Niềm vui và Nỗi buồn: Cảm ngộ về ngày Hiền Mẫu

Niềm vui và Nỗi buồn: Cảm ngộ về ngày Hiền Mẫu

*******

BM

Hãy cùng nhau nhìn lại những nhiệm vụ quan trọng nhất của một người mẹ.

Chúng ta sẽ bắt đầu với việc thay tã cho con trẻ.

Sau khi được sinh ra, trung bình mỗi em bé cần được thay 2,500 chiếc tã trong năm đầu đời. Trong vòng hai năm kế tiếp, em bé cần được thay khoảng 3,600 chiếc tã. 

Giả sử bạn có ba anh chị em ruột. Trừ phi bạn có một vú em, rất nhiều cô trông trẻ hay người cha ở nhà phụ giúp công việc gia đình, người phụ nữ mà bạn gọi là Mẹ đã phải thay trên 20,000 chiếc tã cho các con nhỏ trong suốt cuộc đời bà. 

BM

Mẹ bạn cũng chăm lo khoảng 4,000 bữa ăn cho các con nhỏ. Bà có thể nhắc bạn và các anh chị em của bạn nói “làm ơn” hay “cám ơn” mỗi người 1,000 lần. Mẹ thay áo quần cho bạn mỗi buổi sáng trong nhiều năm và thay đồ ngủ cho bạn mỗi tối trước khi bạn lên giường. Bà là người phụ nữ hôn trìu mến lên vết thương nhỏ của bạn khi bạn té ngã. Mẹ là người ngày qua ngày chở bạn đến lớp học múa, tập đá bóng, và sinh hoạt hướng đạo sinh. Những nếp nhăn trên gương mặt bà và đôi bàn tay chai sạn là minh chứng cho tình yêu của Mẹ dành cho bạn. 

Bà là người phụ nữ, cho dù như thế nào, đã trao tặng cho bạn món quà của cuộc sống.

Hôm nay là Ngày Hiền Mẫu và là thời điểm chính thức để chúc mừng những người mẹ.

Nỗi buồn và sự tiếc nuối

BM

Tuy nhiên, trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng đối với một số người phụ nữ, Ngày Hiền Mẫu đem đến cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Họ có thể chúc mừng mẹ của mình, nhưng vì lý do nào đó, họ không có con cái để làm điều tương tự cho mình.

Có lẽ họ đang theo đuổi sự nghiệp và không muốn kết hôn, xây dựng gia đình. Có lẽ họ không thể sinh con. Có lẽ họ chưa tìm thấy một người bạn đời phù hợp, một người đàn ông xứng đáng để kết hôn và làm cha của các con mình. Có lẽ họ có con đã mất sớm.

Qua nhiều năm, tôi biết rất nhiều người phụ nữ mà Ngày Hiền Mẫu không đem lại niềm vui cho họ trừ nỗi buồn và sự tiếc nuối. 

BM

Tôi cũng biết nhiều người đàn ông và phụ nữ kể với tôi rằng mẹ của họ không xứng đáng được vinh danh và tưởng thưởng. Do đó, trong trường hợp một số độc giả có những câu chuyện đáng buồn về mẹ của mình và xem Ngày Hiền Mẫu chỉ là một trò hề, tôi có thể hiểu điều đó. Có những người mẹ không tốt và trên nhật báo chúng ta đọc thấy câu chuyện về một số người mẹ thiếu lương tâm. 

Nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ, không phổ biến.

Ngày Hiền Mẫu 

Tác phẩm “Người Mẹ Trẻ Ngắm Con Mình Ngủ Say dưới Ánh Nến”, của họa sĩ Albert Anker, sáng tác vào năm 1875 (Ảnh: Tài sản công)

Những người Mẹ tuyệt vời 

Ở mọi nơi, tôi đều nhìn thấy những người phụ nữ dành tất cả thời gian và tâm trí để nuôi dạy các con mình trở thành những người mạnh mẽ và đức hạnh. 

Con gái và ba người con dâu của tôi cố gắng mỗi ngày để trao cho các cháu tôi không chỉ những tiện nghi của cuộc sống mà còn là sự giáo dục, an ủi và khuyến khích con cái. Các cháu của tôi, thậm chí có đứa đã 16 tuổi, vẫn chưa nhận ra được sự hy sinh của mẹ chúng. Nhưng cuối cùng, lũ trẻ sẽ nhận ra và thấy rằng chúng nợ mẹ mình một món nợ suốt đời.

BM

Người vợ và cũng là người mẹ trẻ sống bên kia đường đối diện nhà tôi hướng dẫn và trông chừng các con của mình đi qua đường mỗi ngày. Ở nhà thờ mà tôi hay đi lễ vào Chủ nhật có nhiều gia đình đông con. Tại đó có bà mẹ, mái tóc vẫn còn ướt vì sau khi tắm, cô phải vội vàng lo cho các con sẵn sàng đi lễ. Bộ dạng của cô trông như thể đã không ngủ nhiều tháng nay. Trong phần lớn thời gian của buổi lễ, cô ấy phải nhắc nhở các con, giữ cho các cháu không làm ồn và ôm chúng.

Mặc dù những người mẹ tuyệt vời đó có thể không nghĩ về bản thân theo cách này, nhưng họ cũng đóng vai trò như giáo viên của con mình.

Ngày Hiền Mẫu 

 “Người Mẹ và Cô Con Gái Nhỏ”, tác phẩm do họa sĩ Gustave Léonard de Jonghe sáng tác năm 1865 (Ảnh: Tài sản công)

Những bài học Mẹ truyền cho con

Mẹ đã dạy tôi rất nhiều điều.

Bà đã dạy tất cả sáu người con của mình một số điều đơn giản như cách cư xử trên bàn ăn, nhưng bà cũng hướng chúng tôi đến những đức tính cao thượng. Bà hết sức không hài lòng nếu biết chúng tôi nói dối. Không gì làm Mẹ tổn thương nhiều bằng việc một trong số anh em chúng tôi tìm cách lừa dối bà. Thậm chí khi còn là một đứa trẻ, tôi đã học cách nói thật với Mẹ và để cho mọi việc diễn ra dù có tệ thế nào đi nữa. Mẹ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ lịch sự và lòng tốt đối với người khác, cũng như nghĩa vụ giúp những người kém may mắn bất kỳ khi nào chúng tôi có thể.

Sau khi cha tôi chia tay mẹ và chấm dứt cuộc hôn nhân, Mẹ cũng dạy chúng tôi, nhiều nhất thông qua những hành động của bà, tầm quan trọng của việc đứng vững trên đôi chân của mình, chịu trách nhiệm đối với hành động của bản thân, và tiến bước về phía trước khi đối diện nghịch cảnh trong cuộc sống. Cùng với ba đứa con nhỏ còn ở nhà, bà chuyển đến sống ở một thành phố khác, tìm được việc làm, và dắt những đứa em nhỏ của tôi đi học. Tôi sống trong cùng thành phố với Mẹ và suốt thời gian đó, bà trở thành một trong những người bạn tốt nhất của tôi. 

BM

Vào những ngày cuối đời, Mẹ đã dạy tôi bài học cuối cùng và có lẽ là bài học lớn nhất. Bà mất do căn bệnh ung thư gan tại nhà riêng ở quê nhà, bên cạnh chồng, những người con và vài đứa cháu. Bà đã chào từ biệt một số người bạn của mình khi ngồi cùng họ ngoài sân vườn vài ngày trước. Sau đó, bà đã nằm trên giường cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù bà rơi vào hôn mê trong suốt những tiếng cuối cùng, chỉ vài phút trước khi qua đời, bà lặp lại hai lần rằng, “Tôi ước cho…,” như thể bà đang nói chuyện với ai đó.

Sự thanh thản và chấp nhận của bà trước khi qua đời đã giúp tôi xóa tan mãi mãi nỗi sợ cái chết.

Đem lại ý nghĩa cho Ngày Hiền Mẫu 

BM

Ngày Hiền Mẫu thường bị chỉ trích vì đã trở nên quá thương mại. Thậm chí bà Anna Jarvis, người sáng lập ra ngày lễ này, cách đây khá lâu đã bày tỏ hối hận về sự thương mại hóa mà bà cho là phung phí.

Chúng ta có thể tặng mẹ thiệp chúc mừng và hoa, mời mẹ ra ngoài ăn tại nhà hàng. Chúng ta cũng có thể làm cho Ngày Hiền Mẫu thêm sâu sắc và làm mới ý nghĩa của ngày này. Cho dù gặp trực tiếp hay nói chuyện điện thoại, chúng ta có thể nói với mẹ mình ta yêu mẹ nhiều như thế nào. Nếu mẹ chúng ta đã qua đời, ta có thể tưởng nhớ mẹ bằng cách dành một khoảng thời gian trong Ngày Hiền Mẫu, cho dù ngắn ngủi, để nhớ về người mẹ quá cố và những món quà mà bà đã trao tặng cho chúng ta. Nếu chúng ta biết người phụ nữ nào tuy không phải mẹ mình nhưng là người đã giúp đỡ ta trong cuộc sống – như người dì, người giám hộ, người hướng dẫn – chúng ta có thể lấy Ngày Hiền Mẫu làm cơ hội để cảm ơn họ.

Trong trường hợp mối quan hệ của chúng ta với mẹ của mình hay con cái bị tan vỡ, chúng ta có thể nhân ngày này để tha thứ và đoàn tụ, bằng cách cố gắng loại bỏ những rào cản chia cắt lẫn nhau hay ít nhất, thông qua sự hòa giải của trái tim. 

BM

Bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao, hãy làm cho Ngày Hiền Mẫu trở nên có ý nghĩa nhất.

Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang  JeffMinick.com. 

 

Jeff Minick  

Bảo Minh biên dịch

 

Nước mắt Mẹ chảy xuôi!

 

 BM

Dĩ nhiên, bà cũng mang cái bản tính muôn thuở của phụ nữ là hay nói và hay càm ràm. Dầu vậy, hai đức tính này không phải lúc nào cũng làm người khác khó chịu, bực bội; mà ngược lại, nó là một cái gì mà không thể thiếu trong sinh hoạt gia đình. Nói theo kiểu nói của thầy (bố) tôi, “Không có thì thiếu mà có thì thừa”. Chính vì vậy mà mỗi lần mẹ tôi có chuyện phải vắng nhà vài ba bữa là từ bố tới con, ai ai cũng cảm thấy căn nhà trở nên vắng vẻ và thiếu thiếu một cái gì.

 

Nhiều khi con cháu trong nhà làm những điều khiến bà buồn, bà giận, thì theo phản ứng tự nhiên, bà la, bà chửi, và không sợ ai phiền: “Chết bố chúng mày đi. Ăn cho lắm vào rồi nghịch ngợm, phá phách.”

 

BM

Note: hình trong bài là minh họa

 

Mỗi lần như vậy, thầy tôi lại có dịp biểu diễn cái tài hút thuốc lào của ông bằng cách viên thuốc, châm lửa, hít một hơi kêu ro ro cả nhà, rồi nhả một làn khói thuốc điệu nghệ, đôi mắt lim dim nhìn lên trần nhà nói: “Đứa nào nghịch thì chửi đứa đó. Bố nó đang ngồi hút thuốc lào.” Và như chiết radio vặn đúng đài, bà càng la to: “Nối giáo cho giặc. Bố nào con nấy, bảo sao con nó không hư.’’

Nói vậy chứ bà là người chiều con nhất nhà, đặc biệt là cô út của bà. Nhớ lại, những năm bà còn sống, thỉnh thoảng tôi về thăm bà là bà vui vẻ nấu cho các món ăn mà còn bé tôi vẫn thường ưa thích, rồi ép con ăn nhiều cho khỏe: “Ăn đi. Ở Mỹ làm gì có những món này mà ăn nhỉ?” Cảm động nhất là tối nằm ngủ trong mùng bà còn quạt cho ngủ.

Một việc mà không bao giờ bà quên là mỗi lần trước khi tôi trở lại Mỹ, ngoài cách biểu lộ tình thương, khóc khóc, mếu mếu ra, bà vẫn hỏi:

 

BM

 

-Còn đồng nào dư không dùng cho mẹ đi? Bà vừa nói, vừa ngửa bàn tay như ăn xin thằng con của bà.

 -Còn vài đồng lót túi đây, thôi mẹ lấy đi. Nhưng mà mẹ đâu có thiếu thốn gì?

 -Mẹ xin để dành đấy nếu con út nó cần thì cho nó.

 -Trời đất ơi! Mẹ lo gì vợ chồng con đó. Nó giàu hơn con ở Mỹ đó mẹ à. Nó chết đói làm sao được. Cái con lúc nào cũng cãi mẹ, hay gây chuyện và làm cho mẹ buồn hơi đâu mà phải lo cho nó.

 -Con nói vậy. Nước mắt thì bao giờ chả chảy xuôi.

 

BM

 

Đó là những giọt nước mắt chảy xuôi của mẹ tôi cho người con gái út của bà và cũng là em út của tôi. Còn những giọt nước mắt mà bà dành cho tôi là con trai trưởng của bà thì sao?

 Số tôi là số phải sống xa nhà, nên vừa đến tuổi hiểu được lòng mẹ, biết thương mẹ là phải xa cha mẹ, anh em. Tôi không biết có bao nhiêu đêm nước mắt mẹ tôi đã chảy ra vì chúng tôi, cách riêng là tôi. Dĩ nhiên, những giọt nước mắt ấy cũng là những giọt nước mắt chảy xuôi! Nhưng có những giọt nước mắt mà mẹ tôi dành cho tôi cách rất đặc biệt. Chúng đặc biệt mà cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi không khỏi xúc động, nghẹn ngào.

Thời gian đó, khi tuổi đã già và sức khỏe đã yếu, tôi hằng ngày vẫn điện thoại về thăm bà, và nhắc nhở các em, các cháu lo săn sóc cho bà. Thầy tôi đã qua đời trước đó, còn lại mình bà, bởi đó, hễ mỗi lần tôi nghe điện thoại reo là hồi hộp. Tôi sợ nhất là nếu có mệnh hệ gì tôi không được gặp bà trước lúc bà lìa trần thì đối với tôi là một bất hạnh. Trước đó lúc thầy tôi qua đời, ông đã bảo con cái dấu không được báo cho tôi biết vì sợ tôi tốn kém đi về, sợ tôi mất việc, sợ đủ thứ. Chính vì vậy, mà nếu lần này trước khi mẹ tôi qua đời mà tôi không được gặp thì không biết như thế nào.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, đó là buổi chiều của một ngày trong tháng Sáu… Em gái tôi gọi từ Việt Nam qua báo tin sức khỏe của mẹ tôi yếu lắm. Không biết bà còn sống được bao nhiêu lâu. Tôi hồi hộp quá, và nói với em tôi rằng nói với mẹ ráng chờ anh về.

 

BM

 

Tình mẹ thương con ôi thật lạ lùng. Mẹ tôi nằm đó trên giường bệnh mắt nhắm nghiền, không nói gì nhưng vẫn hoi hóp thở để chờ gặp đứa con trai đầu lòng của bà. Còn tôi, ngồi trên máy bay mà trong lòng hồi hộp. Dường như hôm đó máy bay bay hơi chậm! Và khi máy bay vừa hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đã liên lạc ngay với mấy đứa cháu đang chờ tôi bên ngoài.

Không cần quan tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh, tôi vội vã lên xe nôn nóng về gặp mẹ. Trên đường từ phi trường về, tôi lo là không biết niềm hy vọng gặp mẹ lần cuối của tôi có đạt được hay không. Tôi sợ nhất là khi về mà mẹ đã ra đi…

 Ngồi trên xe mà lòng tôi bồi hồi xao xuyến. Mấy đứa cháu thấy tôi sốt ruột thì an ủi: “Bác yên tâm, trước khi đi đón bác bà biết và bà nói muốn gặp bác. Chạy như vầy là tương đối nhanh rồi. Sợ lỡ bọn công an nó thổi lại thì còn lôi thôi hơn nhiều, mệt lắm bác ơi!”

 

Cuối cùng thì xe cũng về đến nhà. Tôi chạy vào bên giường mẹ hôn lên trán mẹ, và nói: “Mẹ ơi! Con đã về rồi mẹ. Mẹ ơi, con yêu mẹ!”  

 

BM

 

Tôi không thấy bà phản ứng gì nhưng chỉ thấy một số những giọt nước mắt ứa ra từ hai cặp mắt đã nhắm nghiền của mẹ. Tôi hiểu là bà đã chờ tôi. Và tôi biết đây là những giọt nước mắt cuối đời của mẹ chỉ dành riêng cho tôi. Những giọt nước mắt cuối cùng mà mẹ tôi không bao giờ chảy ra cho bất cứ ai.

Năm phút sau, mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng khoảng 12 giờ 30 trưa. Hôm đó là ngày 12 tháng 6 năm 2015!

 “Nước mắt mẹ chảy xuôi!”

 Mẹ ơi, giờ này trên nơi cao xanh kia cùng với thầy và các em của con hẳn mẹ không còn khóc nữa. Xin mẹ hãy nhìn xuống và chúc phúc cho chúng con. Mẹ đừng khóc nữa, nhưng hãy mỉm cười, vì những giọt nước mắt cuối cùng của mẹ con đang giữ trong tim.  

 

BM

 

Ngày của Mẹ, 8 tháng 5 năm 2022

 

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Ngọc Lan sưu tầm

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %08 %103 %2022 %21:%05
back to top