Thương tiếc nhà văn Bùi Bích Hà

    Tưởng niệm nhà văn Bùi Bích Hà    

(1938-2021)

Bùi Bích Hà nguyên là giáo sư dạy Pháp Văn ở trường trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng và trường nam trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn trước 1975. Ra hải ngoại năm 1987 bà là một nhà văn nữ cực kỳ xông xáo ngay vào trường văn trận bút và nền báo chí của thủ đô Tỵ Nạn Bolsa – Nam California.

Bạn Văn 

    Bạn Văn    

  •  Thăm nhà Nguyễn Tường Thiết (con trai của nhà văn Nhất Linh) ở Seattle, WA.
  • Từ trái qua phải: Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Mộng Giác, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà và Nguyễn Tường Thiết
    (hình từ album riêng của Nguyễn Mộng Giác)
WESTMINSTER, California (NV) – Lễ tưởng niệm cố nhà văn Bùi Bích Hà được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều Chủ Nhật, 18 Tháng Bảy, tại 8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683 (East/West Room – City of Westminster).
 
Thông báo nội bộ của nhóm cựu học sinh trường Nguyễn Trãi, Sài Gòn, cho biết: “Theo ước nguyện của cô Hà, tang lễ của cô sẽ được cử hành giản dị trong gia đình, sẽ không có sự hiện diện của bạn bè thân hữu. Đó là lý do chúng ta phải làm một buổi lễ tưởng niệm để các học trò, bạn bè gần xa, các vị thân hữu trong văn giới, các cơ quan truyền thông, các vị giáo sư trong ngành giáo dục, có dịp đến bày tỏ cảm xúc, lòng kính mến, tiếc thương đến một vị giáo sư trung học, một nhà văn, một nhà làm truyền thông, một người bạn tuyệt vời, đó là Giáo Sư Bùi Bích Hà, hơn thế nữa, cô Hà là một người luôn luôn suy tư và gánh vác rất nhiều chuyện của cộng đồng.”
 Hình chụp tại quán Ngọc Sương, hàng trước, từ trái: Ngự Thuyết, Bùi Bích Hà, Tống Kim Chi, Lê Trọng Ngưng; hàng sau, từ trái: Hồng Vân, anh chị Nguyễn Đình Cường. (Hình: Ngự Thuyết cung cấp)
 
Nhà văn Bùi Bích Hà vừa qua đời sáng Thứ Tư, 14 Tháng Bảy, 2021 tại bệnh viện St. Joseph, Orange, hưởng thọ 83 tuổi.
Trước năm 1975, bà dạy học tại các trường Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), và Nguyễn Trãi (Sài Gòn).
 
Năm 1986, bà định cư tại Hoa Kỳ, viết sách và làm việc trong lĩnh vực truyền thông với nhiều cơ sở khác nhau.
Các tác phẩm của nhà văn Bùi Bích Hà bao gồm “Buổi Sáng Một Mình” (Người Việt, 1989), “Bạn Gái Nhỏ To” (Người Việt 1991), “Hạnh Phúc Có Thật” (Văn Mới, 2001), “Phương Trời Khác” (Cảo Thơm, 2002), và “Đèn Khuya 1, 2” (Người Việt, 2018).


Đi đâu… Về đâu… 
Trần Mộng Tú
(Gửi theo Bùi Bích Hà)
 
Đến một tuổi nào đó, bạn nhận thức được rõ ràng hơn về nỗi chết. Bạn biết, nếu không bị bệnh hiểm nghèo lúc trẻ thì tuổi sống của bạn cũng không bao giờ là vĩnh viễn được.
Bạn đã đến, đã nhập cuộc, đã hoàn tất cuộc chơi, dù hoàn hảo hay vụng về, bạn cũng phải buông tay, rũ áo… ĐI
 
Bạn và người thân yêu của bạn sẽ phải rời nhau ra, sẽ phải tách ra… Đi về hai phía.
Đi đâu? Nào ai biết mình hay người thân của mình sẽ đi về đâu? Bùi Bích Hà, người bạn thân của tôi, hơn tôi 6 tuổi. Chị thông minh, trí tuệ, là người hoạt bát, năng nổ, giọng nói ngọt ngào, hiểu biết và tháo vát. Lịch trình sinh hoạt của chị bao giờ cũng đầy ắp. Chị nói như chim hót trong vườn không hề lạc giọng, chị là một trong những tiếng nói được nhiều người mến chuộng của cộng đồng Nam Cali. Chị làm việc như một con ong thợ, không biết đến mệt mỏi. Chị cứ tiếp nối năm này qua năm khác, không hề nghĩ đến chuyện từ giã cái sân khấu cuộc đời. Chị quên đếm sinh nhật đời mình.
Tình bạn của chúng tôi suốt hơn ba mươi năm, cười khóc với nhau. Dù chúng tôi không sống chung một thành phố, nhưng chúng tôi đã cùng viết văn, làm báo với nhau một thời gian khá lâu (Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình – Người Việt). Khi hết làm báo chung, chúng tôi vẫn mỗi năm gặp nhau một tuần, thường là tôi xuống Cali với chị, đôi ba năm chị lên Seattle với tôi.
 
Chúng tôi cùng cười, nói, họp bạn với những người bạn chung, nhưng tối về, hai chị em vào một giường trò chuyện, chia sẻ những chuyện riêng trước khi ngủ. Chuyện mà mình không nói được với ai, chỉ có thể nói với nhau. Chị cười giòn giã với mọi người nhưng tôi là người duy nhất chị có thể gục khóc trên vai, chia sẻ những điều rất đỗi riêng tư mà ngay cả với gia đình, cũng không chia sẻ được. Tôi có nói chơi với chị một lần:
-Vai trái của em cho chị cười, vai phải của em cho chị khóc, vì vai phải mạnh hơn, kiên cường hơn.
Chúng tôi cũng có lúc tranh cãi nhau, bất đồng suy nghĩ nhưng chúng tôi nhanh chóng quên ngay sự trái ý đó vì cả hai chúng tôi đều nhân nhượng nhau.
Chị bao giờ cũng ngủ trước tôi, có khi đang nói chuyện, không nghe chị trả lời, biết là chị đã trôi vào giấc ngủ và chị ngủ thật sâu như một đứa trẻ, chứng tỏ chị có cái tâm của trẻ thơ. Tôi hay nói đùa, chị ngủ ngon như một củ khoai nướng.
 
Sống xa nhau, nhưng chúng tôi thư từ, tin nhắn, điện thoại gần như mỗi ngày.
 
Bỗng một một hôm nhận tin nhắn không từ chị: Chị bị ngã và máu chảy trong đầu, rồi tới tấp những tin dữ theo sau… Cuối cùng chị nằm im, máu ngưng chảy trong đầu, tim không đập nữa… Chị đi thật rồi, đi xa lắm rồi… Hai bờ vai tôi rồi đây, sẽ trống trải cô đơn vô cùng, vai nhớ những tiếng cười, vai nhớ những giọt nước mắt của chị.
Thôi nhé Bích Hà, dòng sông xanh từ nay chảy ra biển lớn, chảy về đâu, đi tới đâu, nào ai biết được. Tiếng chim ca trên mặt nước đã thảng thốt chìm.
Thượng Đế đang đứng đón chị ở đường chân trời, nơi cái quầng đỏ từ từ lặn xuống. Từ nay, mỗi lần nhớ chị, em sẽ nhìn về khúc quành của ngã ba sông nước trước cửa nhà em và hình dung ra chị đang theo sông ra biển.
 
Chị đi bình an nhé.
Ngày tiễn Bùi Bích Hà
Con sông xôn xao chảy
Cánh chim nhỏ bay ngang
Dòng nước xanh vỗ sóng
Tiếng chim như lạc đàn
Trôi đi trôi đi nhé
Nước lặng lặng trôi xa
Có tiếng cánh chim đập
Giữa sông nước bao la
 
Có cả tiếng chim ca
Thả rơi từng âm điệu
Tiếng chim và tiếng nước
Bật khóc trên dòng sông
Dòng sông một đời chảy
Cánh chim một đời bay
Tiếng chim một đời hót
Thả xuống đời xôn xao
Chiều nay con nước đứng
Tiếng chim thảng thốt… chìm.
 
Ngày 14 tháng 7 năm 2021
 


Giáo Sư Bùi Bích Hà
Lã Phương Loan
 
Tôi được gặp chị vào cuối niên học 1969 khi mới được thuyên chuyển về dạy ở Nguyễn Trãi. Cả hai chúng tôi đều dạy ca nhì, buổi chiều. Mỗi ngày có năm mười phút trước khi lên lớp gặp học sinh, chúng tôi không có đủ thời giờ để hỏi thăm chi tiết gia đình của nhau. Chị đã về trường nhiều năm trước tôi nên biết nhiều giáo sư khác.
Thời gian qua mau đến Tháng Tư, 1975, thì tôi ra đi. Chị cũng thừa hiểu tại sao tôi đột ngột biến mất.
 
 
Khoảng 1986 (nếu tôi không lầm) một buổi xế chiều chị xuất hiện trước tòa báo. Chúng tôi gặp lại nhau không hết đỗi ngạc nhiên. Sau khi hỏi thăm qua loa về gia đình, chị đưa tôi một xấp giấy bài gửi ban biên tập đăng báo, viết tay ký tên Đỗ Quyên. Bài chị viết sơ về những chuyện xảy ra sau 1975 và nhiều chi tiết hơn về cuộc sống mới sau khi đặt chân đến đất Mỹ. Giờ phút đó chị đã có công ăn việc làm và gia đình tạm ổn định.
 
Cuộc sống tạm cư đối qua cuộc sống định cư, chị bắt đầu viết lại.
Nhà văn Bùi Bích Hà khởi sự viết cho Người Việt với mục Bạn Gái Nhỏ To (một loại Dear Abby của báo Mỹ) góp ý kiến xây dựng hạnh phúc gia đình, được các bà các cô hưởng ứng nhiệt liệt.
Tập truyện “Buổi Sáng Một Mình“ là sách đầu tiên của chị do nhà xuất bản Người Việt in vào năm 1989. Quyển sách cuối cùng trước khi mất là “Đèn Khuya” cũng được Người Việt in vào năm 2018.
 
Khi cộng đồng Việt Nam phát triển, có báo nói (radio), báo hình (TV) chị là người có chương trình mỗi tuần trên cả hai kênh. Chị cũng từng là chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình từ năm 2002-2014.
Sau khi về hưu chị dành toàn thời gian của mình phục vụ cho các sở thích trên cho đến khi quỵ ngã và ra đi vào Thứ Tư, 14 Tháng Bảy, 2021 vừa qua.
 
Kỷ niệm chung với chị mỗi khi có các bạn từ phương xa về Quận Cam chơi, bốn người chúng tôi thường họp mặt hàn huyên tại nhà một chị bạn thân. Lòng tôi thường chùng xuống khi nghe chị gọi tôi với tên chị Yến, một sự ưu ái dành cho người đã khuất.
 
Bùi Bích Hà, chị đã ra đi quá đột ngột! Mong chị hãy ngủ một giấc bình yên bên cạnh các người thân.


Nhớ chị Bích Hà
Ngọc Hạnh
 
…Bạn ạ, nhớ lại sau 1975, mình được tiếp xúc, chuyện trò với nhiều người miền Bắc vào thời kỳ khó khăn đối với tất cả mọi người từng sinh sống hạnh phúc ở Miền Nam. Mình nhớ chị Bích Hà, cô bạn Bắc Kỳ. Chị vui vẻ, có phản ứng bén nhạy, tư tưởng vững vàng, có lòng tự tin nên chuyện trò với chị thấy an tâm, lạc quan hơn vào lúc không biết tin ai, tâm sự với ai, anh xã thì đi tù cải tạo. Nay đến xứ tự do chị em chúng tôi không còn đứng trên bục giảng nữa. Chị Bích Hà thành “chuyên viên gỡ rối tơ lòng” cho độc giả một tờ báo lớn ở Hoa Kỳ.
 
…Khi đến Hoa Kỳ chị là nhà văn, nhà báo, người gỡ rối tơ lòng, không theo nghề dạy học nữa.Theo mình chị Bích Hà là người có tài và có tình, hay giúp đỡ người khác. Không phải riêng mình, các vị trong trường khi có chuyện gì cần như đi thăm gia đình ốm đau, Bích Hà rất sẵn sàng. Lúc nào Bích Hà cũng tươi cười, chẳng thấy chị than khổ.
 
…Mình còn học được cách cư xử cho gia đình êm đẹp của Bích Hà, không chén dĩa bay khi có chuyện bất hòa. Phu quân chị là người đào hoa bay bướm, có bạn gái. Khi cô ấy gọi tới nhà, Bích không gỡ đường dây điện thoại, không la hét om sòm, chị chỉ nhẹ nhàng bảo phu quân: “Anh hãy nói cô ấy gọi anh nơi khác vì em không muốn để các con nghe thấy anh chuyện trò với cô ấy.” Bích Hà không to tiếng, làm ầm ĩ dù rất buồn trong lòng. Khi chia tay với chồng, chị vẫn gọi anh, xưng em ngọt ngào như xưa làm mình ngạc nhiên, có lần mình đã hỏi chị: “Hai bạn chia tay thật hay giả đấy?”


Vĩnh biệt cô Bùi Bích Hà 
Thảo Ly
 
Khi cô dạy ở trường trung học Nguyễn Trãi Saigon, em theo ban Anh Văn và cô dạy Pháp Văn cho nên em không được học với cô. Thế rồi vận nước đổi thay, em rời VN và lạc mất dấu thầy cô, bạn bè trong suốt nhiều năm nơi đất tạm dung.
 
Khi tìm lại được thầy cô, anh em trường cũ thì cơ hội gặp cô cũng chỉ có một lần thôi, trong kỳ Đại Hội Nguyễn Trãi ở Nam California – nơi cô sống và làm việc không mệt mỏi trong ngành truyền thông, báo chí, viết văn và giải đáp tâm tình, được rất nhiều người hâm mộ.
 
Giờ đây cô đã ngủ giấc bình yên, bỏ lại cho đời những đa đoan, tất bật phía sau. Dẫu cô và em ở hai nơi cách xa nhau, em vẫn cảm nhận cô luôn gần gũi qua những email cô gởi cho em. Cô viết không dài nhưng chứa đựng ân tình, làm ấm lòng mỗi khi đọc lại. Giữa những lá thư lưu giữ, em còn có thêm một tấm hình thật trẻ trung, duyên dáng của cô. Đó là kết quả của lần em vòi vĩnh cô “tấm hình xinh nhất” để đăng kèm trong Đặc San Nguyễn Trãi Houston.
 
Con tàu cuộc đời dừng lại mỗi sân ga. Cô là người hành khách vừa bước xuống trạm dừng dành sẵn. Cô tự tại, thong dong với cách ra đi không vướng bận người thân, càng không bận lòng chuyện tiễn đưa lần cuối của tha nhân. Trong nỗi tiếc thương của người ở lại, em thật an lòng với di nguyện của cô. Cô đã sống hết lòng với cuộc đời này và chọn cách chia tay lặng lẽ khi tạm biệt.
 
Chia tay cô em xin được gởi tình thương và lời cầu nguyện cho cô đi về cảnh giới an lành, trong ánh sáng của từ bi và trí tuệ.
 
Viết từ Houston, Texas
 
 Đường lên Mt. Rainier-Seattle, Washington State. (Hình: Trần Mộng Tú cung cấp)

Giã từ Bùi Bích Hà
Ngự Thuyết
 
Được tin cô Bùi Bích Hà đã vĩnh viễn ra đi, tôi vô cùng sửng sốt và đau đớn. Cô là một nhà văn nữ có tiếng, đã xuất bản nhiều tác phẩm giá trị.
Trước hết về vấn đề xưng hô. Tôi không quen gọi Hà là “chị.” Gọi như thế, tôi cảm thấy nó khách sáo, lạnh lùng, trong khi chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu lắm. Tôi vẫn gọi “cô Hà,” hoặc “Hà” và xưng là “tui,” trong khi Hà gọi tôi là “anh” và tự xưng là “Hà” hoặc “tôi.” Xưng hô trong tiếng Việt rất phiền phức và tế nhị.
 
Hồi còn ở Huế, Hà học khác trường và sau tôi mấy lớp. Nhà của tôi lại gần ngôi biệt thự của đại gia đình cô Hà. Do đó tôi và vài thằng bạn, cái thứ con trai tấp tểnh mới lớn, ở gần đấy, làm sao mà không dần dần khám phá ra rằng vùng mình có một “cô Bắc Kỳ xinh xinh, nho nhỏ.”
 
Thật ra Hà gốc Bắc, nói tiếng Bắc giọng Hà Nội nghe thật nhẹ nhàng, trôi chảy, êm ái, nhưng sinh tại Huế. Chẳng biết mấy thằng kia có để ý nhiều đến người đẹp hay không, nhưng tôi không thể quên cái dáng xinh xinh đó đi học về một mình dẫn chiếc xe đạp từ con đường nhỏ đi sâu mất hút vào trong một khu vườn thâm u, kín cổng cao tường.
Nhà của Hà nhìn ra một cánh đồng khá rộng. Những ruộng lúa xanh rì. Đến mùa lúa chín, là cả một cánh đồng vàng. Nhưng khi mùa đông mưa giầm, gió bấc, rét mướt về, cảnh vật thật thê lương. Cánh đồng ngập nước mênh mông trắng xóa, người Huế gọi nước lụt ấy là nước bạc, lội xuống lạnh thấu xương. Tôi nhớ trong một truyện ngắn của Hà có hình ảnh cánh đồng mùa lụt ở Huế. Thêm vào đấy, ngày đêm vang đi rất xa tiếng ểnh ương đều đều, và buồn “thúi ruột.” Từ cổng nhà Hà nhìn xéo sẽ gặp một ngôi chùa nhỏ, không biết mang tên gì, thường được gọi là chùa Áo Vàng, vì các vị sư mặc áo vàng. Thời gian trôi qua quá mau, chúng tôi xa nhau.
 
Đúng ra hồi đó Hà có biết tôi là ai đâu mà bảo là “xa nhau.” Tôi vào Sài Gòn. Sau một thời gian, được tin Hà đã xong đại học, làm cô giáo môn tiếng Pháp tại một trường trung học, và đã lên xe hoa. Thế là “cô Bắc Kỳ xinh xinh, nho nhỏ” đã là người lớn. Thế là hết tuổi mộng mơ. Của ai nhỉ, của Hà hay của tôi? Từ đấy, bặt âm vô tín.
Qua xứ Mỹ này, tôi bắt đầu viết lách. Vào lúc sinh thời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tôi gặp lại Hà tại nhà anh ấy ở Orange County, Nam Cali. Dường như tháng nào cũng có một buổi họp mặt tại nhà anh chị Giác. Khi có bạn văn nào đến thăm Tiểu Sài Gòn, lại cũng họp mặt chào đón. Hà đến đấy đều đặn, tôi cũng thế. Chúng tôi gặp lại nhau sau bao nhiêu năm bặt tin, xiết bao vui mừng, sau khi tôi “thành thật khai báo” ngọn ngành cho Hà biết tôi là ai. Nhìn lại Hà, tôi cũng nhận ra mấy nét quen thuộc ngày xưa dù nay Hà đã có con, có rể. Nét nổi bật tỏa sáng nơi Hà là sự niềm nở, chí tình, và cung cách cư xử ân cần, nhẹ nhàng, thân thương.
 
Thỉnh thoảng đến dự những Đại Hội Nhớ Huế, hoặc Hoàng Tộc, tôi lại gặp Hà. Hà rất trân quý xứ Huế, từ cảnh vật, thời tiết, con người, giọng nói cho đến phong tục, tập quán, món ăn, thức uống, vân vân. Và ngược lại các tổ chức liên quan đến Huế đều xem Hà như một thành viên cốt cán.
Thế rồi Nguyễn Mộng Giác qua đời trong sự thương tiếc của mọi người. Và cũng đáng tiếc không kém, các buổi họp đó mặt thưa dần và chấm dứt. Nhưng Hà và chúng tôi vẫn quyết tâm tìm nhau.
 
Chúng tôi gồm Bùi Bích Hà, Lê Trọng Ngưng, Tống Kim Chi, Phạm Tạo, anh chị Nguyễn Đình Cường, và tôi, bèn họp thành một nhóm nhỏ mỗi tháng gặp nhau một lần tại nhà riêng của mỗi người, hay tại nhà hàng. Ăn uống, chuyện trò, nghe nhạc. Chúng tôi đã gặp nhau như thế nhiều lần. Ngoài ra, chúng tôi dự định sẽ cùng nhau đi cruise, hoặc thuê xe kể cả tài xế đi thăm các thắng cảnh của Nước Mỹ mênh mông này, nhất là các tiểu bang, thành phố nằm ven Đại Tây Dương. Ở bờ Tây, mơ tưởng đến bờ Đông. Hà là một trong vài người hết sức tán đồng dự định nói trên.
 
Chưa thực hiện được đự định đó thì đại dịch nổ bùng. Chúng tôi bảo nhau chờ vậy, chờ thuốc chủng, chờ cơn dịch lắng xuống, rồi hẵng cùng nhau tổ chức những chuyến đi xa.
Chờ lâu quá chưa thấy có tin tức gì lạc quan, Hà có vẻ sốt ruột, đề nghị rằng chưa đi xa được thì ta cứ việc gặp nhau tại nhà, vì các tiệm ăn chưa được phép mở cửa, miễn là nhớ cách ly, đeo khẩu trang, không bắt tay, vân vân. Thế là khỏi sợ gì nữa. Anh em có người đồng ý, có người không, có người lại bảo sẵn sàng tham gia nhưng con cái không cho bố mẹ đi. Lại phải chờ.
 
Sau khi đã có thuốc chủng, Hà và Tống Kim Chi mời mọi người đến quán Ngọc Sương trên đường Brookhurst. Quán lúc ấy chưa được phép mở cửa “thả giàn,” chỉ 25% thôi, trang hoàng thật lộng lẫy, thức ăn thức uống ngon lành và đầy đủ. Tuy thế, khi chúng tôi vào, trong quán chỉ một bàn có khách ngồi. Chúng tôi chiếm bàn thứ hai cách xa bàn đó.
Bữa tiệc “bỏ túi” vui quá sau gần một năm không gặp mặt nhau. Ai nấy đều lớn tuổi nhưng ham vui nên ăn uống như hạm, chuyện trò nổ như pháo rang. Hà là người vui nhất, nói năng ý nhị và say sưa nhất. Xong tiệc, chúng tôi sắp xếp chương trình chi tiết sẽ đến nhà ai trước, rồi tiệm nào.
 
Một vài người trong nhóm vì công việc riêng phải đi xa, chúng tôi đành phải hoãn lại cuộc họp mặt tại nhà. Thứ Năm vừa rồi, được tin Hà bị té ngã tại nhà, phải vào bệnh viện. Hà sống một mình, khi té ngã không ai biết, nên vào bệnh viện trễ. Hà bị bất tỉnh hơn 5 tiếng đồng hồ mới được đưa đi cấp cứu, thì đã quá muộn. Số mệnh thật oái ăm. Một người như cô Hà, yêu đời, tích cực, thương mến gia đình và bạn bè, lại ra đi sớm hơn chúng tôi.
 
Hôm nay Thứ Ba, 13 Tháng Bảy, 2021, khi tôi viết những dòng này, đài phát thanh Little Saigon TV loan tin nhà văn Bùi Bích Hà vừa được bệnh viện cho rút hết các ống trợ lực, và đã qua đời. Tin buồn về Hà đã đến với chúng tôi mấy hôm trước đây, nhưng khi nghe lại tin đó trên đài phát thanh, tôi một lần nữa bàng hoàng, ngẩn ngơ. Bạn bè trong và ngoài nhóm gọi nhau qua điện thoại, ai nấy đều ngậm ngùi. Có bạn tìm an ủi: Chị Hà ra đi như thế cũng là điều hay, tránh được những đau đớn về thể xác.
Cầu nguyện nhà văn Bùi Bích Hà sớm yên vui nơi cõi vĩnh hằng.
 
14/7/2021


Bùi Bích Hà, một mình trong nỗi nhớ 
Bùi Vĩnh Phúc
 
…Bùi Bích Hà chỉ mới tự giới thiệu mình với độc giả hải ngoại bằng tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình, do nhà Người Việt in năm 1989, cùng với một vài bài tùy bút về quê hương đăng rải rác trên một số báo chí và tập san văn nghệ trong mấy năm qua. Thế nhưng, chỉ với tập truyện ngắn và một vài bài tùy bút ấy, bà đã để lại những ấn tượng rõ nét trong lòng người đọc về một văn phong trầm lặng nhưng lại ẩn chứa đầy những sôi sục bên dưới, và một trái tim thiết tha nhưng luôn quằn quại với những câu hỏi của đời sống.
 
Buổi Sáng Một Mình. Đó là một tập sách gồm có mười lăm bài văn pha trộn những thể loại khác nhau: truyện ngắn, tùy bút, thư. Thật ra, có thể nói đây là một tập truyện ngắn được mở đầu bằng một lá thư cho một người bạn, một người mà tác giả quý mến, và chấm dứt với một tùy bút viết về Huế, quê hương một đời của bà.
 
Câu văn, hình ảnh và những rung động của Bùi Bích Hà, trong mắt nhìn riêng tôi, có một khoảng cách khá rõ so với câu văn, hình ảnh và những rung động của đa số những người viết hiện nay có tác phẩm xuất bản ở ngoài nước. Đọc văn của những người khác, ta thấy đời sống và tâm lý nhân vật như quay theo một trục quay gần gũi với cái trục quay vật lý và xã hội của cuộc sống này. Chúng quay nhanh hơn cái nhịp mà ta vẫn hằng quen biết, ngày xưa, ở quê nhà. Cái nhịp quay ở đây là cái nhịp quay của một xã hội hậu-kỹ nghệ đang tiến những bước dài sang một xã hội đặt căn bản trên sự thông tin. Con người ở đây đang phóng mình hối hả trên những xa lộ thông tin (information highway), đang “trượt sóng” trên những hệ thống tin tức liên-quốc-gia (surfing the Internet) trong một cái không gian được điện tử hóa (cyberspace). Đời sống là những vòng quay xấn tới, và con người trong xã hội này phải bắt vào cái nhịp của những vòng quay vừa nói.
 
Bùi Bích Hà và các nhân vật của bà, trong cái nhìn của tôi, hình như vẫn ở bên ngoài cái vòng quay ấy. Có những lúc, tôi có cảm tưởng rằng họ đã chọn lựa sự bất tham dự đó.
Đọc Bùi Bích Hà, tôi có cái thích thú như được xem một cuốn phim Pháp cũ. Động tác của nhân vật từ tốn, không hối hả. Ngôn ngữ họ cũng vậy. Mà cái không khí bao quanh họ cũng thế. Tất cả đều chầm chậm lướt qua lướt qua với những ý nghĩa của lời nói, của dáng điệu cử chỉ hành vi nhân vật… Tất cả đều được nhìn ngắm một cách tường tận, rõ nét. Cuộc sống ấy là cuộc sống được đặt trong một thế giới hợp lý, với những chìa khóa để ở đâu đó trong cuộc đời này mà con người có thể tìm kiếm ra. Còn cuộc sống náo động bây giờ thuộc về một thế giới khác. Một thế giới với những hoàn cảnh, những vấn đề, những hiện tượng bất lý giải hay bất khả lý giải. Chìa khóa của vấn đề, rất nhiều khi, đã được quăng vào rốn bể. Và con người, bây giờ, chạm mặt với những phi lý của đời sống. Những phi lý làm nó xao xuyến và buồn nôn. Và con người bị đẩy ra ngoài cuộc đời. Với một thiên nhiên nhiều lúc đã trở thành xa lạ, và một nội tâm nhiều khi đã trống rỗng. Đã mất rồi những hình bóng và âm hao cũ.
 
Tác giả là một người có những rung động thật sâu và sắc bén. Phân tích tâm lý nhân vật của Bùi Bích Hà làm cho người đọc có cảm tưởng rằng bà thường tự phân tích mình trong những tình huống hằng ngày của cuộc sống. Trong những mô tả về những rung động tế vi của con người và trong những cuộc giải phẫu tâm lý nhân vật, Bùi Bích Hà chứng tỏ bà là một người tinh. tường…


Cô Bích Hà kính thương,
Quý Trần & Loan Võ (cựu học sinh NT71-78)
 
Chúng em những học trò của cô tại trường trung học Nguyễn Trãi Saigon thập niên 70 vô cùng thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của cô. Vì chúng em rất mong muốn được gặp lại cô vào dịp Đại Hội Nguyễn Trãi toàn Thế Giới lần 6 tổ chức tại Nam Cali vào Tháng Năm, 2022 sắp tới.
 
Dẩu biết rằng sinh tử vốn vô thường nhưng chúng em vẫn không nén được cảm xúc nghẹn ngào khi phải nói lời tiễn biệt với cô. Chúng em vẫn lưu giữ mãi tình cảm và hình ảnh của cô trong những lần họp mặt với cựu học sinh Nguyễn Trãi khắp nơi. Đặc biệt vào mùa hè năm 2017 khi sang California chúng em đã có dịp gặp lại cô và nhiều thầy cô đã dạy chúng em tại nhà của thầy Lê Triều Vinh. Lần đó cô cho biết rất tiếc đã không thu xếp sang Houston, Texas, tham dự Đại Hội Nguyễn Trãi Thế Giới lần đầu tiên vào năm 2012 và mong có dịp sẽ sang Houston để thăm đồng nghiệp và học sinh Nguyễn Trãi. Lúc đó chúng em ngỏ lời mời cô theo xe của chúng em sang Houston một chuyến thì cô cười vui ngỏ lời cám ơn, nhưng cho biết chưa thu xếp được.
 
Đầu năm 2020 vừa qua vì chân đau cô lại không thể đến Houston tham dự Đại Hội Nguyễn Trãi Thế Giới lần thứ 5. Vì vậy chúng em đang mong chờ ngày gặp lại cô tại Đại Hội Nguyễn Trãi Thế Giới lần 6 ở Nam Cali. Vậy mà, hỡi ơi! cô đã vội chia tay trần thế.
 
Thương nhớ cô chúng em xin thay mặt bạn học Nguyễn Trãi 71-78 có mấy dòng thơ tiễn biệt:
 
Nghe tin cô vừa mất
Lòng chúng em tiếc thương
Nhớ lời cô nhẹ nhàng
Trong những buổi talk show
Từ nay vắng bóng cô
Học trò cũ khắp nơi
Cùng thắp nén nhang lòng
Tiễn cô về cõi Phật
Vãng sanh miền cực lạc…
 
Với tấm lòng thành chúng em xin kính cẩn cúi chào tiễn biệt cô: một nhà giáo, một nhà văn nhà thơ, nhà truyền thông, nhà tâm lý…
Chúng em tự hào là học trò của cô và nhớ cô mãi.


Ngày hết hạn bất ngờ
Hương Thơ
 
Mọi thứ trên đời đều có ngày hết hạn. Nhưng trong đại dịch, nhiều người đã đau đớn tột cùng khi phải đối diện với những ngày hết hạn bất ngờ của đời người và những biệt ly không lời từ biệt.
 
Tôi quen chị gần 25 năm, từ một cơ duyên và tương giao đặc biệt. Chị vừa là người bạn vong niên, người cộng sự, người chị, người Mẹ và người Thầy (mentor) mà tôi rất quý mến và kính trọng. Những năm tháng dài quen biết và làm việc bên nhau với chương trình Phụ Nữ Ngày Nay của SGTV cùng nhiều sinh hoạt khác, chúng tôi đã chia sẻ nhiều vui buồn và thử thách, cũng có lúc giận hờn và bất hòa, nhưng không bao giờ sống vắng nhau lâu.
 
Chị là chỗ dựa tinh thần giúp tôi trưởng thành trong suy nghĩ, trong cách sống và trong công việc. Dù vóc dáng nhỏ nhắn, chị lại luôn là nơi tôi tìm đến để được chở che, an ủi và bám víu trong những lúc chới với khi tuyệt vọng, chán chường. Tôi học từ chị: lòng đam mê và nhiệt huyết khi làm việc, tình yêu với chữ nghĩa, tình yêu dành cho tha nhân và cuộc sống; nhờ đó tôi đã trưởng thành và tự tin hơn.
 
 
Nhà văn Bùi Bích Hà (trái) và Hương Thơ. (Hình: Hương Thơ cung cấp)
 
Mỗi tuần trước đại dịch, chị và tôi và hai người bạn cao niên đều đặn gặp nhau, truyện trò, ăn uống, và để “tâm tình với Thái Hà.” Chỉ cần gọi một cú phôn, tôi chạy ngay đến chị hay ngược lại. Nhưng những ngày tháng gần đây, sức khỏe chị giảm sút hẳn và cú phôn sau cùng nhận được của chị là vài ngày trước khi chị bị ngất trong nhà. Chị than thở là cảm thấy buồn và muốn tôi đến chở chị đi thăm bạn bè để ăn uống và trò chuyện. Không ngờ rằng đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau và là lần cuối cùng tôi được đỡ chị lên và xuống xe.
Vào buổi chiều định mệnh, chị lỡ một buổi hẹn, tôi mang thức ăn đến nhà, gõ cửa, không ai mở, gọi phôn không ai bắt. Và đó là cú phôn tôi gọi chị cuối cùng mà chị không trả lời. Rồi tiếp theo là những đêm dài mất ngủ, cầu nguyện mong phép lạ xảy ra, khi chị rơi vào cơn hôn mê trong bệnh viện.
 
Rồi cái ngày hết hạn không chờ cũng đã đến, dù không tin cũng đã thành sự thật. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa ra khỏi cảm giác thảng thốt, bàng hoàng và lạc lõng, như vừa đánh mất một thứ gì vô cùng quý giá và quan trọng nhất trong đời, vì chị chính là người Mẹ thứ hai của tôi sau khi tôi mất Mẹ.
 
Em sẽ ghi nhớ những lời chị vẫn thường xuyên dặn dò mỗi khi chúng ta gặp nhau, như lời chị đã viết trong tập truyện ngắn “Đèn Khuya:” “Đường trần gian sỏi đá, hãy nghiêng vai trút xuống mọi hành trang của mỗi chặng đường qua, cho nhẹ thân phù thế. Hãy ngợi ca tình yêu, từ mỗi sớm mai qua từng buổi chiều như thời gian dệt toàn bằng sợi tơ yêu thương êm ái. Và, bởi vì con đường nào cũng sớm muộn dẫn tới biệt ly, hãy biệt ly nhau trong vòng tay yêu thương, ngay trong gặp gỡ và cả khi rời nhau.”
Tạm biệt chị, người Mẹ tinh thần của em, em yêu quý và thương nhớ chị vô cùng.


Tưởng nhớ một vị thầy đáng kính!
Mai Đông Thành
 
Cô về dạy trường Nguyễn Trãi khi còn khá trẻ, chỉ hơn các học trò lớn khoảng chục tuổi. Vẻ hiền lành và những lời nói ôn tồn ấm áp đã chinh phục dễ dàng lũ học trò nổi tiếng phá phách, nghịch ngợm.
 
Qua Mỹ, gặp lại cô vẫn những lời thăm hỏi thân tình, những nụ cười hiền lành, lũ học trò ngày xưa càng thấy gần gũi cô hơn.
Trong những buổi thầy trò họp mặt hầu hết đều có cô tham dự. Cô mà vắng mặt thì ai cũng hỏi “Sao hôm nay không thấy cô Hà?”
 
Sau hơn một năm bắt buộc phải cách ly vì đại dịch, đến Tháng Năm vừa qua khi hầu hết người lớn đều đã chích ngừa, anh em Nguyễn Trãi lại rủ nhau họp mặt với một số thầy cô thân thiết từ mấy chục năm nay. Cô Hà hứa sẽ tham dự, nhưng trước một ngày cô phải cáo lỗi vì có người bạn từ xa về chơi lại gặp trở ngại gì đó, cô không thể bỏ mặc được. Tuy nhiên cô vẫn gửi cho buổi họp một nồi cá nục kho khá nhiều.
 
Đến giờ họp mặt, mọi người đề nghị gọi cho cô. Cô hỏi ngay “Cá kho của cô thế nào?” Tôi tình thật trả lời “Dĩa cá kho của cô đã làm thủng hết nồi cơm lớn của tụi em rồi!” Mà cá nục kho của cô ngon thật! Nó không tanh chút nào mà còn rất đậm đà, ngon hết biết! Các nàng dâu Nguyễn Trãi nấu ăn cũng có hạng mà đều phải chào thua, xin cô cho bí quyết.
Lần họp mặt thứ nhì vào Chủ Nhật, 13 Tháng Sáu, cô cũng nhận lời nhưng rồi cũng lại cáo lỗi vì có người bạn về chơi với cô một tuần. Hỏi ai vậy thì cô nói “nhà văn Trần Mộng Tú.” Tôi năn nỉ “Cô Tú về chơi cả tuần, cô chỉ bỏ ra vài tiếng đến chơi với tụi em đâu có sao” Cô cười “Cô Tú lại nói học trò thì ở gần quanh năm, cô Tú thì ở xa lâu lắm mới gặp nhau.” Biết hai cô rất thân nhau nên tuy tôi cảm thấy hơi ganh với cô Trần Mộng Tú, cũng đành chịu thôi.
 
Trong một số lần trò chuyện, khi nghe học trò kể về những chuyến du lịch đó đây, cô thích lắm và bảo “Khi nào cô về hưu sẽ đi với các em.” Tôi thúc giục “Cô làm việc lâu quá rồi, cô nghỉ đi để thảnh thơi du lịch khi vẫn còn đi được.” Cô bảo có lẽ sang năm cô sẽ nghỉ. Lúc đó là đang giữa đại dịch. Năm nay khi tôi hỏi lại “Bao giờ cô về hưu?” thì cô lại bảo “Người ta đang ngỏ ý mời cô lấy thêm 4 giờ ban ngày, các em có hợp tác với cô không?”
 
Cô Bùi Bích Hà là thế! Cô yêu độc giả, khán giả, thính giả nên luôn miệt mài viết, sẵn sàng làm mọi việc cho cộng đồng. Báo giấy, báo nói (radio), báo hình (TV) chỗ nào cũng có cô.
Cho mãi đến buổi sáng ngày 14 Tháng Bảy vừa qua cô mới thật sự “về hưu!”
Cô ơi! Em nhớ cô quá!


Giáo Sư Bùi Bích Hà săn sóc học trò mọi lúc mọi nơi
Nguyễn Mộng Tâm
 
Tôi biết bà Bích Hà khi vào hãng Baxter làm việc năm 1998. Một người mới sang Mỹ tiếng Anh không biết nhiều nên khi vào sở Mỹ làm, gặp được đồng hương thì an tâm lắm. Những lúc gặp bà, nói một hai câu chuyện, cảm nhận bà thật chân thật từ tốn, nói chuyện nhỏ nhẹ, hướng dẫn tận tình khi mình có điều thắc mắc. Quý vị sang đây, đi làm chắc cũng biết qua cảnh ma mới bắt nạt ma cũ, nịnh bợ, đút lót ngay cả những người cùng làm việc với mình để khỏi gặp chuyện rắc rối. Tôi cảm thấy rất may mắn khi trong hãng tôi có bà Bích Hà, chúng tôi có vấn đề gì với HR dù lớn hay nhỏ đều được bà tận tình giúp đỡ để giải quyết tốt đẹp, người Việt mình không bị dân tộc khác ở lâu bắt nạt!
 
Sau này khi công việc đã ổn định chúng tôi bắt đầu sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi tìm bạn học Nguyễn Trãi, phu quân tôi là Đỗ Kim Thiện học niên khóa 1956-1960.
Trong những lần họp mặt, lúc đó tôi mới biết bà là giáo sư của trường. Tôi càng cảm mến bà hơn khi bà vui mừng gặp lại tôi và còn giới thiệu tôi với học trò, rằng tôi là bạn cùng làm việc một công ty! Quý vị thấy không, một giáo sư, một nhà văn, một nhà báo, một nhân viên làm việc văn phòng, không hề có những hành động cử chỉ để tỏ ta là người hơn hẳn mọi người. Bà Bích Hà lúc nào cũng dịu dàng, chu đáo, còn săn sóc học trò mọi lúc mọi nơi.

Nguyễn Trãi mới họp mặt hôm 13 Tháng Sáu, 2021, vì bận bà không tới được nhưng cũng gởi một nồi cá kho ngon tuyệt vời cho học trò ăn để có sức mà họp. Bà hẹn kỳ họp tới ngày Thứ Bảy, 10 Tháng Bảy, bà sẽ tới cùng góp ý với Đại Hội Nguyễn Trãi 2022 nhưng mọi việc đã đem cho cựu học sinh Nguyễn Trãi một sự mất mát to lớn: Giáo Sư Bùi Bích Hà đã ra đi.


Mùi hoa bưởi
Cao Đắc Vinh
 
Đêm nay không hẳn là một đêm bình thường trong cuộc đời hưu trí của tôi. Mấy giờ rồi? Tôi không rõ chỉ biết rằng đêm đã khuya…
 
Thành phố Irvine im lìm dưới ánh trăng, không gian yên lặng để tôi nghe tiếng lòng mình thổn thức. Một mình tôi ngồi trong bóng đêm… nhớ cô! Tôi nhớ cô vô cùng.
Mấy ngày nay cứ nghe ngóng tin tức từ nhà thương, biết không vui mà vẫn chờ… chờ một phép lạ đôi khi xảy ra nhưng dù thế nào tôi vẫn đợi! Đợi chờ là hy vọng, là liều thuốc xoa dịu được nỗi lòng thương nhớ nhưng có lẽ chính nó, những mâu thuẫn ấy đã làm tôi khó ngủ? Rồi sẽ lại gặp nhau hay chúng ta sắp chào nhau lần cuối, kẻ ở người đi, người đi về cõi thiên thu để lại đường trần từ nay vĩnh biệt!
 
Ôi thôi! Bùi Bích Hà, một ánh sao sáng vừa rơi giữa bầu trời văn học. Chuyện đời là duyên khởi, cái duyên khởi để tôi tình cờ gặp cô là văn chương. Tôi yêu lối cô hành văn và cả tiếng nói mạch lạc trên đài phát thanh nhưng yêu nhất là cách cô sống thẳng tâm thẳng tính. Thời gian đầu, tuy chưa hiểu rõ nhau cặn kẽ nhưng cô đã trao cho tôi tất cả sự tin tưởng để cô tâm tình: Yêu ai cô bảo rằng yêu, ghét ai cô cũng nói hết lời vì thế tôi cảm thấy gần gũi và dĩ nhiên chưa một lần tôi phản bội cô dù cho vật đổi sao rời.
 
Đêm nay trăng sáng quá, tôi như ngồi trò truyện với cô trước giờ chia tay. Ánh trăng làm sáng cả khu vườn mà cô đã đến đây vài lần. Cô ngồi dưới tàn cây bưởi nở rộ mùi hoa thơm mùa Xuân năm nào… Và từ đó, mỗi lần nhận được thư cô, tôi lại đọc những câu văn nhắc nhở và tán thưởng mùi hoa bưởi.
 
Cô ơi, từ nay cứ mỗi độ Xuân về, nhà em lại nồng nực mùi hoa bưởi và em sẽ lại tìm thấy cô qua không gian vô thường vô ngã đó. Em yêu cô từ bản chất lãng mạn và thẳng tính ấy nên sẽ không bao giờ quên được người đàn bà đẹp mang tên Bùi Bích Hà.


Tiễn bạn Bùi Bích Hà
Nguyễn Ngọc Hạnh
 
Vĩnh biệt Bích Hà người bạn hiền
Giã từ bằng hữu về cõi tiên
Môn sinh đồng nghiệp nhiều thương tiếc
Báo chí văn chương hết nợ duyên
Chúc bạn thong dong nơi tịnh yên
Vào nơi an lạc chẳng ưu phiền
Thiên đường hạnh phúc xin cầu chúc
Hoa thơm cỏ lạ chốn thần tiên
“Phụ Nữ Gia Đình” làm chủ nhiệm
“Bạn Gái Nhỏ To” tâm trí yên
“Hạnh Phúc Có Thật” nhiều độc giả
“Buổi Sáng Một Mình” vui thiên nhiên
Thương lắm Bích Hà người đi trước
Dọn sẵn đường đi kẻ đến sau…
Tiếc nhớ đôi hàng gởi bạn hiền
Sau trước rồi ta sẽ gặp nhau.
 
 
 
Tưởng niệm nhà văn Bùi Bích Hà
 
  (1938-2021) 
 
Nhà văn Bùi Bích Hà.
 
Tôi chưa gặp nhà văn Bùi Bích Hà bao giờ. Trong giới cầm bút hải ngoại, có lẽ tôi là người đứng dúi ngay sau lưng nhà văn Túy Hồng. Hai chúng tôi rất ít giao thiệp với các văn nghệ sĩ hải ngoai. Theo lời Túy Hồng và Trần Thị Lai Hồng, những bạn của Bùi Bích Hà kể lại, Bùi Bích Hà là người có nhiều khả năng cao, lại khéo ăn nói và giao thiệp rộng.
 
Bùi Bích Hà nguyên là giáo sư dạy Pháp Văn ở trường trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng và trường nam trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn trước 1975 . Ra hải ngoại năm 1987 bà là một nhà văn nữ cực kỳ xông xáo ngay vào trường văn trận bút và nền báo chí của thủ đô Tỵ Nạn Bolsa – Nam California.
 
Tưởng Niệm Nhà Văn Bùi Bích Hà (1938-2021)
Từ trái: Nhà thơ Trần Mộng Tú, chủ biên Diễn Đàn Thế Kỷ Phạm Phú Minh, và nhà văn Bùi Bích Hà tại vườn nhà Phạm Phú Minh, năm 1998 (Hình của nhà văn Phạm Phú Minh)
 
Bùi Bích Hà là cây bút quen biết thân thiết với các nhà văn như Nguyễn Mộng Giác (chủ biên tờ Văn Học), với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (chủ biên tờ Văn, Thế Kỷ 21, Viet Tribune San Jose), với ký giả Đỗ Ngọc Yến (chủ chốt sáng lập tờ Người Việt) nhà thơ Đỗ Quý Toàn (Người Việt), Phạm Phú Minh, (Người Việt, Thế Kỷ 21, Diễn Đàn Thế Kỷ).
 
Có thể nói nhà văn Bùi Bích Hà và nhà thơ Trần Mộng Tú là đôi bạn văn nữ “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn Văn Chương và Báo Chí Hải Ngoại vì mối quen biết sâu sắc đậm đà với các ông chủ báo chủ biên trên. Gần như các sáng tác và bài vở của hai bà Bùi Bích Hà và Trần Mộng Tú luôn luôn được săn đón và đánh bóng trên các tờ báo do các ông chủ báo chủ biên trên đây xuất bản.
 
Ngoài ra nhờ tài ăn nói, Bùi Bích Hà thường được mời làm MC cho các sinh hoạt văn nghệ Hải Ngoại. Nhà văn Trần Lai Hồng từng thiết kế áo dài và tổ chức những sinh hoạt trình diễn áo dài. Lai Hồng tổ chức khắp nơi như Houston, Wahsington State, California, Florida, mỗi lần tổ chức, Trần Lai Hồng nói với tôi, chỉ thích mời Bùi Bích Hà làm MC.
 
Bùi Bích Hà là nữ ký giả điều hành rất nhiều chương trình Radio ở quận Cam Orange County. Tôi sống xa Orange County nên chưa được nghe các hội thoại của Bùi Bích Hà trên radio nhưng biết tin đồn Bùi Bích Hà được khán thính giả Nam California ái mộ vì giọng Bắc ngọt ngào và kiến thức phong phú của một cô giáo giảng bài. Tựa như ông nhà văn nhà giáo Nguyễn Ngọc Ngạn giảng bài cho khán giả Thuý Nga Paris và được triệu triệu fan Việt hâm mộ mê tơi.
 
Một người đàn bà đa tài và năng động. Có thể nói đối với giới báo chí và văn nghệ quận Cam, nữ sĩ Bùi Bích Hà xông xáo và có khả năng thuyết khách cỡ như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn bên nam giới. Năm nay vừa đúng 80 tuổi, bà Bùi Bích Hà vẫn sinh hoạt năng nổ đến những ngày cuối đời. Vẫn làm công việc ký giả radio, vẫn tập thể dục hàng ngày,và sống trong ngôi nhà be bé xinh xinh, ký giả Hoàng Trọng Thụy đài Little Saigon Tivi ở Nam Cali nói như thế. Nhà văn bị một cơn bất tỉnh tại nhà. Khi người khác biết sự kiện, thì mọi việc đã trễ … Bùi Bích Hà sống chỉ một mình vào những năm tháng cuối đời.
 
Nguyện cầu hương linh nhà văn thanh thản dịu êm đi về miền hoang vu vô định, và những gì nhà văn để lại cho đời được đón nhận với nhiều may mắn.
 
Tác phẩm của Bùi Bích Hà: Buổi Sáng Một Mình (truyện ngắn 1989), Bạn Gái Nhỏ To (1991), Hạnh Phúc Có Thật (Văn Mới, 2001), Phương Trời Khác (Cảo Thơm, 2002), và Đèn Khuya 1, 2 (theo báo Người Việt Nam Cali)
 

Đừng đến Seattle

Lê Hữu

Nhà văn Bùi Bích Hà & nhà thơ Trần Mộng Tú (Seattle, 7/2012)
 
Tin chị Hà mất không làm tôi bất ngờ. Không bất ngờ, vì tôi đã chờ đợi cái tin xấu nhất ấy suốt mấy hôm nay. Chúng tôi cùng góp lời cầu nguyện và mong phép lạ nào đến với chị, tuy biết chị khó mà qua được.
Những ngày chờ đợi là những ngày thật dài và nặng nề. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào. Sau cùng thì mọi chuyện cũng kết thúc khi chị Tú báo tin đến mọi người. Tôi nhớ mình đã ứa nước mắt, nhưng đầu óc tôi thì trống rỗng.

“Chị Hà vừa mất, sáng nay,” tôi nói thật chậm rãi, để N không phải hỏi lại hay nghĩ mình nghe lầm.
Đang lúi húi trong bếp, N khựng lại, gieo mình xuống chiếc ghế cạnh đấy. Hai vợ chồng cùng im lặng, nhìn nhau, rồi cùng nhìn ra vườn cây ngoài khung cửa sổ. Nắng và gió nhẹ, những tán lá lay động.

Nồi nước sôi sùng sục trào ra, tôi bước lại gần tắt bếp.
“Nếu chị ấy lên đây cuối tháng rồi thì chắc không đến nỗi…,” N nói như nói một mình.
Câu nói không mang ý nghĩa nào cả, rơi vào khoảng không. Có vẻ N chỉ buột miệng, để lấp khoảng trống hay vì thương chị Hà mà nói vậy.
“Cũng có khi là vậy,” tôi nói sau phút im lặng, “hay ít ra mình cũng được ngồi ăn chung với chị thêm lần nữa.”

Lẽ ra thì chị Hà đã có mặt ở Seattle cuối tháng rồi, cách đây hai tuần. Chị có cái hẹn lên chơi và N lại có dịp trổ tài nấu nướng để khoản đãi chị món bún bò từng được chị khen ngon và đề nghị “tái bản” trong cuộc “họp mặt hậu Covid” chuyến này. Ngon dở thế nào không biết, nhưng chị có cách khen khiến người được khen vui thích và cảm thấy chị khen rất thực lòng.
Gần như mỗi năm chị Hà đều lên chơi Seattle. Chị nói có hai nơi chị vẫn muốn tìm đến như tìm những giờ phút thư giãn hiếm hoi trong cuộc sống luôn bận rộn của chị, Dallas và Seattle. Dallas để thăm người anh cả và Seattle để có những buổi họp mặt đầy tình thân, ngồi giữa những tình bạn ấm áp và dễ chịu.
 
Thế nhưng, trời lại không chiều lòng người. Gần đến ngày đi thì sức khỏe chị Hà bỗng sa sút và có những biến chứng đáng ngại, lại thêm chỉ số huyết áp tăng cao và trồi sụt bất thường. Không còn thấy chị háo hức nhắc đến ngày hẹn gần kề, nhưng chị cũng không nói liệu chị có đi được. Tôi biết tính chị Hà, không dễ gì ngăn cản chị “đến hẹn lại lên”. Chị khăng khăng giữ lời hứa dù là hứa với một đứa bé. Chị quý bạn bè và được bạn bè quý mến cũng vì cái chí tình ấy.

“Thôi chị Hà ơi,” tôi gọi cho chị và nói, “chị ở nhà đi, đừng có đi đâu nữa. Chị hãy lo mà bảo trọng, mùa dịch vẫn chưa qua hẳn đâu.” Tôi nói thêm khi chị vẫn ngần ngừ, “Đừng lên Seattle nữa. Xin chị không phải băn khoăn, không khi này thì khi khác, ngày còn rộng tháng còn dài mà, lo gì.”
Tôi đoán chị thở ra được một hơi nhẹ nhõm vì có người nói thay cho mình.

“Làm gì mà còn ngày rộng tháng dài,” chị cười. “Quỹ thời gian đã gần cạn, sức khỏe lại bết bát thế này thì hứa hẹn gì với ai được nữa.”
Rồi chị nói sơ về chứng bệnh của mình. Để trấn an chị, tôi nói chị không phải lo lắng gì nhiều vì chứng này khá phổ biến. Nhiều người cứ bước chân đến bệnh viện, phòng mạch là số đo huyết áp lại tăng cao, về nhà thì chẳng có chuyện gì. Các bác sĩ gọi đấy là hội chứng “white coat hypertension”.

Tôi tìm đọc chị trong những ngày chị nằm im lìm trên giường bệnh. Chị viết về mọi đề tài, mọi góc cạnh, ngóc ngách của đời sống. Chị viết về cái tốt lẫn cái xấu, trong lúc vẫn tìm kiếm và tìm cho bằng được cái tốt trong mỗi con người. Chị khiến người đọc cảm thấy cuộc sống dù có thế nào đi nữa vẫn cứ đáng yêu, đáng sống.
Tôi đọc, vẫn cảm thấy như chưa bao giờ “đọc” hết, hiểu hết được về chị. Chị sâu sắc, chị tinh tế. Ánh mắt chị trông hiền hòa mà cái nhìn thì xoáy sâu như đọc hết được những ý nghĩ trong đầu người khác.

Văn chị êm ả, nhẹ nhàng. Nụ cười chị cũng nhẹ nhàng, và giọng nói chị dịu dàng, mềm mại, lúc nào cũng gượng nhẹ tựa như giọng cô y tá nói với người bệnh. Tôi vẫn gọi đùa giọng chị là giọng “gây mê” hay giọng “thì thầm bên gối”.
Chị được nhiều người yêu, nhiều người ghét, như thể cuộc sống vốn là vậy. Chị nghĩ cho người khác nhiều hơn cho mình và dễ dàng chia sẻ những cảnh ngộ trái ngang, những phận người đen bạc, như thể cuộc đời chị buồn nhiều hơn vui.
 
Nhớ có lần tôi xúi chị Hà, “Chị viết tự truyện đi. Nhiều người muốn đọc chị lắm.”
“Không ai thích đọc những câu chuyện buồn,” chị nói. “Nếu không mang đến được niềm vui cho người khác thì cũng chẳng nên gieo rắc nỗi buồn.”
Chị Hà là vậy, là nén chặt nỗi đau, là giấu kín nỗi buồn.

Trong một email gửi tôi gần đây nhất, chị nói muốn tìm đọc hai truyện cổ tích, Hồ Thùy Dương của Doãn Quốc Sỹ và Con Chồn Tinh Quái của Linh Bảo, hai tên truyện mà tôi nhắc đến trong cuộc chuyện trò giữa anh em chúng tôi về hai nhà văn tên tuổi này. Tôi gửi chị cái link để vào đọc trong một trang web và nói, “Những truyện ấy không chỉ là chuyện cổ tích; hoặc, là những chuyện cổ tích cho cả trẻ em và người lớn.” Có ai ngờ đến tuổi này chị lại muốn tìm về những “ngày xửa, ngày xưa” êm đềm trong khu vườn cổ tích.
Đọc chị, tôi đặc biệt yêu thích những bài chị viết về Huế, là địa danh mà một phần đời của chị còn gửi lại nơi chốn ấy, về người mẹ một đời nhục nhằn, tần tảo vì con, và về cái chết. Chị viết về Huế, về Mẹ bao giờ cũng với tình yêu xót xa, buồn bã, đọc muốn chảy nước mắt. Chị viết về cái chết, thường là của những người thân yêu, bao giờ cũng mang một triết lý bàng bạc.

Có một câu hát trong bài nhạc nào đó chị rất thích và thường trích dẫn, “Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò, nằm chết như mơ”. Có lẽ chị cũng mong được vậy, và chị đã được vậy… Buổi sáng, chị gửi ra một email vui vui cho nhóm bạn hữu với những câu nói đùa ý nhị. Buổi trưa, chị đã nằm im lìm trong nhà thương, và từ đó chị chìm sâu vào giấc ngủ thật dài. Không phải “thật tình cờ”, không phải “chẳng hẹn hò”, không phải “nằm chết như mơ” sao?

Có một câu nói của chị tôi rất thích và muốn đưa vào đây, “Khi trái tim chúng ta đầy chật thương yêu, không một thứ gì khác có thể len vào được nữa.”(1)
Câu ấy có thể gọi là “danh ngôn” của chị. Chị đã sống như thế, hay ít ra chị cũng đã muốn sống như thế, sống bằng trái tim đầy chật thương yêu.
Sau cùng, tuy chỉ được quen biết chị khoảng mười năm trở lại đây, tôi vẫn không thể không cám ơn chị đã cho tôi mối giao tình tốt đẹp; hơn thế nữa, mối đồng cảm sâu sắc của những lần chia sẻ và cả những lời chị nói ra hay viết xuống như nói giúp tôi điều gì đó tôi vẫn canh cánh bên lòng.
 
“Tôi biết rằng nhiều người trong chúng ta, kể cả tôi, cứ mỗi lần dự tang lễ tiễn đưa người thân yêu hay bạn bè, trong lòng luôn có chút hối tiếc về một điều gì đó thiếu sót chưa kịp bày tỏ, chưa kịp làm hay đã chểnh mảng không làm đối với người vừa nằm xuống, nay thì không còn cách nào sửa chữa hay cứu vãn được nữa.”(2)

Quả đúng như chị nói, trong đời tôi vẫn có lắm thiếu sót, có nhiều lầm lỗi. Trong số ấy có những lỗi lầm có thể sửa chữa được hay rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn về sau, thế nhưng thật không may là có những lỗi lầm chỉ đến có một lần, không còn có cơ hội nào để mà sửa chữa nữa đã khiến tôi phải ray rứt và hối tiếc mãi cho đến cuối đời.
Thật may là tôi không có điều gì hối tiếc hay băn khoăn chưa kịp nói với chị. Cũng như chị, giờ đây chị không còn phải băn khoăn về chỉ số huyết áp lên xuống bất thường hay về chuyến đi Seattle như một cuộc hẹn, một lời hứa mà chị đã không thực hiện được.
 
Chị Bùi Bích Hà, tôi biết chắc rằng chị không còn phải băn khoăn về bất cứ điều gì nữa. Tôi cũng biết chắc rằng chị ra đi thật thanh thản, nhẹ nhàng vì hơn bao giờ hết, đúng như chị nói, “Không một thứ gì khác có thể len vào được nữa.”
Lê Hữu
(1) “Tại sao?”, tùy bút Bùi Bích Hà(2) “Đi qua đời nhau”, tùy bút Bùi Bích Hà
 
    Diệu Nương sưu tầm và tổng hợp    
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %20 %977 %2021 %18:%07
back to top