôi những đêm tàn lửa
Phía mặt trời ai gọi lửa lên
(Khoa Hữu - Trở về)

Hay là :

Mười năm thế giới già trông thấy
Ðất bạc màu đi, đất bạc màu
(Tô Thùy Yên - Ta về)

Những trường hợp dùng điệp ngữ :

1 - để nói đến ý của chính chữ đó:


Ôi, mê hoặc ngày ta trở lại
Núi còn đây tưởng núi hoang đường
(Khoa Hữu - Trở về)

Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Ðời người cũng chuyện phiếm mà thôi
(Tô Thùy Yên - Ta về)

2 - để nhấn mạnh :

Mặt trời mọc !
Mặt trời mọc !
Rưng rưng mùa hoa gạo
(Quách Thoại - Trăng thiếu phụ)

3 - để diễn tả một động tác kéo dài hay lập đi lập lại :

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
(Tô Thùy Yên - Cánh đồng con ngựa chuyến tàu)

4 - để tạo âm hưởng đặc biệt :

Ở đây ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây...
Dòng sông hiền triết trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm...
(Tô Thùy Yên - Hề, ta trở lại gian nhà cỏ)

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu
(Nguyên Sa - Tháng sáu trời mưa)

5 - để mở rộng ý phụ :

Dưới đây là một bút pháp nhằm mở rộng một ý mà vẫn giữ tính cách thống nhất của ngữ pháp :

Nhân danh dân chủ tự do
Chúng bán đầy đường súng đạn
Chúng bán đầy đường sinh mạng
Dạy nhau cách giết người
Lấy tội ác viết tiểu sử
(Nguyễn Vũ Văn - Vì sao)

Trong đoạn thơ trên, câu thứ 3 nhằm mở rộng ý của câu thứ 2 (súng đạn = sinh mạng) mà vẫn giữ được chữ "Chúng" làm chủ từ (subject) cho 2 câu cuối cùng.
 

Hansy
30-11-11, 03:12 PM
Đoạn 5.

BÚT PHÁP

Bút pháp là cách hành văn, bao gồm cả cú pháp (syntax, syntaxe), lối viết (style) và cách diễn đạt (tournure, turn of phrase).
Bút pháp thơ thật là đa dạng. Có những cách mà các nhà thơ đều dùng để cô đọng thơ, so sánh đối tượng, làm mới thơ... Ở đây tôi xin nói đến một số bút pháp chung và bút pháp đặc biệt của Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, và Nguyễn xuân Thiệp.

A.BÚT PHÁP CHUNG

1. Dùng từ đồng cách (apposition)

Ðồng cách từ là bút pháp phổ biến nhất để giải thích, so sánh, mở rộng ý nghiã của một từ ...

Thí dụ :

Ðôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
(Thanh Tâm Tuyền - Lệ đá xanh)

= Cánh tay em là vòng ân ái.

Trán mênh mông, cánh sông dài
Thổ ngơi xuôi mái, hồn ngoài châu thân
(Viên Linh - Nghi hoặc nỗi gì)

= Trán mênh mông như cánh sông dài

2. Xén bớt những từ để cô đọng lời thơ

Xin đọc đoạn thơ này:

Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu khuya mỏi nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn
...
Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em
(Tô Thùy Yên - Góa phụ)

Bạn có thể nhận thấy những từ gọt bỏ nếu diễn ý như sau :

Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu, về khuya, vì mỏi nên nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm làm ngây ngất thiên địa
Trên mái ngói nghiêng triền, trái rụng lăn xuống
...
Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian trên mái tóc em

Thí dụ 2 :

Ðôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
(Thanh Tâm Tuyền - Lệ đá xanh)

Diễn ý :

Ðôi khi anh muốn tin
Rằng ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa là cánh tay em quyến rũ

Thí dụ 3 :

Hồn thảo mộc giấc ngủ
Nằm mơ những ngôi sao mặt trăng
(Thanh Tâm Tuyền - Mai)

Diễn ý :

Trong giấc ngủ, hồn như hồn của thảo mộc
Nằm mơ những ngôi sao và mặt trăng

Thí dụ 4 :

Tao nhớ mày những rừng giang đồi sắn
Ðiếu thuốc lào tê tái lúc tinh mơ
Ngọn rau hoang tô canh ảm đạm
(Nguyễn Vũ Văn - Nhớ người vượt biển)

Diễn ý :

Tao nhớ mày cùng những rừng giang, đồi sắn
Cùng điếu thuốc lào tê tái lúc tinh mơ
Cùng ngọn rau hoang làm nên tô canh ảm đạm

3. Xén bớt từ để làm mới thơ

Những từ trong ngoặc dưới đây đã được lược bỏ để làm mới cú pháp :

Nhớ em một đóa thanh tao
Kết tinh nữ sắc từ (khi) vào trần gian.
(Nguyễn Vũ Văn - Sợi tóc)

Ngàn (năm) xưa ai từng ở nơi này
Rồi đến (năm) ngàn sau ai đến đây
(Phạm Thiên Thư - Liềm trăng)

Vân vân

4. Thêm từ

Nhiều từ được thêm vào cho ý thơ có vẻ mới lạ, nhưng thật ra không có tác dụng gì.

Thí dụ những từ gạch dưới trong các câu này :

Hôm nay
tuổi nhỏ khóc trên vai
(Thanh Tâm Tuyền)

Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
(Trần Dạ Từ - Nụ hôn đầu)

Khuya buồn tủi nhục môi em
Mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
(Phạm Công Thiện - Ngày sinh của rắn)

5. Ðổi chữ

Thay vì "tôi chờ đợi lớn lên như giông bão" :

Tôi chờ đợi
Lớn lên cùng giông bão
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu

6. Mượn cái này tả cái khác :

Ðể tả nỗi khao khát ra biên giới mà vùng vẫy :

Ðường nào ra biên giới
Gió vẫy vùng cỏ cây
(Nguyễn Vũ Văn - Cỏ úa)

7. Kết hợp ý của các mệnh đề độc lập (independent clauses).

Thí dụ 1 :

Khúc tình ca thần nữ
Người con gái khỏa thân
Vung lên từng chuỗi ngọc
Trong miền sương mong manh
(Nguyễn Vũ Văn - Trên con đường nhà thờ)

Câu thứ nhất độc lập với các câu sau về ngữ pháp, nhưng kết hợp với ý của các câu đó thành một chi tiết duy nhất.

Thí dụ 2 :

Chiếc cửa sổ nào ai mở ra
Tiếng dương cầm bâng khuâng một thời dĩ vãng
(Nguyễn Vũ Văn - Cuối thu)

Hai câu trên hàm ý tiếng đàn thoát ra từ cánh cửa sổ mở rộng.

8. Cụ thể hóa những cái trừu tượng

Ðây là nỗi buồn lởn vởn :
Nỗi buồn như bầy chiên
Vây quanh chàng mục tử
(Nguyễn Vũ Văn - Những cánh tay của gió)

9. Trừu tượng hóa những cái cụ thể

Nghe thiên thu cũng trở trời
Áo phơi mùa trước như lời bỏ quên
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)

Sợi tóc đen như một chuỗi cười
Trên chùm môi lá biếc
(Thanh Tâm Tuyền - Tháng giêng)

10. Dùng đảo ngữ

Ðảo ngữ thường được dùng với mục đích :

- thỏa mãn âm vận hay âm điệu :

Ðôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
(Thanh Tâm Tuyền - Lệ đá xanh)

Quản chi lớp lớp hư hình
Dài đêm đăm đắm mắt nhìn quầng thâm
(Tô Thùy Yên - Suốt bãi sông Hằng)

Vừa khi vuốt tóc nhìn chênh bến
Chợt thấy dài xanh ngất nước mây
(Hoàng Cầm - Ngã ba sông)

- thay đổi bút pháp :

Người về như sóng
Buồn tôi quanh năm
...
Bóng hình chia đôi
Sầu tôi lụ khụ
(Du Tử Lê - Một bài thơ nhỏ)

B. BÚT PHÁP NGUYÊN SA

Nguyên Sa có một lối viết đặc biệt, luôn luôn nghĩ ra những chi tiết rất nhỏ, ngộ nghĩnh, vẩn vơ, đôi khi chẳng có ý nghĩa gì, nhưng đó lại là chất thơ của ông.

Bầu trời mây ở dưới áng mây cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?
....
Bài hát đó mang cho anh hò hẹn
Em nhớ mang vàng cho cúc, ngọc cho lan
Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan
Và môt chút vai em cho huệ trắng...
....
Yêu cuộn tròn trong tám chữ mây qua
Khi em tới lượn vòng trên mái tóc...
(Tháng giêng và anh)

Em có đứng ở bên bờ sông
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
(Paris có gì lạ không em)

Nguyên Sa ưa dùng công thức : "A hay là B", "sao không A mà như có A", "sao không A để cho tính cách/hậu qủa của A", và "có phải A nên có tính cách/hậu qủa của A".

1. "A hay là B"

Ðôi khi B chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là ý tưởng vơ vẩn.

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Ðể nắng thu vàng giữa lối đi?
(Tương tư)

Nắng thu vàng có liên quan gì đến gió lạnh và màu áo? Nếu nắng thu vàng là màu áo thì có liên quan gì đến gió lạnh?

Hay là :

Muôn vì hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
Người về trên một dòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh
Sao người không chọn sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh?
(Tiễn biệt)

Sông vắng nước để cho nước cạn, người không đi xa. Sông đi quanh để cho thuyền đi vòng trở lại.

2. "Sao không A mà có như có A"

Sao người không là một con đường
Sao tôi không là một ga nhỏ
Mà cũng có những giờ gặp gỡ
Cũng có những giờ chia tan ?
(Tiễn biệt)

3. "Sao không A để cho có tính cách/hậu qủa của A"

Sao người không là vì sao nhỏ
Ðể cho tôi nhìn trong đêm thâu ?
Sao người không là một cung đàn
Cho tôi mềm lòng trong tiếng than
(Tiễn biệt)

4. "Có phải A nên có tính cách/hậu qủa của A"

Có phải tên người là âm thanh vô vọng
Nên mắt buồn le lói thoáng bơ vơ
Hay một đêm nao nước lụt Ngân Hà
Thượng Ðế đưa sao mang gửi về khóe mắt ?
(Ðẹp)

Nguyên Sa cũng hay hỏi tại sao :

Tay anh dài sao em không gối mộng
Thơ anh say sao chẳng uống cho đầy
Mắt thuyền trôi anh chèo cả hai tay
Sao chẳng ngự cho hồn anh xuống nhạc
(Người em sống trong cô độc)

Bút pháp này gợi nhớ đến bài Tống biệt hành của Thâm Tâm:

Ðưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
Trời chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

C. BÚT PHÁP THANH TÂM TUYỀN

Những chữ "vậy em biết không" dưới đây tạo ra một âm hưởng đặc biệt, tha thiết :

Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết không. Mà tổ quốc ngàn đời nín thở vì t rời th ì xanh mà khổ đau nói sao cho hết. Chẳng là anh chót yêu em vậy em biết không ? Mà khi yêu nhau, trong những đêm sao hằng hà, làm thế nào để quên được nhau.
(Thanh Tâm Tuyền - Liên, mặt trời tìm thấy)

Nếu bạn muốn khóc cho những cuộc tình tan vỡ mà không ra được nước mắt, bạn sẽ viết như thế nào ? Còn Thanh Tâm Tuyền thì mượn đôi mắt của người khóc:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
(Thanh Tâm Tuyền - Hãy cho anh khóc bằng mắt em)

Nói đến một con người tội lỗi trong cái "tôi" :

Tôi xin một chỗ qùy thầm kín
Cho đứa nhỏ linh hồn
Sợ chó dữ
Con chó đói không màu
...
Em bé quàng khăn đỏ ơi
Này một con chó sói
Thứ cho sói lang thang
(Phục sinh)

Nỗi buồn vì tuổi trẻ bất lực :

Hôm nay
Tuổi nhỏ khóc trên vai
(Thanh Tâm Tuyền - Bài ngợi ca tình yêu)

Thanh Tâm Tuyền có một bút pháp rất "Tây". Hãy xem ông diễn tả :

- Người đàn bà nhớ lại những câu thơ cũ :

Những lời thơ rất cũ
Gõ cửa trái tim nàng
(Mai)

- Một người đàn bà đã ra khỏi đời mình :

Người đàn bà ấy mang tên
Lời từ biệt
(Bao giờ)

Một bút pháp đặc thù Thanh Tâm Tuyền hay sử dụng là dùng một đối tượng khác để diễn tả đối tượng mình đang nói tới. Bạn buồn ư ? Ðừng nói "tôi buồn", mà nói "trời buồn" hay "con ngựa buồn".

Thật vậy, để diễn tả nỗi buồn trong đôi mắt, TTT dùng mắt ngựa thay cho mắt đối tượng. Bạn có thể thay bằng một con vật khác và ý thơ không thay đổi:

Con ngựa buồn
Lửa trốn con ngươi
(Bài ngợi ca tình yêu)

Ðể diễn tả một sự tương thuộc, TTT dùng cỏ và hoa thay cho hai đối tượng, nhưng bạn cũng có thể thay bằng hai cái gì khác :

Cỏ của hoa và hoa của cỏ
Những ngón tay những ngón chân những nụ cười
(Cỏ)

D. NGUYỄN XUÂN THIỆP : THƠ TÙY BÚT

Tùy bút là một thể loại hồi ký ngắn ghi lại những cảm nghĩ liên quan đến một ngoại cảnh nào đó.

Trong một số bài, Nguyễn xuân Thiệp làm thơ như viết tùy bút, như văn xuôi có vần, không dùng biểu tượng, không thắc mắc về từ ngữ mới, và không dùng các bút pháp thông thường của thi ca như đã đề cập trong đoạn này. Lời văn giản dị. Ý thơ tinh tế, cái tinh tế của thể tùy bút.

Hãy đọc :

này em. chưa đan xong chiếc áo len quàng cổ
thì gió mùa đêm nay đã đến đầy phòng
thổi rung liếp cửa
em có nghe tình ta âm vang dưới bầu trời hun khói
âm vang qua đồng cỏ tranh
lại gặp nhau
tôi cùng gió mùa
để đêm nay có người lục lại gối chăn trong hòm cũ
tìm lại chiếc gương xưa
để sớm mai
hồng má trẻ con
se môi thiếu phụ
để người đi xa một sớm quay về
(Tôi cùng gió mùa)

khi bầy chim ngủ đỗ ở những ngoϮ cây bên bìa rừng
cuخg cất tiếng hót
đợi ngày lên
chúng tôi. những tình nhân thất laϣ nhau trên mặt đất
không được nhìn thấy nhau
chỉ nghe tiếng nói. như từ giấc mơ naد
của dòng sông. đã lãng quên
(Mùa cuối)

Hansy
30-11-11, 03:16 PM
Ðoạn 6.

ÂM ÐIỆU

Tiếng Việt là một ngôn ngữ tự nó đã có âm điệu, 6 thanh tạo nên một thang âm trầm bổng. Cho nên bài thơ nào cũng có âm điệu, chỉ có vấn đề là hay hoặc dở. Âm điệu phụ họa được với ý thơ là hay, âm điệu trúc trắc là dở.

Người biết ngâm thơ có thể ngâm bất cứ bài thơ nào. Tuy nhiên, có những bài thơ chỉ để đọc hoặc chỉ nên đọc, chứ không ngâm bởi vì âm điệu gần như văn nói. Thí dụ như một số bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, nhất là trong tập "Tôi không còn cô độc". Hãy xem một bài :

tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ thanh tâm tuyền
(Thanh Tâm Tuyền - Phục sinh)

Thơ Việt nam hay hơn thơ Tây phương về âm điệu, diễn ngâm không nhất thiết cần lấy giọng và làm điệu bộ như kịch sĩ, bài thơ hay tự nó đã chứa âm điệu phù hợp với nội dung. Những lời thơ trong Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm chẳng hạn, là chứng minh hùng hồn cho âm điệu tuyệt tác.

Thơ mới cũng không thiếu những âm điệu đủ mọi phong thái. Thí dụ :

Âm điệu hùng tráng :

Sóng lớp lớp rượu ba tuần thuở ấy
Tiếng vang vang như thần kêu qủy hét,
Trời ngập ngập như quân khiêu tướng thét
Gọi qúa khứ vị lai những u hồn
Muôn nghìn đời linh thiêng không sống chết
(Lý đông A - Chính khí Việt)

Âm điệu hào sảng, khí khái :

Người đi, ừ nhỉ người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)

Âm điệu dồn dập :

Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
...
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
(Tô thùy Yên - Cánh đồng con ngựa chuyến tàu)

Âm điệu tha thiết :

Hỡi Liên những Liên và Liên
Làm thế nào để quên được nhau. Hạt mưa kia long lanh hỗi nhớ niềm từ biệt, hoàng hôn bàng hoàng màu khói nhạt. Hôm nay quê hương từ bỏ, anh đau đớn làm đứa con hoang đầu đường xó chợ...
(Thanh Tâm Tuyền - Liên, mặt trời tìm thấy)

Âm điệu trầm buồn, từ cao xuống thấp dần rồi nghẹn lại :

Bây giờ là mùa thu trời xuống thấp buồn vô cùng
(Thanh Tâm Tuyền - Khai từ một bản anh hùng ca)

Âm vận và ngữ âm là những yếu tố của âm điệu.

Âm vận gồm nhiều vần trắc có âm thái sắc cạnh có khả năng diễn tả những tình cảm mạnh. Thí dụ :

Một ngày lạnh nước người không tri kỷ
Ta vỗ án hét thành ca chính khí
Ðông thê thê như gió thổi u hồn
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.
(Lý đông A - Chính khí Việt)

Bài thơ có nhiều âm bằng cho âm điệu ngang ngang phù hợp với tâm trạng buồn bã, hoang mang, bàng hoàng... Thí dụ :

Sương lan mờ, bờ sông tường gần nhau
Sương lan mờ và hồn tôi nghe đau
(Xuân Diệu - Sương mờ)

Sài Gòn chiều nay trời còn mưa không em
Ðường về hình như nhà ai đang lên đèn
Sầu tư nghe về nghìn trùng trong tim
Trời còn mưa, mưa hoài, mưa trong đêm
(Huy Phương - Mưa chiều)

Phần lớn những bài thơ loại này có ý thơ sáo rỗng, gượng gạo, vì cố tìm cho ra những âm bằng.

Sự thống nhất âm điệu

Thơ lục bát và thất ngôn có âm điệu trầm bổng đặc biệt. Còn thơ tự do có âm điệu gần với văn nói hơn. Một câu thơ 6 chữ trong thể lục bát với một câu thơ 6 chữ trong thể tự do có âm điệu khác hẳn nhau. Khi ta làm thơ, chính âm điệu của câu thơ đầu tiên dẫn đến các câu sau theo một thể thơ nào đó.

Một số người cho rằng bài thơ không như bản nhạc, cần thống nhất âm điệu để có một âm hưởng thuần nhất. Do đó không nên xen lẫn hai thể thơ trong một bài, như chêm mấy câu lục bát hay thất ngôn trong một bài thơ tự do.


Phân biệt âm điệu và hơi thơ

Hơi thơ ví như khoảng cách giữa những dấu lặng hoặc chỗ ngân dài trong một bản nhạc. Hơi thơ góp phần thay đổi âm điệu, có thể là những chỗ xuống dòng hay dấu chấm câu trong bài thơ. Cũng có khi một hơi thơ bao gồm cả mấy dòng thơ, tùy theo ý thơ.

Thể thơ là yếu tố chính của hơi thơ. Thể thơ càng dùng câu thơ dài thì hơi thơ càng dài. Hơi thơ ngắn dùng để diễn tả những âm thanh ngắn như lời tán thán, hô khởi, tiếng nức nở, nghẹn ngào, tiếng mưa rơi, vân vân. Hơi thơ dài dùng để diễn tả những tình ý tha thiết, lời kêu gọi hùng hồn, vân vân. Như đã nói trong thể thơ
 

KẾT LUẬN

Ta có thể rút ra những yếu tố của một bài thơ hay theo thứ tự ưu tiên:

1. Ý mới, chi tiết mới.
2. Bút pháp chọn lọc.
3. Không dùng từ ngữ cũ. Từ ngữ mới càng hay.
4. Hợp vận.
5. Âm điệu và hơi thơ thích hợp.
6. Dàn ý hợp lý.

Ý thơ và bút pháp là những yếu tố quan trọng nhất.

Ý niệm "mới" hay "cũ" đề cập ở trên là dựa vào kinh nghiệm đọc thơ nhiều.

Ðó là tiêu chuẩn xét một bài thơ hay về phương diện khách quan. Về phương diện chủ quan, đánh giá một bài thơ hay còn tùy thuộc trình độ kiến thức của người đọc. Tốc độ cảm nhận thơ cũng vậy, nhưng nó còn tùy thuộc cả kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đọc thơ. Người có kiến thức rộng, người đã từng trải hoàn cảnh như trong bài thơ và người đọc thơ nhiều sẽ cảm nhận bài thơ mau chóng hơn những người khác.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để có thể đánh giá một bài thơ là bài thơ phải có thể hiểu được. Vâng, không hiểu thì làm sao biết thơ hay ?

Nói cách khác, bài thơ phải tự giải thích được, không cần tác giả giảng nghĩa. Với những bài thơ khó hiểu, tác giả cần phải tự hỏi mục đích làm thơ của mình là gì : để thưởng thức riêng mình hay cho người khác cùng thưởng thức. Nếu có một vài người khác tự họ hiểu được bài thơ, thì cũng coi như bài thơ có thể hiểu được. Còn không ai có thể hiểu được thì nhà thơ nên đặt lại vấn đề : có thể diễn tả một cách dễ hiểu hơn mà vẫn giữ được bản sắc kỹ thuật của mình hay chăng ? Nếu không thì tác gỉa sẽ muôn đời cô độc.

NGUYỄN VŨ VĂN
 

THƠ VÀ VẦN ĐIỆU – LÀM THƠ DỄ HAY KHÓ

 
 
Họa sĩ Chấn Hưng Thơ thì ai cũng thích, mà thơ là gì thì không ai định nghĩa được đầy đủ. Kẻ bảo thơ là tiếng hót của chim sơn ca, kẻ cho là tiếng thở của gió. Người lại bảo thơ là hoa, là suối, là ánh trăng, là đạo mầu, là trời là biển... là đủ thứ. Thực vậy thơ là muôn chất, không thể nào tóm tắt trong một định nghĩa vài dòng được. Có bao nhiêu thi sĩ, thì có bấy nhiêu quan niệm về thơ, và sản sinh ra nhiều trường phái thơ.
Thật ra thơ và làm thơ là một cảm xúc của con người trước một hiện tượng hay một sự kiện nào đó, rồi buông vần thơ cho riêng mình và đã ghi lại cảm xúc ấy bằng biểu tượng cô đọng của ngôn ngữ, vậy là bài thơ ra đời. Quá trình tập luyện các kỹ năng, am hiểu vần điệu của cách làm thơ (luật thơ) và vận dụng các qui luật ấy, cách gieo vần nhuần nhuyễn và ý tứ của từ ngữ súc tích đã tạo ra bài thơ.

Thơ ca theo nghĩa rộng ra thì bao gồm: Thơ, phú, hò, vè... là một bộ phận văn học còn gọi chung là văn vần để phân biệt với bộ phận khác của văn học gọi là văn xuôi gồm: Tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch... Là một bộ phận văn học, môn nghệ thuật này dùng ngôn từ, ngôn ngữ làm phương tiện biểu đạt, thơ ca cũng gắn với một ngôn ngữ nhất định.

Một đặc điểm của thơ ca, đó chính là vần điệu. Không có vần điệu là không phải là thơ ca, dựa trên nền tảng là ngôn từ, vần và điệu, để tạo thành cấu trúc. Ví dụ:

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Hai câu thơ dù có mượn ý từ hai câu thơ Đường "Phương thảo thiên biên bích. Lê chi sổ điểm hoa. (Cỏ thơm liền với trời xanh, Trên cành lê có mấy bông hoa.) thì bậc thầy thơ ca Nguyễn Du chỉ sáng tạo thêm chữ "trời"; chữ "Tận" và chữ "Trắng" cộng với vần điệu lục bát của Việt Nam đã tạo được hai câu…? Và mùa xuân cuối của câu sáu, gieo vần vài là chữ thứ sáu của câu tám. Sự gieo vần như vậy cùng phối hợp về thanh điệu, ngữ điệu giữa các chữ tạo thành cấu trúc có vần điệu chính đã tạo ra câu thơ rất hay.

Cho nên làm thơ cũng như soạn nhạc, nếu không nắm vững nhạc lý tiết tấu và điệu thức thì chắc chắn không thể soạn những ca khúc hay được, dù đã có được năng lực thiên phú đi nữa. Các bộ môn nghệ thuật cũng vậy. Hễ nói đến nghệ thuật đều phải có quy tắc và cấu trúc, vì khi nghệ thuật phát sinh là do tư duy cấu trúc tạo thành. Bởi vậy Tản Đà tiên sinh có phán: Đờn là đờn, thơ là thơ/ Thơ thời có nhịp, đờn có tơ. Đến việc viết văn cũng cần phải có quy tắc, huống hồ là làm thơ. Quả vậy các nhà thơ nổi tiếng từ xưa đến nay đều nắm rất vững các quy tắc Luật thơ để sáng tác những vần thơ mượt mà đẹp đẽ trong vần điệu, để mãi mãi đi vào lòng bao thế hệ yêu thơ là thế. Trong thơ ca, dĩ nhiên tâm hồn và mỹ cảm là những yếu tố quyết định chất lượng bài thơ. Song thi sĩ khó mà thể hiện được ý đồ sáng tác nếu không làm chủ được thi pháp. Và nếu nói tới tác phẩm hay thì rõ ràng kỹ thuật (thi pháp) giữ một vai trò vô cùng quan trọng để giúp thi sĩ thể hiện tác phẩm, giống như câu nói nửa đùa nửa thật của danh họa Picasso: "Je ne cherche pas, je trouve!". Cũng mang hàm ý trên: Họa sĩ không tìm kiếm vu vơ trên mặt vải, anh ta chỉ vật lộn với chính mình để thể hiện cái ý tưởng mà anh ta đã có sẵn trong đầu trước khi đặt bút vẽ. Chính qui tắc vần điệu thi pháp trong thơ cũng tạo cho thi sĩ buông vần thơ hay là thế.

Thơ Mới ngày nay:

Cũng như tôi, bạn cũng bâng khuâng một số kiến thức về Luật thơ được trang bị trên ghế nhà trường không thỏa mãn cho chúng ta hiểu được thế giới thi ca ngày xưa và ngày nay. Bài viết này cũng mạnh dạn trình bày lại một số thi pháp để chúng ta biết được vấn đề làm thơ dễ hay khó, và từ đây chúng ta có thể thưởng thức một bài thơ hay dở thế nào. Và nắm được vần điệu thơ để sáng tác thơ... để tránh rơi vào tình trạng tha hóa thẩm mỹ, dung tục gượng ép. Bài viết không đi vào các dòng thi ca mà chỉ trình bày kiến thức về thi pháp mà những bài thơ xưa quy định chặt chẽ: Thơ Đường luật, lục bát và song thất lục bát.

Đầu thế kỷ XX phong trào chữ Quốc ngữ lan khắp, nhiều trí thức lớn đã trăn trở với nền tân học đã tiên phong khai sinh ra những dòng văn xuôi và văn vần mới. Nguyễn Văn Vĩnh chuyên dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine, đã tìm ra một điệu mới để dịch bài Con ve và con Kiến (1913) mà nhiều người cho Ông là người khai sinh ra dòng Thơ Mới cùng với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Năm 1932 sự xuất hiện của phong trào Thơ Mới, là một cuộc đại cách mạng trong lịch sử thơ ca của Việt Nam. Thời kỳ đầu, các thi sĩ Thơ Mới đả phá thi pháp của thơ cũ và tư tưởng nghệ thuật cũ. Tuy nhiên, nhìn lại các tác phẩm thời kỳ này, sẽ thấy nó vẫn kế thừa, tiếp nhận và chọn lọc, dung hòa nghệ thuật của các nền tảng: Ca dao-thơ thuần Việt - thơ Trung Hoa- và văn chương phương Tây (Pháp). Cùng với việc đón nhận làn gió mới nhưng cũng không xa rời các nền tảng trên, đã được Việt hóa hàng ngàn năm. Trong cuộc cách mạng này, Thơ Mới đã bỏ đi rất nhiều hình ảnh cũ kỹ sáo mòn. Nhưng Thơ Mới cũng giữ lại và làm mới không ít các hình ảnh tuy đã cũ, về tâm hồn về tâm linh tín ngưỡng của đời sống Việt. được kết hợp và diễn tả theo một kiểu thức mới, tạo ra những cảm xúc và hiệu quả thẩm mỹ mới, lạ lùng và xao xuyến. Và đặc biệt Thơ Mới đã tiên phong trong vần điệu và một thi pháp mới lạ mà ta có được cho đến hôm nay.
 


Trong Thơ Mới câu thơ không có hạn định nào về số chữ. Và cũng không tuân theo luật bằng trắc nào như trong thơ cũ. Thơ mới mở rộng ra, có thể đặt những câu ngắn từ 2, 3 chữ hoặc dài đến 9, 10 chữ. Nhưng vẫn theo những vần luật sau đây:

- Vần liền: Vần theo những cặp gián cách, từng cặp vần bằng trắc theo nhau liền, ví dụ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới,
Đâu những cảnh bình minh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng,
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới.

- Vần chéo: Là cách gieo vần bắt chéo, câu 1 vần xuống câu câu 3, câu 2 vần xuống câu 4, ví dụ trong thơ Huy Cận:
Hạnh phúc rất đơn sơ.
Nhịp đời đi chậm rãi,
Mái nhà in bóng trưa,
Ong hút chùm hoa cải.

- Vần ôm: Là cách gieo vần để cho vần câu 1 với câu 4, ôm lấy vần câu 2 với câu 3. Ví dụ trong bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư:
Em nghe mùa thu,
Dưới trăng mờ thổn thức,
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu

- Vần hỗn tạp: Là cách tham dụng tất cả các lối vần trên trong một bài, không theo một định lệ nào cả. Ví dụ trong bài thơ sau đây của Thế Lữ:
Tiếng địch thổi đâu đây.
Cớ sao mà réo rắt ?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt.
Mây bay, gió quyến, mây bay...
Tiếng vi vu như khuyên van như dìu dặt
Ánh chiều thu
Lướt mặt hồ thu.
Sương hồng lam nhẹ tan trên sóng biếc.
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô,
Như khuấy động nỗi nhớ nhung thương tiếc.
Trong lòng người đứng bên hồ

Nhưng Thơ Mới vẫn có qui tắc và cũng phân làm các thể loại, số câu số chữ, cách gieo vần, và tựu trung gồm có mấy thể loại sau đây:

- Thể năm chữ: Mỗi câu có 5 chữ. Số câu không hạn định, thường chia làm khổ 4 câu. Vần có thể theo các kiểu vần liền, vần chéo, vần ôm hoặc vần hỗn tạp. Thường cứ gián cách vần trắc với vần bằng. Nhưng chỉ có vần cước không có vần yêu. Thể thơ này phân làm khổ 4 câu như thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Ví dụ như bài thơ Đi chùa hương của Nguyễn Nhược Pháp, Khách lạ đường rừng của Nguyễn Bính.

- Thể bảy chữ: Mỗi câu thơ có 7 chữ. Số câu không có hạn định, có thể chia thành khổ 4 câu. Tất cả phép niêm luật đối của thơ Đường luật đều bị bỏ qua, nhưng có khi vẫn được duy trì một phần, nhất là luật bằng trắc vẫn còn. Gieo vần theo các kiểu thơ Pháp, giống như kiểu tứ tuyệt cũ 4 câu 2 vần, hay 4 câu 3 vần. Ví dụ như trong bài thơ Trăng của Xuân Diệu

- Thể tám chữ: Mỗi câu có 8 chữ (hoặc xen vào ít câu 7 chữ hay 9, 10 chữ). Số câu không hạn định, thường dài, nhưng cũng có thể chia làm khổ 4 câu 6, 8 câu.. Về thanh bằng trắc trong câu, thường chỉ áp dụng luật hoán thanh tổng quát vào các chỗ ngắt đoạn. Vần thường theo kiểu vần liền, có khi có cả vần liền, có khi có cả vần yêu, câu thơ có giọng như Hát nói. Ví dụ như bài Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ.
 
- Thể sáu tám: Tuy là loại thơ cũ, trước kia người ta thường dùng để sáng tác truyện liên hồi hàng ngàn câu. Trên cơ sở này người ta sáng tác ngắn đi và theo lối gieo vần truyền thống. Ví dụ bài thơ Ngậm ngùi của Huy Cận
Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em mộng bình thường,
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ,
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau.
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Vần điệu niêm luật trong một bài thơ Đường luật:

- Niêm nghĩa đen là dán dính lại bằng chất hồ. Trong thơ, niêm là cách xếp đặt các câu thơ cho dính lại với nhau về nhịp thanh bằng thanh trắc và gây sự liền lạc mật thiết về âm điệu.

- Vần ở vào chữ chót câu đầu và các câu chẵn (như vậy bài thơ có 5 vần và chỉ dùng vần cước). Cả bài gieo một vần (độc vần). Vần bằng (thuộc thanh bằng)

- Thanh luật là luật chỉ định trong một câu thơ, chữ nào phải thanh bằng, thanh trắc. Chữ thanh bằng là chữ có dấu huyền hoặc không dấu, chữ thanh trắc là chữ có các dấu: Ngã, hỏi, nặng, sắc.

Trong thơ Đường luật, câu thơ nào cũng có 7 chữ, thanh luật áp dụng cho các chữ trong câu như sau:
a- Chữ chót (chữ thứ 7) tùy thuộc vị trí câu thơ đối với vần thơ. Nếu câu thơ mang vần (câu 1,2,4,6,8) thì chữ ấy bằng, nếu câu thơ không mang vần (câu 3,5,7 thì chữ ấy trắc).
b- Chữ 2,4,6 theo phép Nhị tứ lục phân minh, nghĩa là 3 chữ này phải bằng, trắc, bằng hoặc trắc, bằng, trắc.
c- Chữ 1,3,5 theo phép Nhất tam ngũ bất luận nghĩa là không kể đến luật bằng trắc, được tự do. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ chữ 1 và 3 được bất luận, còn chữ thứ 5 phải khác thanh với chữ chót của câu thơ

Ta thấy ở luật bằng trắc này, luật lệ cốt yếu nhằm vào các chữ 2,4,6. Nhịp thanh của câu thơ dựa vào đó mà thay đổi lên xuống. Cho nên bài thơ nào bắt đầu với một câu thơ luật bằng thì gọi là bài thơ luật bằng. Bài thơ nào bắt đầu với câu thơ luật trắc gọi là bài thơ luật trắc.
Khái quát vần luật trên ta có một ví dụ bình giảng bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Bài này được coi là kiệt tác trong mấy nghìn năm qua của loại thơ Đường luật:
Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn thơ
Hạc vàng bay mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?
(Tản Đà - dịch)
 
Về mặt hình thức, dễ nhận biết đây là bài thơ Đường luật thể thất ngôn bát cú (bảy chữ, tám câu) nhưng ngay trong mấy câu mở đầu, đã thể hiện một cú pháp rất đặc biệt, bởi sự phá hết niêm luật và thi pháp của thơ Đường. Về luật bằng trắc, câu 1 và câu 3 là những câu thể hiện sự phá cách táo bạo nhất. Theo luật thơ Đường, các vị trí nhị tứ lục thất trong câu thơ phải tuân thủ theo đúng quy định bằng trắc. Các vị trí 1,6,8 trong câu thơ thứ nhất đã hoàn toàn biến đổi ngược lại với quy định. Luật bằng trắc của bài thất ngôn bát cú, thơ vần bằng trong câu đầu lẽ ra phải là: BBTTTBB (Ví dụ: Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn - Bà Huyện Thanh Quan) thì câu thơ đầu của Hoàng Hạc Lâu biến thành TBTBBTT Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ. Tiếp đến, câu thứ 3 được cấu tạo với một loạt 6 thanh trắc đi với nhau, gợi lên một niềm xót xa trước sự nghiệt ngã của thời gian, của cuộc đời con người BTTTTTT Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.

Thơ Đường vốn trọng sự cô đọng của câu chữ, đặc biệt tránh việc phải dùng những hư từ, trong bài thơ này được dùng một từ lặp lại nhiều lần "Hoàng Hạc" được 3 lần. "không" được 2 lần, tạo nên hiệu quả sự ám ảnh khôn nguôi về Hạc vàng. Hoàng Hạc Lâu là một kiệt tác của Trung Hoa và cũng là đỉnh cao chói lọi của thơ Đường nói riêng và của văn học Trung Hoa nói chung, ngàn năm không ai vượt qua nổi. Thi tiên Lý Bạch đứng trước Hoàng Hạc Lâu cũng phải gác bút mà thốt lên rằng: "Đình tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thương đằn" (trước mắt có cảnh đẹp nhưng không sao nói được, vì đã có thơ của Thôi Hiệu sừng sững ở trên đầu).

Và giai thoại làm thơ:

Vương Bột thời tuổi trẻ đã nổi tiếng thần đồng, hạ bút thành thơ. Vương Bột cũng từng lặn ngụp chốn quan trường. Làm thơ nổi tiếng được xếp vào: "Tứ kiệt Sơ Đường" (cùng với: Dương Quýnh, Lạc Tân Vương, Lư Chiếu Tân). Cha Vương Bột bị điều đi xa làm thứ sử, anh đi thăm cha, bị đắm thuyền chết, yểu thọ 29 tuổi.

Bài thơ trên trích ra từ bài phú thể biền ngẫu (bài "Tự" hoặc Tựa) gọi là "Đằng Vương các tự" nhân dịp một bữa tiệc lớn được tổ chức ở Đằng Vương Các. Vương Bột đọc theo yêu cầu của chủ nhân lúc ấy là đô đốc Diêm Bá Tự. Bài phú được mọi người tán thưởng, thán phục tài hoa của chàng thi sĩ trẻ. Nhưng về sau có người chê rằng "hai câu thơ đầu còn có chỗ dở"... Truyền thuyết kể rằng sau khi chết, hồn Vương Bột vẫn còn uất ức vì chưa hiểu tại sao người ta chê thơ mình, nên đêm khuya thanh vắng thường hiện hình trên sông nước, níu áo những văn nhân sĩ tử qua đường, miệng đọc hai câu thơ trên và hỏi: "Ta dốt ở chỗ nào xin chỉ giúp". Nhưng ai cũng chỉ khen hay. Hồn Vương không hài lòng, mắng sĩ tử kia còn dốt hơn, đi thi khoa này ắt hẳn không đậu. Quả nhiên mấy người bị mắng đều thi rớt. Hồn Vương Bột sau đấy vẫn cứ dật dờ trên sông nước.
 

Ngày nọ có một văn nhân đi ngang qua đấy, hồn ma Vương Bột lại hiện hình níu áo hỏi. Chàng văn nhân cười bảo: "Nhà ngươi từng nổi tiếng "tứ kiệt Sơ Đường" mà bao năm không nhận ra cái dốt của mình ư?". Nói xong dứt áo quay đi. Hồn Vương tha thiết nài nỉ khách giải thích. Khách văn nhân chẳng đành phụ lòng cố thi nhân họ Vương bèn nói "Hai câu thơ thừa chữ "dữ" (với) và "cộng" (cùng). Nếu bỏ hai chữ ấy thì câu thơ tuyệt gọn và thanh thoát lại liền mạch:
Lạc hà cô vụ tề phi
Thu thủy tràng thiên nhất sắc
Hồn Vương Bột ngẩn người hiểu ra, bèn bái tạ vị khách qua đường... Từ đó không ai còn nhìn thấy bóng ma nhà thơ trẻ tài hoa Vương Bột xuất hiện nữa, hẳn là linh hồn ông đã siêu thoát.
Sao lại có câu chuyện làm thơ bi thiết mà thú vị đến thế !
Vì sao bao người khen bài thơ hay mà không nhận ra hai từ dư thừa ? Người chê Vương Bột sao chẳng chịu nói ra ? Biên giả cho rằng cái tài năng lập ý, chọn cảnh vật đã hay đến nỗi nó lấn át hai giới từ dư thừa (dữ, cộng) khiến nhiều người không để ý. Cho hay, văn chương chẳng biết đâu là bến bờ hoàn hảo. Thi sĩ Vương Bột chết thành ma vẫn trăn trở không thể siêu thoát được. Hồn ma ông vẫn muốn làm cho câu thơ được toàn bích. Câu chuyện sáng tạo văn chương công phu như thế thật là kỳ thú lắm! Trong bài này, chúng tôi vẫn ghép hai từ "dư thừa" nguyên tác của Vương Bột. (*)
Toàn bài Đằng Vương các tự của Vương Bột như sau:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc (...)
Đằng vương cao các lâm giang chủ
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỉ độ thu ?
Các trung đế tử kim hà tại ?
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu
 
Dịch thơ:
Gác Đằng cao ngất bãi sông thu
Ngọc múa vàng reo nay thấy đâu?
Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi
Mấy phen vật đổi với sao dời
Đằng Vương thuở trước giờ đâu tá?
Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài !
(Tương Như - dịch)
 
 
Giai thoại Hữu Loan:

Lạ lùng! Ai đó đọc hoặc ngâm bài thơ Màu tím hoa sim, độc giả đều bâng khuâng. Nghe các ca khúc phổ bài thơ Màu tím hoa sim thính giả đều bâng khuâng và... tất cả chúng ta đều bâng khuâng. Chỉ một bài thơ này mà nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Vào năm 1960 Dzũng Chinh soạn Những đồi hoa sim bằng điệu slow rumba theo âm giai Rê thứ. Nhạc sĩ Anh Bằng cũng phỏng theo ý thơ, để soạn ca khúc Chuyện hoa sim. Duy Khánh soạn Màu tím hoa sim phần ca từ theo sát bài thơ. Phạm Duy soạn Áo anh sứt chỉ đường tà (từ 1949 đến 1971 mới hoàn thành). Và là đề tài cho các nhạc sĩ soạn ra các ca khúc như Tím cả chiều hoang, Tím cả rừng chiều, Chuyện người con gái hái sim... Tất cả đều thành công.

Bài thơ và tác giả vẫn thăng trầm theo bao sự kiện của dòng đời. Nhưng đặc biệt Màu tím hoa sim trở thành bài thơ được trả tiền bản quyền cao nhất trong lịch thơ ca Việt Nam (kể cả châu Á). Vào năm 2004, Hữu Loan sửng sốt bằng lòng chuyển giao bản quyền tác giả bài thơ với giá 100 triệu đồng cho Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (Vitek) (**)
 
Trong giữa thế kỷ XIX, khi soạn xong Đại Nam quốc sử diễn ca theo thể thơ lục bát, Lê Ngô Cát dâng lên vua Tự Đức và được trọng thưởng, một xấp vải gấm và hai quan tiền. Về sau được tương truyền 2 câu thơ: "Vua khen thằng Cát có tài/ Ban cho cái khố với hai đồng tiền". Thưởng hay trả công? Bạn hãy so sánh giá trị đồng tiền trong hai thời kỳ và thời giá hiện nay!
 
 

Mãi mãi thơ vẫn là thơ

Từ phong trào Thơ Mới cho đến nay, làng thơ Việt Nam cũng đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã hình thành nên các xu hướng và vai trò nhất định của thơ đã gắn liền sứ mệnh của mình với một thời kỳ nhất định nào đó trong lịch sử. Và các thời kỳ này đủ thời gian để cho các nhà phê bình đánh giá. Thời đại ngày nay có xu hướng thơ cận đương đại và đương đại.

Nhìn về mặt tổng thể, sự phát triển của thơ Việt Nam đương đại không còn yếu tố nhạc tính của thơ, độ mờ nhòe của ngôn ngữ, màu sắc lạ hoắc của ngôn ngữ, với những cách tân này người đọc càng cảm thấy mù mờ hơn về "ý đồ nghệ thuật" của các nhà thơ này - các cấu trúc của thơ bị phá vỡ, hình thức ngắt câu, hình thức xuống thang nhiều khi quá lạm dụng để làm lạ hoắc giọng điệu, chưa được giới yêu thơ đồng cảm. Phải chăng đây là chân dung của nàng thơ hiện đại!. Người ta cố gắng cách tân giọng điệu và ngôn ngữ, để tạo ra những nét mới theo kiểu phong trào. Kết quả cho ra đời những bài thơ, khi đọc lên đã thấy mệt và không ai hiểu nổi! Không ít người lại đưa ngôn ngữ vào thơ quá dễ dãi, quá bình dân và ngôn ngữ đời thường làm giảm tính nghệ thuật của thi ca. Hiện nay thơ bùng nổ về số lượng nhưng lại giảm về chất lượng ngày càng nhiều, chính điều này làm cho thơ ngày càng ít người đọc hơn, không còn được chào đón như những dòng thơ trước. Như nhận xét của Nguyễn Gia Nùng: Trong một vạn câu giống thơ, chọn được một câu thơ đã ứa nước mắt mừng vui (***). Đến đây có thể suy ngẫm câu này của nhà thơ nước Anh, Bulwer Lytton : In science, read by preference, the newest works, in Literature the oldest. The classic literature is always modern (Trong lĩnh vực khoa học, người ta thích đọc những tác phẩm mới nhất, còn trong lĩnh vực văn chương người ta thích đọc những tác phẩm cũ nhất. Văn chương cổ điển thì luôn tân kỳ).

Làm thế nào để có một bài thơ hay? Đây là nỗi trăn trở của các nhà thơ, người làm thơ. Bởi vì một bài thơ hay, sống với thời gian, và được người đời mến mộ, thì nó chẳng cần theo một xu hướng nào cả! Những bài thơ ấy tự nó đã định cho mình một xu hướng riêng trong lòng công chúng và nó sẽ tồn tại theo thời gian.Thơ Mới và thơ Hiện tại đã tiến một bước ngắn hơn 80 năm, so với nhiều thế kỷ của thơ Truyền thống, quá trình cách tân tìm cái mới của thơ ca cần phải quan niệm một cách sâu sắc hơn. Và dù đổi mới thế nào đi chăng nữa, thi ca vẫn phải là tiếng nói hồn nhiên nhất, nguyên sơ trong sâu thẳm trái tim và giàu tính nhân bản về đời sống vì sự cao đẹp của con người, và muôn đời mãi mãi thơ vẫn là thơ!... ?
 
ài liệu tham khảo:
1- Thi ca từ Trung Hoa- Phùng Hoài Ngọc
2- Tạp chí KTNN số 621- Phanxipang-tr: 41, 113, sđd.
3- Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân.
4- Tuyển thơ 30 năm Nguyên tiêu Phú Yên 1980-2010 Hội VHNT Phú Yên - Nxb TT&TT -2010, tr.434.
 

 ********

Học làm thơ

   Thơ là một loại hình nghệ thuật của ngôn từ, âm thanh của thơ có vần có điệu nhịp nhàng. Lời lẽ của thơ ngắn gọn, hàm chứa, súc tích. Một bài thơ hay có thể làm người đọc rung cảm bởi tiết tấu, bởi nội dung, bởi hình thức thể hiện. Muốn làm thơ hay, các bạn phải có ý tưởng mới lạ, hoặc cái nhìn mới lạ về những sự vật, sự việc quen thuộc. Ngoài ra bạn phải có bố cục hay, tìm từ đắt giá. Một bài thơ lý tưởng, là bài thơ làm cho người đọc có cảm xúc sâu sắc và ấn tượng khó phai với bài thơ đó.

HỌC LÀM THƠ

TẠI SAO TA CẦN ĐỌC THƠ VÀ LÀM THƠ?

 THƠ là một loại hình nghệ thuật của ngôn từ, âm thanh của thơ có vần có điệu nhịp nhàng. Lời lẽ của thơ ngắn gọn, hàm chứa, súc tích. Một bài thơ hay có thể làm người đọc rung cảm bởi tiết tấu, bởi nội dung, bởi hình thức thể hiện.

  Giá trị nghệ thuật của Thơ làm người đọc vui thích vì cái hay, cái đẹp của ngôn từ. Đọc thơ hay, người đọc có xúc cảm nghệ thuật, cảm nhận được Cái Đẹp Tinh Thần, tạo thói quen nhận thức những giá trị tinh thần trong cuộc sống, dần loại bỏ khuynh hướng thực dụng, tôn vinh những giá trị vật chất đơn thuần, khiến con người sa đoạ trong vật chất. Có thể làm thơ hay, người sáng tác thơ dần làm phong phú tâm hồn mình bởi những quan sát, thấu hiểu để có thể phô diễn một cách biểu cảm, sâu sắc và tinh tế những tình huống, cảm xúc trước cuộc đời, từ đó dần nâng tâm hồn mình thăng hoa lên, trên nấc thang tiến hoá của sự sống.

Về hình thức, Thơ có nhiều thể loại, chúng ta có thể kể đến những loại thơ đã được biết đến như : Đường Luật (Thất Ngôn Bát Cú), Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Thất Ngôn, Ngũ Ngôn, Tứ Tuyệt v.v..... Sau này chúng ta có thêm  Thơ Tự Do.

 PHƯƠNG PHÁP LÀM CÁC LOẠI THƠ

 Trước tiên chúng ta đề cập đến một loại hình khá phổ biến

 VĂN VẦN

 Cần phân biệt Thơ với Văn Vần, vì văn vần chỉ đơn giản là những câu văn ngăn ngắn, được liên kết với nhau có vần, có điệu nhằm thể hiện một nội dung nào đó, mà không mang tính nghệ thuật như THƠ.

 Ví dụ : Các bài văn vần dành cho trẻ em, ngắn gọn, vui vẻ, dễ nhớ

Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con  đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một cái bút chì

Và mang một mẩu bánh mì con con

Hoặc các bài Ca Dao như :

Bồng bồng cõng chồng đi chơi

Đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng

Chị em ơi cho tôi mượn cái gàu sồng

Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên

Chúng ta thường gặp các loại bài văn vần như thế và không nên nhầm lẫn với Thơ

ĐƯỜNG LUẬT (THẤT NGÔN BÁT CÚ)

 Đường Luật là một loại thơ cổ. Các thi sĩ Việt Nam ngày xưa thường hay sáng tác theo thể loại này.

Thơ Đường Luật  (Có tám câu, mỗi câu có bảy chữ ) tuân theo các quy định về luật Bằng Trắc , luật Đối Ngẫu và Vần, Nói chung là Niêm Luật.

  Luật Bằng Trắc

 Bằng là những từ có dấu huyền và không dấu. Trắc là những từ có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng.  Ký hiệu Trắc là T, bằng là B.

Từ thứ hai của câu thứ nhất nếu là T, từ thứ bảy của câu thứ nhất là B, thì bài thơ là luật Trắc vần Bằng . Ngược lại, từ thứ hai của câu thứ nhất  là B, từ thứ bảy của câu thứ nhất là T, thì bài thơ là luật Bằng vần Trắc

Từ câu thứ hai đến câu thứ tám, tuân theo quy luật :

Nhất, tam, ngũ bất luận

Nhị, tứ, lục phân minh

Nghĩa là từ ở vị trí một, ba, năm không nhất thiết phải theo luật bằng trắc. Nhưng từ ở vị trí hai, bốn, sáu buộc phải theo luật cân đối bằng trắc (Nếu từ ở giữa (số bốn) là Trắc thì hai từ ở vị trí số hai và sáu phải là Bằng (và ngược lại).

 Luật Đối Ngẫu

Trong tám câu của bài thơ thì câu thứ ba và câu thứ tư, câu thứ năm và câu thứ sáu  đối nhau cả về hình thức lẫn nội dung.

 Vần

Vần gieo ở cuối các câu một, hai, bốn, sáu, tám  thì buộc phải cùng âm với nhau, hoặc na ná giống nhau. Cuối các câu ba, năm, bảy thì có thanh ngược lại.

Thơ Đường có thể làm theo các loại : 

1/ Luật Trắc vần Bằng

  Đơn cử một bài thơ luật Trắc vần Bằng của Bà Huyện Thanh Quan

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

  T      T   B      B        T     T  B 

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

B            T              B    B

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

B                T                 B    T

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

T              B               T     B

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

T             B              T      T

Thương nhà mỏi miệng cái da da

B           T                          B  B

Ngừng đây ngắm cảnh trời non nước

B              T                    B        T

Một mảnh tình riêng, ta với ta

T               B            T        B

Đối nhau về hình thức

Câu thứ ba và câu thứ tư

B B T T B B T

T T B B T T B

Câu thứ năm và câu thứ sáu

T T B B B T T

B B T T  T B B

Đối nhau về nội dung

Câu thứ ba và câu thứ tư

Lom khom đối với Lác đác, dưới núi đối với bên sông

Tiều vài chú đối với Chợ mấy nhà

Câu thứ năm và câu thứ sáu

Nhớ nước đối với Thương nhà, đau lòng đối với mỏi miệng

Con Quốc Quốc đối với Cái Gia Gia

2/ Luật Bằng vần Bằng

Ví dụ : Một bài thơ nổi tiếng của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến 

THU ĐIẾU 

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

B   B    T      T    T      B      B

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

       T                   B         T     B

Sóng biếc đưa làn hơi gợn tÍ

            T          B         T        T

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

    B                T          B      B

Tầng mây lơ lửng trời trong vắt

         B          T             B       T

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

      T                B              T     B

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

     T           B           T       T

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

     B            T               B      B

Đối nhau về hình thức

Câu thứ ba và câu thứ tư

T T B B B T T

T B T T T B B

Câu thứ năm và câu thứ sáu

B B B T B B T

T T B B T T B

Đối nhau về nội dung

Câu thứ  ba và câu thứ tư

Sóng biếc đối với Lá vàng; đưa làn đối với trước gió

Hơi gợn tí  đối với  khẽ đưa vèo

Câu thứ năm và câu thứ sáu

Từng mây đối với Ngõ trúc; lơ lửng đối với quanh co

Trời trong vắt đối với Khách vắng teo

 Trong bố cục thơ Đường, hai câu đầu : Giới thiệu đề tài, bốn câu kế tiếp : triển khai nội dung, hai câu cuối : kết luận.

 Thơ Đường Luật là một thể loại thơ khó làm và khó hay, bởi quy luật chặt chẽ về âm vận, ứng đối và bố cục một bài phải gói gọn trong tám câu. Thi sĩ nào dám chọn thể thơ này để làm là chấp nhận thử thách tài năng của mình, nếu thành công (sáng tác được một bài thơ hay) thì điều đó chứng tỏ được sự tài giỏi và tinh tế trong văn chương của họ.

THƠ LỤC BÁT

 Thơ Lục Bát là thể thơ quy định hai câu liên tiếp một câu sáu chữ, một câu tám chữ và số câu thì không giới hạn. Thơ Lục Bát nổi tiếng bởi tác phẩm nổi tiếng thế giới “Đoạn Trường Tân Thanh” của Đại Thi Hào NGUYỄN DU. Thơ Lục Bát là một thể thơ rất dễ làm bởi luật thơ rất đơn giản và tự do. Do không quy định bắt buộc về số câu trong bài thơ, nên bố cục được “mở” cho người làm thơ. Ngoài ra, các âm bắt vần cho hai câu không bắt buộc phải khớp với nhau một cách chặt chẽ, bởi một âm na ná tương tự cũng có thể chấp nhận được.

Nguyên tắc thơ lục bát     

 Âm của chữ thứ 6 của câu số 6 vần với âm của chữ thứ 6 của câu số 8. Chữ thứ 8 của câu số 8 vần với chữ thứ 6 của câu thứ 6 tiếp theo. Chữ thứ 6 của câu thứ 8 tiếp theo vần với chữ thứ 6 của câu thứ 6 kế trên. Chữ thứ 8 của câu thứ 8 này vần với chữ thứ 6 của câu thứ 6 tiếp theo . v.v….

 Mô hình thơ lục bát như sau

          1   2   3   4   5   6

          1   2   3   4   5   6   7   8

          1   2   3   4   5   6

          1   2   3   4   5   6   7   8

          1   2   3   4   5   6

          1   2   3   4   5    6    7    8

Trích đoạn thơ Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du để minh hoạ thơ lục bát

  ….Đầu lòng hai ả Tố Nga

     Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân    

     Mai cốt cách tuyết tinh thần

     Mỗi người một vẻ  mười phân vẹn mười

     Vân xem trang trọng khác vời

     Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang………

 Qua đoạn thơ trên, chúng ta thấy âm vận trong thơ lục bát không quá khắt khe. Nếu khi thuận lợi cho ý thơ, có thể sử dụng âm vần nhau một cách chặt chẽ như : Nga, là – Vân, thần, phân. Nhưng cũng có thể sử dụng những âm tương tợ để hợp với ý câu, như : mười, vời, ngài…

Thơ lục bát là thể loại thơ dễ làm, nhưng không vì thế mà nó kém giá trị sử dụng. Với tài văn chương của những thi sĩ hàng đầu, các tác giả vẫn có thể tạo nên những tác phẩm thơ tuyệt bút.

THƠ THẤT NGÔN

 Thất Ngôn là thể loại Thơ  mỗi câu có bẩy chữ, số lượng câu không giới hạn. cách gieo vần trong thơ Thất Ngôn cũng rất đơn giản và “thoáng” có nghĩa là vần na ná tương tự cũng có thể chấp nhận được, miễn là đọc lên nghe xuôi tai, không chỏi  là được.

 QUY LUẬT

 Hai câu đầu tiên  bắt buộc : Chữ cuối của câu thứ nhất vần với chữ cuối của câu thứ hai (thường là âm Bằng)

          Câu thứ ba, âm cuối  là vần Trắc .

Câu thứ tư, âm cuối là vần Bằng.

Sau đó cứ một câu vần Trắc lại một câu vần Bằng.

MÔ HÌNH THƠ THẤT NGÔN

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6  7

Một bài thơ minh hoạ :

…Dải lụa nào hay áo em bay

Cho lòng ta bỗng ngất ngây say

Tình ơi, em đã bao nhiêu tuổi

Để nhớ để thương suốt tháng ngày

Ai gõ vào tim từng tiếng đập

Cho hồn ta vỡ giấc mơ hoang

Em là Thiên Sứ đem ánh sáng

Từ thuở hồng hoang cõi địa đàng…

THƠ THẤT NGÔN TỨ TUYỆT

 Giống như thể loại thơ Thất Ngôn, nhưng  Thất Ngôn Tứ Tuyệt là thơ  chỉ có bốn  câu. Sự khác biệt của thể loại thơ này là bố cục bài thơ được gói gọn trong bốn câu, còn quy luật thì cũng giống như thơ Thất Ngôn.

Ví dụ một bài thơ thuộc thể loại này :

Vạn pháp phù du khéo huyễn bày

Vô thường cho đến cả cỏ cây

Trăng non đương độ rồi trăng khuyết

Trong mắt em

Ngàn năm mây bay

THƠ THẤT NGÔN & THẤT NGÔN TỨ TUYỆT

 Đây là cách làm thơ phối hợp hai thể loại Thất Ngôn lại với nhau.

Ví dụ một bài thơ minh hoạ :

 TRỞ LẠI

 Cho tôi trở lại mái chùa xưa

Với ngói rêu phong đã mấy mùa

Với cả hồ sen hương bát ngát

Với chiều tịch mịch tiếng chuông đưa

Cho tôi trở lại mái chùa xưa

Trở lại dòng sông mát bóng dừa

Trở lại đồi thông vang tiếng gió

Có rặng hoa vàng ngủ giữa trưa

Cho tôi trở lại mái chùa xưa

Dầu đã phong trần trải nắng mưa

Dẫu lớp sóng đời ô tuổi ngọc

Dẫu bao cay đắng nếm chưa vừa

Cho tôi trở lại ngày thơ ấu

Nhặt lá bên hiên quét cổng chùa

Tôi học bài kinh quên từ độ

Xuôi dòng thế tục nếm cay chua

Cho tôi trả lại Người – nhân thế  - 

Trả những oan khiên, những nợ nần

Trả những lợi danh và phú quý

Trả tình yêu lại kẻ Tình Chân

Cho tôi góp lại muôn lầm lỗi

Làm gói hành trang trở lại chùa

Cho tôi kính cẩn dâng Chư Phật

Lễ vật tâm thành đắt giá mua

Cho tôi xin được yên nghỉ mãi

Dưới rặng thông ngàn vướng vít mây

Cho hồn tôi quyện hồn cỏ dại

Thênh thang cánh gió hướng trời Tây.

Hai khổ thơ đầu của bài thơ làm theo thể Thất Ngôn Tứ Tuyệt các khổ thơ còn lại làm theo thể Thất Ngôn.

THƠ SONG THẤT LỤC BÁT

Song Thất Lục Bát là loại thơ gồm hai câu bẩy chữ, một câu sáu và một câu tám chữ.  Mỗi khổ thơ có bốn câu như vậy và không hạn chế số khổ thơ. Quy luật và âm vận được phối hợp như sau :

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6  7

1      2  3  4  5  6

1      2  3  4  5  6  7  8

Ví dụ hai khổ thơ minh hoạ :

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Nào ai gây dựng cho nên nỗi này

Trống trường thành lung lay bóng nguyệt

Khói cam tuyền mờ mịt thức mây

Bốn lần tên bắn trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh….

THƠ NGŨ NGÔN

Ngũ ngôn là thể loại thơ năm chữ,  không hạn chế số câu. Quy luật thơ như sau :

1   2   3   4   5

1   2   3   4   5

1   2   3   4   5

1   2   3   4   5

…………..

Chữ cuối của câu đầu là vần trắc, chữ cuối của câu tiếp theo là vần Bằng. Sau đó cứ một câu vần Trắc, một câu vần Bằng…

Ví dụ minh hoạ :

Mùa Vu Lan năm ngoái

Anh tặng đoá hoa tươi

Em cài lên áo mới

Như mang một nụ cười

Mùa Vu lan năm ấy

Hoa nở ngập đường vui

Em đi trên mộng ước

Như đi giữa giòng đời

Mùa Vu Lan năm ấy

Mắt mẹ vẫn sáng ngời

Như mặt trời rực rỡ

Cho mùa xuân em tươi ....

THƠ TỨ NGÔN

Thơ Tứ Ngôn là loại thơ bốn chữ. Giống như các loại thơ khác, mỗi khổ thơ gồm 4 câu , nhưng tuỳ theo bố cục bài thơ, ý thơ mà số câu nhiều ít khác nhau.

Chữ cuối các câu 2, 3, 6, 7,… là âm Bằng và vần với nhau. Chữ cuối các câu 1, 4, 5, 8, 9, …là vần Trắc.  Nói chung, từ câu thứ hai trở đi, cứ 2 câu âm Bằng lại kèm 2 câu âm Trắc…

 Quy luật thơ bốn chữ :

1    2    3    4

1    2    3    4

1    2    3    4

1    2    3    4

1    2    3    4

1    2    3    4

1    2    3    4

1    2    3    4

Ví dụ minh hoạ

 Trong phòng hương toả

Khói thuốc nhạt nhoà

Hương khói quyện hoà

Như ta quấn quýt

Anh là khói thuốc

Em thỏi hương trầm

Đôi ta phù vân

Cùng nhau chấp cánh.

THƠ LỤC NGÔN

 Thơ lục ngôn là thơ sáu chữ. Quy luật thơ không khó lắm, nhưng làm theo thể loại này, thơ khó hay, trừ khi nhà thơ phải thật tài năng.

Luật thơ : Chữ cuối các câu 1 và các câu chẵn 2, 4, 6, 8…thuộc âm Bằng . câu lẻ 3, 5, 7,…thuộc âm Trắc. Chữ thứ tư của câu dưới thường vần với chữ thứ 6 của câu trên.

1      2  3  4  5  6

1      2  3  4  5  6

1      2  3  4  5  6

1      2  3  4  5  6

1      2  3  4  5  6

1      2  3  4  5  6

1      2  3  4  5  6 

1      2  3  4  5  6

 Ví dụ minh hoạ :

Tôi yêu, tôi yêu rất nhiều

Tôi yêu, yêu biết bao nhiêu

Tôi yêu tuổi thơ trong trắng

Tôi yêu ánh nắng mùa xuân

Tôi yêu chùm hoa hoang dã

Tôi yêu câu nói …ngại ngần

Tôi yêu trời xanh màu áo

Tôi yêu tiếng sáo hư không

Tôi yêu giòng sông mây trắng

Tôi yêu một cánh diều say

Tôi yêu bàn tay thân ái

Tôi yêu một chiều mưa bay …

 THƠ BÁT NGÔN

Thơ bát ngôn là thơ tám chữ. Cách gieo vần cho thơ giống thơ Tứ ngôn như sau :

 Chữ cuối các câu 2, 3, 6, 7,….âm Bằng, chữ cuối các câu 1, 4, 5, 8, 9…âm trắc .Nói chung, sau câu 2, 3, cứ cách 2 câu âm trắc lại là 2 câu âm bằng.

1   2   3   4   5   6   7   8

1   2   3   4   5   6   7   8

1   2   3   4   5   6   7   8

1   2   3   4   5   6   7   8

1   2   3   4   5   6   7   8

1   2   3   4   5   6   7   8

1   2   3   4   5   6   7   8

1   2   3   4   5   6   7   8

 Ví dụ minh hoạ

…..Tình như gió bắt đầu cơn bão nổi

Tình như mây báo hiệu trận phong ba

Tình như men thiêu đốt suốt xương da

Tình nồng thắm mặn mà hoa đương độ

Gió đưa thuyền về bến sông kỳ ngộ

Đời đưa ta vào mê lộ tình yêu

Linh hồn ta nhắm mắt để bước liều

Không biết nữa Thiên Đường hay Địa Ngục

THƠ TỰ DO

Thơ tự do là thể loại thơ không quy định bắt buộc số chữ trong câu, số câu trong một bài, cũng không quy định âm luật cho bài thơ. Vì vậy, thơ tự do tuỳ thuộc vào sự gieo vần ngẫu hứng của tác giả.

Ngày nay, nhiều người tưởng mình làm “thơ tự do” nhưng thực ra chỉ là sự ghép nối những câu văn xuôi ngăn ngắn, bởi vì Thơ chỉ được gọi là Thơ khi đọc lên có vần có điệu, cho dù đó là thơ tự do đi nữa.

Ví dụ minh hoạ :

NẰM BÊN TRÁI

 Anh có cái đầu

 và một trái tim

Cái đầu ở giữa nhưng trái tim không chịu nằm ở giữa

Cái đầu dùng công lý xét soi

nhưng trái tim có lý lẽ riêng của nó

Nó không cần sự biết điều hợp lý

Nó tự do như gió như mây,

như cánh chim Hải Âu thênh thang trên những dải núi non hùng vĩ

Có những khi cái đầu reo vui

thì trái tim rên rỉ

Cái đầu nói đúng thì nó bảo sai, cái đầu muốn thôi

thì nó bảo rằng cứ nữa

Ôi trái tim

nó che dấu bao nhiêu điều kỳ bí

Mà cái đầu không bao giờ hiểu được đến nơi

Chàng hoa tiêu ở trên phải nghe lệnh ông chủ điên cuồng ở dưới

Bởi vì khi cái đầu bóp nát trái tim

thì có nghĩa là nó theo nhau về nơi chín suối

Khi anh nói yêu em

đó là điều nghịch lý

Nhưng biết làm sao được

vì tim anh nằm bên trái

Em ơi!

 Muốn làm thơ hay, các bạn phải có ý tưởng mới lạ, hoặc cái nhìn mới lạ về những sự vật, sự việc quen thuộc. Ngoài ra bạn phải có bố cục hay, tìm từ đắt giá.

 Một bài thơ lý tưởng, là bài thơ làm cho người đọc có cảm xúc sâu sắc và ấn tượng khó phai với bài thơ đó.

Chúc các bạn thành công, sáng tác được những vần thơ tuyệt diệu .

 

Kim Phượng sưu tập

 

 

 

 

 
 
 
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %25 %558 %2020 %08:%06
back to top