TẾT TRUNG THU

TẾT TRUNG THU

Thanh Thương Hoàng

✧✧✧✧

Thời thơ ấu của chúng ta ai chẳng trải qua những "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi" và rồi sau đó xúm xít quây quần bên nhau "phá cỗ". Những tiếng trống ếch, những tiếng hát hồn nhiên trong sáng của từng đàn trẻ thơ đi dưới trăng rằm sáng vằng vặc đã đeo đẳng theo đuổi chúng ta trong suốt cuộc hành trình dài dằng dặc của đời người. Trăng Thu bây giờ ở xứ người vẫn sáng vằng vặc nhưng hình như không phải trăng xưa! Nhưng dù sao chúng ta cũng "trông trăng" để tưởng nhớ... Hôm nay tôi ngồi viết những giòng chữ này với một tâm trạng bâng khuâng, ngậm ngùi, nuối tiếc những cái đã qua, đã mất, không bao giờ còn lấy lại được nữa. Ôi, những đêm trăng rằm tháng tám thời thơ ấu...

Ông Nội tôi - một ông "đồ Nghệ"- sinh "bất phùng thời", giữa lúc thiên hạ bỏ chữ Nho học chữ Tây, ông mang gia đình rời bỏ thành thị về chốn thôn quê hẻo lánh thuộc một tỉnh sát biên giới Việt Hoa để hành nghề "thầy đồ" với đám học trò ngu ngơ chưa theo kịp trào lưu mới.

Tết Trung Thu năm đó tôi được 8, 9 tuổi. Chúng tôi háo hức chờ đợi cái ngày này từ cả tháng trước. Với tuổi thơ chúng tôi chỉ có hai ngày trong một năm vui vẻ và sung sướng nhất là Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu. Năm đó, trước Tết Trung Thu một ngày, ông Nội tôi tập họp tất cả bọn học trò lại. Có khoảng ba chục tên, tuổi từ 8 tới 15, 16. Thì ra ông cụ giảng giải cho chúng tôi về sự tích (huyền thoại)Tết Trung Thu. Hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi nên tôi chỉ còn nhớ mang máng những điều ông kể. Vậy cứ xin viết ra đây.

Theo truyền thuyết, Tết Trung Thu bắt đầu từ đời Nhà Đường bên Tầu, dưới trào vua Duệ Tôn (tức Đường Minh Hoàng). Đêm rằm tháng tám năm đó thấy vầng trăng tròn trịa tỏa ánh sáng vằng vặc khắp thế gian, đẹp quá, thơ mộng quá, nhà vua nổi hứng cùng viên nội giám lặng lẽ rời khỏi cung điện vi hành ra ngoại thành để hưởng cảnh trăng thanh gió mát giữa chốn thiên nhiên bao la bát ngát. Vua tôi hai bóng cứ mải mê lội dưới trăng đi mãi tới một ngôi chùa mà không hay biết.

 

Ngôi chùa u u minh minh, như ẩn như hiện trong không gian bàng bạc một mầu trắng tinh khôi, như sương như tuyết, khiến nhà vua có tâm hồn thi sĩ bàng hoàng tưởng mình lạc vào cõi niết bàn. Còn đang lòng hỏi lòng thực hay mơ thì nhà vua nhìn thấy một lão tăng đầu tóc bạc phơ râu dài quá ngực, từ chánh điện chống thiền trượng ung dung bước ra cung kính cúi đầu làm lễ trước nhà vua. Nhà vua chưa hết ngạc nhiên thì lão tăng lên tiếng: "Đêm trước lão tăng trong giấc ngủ mơ màng thấy rồng vàng xuất hiện trước chùa. Sáng ra lại nghe tiếng con chim khách kêu vang nơi cây bồ đề bên hiên, lão tăng đoán chắc có đại quý nhân viếng thăm. Ngóng chờ mãi từ sáng tới giờ mới thấy mặt rồng xuất hiện".

 

Nhà vua chối, nói mình chỉ là một kẻ lãng du mải dong duổi theo ánh trăng lạc tới chốn này, lại tình cờ gặp được đại sư, âu cũng là có chút căn duyên, vạn hạnh. "Dường như trong lòng đại nhân đang mơ màng ao ước được nhập cõi thần tiên?". Lão tăng hỏi. Nhà vua đáp: " Đó là một ước mơ từ bao đời con người mong muốn. Nhưng làm sao có được, dù chỉ trong khoảnh khắc". Lão tăng chợt cất tiếng cười sang sảng như tiếng chuông vàng nổi lên giữa đêm thanh vắng tĩnh mịch, rồi nói: "Không có gì khó cả, nếu đại nhân muốn sẽ được toại ý!". "Nếu được vậy thật vạn hạnh cho kẻ này!". Liền đó lão tăng giơ cao cây thiền trượng lên trời, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú gì đó, phút chốc biến thành một chiếc cầu vồng ngũ sắc. Đầu trên giáp cung Quảng Hàn, đầu dưới giáp mặt đất. Lão tăng cầm tay nhà vua đi lên cầu vồng, chỉ giây lát đã bước vào cõi thần tiên nơi cung trăng. Nhà vua thấy hiện ra từng bầy tiên nữ xiêm y đủ mầu sặc sỡ cầm tay nhau múa hát khúc Nghê Thường. Tiếng chim hót hòa với tiếng sáo, tiếng đàn thánh thót vang lừng trong gió ngợi ca mùa xuân bất tận. Rồi hoa, rồi lá, rực rỡ bát ngát muôn hương sực nức. Quả là cõi tiên có khác trần thế. Dường như bốn mùa đều là mùa Xuân !

 

Nhà vua còn đang ngất ngây nơi cảnh tiên thì bất ngờ lão tăng cất tiếng: "Ta về thôi, cảnh tiên chỉ nên hưởng vậy thôi!". Lão tăng vừa dứt lời, trong chớp mắt nhà vua đã thấy mình đứng bên cạnh viên nội giám và nhìn lại không thấy lão tăng đâu nữa. Trở về cung điện, để kỷ niệm ngày du Nguyệt điện, nhà vua bèn đặt ra Tết Trung Thu và chỉ dẫn dân gian làm những cái bánh tròn trịa tượng trưng hình mặt trăng. Do đó hàng năm dân gian tới ngày rằm tháng tám trăng tròn là tổ chức ăn bánh uống rượu ngắm trăng. Người ta còn gọi Tết Trung Thu là tết trông trăng. Và cũng từ đó bọn trẻ con được "ăn theo", lâu dần theo thời gian biến thành Tết trẻ con "đêm trung thu rước đèn đi chơi" và người lớn trở thành "ăn theo".

 

Kể xong câu chuyện ông Nội tôi vuốt chòm râu dài bạc trắng, cười nói: "Vậy các con hãy vui chơi thỏa thích đi. Tuổi thơ thần tiên của đời người ngắn lắm. Ngắn như ông vua lên cung Quảng vậy. Thoáng đấy đã mất rồi! Chỉ ít năm nữa thôi các con sẽ trở thành người khác".

 

Năm sau ông Nội tôi mất, gia đình tôi dọn về Hà Nội. Thủa đó, bọn trẻ chúng tôi sống ở miền Bắc, tùy theo hoàn cảnh gia đình giầu nghèo được bố mẹ mua sắm cho những đồ chơi cũng như bánh kẹo. Con nhà giầu thì ngoài những bộ quần áo "hộp" ra (tất nhiên) được bố mẹ sắm cho những đồ chơi "cao cấp" như đèn kéo quân, tiến sĩ giấy, đèn lồng (bằng giấy đỏ) , đèn con cá, con rồng...

 

Buổi tối ngọn nến nhỏ bên trong những cái đèn này được thắp lên và bọn trẻ tụ họp thành đàn đi theo các "đàn anh" múa lân diệu võ dương oai, diễu hành khắp phố với tiếng trống ếch, phèng la khua rộn rã. Diễu hành hết đường nọ phố kia tới khi trăng lên đỉnh đầu tròn vành vạnh mới kéo nhau về nhà "phá cỗ". "Cỗ" là những chiếc bánh nướng nhân thập cẩm và những chiếc bánh dẻo nhân đậu xanh hay trứng. Ngoài ra còn những cái bánh nho nhỏ hình con cá, con gà, ngôi sao… Còn con nhà nghèo thì cũng cố tự tạo cho mình (hoặc nhờ bố làm giúp) một cái đèn và cũng "dung giăng dung giẻ" vui chơi như ai.

 

Bọn trẻ con Hà Nội thủa đó hay "bắt" bố mẹ dẫn tới phố Hàng Gai và Hàng Thiếc. Hai phố này chuyên bán đồ chơi Trung Thu cho trẻ con. Phố Hàng Gai thì bán đủ các loại đèn Trung Thu. Nhà nào nhà nấy trưng bầy đầy ắp trước cửa hàng những chiếc đèn đủ hình thù lồng giấy kính mầu đỏ sặc sỡ vô cùng hấp dẫn với bọn nhỏ. Còn Hàng Thiếc thì bầy bán các đồ chơi làm bằng thiếc. Nào tầu bay, tầu thủy, ô tô cho tới con thỏ, con chim, con cá. Những thứ này cũng sơn xanh đỏ vàng trắng đủ mầu nhưng không có "trang bị" máy móc như ngày nay nên máy bay, ô tô, chim cò không bay được, phải dùng tay đẩy, hoặc buộc giây kéo đi.

 

Còn bánh trung thu muốn mua bánh ngon nổi tiếng phải tới phố Hàng Buồm của người Tầu, có hai hiệu Đông Hưng Viên và Mỹ Kinh. Họ làm những chiếc bánh nướng và bánh dẻo rất lớn đặt trên cái mâm gỗ "triển lãm" trước quầy hàng trông thật hấp dẫn và gợi thèm muốn. Nhà giầu thì mua cả mâm bánh, còn nhà nghèo thì cũng ráng mua cho được hộp bánh có hai bánh nướng, hai bánh dẻo. Những cái bánh Trung Thu thời đó chúng tôi được ăn tới bây giờ vẫn còn thấy ngon, mặc dầu bánh thời nay đặc sắc hơn nhiều!

 

Sau này vào Saigon lập nghiệp, các con tôi mỗi Tết Trung Thu tới, chúng nó ngoài bánh trái còn được mua cho những đồ chơi như máy bay, tầu thủy, xe tăng, chim cò sản xuất bên Nhật, bên Mỹ trang bị máy móc rất "hiện đại". Chỉ việc bấm nút điều khiển là máy bay, xe hơi phóng ào ào, chim cò bay nhẩy loạn sạ. Nhưng chúng chỉ vui chơi một thời gian ngắn là dẹp bỏ liền không thương tiếc. Trong khi ngày trước chúng tôi vẫn nâng niu từng cái đèn, từng món đồ chơi và giữ gìn như những vật thân thương, cất đi mùa sau dùng tiếp. Tôi nhớ nhà có một lồng đèn kéo quân đẹp lắm, mẹ tôi cất giữ đến hơn mười năm.

 

Nhưng khi nhìn đám con tôi tay cầm lồng đèn nhập bọn với lũ trẻ trong Làng Báo Chí vừa đi vừa cất tiếng hát vang. Nào là: "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường...". Nào là: "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ...". Lòng tôi không khỏi bâng khuâng sao xuyến. Dĩ vãng cứ thế ùa về.

Khi bị bắt đưa lên trại tù cải tạo Gia Trung thuộc miền cao nguyên Pleiku, quả thực gần mười năm trời tôi không hề nhớ trên đất nước này còn có cái ngày gọi là Tết Trung Thu. Có bao giờ chúng tôi được nhìn trăng lên đâu. Mới 6, 7 giờ tối đã bị nhốt vào "chuồng" kín mít. Thế mà khi nhận được lá thư của đứa con gái thứ ba gửi, tôi ôm mặt suýt bật khóc. Trong thư con tôi viết: "Bố ơi, Tết Trung Thu năm nay nhà mình không có tiền mua nổi một chiếc lồng đèn nhỏ cho út Thư chơi. Con thấy nó đứng trước cửa nhà lặng nhìn lũ trẻ hàng xóm rước đèn đi qua với tất cả sự thèm thuồng khao khát. Tội nghiệp em con quá!".

 

Bây giờ sang đất Hoa Kỳ gần 10 năm, cứ tới ngày rằm tháng tám là tôi lại một mình đối bóng nhìn trăng. Hộp bánh Trung Thu bạn bè mua cho tôi để đến mốc trong tủ lạnh. Tôi không còn thấy hứng thú việc thưởng thức bánh ngọt, uống ly trà thơm nhìn trăng lên nữa. Câu nói của ông Nội tôi hồi nhỏ như còn vẳng bên tai: "Tuổi thơ thần tiên của đời người ngắn lắm. Ngắn như ông vua lên cung Quảng vậy. Thoáng đấy đã mất rồi. Chỉ ít năm nữa thôi các con sẽ trở thành người khác".

 

Trong cuộc đời tôi đã trở thành "người khác" nhiều lần! Đêm nay, lại thêm một rằm tháng tám nữa tới. Vẫn như mọi năm, không có tiếng trống ếch với từng đàn trẻ thơ rước đèn ca hát dưới trăng. Nhà nhà không có giăng đèn kết hoa, cửa đóng kín. Ngoài đường im ắng, thỉnh thoảng một tiếng xe hơi phóng vụt qua. Bỗng dưng tôi nhớ tới hai câu thơ của cụ Tản Đà:

 

"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi.

Trần thế em nay chán nửa rồi"

 

Trăng Thu bây giờ ở xứ người vẫn sáng vằng vặc nhưng hình như không phải trăng xưa... Và tôi đang là "thằng Cuội già" ngồi dưới gốc cây đa to "ôm một mối mơ"?!

 

 Thanh Thương Hoàng

 

 

 Tiểu sử tác giả Nhà Văn, Nhà Báo

Thanh Thương Hoàng

 

Nhà văn, nhà báo Thanh Thương Hoàng tên thật là Nguyễn Thanh Chiểu, nguyên quán Nghệ An . Sinh năm 1930 tại Hải Ninh, Bắc Việt.

1953: Vào Saigon.

1954: Khởi sự viết văn, viết báo. Ðã xuất bản 12 tác phẩm gồm truyện dài, truyện ngắn.

 

Trước 1975: Ký giả, Chủ bút, Chủ nhiệm, Tổng Thư Ký nhiều tờ báo lớn ở Saigon, Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và là sáng lập viên Làng Báo chí Việt Nam tại Thủ Ðức.

 

Sau 30 tháng Tư, 1975: bị đi tù "học tập cải tạo" trong nhiều trại tập trung ngót 10 năm về tội "văn nghệ sĩ báo chí phản động".

Tháng 5, 1999: Do sự can thiệp của các hội đoàn, cơ quan ở hải ngoại và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông đã được sang định cư tại Hoa Kỳ. Hiện ông cư trú tại San José, California và vẫn tiếp tục viết báo, viết văn.

---------------

Ý nghĩa của chiếc lồng đèn Trung Thu truyền thống

món quà tuổi thơ của biết bao thế hệ

Những chiếc lồng đèn đủ sắc màu được chế tạo từ các vật dụng gần gũi với đời sống hằng ngày như giấy, vải, lụa, giấy nilon nhiều màu, tre và nến nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Chiếc lồng đèn trung thu truyền thống có đa dạng hình dáng như đèn cá chép, đèn ông sao, đèn kéo quân,... đã trở thành món quà chất chứa bao hoài niệm tuổi thơ của mỗi người và mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Lồng đèn ông sao

Đây là loại lồng đèn phổ biến nhất đối với người Việt Nam trong dịp rằm tháng Tám. Không khó để bắt gặp những chiếc lồng đèn đủ sắc màu với hình dáng ngôi sao năm cánh được bao bởi một vòng tròn được bày bán ở hầu hết các cửa hàng. Loại lồng đèn này có cách tạo khá đơn giản, ban đầu được làm từ loại giấy nilon ngũ sắc và về sau này thì các nghệ nhân còn trang trí thêm các hoạt tiết, dây kim tuyến đủ màu trông bắt mắt và hợp thời đại hơn.

Hình ảnh ngôi sao 5 cánh được bao bọc bởi vòng tròn tượng trưng cho ngũ hành âm dương trong phong thủy, vì thế chiếc lồng đèn này tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa của các mối quan hệ trong đời sống, giữa người với người và giữa người với thiên nhiên vạn vật.

Lồng đèn cá chép

Đèn cá chép là một trong những lồng đèn truyền thống và mang nhiều ý nghĩa đối với trẻ em. Hình ảnh cá chép không chỉ gắn liền với những truyền thuyết thời xa xưa mà còn hiện diện trong đời sống của người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Cá chép xuất hiện trong truyền thuyết vượt vũ môn để hóa rồng, là phương tiện đưa ông Táo về trời vào ngày 28 tết âm lịch hằng năm,... Vì thế chiếc lồng đèn cá chép mang ý nghĩa biểu trưng cho sự cố gắng không ngừng và vươn lên vượt khó trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, lồng đèn cá chép còn được trang trí rất lung linh và lộng lẫy với giấy nilon đỏ cùng các họa tiết đủ màu khác.

Lồng đèn kéo quân

Có nguồn gốc từ Trung Hoa nên chiếc lồng đèn kéo quân này gắn liền với ý niệm tưởng nhớ đến vua Lục Đức, một người vừa tài giỏi mưu lược lại còn giàu lòng hiếu nghĩa trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ.

Chiếc lồng đèn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự hiếu thảo, tình yêu thương của những người con dành cho ông bà cha mẹ.

Lồng đèn tròn

Ở Việt Nam, lồng đèn tròn là loại thường được bán suốt cả năm, giống như đèn ông sao, vì thế nó không chỉ phục vụ cho hoạt động vui chơi rước đèn của trẻ em trong dịp Trung thu mà còn được dùng để trang trí. Với hình dáng tròn và lấp lánh bởi ánh nến phát ra từ bên trong, người ta cho rằng đây là biểu tượng cho mặt trăng vào ngày rằm tháng tám, vừa tròn lại vừa sáng rực. Hiểu rộng ra thì đây còn thể hiện cho sự tôn vinh nét đẹp nhẹ nhàng của thiên nhiên (ánh trăng) cùng ước nguyện cảm tạ trời đất cho một mùa màng bội thu.

 

 
 

Hình minh họa- internet

Kim Quy st

 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %814 %2021 %14:%09
back to top