Tết Việt ở Texas

Tết Việt ở Texas

==

Theo truyền thống của người Việt mình, Tết Nguyên Đán là dịp đoàn viên gia đình, người thân. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn được đón Tết ở quê nhà, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Những ngày cận Tết này, mở các kênh Youtube, hay xem các mạng xã hội của bạn bè người thân trong nước, nỗi nhớ Tết, nhớ nhà càng tăng lên bội phần. Tuy năm nay không như những năm trước,nhưng không khí Tết vẫn hiện diện khắp nơi, làm xao lòng những đứa con xa xứ.

 Ở Texas, một trong hai thủ phủ người Việt lớn nhất nước Mỹ, niềm vui Tết vẫn tỏa lan trong từng gia đình nhỏ. Ngoài thời gian đi làm công sở, người ta tranh thủ gói bánh, làm mứt, mua hoa, mua tắc, trang trí nhà cửa, chọn thêm những chiếc áo dài Xuân sặc sỡ, …mong hầu gìn giữ một cái Tết xưa vẹn toàn. Những công việc mỗi năm một lần, lấy đi rất nhiều thời gian và công sức trong nhịp sống hối hả này; nhưng trên hết, làm vì nhớ, vì yêu; để biếu tặng, gởi cho là chủ yếu, để thấy Tết thật sự đã về …

Tết là mùa bánh chưng bánh tét, mùa hoa đào hoa mai, mùa của bao lì xì, dưa hấu, mùa của áo mới kẹo ngon, … Với những người con xa xứ, Tết lại càng là nỗi nhớ khôn nguôi, là hành trình mà mỗi người Việt ở nơi xa đều muốn quay về. Ở đây, Tết không chỉ là dịp để đón năm mới truyền thống mà còn là dịp để cho con cháu biết về nguồn gốc văn hóa, cội nguồn Tổ tiên. Nhiều gia đình Việt mình vẫn giữ nếp Tết xưa cũ, cùng gói bánh, làm giò, cúng đưa ông Táo, nấu bữa cơm tất niên, rước ông bà, …nghiêm trang và thành kính.

Sau cả năm làm việc bận rộn, những người con xứ Việt vẫn luôn mong một cái Tết cổ truyền, dù có tất bật, dù còn thiếu thốn. Mùa này người ta đi mua sắm Tết hệt như ở quê nhà. Các chợ Á Châu hàng về rực rỡ, tràn ngập sắc đỏ vàng, phục vụ không thiếu món gì cho Tết. Từ bánh mứt, thèo lèo, dưa hành, củ kiệu đến lạp xưởng, giò thủ cùng đủ loại trái cây hiếm có khó tìm để chưng mâm ngũ quả. Chủ yếu hàng trong nước nhập qua hoặc các cơ sở người Việt tại Mỹ sản xuất. Ngoài đồ ăn thức uống, còn có sự khoe sắc của những chậu cúc đại đóa, quất, tắc, đỗ quyên, phong lan, mai vàng Mỹ (Forsythia), đào Mỹ (Quince), …Một số chợ truyền thống Mỹ ở các tiểu bang đông người châu Á, người Việt cũng bày một ít hàng Tết theo nhu cầu khách hàng, cũng mứt Tết, cũng lạp xưởng, cũng nước mắm, …như ở Costco, Sam’s Club, HEB, … đủ để làm rộn ràng thêm không khí Tết đang về …

Những gia đình có con cái đang theo học ở các trường Việt Ngữ càng vui hơn khi Tết về. Những hoạt động ở trường tổ chức nhằm khơi gợi truyền thống dân tộc cho con trẻ như múa lân, chơi ô ăn quan, chơi thảy đầu vịt, lò cò, ông đồ cho chữ, chơi bài chòi, …diễn ra rộn ràng, sôi nổi. Rất nhiều phụ huynh chia sẻ, dù xã hội có phát triển thế nào, dù có đi đến đâu, nhưng những nét đẹp truyền thống của ngày Tết Việt thì không gì có thể thay thế được. Và có lẽ, càng ở xa quê hương, mới càng thấu hiểu điều đó quý giá tới mức nào. Cho nên, trong cái khó thường hay ló cái khôn, nhiều nơi điều kiện không đủ, thiếu lá dong, dây lạt, người ta dùng lá chuối, dây nilon, dây vải hoặc dùng giấy nướng bánh (parchment paper) để gói bánh. Không có thời gian nấu bánh lâu thì dùng nồi áp suất (instant pot) giảm thời gian tối đa mà vẫn giữ được hương bánh ngon mềm. Không đủ nắng để phơi củ cải củ kiệu thì dùng lò sấy, lò nướng hong khô. Không có mai, đào Việt thì ngắm mai, đào Mỹ, …muôn kiểu chuẩn bị cho ngày Tết sum vầy.

 Tết ở nước ngoài rất ngắn. Thường chỉ là ngày cuối tuần, trước Tết hoặc 30 Tết, gia đình bạn bè tụ tập ăn bữa cơm chung, ngày hôm sau lại trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Mặt khác do lệch múi giờ, người Việt ở Mỹ vẫn phải làm việc trong thời khắc giao thừa. Năm nay người ta còn hạn chế lại việc gặp gỡ, đi chùa, nhà thờ, ăn uống cùng nhau để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, cái Tết Việt dường như lắng đọng hơn, yên ả hơn. Cảm giác thèm được cùng cả gia đình, họ hàng quây quần bên mâm cơm giao thừa, ăn miếng thịt kho trứng, húp muỗng canh khổ qua, nghe mùi trầm hương lan tỏa, rôm rả nói cười, lại càng da diết nhớ …

Ngày trước, khi các phương tiện liên lạc chưa phổ biến như hiện giờ, các hình thức mua bán trên mạng còn hiếm thì việc cộng đồng nhóm họp cùng nhau nấu bánh, làm mứt phổ biến hơn. Dần dà theo thời gian, khi cộng đồng người Việt ngày càng đông đảo, việc mua sắm đồ Tết không còn khó khăn như trước, việc gởi tặng hàng hóa từ trong nước ra nước ngoài đã thuận tiện hơn, thì những cái Tết nay đã được đủ đầy, dư dả. Nhưng tận sâu trong tâm trí mỗi người, dường như vẫn còn thấy thiếu thứ gì chẳng gọi được thành tên, như ai đó từng nói: “Với nhiều đứa con xa xứ, Tết thì còn đủ vị đó, nhưng vẫn thiếu mùi hương quê nhà!”.

Tết Tân Sửu, 2021

Bài và ảnh: THANH NHÀN (Houston, Texas)

Dù đại dịch, người Việt ở Houston vẫn rộn ràng đón Tết

Một góc chợ hoa của người Việt ở Texas

HOUSTON, Texas (NV) – Những ngày cuối năm âm lịch, do ảnh hưởng của đại dịch nên những khu chợ không đông đúc, nhộn nhịp như mọi năm, nhưng người Việt ở Houston, tiểu bang Texas, vẫn không quên rủ nhau rộn ràng đi sắm Tết, chuẩn bị đón mừng năm mới.

Người Việt ở Houston đi mua hoa mai vàng trưng Tết. (Hình: Như Quỳnh/Người Việt)

Thành phố Houston là nơi có đông người Việt sinh sống vì thế hàng hóa Tết rất đa dạng, phong phú.

Tại các khu chợ của người Việt, các gian hàng Tết được dựng riêng và trưng bày đầy đủ các mặt hàng để phục vụ cho bà con.

Việt Hoa là một trong những ngôi chợ có đông người Việt đến mua sắm. Ông Thành Nguyễn, quản lý chợ Việt Hoa, cho hay: “Đã 37 năm qua, chúng tôi luôn tiếp nhận ý kiến và nhu cầu của bà con mình mỗi năm để phục vụ cộng đồng người Việt đón Tết chu đáo và ấm áp. Người Việt xa quê dù có như thế nào ai cũng mong đón một mùa Tết theo đúng truyền thống ông bà.”

Một góc chợ hoa của người Việt ở Texas 

“Chúng tôi không ngừng thay đổi để đưa Tết đến với tất cả mọi người Việt ở Mỹ bằng những gian hàng truyền thống và bằng những sản phẩm bánh mứt từ khắp nơi. Dù sống ở nước Mỹ chúng ta vẫn đón Tết theo cách rất Việt Nam.”

Tại gian hàng hoa cảnh của chợ Việt Hoa, chị Hoa Lê đang luôn tay tất bật gói hoa, tỉa lá để phục vụ khách hàng. Tuy nhiều việc nhưng chị vẫn tươi cười, nói: “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này chúng tôi rất bận rộn phục vụ bà con mình sắm Tết.”

Gian hàng bánh kẹo Tết bên trong chợ Việt Hoa. (Hình: Như Quỳnh/Người Việt)

Tại đây có bán rất nhiều loại hoa để trưng Tết như đào, lan, cúc, môn, tầm xuân, lay-ơn, tulip, hướng dương… Đặc biệt, có rất nhiều trúc may mắn và cây phát tài.

Chị Hoa cho biết thêm: “Dịp Tết người ta mua mặt hàng này nhiều lắm. Ai cũng mong muốn có một năm mới thật an lạc, hạnh phúc. Người Việt xa quê nhìn vậy chứ luôn giữ gìn phong tục. Biếu tặng nhau cây xanh, chồi lộc thay cho lời chúc tốt đẹp luôn là truyền thống của nhiều người Việt mình.”

Ông Thành Nguyễn, quản lý chợ Việt Hoa. (Hình: Như Quỳnh/Người Việt)

Chị Hương Phạm, cư dân thành phố Houston, vừa đi sắm Tết vừa vui vẻ cho hay, “Năm nào cũng vậy, tôi sắm Tết thành thói quen. Ngày Tết có hoa, có bánh trái, cúng ông bà tổ tiên, trước là giữ gìn nếp nhà, sau là để con cháu mình luôn nhớ mình là người Việt. Năm nay đại dịch chắc sẽ bớt tụ tập, nhưng ở Mỹ mà muốn thấy Tết thì cứ đến chùa, đến nhà thờ những ngày đầu xuân sẽ vui lắm.”

Vào những dịp lễ đặc biệt trong năm hoặc vào dịp Hội Xuân Tết âm lịch, cộng đồng người Việt luôn tổ chức các hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống.

Theo ông Hà Thế Hiển, chủ tiệm De Viet Kitchen, năm nay do dịch bệnh nên có thể không tổ chức đông vui như những năm trước. Những dịp Tết trước, tuy cộng đồng người Việt ở Houston không đông như California, nhưng vẫn có thể mướn cả một không gian rộng lớn của một nhà hàng và tổ chức những gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian hoặc những hội hoa xuân, tổ chức hội chợ Tết tại các nhà thờ, nhà chùa…

Ông Hà Thể Hiển, chủ tiệm De Viet Kitchen, thành phố Houston. (Hình: Như Quỳnh/Người Việt)

Tết truyền thống trên đất Mỹ vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn chứ không hề bị mai một.

Ông Hiển khẳng định: “Tất nhiên, những hoạt động tổ chức vui chơi dịp Tết ta bên đây không thể nào bằng được bên Việt Nam nhưng những trò chơi dân gian, những món ăn truyền thống, những hương vị Tết truyền thống luôn luôn được lưu giữ và phát triển không hề bị mai một đi. Có những em bé sinh ra trên đất Mỹ, nói tiếng Việt tuy còn bập bẹ, lơ lớ, ngọng nghịu nhưng vẫn cố gắng tập nói những câu chúc Tết bằng tiếng Việt rất dễ thương. Những em bé đó cùng cha mẹ sắm bộ trong những chiếc áo dài truyền thống, tham gia những hoạt động cộng đồng, ăn Tết truyền thống và sử dụng tiếng Việt để trao đổi và chúc Tết nhau chứ không dùng tiếng Anh, đó là một trong những nét đẹp trong việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa Việt.”

Các gian hàng bán Tết luôn tấp nập người mua sắm. (Hình: Như Quỳnh/Người Việt)

Một trong những nét văn hóa Tết của người Việt là biếu tặng quà Tết. Họ không chỉ mua đồ Tết về để ăn, để trưng bày cúng kiếng mà còn đặt hàng để đi tặng quà chúc Tết cho những người thân quen, bè bạn.

“Khách hàng của chúng tôi rất quan tâm đến thời gian đặt hàng để biếu quà Tết, thường là biếu sớm (trước ngày 30) để thể hiện sự tôn trọng với người nhận. Họ cũng rất cẩn thận, tỉ mỉ trong việc đòi hỏi hương vị món ăn truyền thống, phù hơp với việc người nhận món quà tặng đó thuộc vùng miền nào, sở thích gì để gia đình, họ hàng, bạn bè có được món quà ẩm thực ưng ý nhất,” anh Hiển nói.

Kể từ 23 Tháng Chạp, “ngày đưa ông Táo về trời,” bà con người Việt bắt đầu đi chợ mua sắm nhiều hơn để cúng kiếng, trưng bày trong gia đình. Nhiều người cũng tranh thủ đi mua trái cây, hoa Tết, chả giò, nem chua, dưa món, bánh chưng, bánh tét… cho sớm để tránh đông đúc và cận Tết rồi.

Trúc may mắn, một loại cây cảnh Tết, được người Việt Houston ưa chuộng. (Hình: Như Quỳnh/Người Việt)

Dịp cuối tuần được nghỉ làm, những khu chợ người Việt luôn náo nhiệt và nhộn nhịp, đặc biệt dịp Tết âm lịch này. Bà con luôn phải xếp hàng dài để mua giò chả Đức Hương, vườn cây ăn trái và hoa tươi JRN Nursery 2 gần khu Bellaire bãi đậu xe luôn chật kín,…

Một cái Tết âm lịch truyền thống của người Việt đã gần kề, sắc màu Tết đang len lỏi đến từng gia đình qua việc dọn dẹp bài trí, chuẩn bị món ăn, trưng bày cúng kiếng,…

Sau một năm sống chung với đại dịch COVID-19, cộng đồng người Việt ở tại Houston đón Tết có phần tươi vui và bớt lo lắng hơn khi đã có vaccine. Hy vọng trong năm nay với các chính sách từ chính phủ mới, cuộc sống của bà con người Việt sẽ có nhiều đổi thay, tốt đẹp hơn. Tiễn năm Canh Tý, chào đón Tân Sửu với nhiều niềm vui và bình an! [kn]

 Như Quỳnh/Người Việt

 

Tết về ăn bánh Tổ

Không biết còn bao người nhớ đến món bánh quê dân dã này. Cứ mỗi độ cuối năm, khi đường phố xuất hiện những cơn gió se se lạnh, cũng là lúc thấy bánh Tổ bày bán đầy trên các sạp đồ Tết. Dưới quê thì nhà nhà chuẩn bị lá chuối, đường, mè, đem nếp ra sàng sẩy, chuẩn bị xay làm bột, làm bánh…

 

Người miền Trung có câu “Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in” là những loại bánh truyền thống lâu đời của người dân xứ Quảng trong mấy ngày Tết. Từ rẻo đất miền Trung nắng gió, cái khó nghèo trong cuộc sống thể hiện trong từng cái ăn cái mặc. Bánh Tổ cũng vậy, có gì đâu ngoài bột và bột. Bánh Tổ ở quê ngày trước chỉ làm dịp Tết, chưng trên bàn thờ, trước kính Tổ tiên, sau ăn lấy thảo, ăn để nhớ công ơn người trồng lúa gạo.

Bánh Tổ có hình tròn đầy đặn, bên ngoài được bọc bởi một lớp là chuối. Phía trên mặt bánh là một lớp mè trông rất ngon mắt. Người Trung dùng đường bát, loại đường đặc trưng ở Quảng Nam, để làm bánh Tổ. Đường nấu tan với gừng giã dập để thiệt nguội rồi lọc lấy nước bỏ xác. Trong khi đó đi chọn nếp, chọn loại nếp mèo ngọn, xay mịn, ủ vài tiếng cho bột nở. Rồi hòa bột với nước gừng, đổ vô khuôn tre (đài tre) lót lá chuối, đem hấp cho bánh chín mềm rồi rắc mè rang lên mặt, để nguội. Bánh được xem là đạt khi có màu nâu sậm, vị ngọt vừa phải, lẫn vị cay ấm của gừng, dẻo dai của bột …

 

Hiện ở Quảng Nam, đa số nhà làm bánh Tổ lâu đời vẫn dùng loại khuôn gọi là cái cái rọ hình tròn, đan bằng nan tre vót mỏng, bên trong khuôn lót một lớp lá chuối thật kín sao cho khi châm bột sệt vào không bị chảy ra, cắt xén vành lá cao hơn thành khuôn chừng vài phân để bánh nở lên trông vẫn đẹp mắt. Đặc biệt khi hấp không cần dầu mỡ, bánh nguội sẽ tực tróc lá dễ dàng.

Bánh mới hấp cắt ra ăn dẻo, dai mà thơm mùi gừng lắm. Nhưng cái hay và lạ của bánh là ít ai ăn ngay. Thông thường, người ta mang đi phơi vài nắng, tùy thời tiết, để bánh khô cứng lại, đến khi vỏ bánh ráo, có thể lột lớp vỏ lá chuối ra dễ dàng. Khi đó bánh được bày trang nghiêm lên bàn thờ, vừa cúng vừa chưng trong mấy ngày Tết, rồi mới cất đi để dành ăn dần. Bánh càng khô, càng để bao lâu cũng được.

 Cách ăn bánh cũng khá độc đáo. Bánh sẽ được cắt từng lát mỏng, nhưng vì để lâu, sẽ cứng như đá, cắt miếng nào miếng đó nghe cạch cạch như bửa củi. Có người nhúng từng lát bánh qua trứng đánh tan, có người để nguyên miếng vậy chiên lên. Cách nào cũng ngon, và lạ là dù có cứng cách mấy, bánh sau khi chiên lên sẽ dẻo dai, thơm ngọt và cay nồng vị gừng, vỏ ngoài hơi cháy vàng, giòn, ăn một miếng thế nào cũng muốn nhón thêm miếng nữa! Còn gì tuyệt vời hơn gắp một miếng bánh nóng, nhâm nhi với một tách trà gừng còn bốc khói, vị ngọt của bánh hòa trong cái chát thơm của trà, chẳng phải là cái vị Tết thanh thanh đang tan trên đầu lưỡi đấy sao …

Ngoài món bánh Tổ của người miền Trung mình còn một loại bánh Tổ của người Hoa, gọi là “nián gao có nghĩa là năm mới thịnh vượng hơn năm cũ. Vì vậy, cũng như người Việt, bánh Tổ là món không thể thiếu trên bàn thờ của người Hoa trong ngày Tết. Cũng cùng tên gọi, cũng nếp, cũng đường nhưng “nián gao khác bánh Tổ của người miền Trung. Phổ biến nhất có hai loại, màu trắng và màu vàng. Loại màu trắng sử dụng đường cát trắng, có nơi dùng đường phèn. Loại màu vàng sử dụng đường tán, đường nâu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cửa hàng còn có thêm một số loại bánh với hương trà xanh, vị đậu đỏ, vị dừa, đủ màu đủ sắc phục vụ nhu cầu đa dạng cho thực khách.

Cách làm bánh, theo truyền thống cũng khá cầu kì và thêm một số nguyên liệu khác so với bánh Tổ người Việt. Theo một sư phụ người Hoa chuyên làm bánh Tổ dạy lại, thì để bánh ngon, phải mua nếp về ngâm qua đêm, sau đó mang đi xay mịn và để ráo bột, khi bột ráo lại mang đi phơi thêm một nắng. Bột nếp sau phơi đã hơi ráo thì mang vào trộn với đường đã được thắng để nguội cho đều rồi đem hấp. Sau khi bánh chín, nhẹ nhàng lật bánh ra dĩa, có thể rắc một ít vừng hoặc một quả táo khô đỏ tượng trưng may mắn lên bề mặt để trang trí.

Bánh Tổ, giản đơn mà mang đầy ý nghĩa của cả một nền văn hóa lúa gạo; đến ngay cả cái màu nâm sẫm cũng mộc mạc, chân quê. Vậy nhưng chỉ khi nếm thử một lần, mới thấy cái ngọt, cái ngon đậm đà, riêng biệt không lẫn vào đâu giữa hàng ngàn thức bánh cổ truyền của ngày Xuân.

THANH NHÀN (Houston, Texas)

Nam Mai sưu tầm

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %11 %180 %2021 %22:%02
back to top